Lê Sỹ Đức, Nguyễn Thảo Linh và Đinh Ngọc Phương Dung
Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Số hóa là một trong những đặc điểm cốt lõi của nền kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa và nâng cao hiệu quả hệ thống thông tin doanh nghiệp. Bài viết nghiên cứu vai trò của số hóa trong nền kinh tế số đối với hệ thống thông tin doanh nghiệp, từ việc quản lý dữ liệu, kết nối thông tin đến bảo mật dữ liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, số hóa có những đặc điểm giúp thúc đẩy năng lực hệ thống thông tin của doanh nghiệp, hỗ trợ việc thực thi các văn bản pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và giao dịch điện tử, tiến tới phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam trong tương lai.
Từ khóa: Số hóa, hệ thống thông tin doanh nghiệp, nền kinh tế số, bảo mật dữ liệu.
1. Đặt vấn đề
Số hóa là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quản lý dữ liệu và duy trì lợi thế cạnh tranh. Hệ thống thông tin doanh nghiệp (EIS) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối thông tin, hỗ trợ ra quyết định và tăng cường giao tiếp nội bộ. Tuy nhiên, quá trình số hóa cũng đặt ra thách thức về bảo mật dữ liệu, tích hợp hệ thống và yêu cầu kỹ năng quản lý công nghệ.
Nền kinh tế số là một hệ thống kinh tế trong đó các hoạt động sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng chủ yếu dựa vào công nghệ số, dữ liệu và internet. Nó tận dụng các nền tảng công nghệ để tối ưu hóa quy trình kinh doanh, đổi mới sản phẩm và dịch vụ, đồng thời thúc đẩy tính kết nối toàn cầu giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và các tổ chức khác. Kinh tế số cũng thấm nhuần mọi khía cạnh của xã hội, ảnh hưởng đến cách mọi người tương tác và mang lại những thay đổi rộng lớn về mặt xã hội1.
2. Tầm quan trọng của nền kinh tế số
Thứ nhất, đối với quốc gia
Phát triển kinh tế số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra lĩnh vực mới, nâng cấp ngành nghề cũ và cải thiện hiệu suất lao động. Nền kinh tế số không chỉ thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống mà còn mở ra những hình thức kinh doanh hoàn toàn mới; đồng thời, gia tăng nhu cầu lao động trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu và phân tích.
Sự chuyển đổi này cũng dẫn đến thay đổi cơ cấu việc làm, khiến người lao động cần trang bị kỹ năng số để thích ứng và nâng cao chất lượng lao động. Nhờ công nghệ số, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, thuê ngoài các công đoạn phù hợp, giúp nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, Chính phủ các nước tăng cường đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và số hóa dịch vụ công, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, tối ưu nhân lực và giảm tham nhũng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp
Phát triển kinh tế số giúp tăng năng suất doanh nghiệp nhờ tự động hóa, cải thiện độ chính xác và tối ưu hóa nguồn lực. Người lao động học tập kỹ năng số sẽ làm việc hiệu quả hơn, trong khi doanh nghiệp dễ dàng huy động nhân lực với chi phí tối ưu. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, kinh tế số đã chứng tỏ giá trị khi hỗ trợ làm việc và giao tiếp từ xa.
Kinh tế số cũng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp tập trung vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm và quy trình mới. Nhờ cắt giảm chi phí sản xuất, doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường và tận dụng rào cản gia nhập thấp trong môi trường số. Các doanh nghiệp số có khả năng linh hoạt điều chỉnh mô hình kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững, như Facebook đã chuyển từ nền tảng mạng xã hội sang hệ sinh thái thương mại điện tử.
Ngoài ra, kinh tế số giúp doanh nghiệp kết nối nhanh hơn với khách hàng, nhân viên và đối tác thông qua công nghệ, như AI hỗ trợ phản hồi khách hàng hay các nền tảng liên lạc trực tuyến. Nhờ phân tích dữ liệu, doanh nghiệp ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, duy trì lợi thế dẫn đầu.
Thứ ba, đối với người tiêu dùng
Với người tiêu dùng, kinh tế số mang lại nhiều tiện ích: mua sắm thuận tiện, giá cả cạnh tranh, thanh toán không tiền mặt và tiếp cận sản phẩm đa dạng. Nhìn chung, kinh tế số nâng cao chất lượng cuộc sống và tối ưu hóa trải nghiệm tiêu dùng.
