TS. Nguyễn Văn Hậu
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
TS. Nguyễn Thị Thu Phương
Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương
(Quanlynhanuoc.vn) – Đánh giá chính sách liên kết du lịch tại các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng (gồm các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình); bài viết sử dụng khung nghiên cứu của Bramwell & Sharman (1999) để đánh giá xây dựng chính sách hợp tác du lịch. Theo đó, nghiên cứu xem xét ba nhóm trong khuôn khổ đánh giá về vai trò của chính quyền cấp tỉnh đối với ban hành chính sách liên kết du lịch: (1) Đánh giá chính sách mức độ bao phủ của các bên liên quan của chính sách liên kết du lịch; (2) Đánh giá phạm vi, cường độ hợp tác giữa các bên mà chính sách liên kết du lịch đưa ra; (3) Đánh giá mức độ đạt được sự đồng thuận giữa các bên1. Kết quả cho thấy, các bên đồng thuận trong quá trình thực hiện, bảo đảm lợi ích cho các bên khi tham gia. Tuy nhiên, chính sách này vẫn chưa tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác phát triển, nhất là thúc đẩy các chủ thể tham gia phát triển liên kết du lịch bền vững. Vì vậy, cần có giải pháp cụ thể để liên kết du lịch giữa các tỉnh phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, bảo tồn di sản văn hóa và tự nhiên cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Từ khóa: Chính sách; liên kết du lịch; chính quyền cấp tỉnh; phía Nam đồng bằng sông Hồng; đánh giá.
1. Đặt vấn đề
Liên kết du lịch là sự kết nối chặt chẽ giữa các điểm du lịch thông qua giao thông thuận tiện, kết nối các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch bổ trợ, tiếp cận chia sẻ thông tin mở, tăng cường liên kết hữu cơ giữa các điểm đến du lịch và liên kết tài nguyên du lịch theo Li-chun Hou và cộng sự (2021)2.
Theo Long, P. (1997), hợp tác du lịch được hiểu là một quá trình liên kết với nhau như quan hệ đối tác liên minh và các cấu trúc hợp tác khác… Mối quan hệ đối tác được gọi là hợp tác của các chủ sở hữu cổ phần từ các tổ chức trong nhiều lĩnh vực phát triển du lịch, quá trình tương tác chuẩn mực và cấu trúc được chia sẻ ở cấp độ tổ chức đã được thống nhất trên một khu vực địa lý để hành động hoặc quyết định các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch3. Cũng theo Wood & Gray (1991), hợp tác trong du lịch như một hình thức hành động chung, tự nguyện, trong đó các bên liên quan tham gia vào quá trình tương tác, sử dụng các quy tắc chuẩn mực và cấu trúc chung để hành động, quyết định các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch trong vùng4.
Như vậy, tổng hợp từ các quan niệm trên cho thấy, liên kết du lịch được hiểu là hợp tác và phân công giữa các bên liên quan theo những nội dung và hình thức đã được xác định và đạt được mục tiêu riêng của mỗi bên; đồng thời, là mục tiêu chung của nhiều bên.
2. Vai trò của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc ban hành chính sách liên kết du lịch
Chính sách liên kết du lịch do chính quyền cấp tỉnh ban hành là một bộ phận của chính sách công toàn diện có sự tác động lớn đến kinh tế địa phương, bởi, du lịch chịu sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nền kinh tế. Do đó, khi xây dựng chính sách, cần gắn liền với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương và tạo sự đồng thuận giữa các bên liên quan. Vì vậy, chính sách liên kết du lịch là tổng thể các chương trình hành động và công cụ mà chính quyền cấp tỉnh sử dụng nhằm tác động đến các đối tượng, các bên liên quan trong thực hiện mục tiêu liên kết du lịch trên địa bàn.
(1) Khởi xướng và thiết lập chính sách: chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng các chính sách và quy định về liên kết du lịch, dựa trên điều kiện cụ thể của từng tỉnh và vùng, tạo điều kiện thuận lợi hợp tác giữa các tỉnh, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.
