Xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe ở một số quốc gia -một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam

ThS. Hoàng Thị Thúy Hằng
TS. Đặng Thị Thảo
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

(Quanlynhanuoc.vn) – Sử dụng đồ uống có cồn khi lái xe là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông xảy ra ở hầu hết các quốc gia. Bài viết nghiên cứu tác động của đồ uống có nồng độ cồn đến hành vi của người sử dụng; đồng thời, tổng hợp một số kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe; từ đó, rút ra những gợi ý, kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam trong quá trình thực hiện công tác xử phạt vi phạm đối với người điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong cơ thể.

Từ khóa: Tai nạn giao thông; nồng độ cồn; kinh nghiệm; xử lý vi phạm; tham khảo.

1. Đặt vấn đề

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông Việt Nam đã tiến hành xử phạt 308.508 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 11,01% tổng số trường hợp vi phạmTrong hơn 11.000 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong năm 2022, ngoài 33,15% chưa xác định được nguyên nhân, thì 2,02% nguyên nhân gây tai nạn giao thông do người lái xe sử dụng rượu, bia gây ra1. Các đồ uống có cồn sẽ làm ảnh hưởng đến các kỹ năng cần thiết để lái xe an toàn, tuy nhiên, người lái xe thường không nhận thức được rủi ro mà họ gặp phải khi lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn cao. Do vậy, cần sử dụng biện pháp xác định giới hạn nồng độ cồn trong máu (BAC) cho người lái xe nhằm làm giảm tỷ lệ thương vong và tử vong do tai nạn giao thông trong khi lái xe có nồng độ cồn.

2. Một số quy định xử phạt người lái xe có nồng độ cồn ở một số quốc gia

Hành vi uống rượu, bia khi lái xe được xem là vi phạm pháp luật, Các quốc gia đã ban hành quy định nghiêm khắc nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Với mức quy định tiêu chuẩn được nhiều quốc gia sử dụng để đưa vào quy định pháp luật giao thông đường bộ là 0,5 g/l BAC với mức xử phạt thấp nhất cho người lái xe vi phạm lần đầu, sau đó các quốc gia còn phân chia mức độ của BAC đo được đối với người lái xe để có những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn.

Thái Lan: theo Đạo luật giao thông đường bộ năm 2022 quy định ở lần vi phạm đầu tiên đối với người lái xe có sử dụng rượu, bia là bị phạt tiền từ 5.000 – 20.000 Bath (tương đương 3.500.000 – 14.000.000 VNĐ) và/hoặc phạt tù tối đa 1 năm. Nếu trong vòng 2 năm sau lần phạt đầu tiên mà vi phạm sẽ bị tăng án tù lên 2 năm và phạt tiền từ 50.000 – 100.000 Bath (tương đương 35.000.000 – 72.000.000 VNĐ). Trường hợp gây thương tích hoặc tử vong cho người khác trong tình trạng có nồng độ cồn thì bị phạt 20.000 Bath và có thể bị phạt tù lên đến 10 năm, đồng thời bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn.

Trung Quốc: Luật An toàn giao thông Trung Quốc năm 2011 có hình thức xử phạt nghiêm khắc, người lái xe có nồng độ cồn trong máu từ 20 – dưới 80mg/ml bị phạt tiền từ 1.000 – 2.000 NDT (tương đương 3.500.000 – 7.000.000 VNĐ) và đình chỉ giấy phép lái xe trong 6 tháng; nếu có BAC cao hơn 80mg/ml có thể bị phạt tù từ 01 – 6 tháng và treo bằng lái xe 5 năm. Trong trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng sẽ bị xử phạt hình sự và bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn.

Nhật Bản: Luật Giao thông đường bộ Nhật Bản năm 2020 có khung hình phạt nghiêm khắc với quy định BAC từ 0,15mg/l khí thở, người lái xe bị phạt 500.000 yên (tương đương 81.000.000 VNĐ)và phạt tù lên tới 3 năm tù, trong trường hợp nghiêm trọng có thể xử phạt 1 triệu yên và phạt 5 năm tù.Nhật Bản quy định những hình phạt do lái xe say rượu gây tai nạn là 20 năm đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người.

Singapore: Đạo luật Giao thông đường bộ Singapore năm 2019 quy định có nồng độ cồn trong lần vi phạm đầu tiên bị phạt tới 5.000 SGD (tương đương 94.000.000 VNĐ) và bị phạt tù 6 tháng. Vi phạm lần hai có thể bị phạt tới 10.000 SGD và phạt tù tới 1 năm, đồng thời, người vi phạm bị tước bằng lái vĩnh viễn và phạt tù 3 năm nếu vi phạm lần thứ ba.

