Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của một số quốc gia và kinh nghiệm đối với Việt Nam

ThS. Mai Lâm Sơn
Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Quanlynhanuoc.vn) – Tài nguyên khoáng sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của các quốc gia. Mỗi quốc gia đều quan tâm, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo đặc thù nguồn lực khoáng sản của quốc gia. Bài viết khái quát kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản của một số quốc gia trên thế giới, từ đó, rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản, nâng cao hiệu lực quản lý, góp phần khai thác khoáng sản có hiệu quả, bền vững.

Từ khóa: Khoáng sản; khai thác; hoạt động; kinh nghiệm; quản lý nhà nước.

1. Đặt vấn đề

Tài nguyên khoáng sản là tài sản hữu hình và là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013, tài nguyên khoáng sản là “tài sản công” thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Với tư cách là đại diện chủ sở hữu, Nhà nước phải tổ chức quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả khoáng sản để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng với nhiều loại khoáng sản khác nhau đã đem lại lợi ích cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, khoáng sản là hữu hạn, hầu hết không tái tạo, đòi hỏi việc khai thác khoáng sản phải tiết kiệm có hiệu quả nhằm phát huy tối đa nguồn lực này cho mục tiêu phát triển trước mắt cũng như lâu dài. 

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước (QLNN) đối với hoạt động khai thác khoáng sảnthì việc tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia là rất quan trọng. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình quản lý tài nguyên khoáng sản nói chung và hoạt động khai thác khoáng sản nói riêng trên phạm vi toàn lãnh thổ.

2. Kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản của một số quốc gia trên thế giới

2.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia có nhiều ưu thế về tài nguyên khoáng sản, hiện là quốc gia cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 70% hoạt động khai thác đất hiếm trên toàn cầu (Nguyên Hạnh, 2023). Công tác QLNN về hoạt động khai thác khoáng sản ở Trung Quốc luôn được chú trọng nhằm bảo đảm việc sử dụng bền vững và hiệu quả tài nguyên khoáng sản của quốc gia.

Về ban hành, tuyên truyền các văn bản pháp luậtTrung Quốc ban hành Luật Khoáng sản lần đầu tiên vào năm 1986 và được sửa đổi vào năm 1996 và 2009. Luật Khoáng sản quy định tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước. Ngoài ra, hoạt động khai thác khoáng còn tuân theo Luật Bảo vệ môi trường. Các dự án khai thác khoáng sản phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường. Mọi dự án đều phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (EIA) trước khi được cấp phép khai thác. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng ban hành các chính sách ngành phù hợp. Chính phủ Trung Quốc ban hành nhiều chính sách nhằm điều chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản, như: chính sách công nghiệp cho ngành công nghiệp khoáng sản hay kế hoạch 5 năm phát triển ngành khai thác…đã đưa ra các tiêu chuẩn về khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện. 

Để các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, chính quyền ở Trung Quốc cũng chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông, báo chí, internet, chương trình phát sóng với các video tuyên truyền; sử dụng trang web chính thức và mạng xã hội như WeChat, Weibo; thực hiện chiến dịch tuyên truyền trực tiếp thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo; kết hợp giáo dục pháp luật…

Về xây dựng quy hoạch khai thác khoáng sảnchính quyền Trung Quốc xây dựng quy hoạch tổng thể cấp quốc gia về hoạt động khoáng sản, trong đó có khai thác khoáng sản nhằm định hướng cho hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trên toàn lãnh thổ. Quy hoạch này thường được xây dựng cho giai đoạn 5 – 10 năm và được xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn.

Công tác xây dựng quy hoạch khai thác khoáng sản cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển và ứng dụng các công nghệ hiện đại. Chính quyền khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ khai thác tiên tiến nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường. Quy hoạch khai thác khoáng sản ở Trung Quốc được quản lý và giám sát ở nhiều cấp, từ trung ương đến địa phương. Chính quyền trung ương thiết lập các chính sách và định hướng quy hoạch tổng thể, trong khi chính quyền địa phương thực hiện giám sát, cấp phép và quản lý trực tiếp các dự án khai thác.

