Kinh nghiệm quốc tế về khoa học – công nghệ trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số – giá trị tham khảo cho Việt Nam

NCS. Lương Ngọc Dung
Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng các luận cứ, phương pháp phát triển khoa học – công nghệ trong bối cảnh chính phủ điện tử, chính phủ số. Tại Việt Nam, phát triển khoa học – công nghệ ngày càng được quan tâm thích đáng, nhất là khi Việt Nam đang đẩy mạnh “cách mạng” chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc phát triển khoa học – công nghệ tại Việt Nam hiện nay thiếu sự quy hoạch, thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy; vẫn còn phân tán về nội dung, nguồn lực chất xám, nguồn lực tài chính. Bài viết tóm tắt kinh nghiệm phát triển khoa học – công nghệ ở một số quốc gia trên thế giới, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường phát triển khoa học – công nghệ ở Việt Nam trong bối cảnh chính phủ điện tử, chính phủ số.

Từ khóa: Chính phủ điện tử; chính phủ số; chuyển đổi số; khoa học – công nghệ; kinh nghiệm quốc tế; Việt Nam; giá trị tham khảo.

1. Đặt vấn đề

Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo”1. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 được thông qua tại Đại hội XIII cũng nhấn mạnh: “Phát triển mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế”2. Đây là tư duy mới, quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò quan trọng của khoa học – công nghệ trong tiến trình phát triển đất nước.

Đặc biệt trong bối cảnh xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số như hiện nay, khoa học – công nghệ của Việt Nam đứng trước những trách nhiệm lớn hơn. Đó là, đổi mới và hoàn thiện quản lý nhà nước (QLNN) về khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực QLNN về khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, khoa học – công nghệ trong bối cảnh chính phủ điện tử, chính phủ số cũng góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Bài viết đưa ra góc nhìn từ hoạt động QLNN về khoa học – công nghệ trong bối cảnh phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số ở một số quốc gia, từ đó phân tích, đánh giá thực trạng, đưa ra một số gợi ý chính sách khoa học – công nghệ cho Việt Nam. 

Phương pháp nghiên cứu dựa trên các câu hỏi nghiên cứu và khung lý thuyết, việc nghiên cứu được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu dựa trên các nguồn dữ liệu thứ cấp là các tài liệu học thuật và các nghiên cứu về khoa học – công nghệ công lập trong bối cảnh chính phủ điện tử, chính phủ số dựa trên ICT.

2. Kinh nghiệm quốc tế của một số quốc gia trên thế giới

2.1. Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những cường quốc trong lĩnh vực khoa học – công nghệ. Để có được sự “lột xác” như hiện nay không thể không kể đến các chính sách đổi mới của Chính phủ Trung Quốc. Từ năm 1964, quá trình phát triển quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước phương Tây bắt đầu. Khi quan hệ đối tác được cân bằng, Trung Quốc tiếp tục hợp tác trong chuyển giao công nghệ. Theo thời gian, Trung Quốc đã tiếp thu kiến thức và tích lũy kinh nghiệm, có thể phát triển các công nghệ của riêng mình. Theo Văn phòng Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Trung Quốc đã đi trước các quốc gia khác về hồ sơ bằng sáng chế, đất nước tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khoa học máy tính, viễn thông và điện tử. Năm 1994, dự án “Bắc Kinh số hóa”. Năm 2002 – 2017, giai đoạn chính phủ điện tửtại Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, nổi bật là chiến lược “Internet + dịch vụ chính phủ”, thông qua chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, các cấp và các khu vực, Trung Quốc thúc đẩy giải quyết các vấn đề trực tuyến dựa vào các luồng dữ liệu để cải tiến quy trình xử lý công việc. Năm 2017, Trung Quốc công bố Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới đến năm 2030.

