Vũ Thị Ngọc Bích
Trường Chính trị tỉnh Bình Dương
(Quanlynhanuoc.vn) – Hoàn thiện các quy định pháp lý quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế có ý nghĩa to lớn, từ việc nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy hợp tác quốc tế, bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động toàn cầu. Điều này có vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của giáo dục đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Bài viết tập trung làm rõ và đề xuất hoàn thiện các quy định pháp lý quản lý nhà nước về giáo dục đại học có liên quan đến vấn đề hội nhập quốc tế.
Từ khóa: Giáo dục đại học; hội nhập quốc tế; quy định pháp lý; hoàn thiện; quản lý nhà nước.
1. Đặt vấn đề
Quy định pháp lý của quản lý nhà nước (QLNN) về giáo dục đại học trong giai đoạn hội nhập quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế. Các quy định pháp lý tạo ra khung pháp lý rõ ràng, thống nhất cho việc điều hành và quản lý hệ thống giáo dục đại học. Điều này giúp bảo đảm mọi hoạt động của các trường đại học đều diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Quy định pháp lý giúp tạo ra sự nhất quán trong các quy trình quản lý, từ việc cấp phép, kiểm định chất lượng, đến việc tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tính minh bạch của hệ thống pháp lý giúp ngăn chặn các sai lệch và tiêu cực trong quản lý giáo dục đại học.
Xu hướng tất yếu các cơ quan QLNN cần thực hiện là hoàn thiện và bảo đảm các quy định pháp lý giúp giáo dục đại học Việt Nam thích nghi và điều chỉnh theo xu hướng mới của giáo dục toàn cầu, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của hệ thống giáo dục, đáp ứng các yêu cầu hội nhập và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
2. Vai trò của quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế
QLNN về giáo dục đại học là sự tác động, điều chỉnh thường xuyên của Nhà nước bằng quyền lực nhà nước đối với toàn bộ hoạt động giáo dục đại học của một quốc gia nhằm định hướng, thiết lập trật tự kỷ cương của hoạt động giáo dục đại học, hướng đến mục tiêu và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
QLNN có vai trò định hướng các hoạt động của giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế theo đúng mục tiêu: bảo đảm đúng định hướng chính trị của giáo dục đại học; xác định ưu tiên các biện pháp chiến lược cho phát triển giáo dục đại học; cung cấp nguồn lực chủ yếu (lớn nhất cho giáo dục đại học)nhưng có sự đổi mới trong phương thức cung cấp để nâng cao hiệu quả của các nguồn lực của Nhà nước và xã hội; chuyển từ vai trò cung cấp chủ yếu sang vai trò điều phối và bảo đảm môi trường cho giáo dục đại học phát triển.
Hội nhập quốc tế mở ra cho nền giáo dục đại học Việt Nam một cánh cửa bước ra thế giới. Tuy vậy, bối cảnh một quốc gia đang trong giai đoạn phát triển hiện nay vừa là cơ hội nhưng kèm theo nhiều thách thức đáng kể. Chính vì vậy, để tận dụng cơ hội và triệt hạ thách thức đó là việc cần phải làm của công tác QLNN về giáo dục đại học Việt Nam. Trước áp lực của việc hội nhập quốc tế, đòi hỏi QLNN về giáo dục đại học phải cải cách thể chế quản lý, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng hệ thống các chuẩn giáo dục đại học theo thông lệ quốc tế, cải thiện môi trường vận hành các hoạt động giáo dục đại học, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, phát triển bền vững và khơi dậy những tiềm năng to lớn về giáo dục đại học. Đây là một cơ hội lớn để hoạt động QLNN xem xét lại tổng thể các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học và giải quyết các rào cản còn tồn tại do yếu tố lịch sử.
Yêu cầu sự bền vững và phát triển liên tục trong hệ thống giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế đòi hỏi QLNN phải tạo ra các chính sách và chiến lược nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững, tăng cường nguồn lực và quản lý tài chính hiệu quả.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế, QLNN về giáo dục đại học cần phải giải quyết các vấn đề đặt ra là: (1) Tạo lập ra một môi trường pháp lý chuẩn mực trong kiểm soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng chiến lược, quy hoạch, mục tiêu, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục phù hợp điều kiện hội nhập quốc tế về giáo dục đại học; (2) Tạo cơ chế thuận lợi để các chủ thể trong và ngoài nước tham gia phát triển giáo dục đại học thông qua hợp tác quốc tế, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm định chất lượng giáo dục đại học chặt chẽ theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; (3) Xây dựng bộ máy quản lý giáo dục đại học phù hợp, phân cấp, phân quyền hợp lý cùng với đội ngũ cán bộ công chức có trình độ năng lực trong quản lý; (4) Tạo hành lang pháp lý và là đầu mối thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục đại học trên cơ sở phát huy tính tiềm năng và tính chủ động của các cơ sở giáo dục đại học.
