ThS. Đỗ Thị Hải
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, đất nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Để thực hiện được điều này, phát triển nguồn nhân lực đã trở thành một nhu cầu cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành công của mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi quốc gia. Theo đó, phát triển nhân lực trong hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam được xem là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và là một trong những nhiệm vụ được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Từ khóa: Phát triển nhân lực; bảo tàng thiên nhiên; phát triển bền vững; hệ thống; đào tạo; chính sách.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam, phát triển nhân lực nói chung và nhân lực hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nói riêng đang được Đảng và Nhà nước quan tâm trong các chính sách kinh tế – xã hội từ trung ương đến các địa phương. Bởi nhân tố con người là vấn đề then chốt, quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của mỗi ngành, mỗi nghề và của mỗi quốc gia.
Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”. Đây cũng là mục tiêu mà các bảo tàng hướng đến trước yêu cầu mới của sự phát triển của khoa học – công nghệ, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Phát triển nhân lực hướng đến sự phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của thế hệ hệ tương lai, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ và hài hoà giữa 3 mục tiêu lớn: kinh tế, môi trường và xã hội.
2. Khái quát chung về hệ thống bảo tàng Thiên nhiên ở Việt Nam
Ngày 10/3/2006, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam được chính thức ra đời theo Quyết định số 305/QĐ-KHCN của Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ngày 20/4/2006 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 86/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020”, trong Quy hoạch Bảo tàng thiên nhiên được coi là Bảo tàng cấp quốc gia và là bảo tàng đầu hệ trong hệ thống. Đó là các quyết định hết sức quan trọng, có tính lịch sử, đánh dấu sự ra đời của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nói riêng và hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam nói chung.
Mục tiêu xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống Bảo tàng thiên nhiên hoàn chỉnh về cơ cấu; hiện đại về kỹ thuật; khoa học, hiệu quả và phong phú về nội dung hoạt động; phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, tham quan, học tập, phổ biến kiến thức và lưu giữ về quá trình phát triển lịch sử tự nhiên ở Việt Nam, đảm bảo sự hoạt động thống nhất, đồng bộ của các bảo tàng về thiên nhiên Việt Nam đáp ứng yêu cầu phản ánh, lưu giữ đầy đủ sự phong phú, đa dạng và độc đáo của thiên nhiên Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến nay, bên cạnh một số bảo tàng thiên nhiên đã ra đời và đi vào hoạt động còn một số bảo tàng đã có trong quy hoạch trước đây nhưng chưa được thành lập, một số bảo tàng cần được xây dựng mới, một số bảo tàng đã có nhưng cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu cần phải được nâng cấp để đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu cần thiết của xã hội.
Theo Quyết định số 86/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam, gồm; 12 bảo tàng, trong đó có 1 khu trưng bày ngoài trời Mê Linh, 1 khu trưng bày Hoà Lạc. Hiện tại, 8 bảo tàng trong hệ thống và 1 Khu trưng bày ngoài trời (Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh) đang hoạt động hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao, 3 bảo tàng còn lại chưa được đầu tư xây dựng.
3. Về nguồn nhân lực của hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Theo số liệu tác giả thống kê, nhân lực hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hiện nay khoảng 340 người. Trong đó, số người làm việc có trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng chiếm khoảng 9,4%, trình độ đào tạo đại học chiếm khoảng 32,6%, số người có học vị thạc sĩ chiếm khoảng 33,5%, tiến sĩ chiếm khoảng 20% và số người có học hàm phó giáo sư chiếm khoảng 3,2%, số người có học hàm giáo sư chiếm 1,1%.
Theo “Quy hoạch hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2005, trong đó chú trọng việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ ngành bảo tàng, xây dựng đội ngũ cán bộ bảo tàng có chuyên môn sâu, kỹ năng tác nghiệp giỏi… Với những con số cụ thể trên có thể khẳng định nguồn nhân lực cho bảo tàng vẫn trong cảnh thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 chỉ rõ “Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hoá trong thời kỳ mới. Công tác giới thiệu, quảng bá văn hoá Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hoá nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là “vô văn hoá”, “phản văn hoá”)”.
