Trần Thanh Đạm
Bộ Giáo dục và Đào tạo
(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các chính sách về thanh toán điện tử chưa được luật hóa, nhiều quy định còn bất cập và chưa theo kịp sự phát triển của thị trường… Thực tế này đòi hỏi bên cạnh sự vào cuộc của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua các chính sách và giải pháp thiết thực, các ngân hàng thương mại phải thay đổi cách thức phát triển thanh toán điện tử và học hỏi kinh nghiệm từ các ngân hàng ở một số quốc gia trên thế giới để vận dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.
Từ khóa: Thanh toán điện tử; ngân hàng thương mại; kinh nghiệm; bài học; phát triển.
1. Đặt vấn đề
Triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành các kế hoạch thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán số, ngân hàng số.
Ngành Ngân hàng là một trong những ngành đầu tiên công bố lựa chọn “Ngày chuyển đổi số” là ngày 11/5 hằng năm, điều này giúp lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành. Kết quả chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, cho khách hàng cũng như bản thân các ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua sự đổi mới trong sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử, từ cách thức tiếp cận, giao tiếp cho đến quy trình thanh toán để tăng trải nghiệm nhằm thu hút khách hàng và giảm chi phí cung ứng dịch vụ.
2. Kinh nghiệm phát triển thanh toán điện tử tại một số quốc gia trên thế giới
2.1. Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Mô hình trung tâm chuyển mạch của Nhật Bản (MICS) là điển hình cho quá trình phát triển tự nhiên trong giai đoạn đầu của hệ thống liên minh thanh toán. Mạng lưới CD (máy rút tiền) và ATM (máy giao dịch tự động) là cơ chế thanh toán điện tử quan trọng tại Nhật Bản. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, các ngân hàng và các định chế nhận tiền gửi đã xây dựng những mạng lưới CD/ATM. Cụ thể từ chín hệ thống biệt lập cùng tồn tại ở Nhật Bản đến tháng 02/1990, các liên minh này được kết nối thông qua hệ thống MICS với nhiều cấp chuyển mạch. Do vậy, hệ thống này hoạt động khá phức tạp: cùng khu vực, cùng loại hình định chế xử lý quyết toán chủ yếu trong các ngân hàng Shinkin; đối với trường hợp cùng khu vực, khác loại hình định chế thì được xử lý tại các ngân hàng khu vực hoặc các ngân hàng Shinkin. Đối với các cấp kết nối khác vượt khỏi phạm vi này, các loại hình định chế sẽ kết nối mạng CD/ATM của mình vào mạng của tiết kiệm bưu điện để xử lý quyết toán.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại ở đô thị và ngân hàng khu vực cũng xem xét đến việc sử dụng hệ thống tích hợp thế hệ tiếp theo cho một trung tâm duy nhất MICS và NTT Data (công ty viễn thông của Nhật Bản, có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) là nhà cung cấp giải pháp để tích hợp các dịch vụ chuyển mạch ATM. Tháng 01/2004, dịch vụ chuyển mạch tích hợp của MICS đã được khai trương và đi vào hoạt động, tích hợp dịch vụ chuyển mạch ATM của những liên minh khác nhau, cụ thể là BANCS của các ngân hàng đô thị, ACS của các ngân hàng khu vực, SOCS của các ngân hàng tín thác, SCS của các thành viên thuộc Hiệp hội thứ hai các ngân hàng khu vực và LONGS của các ngân hàng tín dụng và Ngân hàng Shoko Chukin.
Từ khi tích hợp hệ thống, các định chế tài chính thuộc những liên minh nêu trên đã kết nối trực tiếp vào dịch vụ chuyển mạch ATM tích hợp. Tuy nhiên, các liên minh khác, như: SNCS của các ngân hàng Shinkin, SANCS của các hợp tác xã tín dụng, ROCS của các ngân hàng lao động và dịch vụ mạng tiết kiệm của các hợp tác xã nông nghiệp vẫn duy trì sự kết nối cũ thông qua trung tâm xử lý riêng. Dịch vụ chuyển mạch tích hợp đã chuyển tiếp các tin điện khác nhau giữa ngân hàng có CD/ATM được khách hàng sử dụng với ngân hàng khác mà khách hàng mở tài khoản, ghi nhận lại tin điện, tổng hợp, tính toán các khoản phải thu, phải trả cho mỗi loại hình và mỗi định chế tài chính.