3. Tính chất của số hóa trong nền kinh tế số
(1) Số hóa thúc đẩy tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin2. Ngày nay, internet là nền tảng chính cho sự kết nối toàn cầu trong nền kinh tế số3, các doanh nghiệp và cá nhân có thể giao tiếp, chia sẻ thông tin và giao dịch thương mại một cách nhanh chóng, hiệu quả mà không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý4. Hơn nữa, dữ liệu lớn (Big Data) và kỹ thuật phân tích dữ liệu cho phép thu thập và sử dụng thông tin từ mọi nguồn, giúp ra quyết định chính xác hơn trong kinh doanh, tiếp thị và sản xuất5. Kỹ thuật phân tích dữ liệu là một trong các lợi ích đáng kể của việc số hóa, qua đó đưa ra quyết định chính xác, hiệu quả hơn6. Các doanh nghiệp, chẳng hạn như trong ngành sản xuất hoặc logistics, họ có thể ứng dụng Big Data7 và các công cụ phân tích dữ liệu để tìm ra các xu hướng, tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu lãng phí và cải thiện năng suất. Việc phân tích này giúp các nhà quản lý quyết định nhanh chóng và chính xác hơn về các chiến lược hoặc thay đổi cần thiết trong cách vận hành kinh doanh của mình8. Một ví dụ thực tế về việc ứng dụng số hóa trong việc tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin là IoT (Internet of Things) trong sản xuất. Các cảm biến trên dây chuyền sản xuất ghi lại dữ liệu về các điều kiện như tốc độ sản xuất, mức độ tiêu thụ năng lượng hoặc trạng thái máy móc. Tất cả thông tin này được chuyển thành dữ liệu số giúp nhà máy quản lý và tối ưu hóa quy trình sản xuất một cách hiệu quả hơn9. Bằng cách phân tích những tín hiệu này, doanh nghiệp có thể dự báo bảo trì trước khi xảy ra sự cố hoặc điều chỉnh năng suất để đáp ứng nhu cầu thay đổi10.
(2) Số hóa là quá trình chuyển đổi dữ liệu thành giá trị. Đây là một yếu tố quan trọng và là động lực thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh doanh, tổ chức và cả các quốc gia trong thời đại phát triển nền kinh tế số. Khi dữ liệu trở thành một tài sản quan trọng, việc hiểu và khai thác tối đa tiềm năng của nó sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn11. Trước hết, cần khẳng định một điều rằng, dữ liệu hiện nay được coi là tài sản quý giá của doanh nghiệp, thậm chí có thể vượt quá giá trị của các yếu tố vật chất truyền thống như đất đai, nhà máy hay các tư liệu sản xuất khác12. Mỗi lần người dùng tương tác với các nền tảng kỹ thuật số, dữ liệu liên quan đến hành vi, sở thích, nhu cầu và các yếu tố khác đều được ghi nhận và có thể được khai thác để tạo ra giá trị.
Để chuyển đổi dữ liệu thành giá trị, bước đầu tiên là thu thập dữ liệu. Việc khai thác và chuyển đối dữ liệu thành giá trị đã và đang được áp dụng một cách rộng rãi trong nhiều ngành nghề, được thể hiện trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Đối với lĩnh vực tài chính, trong ngành ngân hàng, các thuật toán phân tích dữ liệu giúp nhận diện gian lập (fraud detection) và đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp cho từng khách hàng. Các ngân hàng lớn như HSBC và JP.Morgan13 sử dụng phân tích dữ liệu để xây dựng14 các mô hình dự báo rủi ro và đầu tư15. Ngoài ra, đối với ngành chăm sóc sức khỏe, dữ liệu sức khỏe có thể áp dụng theo dõi tình trạng bệnh nhân, phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn từ sớm và tối ưu hóa việc cung cấp các dịch vụ sức khỏe phù hợp với từng tình trạng của bệnh nhân. IBM Watson Health là một ví dụ điển hình về việc sử dụng AI và phân tích dữ liệu trong lĩnh vực y tế để chẩn đoán bệnh và cá nhân hóa phương pháp điều trị16. Hay đối với lĩnh vực marketing, Facebook và Google là các nền tảng cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến hàng đầu trên thế giới đã thu thập dữ liệu từ hành vi người tiêu dùng để cung cấp quảng cáo được cá nhân hóa, từ đó gia tăng hiệu quả chiến dịch marketing và doanh thu đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên mạng.
