TS. Vũ Thành Trung
ThS. Nguyễn Đức Thăng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố. Đây là tuyến y tế ban đầu, gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế. Bài viết phân tích kết quả triển khai chính sách y tế cơ sở, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Y tế cơ sở; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; Nhân dân; nhân lực y tế; tài chính y tế.
1. Đặt vấn đề
Phát triển, củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam ngay từ ngày hòa bình lập lại. Đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ đều nhất quán phải tập trung đầu tư cho hệ thống y tế từ tuyến y tế cơ sở.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy hoạch, đề án để xây dựng và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Đặc biệt, sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở của cả nước đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
2. Triển khai thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật về y tế cơ sở
Để nâng cao chất lượng, hoạt động của y tế cơ sở, ngày 22/01/2002, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, khẳng định vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của mạng lưới y tế cơ sở (gồm: y tế thôn, bản, xã, phường, quận, huyện, thị xã) là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin của nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, nhấn mạnh trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới tiếp tục đề ra nhiệm vụ củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ, trong đó yêu cầu Nhà nước đầu tư mạnh, tạo bước bứt phá để nâng cấp các cơ sở y tế; tiếp theo là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, coi “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, trong đó đã đề ra nhiệm vụ giải pháp nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe; có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong,…
Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và xác định rõ những ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế cơ sở, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở. Phạm vi của y tế cơ sở được mở rộng hơn, theo đó, các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản; trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế cấp huyện; y tế trường học, y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất. Đặc biệt, y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân được khuyến khích tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân.
Việc nâng cao sức khỏe cũng như chăm sóc sức khỏe ở cấp độ cơ bản, theo đó, yêu cầu cần tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở và việc đầu tư cho y tế cơ sở phải gắn với đổi mới cơ chế tài chính và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính. Đây được xem định hướng quan trọng để giải quyết đồng thời hai thách thức liên quan tới tài chính y tế cho y tế cơ sở, đó là: bảo đảm nền tảng tài chính bền vững cho hoạt động y tế cơ sở và tốí ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đồng thời, xác định những nhóm giải pháp cốt lõi để thực hiện nhiệm vụ này (chính sách đào tạo nhân lực; chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ; chính sách thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn cao, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở; chính sách luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở).
Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tại Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg, ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam và Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã đề ra giải pháp tạo bước đột phá trong việc tăng tốc độ đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực y tế để nâng cấp các cơ sở y tế, trong đó ưu tiên củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 xác định mục tiêu đến 2030 cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp về củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu: tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện; bảo đảm 100% số xã có trạm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và nhu cầu khám, chữa bệnh từng vùng; tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; kết hợp hài hòa các hoạt động giữa các đơn vị y tế trong huyện; thực hiện tốt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 – 2020; phát triển đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.
Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 2025 và 5 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án, tập trung: củng cố, hoàn thiện tổ chức của mạng lưới y tế cơ sở; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; tiếp tục đầu tư để hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở1.
Trong nội dung của Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: ưu tiên ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, biển đảo, bãi ngang ven biển, các khu vực khó khăn. Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới với quan điểm “Y tế cơ sở là nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân”. Đồng thời, chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển nguồn nhân lực ở y tế cơ sở, nhất là có các chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, vùng khó khăn, biên giới, biển đảo.
3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân theo Nghị quyết số 06-NQ/TW
Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, y tế cơ sở luôn được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến rõ rệt về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Các địa phương xác định việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đề ra các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai; đẩy mạnh mối quan hệ của các ban, ngành, đoàn thể để phối hợp với ngành Y tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mạng lưới y tế cơ sở đến nay đã bao phủ rộng khắp cả nước, từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và có cơ chế vận hành hiệu quả. Ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế cơ sở tăng lên hàng năm, ngoài ra, huy động thêm nguồn viện trợ nước ngoài (ODA, NGO). Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, đến năm 2022, 100% quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có trung tâm y tế; 99,6% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 93,8% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 58,3% năm 2009 lên 66,8% vào năm 2012 và hết năm 2022 đã đạt 92,03% dân số. Tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 97,9%. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt 89,4%.
Số lượng cán bộ y tế tại tuyến y tế cơ sở đã gia tăng rõ rệt, giai đoạn 2000 – 2010 tăng 44%, giai đoạn 2010 – 2013 tiếp tục tăng thêm 16%, trong đó ở tuyến huyện là 21% và tuyến xã là 9%. Đến năm 2020, số lượng nhân viên y tế tại y tế cơ sở trên 187 nghìn người, chiếm 40% tổng số nhân lực y tế của cả nước, trong đó nhân lực tuyến huyện là 115 nghìn người (24,5%), tuyến xã là 72 nghìn người (15,5%). Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ thường trú/định biên tăng từ 67,1% năm 2016 lên 72,3% năm 2020. Tỷ lệ bác sỹ làm việc (bao gồm cả bác sỹ tuyển trên luân phiên, làm việc định kỳ 2 – 3 ngày/tuần) tăng từ 85,3% năm 2016 lên 92,5% năm 2020. Duy trì tỷ lệ trạm y tế xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, tỷ lệ thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động trên 95%2.
Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở chưa hoàn thiện; một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức, phát huy đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở; chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức việc củng cố, tăng cường năng lực cho mạng lưới y tế cơ sở, nhất là ứng phó với tình huống khẩn cấp về dịch bệnh. Mô hình tổ chức y tế cơ sở chưa ổn định; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm, quản lý bệnh, quản lý và nâng cao sức khỏe người dân, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế còn hạn chế; chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ chưa phù hợp, chưa thu hút được người có trình độ chuyên môn giỏi gắn bó lâu dài với y tế cơ sở3.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 với quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh, kéo dài, gây tổn thất lớn về tính mạng, sức khỏe, đã tạo thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng. Với quan điểm “chống dịch như chống giặc” và yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trong đó tăng cường chỉ đạo cho y tế xã, phường, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng quản lý giám sát cộng đồng theo phương châm “đi đến ngõ, gõ đến nhà, rà đến từng đối tượng”, giám sát chặt chẽ, phát hiện, triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch khi xuất hiện, không dịch lan rộng trong cộng đồng. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt nhưng với tinh thần người chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, y tế cơ sở trở thành lá chắn thép không để dịch lây lan.
Những thành tựu quan trọng nhất của hệ thống y tế Việt Nam đều gắn chặt với những nỗ lực của y tế cơ sở, góp phần quan trọng giúp các chỉ số sức khỏe cơ bản của Việt Nam cao hơn các quốc gia có cùng mức thu nhập. Tuy nhiên, qua đại dịch cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém của y tế cơ sở: cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, xuống cấp, hệ thống y tế quá tải; nguồn nhân lực thiếu cả số lượng và chất lượng; năng lực cung ứng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở chưa theo kịp nhu cầu thực tế, đặc biệt là trong những tình huống đặc biệt khẩn cấp về y tế công cộng (trong đợt dịch thứ 4)…
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình kinh tế có những bước phát triển mạnh mẽ, chính trị ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao về mọi mặt đã mang đến những thuận lợi cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nói chung và xây dựng y tế cơ sở nói riêng song cũng có nhiều khó khăn, nhất là nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, già hóa dân số, sự thay đổi của mô hình bệnh tật; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có những diễn biến khó lường… đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho ngành Y tế.
4. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở
Một là, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy và đổi mới phương thức hoạt động của y tế cơ sở.
Quán triệt quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy và mô hình quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nâng cao năng lực để y tế cơ sở đảm bảo vai trò là người gác cổng của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế. Thực hiện chủ trương trạm y tế xã phân bố theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính. Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn, có cơ chế khuyến khích y tế tư nhân tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động của y tê cơ sở trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tăng cường năng lực y tế cơ sở nhằm hướng đến mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân để mọi người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng. Thực hiện chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện, gắn nâng cao sức khỏe, phòng bệnh với chữa bệnh và phục hồi chức năng; kết hợp y dược học hiện đại với y dược học cổ truyền. Chú trọng quản lý sức khỏe cá nhân và phòng bệnh không lây nhiễm; phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe Nhân dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, Kết nối y tế cơ sở với các cơ sở y tế tuyến trên để tăng cường sự tương tác hiệu quả và hỗ trợ về chuyên môn giữa mạng lưới y tế cơ sở với các tuyến y tế khác trong hệ thống y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Ba là, đổi mới tài chính cho y tế cơ sở.
Hàng năm, Nhà nước tăng tỷ lệ chi ngân sách cho sự nghiệp y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước. Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tăng định mức phân bổ kinh phí và tăng tỷ trọng chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu từ nguồn ngân sách nhà nước cho y tế tuyến huyện, xã và đầu tư cho y tế dự phòng. Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở theo hướng dựa trên kết quả đầu ra, phối hợp các phương thức chi trả để khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Có cơ chế giá dịch vụ và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở. Mở rộng quyền tự chủ của các bệnh viện, cơ sở y tế. Có các chính sách ưu tiên về lương, thưởng, phụ cấp cho nhân lực y tế cơ sở.
Bốn là, tăng cường nguồn nhân lực cho y tế cơ sở.
Phát triển nhân lực mạng lưới y tế cơ sở phù hợp với yêu cầu cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả và có chất lượng, đảm bảo quản lý và chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cũng như nâng cao vị thế của mạng lưới y tế cơ sở trong mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế. Có lộ trình phù hợp phát triển đội ngũ chuyên môn về y học gia đình nhằm hướng tới mục tiêu hình thành mạng lưới bác sĩ gia đình hoạt động hiệu quả và bao phủ rộng khắp. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn liên tục cho nhân lực y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt ở khu vực khó khăn; đổi mới chương trình đào tạo theo cách tiếp cận dựa trên năng lực và nhóm làm việc đa chuyên ngành. Thực hiện chế độ luân phiên hai chiều phù hợp với điều kiện của từng địa phương theo hướng từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên để tăng cường năng lực cho người hành nghề tại y tế cơ sở. Có các chính sách mạnh mẽ và đồng bộ để khuyến khích nhân lực có trình độ chuyên môn làm việc và gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở.
Năm là, tăng cường vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở địa phương.
Mạng lưới y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế, đảm nhận vai trò là tuyến đầu trong mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế, thực hiện cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản ở cấp độ cá nhân cũng như các dịch vụ y tế công cộng, đảm bảo mọi người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại cộng đồng. Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế cơ sở vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đơn vị. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chính quyền, cơ quan chuyên môn trong thực hiện chủ trương, chính sách, hoạt động của y tế cơ sở. Tiếp tục rà soát để đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển y tế cơ sở phù hợp với tình hình và yêu cầu mới.
Chú thích:
1. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.
2. Ban Cán sự đảng Bộ Y tế (2023). Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư (khóa IX) về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; 10 năm thực hiện Thông báo kết luận số 126-TB/TW ngày 01/4/2013 của Ban Bí thư (khóa XI).
3. Ban Bí thư (2023). Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2002). Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2017). Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2019). Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. Phần I (Đại hội X, XI, XII). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.