Nghiên cứu mô hình tái chế và quản lý chất thải của một số nước trên thế giới – kinh nghiệm cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

TS. Vũ Thị Hải Anh
ThS. Nguyễn Thị Dung
ThS. Đàm Cẩm Vân
Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

(Quanlynhanuoc.vn) – Nền kinh tế tuần hoàn được coi là nền kinh tế bền vững. Những năm qua, kinh tế tuần hoàn được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại nhiều lợi ích kinh tế – xã hội và môi trường gắn liền với sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bài viết hệ thống hóa một số lý thuyết cơ bản về kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia trên thế giới và phân tích sâu mô hình tái chế, quản lý chất thải của Hàn Quốc, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển kinh tế tuần hoàn.

Từ khóa: Kinh tế tuần hoàn, mô hình tái chế, quản lý chất thải, kinh nghiệm.

1. Đặt vấn đề 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những thách thức từ môi trường hiện nay, tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Kinh tế tuần hoàn (circular economy) là một mô hình kinh tế trong đó tài nguyên được sử dụng một cách hiệu quả, giảm thiểu lãng phí và tối đa hóa giá trị của sản phẩm, vật liệu và nguồn lực trong suốt vòng đời của chúng theo1. Ở Việt Nam, sau một thời gian dài phát triển dựa vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có, tận dụng lao động giá rẻ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trước nguy cơ cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. 

Kinh tế tuần hoàn tập trung vào việc giảm thiểu rác thải, tái sử dụng tài nguyên và tối ưu hóa chu trình sản xuất. Các lĩnh vực ứng dụng của kinh tế tuần hoàn có thể bao gồm: sản xuất và công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, xây dựng, logistics và chuỗi cung ứng, tiêu dùng và thương mại, quản lý chất thải và tái chế. Trong phạm vi của nghiên cứu này, nhóm tác giả tập trung vào lĩnh vực quản lý chất thải và tái chế của một số quốc gia và phân tích mô hình tái chế và quản lý chất thải của Hàn Quốc, từ đó rút ra kinh nghiệm cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

2. Kinh tế tuần hoàn và mô hình kinh tế tuần hoàn

Thứ nhất, khái niệm kinh tế tuần hoàn.

Boulding, K. (1966) là người đầu tiên đề cập đến từ khóa “mô hình kinh tế tuần hoàn”2, ông đề nghị thay thế mô hình vòng tròn mở trong mô hình kinh tế tuyến tính bằng mô hình vòng tròn khép kín trong mô hình kinh tế tuần hoàn trong nghiên cứu của mình.

Theo Ellen MacArthur Foundation (2012), đây là trung tâm hàng đầu nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn. Họ cho rằng kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế công nghiệp được thiết kế để tái tạo và phục hồi tự nhiên, tập trung vào việc duy trì giá trị của sản phẩm, vật liệu và tài nguyên càng lâu càng tốt, giảm thiểu rác thải và tác động môi trường3.

Geissdoerfer et al. (2017) định nghĩa kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế mà trong đó mục tiêu chính là tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí thông qua tái sử dụng, sửa chữa, tái chế và chuyển đổi các nguyên liệu thô thành các sản phẩm mới4.

Theo Ủy ban châu Âu (2015), định nghĩa kinh tế tuần hoàn là một mô hình sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm thiểu chất thải, tối đa hóa việc tái sử dụng và tái chế tài nguyên, đồng thời phát triển các sản phẩm có thể tái chế hoặc sửa chữa được5.

Khái niệm mô hình kinh tế tuần hoàn theo các nhà khoa học và các tổ chức tập trung vào việc chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn; chuyển từ mô hình kinh tế trong đó sản phẩm được sản xuất ra, tiêu thụ và bị loại bỏ sang mô hình kinh tế dựa trên nguyên tắc giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, mô hình kinh tế này thể hiện cách hàng hóa được thiết kế, sử dụng và tái sử dụng, bảo đảm chúng có thể được tái sử dụng hoặc tái chế hiệu quả, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Thứ hai, một số mô hình kinh tế tuần hoàn.