(3) Số hóa là sự chuyển đổi từ nền kinh tế vật lý sang nền kinh tế số. Một trong những bước quan trọng nhất trong sự chuyển dịch từ nền kinh tế vật lý sang nền kinh tế số là sự số hóa quy trình sản xuất và tiêu thụ. Việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất giúp tăng cường khả năng tự động hóa, giảm thiểu lỗi do con người và tiết kiệm chi phí vận hành. Những công nghệ như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và Big Data giúp doanh nghiệp thu thập và phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn17. Ví dụ: các nhà máy sản xuất không chỉ sử dụng công cụ, máy móc tự động hóa mà còn kết nối các thiết bị thông qua Internet vạn vật để theo dõi, phân tích và tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Ngoài ra, hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning)18 cũng giúp quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng và các hoạt động sản xuất từ xa. Trong nền kinh tế số, doanh nghiệp cần phải hoạt động nhanh chóng và linh hoạt, đồng thời vẫn đảm bảo tính chính xác và hiệu quả trong mọi quy trình. ERP giúp doanh nghiệp tích hợp dữ liệu từ nhiều bộ phận khác nhau vào một cơ sở dữ liệu duy nhất, giúp giảm thiểu sự phân mảnh thông tin và tạo ra một hệ thống quản lý hiệu quả. Chẳng hạn, khi một đơn hàng được đặt từ khách hàng, thông tin về đơn hàng đó sẽ được tự động chuyển đến bộ phận khi để kiểm tra tình trạng hàng hóa, bộ phận kế toán để lập hóa đơn và bộ phận vận chuyển để xử lý giao hàng. Tất cả các bộ phận này sẽ làm việc trên cùng một nền tảng, giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu sai sót trong các quy trình.
(4) Số hóa giúp tăng cường tính bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư. Trong nền kinh tế số, bảo mật và quyền riêng tư trở thành yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng và duy trì niềm tin của khách hàng và người dùng. Khi các doanh nghiệp và tổ chức số hóa các hoạt động và dịch vụ của mình, dữ liệu trở thành tài sản giá trị và chính là “nguồn sống” của nền kinh tế số. Tuy nhiên, việc thu thập, lưu trữ và sử dụng khối lượng lớn dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp đi kèm với các thách thức lớn về bảo mật và quyền riêng tư. Trong đó, bảo mật dữ liệu liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu khỏi các mối đe dọa như xâm nhập, đánh cắp, mất mát, hoặc thay đổi không mong muốn. Các biện pháp bảo mật thường bao gồm mã hóa, xác thực đa yếu tố, và các giải pháp bảo vệ mạng. Hơn nữa, đối với quyền riêng tư, đây là sự đề cập đến quyền của các cá nhân trong việc kiểm soát cách thức và phạm vi mà thông tin cá nhân của họ được thu thập, sử dụng và chia sẻ. Quyền riêng tư cũng liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu khỏi việc bị sử dụng trái phép hoặc bị lạm dụng.
Đứng trước các thách thức bảo mật trong nền kinh tế số từ các mối đe dọa an ninh mạng như các cuộc tấn công mạng hay các rủi ro về thông tin tài chính và ngân hàng, sự số hóa trong nền kinh tế số yêu cầu các công ty và tổ chức phải xử lý và lưu trữ một lượng lớn dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân của khách hàng, đối tác và nhân viên. Ngoài ra, đối với quyền riêng tư, việc bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng trong nền kinh tế số ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt khi các tổ chức và doanh nghiệp thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng. Điều này được thể hiện thông qua các chính sách bảo vệ quyền riêng tư của các tổ chức, cũng như việc tuân thủ các quy định bảo vệ quyền riêng tư như GDPR (General Data Protection Regulation) ở châu Âu19 và CCPA (California Consumer Privacy Act) ở California20 khi mà các quy tắc này yêu cầu các tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng và cung cấp quyền kiểm soát dữ liệu cho họ.
4. Vai trò của số hóa trong hệ thống thông tin doanh nghiệp
Một là, quản lý và tối ưu dữ liệu
Dữ liệu là tài sản quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt trong nền kinh tế số ngày nay. Việc số hóa hệ thống thông tin giúp doanh nghiệp thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác hơn, qua đó tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của họ.
Số hóa trong nền kinh tế số thúc đẩy việc tự động hóa quy trình thu thập và xử lý dữ liệu của các doanh nghiệp. Các hệ thống quản lý dữ liệu như ERP (Enterprise Resource Planning) hay CRM (Customer Relationship Management) giúp doanh nghiệp thu thập và xử lý dữ liệu khách hàng, tài chính, nhân sự một cách tự động, giảm thiểu sai sót so với phương pháp thủ công.
