Nguyễn Thị Thanh Huyền
Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Thu hút, trọng dụng nhân tài là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là biện pháp quan trọng để hiện thực hoá khát vọng, mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của một số thành phố phát triển năng động, sáng tạo của thế giới trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài; từ đó gợi mở khuyến nghị để vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn của TP. Hồ Chí Minh.
Từ khóa: Thu hút, trọng dụng nhân tài, kinh nghiệm thế giới.
1. Thu hút, trọng dụng nhân tài ở Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc
Thượng Hải nằm ở bờ biển phía Đông của Trung Quốc, trung tâm của đồng bằng sông Dương Tử, là một trong những thành phố lớn nhất, đông dân nhất đất nước với tổng diện tích là 6.340,5 km2 và dân số 26,32 triệu người (2019). Không chỉ là thành phố trực thuộc Trung ương, Thượng Hải còn là trung tâm tài chính, thương mại của Trung Quốc với quy mô kinh tế đạt 663,8 tỷ USD (năm 2022)1, lớn nhất nước và lớn hơn so với nhiều quốc gia khác.
Thu hút và trọng dụng nhân tài là chính sách được chính quyền thành phố Thượng Hải quan tâm hàng đầu. Điều này bởi thành phố đã từng trải qua tình trạng “chảy máu chất xám” nghiêm trọng vào những năm 80, 90 (thế kỷ XX) khi nhân tài của thành phố đã di cư đến các nước phát triển. Khi đó, Viện Hàn lâm khoa học Thượng Hải đã mất đến 58,8% các nhà khoa học và nhà nghiên cứu trẻ của mình sang các nước khác2. Mặt khác, bước vào kỷ nguyên kinh tế tri thức, Thượng Hải tập trung phát triển các ngành công nghiệp mới nổi.
Trên cơ sở chiến lược nhân tài của thành phố, hàng năm, Cục Nhân sự thành phố – cơ quan chủ trì nhiệm vụ thu hút và trọng dụng nhân tài – đã xây dựng và ban hành Danh mục phát triển nhân tài. Điểm nổi bật của Danh mục này là danh sách phân loại nhân tài cần thiết nhất hoặc có khả năng cần thiết nhất trong thời gian ngắn từ 1 – 3 năm tại Thượng Hải3.
Để tìm kiếm, phát hiện và tuyển chọn nhân tài, từ đầu những năm 2000, chính quyền thành phố Thượng Hải đã cử các đoàn đại biểu tuyển dụng nhân tài, do các viên chức cấp cao đứng đầu, đến các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản và Australia – nơi tập trung nhiều nhân tài trẻ người Hoa sinh sống và làm việc. Đồng thời, chính quyền thành phố thành lập văn phòng chương trình cấp cao và cử các phái đoàn thường trú tại các nước phát triển lớn, được chi trả bằng nguồn tài trợ của ngân sách thành phố, với nhiệm vụ chính là: quảng bá chương trình tới nhân tài Hoa Kiều; tổng hợp các yêu cầu tuyển dụng nhân tài của các tổ chức tại Thượng Hải; thu thập thông tin về nhân tài Hoa kiều và giới thiệu ứng viên cho các tổ chức tại Thượng Hải.
Đồng thời, chính quyền yêu cầu các tổ chức, trường đại học công lập, các viện nghiên cứu, bệnh viện công, các công ty, tổ chức ngân hàng, tài chính nhà nước tại Thượng Hải cung cấp các vị trí cấp cao nhất để thu hút nhân tài với mức độ và số lượng vị trí xác định rõ ràng cho từng loại tổ chức và doanh nghiệp nhà nước4. Để thu hút nhân tài, chính quyền thành phố đã trả lương cao cho nhân tài. Cùng với đó, chính quyền thành phố còn thực hiện chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân với việc cắt giảm thuế từ 45% xuống còn 20 – 25% nhằm tạo sự hấp dẫn của chính sách đối với nhân tài.
Để thu hút nhân tài, nhất là nhân tài nước ngoài đến Thượng Hải, chính quyền thành phố đã ban hành chính sách thẻ cư trú, không phân biệt quốc tịch. Cùng với chính sách cư trú, chính quyền Thượng Hải còn nới lỏng chính sách hộ khẩu để giữ chân nhân tài ổn định lâu dài. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ 50 trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của tổ chức Times Higher Education (Mỹ), làm việc ổn định tại Thượng Hải trong một năm hoặc sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học danh tiếng của Trung Quốc như Đại học Thanh Hoa, Đại học Phúc Đán, Đại học Giao thông vận tải…5.
