ThS. Vũ Thị Bích
Học viện Chính trị khu vực IV
(Quanlynhanuoc.vn) – Gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta ở mọi thời kỳ cách mạng. Những năm qua, việc gắn kết hai nhiệm vụ này trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, việc thực hiện song hành hai nhiệm vụ này vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết phân tích thực trạng phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả gắn kết hai nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Từ khóa: Phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; dân tộc Khmer; Sóc Trăng.
1. Đặt vấn đề
Kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh là những phạm trù khác nhau. Hai lĩnh vực này có quy luật hình thành và phát triển riêng, tuy nhiên chúng có mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau. Trong mối quan hệ đó, kinh tế – xã hội đóng vai trò quyết định, quốc phòng, an ninh có sự tác động trở lại đối với kinh tế – xã hội. Thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ này chính là cụ thể hóa chủ trương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Tỉnh Sóc Trăng là một trong những địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, cách TP. Hồ Chí Minh 231 km, Cần Thơ 62 km; nằm trên tuyến Quốc lộ 1A nối liền các tỉnh, thành phố, như: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Quốc lộ 60 nối Sóc Trăng với các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 3.311,7629 km2 (chiếm khoảng 8,3% diện tích của khu vực đồng bằng sông Cửu Long). Sóc Trăng có đường bờ biển dài 72 km với 03 cửa sông lớn1. Sóc Trăng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội. Đây cũng là địa bàn chiến lược trong việc bảo đảm thế trận phòng thủ của Quân khu 9.
Đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng có khoảng 362.016 người, chiếm 30,19 % dân số toàn tỉnh2. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, đời sống của đồng bào Khmer đã có nhiều cải thiện, tuy vậy vẫn còn khó khăn. Đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng nói riêng và đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung là đồng tộc, đồng tôn, đồng ngôn ngữ3. Các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền nhằm xuyên tạc chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào, cùng với đó, chúng tăng cường tài trợ nhằm kích động tư tưởng đòi ly khai, tự trị thành lập nhà nước Khmer Krom ở vùng. Xuất phát từ những vấn đề trên, gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
2. Thực trạng gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng
2.1. Thành tựu đạt được
Một là, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc Khmer đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm sinh kế của đồng bào, an ninh trật tự được củng cố và tăng cường. Cơ cấu kinh tế vùng đồng bào dân tộc Khmer trong những năm qua chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch sản xuất theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chính sách dân tộc, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc Khmer đã phát huy hiệu quả tích cực. Việc chuyển đổi cơ cấu nghề được thực hiện cho 4.607 hộ với 67 mô hình phát triển sản xuất. Tổng số vốn thực hiện chương trình gần 46 tỷ đồng4, góp phần đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dần ổn định, tình hình an ninh, trật tự trong đồng bào cũng được bảo đảm.
Với hơn 72 km bờ biển, có các cửa sông chính ra Biển Đông là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, Sóc Trăng có vị trí địa kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là nơi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Trong những năm qua, khai thác lợi thế từ biển, tỉnh đã có chủ trương đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ, hải sản ven biển theo hướng công nghiệp, đa dạng đối tượng nuôi, áp dụng công nghệ gắn với chế biến và xuất khẩu. Qua đó, đồng bào dân tộc Khmer cũng tham gia khai thác, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản (chủ yếu là làm thuê) góp phần nâng cao đời sống, tạo sự ổn định trong cộng đồng.
Về phát triển du lịch, nhằm truyền bá hình ảnh con người, văn hóa đồng bào Khmer qua đó củng cố thế trận quốc phòng, an ninh trên lĩnh vực văn hóa. Hiện nay, đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, bao gồm: Lễ hội Ok Om Bok, nghệ thuật trình diễn dân gian sân khấu Dù Kê, nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom Vong, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm, nghệ thuật trình diễn dân gian Rô Băm. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ tổ chức trong các dịp lễ, tết, kỷ niệm của đồng bào Khmer được các cấp chính quyền tổ chức bảo đảm an toàn, phù hợp; phát huy tốt các lễ hội truyền thống, các di sản văn hóa của dân tộc góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa của đồng bào. Những hoạt động văn hóa đã góp phần truyền bá hình ảnh con người, lịch sử, văn hóa đồng bào Khmer không chỉ trong phạm vi tỉnh Sóc Trăng mà còn cả trong và ngoài nước, từ đó kích thích du lịch phát triển. Đặc biệt, qua các lễ hội của đồng bào được tổ chức hằng năm đã thu hút đông đảo lượng khách đến tham gia. Điều này cũng góp phần bảo đảm thế trận quốc phòng, an ninh trên lĩnh vực văn hóa.
Hai là, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer cùng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc khác tiếp tục được các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Việc thực hiện tốt các chính sách xã hội góp phần bảo đảm đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer ổn định và bình yên ở địa phương.