Hệ thống ERP – Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, là một hệ thống phần mềm tích hợp giúp doanh nghiệp quản lý các hoạt động cốt lõi như tài chính, nhân sự, sản xuất, chuỗi cung ứng, mua sắm và quản lý hàng tồn kho. Trên thế giới, một số hệ thống ERP điển hình có thể kể đến như SAP ERP, Oracle ERP Cloud hay Odoo. Bên cạnh đó, đối với hệ thống CRM – Hệ thống quản lý quan hệ khách hàng, đây là một hỗ trợ quản lý bán hàng, cung cấp thông tin chi tiết hữu ích, tích hợp với mạng xã hội và tạo điều kiện giao tiếp nhóm. Các hệ thống CRM dựa trên đám mây cung cấp tính di động hoàn toàn và quyền truy cập vào một hệ sinh thái các ứng dụng được thiết kế riêng. Một số hệ thống CRM phổ biến được sử dụng trên thế giới có thể được kể đến như Salesforce CRM, HubSpot CRM và Microsoft Dynamic 365.
Số hóa trong nền kinh tế số giúp cho người dùng có thể đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu một cách có cơ sở (Data-Driven Decision Making). Công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép doanh nghiệp phân tích xu hướng thị trường, dự báo nhu cầu và xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn. Đồng thời, số hóa còn đóng vai trò trong quản lý và tối ưu dữ liệu khi số hóa hỗ trợ việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu. Theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp phải bảo đảm việc thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu cá nhân được thực hiện đúng quy định, tránh vi phạm quyền riêng tư của khách hàng. Đồng thời, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 cũng đặt ra các nguyên tắc về tính toàn vẹn và bảo mật của dữ liệu số trong giao dịch thương mại. Chính vì vậy, việc vận dụng công nghệ vào quá trình hệ thống thông tin doanh nghiệp giúp cho các công ty tuân thủ, thực hiện pháp luật một cách hiệu quả, giúp cho các chính sách, quy định pháp luật trở nên thiết thực hơn.
Hai là, tăng cường kết nối thông tin
Trong bối cảnh số hóa nền kinh tế, khả năng kết nối thông tin đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp. Việc số hóa hệ thống thông tin giúp các bộ phận trong doanh nghiệp liên kết chặt chẽ hơn, tối ưu hóa quy trình vận hành và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi doanh nghiệp phải thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường và các quy định pháp lý liên quan.
Số hóa giúp doanh nghiệp loại bỏ các hệ thống thông tin rời rạc, thay thế bằng một nền tảng tích hợp. Các hệ thống như ERP và CRM đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và chia sẻ dữ liệu giữa các phòng ban. Điều này giúp giảm thiểu sai sót trong nhập liệu, tránh trùng lặp dữ liệu và đảm bảo thông tin được cập nhật liên tục21. Ví dụ, trong một doanh nghiệp sản xuất, hệ thống ERP giúp bộ phận kho bãi, kế toán và bán hàng có thể theo dõi tình trạng hàng tồn kho theo thời gian thực, từ đó đưa ra quyết định sản xuất hoặc nhập hàng phù hợp, tránh tình trạng thiếu hoặc dư thừa hàng hóa22. Ngoài ra, số hóa còn đóng vai trò tăng cường kết nối thông tin thông qua việc thúc đẩy giao tiếp nội bộ và làm việc nhóm. Số hóa giúp cải thiện giao tiếp nội bộ thông qua các nền tảng làm việc nhóm trực tuyến như Microsoft Teams, Slack hay Google Workspace23. Người lao động hay các nhà quản trị có thể dễ dàng trao đổi thông tin, chia sẻ tài liệu và theo dõi tiến độ công việc một cách hiệu quả. Hơn nữa, các nền tảng quản lý dự án như Trello, Asana, Jira giúp phân công nhiệm vụ rõ ràng, theo dõi tiến độ và tối ưu quy trình, cách thức làm việc nhóm24. Điều này đặc biệt đối với các doanh nghiệp có nhiều chi nhánh hoặc làm việc từ xa.
Số hóa không chỉ kết nối nội bộ doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp tương tác hiệu quả với đối tác và khách hàng. Các nền tảng thương mại điện tử, hệ thống quản lý chuỗi cung ứng (SCM – Supply Chain Management)25 và các công cụ phân tích dữ liệu giúp doanh nghiệp cải thiện quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp. Ví dụ, các hệ thống CRM giúp theo dõi hành vi mua sắm của khách hàng, từ đó doanh nghiệp có thể cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng thông qua các chiến dịch tiếp thị tự động hoặc dịch vụ khách hàng nhanh chóng hơn.