Về tổ chức thực hiện quy hoạch khai thác khoáng sản: đối với việc cấp, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản được chính quyền Trung Quốc cấp cho các doanh nghiệp đã hoàn thành giai đoạn thăm dò và có đủ điều kiện để tiến hành khai thác. Giấy phép xác định phạm vi khu vực khai thác, loại khoáng sản được phép khai thác và thời hạn khai thác cụ thể. Ngoài ra, Trung Quốc áp dụng hạn ngạch khai thác để quản lý việc khai thác một số loại khoáng sản chiến lược (như đất hiếm) thông qua hạn ngạch sản xuất. Các hạn ngạch này được thiết lập hằng năm và phân bổ cho các doanh nghiệp được chọn nhằm kiểm soát sản lượng và bảo vệ tài nguyên. 

Về đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Trung Quốc thực hiện quy trình đấu giá chặt chẽ. Chính phủ hay chính quyền địa phương công bố thông tin đấu giá, như: loại khoáng sản, vị trí, diện tích, điều kiện tham gia và thời gian đấu giá, sau đó, các doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia kèm các tài liệu chứng minh năng lực tài chính, kỹ thuật và kế hoạch khai thác sơ bộ. Quá trình đấu giá được tổ chức công khai, có thể dưới hình thức đấu giá trực tiếp hoặc đấu giá trực tuyến. 

Về bảo đảm trách nhiệm xã hội trong khai thác khoáng sản: Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản như yêu cầu về đánh giá tác động môi trường (EIA); các biện pháp khắc phục sau khai thác; quy định chặt chẽ về xử lý chất thải. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải nộp tiền đặt cọc để bảo đảm việc phục hồi môi trường sau khi kết thúc hoạt động khai thác. Quỹ này sẽ được sử dụng để khắc phục và tái tạo lại môi trường tại các khu vực bị khai thác.

Về tổ chức bộ máy QLNN đối với hoạt động khai thác khoáng sản: cơ quan chuyên môn quản lý ở cấp trung ương là Bộ Tài nguyên – Môi trường chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản, cấp phép khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như giám sát việc thực hiện các chính sách và quy định về khoáng sản trên cả nước. Trực thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường là Cục Địa chất và Khoáng sản Trung Quốc, thực hiện các hoạt động nghiên cứu và thăm dò địa chất, cung cấp thông tin về tiềm năng khoáng sản của quốc gia và hỗ trợ Chính phủ trong việc hoạch định chính sách khoáng sản. Ngoài ra, còn có sự tham gia quản lý của các cơ quan, như: Bộ Sinh thái và Môi trường giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường liên quan đến khai thác khoáng sản, bảo đảm các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về môi trường; Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Cơ quan quản lý cấp địa phương chịu trách nhiệm giám sát, quản lý và cấp phép khai thác khoáng sản trong phạm vi thẩm quyền của mình, thực hiện các chính sách và quy định của Chính phủ trung ương tại địa phương, như: cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp tại địa phương, giám sát và kiểm tra việc tuân thủ pháp luật và các quy định về khai thác khoáng sản… Ngoài ra, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Cục Quản lý An toàn lao động quốc gia cũng tham gia phối hợp quản lý.

Về thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm: công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản được thực hiện ở cấp trung ương và địa phương với sự tham gia của nhiều cơ quan QLNN. 

Chính phủ Trung Quốc thực hiện các cuộc thanh tra định kỳ tại các mỏ khoáng sản để bảo đảm việc tuân thủ các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường và khai thác hợp pháp. Các hoạt động khai thác bất hợp pháp sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng có thể tiến hành thanh tra đột xuất để xử lý kịp thời. Ngoài ra, doanh nghiệp phải nộp báo cáo định kỳ về hoạt động khai thác, sản lượng và tình trạng môi trường tại khu vực khai thác.

