Nguyễn Cao Kỳ Duyên
Công ty TNHH Bệnh viện Việt Nhật
(Quanlynhanuoc.vn) – Nhật Bản có nền y tế phát triển hàng đầu Thế giới. Bên cạnh việc luôn đổi mới sáng tạo trong hoạt động khám, chữa bệnh nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho người dân thì việc Nhật Bản cải cách các hoạt động quản trị cung ứng dịch vụ công của các bệnh viện công lập cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh. Để đạt được những thành tựu này,Chính phủ Nhật đã có những chính sách quan trọng trong việc cải cách thể chế và phương thức quản lý chuyên biệt theo mô hình tập đoàn nhằm tạo tính tự chủ và nâng cao khả năng hoạt động của các bệnh viện công.
Từ khóa: Quản trị; cung ứng dịch vụ công; bệnh viện công lập; Nhật Bản; kinh nghiệm.
1. Đặt vấn đề
Dân số hiện tại của Nhật Bản là hơn 122 triệu người, chiếm 1,57% dân số thế giới và đang đứng thứ 11 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ, mật độ dân số của Nhật Bản là 344 người/km2, với tổng diện tích đất là 364.571 km2, 91,87% dân số sống ở thành thị, độ tuổi trung bình ở Nhật Bản là 49,2 tuổi. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản lại có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới khoảng 84 tuổi1, điều này là nhờ Nhật Bản có hệ thống an sinh xã hội tốt đồng thời cũng có một hệ thống dịch vụ y tế tiên tiến hàng đầu thế giới. Để có một nền tảng cơ sở vật chất hiện đại cùng với những đổi mới trong phương pháp quản trị cung ứng dịch vụ công tại các bệnh viện công lập, Nhật Bản đã đưa những cơ chế, chính sách thay đổi hoàn toàn phương thức tổ chức và hoạt động của các bệnh viện công lập, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Việt Nam cũng đang trong quá trình cải cách hành chính dịch vụ công trong đó việc thay đổi phương thức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp nói chung và bệnh viện công lập nói riêng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân là một trong những vấn đề nóng hiện nay. Do đó, từ những kết quả thành công của Nhật Bản, việc nghiên cứu “Kinh nghiệm của Nhật Bản về quản trị cung ứng dịch vụ công trong các bệnh viện công lập” là cần thiết nhằm mang lại những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
2. Kinh nghiệm trong việc quản trị cung ứng dịch vụ công trong các bệnh viện công lập của Nhật Bản
Thứ nhất, về mặt thể chế.
Việc tổ chức, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế tại Nhật Bản chủ yếu được thông qua bởi Luật Chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản.
Để đạt được điều này, Nhật Bản đã áp dụng mô hình quản lý công mới (NPM) trong đó: (1) Xác định mục tiêu, sứ mệnh, vai trò của các bệnh viện công lập; (2) Xác định việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện công lập trong quản lý thông qua việc áp dụng các công cụ quản lý kinh doanh; (3) Tạo cơ chế cạnh tranh giữa các bệnh viện công lập. Điều này góp phần tạo ra một cơ chế kinh doanh thực sự minh bạch, rõ ràng nhằm phục vụ cho người dân Nhật Bản trong quá trình khám,chữa bệnh.
Thứ hai, về tổ chức bộ máy và hoạt động của bệnh viện công.
Hội đồng quản lý là cơ quan hoạt động theo chế độ thảo luận tập thể về các vấn đề liên quan đến quản lý các bệnh viện. Mỗi bệnh viện có chức danh chủ tịch và bộ máy điều hành. Khác với giai đoạn trước năm 2000, mỗi bệnh viện có một hội đồng thì nay các bệnh viện được thành lập 3 hội đồng trong mỗi đơn vị, bao gồm: (1) Hội đồng quản trị là bộ phận cao nhất có quyền quyết định về tài chính và do Chủ tịch đứng đầu; (2) Hội đồng quản lý, điều hành có trách nhiệm quyết định các vấn đề về hành chính, điều hành hoạt động của đơn vị do Tổng giám đốc đứng đầu; (3) Hội đồng chuyên môn và nghiên cứu thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến hoạt động nghiên cứu và chuyên môn của bệnh viện. Như vậy, đã có sự phân công trách nhiệm giữa ba hệ thống cơ quan này nhưng chủ tịch là người có quyền ra quyết định cuối cùng dựa trên sự hỗ trợ của Hội đồng quản trị.
