Một số kinh nghiệm xây dựng hạ tầng nông thôn ở tỉnh Luông Pha Băng, CHDCND Lào

Panfongpheth Bounchanh
NCS Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện Chỉ thị số 097 CT-TW, ngày 18/01/2020 của Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển nông thôn và giải quyết đói nghèo của nhân dân, tỉnh Luông Pha Băng (CHDCND Lào) đã đồng loạt triển khai các chương trình, chính sách và giải pháp nhằm thực hiện chương trình phát triển mạnh nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và đã gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt là trong việc xây dựng hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa được như mong muốn, rất cần có các giải pháp để công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thành công.

Từ khóa: Nông thôn mới; xây dựng hạ tầng nông thôn; Luông Pha Băng. 

1. Đặt vấn đề

Đối với phát triển nông thôn thì kết cấu hạ tầng là chìa khoá để mở cánh cổng thị trường, là mạch máu lưu thông của kinh tế nông thôn kết nối với các vùng, miền kinh tế khác. Hạ tầng nông thôn bao gồm nhiều yếu tố cấu thành, như: hạ tầng giao thông, hạ tầng giáo dục, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hoá, hạ tầng thông tin kỹ thuật số… Việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật là yêu cầu cấp thiết trong phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn. Có tác động kép, không chỉ là động lực để chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, tập trung, quy mô lớn, mà còn kéo theo sự thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế cho thấy, những địa phương có hạ tầng yếu kém thì khó thu hút các nhà đầu tư. Ngược lại, những địa phương, khu vực có hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ thì sẽ thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất.

2. Thực trạng xây dựng hạ tầng nông thôn của tỉnh Luông Pha Băng

Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được hoàn thiện, đưa vào sử dụng phục vụ cho phát triển kinh tế trong giai đoạn 2022 – 2023 đã được đầu tư tương đối từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, trong đó có những nguồn, như: 100% ngân sách nhà nước; thu hút đầu tư của tư nhân theo hình thức công tư; theo hình thức 100% vốn tư nhân… nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng hạ tầng ở nông thôn. 

Giao thông đường bộ hiện đại, nhiều tuyến cao tốc được mở kết nối giữa các vùng, các miền, kết nối giữa cảng hàng không thông qua hệ thống giao thông đường bộ. Hiện toàn tỉnh có 5.174,58 km đường giao thông, đường vào 744 thôn, chiếm 98,41% tổng số 756 thôn, vượt kế hoạch 2,49%, có thể sử dụng được 2 mùa, mùa mưa cũng có thể đi lại, di chuyển được, chiếm 72,44. %. Trong đó có 605,2 km quốc lộ, 564,05 km đường tỉnh, 358,22 km đường huyện, 238,68 km đường đô thị, 2.397,03 km đường nông thôn1, bao gồm các dự án xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp đường , các dự án tái thiết sau bão lũ và các dự án khẩn cấp.

Hệ thống điện được đầu tư rộng khắp, từ đồng bằng đến vùng núi đều được đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Hiện nay đã triển khai được điện lưới quốc gia đến được 12 huyện, thành phố. Tỉnh Luông Pha Băng có các nguồn sản xuất điện là đập thủy điện Nậm U1, Nậm U2 và Nậm U3, Nậm Khan 2, Nậm Khan 3; có công suất lắp đặt 700,07 MW, công suất sản xuất 2.889,57 kWh/năm, sản xuất 1.859,85 triệu KWh điện, bằng 80% kế hoạch (2.308,84 triệu kWh) trị giá 1.076.976,38 triệu kíp. Hệ thống đường dây điện được đầu tư mới trong năm 2023 là 1.476.584.85 triệu kíp. Sản xuất điện 1.859,85 triệu kWh điện, đạt 80,55% kế hoạch (2,308,84 triệu Kwh ), giá trị 1,076,976,38 triệu kíp, cao hơn năm 2022 là 339,608,47 triệu kíp. Số lượng các bản được sử dụng điện lới quốc gia là 702/752 bản, chiếm 93,35% số hộ2.  