Trong nhiều năm trở lại đây, đại đa số các cán bộ bảo tàng đã nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn, đã tự học hỏi vươn lên để nâng cao chất lượng hoạt động của bảo tàng, tạo dựng hình ảnh bảo tàng ngày càng hấp dẫn khách tham quan, như: Bảo Hải tàng dương học Nha Trang, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, Trạm đa dạng sinh học Mê Linh…
Tuy nhiên, chúng ta cũng tự nhận thấy đội ngũ cán bộ của bảo tàng còn rất thiếu, trình độ không đồng đều, nhiều nơi còn yếu nhất là về trình độ ngoại ngữ và khả năng cập nhật sự phát triển của khoa học bảo tàng nên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế trên lĩnh vực này. Nhìn tổng thể có thể thấy, chất lượng đào tạo cán bộ, cơ cấu nguồn nhân lực theo từng lĩnh vực hoạt động chuyên sâu của bảo tàng, phân bố nguồn lực theo vùng miền và địa phương chưa phù hợp (miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc còn quá mỏng) chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động và phát triển của mạng lưới bảo tàng cả nước.
Sự mất cân đối cũng là một tồn tại quan trọng trong cơ cấu phát triển nguồn nhân lực. Sự mất cân đối này thể hiện ở cả cơ cấu đào tạo, cơ cấu ngành nghề, sự phân bố theo vùng miền lãnh thổ.
Điển hình như Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam – Bảo tàng đầu hệ trong hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, cơ cấu nhân lực, số lượng nhân lực hằng năm không ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động của bảo tàng. Số lượng biên chế hằng năm không tăng, số lượng hợp đồng lao động luôn thay đổi do phụ thuộc vào kinh phí. Đây là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nhân lực của bảo tàng (xem Bảng 1).
Bảng 1. Bảng cơ cấu và trình độ nhân lực của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Năm | Số lượng cán bộ | GS | PGS | TS | ThS | KS/CN | Khác |
2019 | 62 | 0 | 05 | 17 | 16 | 27 | 02 |
2020 | 57 | 0 | 05 | 15 | 22 | 20 | 0 |
2021 | 88 | 0 | 07 | 22 | 29 | 30 | 7 |
2022 | 78 | 01 | 06 | 21 | 27 | 23 | 7 |
2023 | 77 | 0 | 06 | 22 | 26 | 19 | 9 |
2024 | 76 | 0 | 07 | 23 | 24 | 21 | 8 |
Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đại đa số các cán bộ làm việc trong hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam có nhiều chuyên ngành khác nhau, chỉ một số ít cán bộ có chuyên ngành văn hoá, bảo tàng. Do đó, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ đáp ứng nhu cầu thực tế tại các bảo tàng là quan trọng và cần thiết.
3. Vai trò của nhân lực trong hoạt động của hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Nhân lực bảo tàng nói chung và nhân lực hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nói riêng có vai trò quan trọng, quyết định phát triển và thành công đối với mỗi bảo tàng. Đối với hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, phát triển nhân lực càng quan trọng hơn bao giờ hết, vì đây là hệ thống bảo tàng còn non trẻ, rất cần phát triển nhân lực để thúc đẩy hệ thống bảo tàng phát triển, lớn mạnh.
Để hướng tới phát triển bền vững, việc phát triển nhân lực về số lượng và chất lượng, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng đối với Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. Theo đó, hằng năm, nhân lực được cử đi học tập trao đổi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bảo tàng được thực hiện thường xuyên nhằm bắt kịp xu thế phát triển của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay.
Phát triển nhân lực bảo tàng với phẩm chất, tầm nhìn, kiến thức, kỹ năng cao đáp ứng nhu cầu hoạt động của các bảo tàng trong thời kỳ mới là điều kiện tiên quyết quyết định sự thành công của các bảo tàng. Trong xu thế hiện nay, phát triển nhân lực hướng tới sự phát triển bền vững ngày càng thể hiện vai trò quyết định trong phát triển nền kinh tế thị trường, toàn cầu hoá và mở rộng giao lưu quốc tế. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các bảo tàng được quyết định bởi trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, hiệu quả công tác của nhân lực. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, phát triển, sử dụng và trọng dụng nhân lực là yếu tố quan trọng trong phát triển nhân lực hướng tới sự phát triển bền vững.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, hằng năm, lãnh đạo các bảo tàng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn, thực tập, trao đổi chuyên gia, trao đổi khoa học trong nước và quốc tế. Đáng chú ý là, hoạt động hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ bảo tàng, đặc biệt là nhóm nhân lực chất lượng cao.
Tiêu biểu như Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Ban Tổng giám đốc Bảo tàng đã xác định công tác hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, chế tác vật mẫu, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong thời kỳ hội nhập đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của Bảo tàng.