Việc tăng quyền quyết định cho chủ tịch và giảm các quyết định mang tính chất tập thể đã thể hiện rõ tầm quan trọng của chế độ lãnh đạo cá nhân, bảo đảm mọi vấn đề được quyết định nhanh và chủ tịch là người đứng đầu chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Tuy nhiên, các bệnh viện công của Nhật Bản cũng phải đối mặt với thách thức trong việc lựa chọn được chủ tịch là người có năng lực điều hành, quản lý bởi vì hầu hết họ là những người làm công tác chuyên môn về khám chữa bệnh nên thiếu những kinh nghiệm, kỹ năng trong lãnh đạo điều hành tập đoàn.
Dưới hội đồng quản lý các đơn vị thuộc khối hành chính, chuyên môn và một số viện nghiên cứu trực thuộc. Khối hành chính thực hiện các công việc giấy tờ, quản trị đơn vị, thu chi… Trong khi các khối chuyên môn thực hiện các công việc liên quan đến chữa bệnh và các nhiệm vụ khác theo yêu cầu được phân công. Tại các bệnh viện công của Nhật Bản, các viện nghiên cứu trực thuộc các đơn vị này rất được coi trọng và là đơn vị không thể tách rời của các bệnh viện.
Tại Nhật Bản, các bệnh viên được sắp xếp theo mô hình tập đoàn nhằm hoàn thiện hơn về khả năng kinh doanh, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Tại các bệnh viện công lập của Nhật Bảncòn thành lập một số viện nghiên cứu trực thuộc nhằm nghiên cứu và phát triển các loại dược phẩm cũng như các phương pháp khám, chữa bệnh mới có thể áp dụng ngay tại bệnh viện. Các bệnh viện công tại Nhật Bản cũng khuyến khích áp dụng và đổi mới các phương pháp mới trong quản lý và tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh. Điều này cũng lý giải một phần nào về nền y học tiên tiến và hiện đại của Nhật Bản hiện nay.
Thứ ba, về quản lý tài chính.
Cải cách hệ thống bệnh viện công ở Nhật Bản, trong đó nội dung chủ yếu là cải cách quản lý tài chính, hướng đến tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các bệnh viện bằng các biện pháp cụ thể sau:
(1) Tách bạch rõ ràng giữa bên mua và bên cung cấp các dịch vụ công. Bên cung cấp các dịch vụ công là các đơn vị sự nghiệp còn bên mua có thể là tổ chức, cá nhân, Chính phủ. Ngay cả Chính phủ nếu muốn sử dụng dịch vụ này cho các hoạt động ngoại giao hay thành viên Chính phủ cũng vẫn phải trả phí dịch vụ và không có ngoại lệ.
(2) Bảo đảm nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp đều từ việc cung cấp dịch vụ dựa trên cơ sở thu phí dịch vụ:
– Nguồn thu của bệnh viện thông qua thu phí dịch vụ, mức phí và phương thức thanh toán do Chính phủ quy định. Người bệnh thanh toán theo gói quyền lợi (OOP), trong đó có 95% chi phí của (OOP) là thanh toán đồng chi trả cho các khoản đã liệt kê trong mức/thang phí. Khoản phụ thu (tính cao hơn mức giá) hoàn toàn bị cấm.
– Chính phủ quy định khung mức phí và điều kiện thanh toán đối với tất cả bệnh viện. Tuy nhiên, mỗi bệnh viện có thể đưa ra mức thanh toán riêng của mình, tiền thuê nhân viên và các quyết sách về đầu tư. Hình thức thanh toán trực tiếp theo phí dịch vụ và thanh toán được kiểm soát bằng mức biểu phí, Chính phủ trực tiếp kiểm soát yếu tố giá cả. Mức biểu phí sau 2 năm được xem xét và rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp.
