Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số góp phần phát triển bền vững miền núi hiện nay

Nguyễn Thế Quang
Trường THCS Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, chính trị ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn nhân lực được xem là tài sản lớn nhất, nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại và phát triển đất nướcỞ vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta, nguồn nhân lực dân tộc thiểu số là nhân tố trung tâm, có vai trò quyết định đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội. Bài viết phân tích thực trạng chính sách và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số hiện nay.

Từ khóa: Nâng cao chất lượng; nguồn nhân lực; dân tộc thiểu số; phát triển bền vững; vùng dân tộc thiểu số.

1. Đặt vấn đề

Phát huy nguồn nhân lực dân tộc thiểu số là vấn đề quan trong đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời là việc tạo điều kiện cho các yếu tố về khả năng, năng lực, trí tuệ và phẩm chất tinh thần của người dân tộc thiểu số được phát triển, đặc biệt cần tạo môi trường thuận lợi, sử dụng khai thác để nguồn nhân lực này có điều kiện phát huy hết khả năng, năng lực của mình trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Phát huy nguồn nhân lực dân tộc thiểu số là quá trình tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số nhằm tạo ra quy mô và cơ cấu ngày càng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, số lượng và chất lượng luôn gắn bó chặt chẽ với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Để phát huy nguồn nhân lực dân tộc thiểu số đáp ứng sự nghiệp đổi mới đất nước  các lĩnh vực như nâng cao chất lượng dân số, giáo dục – đào tạo, bảo đảm sức khoẻ, dạy nghề, tạo việc làm, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, khơi dậy những khả năng về năng lực vật chất và năng lực tinh thần của người dân tộc thiểu số, hoàn thiện cả về đạo đức, tay nghề và tâm hồn của họ. Do vậy, các chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số phải hướng theo nhu cầu của thị trường lao động; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho người lao động để họ có nhiều cơ hội phát triển. 

2. Một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trong sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt ưu tiên đầu tư, chung sức phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Nhiều chủ trương, chính sách trực tiếp tác động đến việc phát triển nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được thực hiện, như: chính sách xây dựng và phát triển hệ thống các trường phổ thông nội trú theo Thông tư số 16/GDĐT- ngày 14/8/1997 và Quyết định số 49/QĐ-GDĐT ngày 25/8/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chính sách cử tuyển học sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thực hiện theo Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị và Quyết định số 72/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 13/3/1990. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chính sách tuyển sinh, mở các lớp cử tuyển tại một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp nhằm đáp ứng yêu cầu về cán bộ là người dân tộc thiểu số tại địa phương; chính sách ưu tiên điểm đối với học sinh thi đại học, cao đẳng được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hằng năm là một trong những chính sách tạo cơ hội học cao đẳng, đại học học tập cho học sinh tại các vùng miền có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; Chính sách hỗ trợ học sinh là con hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg; Đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg; chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/QĐ-TTg hướng đến đối tượng cho vay khá rộng, gồm: học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Đồng thời, Nhà nước cũng ban hành một số chính sách có ảnh hưởng gián tiếp đến phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi, như: Chương trình 135 giai đoạn II thực chất là Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 phê duyệt Chương trình Phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững với 62 huyện nghèo từ năm 2009 – 2020; và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới; Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 về phê duyệt Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021 – 2025; đặc biệt có Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 ngày 19/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết số 120/2020 của Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Quyết định số 1719/2021/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có dự án thành phần “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” … Đặc biệt, ngày 30/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1657/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Đề án đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số1.

3. Những kết quả trong đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số thời gian qua

Công tác phát triển giáo dục – đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có những tiến bộ đáng khích lệ, chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng cao2. Trình độ dân trí của vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được nâng lên đáng kể. Về cơ bản, đã thực hiện thành công sự nghiệp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; quy mô đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tiếp tục tăng với tốc độ cao; trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật của lao động từng bước được nâng lên; tiềm lực và trình độ khoa học – công nghệ đã có những bước phát triển đáng kể… Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng ở các tỉnh và trung ương không ngừng được củng cố và phát triển, trong đó có 4 trung tâm đại học khu vực: Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ… 

Năm 2018, đồng bào các dân tộc thiểu số đã có trên 13.000 người có trình độ trên đại học, đại học, cao đẳng; hơn 78.000 người có trình độ trung học chuyên nghiệp…  Theo số liệu điều tra tình hình kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, thì tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông đạt 81,6%; tỷ lệ người đi học cấp tiểu học đạt 100,8 %; tỷ lệ người đi học cấp trung học phổ thông đạt 56,5%…3 Đến nay, tất cả các xã ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã có trường tiểu học, một số xã hoặc liên xã đã có trường phổ thông cơ sở thu hút phần lớn con em đồng bào dân tộc đến trường. Công tác xoá mù chữ, phổ cập giáo dục trong độ tuổi và cán bộ cơ sở được đẩy mạnh. Năm 2019, 98,6% số thôn thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số đã được tiếp cận điện. Trong đó, tỷ lệ thôn được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm tới 97,2%, tăng 4,2 điểm phần trăm so với năm 2015. Gần 90% các thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số đã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa, cao hơn gần 17 điểm phần trăm so với năm 2015. Hầu hết, các xã vùng dân tộc thiểu số đã có trạm y tế, chiếm 99,5%, tương đương với kết quả điều tra năm 2015. Tỷ lệ đi học chung cấp tiểu học của người dân tộc thiểu số là 100,5%, cấp trung học cơ sở là 85,8% và trung học phổ thông là 50,7%. So với năm 2015, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của người dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ở cấp trung học phổ thông với tỷ lệ đi học chung ở cấp này tăng 8,9 điểm phần trăm…4

