Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng – nghiên cứu trường hợp tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội

TS. Lương Huệ Minh
Ban Pháp chế HĐND quận Hà Đông, thành phố Hà Nội
Thiếu tá Nguyễn Thị Ngát
Hệ 2, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) –  Môi trường văn hóa cơ sở là tổng thể các giá trị văn hóa, thiết chế và cảnh quan văn hóa; sản phẩm và dịch vụ văn hóa; nơi diễn ra quá trình “nhập thân văn hoá”, vườn ươm tạo nên nhân cách văn hóa của con người từ chính trong cộng đồng, trực tiếp quy định đến nhân cách đạo đức, lối sống của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo sức đề kháng vững chắc trước sự tấn công của những yếu tố phi văn hóa, bảo vệ văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước và đó chính là bức tường thành để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ cơ sở hiện nay.

Từ khóa: Môi trường văn hóa; văn hóa cơ sở; nhân cách; đạo đức; lối sống; nền tảng tư tưởng; quận Hà Đông.

1. Đặt vấn đề

Môi trường văn hóa là nơi lưu giữ những giá trị tốt đẹp, giúp mỗi người phát huy những năng lực bẩm sinh để tự hoàn thiện bản thân, hướng tới chân, thiện, mỹ. khi chúng ta có môi trường văn hóa lành mạnh sẽ là hệ điều tiết chung cho sự phát triển của xã hội, thúc đẩy những hành động tốt, hành vi đẹp đơm hoa, kết trái, lan tỏa, tạo sức đề kháng lấn át những hành vi xấu, cái ác bị lên án, không thể tồn tại; tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và phát huy phẩm chất, nhân cách cao đẹp trong mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Do đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trở nên vô cùng quan trọng, không chỉ tạo cơ sở để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là bức tường thành bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngay từ cơ sở.

2. Thực trạng công tác xây dựng môi trường văn hóa tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội 

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và vai trò to lớn của việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương của quận Hà Đông, thành phố Hà Nội đã chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng với nhiều chủ trương, hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú và đã phát huy truyền tốt giá trị truyền thống gia đình, dòng họ trong giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách của con người Thủ đô văn hiến; đến nay, về cơ bản đã loại bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa, tinh thần, gây lãng phí, tổn hại đến sức khỏe con người. 

Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận đã tích cực, chủ động gắn kết nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội theo Chương trình 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “ Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021 – 2025. 

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng được phát huy; nếp sống văn hóa đô thị được quan tâm xây dựng. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh đô thị” gắn phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai sâu rộng và hiệu quả; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tinh thần “tương thân tương ái”…, được phát huy mạnh mẽ trong cộng đồng. Với phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”, bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn quận đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 03/10/2012 của Thành ủy và Chương trình số 06 – CTr/QU của Quận ủy Hà Đông về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. 

Dưới sự chỉ đạo của Quận ủy, HĐND, UBND Quận Hà Đông và sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể, tại 17 phường và các tổ dân phố trong quận đã xây dựng và thực hiện đúng quy định về nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; quy ước, nội quy xây dựng nếp sống văn hóa của cơ quan, đơn vị, khu phố. Do đó, tình trạng chơi cờ bạc trong đám cưới, đám tang và trong các hoạt động giải trí tại các lễ hội vui xuân cơ bản đã chấm dứt; đám cưới tổ chức mời khách ăn cỗ trong giờ hành chính đã giảm, hầu hết các đám cưới được tổ chức vui tươi, lành mạnh, không hút thuốc lá, dùng tiệc trà và thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình; việc tang trên địa bàn cơ bản đã khắc phục, không còn các hủ tục mê tín dị đoan. Qua đó, vừa tạo được môi trường văn hóa lành mạnh ngay từ cơ sở, vừa đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, những biểu hiện tiêu cực, độc hại. Tại các cơ quan, đơn vị, địa bàn cơ sở đã duy trì và phát huy nếp sống văn minh đô thị thông qua nhiều phong trào tập thể thiết thực, như: bảo vệ môi trường “xanh – sạch – đẹp”, tuyên truyền vận động Nhân dân giữ gìn và làm tốt công tác vệ sinh môi trường nơi công cộng, tích cực tham gia phong trào tổng vệ sinh môi trường ở các cơ quan, đơn vị thứ 6, ở khu dân cư vào sáng thứ 7 hằng tuần.