Chính quyền Thành phố còn quan tâm cải thiện môi trường sống với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của thành phố, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ, phúc lợi xã hội, xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với các gia đình quốc tế. Cùng với đó, chính quyền thành phố rất quan tâm tăng cường hỗ trợ cho tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ, sinh viên mới ra tốt nghiệp đại học, đầu tư vào các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ và cung cấp vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp6.
Chính quyền thành phố còn lập ra các vườn ươm doanh nghiệp cho những người hồi hương được gọi là “Trung tâm dành cho học giả trở về”7 nhằm hỗ trợ các học giả, doanh nghiệp nước ngoài về các giấy tờ, thủ tục để họ có thể sớm ổn định lâu dài tại Thượng Hải. Theo Văn phòng Tài năng của Ủy ban Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Thượng Hải có 6,75 triệu cá nhân tài năng8, góp phần tích cực vào việc phát triển các lĩnh vực mới của nền kinh tế. Với kết quả này, Thượng Hải đã trở thành thành phố đứng đầu trong số 4 thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc về thu hút và giữ chân nhân tài. Theo “Bảng xếp hạng thu hút nhân tài tại các thành phố Trung Quốc năm 2023, tỷ lệ “dòng chảy ròng” (the net inflow ratio of talented individuals) của Thượng Hải đạt 1,9%, tiếp theo đó là Bắc Kinh (1,5%), Thâm Quyến (1,1%) và Quảng Châu (0,7%)9.
Có thể thấy, chính sách thu hút và giữ chân nhân tài của chính quyền với các yếu tố như: sự ưu đãi về tài chính, sự cởi mở của chính sách định cư, môi trường kinh doanh thuận lợi với chính sách phát triển các ngành công nghiệp mới và môi trường sống phù hợp đã đưa thành phố trở thành nam châm thu hút và giữ chân nhân tài hiệu quả.
2. Thu hút, trọng dụng nhân tài ở Singapore
Singapore là một quốc đảo có diện tích khoảng 700 km2 và dân số khoảng 6 triệu người. Quốc đảo này bao gồm một đảo chính và 63 đảo nhỏ (rất ít đảo có người ở), trong đó thành phố – thủ đô Singapore nằm trên đảo chính, vì vậy, thành phố này gần như là cả quốc gia Singapore. Tuy nghèo về tài nguyên, song Singapore là thành phố có nền kinh tế mở, năng động và phát triển bậc nhất ở khu vực châu Á và một nền công vụ tinh gọn, minh bạch, hiệu quả, được vận hành bởi đội ngũ công chức tài năng và liêm chính. Với quan điểm “nhân tài là tài sản quý giá nhất của quốc gia”, để xây dựng một chính quyền mạnh trên một khu vực đất không rộng, người không đông, một tổ chức ưu tú nhất để người dân vô ưu, vô lo”10, chính quyền thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu để thu hút và giữ chân nhân tài trong khu vực công.
Đối với Singapore, nhân tài trong khu vực công phải là người có năng lực chuyên môn xuất sắc và có phẩm chất đạo đức. Năng lực chuyên môn được đánh giá qua kết quả cụ thể như kết quả học tập, kết quả thực thi công vụ. Nhân tài trước hết là người đạt được thành tích học tập ấn tượng tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới hoặc ở Singapore, đồng thời phải là người phù hợp với công việc và đạt kết quả tốt nhất trong công việc được giao. Dựa trên quan niệm đó, Singapore đã thu hút nhân tài không phân biệt thâm niên, tuổi tác, tôn giáo, người trong nước hay người nước ngoài…để xây dựng một chính quyền liêm chính, hiệu quả.
Singapore thu hút và giữ chân nhân tài trước hết thông qua đầu tư, trợ cấp giáo dục. Để thu hút sinh viên xuất sắc của các trường đại học danh tiếng vào khu vực công, chính quyền thành phố đã cung cấp nhiều loại học bổng cho học sinh, sinh viên xuất sắc nhằm thu hút những người trẻ, giỏi giang vào phục vụ cho chính quyền. Cùng với đó, chính quyền đã thiết lập hàng loạt chương trình học bổng du học nước ngoài dành cho mọi người có đủ điều kiện tham gia, trong đó, nguồn chính là những sinh viên xuất sắc của Singapore.
