Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ logistics ở TP. Hà Nội

ThS. Nguyễn Thị Kim Oanh
ThS. Võ Thị Ngọc Trinh
Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Hà Nội có hệ thống giao thông phát triển khá đồng bộ, gồm cả đường bộ, đường thủy, hàng không và đường sắt. Điều này rất thuận lợi để Hà Nội phát triển và trở thành trung tâm điều hành logistics (dịch vụ hậu cần) của khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, logistics Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, chất lượng dịch vụ logistics còn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường cả về quy mô, hiệu quả cung ứng dịch vụ và năng lực cạnh tranh… Để ngành logistics Hà Nội phát triển mạnh mẽ, tận dụng tối đa các cơ hội của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp logistics cần bắt tay hợp tác, phát huy tính năng động, sáng tạo; xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài.

Từ khóa: Dịch vụ logistics; TP. Hà Nội; thực trạng; giải pháp; nâng cao.

1. Đặt vấn đề

Với vị trí địa lý và vai trò đầu tàu về kinh tế trên 2 tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và tuyến Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, thành phố Hà Nội đóng vai trò quan trọng, đồng thời là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Việt Nam và miền Tây Trung Quốc trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc. Đây là thị trường kinh doanh hấp dẫn đối với các doanh nghiệp logistics. Thực tế trong thời gian qua, dịch vụ logistics ở TP. Hà Nội ngày càng chuyên môn hóa và phát triển trở thành một ngành dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng trong giao thương quốc tế, góp phần đáp ứng yêu cầu của khách hàng với mạng lưới các loại hình logistics đa dạng, cho phép tối ưu hiệu quả của vòng quay tăng trưởng. Do vậy, việc nâng cao chất lượng dịch vụ logistics có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

2. Thực trạng chất lượng dịch vụ logistics của TP. Hà Nội

a. Một số kết quả đạt được

Nhận thức vai trò quan trọng của logistics trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 24/12/2021, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 299/KH-UBND về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025 với mục tiêu: phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, hình thành một hệ thống logistics hiện đại và đóng góp ngày càng nhiều vào GRDP của thành phố; phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại – dịch vụ văn minh, hiện đại; đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và nội địa; đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, của cả nước và khu vực. Thời gian qua, thành phố Hà Nội cũng luôn tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư cho phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê, hiện có khoảng 40% lưu lượng hàng hóa của các địa phương khác đang luân chuyển qua địa bàn thành phố Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội còn có 10 khu công nghiệp đang hoạt động và hơn 100 cụm công nghiệp đã và đang hình thành cùng với hàng nghìn siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng…, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho hơn 10 triệu dân1.

Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp logistics Hà Nội nói riêng cũng từng bước chuyển mình, đẩy mạnh đầu tư các cơ sở hạ tầng, kho bãi hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ mới, thương mại điện tử để gia tăng thị phần và tham gia chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, những năm gần đây, mặc dù Hà Nội chịu tác động tiêu cực không nhỏ từ đại dịch Covid-19, nhưng chất lượng dịch vụ logistics ở Thành phố vẫn đạt những kết quả quan trọng. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics không ngừng tăng. 

Để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về dịch vụ vận tải, kho bãi, các doanh nghiệp logistics tại Hà Nội đã tập trung tối đa nguồn lực và phương tiện vào khai thác những cơ hội và nhu cầu thị trường. Nhờ đó, doanh thu dịch vụ kinh doanh kho bãi có chiều hướng tăng theo các năm: năm 2018 là 50.214 tỷ đồng, tăng lên 60.744 tỷ đồng năm 2021 và 82.007 tỷ đồng năm 2023 (Biểu đồ 1). Năng lực cung ứng dịch vụ kho, bãi trên địa bàn thành phố bước đầu giải quyết được như cầu luân chuyển và trung chuyển hàng hóa trong khu vực địa bàn cũng như cả nước và thế giới.