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục chuyên biệt đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi (đặc biệt dạy tiếng dân tộc thiểu số và giáo dục văn hóa dân tộc) được quan tâm, củng cố và phát triển. Các chính sách ưu tiên hỗ trợ người dân tộc thiểu số được tăng cường. Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ vượt bậc như 100% số xã có trường tiểu học. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học dân tộc dần được nâng lên qua các năm học, đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn đào tạo nhân lực có chất lượng cho các địa phương. Trên 50% học sinh của các trường này thi đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng; 5% học cử tuyển, 13% vào dự bị đại học, 20% học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề, số ít còn lại tham gia công tác và lao động sản xuất ở địa phương. Hiện nay, cả nước có 5 trường dự bị đại học, 314 trường phổ thông dân tộc nội trú, 975 trường phổ thông dân tộc bán trú; 14 trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; hầu hết các xã có trường mầm non, 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm cụm xã có trường trung học phổ thông. Nhờ vậy, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ngày càng cao, chất lượng từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương5

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ. Cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở tất cả các cấp học tại các trường chính trị. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ người dân tộc thiểu số gồm các chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng về tin học, ngoại ngữ… Nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số được quan tâm cử tuyển đi học chuyên môn, nghề nghiệp ở các trường nội trú, đại học, cao đẳng để trở về xây dựng quê hương6

Loại hình trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú đang phát triển. Các tỉnh thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về nông nghiệp, quản lý kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế…7

Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, bảo đảm đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú…) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. 

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là:

Thứ nhất, trình độ kinh tế còn lạc hậu và sự đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế. 

Thứ hai, công tác quản lý về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực miền núi chưa được quan tâm đúng mức nhất là cơ chế, chính sách phát triển mạng lưới đào tạo nghề. 

Thứ ba, vùng dân tộc và miền núi có điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn. 

Thứ tư, công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh và các bậc phụ huynh còn nhiều hạn chế, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông còn gặp nhiều khó khăn.  

4. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số 

Một là, đổi mới chính sách giáo dục – đào tạo ở các cấp. Mở rộng việc dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong các trường phổ thông; đổi mới, nâng cao hiệu quả các chính sách cử tuyển dành cho con em các dân tộc thiểu số vào học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả trường phổ thông dân tộc nội trú; mở rộng các khoa dự bị đại học trong các trường đại học cho người dân tộc thiểu số; xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số theo từng cấp học, ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn. Có chính sách huy động mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trường học, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển toàn diện nguồn nhân lực. Cần đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục; thông tin đầy đủ về các chương trình hỗ trợ, chính sách cử tuyển, cơ hội học tập và nghề nghiệp, đồng thời phải phổ biến công khai, nhanh chóng, rộng rãi cho mọi đối tượng được biết; phổ biến các mô hình, các tấm gương (trong học tập và nghề nghiệp) ở địa phương để làm nhân tố nhân rộng; gây dựng và củng cố niềm tin về các cơ hội học tập và nghề nghiệp cho người dân tộc thiểu số, từ đó tạo nên động cơ thúc đẩy cả phụ huynh và học sinh nỗ lực phấn đấu theo học, chứ không chỉ dừng lại “học chỉ đủ để biết chữ”.

Ba là, đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số. Ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở đào tạo nhân lực ở các địa phương, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên; tập trung đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học phù hợp với trình độ, năng lực của học sinh, sinh viên người dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú; phát triển các loại mô hình trường dạy nghề gắn với các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội địa phương. Thực hiện các chương trình, mô hình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, hình thành thế hệ nông dân mới, biết ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, thích ứng với cơ chế thị trường; gắn đào tạo với tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số là một quá trình lâu dài, khó khăn, thách thức. Song đây là nhiệm vụ chiến lược cần tập trung thực hiện nhằm tạo nền tảng vững chắc cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là sự nỗ lực phấn đấu tự vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Năm là, tăng cường phát triển nhân lực chất lượng cao. Tăng cường thu hút con em là người địa phương tham gia đào tạo nghề sư phạm; phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số; có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nhân lực chất lượng cao để thu hút các nhà khoa học, nhà quản lý giỏi đến tham gia phát triển kinh tế – xã hội các xã vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

5. Kết luận

Để phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì tầm quan trọng của đào tạo nhân lực chất lượng cao được thể hiện ở các khía cạnh, đặc biệt bám sát tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Đảng, Nhà nước; trong đó có Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 19/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết số 120/2020 của Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 1719/2021/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có dự án thành phần “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”…

Chú thích:
1. Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số. http://dttg.ubdt.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-giao-duc-dao-tao-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-nguoi-dan-toc-thieu-so.htm;
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Khảo sát nhu cầu đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số tại một số địa phương. https://baodantoc.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-khao-sat-nhu-cau-dao-tao-can-bo-nguoi-dtts-tai-mot-so-dia-phuong-1727350825027.htm;
3, 4. Uỷ ban Dân tộc & Tổng Cục thống kê (2020). Kết quả điều tra tình hình kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019. H. NXB. Thống kê. 
5, 6. Thấy gì từ nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số sau đào tạo: Hiệu quả sử dụng chưa cao. https://baodantoc.vn/thay-gi-tu-nguon-nhan-luc-nguoi-dtts-sau-dao-tao-hieu-qua-su-dung-chua-cao-bai-1-1699862829071.htm;
7. Công bố kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế – xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019. https://baodantoc.vn/cong-bo-ket-qua-dieu-tra-thu-thap-thong-tin-thuc-trang-kt-xh-cua-53-dtts-nam-2019-1593776355853.htm.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Nguyễn Thị Minh Nguyệt (2020). Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc, Volume 9, Issue 1, March.