Giai đoạn 2018 đến nay là giai đoạn chính phủ số với những đặc điểm gồm: hướng tới việc người dân hạn chế đi lại, giảm chi phí giao dịch; sử dụng dữ liệu để đối thoại, ra quyết định và dẫn dắt về mọi mặt; xây dựng chính phủ kết nối từ trên xuống dưới, tích hợp hoạt động trong nội bộ của chính phủ với các dịch vụ bên ngoài thông qua tích hợp công nghệ và dữ liệu; ứng dụng công nghệ thông minh. Đặc biệt năm 2020, Trung Quốc xếp hạng thứ 14 toàn cầu, đạt thành tựu lớn trong các lĩnh vực như 5G, AI3 giai đoạn 2021 – 2025, Trung Quốc công bố “Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội Trung Quốc 5 năm lần thứ 14”.

Năm 2023, Trung Quốc xây dựng được 3 triệu trạm 5G. Dự kiến, năm 2025, Trung Quốc sẵn sàng cho 1 tỷ kết nối di động 5G4. Với mục tiêu đến năm 2050, Trung Quốc trở thành một xã hội định hướng đổi mới sáng tạo – dẫn đầu thế giới về khoa học – công nghệ, Trung Quốc đã liên tục cải cách thể chế nhằm tăng cường QLNN về khoa học – công nghệ để khai thác tiềm năng trí tuệ và nhân tài của đất nước.

2.2. Hàn Quốc

Là quốc gia trên thế giới sớm triển khai chính phủ điện tử, chính phủ số. Để “vươn mình” và được Liên hiệp quốc đánh giá đứng vị trí số một thế giới 3 năm liên tiếp (2010 – 2014) trong tổng số 193 quốc gia thành viên và xếp thứ 3 thế giới về chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI)5, trong đó chỉ số phát triển chính phủ điện tử và chỉ số tham gia điện tử đạt điểm cao nhất6, Hàn Quốc đã trải qua 4 giai đoạn chính phủ số, gồm: giai đoạn mở đầu (1978 – 1986); giai đoạn hình thành nền tảng cơ bản (1987 – 1996); giai đoạn xúc tiến thực hiện (1997 – 2002) và giai đoạn phát triển chính phủ điện tử với tốc độ cao (2003 – 2012). Giai đoạn 2021 – 2025, Hàn Quốc thực hiện kế hoạch tổng thể về chính phủ số, coi số hóa như một cánh cổng để đến một thế giới tốt hơn7.

Chính phủ Hàn Quốc không ngừng cải thiện chính phủ số để chủ động xác định nhu cầu của công dân và phục vụ họ theo cách tốt nhất có thể. Điển hình, 3 nhóm nhiệm vụ của chính phủ số Hàn Quốc gồm: triển khai các nhiệm vụ công thông minh; tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ dựa trên dữ liệu; tăng cường nền tảng chuyển đổi số. Hiện Chính phủ số của Hàn Quốc đang hướng đến lộ trình Chính phủ thông minh vào năm 2025. 

Có nhiều nguyên nhân tạo nên sự thành công của Hàn Quốc trong việc xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số. Đầu tiên là các tổng thống Hàn Quốc qua các nhiệm kỳ đều đặc biệt quan tâm đến dự án chính phủ điện tử. Trong đó, chính sách mạnh mẽ và định hướng xuyên suốt là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển chính phủ điện tử. Chính sách phổ cập công nghệ thông tin của Hàn Quốc cũng góp phần không nhỏ trong thành công của mô hình chính phủ điện tử. Người dân có thói quen tra cứu thông tin liên quan đến chính phủ qua mạng, làm việc không giấy tờ, giao dịch không dùng tiền mặt. Đầu tư tài chính liên tục là điều cần thiết để thúc đẩy sự đổi mới của chính phủ thông qua hệ thống chính phủ điện tử, Chính phủ đã sử dụng một phần doanh thu của Korea Telecom từ các dịch vụ viễn thông mỗi năm như quỹ xúc tiến thông tin văn hóa. Tại Hàn Quốc, các giải pháp chuyển đổi số được phân thành 10 lĩnh vực trải dài từ các dịch vụ công, thông tin thảm hoạ/an toàn, giáo dục, an sinh xã hội, kinh doanh, việc làm…, với hàng trăm các giải pháp chuyển đổi số cụ thể được biết đến dưới tên gọi Hệ thống chính phủ điện tử của Hàn Quốc – 100 được thừa nhận trên toàn thế giới. 