Có thể nói, mô hình kết nối các ATM/CD của Nhật Bản là một trong những mô hình được hình thành một cách tự nhiên do các động lực thị trường chi phối. Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển hoàn chỉnh, các động lực thị trường có khả năng tác động đến hành vi của chủ thể tham gia thị trường ở mức độ cao hơn. Ngoài ra, do công nghệ tự động hóa, máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động ngân hàng cũng phát triển từ rất sớm, vai trò của Hiệp hội ngân hàng có ảnh hưởng lớn tới hoạt động thanh toán. Chính vì vậy, MICS được hình thành do Hiệp hội ngân hàng chủ trì vận hành mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước. Xu hướng khá rõ ở Nhật Bản là nhiều ngân hàng lớn, hoạt động đa năng chọn phương án kết nối trực tiếp vào MICS. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ đạt được sau một quá trình và các ngân hàng phải thay thế hệ thống cũ bằng một hệ thống thế hệ mới, sau khi đã tự rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tế.
2.2. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Người dân Hàn quốc đang ngày càng có xu hướng yêu thích thanh toán không dùng tiền mặt khi nhiều người chuyển sang dùng ví điện tử và ví thanh toán di động cho cả mua hàng trực tuyến và ngoại tuyến. Để khai thác cơ hội này, các công ty công nghệ, công ty thẻ tín dụng và thậm chí cả Chính phủ đã đưa ra các dịch vụ ví thanh toán đa dạng. Trong số những nhà cung cấp ví thanh toán số, không thể phủ nhận Samsung Pay là một trong những hệ thống thanh toán di động hàng đầu tại Hàn Quốc. Samsung Pay, nhà sản xuất điện thoại thông minh ra mắt năm 2015, là dịch vụ thanh toán di động và ví kỹ thuật số sử dụng giao tiếp trường gần (NFC) và công nghệ truyền bảo mật từ tính để cho phép người dùng thực hiện thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại tương thích bằng cách liên kết thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng. Theo báo cáo của Business Korea, tổng khối lượng giao dịch của Samsung Pay đã vượt quá 40 nghìn tỷ won (33,68 tỷ USD) vào cuối tháng 4/2014 với số lượng thuê bao vượt quá 14 triệu. Năm 2018, dịch vụ này chiếm 80% thị trường thanh toán ngoại tuyến đơn giản tại Hàn Quốc1.
Bên cạnh Samsung Pay, một trong số những người tiên phong về thanh toán di động ở Hàn Quốc đó là Kakao, nhà điều hành ứng dụng nhắn tin số một Hàn Quốc KakaoTalk, đã ra mắt Kakao Pay vào năm 2014 để cho phép người dùng thực hiện giao dịch trực tuyến và thanh toán di động bằng mã NFC và QR. Kể từ khi phát hành, Kakao đã mở rộng sang các dịch vụ tài chính khác bằng cách phát hành thẻ ghi nợ và ra mắt ngân hàng riêng (Ngân hàng Kakao) và dịch vụ đầu tư (Kakao Investment). Kakao Pay cũng đã bổ sung thêm nhiều tính năng như khả năng gửi kiều hối, gửi hóa đơn và hoàn thành các giao dịch trực tuyến trên thiết bị di động, với mục tiêu trở thành một nền tảng tài chính tích hợp. Kakao Pay đã vượt mốc 10 triệu người dùng sau 20 tháng kể từ khi được phát hành, các giao dịch được thực hiện bằng dịch vụ này vượt quá 2,3 nghìn tỷ won (2,04 tỷ USD) hằng tháng. Với sự gia tăng nhanh chóng của người dùng và giao dịch, Kakao Pay đã nhận được khoản đầu tư 200 triệu đô la Mỹ từ Công ty tài chính Alibaba năm 20172.