Việc đẩy mạnh thi đua xây dựng tổ dân phố văn hóa đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm sống có văn hóa trong mỗi người dân; giải quyết những vướng mắc ngay tại cộng đồng dân cư, số vụ việc phức tạp ở khu dân cư đã giảm hẳn cả về số lượng và mức độ phức tạp. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã góp phần tích cực vào việc đề cao giá trị đạo đức, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, nề nếp gia phong của gia đình truyền thống được khơi dậy và giữ vững các quy tắc ứng xử tốt đẹp, phát huy giá trị đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam, đến nay, tỷ lệ gia đình, tổ dân phố, cơ quan đơn vị văn hóa, qua các năm, ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. 

Các phong trào tổ dân phố, cụm an ninh – an toàn, phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo được triển khai rộng khắp đã tạo động lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng của địa phương. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được triển khai sâu rộng khắp như: Công đoàn phát động phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”, “Học tập, lao động, sáng tạo trong cán bộ, công chức, viên chức”. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được triển khai đến 100% tổ chức công đoàn cơ sở, các cơ quan, đơn vị có tổ chức công đoàn đóng trên địa bàn quận. Mỗi công chức, viên chức, lao động đều có ý thức vận động gia đình, người thân, thực hiện nếp sống văn hóa, phòng, chống tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương, của dân tộc. Tỷ lệ gia đình công nhân viên chức lao động được công nhận đạt “Gia đình văn hóa” ngày càng nhiều với lối sống lành mạnh, từ đó vun đắp và phát huy tốt vai trò, lan tỏa của tổ ấm văn minh, hình thành ý thức chấp hành chính sách, pháp luật trong mỗi người dân ngày càng cao; kịp thời phát hiện những mâu mắc, tiềm ẩn và xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp từ cơ sở; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi gây chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn về chính trị – xã hội trên địa bàn. 

Nhận thức rõ tính cấp bách và tầm quan trọng của việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, những năm qua, quận Hà Đông luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh đô thị và đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ và nhân dân Quận. Việc thực hiện thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử: “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” được các cơ quan, đơn vị từ quận tới cơ sở duy trì chặt chẽ và đạt hiệu quả cao, phát huy ngày càng nhiều tấm gương cá nhân, tập thể tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào xây dựng nếp sống văn hóa. Ủy ban nhân dân của 17 phường trên địa bàn quận đã tập trung triển khai nội dung xây dựng nếp sống văn minh đô thị gắn với các tiêu chí “làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện “Nói lời hay, làm việc tốt”, phong cách đẹp trong giao tiếp, ứng xử…, mô hình chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung; vệ sinh môi trường, chấp hành luật An toàn giao thông; mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; mô hình bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; mô hình xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay, làm việc tốt, cảnh quan đẹp; mô hình tuyến phố văn minh – đô thị; phong trào ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa luôn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận chủ trì và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân Quận triển khai hiệu quả tới các cơ quan, đơn vị và phường, góp phần gây quỹ để chia sẻ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người khó khăn, yếu thế, các đối tượng trong dịch bệnh, hỏa hoạn…

Có thể khẳng định, kết quả từ các phong trào này đã góp phần kế thừa và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của địa phương; huy động sức mạnh của cộng đồng, đoàn kết trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần quan trọng trong phòng, chống và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư thành những môi trường văn minh, hiện đại, tương thân, tương ái. Tạo ra môi trường sống lành mạnh, các hành động và nghĩa cử cao đẹp ngày càng được nhân rộng, cái xấu ngày càng bị lấn át, đó là cơ sở để văn hóa Đảng được lan tỏa, thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân và góp phần tích cực đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mỗi gia đình và cho cả cộng đồng.