3. Thực trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước về giáo dục đại học ở nước ta hiện nay
Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đẩy mạnh, thể hiện ở chủ trương nhất quán thông qua các nghị quyết chỉ đạo của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Từ năm 2013, khi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được ban hành, quan điểm lãnh đạo toàn diện này đã được cụ thể hóa thành các chủ trương cho hầu hết các khía cạnh hội nhập quốc tế giáo dục. Các chính sách được ban hành cơ bản đầy đủ, bám sát thực tiễn, giải quyết được nhiều vấn đề cốt yếu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nổi bật là: ban hành Luật Giáo dục đại học năm 2012 để điều chỉnh các hoạt động giáo dục đại học phù hợp với các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế, sau đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 đã tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về giáo dục đại học, đẩy mạnh tự chủ đại học, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt để huy động các nguồn lực phát triển giáo dục đại học, nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước; đổi mới QLNN, đổi mới quản trị đại học, quản lý đào tạo tiệm cận các chuẩn quốc tế để phát triển giáo dục đại học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học cạnh tranh bình đẳng, phát huy nội lực, linh hoạt, sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Việc đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập được triển khai thí điểm tại 23 cơ sở giáo dục đại học công lập1. Theo đó, các trường này được giao quyền mạnh hơn trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức nhân sự và tài chính nên đã chủ động, linh hoạt hơn trong quản lý, quản trị nhà trường, huy động các nguồn lực từ xã hội. Đến nay, tự chủ đại học đã từng bước đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với giáo dục đại học, đó là: (1) Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; (2) Khuyến khích, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
Luật Giáo dục năm 2019, với mục tiêu “phát triển toàn diện con người Việt Nam” theo tiếp cận năng lực, bảo đảm trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vừa bảo đảm hội nhập quốc tế.
Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020, trong đó xác định: tăng chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước cho các trường đại học trọng điểm và viện nghiên cứu quốc gia, ưu tiên các ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn; tăng số lượng học bổng cho học sinh, sinh viên đi học nước ngoài…; đặc biệt,triển khai xây dựng một số trường đại học quốc tế dưới sự hợp tác, hỗ trợ của Chính phủ nước ngoài bao gồm: Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Việt Pháp (Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội) và Trường Đại học Việt Nhật.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam được thiết kế theo hướng mở, có cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo theo Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Khung trình độ quốc gia của Việt Nam hiện nay với cấu trúc 8 bậc phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và pháp luật hiện hành, tương đối phù hợp với Khung tham chiếu trình độ khu vực ASEAN, Khung trình độ châu Âu và khoảng 70% số khung trình độ trên thế giới, góp phần thúc đẩy hợp tác về giáo dục và công nhận văn bằng, trình độ người lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc thực hiện khung trình độ quốc gia giúp đào tạo nguồn nhân lực có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn, tay nghề tham gia thị trường lao động và quốc tế, góp phần cho việc hoàn thiện thị trường lao động làm căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo, công nhận và miễn trừ kinh nghiệm học tập, lao động để thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân; xây dựng quy hoạch, chính sách bảo đảm chất lượng nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch (Quyết định số 764/QĐ-TTg ngày 26/5/2014); theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạođã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW (Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2014), Kế hoạch của ngành Giáo dục triển khai Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Kết luận số 51-KL/TW (Quyết định số 1696/QĐ-BGDĐT ngày 25/6/2020)…
Tại Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giáo dục đại học 2019 – 2025 đã góp phần định hướng triển khai các hoạt động có KPI cụ thể cho việc thúc đẩy hội nhập quốc tế cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, cụ thể: phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học khai thác và sử dụng các chương trình đào tạo, học liệu mở được chia sẻ trực tuyến bởi các trường đại học có uy tín trên thế giới; có ít nhất 2 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 100 trường đại học tốt nhất châu Á; 10 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 400 trường đại học tốt nhất châu Á; 4 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín; trên 50% cơ sở giáo dục đại học sử dụng toàn bộ hoặc tích hợp một phần nội dung chương trình đào tạo và giáo trình của nước ngoài vào các chương trình đào tạo của nhà trường; phấn đấu 100% chương trình đào tạo có mục tiêu, nội dung được thiết kế đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và thị trường lao động2.
