Hà Nội tích cực cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân 

ThS. Lê Trung Thành
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Cải cách thủ tục hành chính là một yếu tố rất quan trọng giúp cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Nhận thức được điều đó, từ năm 2010 đến nay, Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí gia nhập và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp; tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng trong các chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư…tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng.

Từ khóa: Đảng bộ thành phố Hà Nội; cải cách thủ tục hành chính; kinh tế tư nhân.

1. Đặt vấn đề

Một trong những khó khăn của thành phố Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính đó là sự cồng kềnh, chồng chéo về thủ tục hành chính giữa các địa phương trong toàn thành phố. Vì vậy, cải cách thủ tục hành chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội. Theo đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố, các sở, ban, ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính đồng bộ, quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân của Thủ đô phát triển mạnh mẽ.

2. Chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ thành phố Hà Nội về cải cách thủ tục hành chính từ năm 2010 đến nay

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố Hà Nội (10/2010) xác định: “Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Tiếp tục hoàn thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, bảo đảm bình đẳng, minh bạch, an toàn, hiệu quả và có tính cạnh tranh cao. Tập trung nghiên cứu, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai đối với doanh nghiệp và công dân. Chủ động đối thoại, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư”1.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố Hà Nội, ngày 04/01/2011, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Công văn số 34-CV/TU về “Tổ chức thực hiện kết luận Hội nghi ̣triển khai nhiệm vụ năm 2011”. Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể thành phố tập trung quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện: “Tiếp tục thực hiện tốt “cơ chế một cửa”, “một cửa liên thông” để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Thủ đô; đẩy mạnh cải cách hành chính với những bước đi cu ̣thể, thiết thực, quyết liệt và hiệu quả hơn, đúng với vi ̣trí, vai trò là khâu đột phá, tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa có thể cho doanh nghiệp và Nhân dân; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bô,̣ công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”2.

Nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức và hành động từ quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp, xây dựng phong cách phục vụ của chính quyền các cấp đối với doanh nghiệp và công dân theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp, ngày 18/10/2011, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 – 2015, trong đó nhấn mạnh: “Tập trung chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực: thuế, hải quan, đăng ký thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điện năng… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động”3.

Thực hiện chỉ đạo trên, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản, giao các sở, ban, ngành vào cuộc quyết liệt để đơn giản hóa những thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp: ngày 13/12/2011, UBND thành phố phê duyệt Đề án “Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015” do Sở Nội vụ chủ trì; ngày 06/02/2012, UBND thành phố ban hành Chương trình hành động số 10/CTr-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình cải cách hành chính của thành phố; ngày 14/5/2012, UBND thành phố phê duyệt Chương trình đổi mới, hiện đại hóa ngành thuế, hải quan gắn với cải cách thủ tục hành chính để phục vụ cho doanh nghiệp phát triển do Cục Thuế và Cục Hải quan chủ trì; ngày 01/7/2013, UBND thành phố ban hành Quyết định số 4054/QĐ-UBND về ban hành quy chế phối hợp triển khai thực hiện hệ thống phần mềm cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh qua mạng cấp quận/huyện trên địa bàn Hà Nội…

Nhờ những chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, Hà Nội đã giảm thời gian giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp từ 5 ngày xuống còn 3 ngày từ ngày 01/01/2015 (sớm 6 tháng theo quy định từ 01/7/2015 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực). Đây là kết quả rất đáng khích lệ bởi ở các địa phương khác, như: TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…, thì thời gian xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư vẫn trong thời hạn 3 – 5 ngày làm việc4.

Bên cạnh đó, thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp… tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, góp phần giảm thời gian, chi phí cho cả người nộp thuế và cơ quan Thuế; đẩy mạnh hiện đại hóa công tác kê khai, thu nộp ngân sách nhà nước bằng các văn bản: Quyết định số 4645/QĐ-UBND ngày 06/10/2011 về phê duyệt Chương trình phát triển công nghệ thông tin đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Công văn số 616/UBND-THCB ngày 12/3/2012 về yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế… Nhờ sự tập trung triển khai nhiệm vụ của các cấp, các sở, ban, ngành, tính đến ngày 31/3/2015, đã có 101.232/104.227 (đạt 97%) doanh nghiệp ở Hà Nội kê khai thuế qua mạng5.

Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI (tháng 11/2015) xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong 3 khâu đột phá: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các chuẩn mực, quy định hành chính để Nhân dân giám sát… Thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng văn minh, hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn quy trình, nâng cao chất lượng giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước đối với tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn”6. Trên cơ sở đó, ngày 26/4/2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020 nhằm chỉ đạo các cấp, ngành trong toàn thành phố tập trung rà soát các quy định về thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện; ưu tiên thủ tục hành chính phục vụ khởi sự doanh nghiệp, đời sống dân sinh…

Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội (tháng 10/2020) tiếp tục xác định cải cách hành chính là khâu đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đưa kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững. Quán triệt tinh thần trên, ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 03-CTr/TU về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2025. Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, Thành ủy xác định mục tiêu: “Phấn đấu cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đủ điều kiện, đạt 100%; tích hợp 60% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia. Phấn đấu 100% số hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn. Đến năm 2025, phấn đấu có thêm 20% số lượng thủ tục hành chính được tinh gọn, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí…”7

Để đạt được mục tiêu trên, Thành ủy xác định một số nhiệm vụ, giải pháp sau: “Thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính… Bảo đảm các thủ tục hành chính được công bố, công khai, thông tin tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật… Hướng dẫn, tổ chức tập huấn, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy đinh về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính, thủ tục hành chính, trọng tâm là các thủ tục hành chính về chứng thực xác nhận, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở”8.

Để triển khai các chủ trương của Đảng bộ thành phố Hà Nội, UBND cùng các sở, ban, ngành của Thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tạo ra sự chuyển biến tích cực về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Ngày 03/8/2016, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 07/2016/QĐ-UBND về quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội. Quy định nêu rõ chức năng, quy trình, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức khi giải quyết các thủ tục hành chính đặc biệt là về các lĩnh vực: đất đai, đăng ký kinh doanh, cấp điện, nước…

Ngày 01/6/2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND về cải cách hành chính Nhà nước của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Văn phòng khẩn trương phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Chính phủ… Nhằm rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ngày 14/12/2021, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 286/KH-UBND về “Kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội”, trong đó trọng tâm là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tư pháp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải…, theo đó, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các quy định, cắt giảm các yêu cầu, điều kiện của hồ sơ, các quy trình thực hiện để bảo đảm hiệu quả rà soát.

Thực hiện triển khai các nhiệm vụ của đơn vị theo nội dung phương án ủy quyền thủ tục hành chính của UBND thành phố, ngày 22/11/2022, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4610/QĐ-UBND về phê duyệt phương án ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, UBND thành phố đã phê duyệt phương án ủy quyền thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp tư nhân từ Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư về Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND các quận, huyện, thị xã trên 6 nội dung: (1) Đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân; (2) Đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp tư nhân; (3) Đăng ký đổi tên doanh nghiệp tư nhân; (4) Đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp bán, tặng cho doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp chết; (5) Thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh đối với doanh nghiệp tư nhân; (6) Đăng ký thay đổi vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân. Đây là chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí để họ nhanh chóng gia nhập thị trường, bỏ vốn vào đầu tư sản xuất – kinh doanh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/01/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 605/QĐ-UBND về việc hợp nhất Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính; Chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ thành Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 Thành phố. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc hợp nhất trên – đây là bước đột phá lớn của thành phố Hà Nội. Điều đó thể hiện sự chủ động, sáng tạo và “tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội” với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc – một đầu mối xuyên suốt”, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Bên cạnh đó, Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã duy trì việc thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, đồng thời bảo đảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan trong vòng 3 ngày (trừ giải thể doanh nghiệp), tiếp tục duy trì thực hiện đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 2 ngày làm việc (trước 1 ngày so với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp) đối với quá trình giao dịch trên mạng và trả kết quả sau 2 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ bằng bản giấy tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 toàn thành phố đạt 55%; tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế qua mạng đạt 97%; số doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử bảo hiểm xã hội đạt 98,8%9.

Theo Báo cáo tổng kết công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của thành phố Hà Nội. Riêng trong năm 2023, UBND thành phố đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 122 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực, đạt tỷ lệ trên 20% thủ tục hành chính được đơn giản hóa; ban hành 21 quyết định, công bố 115 thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố. Có 1.191/1.889 thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình 110 thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xử lý 6.134 phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về quy định hành chính qua ứng dụng Zalo và trên hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị của Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, lãnh đạo thành phố đã duy trì tổ chức đối thoại với doanh nghiệp công khai, định kỳ ít nhất 2 lần/năm để gặp gỡ, lắng nghe và cùng tháo gỡ khó khăn, qua đó cải thiện hơn nữa thời gian xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp, có câu trả lời sớm nhất đến doanh nghiệp. 

Ngoài ra, thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, vay từ Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố, mặt bằng sản xuất – kinh doanh, xúc tiến thị trường… Hà Nội còn là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về việc triển khai chính sách hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu, phí làm dấu, chuyển phát nhanh trả kết quả tại nhà cho doanh nghiệp thành lập mới.

