Phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Gia Lai – thực trạng và giải pháp

ThS. Hoàng Nguyễn Trí Dương
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai

(Quanlynhanuoc.vn)- Nông nghiệp công nghệ cao đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế; đồng thời, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Với tiềm năng về khí hậu, đất đai và nguồn nhân lực, tỉnh Gia Lai đã đạt được một số thành tựu trong việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều thách thức. Bài viết phân tích thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Gia Lai và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

Từ khóa: Công nghệ cao; nông nghiệp; phát triển; tỉnh Gia Lai; giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Gia Lai là tỉnh nằm ở phía Bắc của vùng Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 1.551,1 nghìn ha (lớn thứ 2 của cả nước), chiếm 28,4% diện tích tự nhiên vùng Tây Nguyên và 4,7% diện tích tự nhiên cả nước. Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người là 0,98 ha/người, cao nhất trong các tỉnh vùng Tây Nguyên, cao hơn bình quân toàn quốc  là 0,36 ha/người, dân số khoảng 1,6 triệu người1.Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh Gia Lai, nhiệm vụ chiến lược của tỉnh là: tập trung phát triển mạnh ngành nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm… đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp ở thị trường trong và ngoài nước.

2. Thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Gia Lai

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Chính phủ, các bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, như: Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 296/QĐ-BNN-KHCN ngày 16/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chiến lược phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 3394/QĐ-BNN-KTHT ngày 11/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030…

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của trung ương, tỉnh Gia Lai đã ban hành các nghị quyết, chính sách đặc thù của địa phương về hỗ trợ đầu tư hạ tầng sản xuất, hỗ trợ tín dụng, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, như: Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai phê duyệt Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040;Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của UBND tỉnh Gia Lai về việc ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 – 2025… Theo đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh những năm qua chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện các vùng sinh thái và địa phương trong tỉnh; đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; các cây trồng có giá trị kinh tế cao được mở rộng. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo hướngtiêu chuẩn hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, canh tác an toàn bước đầu được hình thành, cho chất lượng sản phẩm tốt, đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh có khoảng 255.668,4 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO chiếm 41,5% trên tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh, trong đó có khoảng 58.554,3 ha cây trồng được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn đối với các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, chè, rau, củ, trái cây, lúa…; có 1 doanh nghiệp và 3 hợp tác xã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tiêu chuẩn Việt Nam, Hoa Kỳ (USDA), Hàn Quốc, Nhật Bản (JAS), EU cho 110 ha cây trồng bao gồm cà phê, tiêu, trái cây và cà gai leo. Hiện nay, có 2 doanh nghiệp và 4 hộ nông dân đang tham gia thực hiện chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ (khoảng 66,7 ha cà phê, hồ tiêu và chè)2.

Có 12 cơ sở chăn nuôi có sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP: 1 cơ sở nuôi ong với sản lượng 250 tấn/năm; 1 cơ sở nuôi gia cầm với sản lượng 300.000 quả trứng/năm; 9 cơ sở nuôi heo với sản lượng 329.600 con heo thịt/năm; 372.000 con heo con/năm; 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là Công ty Cổ phần chăn nuôi bò thịt, bò sữa Cao Nguyên3.

Áp dụng tiêu chuẩn trong sơ chế, chế biến nông – lâm – thủy sản, trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở đã được chứng nhận HACCP; 22 cơ sở được chứng nhận áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000; 3 cơ sở chứng nhận FSSC; 1 cơ sở chứng nhận BRCS. Hiện tại, 3 doanh nghiệp đã thực hiện công bố hợp quy, gồm: Công ty TNHH MTV Thành Công Gia Lai, Chi nhánh Công ty đường Quãng Ngãi – Nhà máy đường An Khê và Công ty Cổ phần chăn nuôi bò thịt, bò sữa Cao Nguyên4.

Hạ tầng sản xuất phục vụ nông nghiệp công nghệ cao đã được đầu tư, xây dựng. Diện tích nhà kính, nhà lưới các loại trên địa bàn tỉnh được đầu tư trên 6,2ha: Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú, đầu tư 4,2 ha sản xuất rau; Công ty OLam đầu tư hệ thống nhà kính, nhà lưới khoảng 2 ha tại huyện Chư Pưh để tiến hành nhân giống hồ tiêu… Có 4 hệ thống truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh có 28.130,6 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước5.

Thị trường khoa học – công nghệ được hình thành và phát triển, đến nay, có 45 đơn vị đăng ký hoạt động khoa học – công nghệ, các tổ chức này đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động khoa học – công nghệ, nghiên cứu triển khai ứng dụng các đề tài, dự án vào phát triển sản xuất – kinh doanh, quản lý nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, hình thành các chuỗi liên kết, phát triển sản xuất gắn với chế biến, phát triển các vùng chuyên canh tập trung, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo ra các loại hàng hóa có tính cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ; phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng của tỉnh góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Công tác tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết trên các loại cây trồng nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại kết quả vượt trội so với diện tích bên ngoài mô hình, cả về năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản, giúp hình thành diện tích vùng trồng lớn, tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, ổn định được đầu ra cho sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng 12 chuỗi liên kết sản xuất; các doanh nghiệp đã chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân để xây dựng mô hình liên kết6.

Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao tăng qua các năm. Hiện có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đó là: Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú, Công ty cổ phần chè Bầu Cạn, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, 32 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mã số vùng trồng được cấp là 228 mã số, trong đó: 01 mã vùng nội địa, 227 mã vùng xuất khẩu với diện tích 9.670,5 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.550 – 1.700 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu trái cây xuất khẩu sang thị trườngTrung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ…  Các số liệu trên chứng minh sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang chuyển dịch theo chiều sâu, nâng cao giá trị, nhất là định hướng sang xuất khẩu7.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, về cơ bản nền nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh vẫn phát triển chậm so với tiềm năng và lợi thế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hầu hết là quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn hạn chếhoặc khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn cho đầu tư phát triển mô hình; chưa thực sự quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm dẫn đến tính cạnh tranh kém; đời sống của người dân sản xuất nông nghiệp đa số còn rất nhiều khó khăn nên việc đầu tư áp dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Diện tích áp dụng công nghệ mới còn chiếm tỷ lệ thấp, thiếu tập trung, chủ yếu là các hộ kinh doanh, hộ nông dân đầu tư sản xuất quy mô nhỏ lẻ, không đồng bộ, chưa thực sự tạo được động lực phát triển công nghiệp chế biến. Việc áp dụng khoa học – công nghệ; công nghệ cao còn chậm, chi phí cao, đôi khi không hiệu quả do các vùng nguyên liệu diện tích canh tác nhỏ, không tập trung.

Cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hạ tầng thủy lợicủa tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tỷ lệ tưới chủ động từ các công trình thủy lợi đáp ứng 12,5%, rất thấp so với bình quân chung của cả nước và khu vực Tây Nguyên (cả nước đạt 51,4%, khu vực Tây Nguyên 28%); các hạ tầng phục vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, giao thông khu vực sản xuất nông nghiệp, logistic và các nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Các liên kết trong sản xuất nông nghiệp chưa vững chắc, thiếu các doanh nghiệp mạnh đầu tư vào nông nghiệp, vấn đề môi trường trong chăn nuôi, thông tin chính sách, chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp còn hạn chế.

3. Một số giải pháp đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Gia Lai 

Để đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh một cách hiệu quả và bền vững, tỉnh Gia Lai cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, làm tốt công tác quy hoạch và phát triển ngành, nhất là hoàn thiện và thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở lợi thế tự nhiên, khả năng đầu tư, cân đối cung cầu; nâng cao chất lượng khâu xác định, lựa chọn, ưu tiên đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học – công nghệ cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp cơ sở, các mô hình, dự án… từ nguồn ngân sách khoa học – công nghệ, ngân sách sự nghiệp phù hợp với định hướng, kế hoạch, mục tiêu, có tính thiết thực, ứng dụng cao và sát với tình hình thực tế phát triển nông thôn trên địa bàn.

Hai là, phát triển nông nghiệp công nghệ cao các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô lớn ứng dụng khoa học – công nghệ theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng thị trường và phục vụ du lịch. Xây dựng hình thành các chuỗi liên kết với đầu chuỗi là các doanh nghiệp có uy tín. Khắc phục điểm yếu của nông nghiệp là giá trị trên một đơn vị diện tích thấp và trình độ lao động sản xuất nông nghiệp chậm được nâng lên.

Ba là, đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đã được ban hành và tăng cường thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến gắn với vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bốn là, tăng cường đầu tư hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, với hình thức Nhà nước hỗ trợ đầu tư giao thông, thủy lợi, doanh nghiệp đầu tư nhà máy, kết hợp chuyển đổi số trong nông nghiệp. Mặt khác, cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Năm là, xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ giống, vật tư sản xuất cho các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà doanh nghiệp là đầu tàu của chuỗi.

Sáu là, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng công tác dự báo, định hướng tiếp cận thị trường sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Đẩy mạnh ứng dụng khoa học –  công nghệ số hóa trong thống kê, xây dựng dữ liệu của ngành, dự báo tình hình thị trường; đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và các kênh phân phối sản phẩm.

Bảy là, chủ động mở rộng liên kết, hợp tác với các viện, trường đại học, các cơ sở nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các tiến bộ khoa học – công nghệ. Có chính sách đặc thù thu hút nguồn nhân lực có trình độ khoa học – kỹ thuật cao từ các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao về làm việc hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh; đồng thời,xác định, lựa chọn tiến bộ khoa học – kỹ thuật, quy trình sản xuất, cây trồng, vật nuôi… phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất.

4. Kết luận

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại trước áp lực của nhu cầu tiêu dùng nông sản tăng nhanh do việc tăng dân số, biến đổi khí hậu, yêu cầu hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để tạo tiền đề cho ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, như: nông dân, doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức chính trị xã hội… để phát huy sức mạnh, tạo đà cho nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh phát triển.

Chú thích:
1. https://gialai.gov.vn/gioi-thieu/dieu-kien-tu-nhien.7.aspx, truy cập ngày 20/10/2024.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (2024). Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu”.
3, 4, 5, 6, 7. Tỉnh ủy Gia Lai (2023). Báo cáo giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Thị Minh Bình (chủ biên, 2018). Nghiên cứu so sánh chính sách nông nghiệp ở Trung Quốc, Thái Lan, Isarel và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. H. NXB Khoa học xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1, II.H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Hoàng Thị Minh Hà, Đinh Thị Hảo (2022). Cơ cấu lao động theo trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đến năm 2025. Tạp chí Kinh tế Tài chính Việt Nam, số 01/2022.
4. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 899/2013/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 về phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
5. Hội đồng Lý luận Trung ương (2022). Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
6. Phát triển nông nghiệp Việt Nam: vấn đề đặt ra và một số giải pháp.https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/828917/phat-trien-nong-nghiep-viet-nam–van-de-dat-ra-va-mot-so-giai-phap.aspx
7. Phát triển nguồn nhân lực cho ngành Nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/11/16/phat-trien-nguon-nhan-luc-cho-nganh-nong-nghiep-cong-nghe-cao-o-viet-nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te/