Đào Thị Lệ Hằng
Trường Đại học An ninh nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Ngoại giao đa phương là một công cụ quan trọng trên mặt trận đối ngoại, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Trong những năm qua, đối ngoại đa phương Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu ở tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp, đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài viết trình bày một số vấn đề lý luận và thực tiễn của Đảng ta về ngoại giao đa phương trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam, ngoại giao đa phương, quản lý nhà nước.
1. Ngoại giao đa phương là một bộ phận quan trọng của ngoại giao Việt Nam
Ngoại giao đa phương là một bộ phận quan trọng của ngoại giao Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng ngay từ ngày đầu thành lập nước. Ngoại giao đa phương đã đạt được những thành tựu to lớn góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về ngoại giao đa phương, song hiểu một cách chung nhất, ngoại giao đa phương là một hình thức hoạt động ngoại giao, trong đó có sự tham gia của ba chủ thể quan hệ quốc tế (trong đó chủ yếu là vai trò của các quốc gia dân tộc) trở lên và quá trình đàm phán, thương lượng, ra quyết định trong cùng một thời điểm và đáp ứng nhiều đòi hỏi khác nhau trong một vấn đề cụ thể.
Cơ sở của ngoại giao đa phương được hình thành trên quan điểm hợp tác với mục đích tạo ra một sân chơi chung bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của các chủ thể. Đây không phải là cơ chế cạnh tranh và loại trừ nhau mà là sân chơi cùng có lợi. Ở đó, các thành viên thu thập, trao đổi thông tin và cùng chia sẻ những lợi ích cũng như hậu quả của các hoạt động hợp tác đa phương. Ngoại giao đa phương nhằm xây dựng và điều hòa mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia. Sự phát triển của ngoại giao đa phương là nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh mà quy mô song phương không giải quyết được. Những hình thức của ngoại giao đa phương chủ yếu là liên minh, liên kết, hội nghị đa phương và hoạt động thông qua tổ chức quốc tế, nhưng tựu chung có ba hình thức chính là hội nghị quốc tế, diễn đàn quốc tế và tổ chức quốc tế. Ví dụ: quan hệ đa phương trong các liên minh, như: NATO, SCO; trong các diễn đàn hội nghị như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Hội nghị Liên Hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP); trong các tổ chức quốc tế, như: EU, ASEAN…
Ngoại giao đa phương trở thành chiều hướng ngoại giao quan trọng từ thế kỷ XIX, phát triển đầy đủ và mang tính toàn cầu sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngày nay, ngoại giao đa phương đang phát triển mạnh mẽ do quy định toàn cầu hóa của xu hướng thống nhất thế giới của sự nhận thức chung về sự phụ thuộc lẫn nhau cũng như sự nổi lên của các vấn đề xuyên quốc gia. Ngoại giao đa phương đóng vai trò phát triển quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, giải quyết các vấn đề tồn tại tồn động thông qua đàm phán hòa bình. Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19, tình hình khó kiểm soát gây ra khủng hoảng toàn cầu. Đứng trước thực trạng đó buộc các quốc gia, khu vực phải chung tay giải quyết thông qua các cơ chế hợp tác đa phương, trước hết là Liên Hợp quốc. Các thể chế hợp tác đa phương, đa lĩnh vực, đa tầng nấc vẫn tiếp tục phát triển, tạo nền tảng cho quan hệ quốc tế. Ở châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á tiếp tục là trung tâm phát triển năng động hàng đầu thế giới, có vị trí địa lý kinh tế và địa chính trị chiến lược quan trọng, giữ vai trò là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thực dụng, hành xử đơn phương, cường quyền đang có xu hướng quay trở lại mạnh hơn, thách thức vai trò của thể chế đa phương, đồng thời một số cơ chế đa phương mới xuất hiện nhằm thực hiện mục tiêu cạnh tranh của các nước lớn, đặt các nước vừa và nhỏ vào thế phải lựa chọn khó khăn.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, ngoại giao đa phương Việt Nam đã trưởng thành mạnh mẽ, triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế – xã hội và văn hóa, phát triển ngày càng tích cực, chủ động, đa dạng về cấp độ, phương thức và đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phá thế bao vây cấm vận, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, nâng cao vị thế đất nước, thu hút mọi nguồn lực phát triển đất nước. Hiện nay, Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều diễn đàn, tổ chức như Liên Hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)… Ngoại giao đa phương được triển khai toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
2. Ngoại giao đa phương là một định hướng lớn trong đường lối đối ngoại
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, trên lĩnh vực đối ngoại, Đảng và Nhà nước luôn đề cao công tác đối ngoại đa phương, coi đây là phương thức quan trọng trên mặt trận đối ngoại, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Trong công cuộc đổi mới, hoạt động đối ngoại đa phương càng được đề cao và góp phần quan trọng cho công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Đại hội XI của Đảng (2011) coi ngoại giao đa phương là một định hướng lớn trong đường lối đối ngoại. Đảng khẳng định: Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế… Tham gia các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh song phương và đa phương vì lợi ích quốc gia trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc…; tích cực hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, và nhất là tình trạng biến đổi khí hậu; sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề dân chủ, nhân quyền; chủ động kiên quyết đấu tranh, làm thất bại âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Việt Nam.