Những kết quả trên đã ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội trong cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời cũng khẳng định sự quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp với thành phố được khẳng định qua sự đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong thời gian từ năm 2010 đến nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn những hạn chế đó là: Cổng dịch vụ công Thành phố và hệ thống thông tin Một cửa điện tử của Thành phố còn nhiều lỗi phần mềm, gây khó khăn cho các đơn vị trong thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Số lượng các thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông còn ít, trách nhiệm phối hợp liên ngành trong giải quyết thủ tục hành chính liên thông chưa tốt, hiệu quả chưa cao do các cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng quy trình liên thông. Công tác cải cách thủ tục hành chính ở đơn vị cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường vẫn còn nhiều bất cập, cá biệt vẫn còn hiện tượng sách nhiễu người dân và doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất – kinh doanh. Một số thủ tục hành chính còn đòi hỏi nhiều giấy tờ, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhiều cửa, nhiều cấp trung gian, rườm rà, không rõ ràng về trách nhiệm… do vậy chưa thực sự tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất – kinh doanh.

Những hạn chế trên do một số nguyên nhân chính sau:

(1) Cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng là công việc khó khăn, phức tạp, đụng chạm đến tư tưởng, thói quen, thậm chí đến cả lợi ích của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ. Tồn tại và hậu quả của cơ chế cũ quan liêu trong tư duy và hành động ở các cấp, các ngành chậm được khắc phục. 

(2) Công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện ở một số cấp, ngành chưa đồng bộ. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự vào cuộc, chỉ đạo chưa quyết liệt, thậm chí có nơi còn “khoán trắng”cho cấp phó hoặc cơ quan chuyên môn. Kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính có bộ phận chưa thực hiện nghiêm; công tác tự kiểm tra, giám sát ở không ít cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp sai phạm còn thiếu kiên quyết…

Những hạn chế trong công tác cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã phần nào ảnh hưởng đến việc phát huy các nguồn lực của thành phố để phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra những khó khăn, bức xúc đối với công dân, tổ chức, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan công quyền.

3. Một số giải pháp 

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; Quyết định số 5432/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội về ban hành quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội… Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất cắt giảm ngay các “điểm nghẽn” cản trở kinh tế tư nhân phát triển, như: các điều kiện kinh doanh không cần thiết thuộc thẩm quyền quy định; các điều kiện kinh doanh chồng chéo, không định lượng được để minh bạch trong kiểm tra, thẩm định, đánh giá xét duyệt; các hoạt động kiểm tra chồng chéo, có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị trên các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn vay, thành lập doanh nghiệp…

Hai là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp trong tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là bộ phận thường xuyên làm việc, tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân; kiên quyết xử lý nghiêm người vi phạm, khen thưởng kịp thời những người thi hành xuất sắc nhiệm vụ, nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước và các đơn vị kinh tế tư nhân về giải quyết các thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu thời gian thực theo quy định tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, trong đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để chậm chễ, gây phiền hà, nhất là phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử trong cải cáchthủ tục hành chính giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, công nghệ internet… theo Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022, của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Khẩn trương triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) – kênh tương tác giữa chính quyền với người dân, góp phần công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về thủ tục hành chính và quá trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Bốn là, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe các ý kiến phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó giải quyết, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Thông qua việc tổ chức hội nghị, tọa đàm, gặp mặt với người dân và doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ các cấp trực tiếp lắng nghe ý kiến đề xuất, khó khăn trong sản xuất – kinh doanh để có sớm phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhà nước, từ đó giải quyết kịp thời những vướng mắc góp phần cổ vũ, biểu dương khuyến khích kinhtế tư nhân phát triển.

4. Kết luận

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, việc tiến hành cải cách thủ tục hành chính một cách hiệu quả là yếu tố then chốt để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để họ yên tâm đầu tư vào sản xuất – kinh doanh. Đối với các đơn vị kinh tế tư nhân, cải cách thủ tục hành chính cần phải hướng tới bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong giải quyết công việc đi đôi với việc phát hiện để xóa bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo… Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Đảng bộ và chính quyền các cấp, Hà Nội đã và đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ để khu vực kinh tế này trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Chú thích:
1. Thành ủy Hà Nội (2010). Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố Hà Nội. H. NXB Hà Nội mới, tr. 86.
2. Thành ủy Hà Nội (2011). Công văn số 34-CV/TU ngày 04/01/2011 về tổ chức thực hiện kết luận Hội nghi ̣triển khai nhiệm vụ năm 2011, tr. 3.
3. Thành ủy Hà Nội (2011). Chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XV), tr. 247.
4, 5. Tổng cục Thống kê (2016). Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2015. H. NXB Thống kê, tr. 157, 34.
6. Thành ủy Hà Nội (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 122.
7, 8. Thành ủy Hà Nội (2021). Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025.
9. Thành ủy Hà Nội (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025. H. NXB Thông tấn, tr. 44.