Hầu hết các đơn vị sản xuất chế biến nông sản, kinh doanh dịch vụ du lịch khách sạn, sản xuất công nghiệp đã được trực tiếp sử dụng điện; nhiều nhà máy thuỷ điện đang được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, với địa bàn rộng, khu vực dân cư cách xa nhau giữa các bản, nên việc đầu tư hạ tầng ngành điện chưa được bảo đảm, như: huyện Pakxeng, Phonxay, Viengkham vẫn đang chưa đạt 100% số bản được dùng điện lưới quốc gia.

Thông tin liên lạc, viễn thông, internet phủ rộng khắp cả nước, tạo điều kiện cho khu vực nông thôn có thể tiếp cận được với khoa học – công nghệ, văn hoá – xã hội của thể giới thông qua internet, làm cho khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn lại; đồng thời, đáp ứng được nhu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử. 

Với tốc độ phát triển công nghệ thay đổi hằng ngày như hiện nay, sự tác động của Internet, trí tuệ nhân tạo, tự động hoá vào sản xuất đã tạo ra một làn sóng phát triển khoa học – công nghệ không biên giới, đã làm thay đổi trong phương pháp quản lý, tư duy quản lý trên toàn cầu. Công nghệ giúp thu hẹp khoảng cách không gian, giảm chi phí thực tế, rút ngắn thời gian nên đã nâng cao được hiệu quả tốc độ xử lý công việc, quản lý điều hành. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ trong quản lý hành chính đã trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ hội nhập quốc tế càng được đẩy nhanh thì áp lực về quá trình hiện đại hóa cải cách nền hành chính cũng phải diễn ra tương tự, vì vậy năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức cũng phải thay đổi theo.

Hiện nay, công nghệ thông tin đã được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực, từ quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý môi trường, dân số, như: định danh cá nhân, dự liệu Big data và nhiều công nghệ khác làm cho việc quản lý vận hành của cơ quan quản lý nhà nước thay đổi không ngừng. Tập trung phát triển thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông, internet để kết nối tốt hơn trong nước, tiểu vùng và cộng đồng quốc tế. Hiện nay, toàn tỉnh Luông Pha Băng có hệ thống dịch vụ bưu chính trên 11 huyện và 1 thành phố; có 1 công ty bưu chính, có 4 công ty dịch vụ viễn thông (gồm Công ty Lao Telecom, Công ty ETL, Công ty Unitel và Công ty Beline). Hệ thống di động thuộc các hệ khác nhau (2G, 3G, 4G), có 955 trạm di động, truyền tín hiệu phủ sóng trên 743 bản, bằng 98% số bản trên địa bàn tỉnh. Có hệ thống cáp quang truyền tín hiệu đến các huyện dài 21.430km, số lượng điện thoại di động, điện thoại có dây và điện thoại không dây là 729.638 cái3.

Hệ thống cung cấp nước trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa hoàn thiện, cả tỉnh mới chỉ 7/12 huyện có nhà máy xử lý nước sạch, phục vụ chủ yếu cho dân trong vùng đô thị, còn khu vực dân cư ngoài vùng lân cận và vùng nông thôn chưa có nước sạch để sinh hoạt. Vì vậy, nguồn nước người dân đang sử dụng vẫn là các nguồn nước sông, suối chưa qua xử lý. Việc đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước sạch đồng bộ trên tất cả các huyện sử dụng (đặc biệt là khu vực nông thôn) đang là khó khăn, trở ngại rất lớn trong phát triển nông thôn. Hệ thống xử lý nước thải và thoát nước tự nhiên vẫn chưa được xem xét và đầu tư đúng mức, hệ thống thoát nước cũ đã lạc hậu, thường xuyên ngập úng vào mùa mưa, nhiều nhà máy, xí nghiệp, trang trại vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường mà chưa có biện pháp xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường.

Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn để đầu tư xây dựng hệ thống hồ chứa nước, kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các nhà tài trợ để vận động, thu hút các nguồn: vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ về phát triển thuỷ lợi, tưới tiêu, giữ nước sản xuất.

Hệ thống giáo dục – văn hoá – thể thao được đầu tư mạnh, tất cả các bản đều có trường mầm non và trường tiểu học, trong đó có 574 bản được kiên cố hoá trường học, chiếm 76,33%, còn 178 bản chưa được đầu tư, trường tiểu học và mầm non đang là trường học tạm bợ, phân tán. Trường cấp 2 có 721 phòng học, trong đó, có 636 phòng học kiên cố, số lượng học sinh là 52.498 học sinh, trong đó học sinh nữ là 25.402 học sinh. Trường cấp 3 có 67 trường, có 830 phòng học, trong só có 48 trường được kiên cố hoá với số lượng 320 phòng học, số lượng học sinh là 28.264 học sinh, học sinh nữ là 13.536 học sinh4. Với điều kiện đi lại khó khăn, các điểm trường xa gia đình nên nhiều học sinh học xong tiểu học và trung học cơ sở không muốn tiếp tục học lên cao hơn. Chính vì vậy mà lực lượng lao động trong tỉnh thì đông, nhưng trình độ dân trí và trình độ tay nghề còn thiếu và yếu đã làm hạn chế việc phát triển nông thôn.

Hệ thống y tế, hiện nay tất cả các cụm bản đều có trạm y tế, tất cả các huyện đếu có bệnh viện, hệ thống bảo hiểm y tế được đưa đến rất nhiều các bản, bảo hiểm y tế được cung cấp miễn phí cho các khu vực vùng sâu vùng xa, học sinh mầm non, tiểu học được khám bệnh miễn phí, từng bước nâng cao dịch vụ y tế khu vực nông thôn.

Cơ giới hóa nông nghiệp. Việc áp dụng công nghệ máy móc tiên tiến vào sản xuất, đưa công nghiệp chế biến về khu vực nông thôn, dần thay thế sức người bằng máy móc thiết bị, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, thay thế việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu bằng sản xuất cánh đồng lớn thông qua dồn điền đổi thửa, được thay thế bằng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hoá, tự động hoá. Đã hình thành và phát triển những khu vực chuyên canh lớn tại các huyện, như: huyện Mường Nan chuyên canh cao su, sắn, ngô, lúa đã áp dụng được máy móc vào trong khâu làm đất, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển; huyện Nạm Bạc chuyên canh hoa màu, lúa ngô, đã áp dụng cơ giới hoá, tự động hoá vào làm đất, tưới tiêu, thuỷ lợi nội đồng…

Năm 2022, tổng bình quân của sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,8%, đạt được 14.615.518,17 tỷ Kíp, vượt kế hoạch 69,23%; GDP bình quân đầu người là 1.925,66 USD. Trong đó, tổng bình quân của nông phẩm và lâm sản đạt 1.855,3 tỷ Kíp, chiếm 33,4 % của GDP (tăng 3,31%). Tổng bình quân sản phẩm công nghiệp đạt 1.283tỷ Kíp (tăng 12,42%, chiếm 23% của GDP). Tổng bình quân hàng hoá dịch vụ đạt 2.427,7 tỷ Kíp, chiếm 43,6% GDP (tăng 10,73%). Tổng đầu tư 1.047 tỷ Kíp, trong đó vốn nhà nước là 158 tỷ kíp, vốn tư nhân 323 tỷ kíp, vốn vay 42 tỷ kíp và vốn hỗ trợ 524 tỷ Kíp5

Năm 2023, tổng sản phẩm bình quân trong nước (GDP) của tỉnh “đạt 5,1%, tương đương 16.083.074,58 triệu Kíp; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.084,90 USD/người/năm, tăng hơn so với năm 2022”6.

Những kết quả trên cho thấy, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, làm tăng thu nhập người dân và thúc đẩy phát triển xã hội lên một tầm cao mới. Đồng thời, thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế các sản phẩm nông nghiệp trong nước, tăng thu ngân sách cho tỉnh.

3. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện xây dựng hạ tầng tại tỉnh Luông Pha Băng

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với định hướng nhất quán, nông dân là chủ thể, nông nghiệp là nền tảng, nông thôn là địa bàn. Điều này vừa phù hợp với mục tiêu của Đảng, nguyện vọng của nông dân và bối cảnh thời đại hiện nay. Mục tiêu hướng tới là xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các huyện trong tỉnh, giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ.

Thứ hai, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn thông qua việc ban hành thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo động lực để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển nông thôn. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước trở nên tự chủ hơn, năng động theo quy luật thị trường và tiếp tục đầu tư phát triển nhiều hơn, trong đó xác định doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò dẫn dắt thị trường, phát huy hết các nguồn nhân lực sẵn có của doanh nghiệp. Thúc đẩy và khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển với tốc độ nhanh hơn và đồng đều hơn, cần có cơ chế chính sách thông thoáng, thuận lợi hơn để thu hoát các doanh nghiệp liên doanh liên kết, vốn đầu tư FDI; tận dụng mọi khả năng sẵn có, nguồn lực tại chỗ phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Thứ ba, phối hợp với chính quyền các địa phương lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn và huy động nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển nông thôn. Đặc biệt là các chương trình được Chính phủ và các tổ chức quốc tế đang hỗ trợ triển khai một cách thống nhất, có kế hoạch, định hướng cho từng mặt trong nông thôn, như: hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; triển khai các công trình nước sạch, đường giao thông nông thôn; hoặc sử dụng trong việc hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân địa phương một cách có hiệu quả, tránh lãng phí, tránh hỗ trợ sai người, không đúng đối tượng. Việc lồng ghép các Chương trình để thực hiện là rất cần thiết làm cho người dân phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững.

Thứ tư, tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các nhà tài trợ để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ trung ương, vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính lớn, nhằm thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhu cầu lương thực, thực phẩm trên thế giới đang rất lớn, hằng năm các nước xung quanh như Việt Nam, Thái Lan đã thu hút được hàng tỷ USD từ nước ngoài vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, chính vì vậy tỉnh Luông Pha Băng cần có nhiều chính sách thu hút đầu tư và tài trợ cho phát triển nông nghiệp, trong đó chính sách đất, thuế, phí và vốn tín dụng cũng như thủ tục pháp lý là vấn đề cần xem xét cải cách để phát triển và thu hút được ngồn vốn này.

Thứ năm, tăng cường huy động nguồn vốn qua kênh tín dụng; vốn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực dân cư và các thành phần kinh tế khác để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong nông nghiệp, tỷ suất lợi nhuận đang rất thấp, chi phí sản xuất cao, rủi ro lớn do các yếu tố phụ thuôc vào tự nhiên, nên chưa đủ hấp dẫn để huy động các nguồn lực nhàn rỗi trong dân. Các tổ chức tín dụng ngại rủi ro, ngại nợ xấu cho vay trong phát triển nông nghiệp, chính vì vậy, cần có chính sách để điều chỉnh dòng chảy vốn vào lĩnh vục nông nghiệp, như: thành lập các quỹ tín dụng nhân dân, chi nhánh, phòng giao dịch tại nông thôn, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ chế biến và bảo quản sau thu hoạch tại khu vực nông thôn, tạo dòng chảy tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ sáu, quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng nông thôn được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với hoạt động khai thác, kinh doanh của đơn vị khai thác tài sản kết cấu hạ tầng. Giao quyền tự chủ, tự quản lý các nguồn vốn duy tu bảo trì, bảo dưỡng, khấu hao tài sản cho các đơn vị quản lý trực tiếp, tránh tình trạng của công không ai chịu trách nhiệm, gắn trách nhiệm người đứng đầu ngành, bộ phận quan lý trực tiếp cơ sở vật chất, tránh tình trạng quản lý chồng chéo hoặc không có đơn vị quản lý trực tiếp.

