Quan điểm của Ph.Ăngghen về nhà ở trong cuốn “Về vấn đề nhà ở” và ý nghĩa đối với việc phát triển nhà ở xã hội cho người lao động, người thu nhập thấp ở Việt Nam hiện nay

Nguyễn Thị Thu Hương
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn,

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích quan điểm của Ph.Ăngghen về nhà ở trong tác phẩm “Về vấn đề nhà ở” xuất bản năm 1872. Qua phương pháp nghiên cứu tài liệu và phân tích nội dung để làm rõ những luận điểm của Ph.Ăngghen về bản chất, nguồn gốc và giải pháp cho vấn đề nhà ở trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Nghiên cứu quan điểm của Ph.Ăngghen về nhà ở có ý nghĩa lịch sử to lớn và vẫn còn nguyên giá trị đối với việc phát triển nhà ở xã hội cho người lao động, người thu nhập thấp ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Ph.Ăngghen, nhà ở, chủ nghĩa xã hội, vấn đề nhà ở, nhà ở xã hội.

1. Đặt vấn đề

Vấn đề nhà ở luôn là một vấn đề xã hội quan trọng, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn, vấn đề nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người lao động, người thu nhập thấp đang đặt ra những thách thức lớn. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề nhà ở nhưng phần lớn các nghiên cứu này tập trung vào các khía cạnh kinh tế, chính sách hoặc thực trạng nhà ở tại Việt Nam, còn các nghiên cứu về cơ sở lý luận và phương pháp luận trong việc giải quyết vấn đề nhà ở từ góc độ triết học Mác – Lênin còn hạn chế.

Trong khi đó, các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, đặc biệt là tác phẩm “Về vấn đề nhà ở” của Ph.Ăngghen chứa đựng những luận điểm quan trọng về bản chất, nguồn gốc và giải pháp cho vấn đề nhà ở trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Nghiên cứu này nhằm mục đích phân tích sâu quan điểm của Ph.Ăngghen về nhà ở trong tác phẩm “Về vấn đề nhà ở”, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho việc phát triển nhà ở xã hội cho người lao động, người thu nhập thấp ở Việt Nam hiện nay.

2. Quan điểm của Ph.Ăngghen về nhà ở trong tác phẩm “Về vấn đề nhà ở”

Quan điểm của Ph.Ăngghen về vấn đề nhà ở mang tính cách mạng và có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vấn đề nhà ở hiện nay.

Ph.Ăngghen cho rằng, nhà ở là nhu cầu thiết yếu của con người. Con người cần có một chỗ ở ổn định để có thể sống và phát triển. Tuy nhiên, trong xã hội tư bản, nhà ở đã trở thành một vấn đề nan giải do sự bóc lột của giai cấp tư sản. Nhà ở đã trở thành một hàng hóa và người lao động phải trả một mức giá cao để có được một chỗ ở. Quan điểm này của Ph.Ăngghen hoàn toàn phù hợp với những quan sát của ông được trình bày trong tác phẩm “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh”.

Trong tác phẩm này, Ph.Ăngghen đã mô tả các khu nhà ổ chuột ở Luân Đôn, nơi mà người lao động bị nhét vào những căn nhà chật chội, thiếu ánh sáng, không khí và nước sạch. Họ phải trả những khoản tiền thuê nhà cắt cổ cho những chủ nhà tư bản. So sánh với các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu này đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc hơn về quan điểm của Ph.Ăngghen về nhà ở. Các nghiên cứu trước đây thường chỉ tập trung vào những tác phẩm kinh tế và triết học của Ph.Ăngghen, mà ít chú ý đến những tác phẩm của ông về vấn đề nhà ở. Nghiên cứu này đã lấp đầy khoảng trống đó bằng cách xem xét một cách chi tiết quan điểm của Ph.Ăngghen về nhà ở được trình bày trong tác phẩm “Về vấn đề nhà ở”.

(1) Trong tác phẩm “Về vấn đề nhà ở”, Ph.Ăngghen dành một phần đáng kể để phê phán quan điểm của trường phái Pru-đông về nhà ở.

