Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, phát triển bền vững ngành Thủy sản ở Quảng Ngãi

Nguyễn Cao Cường 
ThS. Nguyễn Viết Đức
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành Thủy sản; nội dung này được tỉnh Quảng Ngãi xác định rõ: các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh phải có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ “thẻ vàng” và duy trì phát triển ngành Thủy sản bền vững; góp phần phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung; đồng thời, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo trên vùng biển của tỉnh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ khóa: Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi; lãnh đạo; chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; phát triển; ngành Thủy sản.

1. Đặt vấn đề

Quảng Ngãi là tỉnh ven biển vùng duyên hải Nam Trung bộ, với tổng chiều dài bờ biển của tỉnh khoảng 131 km, vùng lãnh hải rộng trên 11.000 km2 và có 6 cửa biển; có cảng biển nước sâu Dung Quất. Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành Thủy sản, trong đó đáng kể là địa phương có 4 huyện, thị xã, thành phố ven biển và 1 huyện đảo. Cùng với đó, cộng đồng ngư dân địa phương có truyền thống và giàu kinh nghiệm trong nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản…Theo thống kê, quý II/2024, toàn tỉnh có 4.336 phương tiện khai thác hải sản trên biển, trong đó có 3.079 phương tiện thường xuyên đánh bắt xa bờ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và cấp ủy các cấp, đến quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ngành Thủy sản chiếm 16,17% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh1.

2. Kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp 

Một là, lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát. Với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thủy sản, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ngành có liên quan đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ngành Thủy sản của Quảng Ngãi không ngừng phát triển. Sản lượng thủy sản khai thác tỉnh năm 2022 đạt 267.768 tấn và năm 2023 đạt 203.903 tấn (đạt 76,9% kế hoạch năm)2. Giai đoạn từ năm 2017 đến nay, cấp ủy các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nỗ lực triển khai nhiều giải pháp; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, nhờ đó, đã giảm dần số vụ vi phạm về khai thác thủy sản trên biển.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh tập trung thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa 11 tỉnh, thành phố trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng); kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tập trung nguồn lực giải quyết những hạn chế, bất cập trong công tác chống khai thác IUU và đạt được một số kết quả tích cực. 

Bảng 1: Hoạt động tuần tra tại vùng biển Quảng Ngãi của các cơ quan chức năng trong tỉnh giai đoạn 2018 – 20243

Đơn vị: lượt

                    Năm/Nội dung 201820192020202120222023Quý II/2024
Tổng số lượt tuần tra, kiểm soát429471473477475478183
Số lượt phát hiện sai phạm tại vùng biển chủ quyền 13415415714915215574
Số lượt xử lý sai phạm tại vùng biển chủ quyền 13415415714915215574
Số tàu thuyền quốc tế vi phạm15231528451716
Số lượt cứu hộ cứu nạn trên biển37465861395523

Trong giai đoạn 2018 – 2024, dưới sự lãnh đạo Đảng bộ tỉnh, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành vi khai thác IUU vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong ngành Thủy sản. Từ bảng 1 cho thấy, tổng số lượt tuần tra, kiểm soát là 2.986 lần, số lượt vi phạm tại vùng biển chủ quyền là 975 lượt, số tàu quốc tế vi phạm 159 lượt. Trong đó, năm 2022, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi xử phạt vi phạm hành chính 152 trường hợp/120 phương tiện/678.500.000 đồng theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019; năm 2023, đã xử 155 trường hợp sai phạm/146 phương tiện/827.5000.000 đồng4. Tuy nhiên, ngành Thủy sản của tỉnh phát triển chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủyban châu Âu, một số cơ sở khai thác thủy sản chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. 

Hai là, lãnh đạo công tác quản lý tàu cá. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện rà soát, kiểm tra, đối chiếu xác nhận đăng ký tàu cá và thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản. Trong năm 2023, thực hiện cấp 48 Giấy phép khai thác thủy sản. Tổng số tàu cá đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản 3.511/4.531 chiếc5. Đến quý II/2024, tổng số tàu cá của tỉnh là 4.531 chiếc (giảm 13 chiếc so với quý I/2024). Thực hiện chuyển 25 hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi đến các tỉnh và tiếp nhận 4 hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Đồng thời, đã chuyển 27 hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi đến các tỉnh lân cận; tiếp nhận 5 hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi từ Quảng Nam vào vùng biển của tỉnh6.

Việc thông báo, hướng dẫn chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định được địa phương chú trọng triển khai, hướng dẫn ngư dân trong thời gian qua. Đến nay, toàn tỉnh có 2.944/3.193 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (tỷ lệ đạt 92,2%)7. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 249 tàu cá chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Hệ thống VMS còn chậm, chưa có các tính năng quản lý tàu cá để bảo đảm phát hiện ngay và xử lý kịp thời các trường hợp bị mất kết nối VMS trên vùng biển của tỉnh; trường hợp bị mất kết nối VMS do lỗi của đơn vị cung cấp thiết bị vẫn thường xảy ra (đặc biệt sự cố mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS)8.

Việc triển khai hệ thống quản lý, giám sát toàn diện đội tàu; cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; truy xuất nguồn gốc thủy sản; xây dựng chuỗi sản xuất thủy sản liên kết giữa ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền; xử lý vi phạm còn hạn chế.