(1) Mô hình vòng lặp

Ellen MacArthur Foundation là tổ chức đi đầu trong nghiên cứu mô hình này. Họ đã xác định ba nguyên tắc chính của một nền kinh tế tuần hoàn là: Giảm và loại bỏ thải và ô nhiễm; kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm và nguyên vật liệu; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên6. Với những nguyên tắc này, khi vận hành nền kinh tế tuần hoàn với chu trình khép kín sẽ không có chất thải ra môi trường. Kinh tế tuần hoàn giúp hạn chế tối đa việc khai thác nguyên liệu thô từ môi trường tự nhiên, hạn chế việc khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có và duy trì hệ sinh thái; không còn đưa chất thải ra môi trường gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, duy trì chất lượng môi trường. 

(2) Khung ReSOLVE

Theo Lewandowski (2016), nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn bao gồm 6 điểm theo khung ReSOLVE của tác giả gồm: Tái tạo – Chia sẻ – Tối ưu hóa – Vòng lặp – Cung cấp tiện ích ảo – Trao đổi7.

+ Re (Regenerate): đó là sự chuyển đổi sang năng lượng và vật liệu tái tạo

+ S (Share): tối đa hóa việc sử dụng sản phẩm bằng cách chia sẻ chúng giữa những người dùng.

+ O (Optimise): tối ưu hóa, tăng hiệu quả của sản phẩm và loại bỏ chất thải trong quy trình sản xuất và trong chuỗi cung ứng.

+ L (Loop): vòng lặp giữ các thành phần và vật liệu trong các vòng khép kín, ưu tiên cao hơn được dành cho các vòng lặp bên trong.

+ V (Virtualize): cung cấp tiện ích ảo gần như có thể thay thế tiện ích vật chất,
 chẳng hạn nhạc số, sách số, tài sản số hóa…

+ E (Exchange): trao đổi thay thế vật liệu cũ với vật liệu không tái tạo, áp dụng các công nghệ mới.

(3) Mô hình 3R (Reduce, Reuse, Recycle).

Mô hình này đề cập đến khung quản lý tài nguyên và chất thải nhằm giảm tác động xấu đến môi trường trong quá trình sản xuất và sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Trong đó, Reduce – Giảm thiểu là giảm thiểu lượng tài nguyên tiêu thụ và chất thải phát sinh trên cơ sở sử dụng tài nguyên một cách có hiệu quả, giảm nhu cầu về nguyên liệu mới. Reuse –  Tái sử dụng là việc kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, sử dụng lại sản phẩm bằng cách tận dụng giá trị vốn có của sản phẩm và vật liệu mà không cần phải tái chế. Recycle – Tái chế, tận dụng chất thải của sản xuất và tiêu dùng để chuyển đổi thành nguyên liệu đầu vào mới hoặc sản phẩm mới, cụ thể như là phân loại rác thải tại nguồn để tăng hiệu quả tái chế, đầu tư vào công nghệ tái chế hiện đại, xây dựng chuỗi cung ứng tuần hoàn đưa nguyên liệu tái chế vào sản xuất. Các hoạt động này nhằm giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu lượng chất thải và ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng và khuyến khích đổi mới sáng tạo trong sản xuất và tiêu dùng. 

Bên cạnh các mô hình nói trên, nghiên cứu các mô hình kinh tế tuần hoàn còn có Walter Stahel đề xuất mô hình hệ thống kinh tế hiệu quả (performance economy) tập trung vào chuyển đổi từ việc sở hữu sản phẩm sang đi thuê sản phẩm, kéo dài tuổi thọ sản phẩm và xây dựng hệ thống đóng vòng để giảm chất thải. Michael Braungart và William McDonough8 phát triển mô hình C2C (Cradle-to-Cradle) với các triết lý: thiết kế sản phẩm không tạo ra chất thải, phân định chu trình sinh học và chu trình kỹ thuật, tăng cường tái tạo năng lượng sạch và tối ưu hóa sử dụng nguồn nước. Hay các mô hình hệ thống công nghiệp sinh thái, mô hình vòng đời sản phẩm (LCT), mô hình sản xuất tinh gọn. Tựu chung lại, các mô hình kinh tế tuần hoàn định hình việc cấu trúc lại cách thức sản xuất và tiêu dùng hướng tới mục tiêu tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải và bảo vệ môi trường. 