Một loại ví thanh toán di động khác cũng rất phổ biến tại Hàn Quốc là Naver, ra mắt Naver Pay vào năm 2015. Naver Pay là dịch vụ thanh toán di động cho phép cả thanh toán di động thông qua ứng dụng và thanh toán trực tuyến để mua sắm trực tuyến tương tự PayPal. Tính đến tháng 10/2018, tổng số người dùng Naver Pay đã vượt quá 26 triệu và ngành công nghiệp ước tính số tiền giao dịch trung bình hằng tháng khoảng 900 tỷ won (797,17 triệu USD) 3. Naver Pay là dịch vụ thanh toán di động thứ hai của hãng, sau Line Pay, một ví điện tử được tích hợp vào nền tảng nhắn tin Line, ứng dụng nhắn tin hàng đầu tại Nhật Bản. Line Pay cho phép người dùng yêu cầu và gửi tiền từ người dùng trong danh sách liên hệ của họ và thực hiện thanh toán di động tại cửa hàng. Kể từ khi được giới thiệu vào năm 2014, dịch vụ đã mở rộng để cho phép các tính năng khác như chuyển khoản ngoại tuyến khi mua hàng và giao dịch ATM như gửi tiền và rút tiền.
Để phát triển đa dạng cách thức thanh toán bằng ví di động, các nhà cung cấp không chỉ sử dụng giao tiếp trường gần NFC mà còn cho phép thanh toán bằng mã QR. Vào cuối năm 2018, 3 công ty thẻ tín dụng của Hàn Quốc là BC Card, Shinhan Card và Lotte Card đã hợp tác thực hiện một giải pháp thanh toán mã QR tại 8 triệu cửa hàng nhượng quyền tại Hàn Quốc. Điều làm cho giải pháp này trở nên khác biệt là các yêu cầu thanh toán sẽ được tích lũy và thanh toán đầy đủ vào ngày đáo hạn hằng tháng, tương tự như cách thẻ tín dụng hoạt động.
2.3. Kinh nghiệm từ Singapore
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore được xem là trường hợp điển hình nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán điện tử, cơ sở hạ tầng thanh toán hiện đại, khung pháp lý hỗ trợ và sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ để hiện thực hóa mục tiêu “xã hội phi tiền mặt”. Singapore bắt đầu chiến dịch thúc đẩy thanh toán điện tử đối với các khoản giao dịch nhỏ lẻ từ năm 1985 với sự ra đời của hệ thống EFTPOS (hệ thống chuyển tiền điện tử NETS tại điểm bán hàng), cho phép thanh toán tại cửa hàng bán lẻ bằng thẻ ATM. Là kết quả sáng kiến kết hợp của 3 ngân hàng lớn là: DBS Bank, OCBC Bank và United Overseas Bank (UOB), hệ thống NETS đã đi đầu trong chiến lược phát triển xã hội phi tiền mặt của Singapore. Những tiến bộ trong kết nối Internet và công nghệ điện toán đám mây cùng với việc áp dụng rộng rãi các thiết bị di động và ứng dụng di động đã tạo môi trường lý tưởng cho các giải pháp thanh toán điện tử trực tuyến.
Sự ra đời của PayNow trong năm 2017 đã cho phép người dân Singapore chuyển tiền liên ngân hàng và tạo điều kiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, sự thành công của NETSPay và NETS QR trong các khu vực sử dụng nhiều tiền mặt như trung tâm bán hàng rong (hawker centres) được đánh giá là động lực chính để khuyến khích giao dịch giá trị nhỏ áp dụng thanh toán điện tử. Ví di động NETSPay cho phép khách hàng thực hiện thanh toán bằng điện thoại thông minh của mình. NETS QR tích hợp tất cả các giao dịch thanh toán bằng mã QR trong một thiết bị thanh toán điện tử duy nhất, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ phi tiếp xúc và các thiết bị đầu cuối dựa trên chip và mã QR giúp tiết kiệm không gian giao dịch của cửa hàng. Hệ thống SGQR được Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) phát triển đã kết hợp các giải pháp thanh toán điện tử khác trong một nhãn mã QR duy nhất. Điều này tạo điều kiện thanh toán thông suốt tại bất kỳ cửa hàng bán lẻ nào. Việc giới thiệu hệ thống thanh toán chuyển tiền nhanh và an toàn (FAST) cũng cho phép khách hàng chuyển tiền trong hệ thống ngân hàng Singapore ngay lập tức. SGQR và FAST đã cho phép khách hàng thanh toán 24/7 mà trước đây không thể thực hiện được. Trong một môi trường khi các nhà bán lẻ chỉ cần dùng ví điện tử như GrabPay để thanh toán bất kỳ lúc nào, các hệ thống thanh toán này sẽ giúp cửa hàng bán lẻ dễ dàng chấp nhận việc thanh toán điện tử.