Chính phủ Trung Quốc áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, như: viễn thám, hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để giám sát và quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoáng sản được xây dựng và cập nhật thường xuyên, hỗ trợ cho việc quản lý, thanh tra và kiểm tra. Việc giám sát còn được thực hiện bởi các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương để bảo đảm việc khai thác khoáng sản không gây hại đến môi trường và quyền lợi cộng đồng. Các doanh nghiệp vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản sẽ bị phạt tiền và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc bị tạm dừng, thu hồi giấy phép, hoặc có thể bị truy tố hình sự nếu các hành vi khai thác trái phép, gây hại nghiêm trọng đến môi trường hay an ninh trật tự.

2.2. Indonesia

Indonesia là quốc gia có tài nguyên khoáng sản phong phú với một số loại khoáng sản có tiềm năng lớn, như: dầu khí, than, đồng, vàng, thiếc… Công tác QLNN về hoạt động khai thác khoáng sảnở Indonesia cũng được Chính phủ và chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng.

Về ban hành văn bản pháp luật: Indonesia ban hành và thực hiện QLNN theo Luật Khoáng sản và Than năm 2009. Đây là văn bản pháp lý điều chỉnh các hoạt động khai thác, quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản và than. Luật này thay thế Luật Khoáng sản số 11 (năm 1967) và thay đổi cách thức quản lý tài nguyên khoáng sản từ hình thức hợp đồng sang hệ thống giấy phép.

Về xây dựng quy hoạch khai thác khoáng sản: Indonesia cũng dựa trên cơ sở đánh giá tiềm năng khoáng sản thông qua khảo sát địa chất một cách chi tiết để xác định chính xác vị trí và trữ lượng khoáng sản có thể khai thác. Thực hiện phân loại tài nguyên theo mức độ sẵn có và tầm quan trọng chiến lược. Đồng thời, để xây dựng quy hoạch khai thác khoáng sản quốc gia, Indonesia thực hiện phân vùng và phân bố khai thác. Xác định các khu vực khai thác ưu tiên dựa trên tiềm năng và nhu cầu kinh tế, khu vực bảo vệ môi trường để lập quy hoạch các khu vực không được khai thác hoặc hạn chế khai thác nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.

Ở Indonesia, tài  nguyên khoáng sản được chia thành 3 khu vực để quản lý, đó là: khu vực mỏ, khu vực mỏ nhỏ và khu vực dự trữ quốc gia. Trong đó, khu vực mỏ do Chính phủ xác định có sự tham vấn của chính quyền khu vực và báo cáo bằng văn bản lên Quốc hội. Tiêu chí để xét cấp giấy phép khai thác mỏ trong một vùng gồm: vị trí địa lý, nguyên tắc bảo tồn tài nguyên, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, hiệu quả khai thác và mật độ dân số trong vùng; Đối với khu vực mỏ nhỏ do chủ tịch thành phố hoặc quận, huyện xác định có thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp; đối với khu vực dự trữ quốc gia thì Chính phủ xác định với các tài nguyên tin cậy và có tính thương mại cao.

Liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, chính quyền trung ương và địa phương của Indonesia cấp phép khai thác với 4 loại giấy phép: (1) IUP (Mining Business License): giấy phép kinh doanh khai thác khoáng sản cấp cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân tiến hành thăm dò và khai thác khoáng sản; (2) IUPK (Special Mining Business License): giấy phép kinh doanh khai thác khoáng sảnđặc biệt, dành cho các khu vực khai thác có tầm quan trọng chiến lược hoặc đặc biệt; (3) PR (People’s Mining License): giấy phép khai thác khoáng sản cho các hoạt động khai thác nhỏ lẻ của người dân địa phương và (4) PKP2B (Coal Contract of Work): giấy phép hợp tác, là hình thức hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, chủ yếu dành cho các dự án quy mô lớn và phức tạp (T. Hidayat, 2020).