Ba là, lãnh đạo công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật cho tàu cá. Đến nay, đã thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật cho 854 tàu cá; thẩm định 56 bộ hồ sơ thiết kế, cải hoán tàu cá; cấp 165 sổ danh bạ thuyền viên tàu cá và 14 giấy chứng nhận thủy sản khai thác tương ứng 267,2 tấn sản phẩm thủy sản khai thác trong nước không vi phạm quy định về đánh bắt bất hợp pháp9. Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo chặt chẽ các ban, ngành chức năng tổ chức phối hợp kiểm tra kẹp chì thiết bị giám sát hành trình tàu cá tại các cảng cá, khu neo đậu tránh bão tàu cá; xử lý tàu cá mất kết nối giám sát hành trình tàu cá và vượt ranh giới trên biển theo quy định. Tổ chức quản lý, khai thác, bảo vệ công trình tại cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn, cảng cá Sa Huỳnh, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á và cảng cá Tịnh Kỳ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường trong khu vực cảng và khai thác ngày càng hiệu quả các công trình được giao quản lý. 

Tuy nhiên, số lượng tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản (áp dụng đối với tàu có chiều 6 m trở lên) còn chiếm tỷ lệ lớn: 713 tàu (trong đó huyện Bình Sơn: 255 tàu, Mộ Đức: 21 tàu, Lý Sơn: 80 tàu, thành phố Quảng Ngãi: 265 tàu và thị xã Đức Phổ: 92 tàu) 10

3. Một số giải pháp nâng cao vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp hiện nay ở tỉnh Quảng Ngãi

Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, đồng thời, chỉ ra được những tồn tại, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chống khai thác bất hợp pháp, góp phần cùng cả nước sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, giúp ngư dân trên địa bàn tỉnh yên tâm bám biển sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi cần tập trung vào các nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, Đảng bộ tỉnh cần lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển về chống khai thác IUU, phát triển bền vững ngành Thủy sản.

(1) Đánh giá đúng thực trạng, tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa đối với tàu cá và ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tập trung, đa dạng các hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cộng đồng ngư dân ven biển của tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan các quy định pháp luật về biển, đảo, chống khai thác IUU. Chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.

(2) Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững và chống khai thác IUU. Tổ chức quán triệt các nội dung phù hợp với từng đối tượng, thành phần, từng cấp, ngành nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên, người lao động và cộng đồng ngư dân ven biển tỉnh Quảng Ngãi nắm vững, hiểu rõ nội dung cơ bản của Chỉ thị số 32-CT/TW; bảo đảm nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở xây dựng, cụ thể hóa Chỉ thị số 32-CT/TW thành chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện trong toàn tỉnh.

Thứ haităng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong tỉnh; chỉ huy các cấp; các cơ quan, đơn vị, phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống khai thác IUU.

(1) Thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thủy sản; các kế hoạch, chương trình phát triển bền vững ngành Thủy sản của tỉnh phù hợp với những mục tiêu phát triển theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023; triển khai đầy đủ các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh. 

(2) Phát huy vai trò cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, trực tiếp là Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành Thủy sản; Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ, các kế hoạch, quyết định của Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi về triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Nghị quyết số 52/NQ-CP. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, khoa học, phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao và đặc điểm của tỉnh.

 Thứ ba, phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành Thủy sản.

(1) Nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm các lực lượng thực thi pháp luật. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp vừa tuyên truyền, vận động, vừa theo dõi, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ trong bờ và trên biển của tỉnh. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi vi phạm; kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân trong tỉnh đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu.

(2) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hợp tác quốc tế về thủy sản; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân của tỉnh khai thác trên biển; thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế của tỉnh trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về bảo vệ đại dương, môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản. Kịp thời đấu tranh đối với việc tàu cá, ngư dân của Tỉnh không vi phạm khai thác bất hợp pháp bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý tại những vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định với vùng biển của tỉnh.

Thứ tư, tập trung đột phá nâng cao chất lượng công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên biển.

(1) Tiếp tục thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát các cơ quan, lực lượng chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU (định kỳ 2 tuần/lần báo cáo kết quả về Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo, xử lý). 

(2) Điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác IUU, đặc biệt là các hành vi môi giới tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; các tổ chức, cá nhân móc nối, dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU. Tập trung quản lý chặt chẽ không để phát sinh tàu cá không đăng ký, không có giấy phép khai thác thủy sản, không đăng kiểm. Tiếp tục tập trung nguồn lực tổ chức trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ chủ tàu thực hiện thủ tục đăng ký các loại giấy tờ cho tàu cá theo quy định. 

(3) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi tập trung nguồn để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp về quản lý tàu cá, giám sát đội tàu, truy xuất nguồn gốc, thực thi pháp luật và các nhiệm vụ liên quan đến công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành Thủy sản. 

4. Kết luận

Công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, của cấp ủy đảng các cấp và toàn thể nhân dân trong tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, góp phần gỡ “Thẻ vàng” theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu. Để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cũng như tích cực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Chú thích:
1, 6, 7, 8, 9, 10. Chi cục Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh quảng Ngãi(2024). Báo cáo Kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm 2024 và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024.
3, 4, 5. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi (2023). Báo cáo hoạt động tuần tra tại vùng biển Quảng Ngãi giai đoạn 2018 – 2023.
2. Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi (2024). Tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024. Quảng Ngãi, tr. 5, 23.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương (2024). Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2018). Thông tư số 24/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 quy định việc khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.
3. Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (2021). Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
4. Quảng Ngãi đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm đột phá để phát triển kinh tế – xã hội. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/03/25/quang-ngai-de-ra-nhieu-nhiem-vu-trong-tam-dot-pha-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/