Mặc dù có những tiến bộ trong lĩnh vực thanh toán điện tử, những người bán hàng rong (hawkers) ở các trung tâm bán hàng công cộng ở Singapore vẫn khó thay đổi thói quen trong việc sử dụng các giải pháp thanh toán điện tử do giá trị giao dịch tại các quầy bán hàng rong thường nhỏ và mất quá nhiều thời gian để hệ thống thanh toán điện tử xử lý, thậm chí ngay cả với hệ thống thanh toán SGQR và FAST. Ví dụ, nếu giao dịch thanh toán thực hiện vào ngày thứ Sáu thì sẽ mất 2 ngày cuối tuần để xử lý và người bán hàng rong không nhận được số tiền giao dịch cho đến tuần làm việc tiếp theo.
Từ ngày 17/01/2019, NETS đã triển khai công năng mới của hệ thống cho phép xử lý giao dịch được nhanh hơn. Các khoản thanh toán qua hệ thống NETS nhận được trước 5 giờ chiều sẽ được ghi có (credit) vào tài khoản tại các ngân hàng DBS, OCBC hoặc UOB trước 11 giờ tối cùng ngày. Điều này bao gồm thanh toán mã QR qua DBS PayLah!, OCBC Pay Anyone và UOB Mighty nhưng không bao gồm các giao dịch thanh toán qua CashCard và Nets FlashPay. Là một phần của khung khổ thanh toán hợp nhất, NETS sẽ là bên duy nhất đối soát các tài khoản, vì vậy, người bán hàng không cần phải giao dịch với các công ty thanh toán điện tử khác nhau. NETS cũng sẽ cung cấp cho người bán hàng rong một thiết bị thanh toán, sử dụng cho cả thanh toán thẻ và QR code. Điều này cho phép các loại hình thanh toán điện tử khác nhau chạy trên một hệ thống thống nhất để chuyển tiền thông suốt. Với định hướng đẩy mạnh văn hóa bán hàng rong như một cách để thu hút khách du lịch của Chính phủ Singapore, việc đẩy mạnh các giải pháp thanh toán điện tử sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm cho du khách và thúc đẩy doanh số bán hàng rong.
Có thể thấy, sáng kiến xã hội không dùng tiền mặt của Singapore đã góp phần đẩy mạnh việc phát triển thanh toán điện tử tại quốc gia này và là sự bổ sung cần thiết cho khu vực bán hàng rong vốn sử dụng nhiều vào tiền mặt. Đây được xem là trường hợp hai bên cùng đạt được lợi ích. Cũng giống như Singapore, hàng rong cũng được coi là nét văn hóa độc đáo của Việt Nam. Thay đổi thói quen thanh toán của người bán hàng rong sẽ làm thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng và của cả nền kinh tế.