Chính quyền thành phố đã thực hiện chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ cao. Để xác định mức lương của công chức, chính quyền thành phố thường căn cứ vào thu nhập của khối tư nhân để đưa ra mức lương cho công chức. Trong đó, mức lương của công chức cao cấp tương đương với lương trung bình của những người hưởng lương cao nhất của một số ngành nghề có thu nhập cao trong khu vực tư nhân, như: luật, ngân hàng, kế toán, kỹ sư, doanh nghiệp. Chế độ lương, thưởng gắn với kết quả công việc, sự đóng góp của mỗi công chức và hiệu quả của nền kinh tế có tác dụng khuyến khích, thôi thúc bản thân những công chức được nhận thưởng và cả những công chức khác nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt công việc, cống hiến hết mình vì sự phát triển của đất nước để nhận được thành quả tương ứng11.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài nước ngoài đến làm việc, chính quyền thành phố đã đưa ra những quy định mới về visa lao động. Trong đó, từ năm 2023, Singapore cho phép người có thu nhập cao và người có trình độ cao đến định cư tại Singapore trong thời hạn 5 năm, thay vì thời gian 2 – 3 năm như trước đây. Cùng với chính sách ưu đãi về thuế, Singapore đã xây dựng hệ thống thuế thu nhập ưu đãi dành cho nhân tài. Theo đó, các chuyên gia nước ngoài có thể được hưởng mức thuế 15% đối với 160.000 đô la Singapore đầu tiên trong thu nhập chịu thuế của họ. Con số này được xem là thấp hơn đáng kể so với mức thuế ở nhiều quốc gia phát triển khác. Mức thuế ưu đãi này cũng trở thành động lực to lớn đối với nhân tài và khiến Singapore trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những người có thu nhập cao và các chuyên gia trong lĩnh vực của họ12.
Để giữ chân nhân tài, chính quyền Singapore trao cho họ đảm nhận các vị trí trong khu vực công tương xứng với tài năng và phẩm chất đạo đức. Điều này giúp họ phát huy cao độ năng lực, sự cống hiến, đóng góp của bản thân cho nền công vụ và sự phát triển kinh tế của Singapore. Thành phố cũng thực hiện chế độ thăng tiến dựa trên kết quả công việc, tiềm năng, sự đóng góp của công chức vào sự phát triển chung. Những công chức xuất sắc có thể đảm nhiệm các chức vụ cao ở độ tuổi còn trẻ bằng những đóng góp nổi trội của mình. Chính quyền Singapore cho rằng, lãnh đạo là vấn đề hệ trọng quyết định sự tồn tại, thịnh suy của đất nước, do vậy, phải trao cho người tài giỏi nhất, tuyệt đối không thể tùy tiện bố trí cho người nhà hoặc kẻ thân hữu.
Có thể thấy, Singapore đã triển khai một loạt các chính sách để thu hút nhân tài bao gồm cung cấp các ưu đãi tài chính với chế độ lương và đãi ngộ cao, những đặc quyền về thị thực và cư trú, tạo ra môi trường sống thuận lợi, thân thiện đối với nhân tài. Nhờ vậy, Singapore đã trở thành một trong những thành phố thành công trên thế giới trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Thông qua những chính sách trên, Singapore đã thu hút được những cá nhân có kỹ năng, chuyên môn đặc biệt, trở thành điểm đến được ưa chuộng để định cư lâu dài của nhiều nhân tài hàng đầu trên thế giới. Trong số 4,5 triệu người lao động Singapore thì có tới 25% lao động là người nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Trong bảng xếp hạng toàn cầu về mức độ thu hút và giữ chân nhân tài năm 2023, thành phố xếp thứ 7 trên thế giới và là thành phố duy nhất của châu Á lọt vào tốp 1013. Nhân tài đã trở thành một trong những động lực quan trọng nhất để thúc đẩy sự thành công của Singapore.
3. Những gợi ý chính sách cho TP. Hồ Chí Minh
Để thu hút nhân tài vào khu vực công, từ năm 2014, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm chính sách thu hút nhân tài thông qua Kết luận số 179-KL/TU ngày 24/02/2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ. Trên cơ sở kết quả đạt được ở giai đoạn thí điểm chính sách (2014-2018), ngày 16/3/2018, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022. Tiếp đó, đến ngày 07/12/2018, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực Thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022 (thay thế Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND). Tại Kỳ họp thứ mười ba, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND ngày 06/12/2023 về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu thu hút (thay thế Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND).
