TS. Phạm Thị Hương – ThS. Lê Ngọc Diệp
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Bối cảnh chuyển đổi số với sự xuất hiện ngày càng nhiều của hướng dẫn kỹ thuật số đã và đang đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của hướng dẫn viên trong ngành Du lịch. Từ việc mô tả cách dẫn tour của một nhóm bạn trẻ trong nhóm “Hà Nội bộ hành”, bài viết khái quát bối cảnh chuyển đổi số và sự nổi lên của hướng dẫn du lịch kỹ thuật số; phân tích cách dẫn tour của những người trẻ trong nhóm “Hà Nội bộ hành” đang thực hiện tại Hà Nội, từ đó, gợi mở một số yêu cầu về đào tạo hướng dẫn viên du lịch trong các cơ sở đào tạo hiện nay.
Từ khóa: Chuyển đổi số; du lịch kỹ thuật số; hướng dẫn viên du lịch; Hà Nội bộ hành; đào tạo.
1. Đặt vấn đề
Công nghệ đang ngày càng can dự sâu hơn vào mọi ngành nghề, lĩnh vực của đời sống, làm thay đổi lối tư duy cũng như cách vận hành công việc mang đến nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức. Trong đó, mối lo ngại về một số công việc do con người thực hiện đang dần bị thay thế bởi máy móc, công nghệ ở một số lĩnh vực, ngành nghề và ngành Du lịch cũng không nằm ngoài xu thế đó. Sự xuất hiện của hướng dẫn du lịch kỹ thuật số (digital tour guide) trong một số bảo tàng, cơ sở văn hóa đang đặt ra câu hỏi về vai trò của hướng dẫn viên trong hành trình trải nghiệm của du khách, về sự khác biệt hay ưu thế của hướng dẫn viên so với công cụ hướng dẫn là các thiết bị công nghệ, robot…
2. Bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển của hướng dẫn du lịch kỹ thuật số
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số1. Những thành tựu phát triển của các công nghệ hiện đại, tiên tiến ngày càng được ứng dụng vào trong mọi lĩnh vực đời sống để mang lại hiệu quả cao hơn với chi phí tối ưu. Chuyển đổi số đang định hình lại cách vận hành của tổ chức, tái cơ cấu lại những mô hình đang tồn tại, tích hợp công nghệ, giải pháp số vào mọi công đoạn tạo nên những thay đổi sâu sắc. Ở các lĩnh vực khác nhau, tùy vào cách thức tổ chức vận hành, cung cách làm việc của tổ chức mà quy trình chuyển đổi số cũng sẽ có những khác biệt nhất định.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng tới năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm công nghệ và mô hình mới, tập trung xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi căn bản, toàn diện các mặt hoạt động của Chính phủ cũng như hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, cách sống và làm việc của người dân.
Ngành Du lịch cũng không nằm ngoài những tác động của bối cảnh chuyển đổi số đó nếu như không nói là chịu tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số, trong đó sự ra đời của hướng dẫn kỹ thuật số (digital tour guide) được xem là giải pháp cách mạng hóa trải nghiệm du lịch cho du khách. Smart Guide là một ứng dụng du lịch có cơ sở dữ liệu hướng dẫn du lịch lớn nhất thế giới với hơn 400 thành phố ở hơn 150 quốc gia – những điểm đến khá phổ biến được nhiều người lựa chọn2. Các ứng dụng này được xem như là những hướng dẫn viên du lịch cá nhân, biến điện thoại thông minh thành một hướng dẫn viên du lịch âm thanh, dễ sử dụng, linh hoạt và tiết kiệm. Smart Guide đưa du khách khám phá thành phố, trải nghiệm điểm đến với các câu chuyện về lịch sử, văn hóa địa phương cũng như gợi ý những dịch vụ cơ bản cho chuyến đi, như: địa điểm ăn uống, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê… Ứng dụng này được nhiều du khách bình chọn như là cách dễ nhất để có được trải nghiệm du lịch tốt nhất.