(2) Quản lý và điều hành: điều phối và quản lý các hoạt động liên kết du lịch giữa các tỉnh, bảo đảm sự phối hợp hiệu quả và đồng bộ. Điều này bao gồm việc theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện các chính sách, từ đó, điều chỉnh kịp thời để đạt được hiệu quả cao nhất.
(3) Phát triển cơ sở hạ tầng: đầu tư phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông và các tiện ích công cộng khác phục vụ du lịch. Việc cải thiện hạ tầng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và nâng cao trải nghiệm du lịch.
(4) Quảng bá và xúc tiến du lịch: chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các chương trình quảng bá, sự kiện, hội chợ du lịch nhằm giới thiệu các điểm đến du lịch của tỉnh tới du khách trong và ngoài nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại du lịch quốc tế.
(5) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn cho lực lượng lao động trong ngành Du lịch. Khuyến khích sự hợp tác giữa các trường học, cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp du lịch để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
(6) Bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương: ban hành các quy định và biện pháp bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
(7) Hỗ trợ và khuyến khích các chủ thể vi mô: tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh cá thể tham gia vào hoạt động du lịch.
Để thực hiện liên kết du lịch, chính quyền địa phương cấp tỉnh không chỉ thúc đẩy phát triển du lịch mà còn tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bảo đảm phát triển bền vững và toàn diện của ngành Du lịch.
3. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
3.1. Cơ sở lý thuyết
Trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách đều luôn coi trọng quá trình hoạch định chính sách du lịch hướng đến hợp tác, liên kết du lịch cũng như đề cao quan điểm của các bên liên quan về xây dựng khung chính sách du lịch và hình thức tham gia vào hoạt động hợp tác du lịch.
Về xác định vai trò của xây dựng chính sách hợp tác, liên kết du lịch, nhiều tác giả cho rằng, du lịch có nhiều mối liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, xây dựng chính sách hợp tác du lịch cần có biện pháp phù hợp, bảo đảm tính đồng thuận trong xây dựng chính sách liên kết du lịch.
Bài viết kế thừa khung nghiên cứu của Bramwell & Sharman (1999) để đánh giá chính quyền cấp tỉnh xây dựng chính sách hợp tác du lịch. Theo đó, 3 tiêu chí sẽ được sử dụng đánh giá vai trò của chính quyền cấp tỉnh đối với ban hành chính sách liên kết du lịch.
Một là, đánh giá dựa trên mức độ bao phủ của chính sách đối với các bên liên quan trong liên kết du lịch, nhằm xác định trong quá trình xây dựng chính sách liên kết du lịch đã bao phủ, tập hợp được các bên liên quan hay chưa. Theo nhóm tiêu chí này cần căn cứ vào phương pháp mà chính quyền cấp tỉnh lựa chọn các bên tham gia vào xây dựng chính sách; chính sách liên kết du lịch có tạo ra lợi ích để các bên liên quan tham gia hay không; phương pháp lựa chọn các bên liên quan tham gia có ban điều phối riêng chịu trách nhiệm thực hiện liên kết du lịch hay không?
Hai là, căn cứ vào mức độ hợp tác khi thực hiện chính sách liên kết du lịch nhằm nhấn mạnh đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan giúp các bên gặp gỡ, trao đổi và đưa ra các phương án thực hiện. Theo tiêu chí này, cần làm rõ các chính sách liên kết du lịch có thúc đẩy được các bên tham gia đạt mức tần suất cao hay không; các bên liên quan có chấp nhận sự thay đổi về kết quả trong liên kết du lịch hoặc có chấp nhận sửa đổi kế hoạch đáp ứng mục tiêu của chính sách liên kết du lịch mà chính quyền cấp tỉnh đã đặt ra hay không; các nhóm liên quan có thường xuyên nhận được thông tin và được tư vấn về các hoạt động liên kết du lịch từ chính quyền cấp tỉnh hay không.
Ba là, căn cứ vào sự đồng thuận giữa các bên liên quan trong quan hệ đối tác từ chính sách của chính quyền cấp tỉnh. Theo đó, cần xem xét đến các tiêu chí: các bên liên quan có đồng thuận về mục đích của chính sách mà chính quyền cấp tỉnh đã xây dựng; có đồng thuận về cách thức đánh giá và kết quả chính sách…
3.2. Phương pháp nghiên cứu
Thứ nhất, nguồn thu thập dữ liệu.