Trên cơ sở chính sách được ban hành, Ủy ban nhân dân Thành phố (UBND) đã tiến hành cụ thể hóa Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, thông qua việc ban hành các quyết định gồm: Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND ngày 04/9/2018 quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu giai đoạn 2018-2022; Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 04/7/2019 quy định về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu trong giai đoạn 2019-2022 (thay thế Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND); Quyết định số 38/2024/QĐ-UBND ngày 10/7/2024 của UBND ban hành quy định về thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của Thành phố…
Trong giai đoạn 2014-2018, Thành phố đã thu hút được 17 chuyên gia về công tác, trong đó có 3 chuyên gia Việt Nam, 6 chuyên gia nước ngoài, có 8 trường hợp là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Họ là những cá nhân có nhiều thành tích nghiên cứu và uy tín trong ngành, lĩnh vực, chuyên môn của các trường đại học tại các nước phát triển hàng đầu thế giới. Trong đó, lĩnh vực khoa học, công nghệ cơ bản chiếm tỷ trọng cao nhất (40%), tiếp đến là công nghiệp công nghệ cao (33,33%), công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao đạt 26,67%14.
Trong giai đoạn 2019-2022, Thành phố đã thu hút được 5 chuyên gia về công tác tại khu công nghệ cao15. Đầu năm 2024, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ, lần đầu tiên, TP. Hồ Chí Minh đã tuyển được 3 viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ16. Những kết quả đạt được đã đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong triển khai và thực hiện thu hút nguồn chất xám phục vụ phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; tạo động lực mới trong phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, công nghệ cao của thành phố, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, phát triển kinh tế tri thức dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định song số lượng chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, sinh viên xuất sắc được thu hút còn khiêm tốn so với kỳ vọng. Để đạt được mục tiêu là một trong 5 địa phương đi đầu cả nước trong các chỉ số về thu hút và phát triển nhân tài, trên cơ sở nghiên cứu chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài ở Thượng Hải và Singapore, TP. Hồ Chí Minh cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:
Một là, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong khu vực công về vị trí, vai trò của nhân tài và tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài đối với việc nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Do đó, thu hút và trọng dụng nhân tài là một trong những nhiệm vụ cốt lõi, thường xuyên, lâu dài và mang tính cấp bách trong bối cảnh sự cạnh tranh về nhân tài đang diễn ra gay gắt hiện nay.
Hai là, để chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả, Thành phố cần quan tâm giao nhiệm vụ cho một cơ quan hoặc một bộ phận chủ trì đảm nhận nhiệm vụ thu hút nhân tài cho các vị trí trong các cơ quan, tổ chức thuộc khu vực công do Thành phố quản lý. Bộ phận này có nhiệm vụ tham mưu xây dựng kế hoạch thu hút và trọng dụng nhân tài dài hạn và hàng năm dựa trên nhu cầu của thành phố và sự vận động thị trường lao động, trong đó ưu tiên tuyển dụng nhân tài vào các lĩnh vực và ngành nghề mà thành phố có nhu cầu. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu nhân tài bao gồm các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố, các chuyên gia, các nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt để nắm được thông tin phục vụ cho việc thu hút và tuyển chọn nhân tài.
Ba là, lương và chế độ đãi ngộ là một trong những yếu tố cơ bản tạo ra sức hấp dẫn của chính sách, vì vậy, thành phố cần tiếp tục nâng cao mức lương và chế độ đãi ngộ đối với nhân tài. Vì vậy, Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi về lương và chế độ đãi ngộ tốt đối với nhân tài nói riêng và đội ngũ công chức, viên chức nói chung nhằm đảm bảo sức cạnh tranh với khu vực tư nhân để hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”.
