Hoàn thiện chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách sau khi sắp xếp khu phố, ấp tại TP. Hồ Chí Minh

TS. Trần Thị Vành Khuyên
Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – TP. Hồ Chí Minh đã triển khai sắp xếp khu phố, ấp từ năm 2023 và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, những vấn đề phát sinh sau khi sắp xếp cần tiếp tục được quan tâm giải quyết, đặc biệt là vấn đề nhân sự. Bài viết tập trung đánh giá các chính sách sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại khu phố, ấp và xác định những vướng mắc hiện nay, từ đó đề xuất các khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách đối với đội ngũ này, góp phần nâng cao chất lượng và động lực làm việc giúp họ đáp ứng yêu cầu và bối cảnh mới.

Từ khóa: Ấp, khu phố; sắp xếp; chính sách; người hoạt động không chuyên trách; TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Khu phố, ấp đóng vai trò không thể phủ nhận trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mở rộng dân chủ cơ sở, phát huy trí tuệ, sự đóng góp của Nhân dân trong phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta thời gian qua. Trong bối cảnh hiện nay, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của tổ chức bộ máy nói chung, trong đó có khu phố, ấp là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết đặt trong chủ trương lớn của Đảng về cách mạng tinh gọn bộ máy. 

Tại TP. Hồ Chí Minh, mô hình tổ chức tự quản hai cấp, gồm: khu phố, ấp và tổ dân phố, tổ nhân dân được xây dựng và tồn tại từ những ngày đầu thành lập chính quyền Thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố còn có thêm mô hình tổ chức tự quản của cộng đồng tại các chung cư, như ban quản trị thay cho khu phố, tổ dân phố. Tuy nhiên, theo quy định của Trung ương về số lượng hộ dân trong khu phố ở phường, thị trấn và ấp ở xã thì thực tế tại địa phương đã không còn phù hợp. Quá trình sắp xếp khu phố, ấp tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng,như: chấm dứt hoạt động của 25.369 tổ dân phố, tổ nhân dân đồng thời giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách từ 64.309 người chỉ còn 24.305 người công tác tại 4.861 khu phố, ấp1

Mặc dù, chưa có đánh giá tổng thể về hiệu quả và tác động của việc sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn nhưng có thể thấy, công tác này đã giúp cho các tổ chức tự quản của Nhân dân được tinh gọn, giảm số lượng lớn về nhân sự và giảm ngân sách trong việc chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề đặt ra, sau khi sắp xếp khu phố, ấp cần được quan tâm, giải quyết, nhất là các chế độ, chính sách cho người hoạt động không chuyên trách đang công tác và cả những người dôi dư do sắp xếp. 

2. Các chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại khu phố, ấp sau khi sắp xếp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh 

a. Khái quát về cơ cấu nhân lực hoạt động không chuyên trách tại Thành phố 

Tại khoản 6, 7 và 8 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn (ấp), tổ dân phố (khu phố) như sau: người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 chức danh (bao gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận) được hưởng phụ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 34 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP đã giao Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp quyết định chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã cũng như tại khu phố, ấp. Với sự phân cấp trên, mỗi tỉnh, thành phố sẽ có chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã, người làm việc tại khu phố, ấp là không giống nhau.

Đối với TP. Hồ Chí Minh, việc quy định các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp làm căn cứ để chi trả phụ cấp hàng tháng được quy định tối đa là 5 chức danh, bao gồm: (1) Bí thư chi bộ khu phố, ấp; (2) Trưởng khu phố, ấp; (3) Trưởng Ban Công tác mặt trận khu phố, ấp; (4) Bí thư chi đoàn Thanh niên khu phố, ấp hoặc Trưởng chi hội khác (Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi); (5) Chi hội trưởng Phụ nữ khu phố, ấp2

Cho đến thời điểm hiện tại, các địa phương trong Thành phố đang trong quá trình triển khai việc kiện toàn lại các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở khu phố. Trong đó, sẽ có khả năng phát sinh trường hợp một người có thể kiêm nhiệm từ 2 chức danh trở lên trong 5 chức danh được hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước nên tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách sau khi hoàn thành công tác kiện toàn có khả năng thấp hơn số lượng dự tính. Như vậy, việc sắp xếp khu phố, ấp về cơ bản đã đạt được những mục tiêu ban đầu mà chính quyền Thành phố đề ra khi các khu phố, ấp được sắp xếp lại trên cơ sở sáp nhập, chia tách, thành lập mới, đổi tên và giảm số lượng lớn người hoạt động không chuyên trách. 

b. Chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách sau sắp xếp khu phố, ấp

Hiện nay, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND ngày 14/3/2024 quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở khu phố, ấp; người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp và mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị – xã hội ở cấp xã, mức khoán kinh phí hoạt động của khu phố, ấp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐND quy định cụ thể về mức khoán phụ cấp hằng tháng đối với các chức danh người hoạt động không chuyên trách tại khu phố, ấp như sau:

Bảng 1. Mức phụ cấp hằng tháng đang áp dụng đối với người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Đơn vị tính: lần

STTChức danhMức phụ cấp hằng tháng
Trường hợp A3Trường hợp B 4
Hệ sốMức lương cơ sởHệ sốMức lương cơ sở
1Bí thư Chi bộ 
khu phố, ấp
1,42.340.000 đồng1,12.340.000 đồng
2Trưởng khu phố, ấp1,42.340.000 đồng1,12.340.000 đồng
3Trưởng Ban Công tác mặt trận khu phố, ấp1,22.340.000 đồng0,92.340.000 đồng
4Bí thư Chi đoàn Thanh niên khu phố, ấp hoặc Trưởng chi hội khác (Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ)1,02.340.000 đồng0,72.340.000 đồng
5Chi hội trưởng Phụ nữ khu phố, ấp1,02.340.000 đồng0,72.340.000 đồng

Có thể thấy rằng, sau khi thực hiện việc sắp xếp khu phố, ấp, phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp có sự cải thiện đáng kể bằng việc tăng hệ số so với mức lương cơ sở trong khi mức lương cơ sở cũng được điều chỉnh tăng từ 1.800.000 đồng thành 2.340.000 đồng từ ngày 01/7/2024. Khi tiến hành so sánh mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên tráchqua các giai đoạn có thể thấy phụ cấp đã có sự thay đổi theo hướng tăng dần. Cụ thể:

(1) Mức phụ cấp đối với chức danh Bí thư Chi bộ khu phố, ấp và Trưởng khu phố, ấp tăng từ 1.0430.000 đồng/tháng lên thành 3.276.000 đồng/tháng (tương đương với mức tăng 3,14 lần). 

(2) Mức phụ cấp đối với chức danh Trưởng Ban Công tác mặt trận khu phố, ấp tăng từ 745.000 đồng/tháng lên thành 2.808.000 đồng/tháng (tương đương với mức tăng 3,77 lần). 

(3) Mức phụ cấp đối với chức danh Bí thư chi đoàn Thanh niên (và tương đương) và Chi hội trưởng Phụ nữ tăng từ 447.000 đồng/tháng lên thành 2.340.000 đồng/tháng (tương đương với mức tăng 5,27% lần). 

Kết quả của việc gia tăng mức phụ cấp hằng tháng đã thể hiện tính phù hợp, có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tốt những ý kiến, kiến nghị về việc điều chỉnh trợ cấp hằng tháng, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp trước đây. Điều này, sẽ giúp cho người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp yên tâm công tác, cống hiến sự nhiệt huyết, trách nhiệm của mình để cùng với địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước. 

Tại khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND cũng quy định mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách đã bao gồm 3% bảo hiểm y tế do cá nhân đăng ký với xã, phường, thị trấn để mua. Trường hợp người hoạt động không chuyên trách thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế thì mức phụ cấp nhận được không bị trừ đi 3% bảo hiểm y tế tham gia. Khi thực hiện việc sắp xếp lại khu phố, ấp sẽ làm giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách được hưởng phụ cấp cũng như ngân sách dành cho việc chi trả phụ cấp cũng giảm, do đó việc hỗ trợ bảo hiểm y tế cho đối tượng này mà không trừ vào 3% mức phụ cấp cũng là một nội dung mà chính quyền thành phố có thể cân nhắc để điều chỉnh trong thời gian sắp tới.  

c. Công tác khen thưởng, tri ân cho người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp

Công tác khen thưởng, tri ân những người có nhiều đóng góp trong hoạt động của khu phố, ấp được triển khai từ giai đoạn cuối tháng 10/2023. Theo hướng dẫn của Thành phố, đối tượng khen thưởng là cá nhân đang công tác tại khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân. Về hình thức khen thưởng, bao gồm: Giấy khen của Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn; Giấy khen của Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức; Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố; Huy hiệu TP. Hồ Chí Minh;Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài các hình thức khen thưởng nêu trên, Chủ tịch UBND Thành phố gửi thư cảm ơn và quà tặng đối với tất cả cá nhân đang công tác tại khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân thuộc thành phố Thủ Đức và các quận huyện. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện thực tế mà một số địa phương đã tiến hành vận động các nguồn lực xã hội hóa để tri ân, ghi nhận những đóng góp của những người đã có quá trình gắn bó và cống hiến trong hoạt động của khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển Thành phố. 