2.3. Kinh nghiệm của Nhật Bản

Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền khoa học – công nghệ top đầu thế giới, nằm trong top 3 trên bản đồ kinh tế thế giới. Bước sang thế kỷ XXI, vai trò của khoa học – công nghệ càng trở nên quan trọng hơn. Sự phát triển chính phủ điện tử ở Nhật Bản đã trải qua giai đoạn bắt đầu với chiến lược Nhật Bản điện tử được phê duyệt bởi Nội các Yoshiro năm 2001. Chiến lược này bao gồm 4 lĩnh vực chính sách: thiết lập chính phủ điện tử, cơ sở hạ tầng mạng tốc độ cực cao, tạo điều kiện cho thương mại điện tử và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm 2003, chiến lược điện tử Nhật Bản II cho phép chính quyền trung ương và địa phương xây dựng các cổng thông tin điện tử hành chính để cung cấp các dịch vụ một cửa. Năm 2010, 50% số ứng dụng được xử lý trực tuyến bởi cả chính quyền trung ương và địa phương. Giai đoạn 2009 – 2012, chính phủ Nhật Bản đã phát triển một chiến lược chính phủ điện tử, trong đó hệ thống công nghệ thông tin tạo điều kiện cho công dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch hành chính với các cơ quan chính phủ. Năm 2014, liên kết khu vực công -tư được thành lập để khuyến khích sự luân chuyển liên khu vực của các nhà nghiên cứu.

Năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đã công bố “Kế hoạch cơ bản về khoa học – công nghệ lần thứ 5 giai đoạn 2016  2020”, trong đó đề xuất xây dựng một xã hội siêu thông minh nhằm kế nối các hệ thống sử dụng công nghệ số làm nền tảng hợp nhất không gian thực và không gian số.

Năm 2018, Chính phủ Nhật Bản thông qua “Kế hoạch thực hiện Chính phủ số” để hướng đến một Chính phủ số đi trước thế giới theo mô hình Nhật Bản. Năm 2019, Nhật Bản thông qua sách trắng về khoa học – công nghệ, trong đó khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản. Việc thiết lập một chính phủ điện tử không chỉ được tiến hành ở các bộ, ngành và cơ quan của chính phủ mà còn ở tất cả các cơ quan hành chính của địa phương, các bệnh viện trường học cũng như các cơ quan nhà nước khác. Đích đến sẽ là số hóa ở tất cả mọi nơi, càng nhiều càng tốt để tạo nên một thành phố thông minh dựa trên những tiến bộ của công nghệ IoT. Yếu tố mang đến sự thành công cho phát triển chính phủ điện tử ở Nhật Bản là luôn lấy nguyên tắc hướng đến người dân để xây dựng cơ chế, chính sách. 

Năm 2021, Nhật Bản thành lập Cơ quan Kỹ thuật số nhằm tập trung cải cách hệ thống quản trị đã lỗi thời của các cơ quan chính phủ. Năm 2022, hợp tác với Vương quốc Anh nhằm tăng cường chuyển đổi số trong các cơ quan chính phủ. Chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Nhật Bản đã có những thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực nghiên cứu công, khoa học công nghệ và đổi mới trong doanh nghiệp. Nhật Bản vẫn liên kết lỏng lẻo với các mạng lưới hợp tác khoa học – công nghệ quốc tế và thu hút ít đầu tư nghiên cứu và phát triển quốc tế cho doanh nghiệp. Mục tiêu Chính phủ Nhật Bản đề ra là phát triển công nghệ mạng lõi cho hệ thống 6G vào năm 2025 và triển khai thương mại công nghệ vào năm 2030.