Hoa Kỳ: mỗi tiểu bang của Mỹ có quy định khác nhau đối với hành vi lái xe có nồng độ cồn trong máu. Tuy nhiên, hầu hết các tiểu bang đều quy định, lần vi phạm đầu tiên bị phạt tiền từ 500 – 2.000 USD và phạt tù không quá 6 tháng. Các lần vi phạm sau sẽ có mức phạt tăng dần và phụ thuộc vào phán quyết của thẩm phán. 

Châu Âu: phần lớn các quốc gia ở châu Âu đều sử dụng ngưỡng tiêu chuẩn để đo nồng độ cồn trong máu đối với người lái xe là 0,5g/l BAC. Đa số quốc gia đều chia giới hạn nồng độ cồn theo đối tượng: mức chuẩn, dành cho người lái xe thương mai (taxi, xe buýt, lái xe thuê) và người mới lái xe. Những quốc gia có mức xử phạt chung ở châu Âu, như: Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch, Scotland (mức chuẩn 0,5g/l); Estonia, Na Uy, Ba Lan, Thụy Điển (mức chuẩn 0,2g/l). Bên cạnh đó, có một số quốc gia hoàn toàn cấm các lái xe khi tham gia giao thông khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở, như: Cộng hòa Séc, Hungary, Slovania và Romania. Hầu hết các hình phạt mà các quốc gia đang áp dụng là phạt tiền, tịch thu giấy phép lái xe có thời hạn hoặc vĩnh viễn, đồng thời, phạt tù tùy vào tỷ lệ nồng độ cồn trong máu (BAC) của người lái xe và mức độ nghiêm trọng khi gây tai nạn giao thông.

3. Kết quả đạt được từ các quy định liên quan đến người lái xe có nồng độ cồn của các quốc gia

Những năm qua, các quốc gia trên thế giới đã đạt được nhiều bước tiến trong việc giảm tai nạn giao thông do người lái xe sử dụng rượu, bia nhờ thực hiện hàng loạt các giải pháp, bao gồm:

(1) Quy định nghiêm ngặt việc thiết lập mức cho phép nồng độ cồn trong máu (BAC) được phép khi lái xe tham gia giao thông. Rất nhiều các quốc gia đều quy định mức tiêu chuẩn BAC là 0,5g/l, nhiều quốc gia quy định dưới mức tiêu chuẩn trên. Điều này đã góp phần làm làm giảm tỷ lệ thương vong cũng như tử vong do tai nạn giao thông ở hầu hết các quốc gia áp dụng. 

(2) Các quốc gia cũng đưa ra các mức phạt tiền, thu giữ giấy phép lái xe tùy vào mức độ vi phạm nồng độ cồn trong máu. Án tù cũng được sử dụng để tăng cường mức độ nghiêm khắc trong xử phạt người vi phạm và cũng có những mức quy định khác nhau ở mỗi quốc gia.

(3) Các hoạt động cưỡng chế kiểm tra hơi thở ngẫu nhiên hoặc kiểm tra khi có sự nghi ngờ đối với người tham gia giao thông bằng máy đo hơi thở đã được các quốc gia áp dụng rất linh hoạt. Với cường độ thực thi các chiến dịch khác nhau giữa các quốc gia, trong từng thời điểm. Một số nghiên cứu đã cho thấy, tại các quốc gia thực hiện hoạt động này một cách thường xuyên, như: Pháp, Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển đã góp phần làm cho tỷ lệ vi phạm giao thông khi lái xe có nồng độ cồn giảm nhanh chóng, giúp hạn chế những tai nạn giao thông xảy ra do rượu, bia.

(4) Các quốc gia thường sẽ công bố công khai những địa điểm sẽ có kiểm tra thường xuyên nồng độ cồn trong máu. Những hoạt động kiểm tra đột xuất sẽ được thông báo rộng rãi trước thời gian kiểm tra. Điều này giúp minh bạch và hỗ trợ cho công tác kiểm tra của các đơn vị thực thi được tiến hành thuận lợi hơn cũng giúp người tham gia giao thông có ý thức chấp hành pháp luật hơn nhiều.