Chính phủ Indonesia cũng thực hiện các chính sách nhằm tăng cường trách nhiệm đối với xã hội trong quá trình khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp thông qua việc áp dụng các mức thuế khác nhau cho hoạt động khai thác khoáng sản, như: thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu và các loại phí liên quan. Indonesia yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, bao gồm đánh giá tác động môi trường và bảo đảm việc phục hồi môi trường sau khi kết thúc hoạt động khai thác.

Về tổ chức bộ máyBộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản được Nhà nước ủy quyền thực hiện QLNN về khoáng sản, chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng và thực thi các chính sách quốc gia về năng lượng và tài nguyên khoáng sản, bao gồm cả dầu khí và than.

Cục Khoáng sản và Than là cơ quan trực thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động liên quan đến khoáng sản, trong đó có hoạt động khai thác như cấp phép khai thác, giám sát, kiểm tra hoạt động khai thác; tư vấn cho Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản về các chính sách và quy định liên quan đến khoáng sản và than.

Cơ quan Điều phối Đầu tư chịu trách nhiệm điều phối và tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản, trong đó có hoạt động khai thác.

Chính quyền địa phương (cấp tỉnh và huyện) cũng có quyền quản lý và cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực hành chính quản lý theo thẩm quyền.

Luật Khoáng sản và Than năm 2009 của Indonesia phân cấp mạnh cho địa phương. Khi diện tích khai thác nằm trên lãnh thổ của nhiều tỉnh thì do Bộ trưởng cấp phép; khi diện tích khai thác nằm trên lãnh thổ nhiều huyện thì do chủ tịch tỉnh cấp phép và cấp huyện cấp phép khi ranh giới khai thác chỉ nằm trên một huyện. Đối với nhà đầu tư khai khoáng, Luật quy định các nhà đầu tư có trách nhiệm làm tăng giá trị sản phẩm khoáng sản trong quá trình khai thác, chế biến và sử dụng. Nhà đầu tư phải tiến hành tuyển, chế biến và tinh luyện trong nước, phải hợp tác với các chủ sở hữu khác có giấy phép để cùng tiến hành tuyển và chế biến khoáng sản; xây dựng các nhà máy chế biến hoặc có thể sử dụng các nhà máy chế biến sẵn có của các công ty khác ở Indonesia. Quy định này của Indonesia nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô.

Về công tác thanh tra, kiểm tra: được tiến hành định kỳ tại các cơ sở khai thác khoáng sản để kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường hoặc không định kỳ. Thanh tra định kỳ thường được lên kế hoạch trước và thông báo cho các doanh nghiệp khai thác. Nội dung được thanh tra, kiểm tra thường là về việc khai thác theo đúng giấy phép và kế hoạch được phê duyệt, thực hiện đầy đủ các cam kết bảo vệ môi trường theo quy định về an toàn lao động.

2.3. Australia

Australia có ngành công nghiệp khai thác mỏ và khoáng sản lớn mạnh với lịch sử gần 200 năm. Vì vậy, ngành khai thác mỏ của Australia có bề dày kinh nghiệm trong việc kết hợp hài hòa các vấn đề bảo đảm bền vững môi trường, trách nhiệm xã hội và thành công trong thương mại. 

Về ban hành, tuyên truyền pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản:Ở Australia, mỗi bang và lãnh thổ có Luật Khoáng sản riêng quy định việc cấp phép, khai thác và quản lý tài nguyên khoáng sản. Một số luật quan trọng đã được ban hành ở các bang là: Mining Act 1978 (Western Australia); Mineral Resources Act 1989 (Queensland); Mining Act 1992 (New South Wales).