Thông qua việc ký kết các biên bản ghi nhớ (MoU) và thỏa thuận hợp tác (MoA) với các đối tác nước ngoài, các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và đào tạo, chế tác vật mẫu và thiết kế trưng bày, sưu tầm, xây dựng và quản lý, khai thác bộ sưu tập mẫu vật của bảo tàng ngày càng sôi nổi và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 11/2024, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã ký trên 60 bản ghi nhớ và thoả thuận hợp tác (32 MoU đang có hiệu lực) với các bảo tàng lịch sử tự nhiên, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức quốc tế thuộc 22 quốc gia trên thế giới về hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, chế tác vật mẫu và thiết kế trưng bày, công tác truyền thông và giáo dục cộng đồng.
Trong 6 năm qua (2019 đến 2024), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã đón tổng số 138 đoàn vào, gồm 402 chuyên gia nghiên cứu dày kinh nghiệm đến hợp tác nghiên cứu với cán bộ của Bảo tàng. Sau các đợt hợp tác nghiên cứu này, Bảo tàng đã có thêm nhiều mẫu vật phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày. Kết quả mẫu vật thu được từ các hoạt động hợp tác quốc tế là khoảng trên 10.000 mẫu động vật và thực vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày. Kết quả đã có trên 100 bài báo quốc tế đã được công bố trong 6 năm gần đây dựa trên hoạt động hợp tác quốc tế. Ngoài ra, hằng năm Bảo tàng tổ chức các đoàn ra nước ngoài công tác, học tập, trao đổi khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ với khoảng 62 đoàn.
Thêm vào đó, Bảo tàng tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ về công tác chế tác vật mẫu thông qua việc mời các chuyên gia hàng đầu của nước ngoài (02 chuyên gia chế tác mẫu rùa nổi tiếng trên thế giới thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Berlin và Bảo tàng Eurfurt, Cộng hoà Liên bang Đức) đến Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam giảng dạy, phối hợp cùng cán bộ của Bảo tàng để chế tác mẫu rùa Hồ Gươm bằng phương pháp nhựa hoá (thay thế mô tế bào bằng dung dịch hoá chất chuyên dụng), một trong những phương pháp hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Đến nay, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã làm chủ được công nghệ chế tác vật mẫu bằng phương pháp nhựa hoá.
Nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác truyền thông, quản lý mẫu vật thông qua việc tổ chức lớp tập huấn với sự giảng dạy của các chuyên gia nổi tiếng từ các trường Đại học tại Pháp về công tác truyền thông và quản lý mẫu vật tại Bảo tàng Thiên nhiên Viêt Nam, thông qua các lớp tập huấn này các cán bộ của Bảo tàng được học tập, nâng cao trình độ về công tác truyền thông, quản lý mẫu phục vụ tốt hoạt động của Bảo tàng và hướng dẫn các bảo tàng khác trong hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Các số liệu nêu trên minh chứng rằng, nhân lực có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển và thành công của mỗi bảo tàng, đầu tư cho phát triển nhân lực là đầu tư có tính chất bền vững.
Các lý thuyết tăng trưởng gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: (1) Áp dụng công nghệ mới, (2) Phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại và (3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (Samuelson, Nordhalls, 2007).
Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức, ngành bảo tàng giành được những thắng lợi khi chúng ta biết khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả tất cả các nguồn lực. Tuy nhiên, nguồn lực đóng vai trò quyết định nhất là con người, đầu tư phát triển con người là đầu tư cho phát triển ổn định và bền vững, điều này được khảng định dựa trên cơ sở sau:
Thứ nhất, nguồn lực con người với tiềm năng trí tuệ, tri thức là nguồn lực cơ bản của sự phát triển bền vững. Đây chính là ưu điểm chính, quan trọng của nguồn nhân lực so với các nguồn lực trong hệ thống các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững.
Thứ hai, nếu như trước đây bảo tàng kém phát triển là do thiếu về cơ sở vật chất, thiếu hụt về nguồn vốn… thì ngày nay, trở ngại lớn nhất được xác định chính là sự hạn chế về trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người.
Thứ ba, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là tin học, internet kết nối vạn vật thì nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, thúc đẩy hợp tác, mở rộng quan hệ đầu tư, giải quyết các vấn đề khó khăn về vốn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ…
Thứ tư, phát triển nhân lực bảo tàng đóng vai trò quan trọng trong phát triển hoạt động du lịch góp, phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan.