Việc tăng cường hiệu lực QLNN, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đại học đã được quan tâm chỉ đạo và thể chế hóa thành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cụ thể,như: Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã đổi mới nhiều và có nhiều khuyến khích rõ nét hơn so với trước đây khi có các quy định thoáng hơn về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 quy định về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật, làm rõ quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16/12/2013 phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020; Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 quy định về dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có Thông tư số 16/2016/TT-BGDĐT ngày 18/5/2016 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg đã quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học; Thông tư số 06/2016/TT-BGDĐT ngày 21/3/2016 về quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài; Thông tư số 18/2022/TT-BGDĐT ngày 15/12/2022 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2016/TT-BGDĐT quy định về việc tuyển sinh đi học nước ngoài theo các chương trình học bổng ngân sách nhà nước, học bổng Hiệp định và học bổng khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý; Thông tư số 30/2018/TT-BGDĐT ngày 24/12/2018 về quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam quy định: điều kiện tiếp nhận, đào tạo và quản lý lưu học sinh; quyền lợi và trách nhiệm của lưu học sinh.
3. Những vấn đề đặt ra và định hướng thực hiện
a. Về những vấn đề trong quy định pháp lý quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay
Hệ thống quy định pháp lý QLNN về giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã có những bước phát triển đáng kể: Nhà nước đã ban hành một loạt văn bản pháp luật quan trọng. Bằng các văn bản QLNN khác nhau, có thể thấy, các quy định pháp lý đã tạo điều kiện cho các trường đại học mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu với các tổ chức giáo dục trên toàn cầu. Quy định về việc công nhận bằng cấp, chứng chỉ quốc tế cũng giúp tăng cường cơ hội học tập và làm việc cho sinh viên. Việt Nam đang hướng tới áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong giáo dục, như việc tham gia các bảng xếp hạng quốc tế và áp dụng các quy định kiểm định chất lượng từ các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, ở cấp độ chính sách của Nhà nước về giáo dục đại học trong hội nhập quốc tế thì vẫn chưa có văn bản chuyên biệt xây dựng chiến lược, chính sách về hội nhập quốc tế của giáo dục đại học với những biện pháp, kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể. Một số quy định còn thiếu tính cụ thể và chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các trường đại học. Hệ thống pháp luật đôi khi còn rời rạc, thiếu sự kết nối giữa các quy định của các ngành khác nhau (ví dụ, giữa giáo dục, tài chính, và quản lý khoa học – công nghệ).
Đặc biệt, các quy định về tự chủ vẫn còn giới hạn, chưa cho phép các trường phát huy tối đa năng lực. Các quy định pháp lý hiện tại chưa tạo đủ động lực và cơ hội cho các trường đạt được thành tựu cao trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo ở tầm quốc tế. Mặt khác, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045” chưa được ban hành để các bên tổ chức thực hiện, đặc biệt kỳ vọng các nội dung liên quan đến hội nhập quốc tế về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng được làm rõ về phát triển nền giáo dục đại học hiện đại, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.
b. Một số đề xuất định hướng hoàn thiện quy định pháp lý quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Một là, xây dựng hệ thống luật pháp đồng bộ, thống nhất.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành về giáo dục đại học; bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa các quy định về QLNN, quyền tự chủ của trường và hợp tác quốc tế.
Quy định pháp lý QLNN về giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế cần được điều chỉnh theo hướng tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục đại học toàn cầu. Các thủ tục phê duyệt và quản lý chương trình hợp tác quốc tế cần được đơn giản hóa, giảm bớt các bước trung gian không cần thiết để tăng cường hiệu quả và tốc độ xử lý.
Tăng cường sự phối hợp liên ngành chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các cơ quan khác,như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao nhằm tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động hợp tác quốc tế trong giáo dục.
Cập nhật và phổ biến quy định pháp lý kịp thời. Tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo để phổ biến các quy định pháp lý mới cho cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên và sinh viên. Cải tiến hệ thống công bố thông tin pháp lý trên các cổng thông tin điện tử để bảo đảm rằng tất cả các bên liên quan có thể dễ dàng tiếp cận, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình và thực hiện theo đúng quy định trong quá trình hợp tác quốc tế.
Hai là, tạo khung pháp lý rõ ràng về tự chủ và trách nhiệm giải trình.
Hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các trường đại học, đồng thời yêu cầu các trường phải có trách nhiệm giải trình rõ ràng về kết quả thực hiện. Ban hành quy định chi tiết về tự chủ đại học trong các lĩnh vực hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đào tạo liên kết. Đồng thời, tăng cường giám sát và hỗ trợ từ Nhà nước để bảo đảm rằng các trường thực hiện đúng và hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục. Cụ thể hóa cơ chế giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động hợp tác quốc tế và liên kết đào tạo, bảo đảm minh bạch và hiệu quả.