Ngoài Smart Guide, rất nhiều các ứng dụng khác đang được thiết kế, cải tiến và sử dụng trong thực tế để nâng cao chất lượng trải nghiệm cho du khách. Lợi ích của các hướng dẫn du lịch kỹ thuật số này có thể được xem xét trên nhiều phương diện.
Trước tiên, với du khách, hướng dẫn du lịch kỹ thuật số nâng cao trải nghiệm tổng thể của khách truy cập, giúp du khách tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Với các tính năng đa dạng, như: cung cấp nội dung đa phương tiện, các bản đồ tương tác, thực tế tăng cường, hỗ trợ đa ngôn ngữ, điều hướng GPS chính xác, có các trợ năng tùy chọn… du khách có thể trải nghiệm tương tác, lựa chọn nghe hoặc xem các video giới thiệu về tác phẩm cụ thể trong các bảo tàng hoặc các di tích, danh lam thắng cảnh… Hướng dẫn du lịch kỹ thuật số mang lại sự tiện lợi, linh hoạt khi luôn sẵn sàng phục vụ 24/7, du khách có thể truy cập mọi lúc mọi nơi bằng điện thoại thông minh, bảo đảm khả năng tiếp cận và tính toàn diện bằng cách cung cấp hướng dẫn kỹ thuật số trên nhiều nền tảng (iOS, Android) với nhiều ngôn ngữ để phục vụ nhiều đối tượng khác nhau.
Với doanh nghiệp du lịch, dữ liệu thu thập được giúp ích rất nhiều cho việc điều chỉnh và cải tiến dịch vụ. Qua theo dõi lượng khách truy cập tương tác với hướng dẫn du lịch kỹ thuật số, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về sở thích của khách truy cập, xem nội dung nào thu hút khách để điều chỉnh chuyến tham quan, tối đa hóa mức tương tác. Các dữ liệu này cũng có thể được sử dụng cho các chiến lược phát triển dịch vụ trong tương lai khi nhận ra cơ hội và xu hướng thị trường tương lai, hướng đến phục vụ du khách một cách hiệu quả, tối ưu hóa sự hài lòng của khách truy cập, bảo đảm người dùng thụ hưởng được tối đa trải nghiệm tham quan.
Trước những tiện ích vượt trội mà thiết bị công nghệ mang lại, câu hỏi về sự cần thiết của hướng dẫn viên du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số lại được đặt ra. Liệu nghề này còn duy trì bao lâu nữa trước khi các thiết bị công nghệ có thể hoàn toàn thay thế con người. Tuy nhiên, xu hướng du lịch bền vững dần được định hình rõ rệt nhiều năm trở lại đây bên cạnh xu hướng du lịch đại chúng, đang đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với công việc hướng dẫn du lịch mà máy móc không dễ dàng thay thế được. Có thể những thông tin cơ bản, đại trà, phổ thông sẽ được máy móc, thiết bị, công nghệ hỗ trợ nhưng các chuyến đi vẫn cần những chuyên gia dẫn tour am hiểu, sáng tạo cùng đồng hành để mang lại cho du khách trải nghiệm tốt nhất, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, khám phá những nơi chốn mới.
3. “Hà Nội bộ hành” – những người dẫn đường am hiểu sâu sắc văn hóa
“Hà Nội bộ hành” được thành lập năm 2015 và hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, như thiết kế theo sở thích chuyên môn và sự sáng tạo riêng của người dẫn đường cũng như bán những tour du lịch ngẫu hứng.
“Hà Nội bộ hành” dành 20% của toàn bộ số tiền có được từ tour cho quỹ “1920 Foundation” – sử dụng để hỗ trợ trực tiếp các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa già, neo đơn, các tổ chức văn hóa khó khăn trong mảng công nghệ và truyền thông hay các nhà nghiên cứu trẻ3.
