Chính sách an sinh xã hội trong vấn đề nhà ở của người lao động hiện nay

TS. Cao Quốc Hoàng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – An sinh xã hội là những hoạt động hướng vào việc phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro, khắc phục rủi ro và bảo đảm an toàn cuộc sống cho mọi thành viên trong xã hội. Ở nước ta còn rất nhiều nhóm người thuộc diện cần được trợ giúp từ chính sách an sinh xã hội. Đây là đối tượng xã hội yếu thế và giải quyết tốt vấn đề nhà ở sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và tính ổn định nhân lực lao động ở các khu công nghiệp. Bài viết nghiên cứu vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị và công nhân các khu công nghiệp; đồng thời, đưa ra một số khuyến nghị để người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chính sách an sinh xã hội nước ta hiện nay.

Từ khóa: An sinh xã hội, người thu nhập thấp, nguồn lao động, khu công nghiệp, nhà ở, công nhân.

1. Đặt vấn đề

Chính sách an sinh xã hội là một trong những chính sách thể hiện tính nhân văn và nấc thang văn minh của một chế độ xã hội. An sinh xã hội được đặc biệt coi trọng ở các nước đã phát triển. Chính sách an sinh xã hội là một phần biểu hiện trình độ phát triển kinh tế xã hội của quốc gia đó; đồng thời, thể hiện sự văn minh mà xã hội đó đạt được. Trên thế giới hiện nay, các nước phát triển thường có hai xu hướng thể hiện chính sách an sinh xã hội của họ hoặc là lựa chọn mô hình an sinh xã hội “Nhà nước phúc lợi” theo quan điểm của William Henry Beveridge (người Anh) hay là mô hình Otto Von Bismarck (người Đức) an sinh xã hội “Nhà nước xã hội”.

Ở Việt Nam hiện nay, các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực an sinh xã hội đang có mong muốn nhà nước hướng theo mô hình hỗn hợp là kết hợp giữa an sinh xã hội của “Nhà nước phúc lợi” và “Nhà nước xã hội” trong việc xây dựng và thực thi chính sách an sinh xã hội. Với mô hình chính sách an sinh xã hội kết hợp giữa an sinh xã hội của Nhà nước phúc lợi và an sinh xã hội của Nhà nước xã hội, phù hợp với năng lực kinh tế hiện nay và chính sách nhân văn theo định hướng của Đảng và Nhà nước ta.

2. Thực trạng nhà ở cho người lao động ở các khu công nghiệp và đô thị

Vấn đề nhà ở cho cư dân đô thị nói chung, cho người thu nhập thấp và công nhân các khu đô thị là những vấn đề khá nóng và nhạy cảm đối với Chính phủ các nước đang phát triển. Nhà ở cho người dân là một trong các tiêu chí đánh giá năng lực điều hành của chính phủ, chính quyền các địa phương và biểu hiện bản chất của chế độ xã hội ở Việt Nam. Chính vì thế, vấn đề nhà ở cho người lao động ở nước ta hiện nay cần được các cấp, các ngành quan tâm để góp phần nâng cao chất lượng an sinh xã hội và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Vấn đề nhà ở cho cư dân thu nhập thấp ở đô thị nước ta đã được Đảng, Chính phủ quan tâm từ rất sớm. Ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân lao động đã được quan tâm xây dựng từ rất sớm. Ở các thành phố này, các khu chung cư, nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân lao động được xây dựng dưới dạng nhà lắp ghép bê tông tấm lớn, theo mô hình thiết kế của Liên Xô trước đây nên đã xuống cấp khá nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi, xây dựng thành các khu chung cư mới cho cư dân nơi đây đang vấp phải những khó khăn nhất định. Chính quyền các thành phố đang tháo gỡ những khó khăn trong việc xóa bỏ các khu chung cư nhà lắp ghép bê tông tấm lớn để góp phần nâng cao đời sống cho cư dân nơi đây, đồng thời, góp phần đẩy mạnh thực hiện mục tiêu của chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Mặt khác, trên thực tế hiện trạng một số khu nhà ở tái định cư do thành phố Hà Nội xây dựng từ đầu năm 2000 đến nay đang xuống cấp do chất lượng vật liệu khi xây dựng công trình và kỹ thuật thi công. Những khu chung cư đó đã và đang xuống cấp đòi hỏi phải thay mới hoặc phải cải tạo, nâng cấp để bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Chính vì vậy, cư dân sống trong các khu chung cư lắp ghép bê tông tấm lớn cảm nhận các khu tái định cư đó chưa bảo đảm chất lượng như họ mong muốn nên việc chuyển đổi và thực thi chính sách an sinh xã hội về nơi ở cho cư dân thu nhập thấp tại đô thị còn gặp rất nhiều khó khăn.