3. Mô hình kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia trên thế giới

a. Nhật Bản9

Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một khung pháp lý toàn diện với các mục tiêu định lượng để tái chế và phi vật chất hóa trong dài hạn với các chính sách đã được nước này ban hành như: Đạo luật cơ bản xây dựng xã hội dựa trên tái chế có hiệu lực từ năm 2002; Luật Tái chế thiết bị ban hành năm 2001; Chiến lược năng lượng sinh khối ban hành năm 2003; Kế hoạch hành động cho một xã hội carbon thấp ban hành năm 2008. Đo lường kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản cấp quốc gia thông qua 3 chỉ số: chỉ số năng suất tài nguyên, chỉ số cho tỷ lệ sử dụng vật liệu theo chu kỳ trong nền kinh tế, chỉ số đầu ra. Chức năng chính của hệ thống kinh tế tuần hoàn ở Nhật Bản bao gồm: hệ thống thu hồi thân thiện với người tiêu dùng; người tiêu dùng trả phí trước; cơ sở hạ tầng tái chế là đồng sở hữu. 

b. Trung Quốc 

Trung Quốc đã ban hành các chính sách về thuế, tài chính và hình thành một quỹ hỗ trợ để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn. Trung Quốc ban hành Luật kinh tế tuần hoàn năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn – kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025). Trung Quốc đã tiến hành triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn với 3 cấp độ chính gồm: cấp độ vĩ mô (macro); cấp trung mô (meso) và cấp độ vi mô (micro) trong khâu xử lý và quy trình sản xuất phế liệu. Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn chiến lược quốc gia để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn (chiến lược đầu tiên trên thế giới). Chương trình, chính sách kinh tế tuần hoàn được thông qua với việc mở rộng trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất trong việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo.

c. Cộng hòa Liên bang Đức

Đức đã ban hành Đạo luật về quản lý chất thải và chu trình khép kín, luật cung cấp một khuôn khổ để thực hiện quản lý chất thải theo chu trình khép kín và bảo đảm việc xử lý chất thải tương thích với môi trường cũng như khả năng đồng hóa chất thải. Chính phủ Đức đặt ra các mục tiêu tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên nhằm bảo vệ môi trường một cách toàn diện bao gồm việc giảm chôn lấp, bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng tài nguyên bền vững hơn. Đức đã áp dụng một số chiến lược để thúc đẩy cách tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp quốc gia, bao gồm việc giảm thiểu chất thải, tái sử dụng, tái chế và đốt rác thải để sản xuất điện và nhiệt. 

4. Phân tích mô hình tái chế và quản lý chất thải của Hàn Quốc

Mô hình tái chế và quản lý chất thải của Hàn Quốc là một trong những mô hình kinh tế tuần hoàn của các quốc gia được đánh giá thành công nhất thế giới. Mô hình này giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia có tỷ lệ tái chế chất thải cao thứ hai trong nhóm các nước tham gia tổ chức OECD. Mô hình này được xây dựng trên nguyên tắc quản lý môi trường bền vững dựa trên hệ thống pháp luật chặt chẽ và sự tham gia tích cực của cộng đồng. Luật khung về Quản lý Tài nguyên và Chất thải của Hàn Quốc được thông qua vào năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Đây là một phần trong hệ thống pháp lý bảo vệ môi trường quốc gia của Hàn Quốc bao gồm nhiều chính sách cụ thể nhằm giảm thiểu chất thải, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, phát triển kinh tế tuần hoàn. 

Các chính sách quan trọng được quy định trong luật: hệ thống trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; chính sách giảm phát sinh chất thải; chính sách tái chế và tái sử dụng; chính sách phân loại và thu gom chất thải; chính sách khuyến khích sử dụng tài nguyên tái chế; chính sách quản lý chất thải nguy hại. Hoạt động thu gom và tái chế được Hàn Quốc áp dụng có hiệu quả nhất gồm: 

Thứ nhất, hệ thống trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Resposibility – ERP).