Chính sách, pháp luật về khai thác khoáng sản ở Australia được ban hành và tuyên truyền thông qua một quá trình phức tạp, có sự tham gia của các cấp chính quyền liên bang, bang và địa phương, cùng với các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Trước khi ban hành chính sách hoặc luật mới, các cơ quan Chính phủ thường tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động kinh tế, môi trường và xã hội. Họ cũng tham vấn các bên liên quan, bao gồm cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia. Sau đó công bố để lấy ý kiến công chúng. Các dự thảo này thường được đăng trên các trang web của Chính phủ và cơ quan quản lý hoặc có thể được tổ chức họp công khai thảo luận. Dự thảo luật sau khi lấy ý kiến sẽ được trình lên cơ quan lập pháp của bang hoặc Quốc hội liên bang để thông qua. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức: công bố trên các phương tiện truyền thông; trang web của các cơ quan quản lý như: Department of Mines, Industry Regulation and Safety ở Western Australia hoặc Department of Natural Resources, Mines and Energy ở Queensland đều có trang web cung cấp thông tin chi tiết về các luật và quy định hiện hành, quy trình cấp phép và các hướng dẫn thực thi.

Công tác hoạch định chiến lược và xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác khoáng sản được thực hiện dựa trên cơ sở pháp lý chặt chẽ và quy trình khoa học nhằm bảo đảm sử dụng bền vững tài nguyên; đồng thời, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế. Australia xây dựng các chiến lược khoáng sản ở cả cấp quốc gia và cấp bang, tập trung vào các mục tiêu dài hạn như phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng và tài nguyên, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Quy hoạch khai thác khoáng sản thường bao gồm việc xác định các khu vực được phép thăm dò, khai thác, các khu vực cấm hoặc hạn chế khai thác, các điều kiện cụ thể để cấp phép khai thác. Quy hoạch này phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, quyền lợi của cộng đồng bản địa và cộng đồng địa phương.

Quá trình xây dựng quy hoạch khoáng sản được tích hợp với các quy hoạch về môi trường, cơ sở hạ tầng, giao thông và phát triển kinh tế – xã hội để bảo đảm sự phát triển đồng bộ và bền vững của toàn bộ khu vực khai thác. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác khoáng sản, Chính phủ và các cơ quan quản lý phải tổ chức các buổi tham vấn với cộng đồng địa phương, các nhóm lợi ích và đặc biệt là các cộng đồng bản địa.

Về tổ chức thực thi các chính sách: quá trình cấp phép khai thác khoáng sản ở Australia tuân theo quy trình nghiêm ngặt và được giám sát bởi các cơ quan chức năng. Để được khai thác khoáng sản, các công ty phải được cấp giấy phép thăm dò và khai thác. Quy trình cấp phép thường bao gồm đánh giá tác động môi trường và tham vấn cộng đồng.

Tổ chức bộ máy QLNN về hoạt động khoáng sản: được tổ chức theo mô hình liên bang, với sự phối hợp của các cơ quan Chính phủ liên bang, chính quyền các bang và vùng lãnh thổ, được phân cấp nhiệm vụ cụ thể như sau:

Các cơ quan QLNN thuộc Chính phủ liên bang: Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên thựchiện chức năng xây dựng, thực hiện các chính sách quốc gia về khai thác khoáng sản, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực khoáng sản, quản lý tài nguyên khoáng sản trên toànlãnh thổ quốc gia. Cơ quan Quản lý Kỹ nghệ và Tài nguyên có chức năng hỗ trợ việc hoạch định chính sách và ra quyết định liên quan đến khai thác khoáng sản; thu thập và cung cấp dữ liệu địa chất trên toàn quốc và các nhiệm vụ khác liên quan đến quản lý tài nguyên khoáng sản. Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải và Môi trường thực hiện chức năng giám sát và quản lý an toàn lao động và bảo vệ môi trường đối với các hoạt động khai thác khoáng sản trên thềm lục địa ngoài khơi của Australia.