Hiện tại, việc khen thưởng, tri ân tại các xã, phường, thị trấn; các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã hoàn thành, công tác khen thưởng của Thành phố do Sở Nội vụ tham mưu đang dần hoàn thiện. 

3. Một số khó khăn, vướng mắc 

Một là, việc sắp xếp khu phố, ấp về cơ bản làm giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách nhưng đòi hỏi trách nhiệm cũng như áp lực công việc của đội ngũ này phải lớn hơn so với thời điểm trước khi sắp xếp khu phố, ấp. Cụ thể: (1) Trước khi sắp xếp, trung bình một người hoạt động không chuyên trách phụ trách 141 người dân (9.050.498 người dân/64.309 người hoạt động không chuyên trách). (2) Sau khi sắp xếp, trung bình một người hoạt động không chuyên trách phụ trách 372 người dân (9.050.498 người dân/24.305 người hoạt động không chuyên trách).

Người hoạt động không chuyên trách sau sắp xếp sẽ phụ trách số lượng người dân gấp khoảng 2,64 lần so với thời điểm trước khi sắp xếp, điều này đặt ra yêu cầu đối với người hoạt động không chuyên trách không chỉ cần sự nhiệt tình, trách nhiệm mà còn phải là những người có trình độ, có sự am hiểu về đặc điểm địa bàn dân cư. Do vậy, để có thể quản lý tốt hơn số lượng hộ gia đình, số lượng nhân khẩu trên địa bàn phụ trách, người hoạt động không chuyên trách phải vừa có năng lực phù hợp, vừa phải có động lực phụng sự, cống hiến. 

Hai là, đa số người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp là những người có uy tín, tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm cao đối với cộng đồng nhưng hầu hết đã có tuổi đời khá lớn hoặc đã hưu trí nên gặp phải những rào cản không nhỏ về sức khỏe, khả năng tiếp nhận và truyền tải các nội dung, nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Hơn nữa, thành phần dân cư trên địa bàn tương đối đa dạng và phức tạp (nhất là đối với dân cư tạm trú, người nước ngoài, khách du lịch…). Công tác nắm bắt tình hình dân cư, tuyên truyền người dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước không thể chỉ tiến hành theo những cách thức mang tính truyền thống trước đây mà cần thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ – thông tin trong hoạt động.

Ba là, một số quy định, quy chế, hướng dẫn chi tiết cho hoạt động của khu phố, ấp sau khi hoàn thành công tác sáp nhập, hợp nhất, chia tách, thành lập mới khu phố, ấp chưa được ban hành khiến cho hoạt động của khu phố, ấp nói riêng, hoạt động của người hoạt động không chuyên trách thiếu tính đồng bộ và chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc xác định đối tượng và tiêu chí khen thưởng, tri ân gặp nhiều khó khăn khiến công tác này kéo dài làm ảnh hưởng đến tâm tư của người hoạt động không chuyên trách(chẳng hạn: chưa thống nhất về tổng thời gian công tác (cộng dồn) hay tổng thời gian công tác liên tục) cũng như căn cứ để xác định quá trình công tác của người hoạt động không chuyên trách (do thời điểm trước đây chưa có quy định rõ ràng).  

4. Một số khuyến nghị hoàn thiện chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại khu phố, ấp

Để hoạt động của khu phố, ấp sớm đi vào ổn định, nâng cao hiệu quả như mục tiêu đề ra cũng như đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp yên tâm công tác, thiết nghĩ, chính quyền Thành phố cần quan tâm và ban hành các chế độ, chính sách thỏa đáng hơn đối với đội ngũ này.

Thứ nhất, ban hành, bổ sung thêm các chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp, như: (1) Hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm xã hội thay vì sử dụng 3% từ mức phụ cấp dành cho người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp như quy định hiện nay. (2) Xem xét việc sử dụng nguồn kinh phí dôi dư từ kinh phí khoán hằng tháng trong hoạt động của khu phố, ấp để chi tăng thêm phụ cấp giúp cải thiện thu nhập cho người hoạt động không chuyên trách. (3) Chi thưởng cuối năm từ kết dư ngân sách để có tỷ lệ chi phù hợp, tương xứng với sự đóng góp của họ trong sự phát triển chung của chính quyền. Song song với đó, việc duy trì và cải thiện chế độ hỗ trợ tết cho người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp là nội dung cần được UBND Thành phố tiếp tục quan tâm.  

