Các tiêu chí đánh giá công chức cấp tỉnh theo kết quả thực thi công vụ của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào

Phokham Sanahong
UBND huyện Viêng Kham, tỉnh Viêng Chăn, nước CHDCND Lào 

(Quanlynhanuoc.vn) – Đánh giá công chức có vai trò quan trọng trong quá trình quản lý công chức cũng như nâng cao chất lượng của nền công vụ. Để đánh giá công chức hiệu quả cần xây dựng các tiêu chí khoa học và hợp lý. Các tiêu chí đánh giá phải xây dựng theo hướng xác định được kết quả thực thi công vụ của công chức. Bài viết tập trung làm rõ các loại tiêu chí đánh giá công chức cấp tỉnh theo kết quả thực thi công vụ, căn cứ xây dựng tiêu chí và đề xuất một số tiêu chí đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ của nước CHDCND Lào. 

Từ khóa: Tiêu chí đánh giá, đánh giá công chức, kết quả thực thi công vụ.

1. Đặt vấn đề

Hoàn thiện thể chế quản lý công chức cấp tỉnh có vai trò quan trọng, là cơ sở, tiền đề để hoạt động quản lý công chức cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, thực tài từ hệ thống đánh giá của cơ quan quản lý và xã hội. Theo đó, việc xây dựng các tiêu chí cụ thể kết hợp cả định tính và định lượng để đánh giá mức độ hoàn thiện thể chế quản lý công chức là cần thiết. 

2. Tiêu chí đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ

Thứ nhất, về tiêu chí đánh giá.

Theo Từ điển Tiếng Việt, “tiêu chí được giải nghĩa là tính chất, dấu hiệu làm căn cứ để nhận biết, xếp loại một sự vật, hiện tượng”. Như vậy, tiêu chí luôn gắn liền với đánh giá. Tiêu chí là bao hàm các dấu hiệu hay tập hợp các dấu hiệu, trên cơ sở đó đánh giá sự vật, hiện tượng. Để nhận thức, đánh giá một sự vật hiện tượng nào đó, thông thường con người tìm cách phân tách các thuộc tính, dấu hiệu đặc trưng của sự vật, hiện tượng đó rồi tổng hợp kết quả lại. Những dấu hiệu, khía cạnh này, khi được sử dụng để đánh giá chính sự vật, hiện tượng đó thì được gọi là tiêu chí.

Đánh giá là quá trình thu thập, xử lý thông tin để đưa ra nhận định về giá trị của khách thể (người, vật, sự việc) nhằm hướng tới việc ra một quyết định nào đó hay xác định cho đối tượng (đánh giá) một giá trị nào đó. Đánh giá cũng là việc phân tích, so sánh những gì đã đề ra với kết quả thực tế đạt được và cách thức tiến hành để đạt được kết quả đó; đồng thời, chỉ ra những bất cập, tồn tại và nguyên nhân của những bất cập, tồn tại để từ đó có cơ sở đề xuất những kiến nghị.

Theo các tiêu chí khác nhau thì sự đánh giá, phân loại cũng cho kết quả khác nhau. Bản thân tiêu chí luôn tồn tại trong mối liên hệ với nhau và tùy thuộc vào mối liên hệ, sự kết hợp giữa các tiêu chí mà hình thành tiêu chí ở cấp độ cao hơn (bộ tiêu chí) hoặc mỗi tiêu chí có thể được đánh giá thông qua tiêu chí thành phần và các chỉ số khác nhau. Trong đó, tiêu chí thành phần là các tiêu chí cấu thành nhỏ hơn các tiêu chí đưa ra. Chỉ số theo nghĩa chung nhất là số liệu thể hiện sự biến động của quá trình hay hiện tượng nào đó. Các chỉ số đánh giá là những đặc tính về định lượng của khách thể được đánh giá. 