4. Yêu cầu phát triển nhân lực hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Phát triển nhân lực hệ thống bảo tàng Việt Nam nói chung và nhân lực hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nói riêng là yêu cầu tất yếu và cấp thiết hiện nay đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “…Phải coi chất lượng nguồn nhân lực làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; là điều kiện để rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…”.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực hướng tới phát triển bền vững, phát triển nhân lực bảo tàng đang đứng trước yêu cầu sau:
Thứ nhất, việc xây dựng phát triển và sử dụng nhân lực bảo tàng phải được đặt trong tổng thể chiến lược và kế hoạch xây dựng, phát triển chung của ngành, của quốc gia hay cộng đồng. Công tác hoạch định nguồn nhân lực giúp thấy được nhu cầu nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển bền vững, từ đó đảm bảo cung cầu về lao động, giúp các nhà quản lý huy động được nhân lực phục vụ phát triển của ngành, vùng kinh tế hoặc ứng phó thay đổi thị trường.
Thứ hai, trong quá trình xây dựng, phát triển và phát huy nhân lực ngành phải luôn giữ được một cơ cấu về số lượng một cách hợp lý, điều này đồng nghĩa với việc xây dựng, phát triển nhân lực trên một quy mô số lượng vừa phải, không quá đông cũng như không quá ít so với yêu cầu phát triển của ngành, quốc gia. Nếu số lượng nhân lực quá nhiều, dẫn đến dư thừa nhân lực, nếu nhân lực quá ít dẫn đến thiếu nhân lực.
Dựa trên chiến lược phát triển của ngành bảo tàng, cơ cấu phát triển nhân lực được xây dựng dựa trên quy mô phát triển của ngành, phù hợp với yêu cầu phát triển ngành, đáp ứng tình hình mới của đất nước. Theo đó, nhân lực ngành bảo tàng cũng cần xây dựng cơ cấu nguồn nhân lực vừa phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của ngành vừa theo xu thế phát triển chung của đất nước về nhân lực và xu thế phát triển của các nước trên thế giới.
Thứ ba, chất lượng nhân lực phải đảm bảo tăng dần phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế -xã hội của mỗi quốc gia, hay cộng đồng. Phát triển nhân lực bảo tàng mang tính bền vững phải phản ánh được mức độ đáp ứng yêu cầu phù hợp với khả năng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Chất lượng nguồn nhân lực là mức độ đáp ứng về khả năng làm việc của người lao động với yêu cầu của công việc. Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo xây dựng và ban hành chính sách, quy định về phát triển nhân lực, thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết nhiều bất cập, tạo nên một diện mạo mới của hệ thống bảo tàng. Quy mô đào tạo, chất lượng và hiệu quả đào tạo được tăng cường, cụ thể như: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3067/QĐ-BVHTTDL ngày 29/9/2011 phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực nhóm ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2011 – 2020 xác định rõ nhu cầu về số lượng, cơ cấu, trình độ của nhân lực ngành văn hóa làm cơ sở để các địa phương và các cơ sở đào tạo, các sở văn hóa, các bảo tàng, các đơn vị sự nghiệp liên quan cụ thể hóa quy hoạch phát triển nhân lực. Theo đó, nhóm ngành Văn hóa, Thể thao phấn đấu đạt 112.700, trong đó nhân lực ngành Văn hóa – nghệ thuật đạt 74.750 người, gia đình đạt 2.400 người, thể dục thể thao là 28.500 người và nhân lực làm quản lý nhà nước tổng hợp cho cả 3 ngành là 7.050 người. Quy hoạch khảng định các giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm có đủ số lượng giám đốc đơn vị sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu, doanh nghiệp và chuyên gia quản trịdoanh nghiệp văn hóa nghệ thuật, dịch vụ gia đình, thể thao có kiến thức và kỹ năng quản lý, kinh doanh đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tăng số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảngviên, giáo viên, huấn luyện viên các cấp đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề. Đội ngũ nhân lực khoa học – công nghệ được tăng cường về số lượng (đủ lớn để thay thế số lượng cán bộ khoa học lớn tuổi nghỉ hưu) và cải tiến về cơ cấu, nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển trong nước và thực sự hội nhập trào lưu phát triển khoa học – công nghệ thế giới.