EPR buộc các doanh nghiệp, nhà sản xuất chịu trách nhiệm thu gom và tái chế sản phẩm của mình, đặc biệt là khi sản phẩm trở thành rác thải. Đây là một chính sách yêu cầu các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về việc thu gom, tái chế và xử lý các sản phẩm và bao bì sau khi sử dụng, giúp giảm thiểu tác động môi trường và khuyến khích họ thiết kế sản phẩm dễ tái chế hơn. EPR thường áp dụng cho các sản phẩm khó tái chế hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường như: các loại bao bì nhựa, kim loại, thủy tinh, các sản phẩm điện tử và thiết bị điện, pin và ắc quy các loại, lốp xe các loại, đồ nội thất và vật liệu xây dựng. 

Hệ thống này đã được triển khai tại nhiều quốc gia trong đó có Hàn Quốc, góp phần làm giảm lượng chất thải và thúc đẩy tái chế. Chính sách giảm phát sinh chất thải ban hành với mục tiêu giảm lượng rác thải từ nguồn, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên. Chính sách này có những yêu cầu cụ thể với từng đối tượng, trong đó: đối với nhà sản xuất yêu cầu thiết kế sản phẩm và bao bì sử dụng vật liệu dễ tái chế, dễ sử dụng, khuyến khích sử dụng bao bì thân thiện môi trường trong vận chuyển và đóng gói hàng hóa; đối với người tiêu dùng thì khuyến khích tiêu dùng bền vững bằng cách giảm sử dụng những sản phẩm dùng một lần, tăng cường tái sử dụng sản phẩm và bao bì. EPR đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, chính sách này khuyến khích trách nhiệm từ nhà sản xuất đến ý thức người tiêu dùng, tạo sự cân bằng bền vững giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Thứ hai, hệ thống thu phí rác thải dựa trên lượng phát sinh (Volume-Based Waste Fee System – VBWF).

Hệ thống này khuyến khích người dân và doanh nghiệp giảm lượng rác không tái chế bằng cách yêu cầu trả phí dựa trên lượng rác thải. Hệ thống này được triển khai dựa trên các nguyên tắc chủ yếu: người gây ô nhiễm và xả chất thải gây ô nhiễm phải trả tiền cho hành động đó của mình; người được hưởng lợi từ các tài nguyên đem lại phải trả tiền cho việc này; thuế, phí là công cụ khuyến khích kinh tế phổ biến trên cơ sở số lượng và chất lượng chất thải phát sinh và hệ thống này ưu tiên việc phòng ngừa hơn là việc xử lý hậu quả.

Theo chính sách này, người dân và các tổ chức phải trả phí dựa trên khối lượng hoặc thể tích của rác thải không thể tái chế mà họ thải ra. Đối tượng thu phí được phân loại thành hộ gia đình; cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, như: các cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê và doanh nghiệp nhỏ; tổ chức công cộng, như: trường học, bệnh viện, cơ quan công sở và các nhà sản xuất hoặc cơ sở sản xuất lớn. Hệ thống này yêu cầu phân loại rác thải tại nguồn. Các loại rác thải được phân loại bao gồm: rác thải tái chế, rác thải thực phẩm hay rác thải hữu cơ, rác thải sinh hoạt (chất thải không tái chế), rác thải cồng kềnh và rác thải nguy hại. 

Việc phân loại này giúp tận dụng tối đa tài nguyên tăng tỷ lệ tái chế, giảm lượng rác thải phải đưa đến bãi chôn lấp hoặc đốt nhằm giảm chi phí xử lý và bảo vệ môi trường. Cơ chế hoạt động của các loại túi rác trong hệ thống này được thiết kế để khuyến khích phân loại rác thải chính xác và giảm thiểu lượng rác thải. Các loại túi rác bao gồm: túi rác tiêu chuẩn dành cho rác không tái chế có nhiều dung tích và màu sắc khác nhau, người dân mua túi này từ các cửa hàng được cấp phép, phí mua túi chính là chi phí xử lý rác thải; túi rác thực phẩm hay còn gọi là túi rác hữu cơ, người dân đựng thực phẩm thừa trong túi này và được thu gom làm phân bón hoặc sản xuất năng lượng sinh học, túi này có giá thấp hơn túi tiêu chuẩn; túi rác tái chế, loại túi này không bị tính phí, người dân rửa sạch và phân loại rác tái chế như nhựa, giấy, kim loại, thủy tinh…; túi rác cồng kềnh nhưng không phải là một loại túi mà là hệ thống thu gom đặc biệt, người dân trả tiền để chính quyền thu dọn các đồ cồng kềnh; túi rác nguy hại sử dụng túi riêng hoặc hộp đựng chuyên dụng được đặt tại các điểm thu gom, như: pin, bóng đèn, hóa chất… Chính sách này đã giúp tăng tỷ lệ tái chế ở Hàn Quốc lên đáng kể, giảm bớt gánh nặng đối với các bãi chôn lấp và lò đốt.

