Giải pháp nâng cao năng lực quản trị của chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh theo hướng quản trị thông minh

ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền
Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện chuyển đổi số để đổi mới phương thức quản trị, điều hành theo hướng hiện đại, thông minh là xu hướng tất yếu hiện nay. Đối với TP. Hồ Chí Minh, chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước giúp đổi mới hoạt động quản trị của chính quyền đô thị, hình thành chính quyền điện tử, chính quyền số, hướng tới hiện đại hóa thành phố và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Bài viết nghiên cứu về chuyển đổi số hướng đến tính hiện đại trong quản trị nhà nước, qua đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực quản trị của chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Chính quyền đô thị; chuyển đổi số; năng lực quản trị; nền công vụ; quản trị thông minh.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực của chính quyền đô thị. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước là giải pháp quan trọng nhằm giúp TP. Hồ Chí Minh nâng cao năng lực quản trị, điều hành để có những đột phá hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là gắn với cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.

Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước góp phần giúp TP. Hồ Chí Minh hình thành chính quyền số đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Kết quả chuyển đổi số với những ưu điểm nổi bật đã góp phần giúp các cơ quan nhà nước của Thành phố quản trị hiệu quả đô thị, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết để đáp ứng yêu cầu nền công vụ hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

2. Cơ sở lý thuyết về quản trị thông minh

Chuyển đổi số đang làm thay đổi các mô hình quản trị nhà nước theo hướng đột phá cùng với quản trị điện tử, quản trị số thì quản trị thông minh (smart governance) nằm trong xu hướng đó.  Quản trị thông minh là một khái niệm được đưa ra gần đây, nằm trong giai đoạn phát triển chính phủ số dựa trên công nghệ thông tin. 

Theo Melhem (2012), quản trị thông minh là một thuật ngữ gồm các chữ cái viết tắt là S.M.A.R.T, trong đó S (social – tính xã hội) là việc cung cấp các dịch vụ thân thiện với người dân, cho phép người dân đồng sáng tạo với chính phủ; M (Mobile – tính di động) là việc sử dụng các công nghệ di động như SMS (Short Messaging Service), APP (Application), truyền thông xã hội, điện toán đám mây (Icloud) và mạng di động để cung cấp dịch vụ công thân thiện với người dân và thực hiện các nhiệm vụ khác của chính phủ; A (Analytics – sự phân tích) là việc có thể sớm đưa ra quyết định chính sách và hành động bằng cách sử dụng phân tích dữ liệu lớn; R (Radical openness – cởi mở triệt để) cung cấp khả năng tiếp cận thông tin dễ dàng và sự tham gia của người dân để duy trì tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và các dịch vụ thân thiện với công dân; T (Trust – niềm tin) là sự cam kết cung cấp an ninh mạng hiệu quả cho các dịch vụ linh hoạt, sẵn có và dựa trên quyền riêng tư. 

Theo Scholl và Scholl (2014), quản trị thông minh có thể được coi là cơ sở cho chính phủ thông minh, cởi mở và có sự tham gia của người dân, trong đó công nghệ thông tin đóng một vai trò quan trọng. Theo Bolívar MPR, Meijer AJ. (2016) thì mặc dù có sự khác biệt về khái niệm quản trị thông minh nhưng nhìn chung có sáu yếu tố của quản trị thông minh có thể được phân loại thành ba nhóm: (1) Việc sử dụng công nghệ (công nghệ thông tinT thông minh); (2) Các quy trình tổ chức (sự hợp tác và tham gia thông minh, quản trị nội bộ thông minh, ra quyết định thông minh và hành chính thông minh); (3) Kết quả mong muốn (kết quả thông minh). 

Như vậy, quản trị thông minh được dựa trên nội dung và giá trị của quản trị nhà nước tốt (good governance), là một hệ thống lấy tương tác giữa nhà nước và các chủ thể trong xã hội làm trọng tâm trong việc ra quyết định để đạt được các mục tiêu quản lý nhà nước và xã hội. Quản trị thông minh trong là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và các khía cạnh dân chủ đặc biệt sự tham gia của người dân với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và quản trị thông minh là một khái niệm được đưa ra gần đây, nằm trong giai đoạn phát triển chính phủ điện tử thế hệ thứ ba dựa trên công nghệ thông tin (Nguyễn Đăng Quế và Hoàng Vĩnh Giang, 2022).

3. Yêu cầu nâng cao năng lực quản trị của chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh theo hướng quản trị thông minh

Năng lực quản trị của chính quyền địa phương được tiếp cận trong tổng thể năng lực quản trị quốc gia, đó là khả năng của chính quyền địa phương có thể thực hiện các chính sách, biện pháp phù hợp với yêu cầu quản trị địa phương trong quản trị nhà nước, bảo đảm cho chính quyền địa phương có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương và đáp ứng sự kỳ vọng, mong đợi của người dân1.