Trong giai đoạn 2020 – 2024, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ trên 451 tỷ đồng để xây dựng được 9.989 căn nhà cho hộ nghèo, trong đó có 3.840 hộ đồng bào Khmer nghèo, mỗi căn nhà giá trị 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, Nhà nước còn hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.808 hộ; hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề cho 614 hộ, hỗ trợ 614 hộ thiếu đất sản xuất và 549 hộ dân tộc Khmer nghèo sinh sống tại các xã khu vực III, ấp đặc biệt khó khăn được vay vốn; hỗ trợ giống và vật tư sản xuất cho 6.161 hộ (trong đó, có 4.660 hộ nghèo; 1.464 hộ cận nghèo và 37 hộ khác bao gồm cả hộ mới thoát nghèo); hỗ trợ nước sạch cho khoảng 6.201 hộ nghèo khu vực nông thôn, lắp đặt đồng hồ nước miễn phí cho 619 hộ nghèo và miễn thu tiền sử dụng nước 477.081m3; thực hiện kéo điện cho 9.507 hộ dân tộc Khmer; phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 57.040 lượt hộ dân tộc Khmer để trang trải học phí, phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm,… với tổng số tiền trên 2.467 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc triển khai có hiệu quả chương trình giải quyết việc làm và đào tạo nghề, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững5.
Các chủ trương, chính sách chăm lo, đầu tư cho đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm thực hiện kịp thời, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ngày càng gắn với nhu cầu doanh nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động; hệ thống giáo dục nghề nghiệp, việc làm trên địa bàn tỉnh được được sắp xếp tinh gọn, phát huy hiệu quả hoạt động, hiện có hơn 150 ngành, nghề đào tạo, quy mô tuyển sinh trên 23.000 người/năm; trong giai đoạn 2021 – 2023 toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo được: 29.705 người (trong đó, có 4.670 người là đồng bào dân tộc Khmer), tỷ lệ tốt nghiệp bình quân đạt trên 90%/năm; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%, (trong đó, người dân tộc Khmer sau học nghề có việc làm đạt trên 97,93%). Giải quyết việc làm cho 43.880 lao động (trong đó có trên 7.800 người là đồng bào dân tộc Khmer); đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bình quân 317 người/năm (trong đó có 26 người là đồng bào dân tộc Khmer), tổ chức 78 phiên giao dịch việc làm ở các địa phương, trực tuyến và tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, với tổng số người được tư vấn là 6.676 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,65% vào năm 20226.
Ba là, công tác xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer góp phần giảm thiểu tiêu cực, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Sóc Trăng xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội, vì vậy, công tác này trong vùng đồng bào dân tộc Khmer đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 – 2025, tính đến năm 2023 toàn tỉnh giảm được 7.270 hộ nghèo (giảm 2,19%) và 3.527 hộ cận nghèo (giảm 1,07%), trong đó 3.031 hộ nghèo người Khmer (giảm 3,01%) và giảm 1.353 hộ cận nghèo người Khmer (giảm 1,36%). Đến nay, toàn tỉnh có 3/10 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 63/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên7. Những thành tựu này góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, từ đó củng cố và tăng cường lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường ổn định xã hội và tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Bốn là, bảo đảm ổn định chính trị – xã hội khu vực nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Giai đoạn 2020 – 2024, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức tuyên truyền được 579 cuộc, với 26.255 lượt người nghe; tuyên truyền nhỏ lẻ đến 45.085 lượt hộ gia đình và 4.870 phương tiện, với tổng cộng 43.830 thuyền viên ở khu vực biên giới biển; loa truyền thanh địa phương 1.725 lượt với thời lượng 5 phút/lượt; mô hình “Tiếng loa Biên phòng” tuyên truyền được 2.875 cuộc (mỗi cuộc 2 giờ)/11 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển8. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và đối tượng xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật.
Giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh mới trong tôn giáo; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ cho đối tượng nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có khó khăn trong cuộc sống. Thông qua đó tác động nâng cao nhận thức của người dân đối với âm mưu, phương thức, thủ đoạn lôi kéo, móc nối của các thế lực thù địch, đặc biệt huy động các vị trong Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng; chức sắc, người có uy tín trong dân tộc Khmer chủ động nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng trọng điểm có hoạt động phức tạp. Tạo sự đồng thuận cao đối với quần chúng nhân dân trong quá trình đấu tranh, xử lý các đối tượng.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer được tăng cường đầu tư, xây dựng; hệ thống giao thông kết nối các vùng, hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh; các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế,… được tập trung đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống xã hội của người dân, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi diện mạo địa phương. Trong giai đoạn 2020 – 2024, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng 399 công trình (350 đường giao thông nông thôn, 6 công trình thủy lợi, 41 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 công trình giáo dục, 1 trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã) và thực hiện duy tu, bảo dưỡng 207 công trình, chủ yếu tập trung vào đường giao thông và nhà sinh hoạt cộng đồng với tổng nguồn vốn thực hiện trên 327,414 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư khoảng 9.873 tỷ đồng để phát triển hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển hạ tầng giáo dục và đào tạo9.