Thứ ba, sự tham gia của cộng đồng.

Bên cạnh việc áp dụng hệ thống pháp luật chặt chẽ thì sự tham gia tích cực của cộng đồng là chìa khóa thành công trong triển khai mô hình tái chế và quản lý chất thải ở Hàn Quốc. Cộng đồng bao gồm cả cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng cư dân. Chính phủ Hàn Quốc áp dụng hệ thống phân loại rác nghiêm ngặt buộc người dân phải tuân theo, việc không tuân thủ quy định sẽ bị phạt đồng thời công khai vi phạm để nâng cao ý thức cộng đồng, sử dụng túi rác tiêu chuẩn. Chính phủ tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về tái chế và bảo vệ môi trường thông qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, mạng xã hội và các hoạt động cộng đồng, các hoạt động trực tiếp tại nhà trường. Đối với các doanh nghiệp, Chính phủ có chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng xử lý rác thải và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường. 

5. Kinh nghiệm cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Tăng trưởng xanh với mục tiêu cụ thể xanh hóa các nền kinh tế bằng cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Phát triển xanh gồm phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, carbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Những vấn đề trên đã được Đảng và Nhà nước đề cập đến trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021 – 2030). Qua nghiên cứu kinh nghiệm triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn của các quốc gia trên thế giới và mô hình tái chế và quản lý rác thải của Hàn Quốc có thể rút ra được kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển kinh tế tuần hoàn, cụ thể: 

Một là, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật trong quản lý phát triển kinh tế tuần hoàn theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Quy định pháp luật nhằm phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn cần cụ thể vào từng nhóm đối tượng. Đối với các doanh nghiệp sản xuất và thương mại cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong sản xuất và phân phối hàng hóa. 

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp sản xuất cần phải xanh hóa từ yếu tố đầu vào bằng cách sử dụng công nghệ, nguyên liệu xanh cho đến thu gom và tái chế các sản phẩm đầu ra; đối với các doanh nghiệp thương mại cũng có các chính sách khuyến khích sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, trong đóng gói và sử dụng phương tiện giao thông xanh để vận chuyển hàng hóa. Đối với người tiêu dùng, khuyến khích giảm thiểu sử dụng các sản phẩm dùng một lần, khi đi chợ đi mua sắm cần mang theo túi, hạn chế dùng các chai nhựa… 

Hiện nay, việc thu phí rác thải sinh hoạt tại từng địa phương ở Việt Nam đang có những cách tính khác nhau, có nơi đang tính theo lượng rác thải ra, có nơi thu tiền bình quân trên đầu người nhưng đại đa số là hình thức thu tiền bình quân trên đầu người. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu gom chất thải sinh hoạt cần sử dụng chính sách thu phí theo lượng rác thải một cách đồng bộ và nhất quán.

Hai là, để hệ thống chính sách, phát luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và quản lý chất thải nói riêng được thực thi có hiệu quả thì hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý đóng vai trò rất quan trọng. Ở Việt Nam hiện nay, nhận thức về khái niệm, nội hàm kinh tế tuần hoàn còn có những hạn chế nhất định và còn có nhiều cách hiểu khác nhau ngay cả ở các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuyên truyền, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng khung pháp lý, chiến lược quốc gia và chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cũng như vai trò giám sát và bảo đảm thực thi các chính sách về quản lý rác thải và tài nguyên là rất cần thiết. 