Để xây dựng được các tiêu chí (hay tiêu chí thành phần) vấn đề quan trọng nhất là xác định các thước đo (các chỉ số). Các chỉ số sẽ đại diện cho sự đánh giá những thuộc tính, những mặt nhất định của sự vật. Có nhiều loại chỉ số và sử dụng loại chỉ số nào là tùy theo nhu cầu của chủ thể sử dụng. Mỗi chỉ số hướng vào những đặc tính nhất định và gắn với những tính chất nào đó của sự vật, hiện tượng. Để đánh giá sự vật, hiện tượng, người ta thường căn cứ vào những dấu hiệu mang tính chất đặc trưng, cốt lõi đối với sự vật, hiện tượng đó. Như vậy, tiêu chí đánh giá quản lý công chức, viên chức là dấu hiệu, tính chất được lựa chọn làm căn cứ để so sánh, đối chiếu, xác định các giá trị thể hiện mức độ kết quả đạt được của thể chế quản lý công chức, viên chức thông qua các chỉ số cụ thể.

Thứ hai, tiêu chí đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ.

Tiêu chí đánh giá là cơ sở để chủ thể đánh giá sử dụng làm căn cứ cho hoạt động đánh giá, nhận diện đối tượng nhằm đạt được mục đích đề ra. Tiêu chí đánh giá theo kết quả thực thi công công vụ bao gồm các dấu hiệu hoặc tập hợp các nhóm dấu hiệu và trên cơ sở đó, đánh giá kết quả thực thi công công vụ của công chức nói chung, trong từng hoạt động cụ thể của công chức cáp tỉnh nói riêng. Để có thể đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ phải dựa vào các tiêu chí. Vì vậy, việc xác định và xây dựng các tiêu chí đánh giá là hết sức cần thiết và quan trọng. Tiêu chí được hiểu là tập hợp các dấu hiệu, tính chất mà dựa vào đó có thể phân biệt một sự vật, một khái niệm, để kiểm định hay để đánh giá một đối tượng. 

Theo Điều 3 Luật Cán bộ, công chức năm 2015 của Việt Nam, đội ngũ công chức gồm 2 nhóm: công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức chuyên môn. Mỗi loại công chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên các tiêu chí đánh giá phải phản ánh được những sự khác biệt này.

Tiêu chí đánh giá đối với công chức chuyên môn được xác định trên 7 nhóm tiêu chí:

(1) Tiêu chí đánh giá về khối lượng công việc thực hiện: thể hiện số lượng, khối lượng công chức được giao trong quá trình thực thi công vụ và mức độ hoàn thành các chỉ tiêu công việc, nhiệm vụ được giao.

(2) Tiêu chí đánh giá chất lượng thực thi công vụ: phản ánh mức độ đáp ứng các yêu cầu của công việc, cũng như các yêu cầu của người dân trong quá trình thực thi công vụ của mỗi công chức.

(3) Tiêu chí đánh giá về kết quả đánh giá, thi đua hằng năm: phản ánh mức độ phân loại, đánh giá cũng như kết quả công tác thi đua, khen thưởng của công chức.

(4) Tiêu chí đánh giá về năng lực thực thi công vụ: đánh mức độ thể hiện về kiến thức, kỹ năng và thái độ của công chức trong quá trình thực thi công vụ. Kết quả thực thi công vụ không chỉ được thể hiện qua đầu ra là khối lượng công việc và chất lượng công việc mà còn thể hiện mức độ đáp ứng năng lực của công chức.

(5) Tiêu chí đánh giá về tuân thủ pháp luật và trình tự, thủ tục thực hiện công việc: phản ánh mức độ tuân thủ quy trình, thủ tục và phương pháp thực thi các nhiệm vụ, quyền hạn được giao của công chức.

(6) Tiêu chí về sáng tạo, chủ động trong thực hiện công việc: đánh giá các đề xuất, sáng kiến, sáng tạo của công chức trong quá trình thực thi công vụ và những lợi ích do sáng kiến, đề xuất này mang lại.

(7) Tiêu chí về tinh thần trách nhiệm: thể hiện tinh thần trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ.

Tiêu chí đánh giá đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

(1) Kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ của cơ quan/bộ phận: Tiêu chí này đánh giá về khối lượng, kết quả thực hiện các công việc, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị do mình phụ trách hoặc lĩnh vực do mình phụ trách.