Bên cạnh thành tựu, vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, như: nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa, môi trường văn hóa; về các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở chưa được đầy đủ. Công tác giáo dục, vận động xây dựng những giá trị tốt đẹp trong quan hệ xã hội, giáo dục nhân cách, ứng xử trong gia đình, quan hệ cộng đồng hiệu quả chưa như mong muốn; một số thanh, thiếu niên nhận thức còn lệch lạc, một bộ phận nhân dân còn hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật, thiếu ý chí vươn lên, ý thức chấp hành trật tự đô thị, vệ sinh môi trường… Việc tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nơi còn chạy theo thành tích, số lượng. Hoạt động của nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, di tích văn hóa lịch sử, khu thương mại làng nghề chưa phát huy tiềm năng, hiệu quả sử dụng; sử dụng còn lãng phí…

3. Một số giải pháp xây dựng môi trường văn hóa tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương về vai trò, vị trí của văn hóa, môi trường văn hóa.

Thực tiễn xây dựng môi trường văn hoá cơ sở hiện nay có điều kiện thuận lợi hơn so với trước đây, song cũng gặp không ít khó khăn trở ngại. Bên cạnh sự tác động mạnh mẽ từ mặt trái của cơ chế thị trường, chúng ta luôn phải đối mặt với những yếu tố phi văn hoá, văn hoá ngoại nhập, cùng âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, mà lĩnh vực tư tưởng  –  văn hóa là một trọng điểm… đòi hỏi phải nâng cao nhận thức, phải tỉnh táo, chủ động trên mọi lĩnh vực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xây dựng môi trường văn hoá ở cơ sở đạt chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Để thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận cần tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn tiếp theo; quán triệt thực hiện tốt nghị quyết của các cấp uỷ, chương trình hành động của các cấp chính quyền trong lĩnh vực văn hoá – tư tưởng, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát huy tiềm năng, hiệu quả sử dụng của nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, di tích văn hóa lịch sử, khu thương mại làng nghề trên địa bàn… lập thành tích thiết thực chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Thứ hai, cần xây dựng các mục tiêu, quy chế, quy định, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho công tác xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở.

Thực hiện giải pháp này mang tính đột phá về thể chế. Xây dựng môi trường văn hoá cơ sở, đòi hỏi phải được xây dựng toàn diện cả về thiết chế lãnh đạo – quản lý, thiết chế tổ chức thực hiện và thiết chế cơ sở vật chất – văn hóa nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống văn hóa ở cơ sở; tạo ra sự phân công, phân nhiệm hợp lý và tổ chức xây dựng môi trường văn hoá đó một cách chặt chẽ, hiệu quả. Để thực hiện, trước hết phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các quy chế, quy định của địa phương, gắn với từng địa bàn, cụm dân cư. Đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, cũng như cơ quan chức năng và cán bộ chuyên trách ở địa phương, không những phải xác định rõ nhiệm vụ, quản lý và tổ chức tốt việc thực hiện nhiệm vụ đó, mà còn phải biết phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, dựa chắc vào phong trào quần chúng, tin tưởng ở nhân dân. Đối với nhân dân, vừa là đối tượng tác động chủ yếu, vừa là chủ thể tích cực trong xây dựng môi trường văn hoá cơ sở, từ đó xây dựng thái độ ủng hộ tích cực, vì quyền lợi của chính người dân. Do đó, trong mọi mặt hoạt động của địa phương, cũng như trong xây dựng môi trương văn hoá cơ sở, cần thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Thứ tư, giáo dục, vận động xây dựng những giá trị tốt đẹp trong quan hệ xã hội, giáo dục nhân cách, ứng xử trong gia đình, quan hệ cộng đồng.