Để có được nguồn thông tin dữ liệu trong nghiên cứu, tác giả đã thu thập dữ liệu từ cán bộ quản lý về du lịch tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh; các ban, ngành liên quan đến quản lý, xúc tiến du lịch của địa phương; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia vào hoạt động du lịch và từ người dân, khách du lịch tại các điểm đến.
Thứ hai, cách thức thu thập dữ liệu.
Thu thập dữ liệu được tiến hành thông qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: tác giả phân tích và xây dựng nội dung trong phiếu điều tra cho bảng hỏi. Các nội dung trong phiếu điều tra nhằm xin ý kiến của cán bộ công chức trực tiếp tham gia vào quản lý du lịch của địa phương; cán bộ, nhân viên tham gia quản lý tại các khu du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch và khách du lịch.
Xây dựng nội dung phiếu khảo sát điều tra, gồm: phần thông tin cá nhân của người được hỏi, thông tin của các doanh nghiệp và thông tin của các hộ kinh doanh du lịch. Phần tiếp theo của phiếu khảo sát, tác giả sử dụng các khung lý thuyết của Bramwell & Sharman (1999) để đánh giá vai trò của chính quyền cấp tỉnh trong việc ban hành chính sách đối với hợp tác, liên kết du lịch với 3 nội dung đánh giá trong 19 tiêu chí đánh giá. Đồng thời, tác giả cũng sử dụng thang đo Likert với 5 mức điểm trong đánh giá.
Giai đoạn 2: thực hiện khảo sát chính thức. Trong giai đoạn này, tác giả thực hiện, tổ chức khảo sát bằng hình thức trực tuyến, thông qua: (1) Hình thức gửi thư mời; (2) Phiếu khảo sát xin ý kiến trực tiếp từ cán bộ, lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan quản lý về du lịch của địa phương; (3) Lãnh đạo, cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch về lưu trú, ăn uống, vận chuyển, lữ hành…; (4) Người dân và khách du lịch.
Thứ ba, về quy mô điều tra khảo sát.
Đối với mẫu phiếu này, tác giả đã thu thập tại các tỉnh: Nam Định: 216 phiếu, Thái Bình: 238 phiếu, Hà Nam: 221 phiếu và Ninh Bình: 251 phiếu.
Bảng 2. Tổng hợp kết quả phiếu khảo sát tại các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng
Nam Định | Hà Nam | Thái Bình | Ninh Bình | |
Cán bộ quản lý du lịch của tỉnh | 56 | 72 | 61 | 76 |
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch | 120 | 115 | 117 | 128 |
Người dân, khách du lịch | 40 | 55 | 60 | 47 |
Tổng | 216 | 221 | 238 | 251 |
Số phiếu thu đạt hơn 200 phiếu/tỉnh được chọn lọc có chủ ý với đối tượng lấy mẫu là nhà quản lý du lịch tại địa phương; cán bộ công chức trực tiếp quản lý về du lịch ở Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; cán bộ nhân viên tại các phòng quản lý văn hóa của các huyện; nhân viên du lịch tại các khu du lịch và các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch tại địa phương.
Thứ tư, phân tích xử lý dữ liệu điều tra.
Thực hiện xây dựng bảng hỏi theo quy trình này, sau 30 ngày tiến hành thực hiện khảo sát điều tra, tổng hợp lại dữ liệu điều tra; đồng thời, sử dụng các phương pháp thống kê mô tả, sử dụng phần mềm Excel tính toán các dữ liệu cho mỗi tiêu chí đánh giá, như: về phạm vi hợp tác, cường độ hợp tác, về mức độ đạt được sự đồng thuận giữa các bên trong ban hành chính sách liên kết du lịch.
4. Kết quả và thảo luận
Thứ nhất, đánh giá sự bao phủ, tập hợp các bên liên quan khi lập chính sách liên kết du lịch của chính quyền cấp tỉnh.