Mặt khác, số hóa còn giúp các doanh nghiệp khai thác dữ liệu hiệu quả thông qua các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Nhờ đó, lãnh đạo doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu thực tế thay vì dựa trên cảm tính. Chẳng hạn, hệ thống phân tích dữ liệu có thể cung cấp báo cáo chi tiết về xu hướng tiêu dùng, hiệu suất bán hàng hoặc dự báo nhu cầu thị trường, giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh kịp thời.
Ba là, bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư
Trong thời đại ngày nay, bảo mật thông tin và quyền riêng tư trở thành yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp. Việc chuyển đổi số không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động mà còn tạo ra nhiều thách thức liên quan đến bảo vệ dữ liệu. Với sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng và rò rỉ dữ liệu, doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp bảo mật hiệu quả để bảo vệ thông tin của mình và tuân thủ các quy định pháp lý hiện hành26.
Trước hết, số hóa cho phép doanh nghiệp triển khai các biện pháp bảo mật nâng cao như mã hóa dữ liệu, xác thực hai yếu tố (2FA) và quản lý truy cập. Các hệ thống như ERP (Enterprise Resource Planning) và CRM (Customer Relationship Management) có thể được tích hợp vào các công cụ bảo mật để kiểm soát và giám sát quyền truy cập, đảm bảo chỉ những cá nhân được ủy quyền mới có thể truy cập vào thông tin quan trọng. Ví dụ: công nghệ Blockchain đang ngày càng được sử dụng trong việc bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, giúp ngăn chặn khỏi các vụ gian lận và tạo điều kiện cho việc truy xuất nguồn gốc thông tin một cách minh bạch.
Hơn nữa, số hóa giúp doanh nghiệp quản lý dữ liệu cá nhân một cách có hệ thống và an toàn hơn. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) có thể được áp dụng để phát hiện các hành vi bất thường nhằm ngăn chặn các mối đe dọa tiềm ẩn đối với quyền riêng tư. Doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, chẳng hạn như Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam, yêu cầu tổ chức phải có biện pháp bảo vệ thông tin người dùng, tránh việc thu thập và xử lý dữ liệu trái phép.
Một trong những lợi ích quan trọng của số hóa là khả năng bảo vệ hệ thống trước các cuộc tấn công mạng. Các doanh nghiệp có thể triển khai tường lửa (firewall), phần mềm chống virus và hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS/IPS) để giám sát và ngăn chặn các mối đe dọa mạng. Hơn nữa, việc áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế như ISO/IEC 27001 giúp các doanh nghiệp xây dựng một hệ thống quản lý thông tin chặt chẽ, từ đó giảm thiểu rủi ro mất mát dữ liệu.
5. Kết luận
Quá trình số hóa đang trở thành một yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển của nền kinh tế số và hệ thống thông tin doanh nghiệp. Bài viết đã làm rõ bản chất và vai trò của số hóa trong việc nâng cao hiệu suất hoạt động, cải thiện khả năng kết nối thông tin và tăng cường an ninh dữ liệu trong doanh nghiệp. Sự thay đổi từ phương thức hoạt động truyền thống sang môi trường số hóa không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình vận hành mà còn mở ra những cơ hội phát triển mới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa. Số hóa mang lại trong định hướng phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội số hóa và xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong thời đại kinh tế số.
Chú thích:
1. Understanding the Digital Economy: What Is It and How Can It Transform Asia?. https://www.adb.org/news/events/understanding-digital-economy-what-it-and-how-can-it-transform-asia, truy cập ngày 08/01/2025.
2. Kinh tế số: Bối cảnh thế giới và liên hệ với Việt Nam. https://uet.vnu.edu.vn/kinh-te-boi-canh-gioi-va-lien-voi-viet-nam/, truy cập ngày 07/01/2025.
3. Hành trình từ Internet đến kinh tế Internet và kinh tế số. https://mic.gov.vn/hanh-trinh-tu-internet-den-kinh-te-internet-va-kinh-te-so-197154968.htm, truy cập ngày 25/01/2025.
4. Kinh tế số và chuyển đổi số tại Việt Nam. https://www.economica.vn/Content/files/PUBL%20%26%20REP/EVFTA%20and%20Digital%20Economy%20in%20Vietnam%20VIE.pdf, truy cập ngày 07/01/2025.