Bằng các hội thảo chuyên đề, tài liệu hướng dẫn, trên các diễn đàn doanh nghiệp và các kênh truyền thông số để tuyên truyền về lợi ích, các cơ hội thị trường, trách nhiệm của doanh nghiệp trong áp dụng, thực hành các mô hình kinh tế tuần hoàn, những chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước trong các hoạt động của doanh nghiệp từ thiết kế sản phẩm đến quản lý vòng đời của sản phẩm và tối ưu hóa nguyên liệu. Tổ chức các chiến dịch cộng đồng kết hợp với truyền thông qua các kênh đại chúng cho người dân, giáo dục học đường với học sinh và sinh viên để nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn; tuyên truyền về lối sống tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó thay đổi nhận thức và hành động của mỗi cá nhân vì sự phát triển bền vững.

6. Kết luận

Chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Kinh nghiệm phát triển nền kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản và Đức cho thấy, cần xây dựng và ban hành hệ thống chính sách, pháp luật trong quản lý chất thải và bảo vệ môi trường; Trung Quốc đã ban hành các chính sách về thuế, tài chính và hình thành một quỹ hỗ trợ để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn. 

Phân tích sâu mô hình tái chế và quản lý chất thải tại Hàn Quốc dưới góc độ chính sách pháp luật và các biện pháp nâng cao tuyên truyền, nhận thức của người dân, nghiên cứu đã rút ra bài học kinh nghiệm cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam nói chung và quản lý rác thải ở Việt Nam nói riêng cần có khung pháp luật nhằm phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn cụ thể vào từng nhóm đối tượng và để khung chính sách, pháp luật này thực thi có hiệu quả thì cần đến các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

Chú thích:
1. OECD (2018), The Circular Economy: A Transformative Agenda. Organisation for Economic Co-operation and Development, OECD Publishing. https://www.oecd.org/environment/circular-economy.htm
2. Boulding, K. (1966), The Economics of the Coming Spaceship Earth, In: Jarrett, H., Ed., Environmental Quality in a Growing Economy, Resources for the Future/Johns Hopkins University Press, Baltimore, 3 – 14.
3. Ellen MacArthur Foundation (2012), Towards the Circular Economy: Economic and Business Rationale for an Accelerated Transition, Ellen MacArthur Foundation.
4. Geissdoerfer, M., Savaget, P., Bocken, N. M. P., & Hultink, E. J. (2017), The Circular Economy – A New Sustainability Paradigm, Journal of Cleaner Production, 143, 757 – 768, https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2016.12.048.
5. European Commission (2015), Closing the loop – An EU action plan for the Circular Economy, Communication from the Commission to the European Parliament, the Council, the European Economic and Social Committee and the Committee of the Regions. COM (2015) 614 final.
6. Ellen MacArthur Foundation (2012), Towards the Circular Economy: Economic and Business Rationale for an Accelerated Transition, Ellen MacArthur Foundation.
7. M. Lewandowski (2016), Designing the Business Models for Circular Economy Towards the Conceptual Framework, Sustainability, vol. 8, no. 1. https://doi.org/10.3390/su8010043 .
8. Braungart, M., & McDonough, W. (2002), Cradle to cradle: Remaking the way we make things, North Point Press.
9. OECD (2010), OECD Environmental Performance Reviews: Japan, Paris: OECD Publishing. https://doi.org/10.1787/9789264087873-en
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050.
2. Korea Environment Corporation (2019). Let’s Reduce Food Waste Campaign, Korea Environment Corporation, Republic of Korea.
3. Ministry of Environment of Korea (2016). Framework Act on Resource Circulation.
4. Ministry of Environment of Korea (2018). Waste Management and Recycling Policy in Korea
5. National Development and Reform Commission (2021). 14th Five-Year Plan for Circular Economy Development, Beijing, China.
6. OECD (2019). OECD Environmental Performance Reviews: China, Paris: OECD Publishing. https://doi.org/10.1787/9789264309616-en
7. OECD (2019). OECD Environmental Performance Reviews: Germany 2019, OECD Publishing. https://doi.org/10.1787/9789264301665-en
8. United Nations Environment Programme (2006). Waste Management during the Life Cycle of a Product, UNEP Publications.