Vấn đề nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, đặc biệt là ở các thành phố lớn, thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động đã và đang đem lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội. Tuy vậy, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp vẫn phải đi thuê nhà trọ chật hẹp và không bảo đảm an toàn.

Gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua việc dành khoản tài chính 120 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, hộ nghèo, cận nghèo… được vay mua nhà ở xã hội (Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ; Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ). Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước với đối tượng người thu nhập thấp ở đô thị, người lao động tại các khu công nghiệp, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo muốn có sở hữu căn hộ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chính sách tài chính vay mua nhà ở xã hội nói trên đang được các chuyên gia kinh tế, bất động sản chỉ ra những bất cập nhất định, đặc biệt là tính thực tiễn chính sách không cao, đó là:

Thứ nhất, chưa phân loại nhu cầu nhà ở của từng đối tượng và thực trạng thu nhập của đối tượng được hưởng chính sách tài chính đó. Đối tượng được mua nhà ở xã hội là gia đình có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở nông thôn và đô thị; người thu nhập thấp tại đô thị, lao động tại các khu công nghiệp; sỹ quan, quân nhân, công nhân thuộc các đơn vị công an, quân đội; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất mà chưa được bồi thường. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, mỗi nhóm đối tượng nêu trên có nhu cầu và khả năng đáp ứng việc mua nhà ở xã hội là rất khác nhau. Do đó, mục tiêu chính sách rất nhân văn và bao quát các đối tượng thụ hưởng nhưng thực tế thì chỉ một bộ phận trong một hoặc hai đối tượng nêu trên có khả năng có được nhà ở xã hội. Thực tế, giá nhà ở xã hội khá cao so với năng lực thu nhập và khả năng chi trả của người lao động. Một minh chứng cho thấy, người thu nhập thấp tại đô thị, thành phố lớn thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập các nhân tức là không quá 11 triệu đồng/tháng khi mua nhà ở xã hội phải đóng trước 20% nghĩa là còn vay ngân hàng (khoảng 1,2 tỷ đồng cho căn nhà ở xã hội khoảng 1,4 tỷ đồng). Lãi suất ngân hàng dành cho nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội là 8,2%/năm, đồng nghĩa với trả lãi ngân hàng gần 10 triệu đồng/tháng. Với thu nhập đó, lãi suất ngân hàng sẽ rất khó khăn cho người có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng.

Thứ hai, thiếu cơ chế, nguyên tắc phối hợp giữa Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương trong việc thực thi chính sách. Để thực thi chính sách nhà ở xã hội và gói tài chính Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện. Tuy nhiên, các địa phương đặc biệt là các thành phố lớn quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội là rất ít và gặp nhiều khó khăn do giá bồi thường thu hồi đất dành cho những mục tiêu công ích của đô thị. Các khu đô thị mới xây dựng phải dành 20% quỹ đất cho xây dựng các khu nhà ở xã hội nhưng quy định này rất ít được quan tâm hoặc gặp rất nhiều khó khăn hoặc bị chuyển thành xây dựng các khu nhà ở cao cấp thương mại nhằm đạt lợi nhuận tài chính cao cho nhà đầu tư và thành phố. Mặt khác, các chủ đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội với định mức thấp nên lợi nhuận đem lại không nhiều, nên rất ít công ty xây dựng tham gia dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Thứ ba, chính sách chưa đồng bộ và chưa sát thực tế đời sống xã hội. Chính sách nhà ở xã hội “điểm danh” tất cả các đối tượng được mua nhà ở xã hội nhưng thực tế không có nhiều người trong nhóm đó đủ khả năng chi trả tài chính để có được nhà ở xã hội. Thực tế này chỉ rõ, nhiều người đã trục lợi chính sách bằng cách đứng tên đăng ký mua nhà ở xã hội nhưng cho người khác mua, rồi sau đó, bán lại với giá cao hơn để lấy lãi. Quy định trong việc mua nhà xã hội là sau 5 năm mới được chuyển đổi, do đó, một nhóm người đã trục lợi từ chính sách, làm cho vấn đề nhà ở xã hội vẫn chưa được giải quyết, thậm chí còn gặp rất nhiều khó khăn.