2.2. Hạn chế và nguyên nhân
Thứ nhất, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù tình hình kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có bước phát triển trong những năm qua, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay tích cực. Nhưng do xuất phát điểm của đồng bào thấp nên đến nay đồng bào dân tộc Khmer vẫn khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Hạ tầng kinh tế – xã hội còn nhiều hạn chế; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp manh mún, trình độ dân trí thấp, vì vậy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, phong tục tập quán của đồng bào cũng là một trong những rào cản khiến cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế khó thực hiện.
Là tỉnh có đường bờ biển dài, nhiều tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế biển, tuy nhiên, đối với đồng bào Khmer do có khó khăn về nguồn tài chính nên chủ yếu đi làm thuê cho các chủ cho chủ các ghe, thuyền hoặc những vùng nuôi trồng thủy hải sản. Điều này làm cho nguồn thu nhập của đồng bào từ kinh tế biển bị bấp bênh nếu không có có người thuê thì lại thất nghiệp và không có thu nhập.
Phát triển du lịch trong vùng đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều thiếu thốn. Việc thiếu kế hoạch và chiến lược phát triển du lịch dành riêng cho đồng bào dân tộc Khmer, dẫn đến việc khai thác du lịch chưa có hướng đi rõ ràng và hiệu quả. Thiếu đầu tư và nguồn tài chính đủ lớn để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, quảng bá và marketing du lịch. Thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là về văn hóa và du lịch cộng đồng. Thiếu sự chú trọng quan tâm kịp thời đối với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc củng cố quốc phòng, an ninh trên mặt trận văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc Khmer trong thời gian tới.
Thứ hai, việc thực hiện các chính sách xã hội gặp nhiều bất cập. Các văn bản hướng dẫn của Trung ương liên quan đến việc thực hiện các chính sách xã hội đôi khi ban hành còn chậm. Một số ngành, địa phương chưa chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để thực hiện chính sách giảm nghèo đạt hiệu quả cao; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành đôi khi chưa chặt chẽ; chưa kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện để uốn nắn, khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn Trung ương và bị phân tán, dàn trải trong nhiều chính sách, có chính sách khi bố trí được nguồn lực đầu tư đã vào năm cuối của giai đoạn thực hiện nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer chưa thực sự hiệu quả. Mặc dù đã được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết vấn đề việc làm, tuy nhiên, tỷ lệ thiếu việc làm của người dân tộc Khmer vẫn cao. Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng gặp khó khăn về thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp, từ đó gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và tạo việc làm mới cho đồng bào Khmer dẫn tới thiếu các doanh nghiệp, công ty lớn và trung tâm sản xuất, dịch vụ có khả năng tạo ra việc làm ổn định và lâu dài. Thêm vào đó, lực lượng lao động là đồng bào dân tộc Khmer sống chủ yếu từ canh tác nông nghiệp và làm thuê, thiếu kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là các kỹ năng hiện đại và công nghệ mới. Thiếu chương trình đào tạo, huấn luyện và tư vấn nghề nghiệp để phát triển năng lực cho người lao động.
Thứ ba, việc bảo đảm quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể: Đa số người dân tộc Khmer có truyền thống theo đạo Phật giáo Nam tông Khmer (chỉ một bộ phận nhỏ theo Công giáo, Tin Lành). Toàn tỉnh có 92 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, 38 Salatel, với 1.937 sư sãi đang tu học; trong đó có 13 Hòa thượng, 22 Thượng tọa, 57 Đại đức, 1.845 Tỳ khưu và Sadi, có trên 1.326 thành viên Ban Quản trị10. Với tính chất đặc thù là địa bàn trọng điểm phức tạp về dân tộc, tôn giáo, các thế lực thù địch, phản động, đặc biệt là các tổ chức, hội, nhóm “Khmer Kampuchea Krom” luôn tìm cách chống phá tỉnh Sóc Trăng. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế – xã hội.
Công tác nắm tình hình, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự nảy sinh trong vùng dân tộc Khmer đôi lúc chưa mang lại hiệu quả cao, nhất là tại địa bàn cơ sở. Công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể trong bảo đảm an ninh, trật tự có một số thời điểm chưa kịp thời. Công tác vận động quần chúng, tranh thủ chức sắc, người có uy tín trong dân tộc Khmer chưa được thường xuyên, liên tục, có nơi hiệu quả chưa cao.