Giải pháp mang tính tổng hợp. Đó là những cách thức, biện pháp nhằm làm cho môi trường văn hoá cơ sở tác động tích cực trở lại trong xây dựng các công dân, với tư cách là những thành viên trong cộng đồng, khu vực dân cư thành những con người biết ứng xử có văn hóa và giao tiếp có văn hóa. Từ ăn mặc, nói năng, tác phong cách giao tiếp, ứng xử, từ cử chỉ hành động đến xử lý các tình huống xã hội… đều phải giữ đúng và tôn tạo vị thế xã hội của người công dân trong kỷ nguyên phát triển mới, phát huy cao độ bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, cần khẳng định môi trường văn hoá cơ sở tốt đẹp, lành mạnh chỉ có thể được xây dựng, phát triển bởi những chủ thể có văn hoá và biết gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống địa phương trong điều kiện mới.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, di tích văn hóa lịch sử.

Thực chất giải pháp này nhằm khai thác và phát huy vai trò của thiết chế cơ sở vật chất – văn hoá của địa phương. Để thực hiện, phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá ở cơ sở đã có, cần tận dụng khai thác tốt nhất các cơ sở vật chất, hạ tầng, không gian văn hóa dôi dư do sáp nhập, di chuyển trên địa bàn quận. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao công năng hoạt động, tạo sức lan toả trong cộng đồng; nhằm phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách và giáo dục nếp sống con người; nâng cao trình độ tri thức, văn hóa, truyền thống, bồi đắp lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, các cuộc vận động văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn xây dựng đời sống văn hóa với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đề cao trách nhiệm công dân đối với các vấn đề liên quan đến bảo tồn, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc, địa phương; thu hẹp khoảng cách hưởng thụ đời sống vật chất, tinh thần giữa các tầng lớp xã hội, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác văn hóa tại cơ sở

Giải pháp này mang tính đột phá về nguồn lực con người. Bởi cán bộ là “gốc” của mọi công việc, quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Quá trình thực hiện giải pháp văn hóa này còn đòi hỏi phải kiện toàn cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách; nâng cao tính hiệu lực của các quy chế hoạt động văn hóa, nhất là ở cơ sở địa phương, gắn với từng địa bàn. Làm tốt khâu đào tạo, bố trí cán bộ chuyên trách có năng lực thực sự về công tác văn hóa, tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, các cuộc hội thảo rút kinh nghiệm, tham quan học tập… nhằm nâng cao năng lực hoạt động văn hóa của từng người, không ngừng phục vụ tốt hơn cho cộng đồng. Đồng thời, phải có những cách làm sáng tạo, bứt phá để huy động mọi nguồn lực từ xã hội hóa bằng nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế cơ sở vật chất – văn hóa của địa phương theo hướng hạ thấp chi phí, đạt hiệu quả tối ưu, phù hợp với xu thế phát triển tích cực của xã hội và đời sống người dân trên địa bàn quận Hà Đông.

4. Kết luận

Tình hình kinh tế – xã hội trong nước và Thủ đô Hà Nội đạt được nhiều thành tựu to lớn, tuy nhiên tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, mặt tiêu cực của internet, mạng xã hội và những vấn đề tiêu cực nảy sinh trong quá trình hội nhập, mở cửa, giao lưu quốc tế; cùng với đó các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì vậy, việc tăng cường củng cố và không ngừng phát triển môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn quận Hà Đông cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo của Quận ủy gắn liền với sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội và giữ vững sự ổn định về quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2009). Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.  
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Quận ủy Hà Đông (2024). Báo cáo số 912/BC-UBND ngày 29/3/2024 Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
4. Ủy ban nhân dân quận Hà Đông (2021). Báo cáo số 518/BC-UBND ngày 22/10/2021 về kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND thành phố về Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn quận Hà Đông.