3. Kinh nghiệm cho các ngân hàng thương mại Việt Nam
Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, giá trị thanh toán di động tại Việt Nam dự kiến sẽ lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022, tài chính số cũng là lĩnh vực được kỳ vọng phát triển vượt bậc khi thanh toán số tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 143 tỷ USD tổng giá trị giao dịch vào năm 20254. Việc thúc đẩy hoạt động thanh toán điện tử sẽ tạo cho các ngân hàng thương mại khả năng huy động vốn không dựa trên lãi suất, đó chính là nguồn vốn trong thanh toán. Với việc cung ứng các dịch vụ ngân hàng và dịch vụ thanh toán phong phú, ngân hàng có thể thu hút thêm nhiều nguồn vốn sử dụng cho mục đích thanh toán với chi phí thấp. Xét trên góc độ hệ thống, phát triển hoạt động thanh toán điện tử còn là yếu tố giúp tăng khả năng huy động của cả hệ thống ngân hàng, từng ngân hàng thương mại không cần phải lao vào cuộc đua tăng lãi suất nhằm huy động tiền gửi, bảo đảm sự an toàn và ổn định hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm phát triển thanh toán điện tử của ngân hàng thương mại tại một số quốc gia trên thế giới để thúc đẩy sự tăng trưởng hơn nữa của thanh toán điện tử tại Việt Nam tương xứng với tiềm năng và những nỗ lực của Chính phủ, một số kinh nghiệm đối với các ngân hàng thương mại, gồm:
Thứ nhất, về việc ra quyết định và vận hành hoạt động. Các ngân hàng thương mại cần tăng cường ứng dụng các công nghệ số tiên tiến, như: điện toán đám mây (Cloud Computing), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA), AI/ML… trong việc đánh giá, phân loại khách hàng và tích hợp với nhiều hệ sinh thái khác nhau trong nhiều lĩnh vực để tự động hóa các hoạt động, ra các quyết định kinh doanh, kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Thực hiện số hóa các nghiệp vụ cơ bản, như: tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, quản lý nhân sự, kế toán – tài chính…
Thứ hai, sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử. Các ngân hàng thương mại cần tiếp tục thực hiện đa dạng hóa dịch vụ và giải pháp thanh toán điện tử dựa trên các công nghệ mới, như: thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán an toàn, nhanh chóng nhờ mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (NFC)… giúp xây dựng hệ sinh thái ngân hàng hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu về tài chính của khách hàng. Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đã dần xây dựng được đủ 3 lớp dịch vụ, bao gồm: dịch vụ ngân hàng lõi, dịch vụ ngân hàng bổ sung và lớp dịch vụ phi ngân hàng. Các ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số, như: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, VPBank, Techcombank, TP Bank… đã dần hoàn thiện hệ sinh thái ngân hàng số và phối hợp với các đối tác để cung cấp các dịch vụ tài chính số hoàn chỉnh cho các khách hàng.
Thứ ba, cách thức giao tiếp, tương tác với khách hàng. Đẩy mạnh việc ứng dụng AI, học máy (machine learning) và đưa các dịch vụ tư vấn tự động 24/7 thông qua các hội thoại trên website hoặc mạng xã hội của ngân hàng đối với các giải pháp hoặc dịch vụ thanh toán điện tử mà các ngân hàng thương mại cung cấp. Chẳng hạn, Nam Á Bank đã cho ra đời không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, ứng dụng AI với sự xuất hiện của Robot OPBA và chi nhánh số VTM OPBA; hay như OCB đã xây dựng kênh OCB OMNI. Theo đó, các kênh giao dịch số được kết nối, đồng nhất cho khách hàng trải nghiệm xuyên suốt khi họ có sự chuyển dịch giữa các kênh, giúp khách hàng có thể sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà không cần đến phòng giao dịch.
Thứ tư, đẩy mạnh và cởi mở hơn trong hợp tác với các công ty Fintech để cung cấp dịch vụ và giải pháp thanh toán điện tử. Việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh và cởi mở hơn trong hợp tác với các công ty Fintech sẽ giúp ngân hàng thương mại tận dụng lợi thế công nghệ sẵn có của các công ty Fintech. Việc hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa Fintech và ngân hàng thương mại giúp các bên cung cấp được đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích cũng như cải thiện mạnh mẽ tốc độ, thời gian xử lý các giao dịch cung cấp cho khách hàng, ví dụ: thời gian xác thực khách hàng, xác minh hồ sơ để quyết định cung cấp dịch vụ nhanh hơn…
Bên cạnh đó, việc chia sẻ dữ liệu với Fintech giúp khách hàng của ngân hàng thương mại giao dịch an toàn hơn với chi phí thấp hơn. Đồng thời, khách hàng sẽ giảm tối đa phí giao dịch cũng như bước trung gian vì khách hàng ủy quyền trực tiếp bên cung cấp dịch vụ thứ ba truy cập và thanh toán từ tài khoản ngân hàng của khách hàng. Những khách hàng không thể đến trực tiếp các chi nhánh ngân hàng do nhiều nguyên nhân vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng phù hợp. Sự hợp tác giữa Fintech và ngân hàng thương mại còn giúp gia tăng lựa chọn sản phẩm tài chính cho khách hàng giúp khách hàng quyết định sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế của mình.