Kết quả khảo sát cho thấy, chính quyền cấp tỉnh chưa có phương pháp phù hợp để lựa chọn các bên liên quan tham gia xây dựng chính sách liên kết du lịch, việc xây dựng phương pháp nhằm lựa chọn các bên liên quan tham gia tư vấn, hình thành chính sách cũng như thực hiện các nội dung chính sách liên kết du lịch sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chính sách. Theo tiêu chí này, những người được hỏi đều khẳng định, trong xây dựng chính sách liên kết du lịch các bên tham gia được lựa chọn theo hình thức đại diện là không phù hợp, cá nhân không thể đại diện cho một nhóm (Nam Định: 81%, Thái Bình: 71%, Ninh Bình: 56% và Hà Nam: 60%).
Về phạm vi hợp tác, mức độ đồng ý về sự lựa chọn ban đầu đối với các bên được dự kiến tham gia liên kết du lịch chưa cao (Ninh Bình: 56%, Hà Nam: 45%, Nam Định: 51%, Thái Bình: 56%) nhưng họ lại đồng thuận cao vì đã dự báo được những lợi ích to lớn khi tham gia liên kết du lịch.
Thứ hai, đánh giá phạm vi hợp tác, cường độ hợp tác giữa các bên liên quan.
Từ kết quả khảo sát điều tra cho thấy, chính quyền cấp tỉnh ban hành các chính sách liên kết du lịch đều bảo đảm rằng, các bên liên quan sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi về kết quả trong liên kết du lịch và họ chấp nhận sửa đổi kế hoạch liên kết du lịch; đối thoại giữa các bên tham gia mang tính cởi mở, trung thực, khách quan, tôn trọng và tin cậy; các bên liên quan hiểu, tôn trọng và học hỏi về quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn của các bên trong liên kết du lịch.
Bảng 3. Đánh giá phạm vi hợp tác, cường độ hợp tác giữa các bên liên quan trong chính sách liên kết du lịch của các tỉnh
Trong đó: 1 – Hoàn toàn không đồng ý; 5 – Hoàn toàn đồng ý
Đơn vị tính: %
Nội dung đánh giá | Ninh Bình | Hà Nam | Nam Định | Thái Bình | ||||
1 | 5 | 1 | 5 | 1 | 5 | 1 | 5 | |
Các bên liên quan chấp nhận sự thay đổi về kết quả trong liên kết du lịch, và họ chấp nhận sửa đổi kế hoạch liên kết du lịch | 13 | 42 | 19 | 48 | 16 | 44 | 22 | 19 |
Tần suất mà các bên liên quan tham gia liên kết du lịch đạt mức cao | 56 | 23 | 52 | 17 | 54 | 20 | 60 | 19 |
Các nhóm liên quan thường xuyên nhận được thông tin và được tư vấn về các hoạt động liên kết du lịch | 52 | 7 | 48 | 23 | 50 | 24 | 40 | 19 |
Một số biện pháp nhằm cung cấp thông tin về liên kết du lịch cho các bên liên quan có mang tính phổ thông lớn | 21 | 51 | 17 | 44 | 9 | 65 | 15 | 41 |
Đối thoại giữa các bên tham gia mang tính cởi mở, trung thực, khách quan, tôn trọng, và tin cậy | 7 | 49 | 10 | 48 | 9 | 63 | 15 | 61 |
Các bên liên quan hiểu, tôn trọng và học hỏi về quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn của các bên trong liên kết du lịch | 4 | 50 | 7 | 51 | 6 | 46 | 12 | 50 |
Ban điều phối và các bên liên quan cùng kiểm soát việc ra quyết định liên kết du lịch | 71 | 2 | 66 | 9 | 69 | 6 | 52 | 15 |
Tuy nhiên, có trên 70% những người được hỏi cho rằng, các chính sách liên kết du lịch chưa tạo điều kiện giúp các bên liên quan gặp nhau nhiều hơn nhằm trao đổi các thông tin liên quan về hoạt động liên kết du lịch; đồng thời, các nhóm liên quan cũng hạn chế nhận được thông tin tư vấn về các hoạt động liên kết du lịch, đặc biệt là chưa có Ban điều phối hoạt động liên kết du lịch.
Thứ ba, đánh giá chính sách liên kết du lịch của chính quyền cấp tỉnh về khả năng tạo mức độ đồng thuận giữa các bên.