Thứ hai, tăng cường hoạt động bồi dưỡng phù hợp đối với người hoạt động không chuyên tráchMục đích việc của bồi dưỡng, tập huấn nhằm giúp cho người hoạt động không chuyên trách có cơ hội được trau dồi nhiều kiến thức quan trọng, phục vụ cho hoạt động của mình tại khu phố, ấp, nhất là đối với những người hoạt động không chuyên trách mới đảm nhận chức danh. Để nâng cao hiệu quả công tác này, cần chú trọng các vấn đề sau:

(1) Về thời gian, cần được đưa vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm của xã, phường, thị trấn; của quận, huyện, Thành phố Thủ Đức và trong kế hoạch chung của UBND Thành phố. Việc tổ chức thực hiện phải được diễn ra vào một thời điểm phù hợp (có thể tổ chức vào quý II, quý III trong năm), việc tổ chức vào thời điểm đầu năm hoặc cuối năm sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. 

(2) Về địa điểm, ưu tiên thực hiện bằng hình thức trực tiếp để tạo nên sự tương tác tốt giữa báo cáo viên với người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp, để họ có thể thuận tiện đặt ra những câu hỏi, những vấn đề thắc mắc cần được giải đáp.

(3) Về nội dung và hình thức, các nội dung truyền đạt, chia sẻ, trao đổi cần cô đọng, khúc chiết, đơn giản, dễ hiểu gắn với những vấn đề mà người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp đang gặp phải. Sử dụng hình ảnh, video, tình huống thực tế trực quan, sinh động, có thể kết hợp với việc thảo luận theo nhóm để giải quyết những vấn đề cụ thể. Việc sử dụng phần mềm, công nghệ là nội dung quan trọng trong bối cảnh việc sắp xếp khu phố, ấp đòi hỏi có sự đổi mới trong cách thức quản lý nên cần được quan tâm, tập huấn cho người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp. 

Thứ ba, ban hành quy chế hoạt động của khu phố, ấp để phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, tạo điều kiện cho người hoạt động không chuyên trách chủ động công việc, tránh tình trạng hoạt động “cầm chừng” do chưa có quy chế hướng dẫn. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn xét khen thưởng, tri ân và hoàn thành việc biểu dương, ghi nhận đối với những người đã có đóng góp tích cực nhưng ngừng làm nhiệm vụ do chủ trương sắp xếp khu phố, ấp của Trung ương và Thành phố.

5. Kết luận

Có thể nói, những vấn đề liên quan đến con người trong tổ chức vốn dĩ đã không đơn giản; những bài toán về cắt giảm nhân sự, giải quyết nhân sự dôi dư lại càng nan giải vì chúng liên quan đến những khía cạnh quan trọng và nhạy cảm, như: tâm lý, tình cảm, an toàn việc làm, tương lai phát triển của nhân sự… Chính vì vậy, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại khu phố, ấp sau khi sắp xếp cần được tiếp tục quan tâm để phát huy vai trò của đội ngũ hiện hữu cũng như làm tốt và kịp thời công tác động viên, khen thưởng, tri ân các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động tại địa bàn.

Chú thích:
1. Trần Thị Vành Khuyên & Châu Thanh Duy (2024). Những vấn đề đặt ra đối với việc sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 5/2024, tr. 30 – 33.
2. Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2024). Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND ngày 14/3/2024 quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở khu phố, ấp; người trực tiếp tham gia hoạt động của khu phố, ấp và mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị – xã hội ở cấp xã, mức kinh phí hoạt động của khu phố, ấp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
3. Khu phố có quy mô hộ gia đình từ 500 hộ trở lên; ấp có quy mô hộ gia đình từ 350 hộ gia đình trở lên.
4. Khu phố có quy mô hộ gia đình dưới 500 hộ; ấp có quy mô hộ gia đình dưới 350 hộ.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (2022). Kết luận số 453-KL/TU ngày 25/11/2022 về chủ trương định hướng sắp xếp khu phố – ấp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo quy định của Trung ương.
2. Chính phủ (2023). Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.  
3. Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2024). Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 14/3/2024 về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
4. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2023). Quyết định số 3009/QĐ-UBND ngày 24/7/2023 về ban hành kế hoạch sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo quy định của Trung ương.