Để cụ thể hóa chủ trương của Đại hội XI về hội nhập quốc tế và ngoại giao đa phương, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế nêu rõ: Việt Nam chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi. Nghị quyết đánh dấu giai đoạn mới của ngoại giao đa phương Việt Nam trong đóng góp, khởi xướng và thể hiện vai trò dẫn dắt trong các cơ chế đa phương khu vực và toàn cầu của Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016), lần đầu tiên khái niệm “đối ngoại đa phương” chính thức được đề cập trong văn kiện Đảng và trở thành một định hướng chiến lược lớn “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương”. Để thực hiện định hướng đó, Việt Nam phải “chủ động tham gia và phát huy vai trò ở các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp quốc. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác. Trên lĩnh vực kinh tế, Đại hội nhấn mạnh nhiệm vụ thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế, xây dựng và triển khai chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng, ký kết và thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích của đất nước.
Tiếp đó, tháng 11/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nghị quyết đề ra một số định hướng mới và nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh, nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, chủ động, tích cực tham gia các định chế đa phương góp phần vào quá trình định hình các cấu trúc khu vực và toàn cầu; tích cực tham gia vào những vấn đề quan trọng đối với an ninh và phát triển của đất nước. Với nghị quyết này, ngoại giao đa phương trở thành công cụ chính để cụ thể hóa định hướng nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.
Để đáp ứng những yêu cầu mới trong công tác đối ngoại đa phương của đất nước, ngày 08/8/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Chỉ thị đề ra mục tiêu của đối ngoại đa phương là nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao hiệu quả quốc tế,… khẳng định mạnh mẽ vai trò của Việt Nam là thành viên tích cực, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.
Kế thừa và phát huy chủ trương đối ngoại đa phương của các nhiệm kỳ trước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) nhấn mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên Hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng sông Mêkông, khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế trong những vấn đề quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu và khả năng cụ thể… Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc… Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị – kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng và chủ động tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng và chủ động tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương, tham gia thảo luận việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực góp phần nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam.
Một là, hội thảo quốc tế các đảng cộng sản (ISC): là cơ chế đa phương do Đảng Lao động Bỉ (PTB) khởi xướng và tổ chức thường niên từ năm 1992. ICS với sự tham gia của nhiều đảng cộng sản trên thế giới tập trung thảo luận về tư tưởng, đường lối đấu tranh và khả năng phối hợp hành động của các đảng cộng sản, công nhân và phong trào trên thế giới. Năm 2008, Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên cử đoàn đại biểu tham dự ICS lần thứ 17. Tại mỗi kỳ tham dự, các thông tin từ Đoàn Việt Nam, nhất là các tham luận, ý kiến đóng góp xây dựng cho phong trào cũng như tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam và về Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được Hội thảo đặc biệt quan tâm. Năm 2010, tại ICS lần thứ 19, Đảng Lao động Bỉ đã mời Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức tham gia Ban Cố vấn của ICS. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao của ICS về tinh thần quốc tế và sự tham gia rất trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hai là, diễn đàn Sao Paulo (SPF) được Đảng Lao động Brazil thành lập tại thành phố Sao Paulo (Brazil) từ năm 1990. Đây là diễn đàn của các đảng, lực lượng tiến bộ khu vực Mỹ Latinh và Caribe được tổ chức thường niên theo cơ chế luân phiên. Mục đích của SPF là nhằm đoàn kết lực lượng của các đảng, thảo luận, phân tích tình hình quốc tế và khu vực, tìm ra các biện pháp, hình thức đấu tranh phù hợp, đồng thời tăng cường khối đoàn kết trong khu vực và trên thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam cử Đoàn đại biểu tham dự SPF lần đầu tiên vào năm 1992. Sự tham gia SPF của Việt Nam được coi là nguồn cổ vũ, khích lệ đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ Latinh góp phần vào thành công chung của các cuộc gặp cũng như vào thắng lợi của các đảng tiến bộ ở khu vực này.