3. Tổng quan về phát triển khoa học – công nghệ trong bối cảnh đẩy mạnh chính phủ điện tử, chính phủ số

a. Kết quả đạt được

Trước quản lý nhà nước về khoa học – công nghệ luôn được chú trọng thì nay đặt trong bối cảnh chính phủ điện tử, chính phủ số thì vai trò đó càng được nâng lên gấp bội. Khởi điểm là vào năm 1998, trong cuộc họp cấp cao giữa các nước ASEAN tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam mong muốn xây dựng chính phủ điện tử. Năm 2009, việc phát triển chính phủ điện tử được coi là một trong những mục tiêu quan trong nhất trong Dự án “Tăng tốc” và “Chiến lược Quốc gia về Phát triển ICT”. Trong khoảng thời gian 2019-2020, Bộ Khoa học – công nghệ đã ban hành Chương trình quốc gia 844 và 1.665 giúp phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ và kỹ thuật số. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu: Đến năm 2025 có 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quảnlý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; phát triển kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm nội địa (GDP), Việt Nam thuộc nhóm 70 quốc gia trên thế giới dẫn đầu về chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước các cấp, năm 2024, Việt Nam xếp vị trí thứ 71 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, tăng 15 bậc so với năm 2022 (vị trí 86)8.

Bên cạnh đó, Đảng đã ban hành các văn bản thể hiện hành động cụ thể, quyết liệt hướng đến các mục tiêu phát triển khoa học – công nghệ bền vững, điều này được thể hiện trong các văn bản, như: Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 20/4/1981 của Bộ Chính trị về chính sách khoa học và kỹ thuật; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/3/1991 của Bộ Chính trị về khoa học – công nghệ trong sự nghiệp đổi mới; Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng chiến lược phát triển khoa học – công nghệ theo thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 (Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI) về phát triển khoa học – công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa; Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học – công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản nhằm tăng cường quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo của đất nước, như: Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu công nghệ thông tin giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chiến lược phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030… Công tác quản lý nhà nướcvề khoa học – công nghệ từ năm 2023 đã có nhiều điểm sáng ở các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, tự nhiên, công nghệ sinh học, nông nghiệp, an ninh quốc phòng, khoa học y dược, công nghệ cao. Các hoạt động được thể hiện rõ nét trong bức tranh đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam, nhiều nhà khoa học được vinh danh trên thế giới cùng các sáng chế, ứng dụng công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực đời sống, giúp năng suất, chất lượng sản phẩm tăng. Chiến lược phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 cũng được cụ thể hóa bằng 44 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia (giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030) cân đối cho cả ba lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ9

Cùng với đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh vai trò của khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có thể bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực; Hiến pháp năm năm 2013 khẳng định phát triển khoa học -công nghệ là quốc sách hàng đầu; khoa học – công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

b. Hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về khoa học – công nghệ cũng đang đối diện với một số khó khăn, thách thức lớn, cụ thể: (1) Hệ thống văn bản pháp lý trực tiếp hoặc gián tiếp về khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đồ sộ, khó phân tách, thiếu một chiến lược xuyên suốt; (2) Bộ máy tham gia vào công tác quản lý nhà nước có nhiều đầu mối, nhiều tổ chức hành chính trung gian, trải rộng từ trung ương đến địa phương tạo ra những cản trở nhất định; (3) Sự đan xen giữa quản lý nhà nước đối với hợp tác quốc tế có trường hợp chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thúc đẩy để hình thành được một hành lang thông suốt cho hoạt động hợp tác quốc tế; (4) Chưa có một cơ chế tài chính công đủ mạnh, phù hợp với đặc thù để phát huy tối đa hiệu quả về khoa học – công nghệ; (5) Thể chế, chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học – công nghệ còn nặng về hành chính, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, chưa có đột phá trong chính sáchthu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng…

4Một số giá trị tham khảo cho Việt Nam

Một là, cần kết hợp chặt chẽ chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo với chính sách phát triển công nghiệp. Các văn bản cần có sự đồng bộ ở tầm vĩ mô, đồng thời đơn giản và cụ thể ở cấp triển khai thực hiện (vi mô). Vai trò dẫn dắt, lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước là vô cùng quan trọng bằng việc thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp; việc tạo ra thị trường đầu ra cho khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo có thể giúp giảm sự rủi ro và thúc đẩy đầu tư cho R&D của doanh nghiệp, tạo tạo điều kiện thuận lợi “đi tắt, đón đầu” trong ngành công nghiệp đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, vai trò chính sách phát triển công nghiệp và chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo thay đổi phụ thuộc vào đặc điểm cũng như nhu cầu của từng giai đoạn phát triển công nghiệp khác nhau. Trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam, các chính sách công nghiệp phải là chủ đạo, các chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được coi là công cụ chính để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế và công nghiệp.