Thứ năm, về bảo mật cho các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử. Ngân hàng thương mại nên theo dõi tình hình an ninh mạng trong nước và thế giới để triển khai các giải pháp an toàn, an ninh trong thanh toán ví thanh toán số. Từ kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, một số công nghệ bảo mật hiện đại đang được áp dụng, như: tích hợp công nghệ mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); nhận diện số hóa (digital identities); xác thực đa nhân tố (MFA).
Thứ sáu, về hoạt động quản lý các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử. Mỗi ngân hàng thương mại cần thành lập một cơ quan quản lý chuyên biệt về mảng xây dựng, phát triển và quản lý hệ thống thanh toán điện tử, ban hành những hướng dẫn trong cách xây dựng quản lý đối với các đối tác và cách thức sử dụng đối với người tiêu dùng. Toàn bộ các dịch vụ thanh toán đều liên quan ở một mức độ nào đó sự hợp tác và cạnh tranh. Thông lệ chung là các định chế tài chính sử dụng các dịch vụ thanh toán bù trừ và quyết toán trên thị trường bán buôn. Từng ngân hàng, tổ chức nhìn chung sẽ không đơn phương tiến hành những thay đổi về quy tắc, quy trình kỹ thuật, nghiệp vụ có thể khiến họ mất khách hàng. Vì vậy, việc quản lý quan hệ đối tác bền chặt, đối với mỗi ngân hàng thương mại cần phải có một cơ quan quản lý chuyên trách thực hiện.
Thứ bảy, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ đảm nhiệm vai trò quản lý nhà nước thông qua các chương trình đào tạo cơ bản và chuyên sâu trong và ngoài nước để đội ngũ này có thể đảm nhiệm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cần chú trọng công tác đào tạo về phòng, chống rủi ro đạo đức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia chuyên sâu về phân tích, khai thác dữ liệu sử dụng các công nghệ mới.
Thứ tám, đẩy mạnh hoạt động truyền thông một cách đồng bộ và hiệu quả để khách hàng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và phương thức thanh toán tiêu dùng, qua đó, tiếp cận các tiện ích dịch vụ thanh toán, khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán điện tử. Nhận thức của khách hàng trong việc sử dụng các dịch vụ, giải pháp thanh toán điện tử là rất cần thiết. Chính vì vậy, các ngân hàng thương mại cần phải thiết lập, xây dựng nhiều chương trình nhằm cung cấp các thông tin về sản phẩm, dịch vụ, giải pháp thanh toán điện tử cho người tiêu dùng qua nhiều kênh truyền thông khác nhau bao gồm cả trực tuyến và trực tiếp, như: website, diễn đàn, mạng xã hội, báo chí, hội thảo, công bố sách trắng… Đồng thời, phối hợp với nhiều cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan truyền thông đại chúng để có thể triển khai quảng bá, giới thiệu các kỹ năng sử dụng các sản phẩm ứng dụng công nghệ số của ngân hàng thương mại tới khách hàng, đặc biệt là người tiêu dùng.
Thứ chín, tăng cường hoạt động marketing, hướng dẫn khách hàng quy trình mở tài khoản và giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử, khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế – xã hội, như: thanh toán tiền điện, nước, viễn thông và các hoạt động khác. Các ngân hàng thương mại nên đặc biệt quan tâm đến phân khúc thị trường ở khu vực nông thôn; hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.
Thứ mười, tăng cường hợp tác với các công ty tài chính công nghệ có vốn đầu tư từ nước ngoài để nhận chuyển giao và cập nhật công nghệ mới, nhất là những công nghệ tạo ra sản phẩm thanh toán điện tử bậc cao như nhận diện kỹ thuật số, thanh toán phi tiếp xúc (NFC, mã QR,…) từ xu thế phát triển của các công ty công nghệ tài chính toàn cầu. Thiết lập các biện pháp khuyến khích người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử thông qua việc giảm chi phí thanh toán kỹ thuật số, áp dụng phí xử lý tiền mặt hoặc quy định về ngưỡng thanh toán tiền mặt trong một số trường hợp cố định. Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại của Việt Nam miễn phí việc chuyển tiền thông qua ứng dụng di động hoặc một số quy định pháp lý yêu cầu thanh toán hóa đơn trên 20 triệu bằng hình thức chuyển khoản. Các công ty cung cấp ứng dụng trung gian thanh toán, như: Momo, Airpay, Alipay, ZaloPay,… tham gia vào cuộc chiến để thu hút người dùng vào ví điện tử của họ bằng việc miễn phí chuyển khoản, cung cấp các ưu đãi bao gồm hoàn tiền mặt, các voucher miễn phí, các hình thức quay thưởng tiền mặt.