5. Top 10 các ứng dụng Big Data mang lại trong thực tiễn. https://bap-software.net/vi/knowledge/top-big-data-applications/, truy cập ngày 07/01/2025.
6. Toàn bộ về Big Data trong sản xuất trong 3 phút. https://vti-solutions.vn/big-data-trong-san-xuat/, truy cập ngày 08/01/2025.
7. Big Data trong Logistics: Cơ hội để tái định hình chuỗi cung ứng. https://fsivietnam.com.vn/big-data-trong-logistics/, truy cập ngày 08/01/2025.
8. Vai trò của Big Data trong cách mạng Logistics 4.0. https://vlr.vn/vai-tro-cua-big-data-trong-cach-mang-logistics-4-0-18028.html, truy cập ngày 25/01/2025.
9. Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế số tại Việt Nam. https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/nghien-cuu-trao-doi/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-kinh-te-so-tai-viet-nam.html, truy cập ngày 25/01/2025.
10. Internet phủ rộng – Động lực thúc đẩy kinh tế số Việt Nam. https://vtv.vn/kinh-te/internet-phu-rong-dong-luc-thuc-day-kinh-te-so-viet-nam-20231125113054238.htm, truy cập ngày 09/01/2025.
11. Phân tích dữ liệu lớn trong thị trường ngân hàng. https://www.mordorintelligence.com/vi/industry-reports/big-data-in-banking-industry, truy cập ngày 25/01/2025.
12, 14. 6 ứng dụng hữu ích của Data Science trong ngành ngân hàng. https://insight.isb.edu.vn/6-ung-dung-cua-data-science-nganh-ngan-hang/, truy cập ngày 25/01/2025.
13. Cách HSBC đã sử dụng công nghệ AI để phát triển hệ thống ngân hàng mở. https://develop.ncb-bank.vn/vi/article/cach-hsbc-da-su-dung-cong-nghe-ai-de-phat-trien-he-thong-ngan-hang-mo, truy cập ngày 10/01/2025.
15. Trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology góp phần nâng cao hiệu quả điều trị ung thư. https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/tri-tue-nhan-tao-ibm-watson-for-oncology-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-ieu-tri-ung-thu?inheritRedirect=false, truy cập ngày 25/01/2025.
16. Watsonx Assistant for Healthcare. https://www.ibm.com/products/watsonx-assistant/healthcare, truy cập ngày 25/01/2025.
17. Ngành Tài chính – Ngân hàng trước bài toán phân tích dữ liệu khổng lồ. https://vietnambiz.vn/nganh-tai-chinh-ngan-hang-truoc-bai-toan-phan-tich-du-lieu-khong-lo-20221027191351931.htm, truy cập ngày 11/01/2025.
18. What is ERP?. https://www.oracle.com/vn/erp/what-is-erp/, truy cập ngày 25/01/2025.
19. Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR). https://gdpr-info.eu/, truy cập ngày 11/01/2025.
20. Đạo luật Quyền riêng tư của người tiêu dùng California (CCPA). https://oag.ca.gov/privacy/ccpa, truy cập ngày 11/01/2025.
21. So sánh CRM và ERP: Nên chọn hệ thống nào để quản trị doanh nghiệp?. https://itgtechnology.vn/so-sanh-crm-va-erp, truy cập ngày 04/02/2025.
22. ERP là gì? CRM là gì? Sự khác biệt giữa ERP vs CRM. https://www.zoho.com/blog/vi/crm/erp-vs-crm.html, truy cập ngày 04/02/2025.
23. TOP 5 công cụ hỗ trợ trao đổi nội bộ hiệu quả nhất cho doanh nghiệp. https://1office.vn/trao-doi-noi-bo, truy cập ngày 04/02/2025.
24. Top 8 phần mềm app truyền thông nội bộ miễn phí tốt nhất 2023. https://businesswiki.codx.vn/app-truyen-thong-noi-bo/, truy cập ngày 04/02/2025.
25. The Role of ERP in Supply Chain Management. https://www.netsuite.com/portal/resource/articles/erp/supply-chain-management-erp.shtml, truy cập ngày 04/02/2025.
26. Giải pháp bảo mật thông tin cho doanh nghiệp hiệu quả thời số hóa. https://mpsolutions.com.vn/blog/tin-cong-nghe/giai-phap-bao-mat-thong-tin-cho-doanh-nghiep-hieu-qua-thoi-so-hoa-oanrverjfg/, truy cập ngày 04/02/2025.