b. Những hạn chế

Thứ nhất, quy mô và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường và chất lượng dịch vụ cung ứng của các doanh nghiệp logistics Hà Nội còn hạn chế. Hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 25.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động logistics, nhưng thực chất chỉ có hơn 5.400 doanh nghiệp đang hoạt động chính thức. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân chiếm 80% (phần lớn đều có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ và nhân lực, thường chỉ có từ 10 – 20 nhân viên). Vì vậy, các doanh nghiệp logistics trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường; 18% tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, còn lại do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện2. Trong khi đó, một số tập đoàn logistics lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam, như: Kunhe Nagel, Schenker, Bikar, APL logistics… giành được khoảng 70% thị trường nhờ tính chuyên nghiệp, mạng lưới rộng và ứng dụng công nghệ hiện đại3.

Thứ hai, hạ tầng công nghệ của các doanh nghiệp logistics ở TP. Hà Nội chưa theo kịp xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phần lớn các doanh nghiệp logistics ở Hà Nội mới chỉ sử dụng các công cụ công nghệ thông tin cơ bản như: điện thoại, tin nhắn SMS, thư điện tử, fax, website, mạng LAN, WAN. Đây là các công cụ đơn giản, dễ sử dụng, chi phí lắp đặt không cao. Bên cạnh các công cụ căn bản, các doanh nghiệp logistics tư nhân ở Hà Nội cũng sử dụng một số công cụ hiện đại, như: trao đổi dữ liệu điện tử EDI (Electronic Data Interchange), công cụ về mã số, mã vạch, công nghệ nhận dạng bằng sóng radio RFID (Radio Frequency Identification), hệ thống quản trị doanh nghiệp tích hợp ERP (Enterprise – Resource – Planning)…, nhưng rất hạn chế, chỉ ở một số doanh nghiệp có quy mô vốn lớn. Hạn chế này làm cho các doanh nghiệp logistics tại Hà Nội đóng vai trò vệ tinh hoặc là chi nhánh cho các công ty logistics nước ngoài. Những doanh nghiệp có khả năng cung cấp dịch vụ trọn gói thường là các nhà cung ứng dịch vụ logistics có sự phát triển và ứng dụng triệt để cách mạng công nghiệp 4.0. Trước bối cảnh mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp cung cấp logistics hàng đầu thế giới liên tục “xâm nhập” vào thị trường Việt Nam, trong đó có Hà Nội khiến cho sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước gia tăng mạnh mẽ, phần “yếu thế” thuộc về các doanh nghiệp trong nước do hạn chế về khoa học – công nghệ đã làm giảm năng lực cạnh tranh, đồng thời giảm thị phần.

Thứ ba, năng lực cung ứng dịch vụ kho bãi còn chưa theo kịp được nhu cầu thị trường. Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là ở hạ tầng logistics, hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu chuyên dụng (như: kho lạnh, kho bảo quản hàng hóa đặc biệt…). Ngoài các kho bãi thường, trên địa bàn Hà Nội đang duy trì hệ thống kho, bãi container phục vụ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại 2 cảng thông quan nội địa là Mỹ Đình và Gia Lâm, tuy nhiên, phạm vi khai thác còn hạn chế, chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, cho thuê bãi và một số dịch vụ liên quan. Việc giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển trung tâm logistics gặp khó khăn.

Trong khi đó, các cảng cạn (ICD) còn ít. Về kết nối các loại hình giao thông, các cảng cạn mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa nối liền được với đường sắt và đường sông. Bên cạnh đó, cản trở lớn đối với phát triển dịch vụ logistics là vấn nạn ùn tắc giao thông, khổ đường hẹp, giới hạn tải trọng phương tiện…, đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Ngoài ra, Hà Nội có các cảng đường sông nhưng chưa phát huy được thế mạnh do thiếu những thiết bị nâng hạ hàng hóa, hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa bằng xe tải đi và đến từ các cảng sông. Còn hệ thống đường sắt cũ và chưa thật sự thuận tiện…