(2) Kết quả thực hiện các chức năng lãnh đạo, quản lý: Tiêu chí này thể hiện thông qua việc thực hiện các chức năng lãnh đạo, quản lý điều hành tại cơ quan, đơn vị hoặc lĩnh vực do mình phụ trách. 

(3) Năng lực tập hợp, đoàn kết công chức: là khả năng huy động công chức trong cơ quan tham gia vào hoạt động chung, mức độ ủng hộ của các công chức và sự gắn bó của các công chức.

3. Các nhóm tiêu chí phân loại công chức theo kết quả thực thi công vụ

Một là, phân loại theo mối quan hệ giữa kết quả thực thị công vụ với các yếu tố có liên quan. Theo cách này có các tiêu chí, như: (1) Tiêu chí hiệu lực: chỉ mức độ mà sản phẩm, kết quả đầu ra trong quá trình thực thi công vụ của công chức phù hợp với các mục tiêu, yêu cầu đặt ra; (2) Tiêu chí hiệu quả: chỉ những kết quả thực thi công vụ của công chức đáp ứng đúng yêu cầu trong mối tương quan với chi phí nguồn lực bỏ ra. 

Hai là, phân loại theo mức độ phản ánh tính cụ thể của các tiêu chí, gồm: (1) Tiêu chí định lượng: là cách diễn đạt kết quả đầu ra công vụ thông qua các con số (số lượng, giá trị %…). Những tiêu chí này có thể “cân”,“đong”, “đo”, “đếm” được. (2) Tiêu chí định tính: là cách diễn đạt các tiêu chí kết quả thực thi công vụ thường dưới dạng câu chữ, phản ánh tính chất, đặc điểm, sự hơn kém của các tiêu chí đầu ra trong thực thi công vụ của công chức.

Ba là, phân loại theo tính chất của kết quả thực thi công vụ, gồm: (1) Tiêu chí phản ánh số lượng: phản ánh số lượng sản phẩm, kết quả mà công chức đã tạo ra cũng như thực hiện trong quá trình thực thi công vụ. Tiêu chí này phản ánh thông qua số lượng nhiệm vụ được giao, số kết quả tạo ra. (2) Tiêu chí phản ánh chất lượng: chỉ mức độ mà các kết quả hoạt động đáp ứng yêu cầu của cơ quan nhà nước và đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng quản lý, phục vụ nhân dân.

Bốn là, các tiêu chí đánh giá công chức cấp tỉnh theo kết quả thực thi công vụ.

Xây dựng tiêu chí đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ cần dựa trên các căn cứ khoa học sau đây:

(1) Các lý thuyết của khoa học hành chính công, đặc biệt là lĩnh vực tổ chức nhân sự. Một số lý thuyết có thể kể đến, như: về quản lý đầu ra; về hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính; quản lý theo mục tiêu, đánh giá theo kết quả đầu ra; kết quả thực thi công vụ…

(2) Các quy định của pháp luật về hoạt động của đội ngũ công chức và các quy định về đánh giá công chức. Việc xác định chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu và kết quả thực thi công vụ phải căn cứ vào các quy định pháp lý. Một mặt, các quy định pháp luật về công chức sẽ quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá công chức, mặt khác, dựa trên cơ sở các quy định này để xây dựng các tiêu chí đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ. 

(3) Căn cứ vào yêu cầu, tính chất, đặc điểm của từng vị trí việc làm, từng chức danh mà công chức đảm nhận và thực tiễn thực thi công vụ của công chức. Mỗi tiêu chí xây dựng phải là kết quả của quá trình phân tích các đặc điểm, tính chất, yêu cầu của từng vị trí việc làm.

Năm là, yêu cầu đối với các tiêu chí đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ.

Phải bám sát các quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của công chức cũng như các quy định về đánh giá công chức; bảo đảm tính linh hoạt với thực tiễn công tác, liên tục được cải tiến và hoàn thiện; bảo đảm tính khoa học, hợp lý, bao gồm các tiêu chí phải cụ thể, rõ ràng, bao quát, khả thi và đo lường, định lượng được. 