Thứ nhất, Pru-đông cho rằng “quan hệ giữa người làm thuê với nhà tư bản là hoàn toàn giống quan hệ giữa người thuê nhà với người sở hữu nhà”1. Ph.Ăngghen bác bỏ quan điểm này, chỉ ra rằng trong vấn đề nhà ở, có hai bên đối lập nhau: người thuê nhà và người cho thuê nhà. Người thuê nhà muốn mua quyền sử dụng nhà ở tạm thời của người cho thuê nhà. Đây chỉ đơn thuần là một giao dịch mua bán hàng hóa chứ không phải giao dịch giữa người lao động và nhà tư bản, nơi mà bản chất là sự bóc lột giá trị thặng dư.

Trong vấn đề nhà ở, có hai bên đối lập nhau: người thuê nhà và người cho thuê nhà hay sở hữu nhà. Người thứ nhất muốn mua của người thứ nhì việc tạm thời sử dụng một căn nhà ở; anh ta có tiền hay có tín dụng, ngay cả khi anh ta phải mua tín dụng đó của người sở hữu nhà với một giá cắt cổ bằng cách trả thêm một khoản phụ vào tiền thuê nhà cũng vậy. Đó chỉ là một chuyện bán hàng hóa thôi, chứ không phải là một việc giao dịch giữa vô sản và tư sản, giữa công nhân và tư bản2.

Thứ hai, Pru-đông cho rằng, “ngôi nhà một khi được xây dựng xong, trở thành một lý do pháp quyền vĩnh cửu về một phần nhất định của lao động xã hội, ngay cả khi giá trị thực tế của ngôi nhà đã được trả, một cách quá đầy đủ và từ lâu cho người sở hữu nhà dưới hình thức tiền thuê nhà”3. Ph.Ăngghen cho rằng, quan điểm này thể hiện rõ sự thiếu hiểu biết của Pru-đông về kinh tế chính trị. Ông chỉ ra rằng, tiền thuê nhà không chỉ bù lại chi phí xây dựng mà còn phải bù lại chi phí sửa chữa, bảo trì, tiền lãi bị mất do không cho thuê được và đặc biệt là giá trị đất – nơi ngôi nhà được xây dựng.

Theo Ph.Ăngghen, “Người ta quên rằng tiền thuê nhà chẳng những phải bù lại tiền phí tổn về xây dựng, mà cũng còn phải bù lại tiền sửa chữa và tiền thu nhập bị mất đi do bị quỵt nợ, do không thu được tiền thuê nhà cũng như do nhà ở tạm thời chưa cho thuê được và cuối cùng tiền thuê nhà phải bù lại sự khấu hao của tư bản đã bỏ vào việc xây dựng một bất động sản không tồn tại vĩnh viễn và sau này sẽ trở thành không thể ở được và không còn giá trị. Ngoài ra, người ta quên rằng tiền thuê nhà cũng còn phải bù lại khoản tăng lên của giá trị của miếng đất, trên đó ngôi nhà đã được dựng lên và một phần tiền cho thuê nhà là địa tô”4.

Thứ ba, Pru-đông cho rằng, “trong đời sống của xã hội hiện đại, hợp đồng thuê nhà là một trong muôn nghìn sự giao dịch cũng cần thiết như sự tuần hoàn của máu trong cơ thể động vật vậy. Đương nhiên là vì lợi ích của xã hội đó mà quan niệm pháp quyền phải thâm nhập vào tất cả những sự giao dịch ấy, nghĩa là những sự giao dịch đó phải luôn luôn được tiến hành đúng theo những yêu cầu nghiêm khắc của công lý”5.Ph.Ăngghen cho rằng, quan điểm này là một mớ bòng bong, thể hiện sự mâu thuẫn giữa lý luận và thực tế. Theo Ph.Ăngghen, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã “thấm nhuần một quan niệm pháp quyền”, quan niệm về quyền được bóc lột người lao động và hợp đồng thuê nhà cũng không nằm ngoài quy luật đó6.

Thứ tư, Pru-đông than rằng, “trong những thành phố lớn, 90% dân cư và thậm chí nhiều hơn nữa, không có lấy một chỗ nào khả dĩ coi như thuộc sở hữu của họ được”7. Ph.Ăngghen cho rằng, việc tách người lao động khỏi ruộng đất là một quá trình lịch sử tất yếu, cần thiết để tạo ra giai cấp vô sản, giai cấp cách mạng hiện đại. Chính công nghiệp hiện đại đã tạo ra những điều kiện để xóa bỏ sự bóc lột giai cấp công nhân, chứ không phải là sự gắn bó với ruộng đất. “Chính công nghiệp lớn hiện đại đã làm cho người lao động bị gắn chặt vào ruộng đất trở thành một người vô sản hoàn toàn không có gì, thoát khỏi mọi xiềng xích cổ truyền, tự do như không khí; chính cuộc cách mạng kinh tế đó đã tạo ra những điều kiện duy nhất để xóa bỏ sự bóc lột giai cấp công nhân dưới hình thức cuối cùng của nó, tức là nền sản xuất tư bản chủ nghĩa”8.