3. Một số khuyến nghị

Một là, cần khảo sát, phân loại các nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội để bảo đảm mục tiêu chính sách an sinh xã hội của Chính phủ thành hiện thực cụ thể trong đời sống xã hội. Đánh giá đúng nhu cầu về nhà ở và năng lực chi trả tài chính để có thể chi trả mua nhà ở xã hội của từng nhóm đối tượng. Điều này tránh tình trạng nhu cầu thật nhưng thực tế khó thực hiện.

Hai là, cần cơ chế phối hơp giữa Bộ Xây dựng và chính quyền các thành phố, đô thị lớn trong việc quy hoạch, thực hiện nhà ở xã hội cho cư dân đô thị một cách hợp lý và thỏa đáng. Cần hướng đến một chính sách nhưng thực hiện nhiều mục tiêu. Ví dụ, xây nhà ở xã hội còn cần hướng tới nhiệm vụ tránh tập trung mật độ quá cao trong trung tâm gây nhiều áp lực về giao thông, điện, nước, học tập, trật tự, an toàn của đô thị… Do đó, vị trí xây dựng các khu nhà ở xã hội cần giải quyết nhiệm vụ giãn dân, đồng thời, kiến tạo môi trường sống mới thuận lợi, phù hợp để thu hút người dân đến sinh sống. Đồng thời, góp phần nâng cao mức sống của cư dân đô thị.

Ba là, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội cần thống nhất về lãi suất của người vay tiền để kinh doanh khác với người vay tiền mua nhà ở xã hội. Đối tượng được đăng ký mua nhà ở xã hội gồm cả các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng… Do vậy, cần thống nhất hạ mức lãi suất cho người vay mua nhà ở xã hội về mức phù hợp, ưu đãi để một phần hiện thực hóa mục tiêu chính sách an sinh xã hội của Chính phủ đi vào thực tế cuộc sống.

Bốn là, tổ chức Công đoàn, Hiệp hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp, chính quyền địa phương phối hợp, căn cứ nhu cầu về chỗ ở của công nhân mà xây dựng khu nhà ở cho công nhân, thuê hoặc mua cho phù hợp với năng lực và nhu cầu thực tế. Bảo đảm nơi ở phù hợp cuộc sống ổn định cho công nhân các khu công nghiệp là một trong những điều kiện để ổn định và tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp và nguồn thu thuế cho địa phương. Bởi lẽ nguồn nhân lực là yếu tố không thể thiếu trong quá trình vận hành sản xuất hàng hóa. Nguồn cung nhân lực lao động không ổn định, không bảo đảm là yếu tố tác động đầu tiên để các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc chuyển dây truyền sản xuất sang quốc gia khác. Do đó, để nguồn cung và chất lượng nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp vận hành và tăng trưởng thì vấn đề nhà ở cho công nhân là khâu rất quan trọng.

Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Nguyễn Văn Chiều (2014). Chính sách an sinh xã hội và vai trò của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị Quốc gia.
4. Cao Quốc Hoàng (2014). Góp phần định vị chính sách công ở Việt Nam. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 223 (8/2014).
5. Tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023. https://vienthongke.vn/tinh-hinh-thi-truong-lao-dong-viet-nam-nam-2023, ngày 03/02/2024.
6. Vai trò bảo đảm an sinh xã hội đối với người lao động. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/04/25/vai-tro-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-doi-voi-nguoi-lao-dong.
7. Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/04/16/bao-dam-an-sinh-xa-hoi-cho-nguoi-lao-dong-tren-dia-ban-thanh-pho-ho-chi-minh.