(5) Cải thiện sự chính xác trong số liệu thống kê các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người lái xe có sử dụng rượu bia. Trong hầu hết các trường hợp, số liệu thống kê con số thương vong, tử vong ở các vụ tai nạn giao thông xuất phát từ hồ sơ của cảnh sát. Tuy nhiên, trên thực tế, cảnh sát không được thông báo về mọi vụ va chạm, tại một số các quốc gia vẫn xảy ra tình trạng người bị tai nạn được đưa vào bệnh viện mà phía nhà chức trách không hề biết. Những thiếu sót trong việc thu thập dữ liệu này ảnh hưởng đến tính chính xác và độ tin cậy của dữ liệu chính thức về thương vong trên đường liên quan đến rượu. Để khắc phục tình trạng trên, nhiều quốc gia đã sử dụng dữ liệu của bệnh viện về thương vong trên đường để bổ sung cho dữ liệu của cảnh sát (ITF, 2011).

(6) Đưa kiến thức về tham gia giao thông không sử dụng rượu, bia vào các cơ sở giáo dục, thực hiện thường xuyên các chương trình truyền thông đại chúng về bảo đảm an toàn khi đang lái xe.

4. Các quy định đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn tại Việt Nam

Tại Việt Nam, nhận thấy những tác động tiêu cực của việc sử dụng rượu, bia đối với trật tự xã hội cũng như rủi ro gây tai nạn giao thông, ngày 14/6/2019, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Một trong những nội dung điều chỉnh chủ yếu quy định điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia. Điểm quan trọng được quy định chính là tăng cường ưu tiên hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. 

Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, Bộ Công an đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, trong đó tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Mức phạt nồng độ cồn khi lái xe được quy định tại Nghị định số100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) có những điểm cơ bản, như:

– Quy định nồng độ cồn trong máu của người lái xe được phân tách thành 3 mức độ, gồm: chưa vượt quá 0,5 g/l BAC, vượt quá 0,5 g/l – 0,8 g/l BAC và vượt quá 0,8 g/l BAC. Tương ứng với từng mức vi phạm nồng độ cồn trong máu trên sẽ là mức tiền phạt cùng với mức phạt bổ sung sẽ có xu hướng tăng lên tỷ lệ thuận với mức gia tăng của nồng độ cồn trong máu.

– Phân biệt các loại phương tiện tham gia giao thông, gồm: mức phạt nồng độ cồn đối với xe đạp, xe máy, xe máy kéo, xe máy chuyên dùng, đối với ô tô. Các mức phạt đều tăng dần tương ứng với các loại phương tiện theo thứ tự trên.

– Việc tạm giữ phương tiện quy định theo Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong đó quy định vi phạm nồng độ cồn có thể bị giữ xe đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông.

– Song song với các mức xử phạt, các đơn vị có thẩm quyền cần phải ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm của lái xe trên đường vi phạm nồng độ cồn. Sau ngày 01/01/2020, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được sửa đổi, bổ sung và do đó từ thời điểm này, tất cả những người lái xe có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở gây tai nạn phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Jình sự.

Có thể nhận thấy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, các chế tài liên quan đến xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được sự ủng hộ và chấp hành rộng rãi của toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn, cụ thể:

Thứ nhất, vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông chưa nhận thức được tác hại của việc sử dụng rượu, bia, đặc biệt là khi điều khiển phương tiện. Tần suất sử dụng rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn có thái độ cản trở, chống đối, không chấp hành việc kiểm soát, xử lý của lực lượng chức năng. 

Thứ hai, đối với hình phạt bổ sung, bên cạnh phạt tiền đó là tước giấy phép lái xe có thời hạn gặp khá nhiều khó khăn khi thực thi. Nhiều trường hợp khi vi phạm đã cố tình khai báo không trung thực như không có giấy phép lái xe, chấp nhận nộp phạt để không bị tịch thu giấy phép lái xe. Vấn đề này đang gây khá nhiều cản trở đối với lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ.

Thứ ba, việc phối hợp giữa cơ quan cảnh sát với hệ thống y tế trong việc thu thập thông tin về nồng độ cồn trong máu đối với người bị tai nạn giao thông phải nhập viện còn chưa có sự thống nhất ngay từ quy định hướng dẫn, gây ra rất nhiều khó khăn cho cả bên kiểm sát viên và nhân viên bệnh viện.

5. Một số kinh nghiệm

Một là, một trong những giải pháp mang tính xã hội cao chính là nâng cao nhận thức về rủi ro mang lại khi sử dụng rượu, bia nói chung và sử dụng rượu, bia khi lái xe nói riêng. Các nước thường thực hiện chiến lược này bằng cách xây dựng chương trình giáo dục sớm trong các trường học, nâng cao nhận thức cộng đồng bằng các chiến dịch cụ thể. Chương trình giáo dục sớm này có thể kết hợp với các hoạt động tham gia của đại diện ngành y tế, cảnh sát giao thông trong việc giáo dục về sự nguy hiểm của việc uống rượu và lái xe.