Những hạn chế nêu trên do những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan:
Một là, về khách quan: (1) Tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường; các nước ngày càng gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước. (2) Đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh chủ yếu làm nông nghiệp, đánh bắt, nuôi, trồng thủy hải sản do đó chịu ảnh hưởng của thời tiết, biến đổi khí hậu, biến động giá cả, dịch bệnh,… (3) Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật còn yếu và thiếu; các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các dự án năng lượng chậm được triển khai đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. (4) Vị trí địa lý của tỉnh xa các trung tâm kinh tế lớn; ngân sách tỉnh còn khó khăn nên thiếu nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Hai là, về chủ quan: (1) Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và địa phương. Sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp tuy có tập trung nhưng chưa đúng mức cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn. (2) Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế – xã hội gắn với quốc phòng, an ninh đối với đồng bào dân tộc chưa hiệu quả. (3) Một số trường hợp cán bộ cốt cán, người có uy tín chưa phát huy tốt vai trò, còn e ngại tiếp xúc, gặp gỡ, vận động, tuyên truyền đối với người dân. (4) Phần lớn đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu ở vùng điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn; trình độ nhận thức cũng như việc tiếp thu kiến thức khoa học – công nghệ còn hạn chế, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn, thiếu thông tin, ít kinh nghiệm, không ứng dụng được khoa học – kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống nên hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội chưa cao. (5) Lực lượng làm công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng còn mỏng, địa bàn rộng, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, dẫn đến công tác nắm tình hình gặp khó khăn, hạn chế.
3. Một số giải pháp
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể có liên quan.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ và đồng bào dân tộc Khmer về vị trí, vai trò cũng như nội dung gắn kết phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trong giai đoạn hiện nay. Quán triệt và cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Thứ hai, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng, qua đó củng cố thế trận quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh sự hỗ trợ, đầu tư của Chính phủ đối với xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, cần tích cực huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức nước ngoài, tổ chức nhân đạo để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, góp phần giúp đồng bào Khmer sớm hòa nhập vào xu thế phát triển chung của đất nước và hội nhập quốc tế. Công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc Khmer không chỉ bao gồm hỗ trợ, giúp đỡ về điều kiện sản xuất – kinh doanh mà còn cần tạo điều kiện cho đồng bào được học tập để nâng cao trình độ, nhận thức, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Cần gắn mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững là một nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương. Đặc biệt quan tâm đến việc phát triển văn hóa để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc khi hòa nhập vào xu thế phát triển chung của thế giới.
Thứ ba, giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế – xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng.
Cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng lịch sử vùng đất Nam Bộ giúp cho đồng bào Khmer xác định rõ hơn về khái niệm quốc gia, dân tộc, hiểu rõ hơn những vấn đề lịch sử và mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Campuchia. Tiếp tục nâng cao trình độ dân trí, thống nhất và nâng cao nhận thức cho đồng bào Khmer về quan điểm, chính sách đại đoàn kết của Đảng, Nhà nước. Giáo dục lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân nhằm củng cố và phát huy chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng; vận động đồng bào tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Chủ động nắm tình hình, xử lý tốt các tình huống về quốc phòng – an ninh, không để bị động, bất ngờ. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát huy vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp. Thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín, chức sắc, chức việc, cán bộ cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đề cao những cống hiến, thành tích của các cán bộ là người Khmer có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý nhà nước các cấp đối với nhiệm vụ gắn kết phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc khmer hiện nay.
Đối với các cấp ủy Đảng phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, kịp thời cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch quyết định… sát hợp với tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế – xã hội với quốc phòng – an ninh một cách đúng đắn, thường xuyên và hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết thường xuyên và định kỳ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh, bổ sung chủ trương và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế – xã hội với quốc phòng – an ninh có hiệu quả.
Đối với chính quyền các cấp, yêu cầu UBND các cấp, các ngành thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao (theo Nghị định số 168/2018/NĐ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở bộ, ngành trung ương, địa phương). Xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch kết hợp kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng – an ninh trong vùng đồng bào dân tộc Khmer phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Chú thích
1. Vị trí địa lý tỉnh Sóc Trăng. https://www.vietnam.vn/soctrang/vi-tri-dia-ly-tinh-soc-trang/.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2023). Báo cáo số 100/BC-UBND ngày 24/4/2023 triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 – 2030, tr. 1.
3. Hoàng Thị Lan (2020). Hoạt động lợi dụng tôn giáo ở vùng dân tộc Khmer hiện nay. Tạp chí Lý luận Chính trị, số 12/2020, tr. 62 – 67.
4. Sóc Trăng: Chuyển đổi nghề nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.https://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/soc-trang-chuyen-doi-nghe-nang-cao-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-58545.html.
5, 7, 8, 9. Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2024). Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu các dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV, tr. 4 – 5, 10, 14, 11.
6, 10. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Sóc Trăng (2023). Kỷ yếu Hội thảo khoa học phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay, tr. 185, 13.