Một trong những vấn đề quan trọng trong ban hành chính sách liên kết du lịch của chính quyền cấp tỉnh, cần phải có sự đồng thuận cao giữa các bên liên quan. Tỉnh Ninh Bình: 45%, Hà Nam: 48%, Nam Định: 41%, Thái Bình: 30%, đây là kết quả về sự đồng thuận về mục đích của chính sách liên kết du lịch. Tuy nhiên, mức độ đồng thuận chưa cao nhưng các bên đều khẳng định, sẵn sàng thực hiện các chính sách liên kết du lịch: Ninh Bình: 44%, Hà Nam: 53%, Nam Định: 63%, Thái Bình: 43%.
Bảng 4. Mức độ đồng thuận giữa các bên liên quan trong chính sách liên kết du lịch của các tỉnh
Trong đó: 1 – Hoàn toàn không đồng ý; 5 – Hoàn toàn đồng ý
Đơn vị tính: %
Nội dung đánh giá | Ninh Bình | Hà Nam | Nam Định | Thái Bình | ||||
1 | 5 | 1 | 5 | 1 | 5 | 1 | 5 | |
Có bên tham gia không đồng ý hoặc không nhiệt tình chấp nhận tất cả các chính sách liên kết du lịch | 7 | 36 | 9 | 46 | 8 | 54 | 5 | 48 |
Các bên liên quan đồng thuận về các vấn đề, mục đích của chính sách liên kết du lịch | 5 | 45 | 20 | 48 | 18 | 41 | 38 | 30 |
Các bên liên quan đồng thuận về cách thức đánh giá và các kết quả của chính sách | 25 | 19 | 20 | 32 | 23 | 51 | 22 | 43 |
Có sự bất bình đẳng giữa các bên liên quan hoặc có phản ánh về những bất bình đẳng này | 22 | 20 | 19 | 56 | 21 | 34 | 29 | 31 |
Các bên liên quan chấp nhận có những hạn chế mang tính hệ thống | 34 | 6 | 17 | 46 | 26 | 27 | 35 | 1 |
Các bên liên quan có sẵn sàng thực hiện các chính sách | 9 | 44 | 7 | 53 | 8 | 63 | 11 | 43 |
5. Kết luận
Như vậy, các chính sách do chính quyền cấp tỉnh ban hành nhằm thực hiện liên kết du lịch đã được các bên nhất trí cao trong quá trình thực hiện, các chính sách đã bảo đảm lợi ích tích cực cho các bên khi tham gia. Tuy nhiên, chính sách liên kết du lịch vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Do vậy, để các chính sách liên kết du lịch được triển khai có hiệu quả chính quyền cấp tỉnh tại các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng cần xây dựng phương pháp phù hợp nhằm huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan tham gia theo hướng lấy sự đồng thuận giữa các bên làm mục tiêu xây dựng chính sách.
Chú thích:
1. Bramwell, B., & Sharman, A. (1999). Collaboration in local tourism policymaking. Annals of Tourism Research, 26(2), 392 – 415.
2. Li-chun Hou, Lian-xia Wu, Sheng-li Ju, Zhi-rong Zhang, Yin-jian Zhu, Zheng-qing Lai (2021). The evolution patterns of tourism integration driven by regional tourism-economic linkages – Taking Poyang Lake region, China, as an example. Growth and Change, 1 – 24.
3. Long, P. (1997). Researching tourism partnership organizations: From practice to theory to methodology. Quality Management in Urban Tourism, 8 (4), 235 – 252.
4. Wood, D. and Gray, B. (1991). Toward a comprehensive theory of collaboration. Journal of Applied behavioral Science 27 (2), 139 – 62.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Văn Hoa, Trần Hữu Sơn, Trần Thị Vân Hoa (2018). Liên kết vùng, tiểu vùng trong phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc. H. NXB Lao động xã hội.
2. Ngành du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tìm hướng đi chung. https://www.vietnamplus.vn/nganh-du-lich-cac-tinh-dong-bang-song-hong-tim-huong-di-chung-post838353.vnp#google_vignette.
3. Phát triển bền vững du lịch vùng đồng bằng sông Hồng. https://nhandan.vn/phat-trien-ben-vung-du-lich-vung-dong-bang-song-hong-post742604.html.