3. Đề xuất giải pháp

Để phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ sau:

Một làphát huy hiệu quả nguồn lực cơ chế, chính sách, pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp logistics nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ. Cơ chế, chính sách, pháp luật thông thoáng sẽ thúc đẩy quá trình hoạt động của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội nhanh hơn, hiệu quả hơn. Cụ thể, Hà Nội cần ban hành bổ sung các văn bản pháp luật cho hoạt động logistics vào các lĩnh vực hỗ trợ, như: vận tải đa phương thức, thương mại điện tử, kinh doanh kho bãi, thủ tục hải quan. Chuẩn hóa các quy trình hoạt động logistics, thống kê báo cáo logistics, các định chế có liên quan, như: thuế, bảo hiểm, ngân hàng, môi trường; chuẩn hóa các quy định về cấp phép, điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn vận tải đa phương thức, thống nhất hóa và tiêu chuẩn hóa tên hàng và mã hàng hóa…

Hai là, cần cụ thể hóa quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics trên địa bàn. Phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng, đưa vào khai thác vận hành một số công trình hạ tầng dịch vụ logistics quan trọng như: 2 cảng cạn ICD (tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức), cảng container quốc tế (tại xã Cổ Bi, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm), Trung tâm bưu chính, chuyển phát (tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) và một số dự án trung tâm tiếp vận trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, phải đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics; nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics có quy mô phù hợp trên những tuyến đường vành đai, kết nối đầu mối gom hàng, kho tập kết, phân phối hàng tại khu vực tập trung sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp; chú trọng phát triển hệ thống kho bãi, kho bãi chuyên dụng; phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi hạ tầng logistics (như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận…); phát triển nền tảng số kết nối giữa các chủ hàng, nhà giao vận và khách hàng…

Thành phố cần phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi các hạ tầng logistics (như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận…); phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng. Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu tập trung của thành phố.

Ba là, thành phố cần tạo điều kiện tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics nhỏ và vừa với các công ty, chuyên gia phần mềm công nghệ thông tin để được hướng dẫn, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ tiếp cận và đầu tư trang bị, nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý thông tin và chuyển giao dữ liệu, sản xuất và đặt hàng, giao hàng, khai báo hải quan, phần mềm dịch vụ logistics (RFID, Barcode, e-logistics) theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3 (3PL), mức độ 4 (4PL); hướng đến mức độ 5 (5PL), logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Bốn là, đẩy mạnh logistics và liên kết vùng Thủ đô nhằm tạo thuận lợi cho giao lưu vận chuyển, phân phối hàng hóa của Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác; tạo điều kiện phát huy vai trò các hiệp hội ngành, nghề liên quan đến dịch vụ logistics; khuyến khích, thu hút nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới và doanh nghiệp logistics trong nước đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại Thủ đô nhằm xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều hành logistics của khu vực miền Bắc…

Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics Thủ đô cũng cần tích cực liên kết với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; đầu tư phát triển nhân lực; từng bước giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh.

Chú thích:
1. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.https://thanglong.chinhphu.vn/tao-thuan-loi-cho-cac-doanh-nghiep-hoat-dong-trong-linh-vuc-logistics-103240528111453967.htm
2, 3. Nhiều giải pháp phat triển dịch vụ logistics của Thủ đô. https://thanglong.chinhphu.vn/nhieu-giai-phap-phat-trien-dich-vu-logistics-cua-thu-do-10323110210425744.htm
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Thống kê thành phố Hà Nội (2024). Niên giám thống kê Hà Nội năm 2023. H. NXB Thống kê.
2. Đảng bộ thành phố Hà Nội (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.
3. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 về việc sử đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
4. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (2021). Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 24/12/2021 về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025.
5. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Logistics Việt Nam.https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/10/05/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-logistics-viet-nam/