Cải cách nền công vụ là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 ban hành theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức giai đoạn 2022 – 2027 theo Quyết định số 2679/QĐ-UBND ngày 08/8/2022 của Chủ tịch UBND Thành phố, xác định “việc đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức phải gắn với Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2030; góp phần xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ Thành phố đến cơ sở thống nhất, thông suốt, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân theo lộ trình thích hợp và phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của Thành phố”. Ngày 08/11/2024, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã ký Quyết định số 5075/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng nền công vụ TP. Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 – 2030. Đề án xác định mục tiêu nền công vụ TP. Hồ Chí Minh là “Xây dựng nền công vụ Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả để phụng sự Nhân dân và kiến tạo phát triển với đội ngũ công chức, viên chức “muốn làm, làm được, được làm”.

TP. Hồ Chí Minh là một siêu đô thị với quy mô thực tế hơn 10 triệu dân, có vị trí, vai trò đặc biệt về kinh tế. Các giao dịch, tương tác của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố với khu vực công cùng khối lượng hồ sơ, thủ tục hành chính phát sinh hằng ngày là rất lớn. Từ đó, yêu cầu xây dựng mô hình và phương thức quản lý nhà nước phù hợp và hiệu quả hơn là vô cùng cần thiết nhằm tạo đột phá trong phát triển, khắc phục các sức ỳ, điểm nghẽn một cách đồng bộ. Một trong những vấn đề đặt ra là phải nâng cao năng lực quản trị của chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh để có thể có thể phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu nền công vụ hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao năng lực quản trị của chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh theo hướng quản trị thông minh đặt ra một số yêu cầu sau: 

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến chính quyền đô thị Thành phố; tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương “tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”; xây dựng đội ngũ nhân sự của nền công vụ Thành phố có năng lực, chuyên nghiệp, luôn nêu cao tinh thần phục vụ.

Hai là, tiếp tục hiện thực hóa các cơ chế đặc thù của chính quyền đô thị dựa trên đặc thù của địa phương.

Ba là, đổi mới tư duy và hành động một cách nhanh chóng, linh hoạt, sáng tạo, hiện đại để quản trị hiệu quả các vấn đề của đô thị; phải thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ cách thức quản trị trong hoạt động trong quản trị nhà nước ở địa phương theo hướng hiện đại, trực tuyến, thông minh.

Bốn là, không ngừng củng cố và gia tăng niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào năng lực kiến tạo của chính quyền đô thị.

4. Một số giải pháp

Thứ nhất, thống nhất, nâng cao nhận thức trong việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn vớichuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững.

Thống nhất nhận thức đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, giúp Thành phố phát triển bền vững. Thực tế hiện nay nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành đã có chuyển biến nhưng so với yêu cầu cần phải được cải thiện hơn nữa, tránh hình thức2. Thời gian tới, cần triển khai mạnh mẽ các chương trình truyền thông để thống nhất và nâng cao nhận thức của tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với chuyển đổi số, để từ đó thay đổi thói quen, hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững. 

Thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi cách làm, đẩy mạnh tối đa sự phân cấp ủy quyền trong phạm vi thẩm quyền của các cơ quan nhà nước của Thành phố. Qua đó, các cơ quan nhà nước của TP. Hồ Chí Minh sẽ có giải pháp để “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu đổi mới, sáng tạo về ứng dụng khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo; là đầu tàu, hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước; trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao mang tầm khu vực, quốc tế; xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường”3.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền mạnh mẽ trong chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Phân cấp, phân quyền, ủy quyền góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trên cơ sở phân định rõ, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp. Trên cơ sở tinh thần Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”4. Thời gian tới, nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị của chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong nội bộ chính quyền thành phố. Việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền mạnh mẽ, hợp lý của TP. Hồ Chí Minh phải gắn quyền hạn với trách nhiệm để bảo đảm hiệu quả, khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số gắn với xây dựng chính quyền số ở TP. Hồ Chí Minh với những giải pháp đột phá.

Thực hiện chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu giúp các cấp chính quyền Thành phố nâng cao năng lực quản trị địa phương, để chính quyền địa phương quản trị hiệu quả các hoạt động của địa phương và phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp chính quyền địa phương hướng đến xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất. Đây là giải pháp quan trọng nhằm giúp TP. Hồ Chí Minh có những đột phá hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là triển khai cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. 

Theo đó, các cấp chính quyền địa phương của TP. Hồ Chí Minh cần triển khai và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 và Chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03/7/2020 với những giải pháp đột phá, sáng tạo phù hợp với đặc thù và thế mạnh của chính quyền đô thị Thành phố.

Thứ tư, xây dựng chiến lược văn hóa quản trị hiện đại, thông minh gắn với tăng cường sự tham gia của người dân.

Các cấp chính quyền địa phương của Thành phố cần xây dựng và vận hành chiến lược văn hóa quản trị với tính chất hiện đại, thông minh ở địa phương, qua đó định hướng cho tư duy và hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp giúp quản trị các hoạt động xã hội theo hướng hiện đại hơn, thông minh hơn. 