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/ 9/ 2017 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4788/QĐ-BVHTTDL ngày 24/12/2018 phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”. Theo đó, đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng, tập trung vào việc mạnh dạn nghiên cứu, đổi mới một số nội dung, như: tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý di sản văn hóa; mời các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam để giảng dạy và kết hợp hướng dẫn thực hành; đưa cán bộ bảo đảm các điều kiện về năng lực và ngoại ngữ, đi học tập, nghiên cứu thực tiễn tại nước ngoài. Từng bảo tàng, trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của các chuyên gia, kịp thời xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch và dành ưu tiên cho việc tập trung đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và điều hành các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ để qua đó, sớm hình thành đội ngũ chuyên gia – những người hội đủ phẩm chất, năng lực, giỏi và sâu về lĩnh vực chuyên môn được phụ trách góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhóm ngành văn hóa.
Triển khai thực hiện phát triển nhân lực nhóm ngành văn hóa và nhằm tăng cường nâng cao chất lượng nhân lực, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 19/7/2016 phê duyệt đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” (8). Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài nhằm bổ sung và phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, chuyên gia, văn nghệ sĩ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nòng cốt cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Phấn đấu đến năm 2030, lựa chọn và cử đi đào tạo ở nước ngoài 300 cử nhân, 180 thạc sĩ, 50 tiến sĩ; 40 người có trình độ trung cấp và bồi dưỡng ngắn hạn cho khoảng 360 người là giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật toàn quốc theo các lĩnh vực, ngành đào tạo của Đề án.
Lĩnh vực và ngành đào tạo, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật thuộc 6 lĩnh vực và 1 ngành, gồm: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, lý luận và sáng tác văn học.
Đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên hoặc các đối tượng là lưu học sinh tốt nghiệp đại học, thạc sĩ ở nước ngoài với kết quả học tập đạt loại xuất sắc và được cơ sở đào tạo nước ngoài nhận đào tạo chuyển tiếp trình độ tiến sĩ.
Đến nay, chất lượng nhân lực hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam từng bước được nâng cao, cải thiện về chuyên môn, nghiệp vụ thông qua việc thực hiện các chính sách, chương trình đào tạo nhân lực hằng năm của mỗi bảo tàng. Về số lượng nhân lực, các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam còn non trẻ, rất cần phát triển nhân lực về số lượng để đáp ứng nhu cầu hoạt động của các bảo tàng, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về cơ chế, chính sách phát triển nhân lực.
5. Kết luận
Phát triển nhân lực hệ thống bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hướng tới sư phát triển bền vững là vấn đề hết sức cần thiết nhưng cũng là vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự tham gia giải quyết của nhiều bộ, ngành, sự chủ động, tích cực phấn đấu của toàn thể tập thể lãnh đạo và nhân viên các bảo tàng trong hệ thống để từng bước phát triển nhân lực theo mục tiêu đề ra.
Chú thích:
1. Báo Vietnamnet (2021). Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư tại hội nghị văn hóa toàn quốc. https://vietnamnet.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc-795986.html
2. Báo điện tử Chính phủ (2021). Toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. https://baochinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-102288263.htm
3. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (2024). Báo cáo Tổng kết giai đoạn 2019 – 2024.
4. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2018). Quyết định số 4788/QĐ-BVHTTDL ngày 24/12/2018 phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch.
5. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2011). Quyết định số 3067/QĐ-BVHTTDL ngày 29/9/2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực nhóm ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2011 – 2020.
6. Chính phủ (2017). Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia sự thật, tr. 203 – 204.
8. Nguyễn Hải Vân, Nguyễn Hương Thơm (2016). Phát triển nguồn nhân lực hệ thống bảo tàng Việt Nam. https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3090/19578/phat-trien-nguon-nhan-luc-he-thong-bao-tang-viet-nam.html
9. Thủ tướng (2016). Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2016 phê duyệt đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”.
10. Thủ tướng (2006). Quyết định số 86/2006/QĐ-TTg ngày 20/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020”.
11. Thủ tướng (2016). Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 19/7/ 2016 phê duyệt đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”.
12. Nguyễn Việt Hà (2021). Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá. Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (tháng 02/2021).
13. Trần Thị Dung (2021). Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáng ứng yêu cầu, mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Tạp chí Tổ chức Nhà nước số 4/2021.
14. Đặng Nguyên Anh, Trần Nguyệt Minh Thu (2018). Chính sách phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao trên quan điểm phát triển bền vững. Phát triển bền vững vùng quyển 8, số 1 (3/2018).
15. Nguyễn Thị Quỳnh Trang (2017). Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, tập 14, số 2 (2017), tr. 171 – 178.