Ba là, hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP): nhằm mục tiêu tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa các chính đảng ở châu Á; tạo nhận thức chính trị chung giữa các đảng về những vấn đề khu vực thông qua vai trò đặc biệt của các chính đảng; tạo môi trường hòa bình và thịnh vượng chung trong khu vực. ICAPP được hình thành vào tháng 9/2000. Tham gia vào hoạt động của ICAPP có hơn 350 chính đảng từ 52 nước. ICAPP có hai diễn đàn chính thức là hội nghị toàn thể (với sự tham gia của tất cả các thành viên) và cuộc họp ủy ban thường trực (với sự tham gia của đại diện các chính đảng thành viên của ủy ban thường trực). Đến năm 2018, ICAPP đã tổ chức 10 hội nghị toàn thể và 29 cuộc họp ủy ban thường trực.
Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia ICAPP ngay từ khi Hội nghị này được thành lập và tham dự tất cả các hội nghị toàn thể. Việt Nam có nhiều sáng kiến cũng như đóng góp thiết thực vào việc thực hiện những mục tiêu, dự án ưu tiên của ICAPP. Với uy tín, vị thế và sự tham gia ngày càng tích cực trên trường quốc tế và trong khuôn khổ của ICAPP, tháng 9/2004, Việt Nam được bầu làm Ủy viên Ban Thường trực ICAPP và liên tục được bầu lại trong các nhiệm kỳ tiếp theo. Tháng 4/2013, Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức thành công cuộc họp lần thứ 19 của Ủy ban Thường trực ICAPP – một hoạt động chính thức trong khuôn khổ ICAPP. Điều đó thể hiện sự tham gia tích cực, đóng góp hiệu quả và trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hội nghị quốc tế dành cho các đảng chính trị trong khu vực.
Bốn là, cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP): được hình thành từ năm 1998, đến nay IMCWP đã thu hút được sự tham gia của hơn 120 đảng cộng sản và công nhân từ 85 nước trên thế giới, trở thành diễn đàn quan trọng để các đảng cộng sản và công nhân trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường họp tác, phối hợp hành động vì sự nghiệp đấu tranh chung. Tháng 10/2016, Đảng Cộng sản Việt Nam đăng cai tổ chức IMCWP lần thứ 18, thể hiện sự đóng góp tích cực trong hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới. IMCWP-18 đề ra mục tiêu đổi mới các cơ chế phối họp và hành động chung giữa các đảng và đã đặt được đồng thuận cao để thông qua văn kiện chung góp phần quan trọng vào sự đoàn kết, thống nhất của các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới trong tình hình hiện nay. Qua IMCWP-18, các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới tìm hiểu về công cuộc đổi mới ở Việt Nam, tăng cường quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng cộng sản và công nhân các nước góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất của phong trào cộng sản và công nhân trên thể giới.
4. Kết luận
Việc Đảng Cộng sản Việt Nam chủ động thông tin, tăng cường tiếp xúc, đối thoại tại các diễn đàn đa phương làm cho thế giới hiểu đúng và sâu sắc hơn về tình hình và công cuộc đổi mới ở Việt Nam; hiểu rõ và kịp thời hơn về quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên những vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm theo dõi, nhất là về đường lối đối ngoại, phát triển kinh tế – xã hội, những vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền… hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị Việt Nam cũng như về con đường mà dân tộc Việt Nam đã lựa chọn.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Đặng Đình Quý (2019). Chủ nghĩa đa phương trên thế giới và đối ngoại đa phương của Việt Nam (Sách chuyên khảo). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
5. Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. https://tulieuvankien.dang congsan.vn/he-thong-vaii-ban/van-ban-cua-dang.