Thứ năm, Pru-đông đề xuất giải pháp “sẽ mua lại ngôi nhà cho thuê… Người ta sẽ trả giá trị ngôi nhà mình ở cho người sở hữu cũ không thiếu một xu nào”9.Ph.Ăngghen cho rằng, việc người sở hữu nhà ở có thể không làm lụng gì mà vẫn thu được lợi nhuận từ việc cho thuê nhà là một tội ác. Ông đề xuất việc cấm các nhà tư bản không trực tiếp mua sức lao động thu lợi nhuận. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng điều này không hề động đến phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, không giải quyết được mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản. Ph.Ăngghen đã chỉ ra những điểm mâu thuẫn, sai lầm trong quan điểm của Pru-đông về nhà ở. Ông cho rằng, Pru-đông không chỉ thiếu hiểu biết về kinh tế chính trị mà còn có quan điểm bảo thủ, phản động, không thấy được bản chất của vấn đề nhà ở và con đường giải quyết triệt để vấn đề này.

(2) Phê phán cách thức giải quyết vấn đề nhà ở của giai cấp tư sản.

Ph.Ăngghen tiếp tục phê phán cách thức giải quyết vấn đề nhà ở của giai cấp tư sản. Ông cho rằng, các giải pháp mà giai cấp tư sản đưa ra chỉ là những biện pháp tình thế, không giải quyết được vấn đề một cách triệt để.

Một là, ông Dắc-xơ, người được Ph.Ăngghen dùng để đại diện cho quan điểm của giai cấp tư sản, cho rằng: “Chúng tôi dùng danh từ kinh tế – xã hội để chỉ học thuyết kinh tế chính trị được vận dụng vào những vấn đề xã hội – nói cho đúng hơn, toàn bộ đường lối và biện pháp mà khoa học đó cung cấp cho chúng ta để nâng những cái gọi là những giai cấp vô sản lên ngang với những giai cấp hữu sản, bằng cách căn cứ vào những “quy luật sắt” của khoa học đó và trong khuôn khổ của trật tự xã hội hiện hành”10. Ph.Ăngghen cho rằng, luận điểm này thể hiện rõ quan điểm của giai cấp tư sản về vấn đề nhà ở. Ông Dắc-xơ đòi hỏi những quy luật của kinh tế tư sản không được thay đổi nhưng những giai cấp vô sản phải được nâng lên ngang hàng với giai cấp tư sản. Ph.Ăngghen cho rằng, trong xã hội tư bản chủ nghĩa, việc biến tất cả những người làm thuê thành nhà tư bản là điều không tưởng11.

Hai là, Dắc-xơ cho rằng, “nhờ cải thiện nhà ở của những giai cấp cần lao, người ta có thể cứu chữa có kết quả sự khốn cùng về thể xác và tinh thần”12. Ph.Ăngghen cho rằng, Dắc-xơ không thể giải thích được tại sao lại có nạn khan hiếm nhà ở. Là một nhà tư bản, Dắc-xơ không thể hiểu được rằng đó là sản phẩm tất yếu của xã hội tư sản. “Chủ nghĩa xã hội tư sản đã bắt tay với chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản”13.

Ba là, Dắc-xơ cho rằng, “Nỗi nhớ của con người đối với quyền sở hữu ruộng đất quả là một điều rất đặc biệt; đó là một bản năng mà ngay cả nhịp độ quay cuồng của cuộc sống vụ lợi hiện nay cũng không thể làm nguôi đi được”14. Ph.Ăngghen cho rằng, Dắc-xơ đã sai lầm khi cho rằng con người luôn có nỗi nhớ đối với quyền sở hữu ruộng đất. Thực tế là, đối với người lao động, tự do đi lại là điều kiện sống còn quan trọng hơn. Việc cấp nhà ở cho người lao động sẽ chỉ càng ràng buộc họ, khiến họ khó kháng cự lại việc nhà tư bản hạ thấp tiền công15.