– Chính phủ thực hiện giám sát việc tuân thủ các quy trình và điều kiện thanh toán. Trước tiên,các bệnh viện cung cấp dịch vụ y tế gửi yêu cầu thanh toán đến các cơ quan có thẩm quyền. Sau khi yêu cầu thanh toán được sàng lọc điện tử, các bác sĩ có chuyên ngành tương đương được bổ nhiệm theo chu kỳ để kiểm tra lại yêu cầu thanh toán và có thể từ chối thanh toán trường hợp không phù hợp. Kết hợp kiểm tra và thực hiện kiểm toán tại chỗ dựa trên cơ sở lựa chọn yêu cầu thanh toán ngẫu nhiên, tiến hành kiểm tra chéo với bệnh án.
– Biểu phí không những quyết định mức thanh toán các dịch vụ mà còn ảnh hưởng đến phân bổ bác sĩ và y tá.
– Biểu phí quy định mức phí cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với các cơ sở y tế ở các địa phương (cơ sở y tế tư nhân tập trung chăm sóc sức khỏe ban đầu) cao hơn bệnh viện ở các thị xã, thị trấn, thành phố lớn. Nhờ đó có thể hỗ trợ, ưu đãi cán bộ y tế tham gia vào thực hành ở các cơ sở y tế tư nhân chăm sóc sức khỏe ban đầu.
– Biểu phí đề ra cùng mức phí, không phân biệt mức sống ở địa phương, nhưng cho phép các bệnh viện ở vùng nông thôn trả lương cho bác sĩ cao hơn và lương của y tá thấp hơn so với bệnh viện ở thành phố, ngược lại y tá thường bị ràng buộc với nơi họ sinh sống và làm việc.
Thứ tư, về nguồn nhân lực.
Các bác sĩ, y tá, người lao động của các bệnh viện công tại Nhật Bản không phải là công chức. Quy định không áp dụng chế độ công chức nhằm cho phép các đơn vị sự nghiệp có thể áp dụng chế độ tuyển dụng, hệ thống thang bảng lương và các điều kiện khác có liên quan đến nhân sự một cách linh hoạt hơn. Tất cả bác sĩ, y tá, người lao động thuộc biên chế của bệnh viện thì được bổ nhiệm bởi chủ tịch, còn những chuyên viên cao cấp như Tổng thư ký hay Tổng giám đốc do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định. Việc tuyển dụng nhân lực làm việc trong các đơn vị sự nghiệp đều do chủ tịch bệnh viện quyết định.
Quyền tự chủ trong quyết định số lượng người lao động trong các bệnh viện cũng là một trong những nội dung cải cách. Trước cải cách, biên chế được quy định cụ thể về số lượng và từng vị trí việc làm, do đó các bệnh viện công không có quyền chủ động trong việc quyết định số lượng nhân viên hay đổi mới tổ chức nhân sự nếu không được phép. Sau khi đổi mới mô hình hoạt động, các bệnh viện có quyền chủ động trong việc quyết định nhân sự phù hợp với nguồn ngân sách dưới sự điều hành, chỉ đạo của chủ tịch bệnh viện để có thể khai thác tối đa nguồn nhân lực. Một số bệnh viện xóa bỏ chế độ biên chế nhân sự cho từng khoa, phòng mà áp dụng chế độ quản lý chung cho toàn bộ đơn vị để có thể luân chuyển, bổ sung nhân sự giữa các phòng, khoa.
3. Nhận xét về kinh nghiệm của Nhật Bản trong tổ chức quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập
Thứ nhất, các đơn vị sự nghiệp công của Nhật Bản được tổ chức theo mô hình tập đoàn kinh tế và tách bạch công việc bởi 3 hội đồng quản lý các nhiệm vụ chuyên biệt. Điều này góp phần giúp cho việc chuyên môn hóa các hoạt động kinh doanh và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân cũng như tăng năng lực và kết quả kinh doanh của đơn vị.