Hai là, một số các nghiên cứu đã gợi ý chính sách khá hiệu quả và đã được kiểm chứng tại nhiều quốc gia, đó là việc khi đã sử dụng rượu, bia, nhiều lái xe lựa chọn các dịch vụ phương tiện giao thông thay thế (Rivara và cộng sự, 2007). Như vậy, trong một số tình huống nơi tiêu thụ rượu, bia là khá phổ biến thì các chương trình cung cấp các dịch vụ như taxi, lái xe được chỉ định là lựa chọn hợp lý. Điều này giúp giải quyết khá nhiều vấn đề mang tính xã hội như thói quen tiêu dùng, văn hóa sử dụng rượu, bia ở các tình huống nhất định và bên cạnh đó có thể bảo đảm hoạt động kinh doanh liên quan đến rượu, bia có thể duy trì ở mức độ cho phép và có thể kiểm soát của Nhà nước.

Ba là, nâng cao tính chính xác trong việc thu thập dữ liệu về tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia. Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra thì người tham gia giao thông đều bị thương và cần nhập viện. Thông thường, việc thống kê số liệu người bị tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn ở nhiều quốc gia đều xuất phát từ báo cáo của cơ quan công an. Điều này cũng đã được nhiều nghiên cứu, báo cáo cho biết dẫn đến số liệu báo cáo trên thực tế thấp hơn khá nhiều so với con số thực tế. Do đó, gây khó khăn cho các nhà quản lý trong việc đưa ra các quyết sách liên quan đến vấn đề này nhằm đạt được kết quả cao. Hiện nay, Việt Nam đã có Thông tư liên tịch số 26/2014/TT-BCA-BYT ngày 23/7/2014 của Bộ Công an – Bộ Y tế về việc phối hợp để thu thập số liệu về nồng độ cồn trong máu của người bị tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn rất nhiều vướng mắc do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi trong thực tế triển khai. Vì vậy, cần thống nhất giữa hai cơ quan để có được cơ sở dữ liệu đầy đủ liên quan đến người tai nạn giao thông có nồng độ cồn.

Bốn là, các hoạt động kiểm tra thường xuyên, rà soát người tham gia giao thông có nồng độ cồn được cho là hoạt động rất cần thiết nhằm giảm đáng kể người sử dụng rượu, bia. Đây là giải pháp được các quốc gia áp dụng và Việt Nam cũng đã triển khai rất hiệu quả. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các nước, hoạt động này nên chia thành hai hình thức: (1) Thiết lập các trạm kiểm tra mức độ tỉnh táo của người lái xe và những trạm kiểm tra này cần được công bố rộng rãi, tại đây nhân viên thực thi pháp luật được phép dừng phương tiện trong thời gian ngắn để kiểm tra người lái xe có nồng độ cồn hay không; (2) Các cuộc tuần tra theo chuyên đề, thời gian nhất định tại các địa điểm và thời điểm thường xảy ra tai nạn liên quan đến người lái xe có nồng độ cồn. Những cuộc tuần tra này cũng cần phải được công bố rộng rãi trên các hệ thống phương tiện truyền thông và cũng cần phải được tiến hành thường xuyên như các trạm kiểm tra mức độ tỉnh táo.

Năm là, để hạn chế việc khai báo không trung thực về giấy phép lái xe, cần phải thống nhất hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, tích hợp với các thông tin của cá nhân vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giảm tình trạng bỏ sót, xử lý không triệt để trong quá trình xử phạt.

Chú thích:
1. Xử lý hơn 300 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong năm 2022. https://nhandan.vn/xu-ly-hon-300-nghin-truong-hop-vi-pham-nong-do-con-trong-nam-2022-post738107.html
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2008). Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
2. Quốc hội (2019). Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
3. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
4. Các nước khu vực và thế giới xử phạt vi phạm nồng độ cồn thế nào? https://plo.vn/cac-nuoc-khu-vuc-va-the-gioi-xu-phat-vi-pham-nong-do-con-the-nao-post732587.html
5. Rivara FP, Relyea-Chew A, Wang J, Riley S, Boisvert D, Gomez T. Drinking behaviors in young adults: the potential role of designated driver and safe ride home programs. Inj Prev. 2007;13(3): 168–172
6. ITF (2011). Reporting on Serious Road Traffic Casualties. Combining and using different data sources to improve understanding of non-fatal road traffic crashes. Accessible at: http://www.itf-oecd.org/sites/default/files/docs/road-casualties-web.pdf