Các cơ quan địa phương: các Sở Tài nguyên và Khai thác khoáng sản: Mỗi bang và vùng lãnh thổ có một sở quản lý tài nguyên khoáng sản riêng, chịu trách nhiệm quản lý và cấp phép cho các hoạt động khai thác khoáng sản trong khu vực quản lý. Ngoài ra, còn có các hội đồng liên bang, như: Hội đồng Tài nguyên và Năng lượng đại diện các bang và vùng lãnh thổ cùng Chính phủ liên bang phốihợp xử lý các vấn đề liên quan đến quản lý khoáng sản.

Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản được tổ chức chặt chẽ từ cấp liên bang đến các bang và vùng lãnh thổ nhằm bảo đảm các hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra tuân thủ đúng các quy định pháp luật, bảo vệ môi trường và an toàn lao động. 

3. Một số kinh nghiệm đối với Việt Nam 

Qua nghiên cứu công tác QLNN đối với hoạt động khai thác khoáng sản của một số quốc gia trên thế giới, có thể thấy, trước thách thức cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu và xu hướng cạnh tranh toàn cầu về tài nguyên khoáng sản, công tác QLNN đối với hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam cần được đẩy mạnh với những nội dung sau:

Thứ nhất, cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các văn bản, chính sách để có sự điều chỉnh, bổ sung Luật Khoáng sản sửa đổi và các văn bản luật, chính sách khác một cách hợp lý, đáp ứng được quá trình quản lý hiệu quả trong thực tiễn và đảm bảo được lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Tiếp tục rà soát, ban hành bảo đảm đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu và dễ thực hiện cho quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức. Khi có các nội dung quy phạm pháp luật còn bất cập, cần kiến nghị cơ quan trung ương điều chỉnh kịp thời, phù hợp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản dưới nhiều hình thức và phương pháp phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có cả bộ phận dân cư sinh sống tại các khu vực có mỏ khai thác. Đặc biệt, chú trọng tập trung phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân ở vùng sâu, vùng xa có khoáng sản khai thác.

Thứ hai, Chính phủ có vai trò chủ đạo trong việc thống nhất triển khai và phân bổ hợp lý các hoạt động khai thác khoáng sản. Chiến lược hoạt động khoáng sản, trong đó có hoạt động khai thác cần được thiết kế với tầm nhìn dài hạn nhằm định hướng và hỗ trợ các hoạt động khoáng sản trên phạm vi quốc gia. Quá trình này cần gắn liền với các quy hoạch điều tra địa chất cơ bản và đánh giá tiềm năng trữ lượng khoáng sản do trung ương đề ra. Việc quy hoạch khoáng sản phải được thực hiện một cách hiệu quả, bảo đảm tính chi tiết và chủ động trong mọi vấn đề.

Quy hoạch khai thác khoáng sản được xây dựng phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng… nhằm nâng cao tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch.

Thứ batrong công tác cấp, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản cần chú ý thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật. Giấy phép khai thác được cấp dựa trên kết quả thăm dò trữ lượng, quy định cụ thể loại khoáng sản được khai thác, khu vực phạm vi khai thác và thời hạn khai thác. Quá trình cấp phép, tổ chức quyền đấu giá khai thác khoáng sản cần được thực hiện công khai, minh bạch, kiểm soát tối đa các hành vi vi phạm pháp luật, như: tham nhũng, hối lộ, cấp phép sai quy định ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan.