Hai là, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành với sự hỗ trợ điều phối chung của Chính phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo xây dựng và thực thi có hiệu quả các chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo Tại Việt Nam.

Ba là, tiếp thu và làm chủ các công nghệ từ nước ngoài để đảm bảo nguồn cung công nghệ tiên tiến của thế giới, rút ngắn quá trình công nghệ trong nước. Các hoạt động có thể là đơn giản là trao đổi học thuật giữa các nhà nghiên cứu, đào tạo nhân lực khoa học – công nghệ, tìm kiếm các chủ đề nghiên cứu mới, đến thu hút công nghệ tiên tiến/chuyên gia giỏi từ nước ngoài, xuất-nhập khẩu công nghệ, hoặc xa hơn là để xử lý các vấn đề khoa học – công nghệ mang tính toàn cầu, lồng ghép hợp tác quốc tế khoa học – công nghệ vào trong chính sách đối ngoại quốc gia để khoa học – công nghệ làm lực đẩy cho việc tăng sức cạnh tranh của hàng hóa các nước này trên thị trường thế giới, cũng như gia tăng phạm vi ảnh hưởng đối với các nước khác. 

Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Năm là, chú trọng bảo đảm nguồn lực trình độ cao cho phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài; khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực khoa học – công nghệ; tăng cường cơ chế hợp tác công – tư trong đào tạo nhân lực khoa học – công nghệ.

Sáu là, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược, ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ Việt Nam gắn với nhanh chóng tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến của thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản, tiến tới tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở một số lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng, lợi thế.

Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 115, 227.
3. Trung Quốc xây dựng chính phủ số. https://antoanthongtin.vn/chinh-sach—chien-luoc/trung-quoc-xay-dung-chinh-phu-so-108200
4. Cạnh tranh Mỹ – Trung trên lĩnh vực khoa học – công nghệ giai đoạn từ năm 2017 đến nay dưới góc nhìn của chủ nghĩa tân hiện thực. https://www.tapchicongsan.org.vn/en_US/web/guest/thanh-pho-can-tho/-/2018/968402/view_content#
5. 김수림, 양희동, 안중호 (2015). 한국전자정부시스템발전에있어서핸정표준의역할과관리체제의변화연구구술혁신연구. 23권3호 (3/2015), p. 24.  
6. Young B.Lee (2012). 2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea. The Ministry of Public Administration and security and The Korean Association for Policy Studies, South Korea, p. 21.
7. Kế hoạch Tổng thể Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025 của Hàn Quốc (Digital Government Masterplan 2021 – 2025).
8. Việt Nam tăng 15 bậc về xếp hạng chính phủ điện tử, thứ 71 thế giới, thứ 5 trong ASEAN.https://vneconomy.vn/viet-nam-tang-15-bac-ve-xep-hang-chinh-phu-dien-tu-thu-71-the-gioi-thu-5-trong-asean.htm
9. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 về ban hành chiến lược phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Tài liệu tham khảo:
1. Cẩm nang chuyển đổi số (2021). H. NXB Thông tin và Truyền thông.
2. Klaus Schwab (2018). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Bộ Ngoại giao dịch và hiệu đính). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Quốc hội (2013). Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
4. Chính phủ Nhật Bản. https://www.japan.go.jp.
5. Cabinet Office, Government of Japan. The Sixth Science, Technology, and Innovation Basic Plan. https://www8.cao.go.jp/cstp/english/sti_basic_plan.pdf
6. T. Enami (2014). Kanji Character in Japan-Remaining Big Challenges of e-Government. Journal of Information Processing and Management, 57 (5) 2014, pp. 298 – 206.