Bốn là, Dắc-xơ cho rằng, “Không phải chỉ riêng giai cấp công nhân mà toàn bộ xã hội đều rất quan tâm làm sao cho tuyệt đại đa số thành viên trong xã hội được gắn liền vào đất đai… bản thân những người lao động sẽ chuyển thành giai cấp những người hữu sản”16.

Ph.Ăngghen cho rằng, Dắc-xơ hy vọng người lao động sẽ thay đổi địa vị xã hội, từ bỏ địa vị giai cấp vô sản của mình. Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng, giai cấp tư sản không có khả năng giải quyết triệt để vấn đề nhà ở. Giải pháp mà họ đưa ra chỉ là những biện pháp chắp vá, tình thế, không thể giải quyết được mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản17.

(3) Nguồn gốc của vấn đề nhà ở và giải pháp của chủ nghĩa xã hội.

Ph.Ăngghen tiếp tục phê phán quan điểm của Muyn-béc-gơ, người tự nhận là tác giả của những bài báo trên tờ “Volksstaat” mà Ph.Ăngghen đã phê phán trước đó. Đồng thời, ông cũng làm rõ thêm quan điểm của mình về nguồn gốc của vấn đề nhà ở cũng như giải pháp của chủ nghĩa xã hội đối với vấn đề này.

Thứ nhất, Muyn-béc-gơ cho rằng, “ngôi nhà, một khi được xây dựng xong, trở thành một lý do pháp quyền vĩnh cửu về một phần nhất định của lao động xã hội, ngay cả khi giá trị thực tế của ngôi nhà đã được trả một cách quá đầy đủ và từ lâu rồi, cho người sở hữu nhà, dưới hình thức tiền thuê nhà. Chính vì vậy mà một ngôi nhà được dựng lên, cách đây 50 năm chẳng hạn, thì trong thời gian đó, tiền cho thuê nhà đã bù lại nhiều gấp 2, 3, 5, 10,… lần số tiền đã bỏ ra trước kia”18. Ph.Ăngghen cho rằng, Muyn-béc-gơ đã xuyên tạc các quan hệ kinh tế, thể hiện các quan hệ đó thành thuật ngữ pháp luật. Ông nhắc lại rằng, tiền thuê nhà bao gồm địa tô, chi phí sửa chữa và lợi tức của tư bản đầu tư. Đây là sự thật kinh tế mà Muyn-béc-gơ cố tình phớt lờ19.

Thứ hai, Muyn-béc-gơ cho rằng “kinh tế phải thấm nhuần một quan niệm về công lý”20.Ph.Ăngghen cho rằng, Muyn-béc-gơ đã sai lầm khi đòi hỏi xã hội phải thấm nhuần một quan niệm về công lý, bởi miêu tả là một việc, đòi hỏi lại là một việc khác. Chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ miêu tả sự vật, chứ không đòi hỏi thay đổi sự vật theo ý muốn chủ quan21.

Thứ ba, Muyn-béc-gơ cho rằng, “cả ông và Pru-đông chẳng có ai kêu gọi công lý vĩnh cửu để giải thích những tình trạng bất công”22. Ph.Ăngghen cho rằng, Muyn-béc-gơ đã nói dối khi khẳng định điều này. Ông chỉ ra rằng, “trong tất cả các tác phẩm của Pru-đông đều dùng “công lý” làm tiêu chuẩn để xem xét mọi nguyên tắc xã hội, pháp quyền, chính trị, tôn giáo và Muyn-béc-gơ thừa nhận hay bác bỏ những nguyên tắc ấy tùy theo những nguyên tắc ấy có phù hợp hay không phù hợp với cái mà ông ta gọi là “công lý”23.

Thứ tư, Muyn-béc-gơ cho rằng, “đối với sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, ý nghĩ muốn tiêu diệt sự đối lập đó chỉ là một ảo tưởng. Sự đối lập đó là một sự đối lập tự nhiên hay nói cho chính xác hơn: sự đối lập đó đã nảy sinh ra trong quá trình lịch sử… Vấn đề không phải là xóa bỏ sự đối lập mà chính là phải phát hiện ra những hình thức chính trị và xã hội khả dĩ làm cho sự đối lập ấy trở nên vô hại”24.