Các tiêu chí phải là tiêu chí cơ bản nhất, quyết định đến kết quả xếp loại cuối cùng của công chức; phải phản ánh đầy đủ, toàn diện các công việc cụ thể liên quan đến chức trách, nhiệm vụ của các vị trí việc làm. Đồng thời, các tiêu chí phải thể hiện sự khác biệt giữa công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và các công chức chuyên môn.

4. Một số giải pháp hoàn thiện các tiêu chí đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các tiêu chí đối với công tác đánh giá công chức. Muốn đánh giá công chức được hiệu quả và thực chất thì việc nâng cao nhận thức của các cơ quan hành chính nhà nước là rất cần thiết, đặc biệt là nhận thức về các tiêu chí đánh giá công chức cũng như sự cần thiết phải xây dựng các tiêu chí đánh giá khoa học, hợp lý thì  mới quyết tâm, chủ động xây dựng và đưa các tiêu chí này vào thực tiễn đánh giá.

Thứ hai, rà soát lại các tiêu chí đánh giá hiện hành. Để có thể xây dựng các tiêu chí đánh giá khoa học, hợp lý thì các cơ quản lý công chức, đặc biệt là các cơ quan nội vụ, tổ chức cần rà soát các tiêu chí đánh giá công chức hiện hành. Cần đánh giá mức độ phù hợp, khả năng sử dụng trong thực tế các tiêu chí hiện hành để có căn cứ khoa học hoàn thiện các tiêu chí đang áp dụng cũng như đề xuất, xây dựng các tiêu chí mới. Muốn vậy, các coq quan nhà nước cần rà soát lại công tác đánh giá công chức trong thời gian qua, đặc biệt là khảo sát các bên liên quan về các tiêu chí đánh giá.

Thứ ba, cụ thể hóa các tiếu chí đánh công chức theo kết quả thực thi công vụ. Trên cơ sở các đề xuất về tiêu chí đánh giá công chức công chức theo kết quả thực thi công vụ thì các cơ quan nhà nước cần cụ thể hóa các tiêu chí, thành phần của từng tiêu chí. Cần nghiên cứu để mô tả chi tiết các tiêu chí thành phần nhằm tránh tình trạng chỉ dừng lại ở các tiêu chí chung. Đồng thời, trên cơ sở các tiêu chí chung cần xác định thêm các tiêu chí cụ thể cho từng vị trí công việc, nhóm công việc. Tiêu chí xây dựng phải bao hàm cả 2 khía cạnh: các tiêu chí chung (áp dụng cho mọi vị trí) và các tiêu chí đặc thù (gắn với từng vị trí hoặc nhóm vị trí). 

5. Kết luận

Trong bối cảnh nền hành chính nhà nước nói chung và quản lý công chức nói riêng đang chuyển từ hướng “định tính” sang “định lượng”, cần thiết phải xây dựng các tiêu chí để lượng hóa kết quả thực thi công vụ của mỗi công chức cũng như hoạt động của nền công vụ. Xây dựng tiêu chí đánh giá là cơ sở bảo đảm tính chính xác, hiệu quả của hoạt động đánh giá công chức, đồng thời đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nội vụ nước CHDCND Lào (2018). Thông tư số 06/ ngày 02/05/2018 về công tác đánh giá thi hành công việc của cán bộ, công chức,  
2. Chính phủ nước CHDCND Lào (2018). Pháp lệnh số 300/ ngày 13/09/2018 về công tác đánh giá cán bộ công chức trong thi thi công việc.
3. Quốc hội nước CHDCND Lào (2015). Luật Cán bộ, công chức Lào năm 2015, 
4. Tòa án nhân dân tối cao nước CHDCND Lào (2018). Thông tư số 01/TANDTC ngày 29/08/2018  về công tác đánh giá cán bộ, công chức.
5. Nguyễn Thị Hồng Hải (2013). Quản lý thực thi công vụ theo định hướng kết quả. H. NXB Lao động, 2013.
6. Đào Thị Thanh Thủy (2019). Đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2019.