Kinh nghiệm thành công của các thành phố trong việc thu hút nhân tài cho thấy, cơ quan chuyên trách thường chủ động tìm kiếm nhân tài từ các nguồn khác nhau. Chính quyền thành phố Thượng Hải đã tổ chức các đoàn đại biểu sang các nước phát triển để tìm kiếm và mời gọi nhân tài; Singapore chủ động tìm kiếm các sinh viên xuất sắc ở các trường đại học danh tiếng và cung cấp học bổng tiền công vụ cho họ… Do vậy, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cần thúc đẩy các giải pháp nhằm khuyến khích, phát hiện, tiến cử nhân tài. Trong đó, Thành phố cần chủ động phát huy vai trò và trách nhiệm trong việc phát hiện, giới thiệu, tiến cử nhân tài của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp; chủ động, tích cực phối hợp với các cơ sở giáo dục – đào tạo để sớm phát hiện tài năng trẻ là học sinh, sinh viên.
Bốn là, cần tăng cường việc tuyên truyền chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của Thành phố đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn, nhất là các trường đại học, các học viện và người Việt Nam ở nước ngoài. Việc quảng bá chính sách có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trong đó, cần chú trọng lồng ghép việc thực hiện chính sách trong các hoạt động ngoại giao của chính quyền, hoạt động đối ngoại của đảng và đối ngoại của nhân dân để tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân tài cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Năm là, cần quan tâm cải thiện môi trường sống nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của thành phố, xây dựng môi trường văn hóa thân thiện, cởi mở, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ giải trí, môi trường xanh, sạch, đẹp. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội chưa được giải quyết triệt để, như: ngập lụt, giao thông, bệnh viện quá tải, môi trường ô nhiễm, vấn đề an ninh, an toàn xã hội còn chưa thực sự được bảo đảm…
Sáu là, xây dựng môi trường làm việc cởi mở, khuyến khích đổi mới sáng tạo, hình thành văn hóa trọng dụng nhân tài trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, kiến tạo môi trường làm việc thuận lợi với thời gian và hình thức làm việc linh hoạt phù hợp với nhu cầu của chuyên gia và mục tiêu nhiệm vụ, để có thể thu hút và giữ chân nhân tài. Trong đó, rất cần những cán bộ quản lý giỏi, tinh tế trong hành xử và kiến tạo môi trường làm việc dân chủ, cởi mở, thân thiện, đoàn kết và sẵn sàng hỗ trợ nhân tài để họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cống hiến, đóng góp giá trị hữu ích cho xã hội.
Chú thích:
1. Thành phố Thượng Hải coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Việt Nam. https://ttdn.vn/co-quan-dai-dien-va-kieu-bao/co-quan-dai-dien/thanh-pho-thuong-hai-coi-trong-quan-he-hop-tac-huu-nghi-voi-cac-dia-phuong-viet-nam-77602.
2, 3, 4. The Shanghai “Highland of Talent” Strategy by Rufei Zhang. https://doi.org/10.1787/9789264066649-en.
5. Kinh nghiệm thu hút lao động chất lượng cao của Trung Quốc và bài học tham khảo đối với Việt Nam. https://tapchinganhang.gov.vn/kinh-nghiem-thu-hut-lao-dong-chat-luong-cao-cua-trung-quoc-bai-hoc-tham-khao-doi-voi-viet-nam.htm.
6, 8, 9. Shanghai remains top city for attracting talented professionals. Shanghai remains top city for attracting talented professionals (chinadailyhk.com).
7. Cạnh tranh giành nhân tài: Chiến lược của Trung Quốc để đảo ngược tình trạng chảy máu chất xám. China’s strategies to reverse the brain drain.
10. Công tác nhân tài của Đảng Nhân dân hành động – Đảng cầm quyền của Singapore. Tạp chí Thông tin khoa học chính trị, số 04 (211-2020), tr.93-98.
11. Thomas J. Bellows (2009). Meritocracy and the Singapore Political System, 2009. Asian Journal of Political Science, Vol. 17, No. 1, April 2009
12. Why Singapore prime spot top foreign talent. https://www.incorp.asia/blogs/why-singapore-prime-spot-top-foreign-talent.
13. Singapore is no 2 in the world for attracting and developin talent insead. https://www.edb.gov.sg/en/business-insights/insights/singapore-is-no-2-in-the-world-for-attracting-and-developing-talent-insead.html.
14, 15. Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh (2022). Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của Thành phố trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới. Kỷ yếu hội thảo khoa học, tr. 266, 54.
16. TP. Hồ Chí Minh tuyển được 3 viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc sau 5 năm. https://thanhnien.vn/tphcm-tuyen-duoc-3-vien-chuc-tu-nguon-sinh-vien-xuat-sac-sau-5-nam185240118104002108.htm?