“Hà Nội bộ hành” mong muốn tạo nên những chuyến đi ngắn nhưng thú vị để người tham gia có thể khám phá và tận hưởng một thành phố – ở đây là Hà Nội. Điều đặc biệt là các tour được thiết kế theo chủ đề văn hóa khá đặc sắc, có thể kể đến, như: Long Biên – chuyện rất dài (tìm hiểu về cây cầu Long Biên); Chiếu đỏ sân đình – người dẫn đường là nhà hoạt động xã hội Hà Lemmy (tìm về nét đẹp văn hóa dân gian xưa qua việc thưởng thức các làn điệu chèo); Tô Lịch – dấu sông hồn phố – người dẫn đường là kiến trúc sư Nguyễn Vũ Hải (khám phá những dịch chuyển, biến đổi của một dòng sông trong lòng thành phố để thấy những thay đổi trong diện mạo đô thị qua chiều dài thời gian); Một mảnh kinh kỳ – người dẫn đường là một người trẻ nghiên cứu lịch sử – Lê Đức Anh; Khi cái đẹp đổi thay – người dẫn đường là nhà báo Đào Mai Trang (để hiểu về một giai đoạn quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong tư duy sáng tác của lớp nghệ sĩ đầu tiên tại Trường Mỹ thuật Đông Dương)…4.
Các điểm đến nằm trong thành phố, giàu ý nghĩa lịch sử, văn hóa, được thiết kế theo các chủ đề nhất định, khoảng cách không quá xa để du khách có thể đi bộ cùng nhau, vừa di chuyển vừa quan sát đời sống đang diễn ra trên các tuyển phố, men theo các khu chợ, các dãy nhà tập thể cũ, đi qua các cây cầu… Các chuyến đi thường tập trung vào những câu chuyện, nhấn mạnh tính ứng biến, ngẫu hứng cũng như cá tính riêng biệt của người dẫn đường.
Những người trẻ dẫn đường đều là những người yêu thích và am hiểu văn hóa Việt Nam, với lòng nhiệt thành và giàu sức sáng tạo, không ngừng tìm hiểu, tận dụng mọi cơ hội để hiểu, chia sẻ những hiểu biết của mình cho nhiều người khác. Họ sáng tạo ra các lối tiếp cận và cách dẫn tour mới dựa trên thế mạnh và đam mê của mình, hạn chế được sự nhàm chán của những lịch trình công nghiệp hay những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi. Ấn tượng về người dẫn đường sau mỗi chuyến đi không phải là hình ảnh một hướng dẫn viên kiệt sức, mệt mỏi vì chạy theo tour, tuyến mà là những người dẫn đường giàu cảm xúc, say mê với văn hóa nghệ thuật và có khả năng truyền cảm hứng, truyền tình yêu đó đến với du khách. Và cũng chính điều này đã gắn kết những du khách cùng với nhau, với người dẫn đường sau mỗi chuyến đi.
Đặc điểm của các tour kiểu này là tính chất cá nhân hóa hành trình, được thiết kế dựa trên sự am hiểu của người hướng dẫn và sở thích, nhu cầu riêng của du khách. Đó có thể là những chuyến đi theo chủ đề mà du khách mong muốn tìm hiểu sâu hơn một hiện tượng hay một vấn đề thuộc về văn hóa, lịch sử của đô thị nói riêng và của văn hóa Việt Nam nói chung. Do vậy, khi mời gọi du khách trên trang facebook, “Hà Nội bộ hành” thường thiết kế những mẫu đăng ký với nhiều câu hỏi để thu thập thông tin và sơ bộ hiểu được mong muốn, cá tính, sở thích của du khách, từ đó thiết kế những lịch trình phù hợp.
Số lượng du khách cho mỗi chuyến đi như vậy không nhiều, có những chuyến đi chỉ nhận lượng đăng ký tối đa là 5 người để có thể tương tác, trao đổi được nhiều nhất giữa người dẫn đường và du khách. Chính sự cẩn thận, chăm chút, không nặng mục tiêu lợi nhuận và đặc biệt là cảm xúc mang lại sau mỗi chuyến đi là điều khiến du khách, trong đó có nhiều người nước ngoài có ấn tượng đặc biệt với “Hà Nội bộ hành”.