Thứ hai, các đơn vị sự nghiệp công của Nhật Bản ngoài việc thu các loại phí theo quy định của Chính phủ thì vẫn được Chính phủ hỗ trợ một phần cho các hoạt động thường xuyên và các hoạt động khác (chủ yếu là trên lĩnh vực giáo dục). Điều này giúp cho các đơn vị sự nghiệp công của Nhật Bản yên tâm trong việc hoạt động nghề nghiệp và trả lương cho cán bộ, nhân viên của đơn vị.
Thứ ba, tại các đơn vị sự nghiệp công của Nhật Bản thì giảng viên, bác sĩ, y tá, người lao động không phải là công chức nhà nước, điều này giúp cho các đơn vị sự nghiệp công dễ dàng thay đổi thang bảng lương nhằm thu hút được người tài vào làm việc trong các đơn vị cũng như giúp cho người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công yên tâm công tác.
Thứ tư, mỗi đơn vị sự nghiệp công lập tại Nhật Bản được tự chủ quyết định về số lượng người lao động, quy mô tổ chức, số lượng phòng, khoa theo ngân sách, nhu cầu và định hướng phát triển riêng của từng đơn vị mà không cần có sự can thiệp của Chính phủ.
4. Kinh nghiệm cho Việt Nam
Qua kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, muốn nâng cao chất lượng hoạt động của các bệnh viện công lập của Việt Nam cần phải:
Một là, khuyến nghị xây dựng các chính sách trao quyền tự chủ cho các bệnh viện một cách toàn diện, quyền tự quyết về nhân lực, tổ chức bộ máy và một số các quyền khác.
Hai là, nhanh chóng chuyển toàn bộ bệnh viện nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập phải công khai tình hình hoạt động, tình hình tài chính như doanh nghiệp niêm yết, phải thực hiện kiểm toán định kỳ hằng năm…
Ba là, thay đổi phương thức quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với các bệnh viện công lập bằng cách để các đơn vị này: quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định giá; quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh..
Bốn là, có các chính sách khuyến khích nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ và y tá tại các bệnh viện công. Tăng cường các hoạt động đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cũng như bồi dưỡng nâng cao cả về đạo đức trong hoạt động khám, chữa bệnh. Thúc đẩy, tăng cường trao đổi, hợp tác, chia sẻ tri thức y học giữa các bệnh viện, viện nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm tiếp nhận những kỹ thuật y học tiên tiến và mới nhất.
Năm là, tăng cường xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng như xây dựng hệ thống máy móc, trang thiết bị tiên tiến nhằm hỗ trợ tốt nhất trong việc khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Ngoài ra, cũng cần có những chính sách ưu đãi về thuế đối với trang thiết bị y tế nhằm làm giảm giá thành sản phẩm, từ đó góp phần giảm giá dịch vụ khám, chữa bệnh nói chung để người dân tiếp cận được nhiều dịch vụ y tế hơn nữa.
Chú thích:
1. Dân số Nhật Bản. https://danso.org/nhat-ban/#google_vignette, truy cập ngày 15/11/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Overview of Japan’s Healthcare Delivery System. https://japanhpn.org/en/section-4-1/
2. OECD (2019). Reviews of Public Health: Japan. https://doi.org/10.1787/9789264311602-en
3. Công khai mọi dịch vụ công của ngành Y tế. https://nhandan.vn/cong-khai-moi-dich-vu-cong-cua-nganh-y-te-post624821.html
4. Dành ưu tiên cao nhất cho y tế cơ sở, nơi cung ứng các dịch vụ cơ bản và thiết yếu nhất với người dân. https://suckhoedoisong.vn/danh-uu-tien-cao-nhat-cho-y-te-co-so-noi-cung-ung-cac-dich-vu-co-ban-va-thiet-yeu-nhat-voi-nguoi-dan-169220408161013474.htm
5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cung ứng dịch vụ công. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/06/09/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-trong-cung-ung-dich-vu-cong/