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các giải pháp chuyển đổi số cũng như triển khai chính quyền số phải lấy người dân làm trung tâm, dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, giúp mọi người dân được hưởng thành quả từ quá trình hiện đại hóa hoạt động quản trị nhà nước ở địa phương. Thu hút sự tham gia của người dân đặc biệt là sự tham gia điện tử gắn với xu hướng quản trị thông minh, bảo đảm người dân trở thành trung tâm, đóng góp vào việc xây dựng địa phương, gắn với sự cam kết và ủng hộ chính trị, trở thành văn hóa trong quản trị nhà nước của chính quyền địa phương và phải được thực hiện một cách thực chất tránh hình thức. 

Thứ năm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ nhằm nâng cao chất lượng thực thi công vụ, thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực “theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển5. “Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm”6. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, hướng đến tạo cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức thực sự mong muốn tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để có kiến thức, kỹ năng chứ không phải vì chứng chỉ, bằng cấp. Đặc biệt, cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức, kỹ năng về quản trị điện tử, quản trị hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao

Tiếp tục thực hiện chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng người có tài năng nhằm bổ sung, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền công vụ Thành phố. Cần có những giải pháp đột phá hơn để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND TP. Hồ Chí Minh quy định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, mức thu nhập và các chính sách đãi ngộ để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó,  nên cho phép TP. Hồ Chí Minh thực hiện quy định thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực cho nền công vụ TP. Hồ Chí Minh với cơ chế đặc thù, đột phá. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm xây dựng và đề xuất cho phép thí điểm triển khai “tập sự lãnh đạo, quản lý các cấp” như Đề án xây dựng nền công vụ TP. Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 – 2030 xác định: “trong quá trình tập sự, cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch được chọn sẽ được trao cơ hội thử nghiệm, tiếp cận thực tế, làm quen với vai trò, vị trí lãnh đạo, quản lý, làm quen công việc trong một thời gian nhất định trước khi bổ nhiệm chính thức. Tập sự cũng được xem là khâu sát hạch năng lực và mức độ phù hợp với vị trí đảm nhận của các cá nhân được quy hoạch7.

Song song với việc để thực hiện hoặc thí điểm thực hiện tập sự lãnh đạo, TP. Hồ Chí Minh cần đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép có cơ chế đặc thù trong việc “từng bước nghiên cứu đề xuất các cơ chế cho phép tạo nguồn lãnh đạo, quản lý từ đối tượng ngoài Đảng có năng lực, có tâm, có tầm. Chính sách này có thể giúp khai thác triệt để nguồn nhân lực chất lượng cao, làm phong phú thêm các giải pháp, sáng kiến trong công tác cán bộ, đội ngũ này sẽ là đối tượng có chất lượng để tiếp tục theo dõi, rèn luyện, kết nạp vào Đảng; từ đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững và đồng thuận trong xã hội”8.

Chú thích: 
1. Nguyễn Đặng Phương Truyền (2021). Nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương nước ta hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 15(439), tháng 8/2021.
2. Văn phòng Chính phủ (2022). Thông báo số 159/TB-VPCP ngày 27/5/2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
3. Văn phòng Chính phủ (2022). Thông báo số 389/TB-VPCP ngày 22/12/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Trong bài viết “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
5. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
6. Chính phủ (2021). Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2030.
7, 8. UBND TP. Hồ Chí Minh (2024). Quyết định số 5075/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng nền công vụ TP. Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 – 2030.
Tài liệu tham khảo: 
1. Hoàng Mai (2017). Đổi mới, nâng cao năng lực quản trị địa phương. Tạp chí Quản lý nhà nước số 257, tháng 06/2017.
2. Nguyễn Đặng Phương Truyền (2022). Digital governance – the problems posed to state governance innovation in Vietnam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế “Public governance of digital transformation – digital government policy: international experience and implications for digital governance in Viet nam” – ISBN 978-604-80-6997-1. H. NXB Thông tin và Truyền thông. 
3. Nguyễn Đăng Quế, Hoàng Vĩnh Giang (2022). Xây dựng chính phủ số và quản trị thông minh – vấn đề đặt ra đối với khu vực công, Tạp chí Quản lý nhà nước số 313, tháng 02/2022.
4. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt  Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
5. UBND TP. Hồ Chí Minh (2022). Quyết định số 2679/QĐ-UBND ngày 08/ 8/2022 ban hành Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2027.
6. Bolívar MPR, Meijer AJ. (2016). Smart Governance: Using a Literature Review and Empirical Analysis to Build a Research Model. Social Science Computer Review. 2016;34(6):673-692. doi:10.1177/0894439315611088.
7. Martin Brusis (2003). Developing governance capacity. Strategy Paper for the Transformation Thinkers Conference Berlin, 30 November – 5 December 2003.
8. Melhem (2012). “Next Generation e-Government: Transformation into Smart Government”.
9. Pikner, T., 2008. Reorganizing Cross-Border Governance Capacity: The Case of the Helsinki – Tallinn Euregio. European Urban and Regional Studies 15, 211-227.
10. Scholl, H. J. & Scholl, M. C. (2014). Smart governance: A roadmap for research and practice. iConference Proceedings. https://www.ideals.illinois.edu, ngày 15/11/2021.
11. UNDP (2010). Capacity development, Measuring capacity, [Published on 22 Jul 2010].