Ph.Ăngghen cho rằng, xóa bỏ sự đối lập giữa thành thị và nông thôn không phải là một ảo tưởng. Bởi vì, sự xóa bỏ đó ngày càng trở thành yêu cầu thực tế của sản xuất công nghiệp cũng như sản xuất nông nghiệp. Việc phân phối đều dân cư trong cả nước, kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, sẽ giải phóng con người khỏi những xiềng xích của quá khứ. “Xóa bỏ sự đối lập giữa thành thị và nông thôn không phải là một ảo tưởng, chẳng khác gì xóa bỏ sự đối lập giữa bọn tư bản và công nhân làm thuê cũng không phải là một ảo tưởng. Sự xóa bỏ đó ngày càng trở thành yêu cầu thực tế của sản xuất công nghiệp cũng như của sản xuất nông nghiệp”25.

Thứ năm, Muyn-béc-gơ cho rằng, “tôi giả định là đã đạt được việc thay đổi những quan hệ sản xuất; lúc đó thì đối tượng của pháp luật quá độ quy định tỷ suất lợi tức không phải là những quan hệ sản xuất mà là những sự cải biến xã hội, những điều kiện giao thông… Sự thay đổi trong những quan hệ sản xuất hay, như trường phái Đức đã nói một cách chính xác hơn, sự xóa bỏ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, không phải là kết quả của pháp luật quá độ thủ tiêu lợi tức, mà là kết quả của việc nhân dân lao động thực tế chiếm hữu toàn bộ công cụ lao động toàn bộ công nghiệp”26.

Ph.Ăngghen một lần nữa chỉ ra sự mâu thuẫn trong quan điểm của Muyn-béc-gơ khi cho rằng việc mua lại nhà ở là kết quả của việc xóa bỏ năng suất của tư bản, lúc khác thì lại cho rằng, đó là kết quả của việc nhân dân lao động chiếm hữu toàn bộ công cụ lao động. Theo Ph.Ăngghen, việc nhân dân lao động thực tế chiếm hữu tất cả những công cụ lao động không đồng nhất với việc “chuộc lại” theo kiểu Pru-đông. Bởi vì, theo cách giải quyết của Pru-đông, mỗi công nhân sẽ trở thành người sở hữu ngôi nhà, công cụ lao động của mình; còn theo cách giải quyết thứ nhất, “nhân dân lao động” là người sở hữu tập thể những ngôi nhà, nhà máy, công cụ lao động. “Điều đó cũng đúng y như xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất không phải là xóa bỏ địa tô, mà là chuyển nó cho xã hội, dù là dưới một hình thức đã cải biến. Do đó, việc nhân dân lao động thực tế chiếm hữu mọi công cụ lao động tuyệt nhiên không hề loại bỏ việc duy trì chế độ thuê và cho thuê nhà ở”27.

Thứ sáu, Ph.Ăngghen khẳng định lại quan điểm của mình về vấn đề nhà ở. Ông cho rằng, vấn đề nhà ở bắt nguồn từ sự tồn tại của xã hội tư bản chủ nghĩa. Do đó, muốn giải quyết triệt để vấn đề này, cần phải xóa bỏ xã hội tư bản chủ nghĩa, thay thế bằng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Trong đó, giai cấp công nhân phải chiếm hữu toàn bộ tư liệu sản xuất, tiến hành cải tạo xã hội. “Giai cấp vô sản hiểu biết về lĩnh vực đó, sẽ không bao giờ bị lúng túng trong việc xét xem, trong một trường hợp nhất định, họ sẽ phải hướng những cuộc tấn công chủ yếu của họ vào những chế độ xã hội nào và bằng cách nào”28.

3. Ý nghĩa lịch sử về nhà ở của Ph.Ăngghen đối với nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội cho người lao động, người thu nhập thấp Việt Nam hiện nay

Quan điểm của Ph.Ăngghen về nhà ở trong tác phẩm “Về vấn đề nhà ở” ra đời trong bối cảnh châu Âu thế kỷ XIX, khi mà quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ dẫn đến sự bùng nổ dân số đô thị và tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng cho người lao động. Tác phẩm đã chỉ ra nguồn gốc xã hội của vấn đề nhà ở, khẳng định nó không phải là vấn đề tự nhiên hay cá nhân mà là sản phẩm của chế độ tư bản với sự bóc lột và bất công xã hội.

Ph.Ăngghen đã phê phán các giải pháp giả tạo của chủ nghĩa tư bản, đồng thời đề xuất giải pháp căn cơ là xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa, trong đó nhà ở được coi là quyền cơ bản của mỗi người dân. Tác phẩm có ý nghĩa lịch sử to lớn, là cơ sở lý luận quan trọng cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân đòi quyền lợi về nhà ở, đồng thời định hướng cho các chính sách nhà ở xã hội của các nước xã hội chủ nghĩa sau này.