4. Bài học thực tiễn từ nhóm “Hà Nội bộ hành” và gợi mở cho việc đào tạo hướng dẫn viên du lịch
Một là, ngoài kiến thức chung về du lịch, văn hóa du lịch, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, như: kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức và xử lý tình huống…, hướng dẫn viên du lịch cần có kiến thức, chuyên môn sâu và lòng đam mê với các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn các chủ đề du lịch cụ thể, gồm: văn hóa, ẩm thực, nghề truyền thống, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, kỳ quan thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, khám phá động vật hoang dã hoặc có thể là các chủ đề đặc biệt như tour tham quan chiến trường, các địa điểm xảy ra thảm họa, khám phá hang động… Điều này giúp du khách có được trải nghiệm phong phú, mang đến những hiểu biết sâu sắc về điểm đến, tạo nên ấn tượng, sự gắn kết với địa điểm.
Hai là, cần đổi mới các chương trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch cả về nội dung và cách thức đào tạo. Các chương trình đào tạo cần dành thời lượng phù hợp để trang bị cho người học kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về văn hóa, như: di sản, các loại hình nghệ thuật, nghệ thuật truyền thống, làng nghề, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng… Các kiến thức về văn hóa truyền thống, khi được giảng dạy nên có sự gắn kết với đời sống đương đại để thấy được sự tiếp nối liền mạch cũng như sự biến đổi của các giá trị văn hóa. Các môn học này nên được thiết kế thành các chủ đề để người học có cơ hội tìm hiểu, phân tích về chủ đề trên nhiều chiều cạnh khác nhau. Đồng thời, các học phần trong lĩnh vực kiến thức này cũng cần được thiết kế đa dạng, nhất là ở các học phần tự chọn để người học có thể tìm ra và tự xác định thế mạnh của cá nhân ở các chủ đề cụ thể.
Bên cạnh đó, trong quá trình thiết kế chương trình, giảng dạy các học phần này, nên cân đối thời lượng lý thuyết – thực hành để người học có cơ hội thực hành thuyết minh, hướng dẫn tại các địa điểm, không gian văn hóa, di tích lịch sử…, bởi đây cũng sẽ là địa điểm người học sau khi tốt nghiệp sẽ thực hành nghề nghiệp.
5. Kết luận
Công nghệ thay đổi nhanh chóng mang lại nhiều cơ hội cho ngành Du lịch giúp tối đa hóa trải nghiệm và sự hài lòng của du khách. Công nghệ có thể dần thay thế hoặc hỗ trợ đắc lực nhiều phần việc cho hướng dẫn viên du lịch, tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức nhất định, đòi hỏi đội ngũ hướng dẫn viên cần có kiến thức chuyên sâu, am hiểu về các chủ đề cụ thể, say mê và khả năng truyền tải sự say mê đó. Yêu cầu này đòi hỏi các cơ sở đào tạo hướng dẫn viên du lịch cần chú trọng cung cấp kiến thức nền tảng và chuyên sâu về văn hóa cho người học, làm cơ sở để người học tự tìm hiểu, tự nâng cao và làm dày vốn hiểu biết của mình để phục vụ nghề nghiệp.
Chỉ bằng việc trở thành những hướng dẫn viên am hiểu sâu sắc và say mê với văn hóa, nghệ thuật hay với bất cứ một chủ đề nào cụ thể, hướng dẫn viên du lịch mới có thể khẳng định được vị thế của họ trong một chuyến du lịch của du khách.
Chú thích:
1. Bộ Thông tin và truyền thông (2021). Cẩm nang chuyển đổi số. H. NXB Thông tin và truyền thông.
2. https://www.smart-guide.org/, truy cập ngày 25/10/2024.
3. https://www.facebook.com/hanoibohanh, truy cập ngày 25/10/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thúy Anh, Triệu Thế Việt (2014). Du lịch văn hóa. H. NXB Giáo dục.
2. Nguyễn Phạm Hùng (2017). Văn hóa du lịch. H. NXB Đại học Quốc gia.
3. Dương Văn Sáu (2019). Giáo trình Văn hóa Du lịch. H. NXB Lao động.