4. Kết luận
Thanh toán điện tử cho phép tạo ra cơ sở dữ liệu tài chính về các doanh nghiệp, khách hàng, người dân, từ đó, các ngân hàng thương mại có thể sử dụng thông tin để xây dựng điểm tín dụng để phê duyệt các khoản vay. Đối với chính phủ, hệ thống thanh toán điện tử có thể hỗ trợ chính phủ thiết kế và thực thi các chính sách tiền tệ phù hợp và hiệu quả. Thanh toán điện tử giúp giảm tham nhũng và tăng hiệu quả thu thuế thông qua việc theo dõi minh bạch tất cả các giao dịch tài chính. Bên cạnh sự định hướng của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, việc phát triển thanh toán điện tử phải được xác định vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp đột phá trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Các giải pháp cần phải được đúc rút và thiết lập từ kinh nghiệm phát triển của một số quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam nhằm bảo đảm tính khoa học, tính khả thi, thực tiễn và sự hiệu quả.
Chú thích:
1. https://fintechnews.hk/9629/mobilepayment/e-wallet-south-korea-digital-wallets/?form=MG0AV3, truy cập ngày 15/10/2024.
2. https://techcrunch.com/2017/02/20/ant-financial-kakao-pay/?form=MG0AV3, truy cập ngày 15/10/2024.
3. https://www.statista.com/study/76432/online-payment-naver-pay-users-in-korea/?form=MG0AV3, truy cập ngày 15/10/2024.
4. Google, Temasek, Bain & Company (2022), e-Conomy SEA 2022 report. https://www.bain.com/insights/e-conomy-sea-2022/
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Mai Chi, Tống Thùy Trang (2020). Kinh nghiệm phát triển ví thanh toán số tại một số quốc gia – Bài học kinh nghiệm và đề xuất đối với Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng, số 13/2020.
2. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (2020 – 2023). Tài liệu tham khảo hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính.
3. Napas (2023). Công ty chuyển mạch tài chính quốc gia: Báo cáo hoạt động các năm 2020, 2021, 2022.
4. PWC Việt Nam (2021). Cách mạng thanh toán: Định hướng đến 2025 và tầm nhìn tương lai.
5. Tác động của Fintech đối với hệ thống ngân hàng – một số hàm ý chính sách cho Việt Nam. https://tapchinganhang.gov.vn/tac-dong-cua-fintech-doi-voi-he-thong-ngan-hang-mot-so-ham-y-chinh-sach-cho-viet-nam.htm
6. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.
7. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
8. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
9. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển thị trường kinh doanh thương mại tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
10. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
11. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
12. Axway (2020. Open Banking in an age of transformation- Open Banking APIs State of the Market Report 2020, Second edition, Q4 2020.
13. BCG (2019). Cashless payments help economies grow
14. IFC & MasterCard (2018). Digital Financial Service for Agriculture Handbook.
15. Finance Monthly (2019). Open Banking Is Going Global With 87% Of Countries Having
16. Financial Services Commission (South Korea) – Press Release (12/2021).https://www.statista.com/statistics/1238251/south-korea-number-of-open-banking-users/
17. Mastercard (2022). Open Banking tracker.
18. Statista (2020). Cash use in Sweden.
19. Statista (2020). South Korea Share of cash in total transaction.
20. Visa (2020). Visa contactless payments set record growth as Vietnamese embrace cashless payments.
21. Visa (2021). Survey spots momentum for cashless payments.
22. Visa (2021). Visa study finds Vietnamese consumers keen to adopt digital payments to adapt during COVID-19.
23. World Bank (2019). Digital Payment – A Dream or Reality For Vietnamese In Rural And Remote Areas.