Mặc dù bối cảnh lịch sử đã có nhiều thay đổi nhưng những quan điểm của Ph.Ăngghen về nhà ở trong tác phẩm “Về vấn đề nhà ở” vẫn còn nguyên giá trị đối với nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội cho người lao động, người thu nhập thấp Việt Nam hiện nay. Thực trạng từ báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014 cho thấy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển nhà ở xã hội nhưng vấn đề này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt là công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn, dẫn đến việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế29.

Những tồn tại, hạn chế này một phần bắt nguồn từ việc chưa nhận thức đầy đủ vấn đề nhà ở là vấn đề xã hội, dẫn đến việc quá chú trọng vào các giải pháp kỹ thuật (như tăng nguồn cung) mà chưa quan tâm đúng mức đến các giải pháp xã hội (như bảo đảm công bằng xã hội, nâng cao thu nhập cho người lao động).

Luật Nhà ở năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 đã cải thiện được một số vấn đề, như: mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận nhà ở xã hội, tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan trong việc phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục cải thiện như: cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư, người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; quy định về quỹ đất, nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội.

Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, vấn đề nhà ở cho người lao động, người thu nhập thấp ngày càng trở nên cấp bách. Quan điểm của Ph.Ăngghen về nhà ở trong tác phẩm “Về vấn đề nhà ở” có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Tác phẩm khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở xã hội. Ph.Ăngghen chỉ rõ rằng, trong điều kiện kinh tế thị trường, nhà ở xã hội không thể tự phát triển mà cần có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước. Điều này đặc biệt đúng với Việt Nam, nơi mà thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, việc tiếp cận nhà ở của người thu nhập thấp còn gặp nhiều khó khăn. Nhà nước cần có những chính sách mạnh mẽ để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, từ việc quy hoạch quỹ đất, hỗ trợ vốn, đến việc kiểm soát giá cả.

Tác phẩm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề nhà ở một cách căn cơ, triệt để. Ph.Ăngghen phê phán các giải pháp tình thế, chỉ mang tính chất vá víu, không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Đối với Việt Nam, việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ đơn thuần là xây dựng thêm nhà ở mà cần gắn với các chính sách an sinh xã hội khác, như: tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tác phẩm nhắc nhở chúng ta về mục tiêu cuối cùng của việc phát triển nhà ở xã hội là bảo đảm quyền có nhà ở cho mọi người dân. Nhà ở không chỉ là nơi để ở mà còn là điều kiện để con người phát triển toàn diện. Việc bảo đảm quyền có nhà ở cho người lao động, người thu nhập thấp là góp phần thực hiện công bằng xã hội, xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.

Việc nghiên cứu, vận dụng quan điểm của Ph.Ăngghen về nhà ở sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề nhà ở xã hội, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này. Cụ thể, cần tập trung vào các nội dung sau:

Một là, cần nhận thức rõ vấn đề nhà ở xã hội là vấn đề mang tính xã hội, liên quan đến quyền lợi cơ bản của người dân. Nhà nước cần có vai trò chủ đạo trong việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, huy động nguồn vốn, xây dựng chính sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Hai là, cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đặc biệt cho người lao động, người thu nhập thấp trong việc tiếp cận nhà ở xã hội. Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn ưu đãi, mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Ba là, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về nhà ở xã hội. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, minh bạch, công khai, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014.

Bốn là, cần phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội, người dân trong việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Cần tạo điều kiện cho các tổ chức như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

4. Kết luận

Tóm lại, việc phát triển nhà ở xã hội cho người lao động, người thu nhập thấp là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay. Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Ph.Ăngghen về nhà ở, kết hợp với thực tiễn Việt Nam để hoàn thiện thể chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước góp phần thực hiện thành công mục tiêu an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập (1995). Tập 18. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 291, 292, 292, 293, 295, 296, 301, 302, 318, 318, 319, 324, 325, 326, 328, 329, 329, 368, 369, 369, 373, 374, 382, 383, 384, 385, 386, 394.
29. Bộ Xây dựng (2023). Tổng kết thi hành chính sách phát triển nhà ở xã hội và định hướng dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp. https://htpldn.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.