Về trách nhiệm xã hội trong hoạt động khai thác khoáng sản, QLNN đối với công tác này cần phải bảo đảm tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác khoáng sản. Đó là vấn đề bảo đảm tốt an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo hộ lao động, tập huấn nâng cao tính chuyên nghiệp đối với người lao động trong khai thác khoáng sản. Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản bằng các công cụ hữu hiệu. Quan tâm tới vấn đề xử lý môi trường trong khai thác. Giữ nguyên hiện trạng, đóng cửa các mỏ khi chưa đủ điều kiện khai thác hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Thứ tư, cần thực hiện phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong việc cấp phép khai thác khoáng sản, đối với những mỏ khai thác có quy mô vừa và nhỏ. Thường xuyên rà soát các tồn tại, bất cập trong tổ chức bộ máy QLNN đối với hoạt động khai thác khoáng sản, tìm ra giải pháp xử lý kịp thời, nâng cao năng lực quản lý.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác khoáng sảnvà phát hiện kịp thời, xử lý vi nghiêm minh đối với hành vi vi phạm trong các hoạt động này. Kiểm tra, giám sát việc cấp phép khai thác khoáng sản, tổ chức đấu giá khai thác khoáng sản theo đúng quy định pháp luật. Kiểm soát các vấn đề liên quan đến an toàn lao động và ô nhiễm, thiệt hại môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Công khai, minh bạch trong việc cấp phép khai thác, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và việc xác định các nghĩa vụ tài chính để thu nộp ngân sách nhà nước, đóng góp cho cộng đồng địa phương khu vực có mỏ khai thác.

4. Kết luận

Mỗi quốc gia sẽ có những đặc thù khác nhau về nguồn tài nguyên khoáng sản cũng như quá trình khai thác, tận thu nguồn khoáng sản, nhưng đều có những điểm chung nhằm nâng cao hiệu lực QLNN đối với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Từ những kinh nghiệm về QLNN đối với hoạt động khai thác khoáng sản của một số quốc gia sẽ giúp cho Việt Nam thực hiện có hiệu quả hơn đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên lãnh thổ cả nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.  

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Hiệp (2017). Quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam. Luận văn thạc sĩ, Học viện Hành chính Quốc gia.
2. Trung Quốc tăng khai thác đất hiếm. https://tuoitre.vn/trung-quoc-tang-khai-thac-dat-hiem-20231106234802699.htm
3. Khai thác hiệu quả tài nguyên từ kinh nghiệm của Australia. https://vov.vn/kinh-te/khai-thac-hieu-qua-tai-nguyen-tu-kinh-nghiem-cua-australia-410680.vov
4. Australia đầu tư khai thác khoáng sản quý hiếm để giảm phụ thuộc Trung Quốc. https://vov.vn/the-gioi/australia-dau-tu-khai-thac-khoang-san-quy-hiem-de-giam-phu-thuoc-trung-quoc-post930802.vov
5. Catherine Driussi, Janis Jansz (2004). Pollution minimisation practices in the Australian mining and mineral processing industries. Journal of Cleaner Production, Volume 14, Issue 8, 2006, Pages 673-681.
6. Garrett Upstill, Peter Hall (2006). Innovation in the minerals industry: Australia in a global context. Resources Policy, Volume 31, Issue 3, September 2006, Pages 137-145.
7. I.M.M., Mg (2019). Management of Mineral Resources, 2009 -2019. Universidad Nacional de Colombia Colombia.
8. Ivan Ferdiansyah Agustinus (2022). Mineral and Coal Mining Business and Management in Indonesia from the Indonesian Constitutional Viewpoint.  Vol. 1 No. 7 (2022): Journal of World Science.
9. Long Zhang et al (2018). Critical Mineral Security in China: An Evaluation Based on Hybrid MCDM Methods.
10. Sustainability 2018, 10(11),4114; https://doi.org/10.3390/su10114114.
11. T. Hidayat (2020). Ecology and sociology analysis for mineral resources management in Indonesia, IOP Conf. Ser.: Earth Environ. Sci. 483 012030DOI 10.1088/1755-1315/483/1/012030.
12. Yunming Wang et al (2024). Guidance and review: Advancing mining technology for enhanced production and supply of strategic minerals in China. Green and Smart Mining Engineering, Volume 1, Issue 1, March 2024, Pages 2-11.