Ba là, xây dựng khung pháp lý về kiểm định chất lượng quốc tế.
Xây dựng các quy định nhằm khuyến khích các trường đại học tham gia kiểm định quốc tế, bảo đảm các chương trình đào tạo của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của hệ thống giáo dục đại học. Tăng cường giám sát và chế tài đối với các trường vi phạm quy định về kiểm định chất lượng trong các chương trình liên kết quốc tế.
Bốn là, phát triển cơ chế hỗ trợ tài chính cho hợp tác quốc tế, khuyến khích hợp tác công – tư trong giáo dục đại học.
Các chính sách ưu đãi thuế, tài chính cần được áp dụng để thu hút các tổ chức quốc tế, các đối tác nước ngoài tham gia đầu tư vào giáo dục đại học tại Việt Nam. Các quy định pháp lý cần mở rộng không gian cho sự hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này giúp tăng cường nguồn lực tài chính, chuyên môn và công nghệ từ khu vực tư nhân vào hệ thống giáo dục đại học.
Các chính sách thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực giáo dục đại học, đặc biệt là hợp tác quốc tế. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học phát triển hạ tầng, chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các trường đại học khi tham gia các chương trình hợp tác quốc tế, như miễn giảm thuế, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, cấp kinh phí cho các dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế, bảo đảm rằng các dự án hợp tác có đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả.
Năm là, phát triển chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực.
Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ nhân tài nhằm thu hút chuyên gia quốc tế, các giảng viên có trình độ cao tham gia vào giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học Việt Nam.
Để tập trung đào tạo cán bộ quản lý giáo dục có trình độ cao, hiểu biết sâu rộng về luật pháp quốc tế và có khả năng tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi về tài chính để các giảng viên, sinh viên tham gia các chương trình trao đổi quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực.
Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hợp tác quốc tế.
Xây dựng các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế và kiểm định chất lượng giáo dục. Tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia về hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học để tăng cường tính minh bạch, giúp nhà nước và các trường đại học quản lý thông tin về các chương trình hợp tác quốc tế một cách hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần phát triển các chính sách pháp lý hỗ trợ các hình thức đào tạo trực tuyến, nhất là trong các chương trình hợp tác quốc tế nhằm tăng cường tính linh hoạt và quy mô hợp tác.
Bảy là, tăng cường hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế.
Phát triển các hiệp định hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức giáo dục quốc tế để thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của các trường đại học. Hoàn thiện quy định pháp lý về công nhận các văn bằng, chứng chỉ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển sinh viên và giảng viên giữa các quốc gia.
4. Kết luận
Hội nhập quốc tế mang đến cơ hội mở rộng tầm nhìn, tăng cường hợp tác và quan hệ quốc tế trong giáo dục đại học, đồng thời, đặt ra thách thức về cạnh tranh, sự thay đổi và bền vững. QLNN cần đối mặt với những thách thức này và tận dụng cơ hội để đổi mới và cải tiến trong quản lý giáo dục đại học. Hoàn thiện các quy định pháp lý giúp xây dựng một hệ thống khung pháp luật rõ ràng, minh bạch và phù hợp với sự phát triển của giáo dục đại học trong thời kỳ hội nhập. Điều này tạo điều kiện cho công tác QLNN được triển khai có hệ thống, đồng bộ và hiệu quả, bảo đảm rằng các quy định liên quan đến giáo dục đại học phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và sự phát triển của các xu hướng toàn cầu về giáo dục, hướng tới nền giáo dục Việt Nam phát triển hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, góp phần xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Chú thích:
1. Chính phủ (2014). Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017.
2. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 về nâng cao chất lượng giáo dục đại học 2019 – 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016). Thông tư số 16/2016/TT-BGDĐT ngày 18/5/2016 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.
2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016). Thông tư số 06/2016/TT-BGDĐT ngày 21/3/2016 ban hành Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài (Thông tư số 06) và Thông tư số 18/2022/TT-BGDĐT ngày 15/12/2022 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06.
3. Chính phủ (2021). Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 quy định về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
5. Quốc hội (2012, 2018). Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung 2018).
6. Quốc hội (2019). Luật Giáo dục năm 2019.
7. Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
8. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
9. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
10. Quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/02/04/quan-ly-nha-nuoc-doi-voi-giao-duc-dai-hoc/