Thứ bảy, Nhà nước từng bước tính đúng, tính đủ chi phí sử dụng, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng và thực hiện khai thác theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế theo nguyên tắc công bằng, thống nhất và đồng bộ, bảo đảm môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều chỉnh chính sách thuế theo hướng giảm và ổn định thuế suất, mở rộng đối tượng thu, điều tiết hợp lý thu nhập. Từng bước thực hiện phương pháp tính thuế, quản lý thu thuế, xử lý các vi phạm về thuế theo thông lệ quốc tế; hiện đại hóa công tác quản lý hành chính thuế và phát triển dịch vụ tư vấn thuế.

Thứ tám, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với công nghiệp dịch vụ tại chỗ. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại. Tăng mạnh hơn nữa tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ trong GDP. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu ngành sản xuất, mở rộng các khu công nghiệp nhỏ tại nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến, dịch vụ sau thu hoạch, như các chợ đầu mối, sàn giao dịch tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nhanh với thị trường, giảm chi phí trong khâu trung gian, tăng thu nhập cho nông dân. Đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, như: giống, kỹ thuật, cơ giới hoá, quản lý khoa học trong nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng. Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Thứ chín, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết là chú trọng việc đào tạo nghề nông cho nông dân và các chủ trang trại nhằm giúp họ nâng cao kiến thức hiểu biết về khoa học – kỹ thuật hướng tới năng suất lao động tăng cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; biết làm nghề nông một cách khoa học, có kỹ năng quản lý, có kiến thức thị trường để lựa chọn nghề sản xuất ra loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đồng thời, bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới để giúp họ tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển bản làng, tự giác đóng góp xây dựng và quản lý sau xây dựng các công trình hạ tầng của cộng đồng.

4. Kết luận

Về cơ bản, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đây cũng là yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh và bền vững. Xuất phát từ thực tiễn tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời kỳ mới, đòi hỏi phải không ngừng phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. Những năm qua, toàn dân đã ra sức xây dựng đất nước, không ngừng tăng tích lũy cho đầu tư phát triển, tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

Chú thích:
1. Sở Giao thông vận tải tỉnh Luông Pha Băng (2023). Báo cáo tổng kết năm 2023. 
2. Sở Bưu điện và viễn thông tỉnh Luông Pha Băng (2023). Báo cáo tổng kết năm 2023. 
3. Sở Năng lượng và Khoáng sản tỉnh Luông Pha Băng (2023). Báo cáo tổng kết năm 2023. 
4. Sở Sở Giáo dục đào tạo và Thể thao tỉnh Luông Pha Băng (2023). Báo cáo tổng kết năm 2023.  
5. Đảng bộ tỉnh Luông Pha Băng (2024). Báo cáo số 004BTV-LPB, ngày 29/4/2024 Tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Luông Pha Băng năm 2023.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Luông Pha Băng (2022). Báo cáo tổng kết kinh tế – xã hội năm 2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Sở Nông nghiệp và Nông lâm tỉnh Luông Pha Băng  (2023).  Báo cáo kết quả điều tra 3 năm thực hiện Nghị định chính phủ số 348/CP ngày 16/11/2017 về mục tiêu đánh giá tiêu chí hộ gia đình thoát nghèo, hộ gia đình phát triển , bản thoát nghèo. Bản phát triển, huyện thoát nghèo và huyện phát triển.
2. Tỉnh trưởng tỉnh Luông Pha Băng (2024). Tờ trình số 003/TTr-LPB, ngày 06/3 /2024 Tổng kết đánh giá tình hình thoát nghèo và phát triển theo Nghị định 348/CP về tiêu chí thoát nghèo và phát triển năm 2023 toàn tỉnh Luông Pha Băng.
3.  Chính phủ (2017). Nghị định số 348/CP, ngày 16/11/2017 về tiêu chí thoát nghèo và phát triển.
4. Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào (2020). Chỉ thị số 097/CT-TW, ngày 18/01 2020 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phát triển nông thôn.