TS. Nguyễn Ngọc Dương
ThS. Nguyễn Ngọc Anh
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Sản xuất xanh là xu thế tất yếu của các ngành sản xuất nói chung và ngành Dệt may nói riêng. Năng lực sản xuất xanh được hiểu là khả năng của một doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy trình, công nghệ và chiến lược quản trị hướng tới sản xuất bền vững; đồng thời, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất này, do đó, việc xây dựng một mô hình tổng thể phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực sản xuất xanh là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Bài viết hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất các mô hình nghiên cứu và yếu tố ảnh hưởng đến năng lực sản xuất xanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Đây là mô hình làm tiền đề cho việc triển khai nghiên cứu thực nghiệm nhằm gợi mở cho các nghiên cứu tiếp theo đến năng lực sản xuất xanh hiện nay.
Từ khóa: Năng lực sản xuất xanh; doanh nghiệp dệt may; mô hình nghiên cứu; Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những mục tiêu cụ thể về chuyển đổi các ngành kinh tế theo hướng xanh, trong đó, ngành Dệt may là một trong những ngành chủ lực. Năm 2024, ngành Dệt may thuộc nhóm 4 ngành xuất khẩu lớn, đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, với khoảng 7.000 doanh nghiệp hoạt động và tạo việc làm trực tiếp cho trên 3 triệu lao động1. Ngành này đã tiếp thu tốt công nghệ tự động hóa, quản trị số cũng như thích ứng tốt trước các đòi hỏi về tiêu chuẩn xanh bền vững từ nhiều thị trường xuất khẩu, đây chính là tiền đề, là cơ sở cho tăng trưởng của ngành Dệt may. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của doanh nghiệp được hình thành từ sự kết hợp giữa các yếu tố nội tại, như: quản trị, nguồn nhân lực, công nghệ, quy trình sản xuất và các yếu tố khác, như chính sách, môi trường kinh tế và hạ tầng kỹ thuật… Do đó, đã trở thành yếu tố quan trọng không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định về môi trường mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh thông qua việc cải tiến công nghệ, tối ưu hóa tài nguyên và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về sản phẩm bền vững. Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực sản xuất xanh của các doanh nghiệp dệt may là giải pháp cơ bản mang tính cấp thiết hiện nay.
2. Cơ sở lý luận về năng lực sản xuất xanh
Thực tế đã có nhiều quan điểm tiếp cận cũng như cách định nghĩa khác nhau về năng lực sản xuất xanh. Ở góc độ doanh nghiệp, năng lực là khả năng duy trì, triển khai, phối hợp các nguồn lực bằng các cách thức khác nhau giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu trong những bối cảnh cạnh tranh2. Dưới góc độ tổ chức, năng lực được thể hiện ở mức độ sử dụng khả năng và nguồn lực sẵn có của tổ chức đó để thực thi các hoạt động chủ yếu3. Nhìn chung, phần lớn các quan điểm tiếp cận về năng lực đều nhất trí rằng, năng lực được hình thành dựa trên sự phối hợp của cả nguồn lực và khả năng. Theo đó, năng lực phản ánh việc sử dụng khả năng, trình độ và khai thác khả năng, còn nguồn lực là yếu tố tham gia vào việc tạo ra khả năng. Vì vậy, các yếu tố nguồn lực cơ bản của tổ chức tạo ra khả năng có thể kể đến, như: nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, công nghệ, thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp…4.
Cũng tương tự khái niệm về năng lực sản xuất xanh là khái niệm có nhiều quan điểm tiếp cận và cách định nghĩa khác nhau trên quy mô quốc gia, sản xuất xanh được xem là thành phần then chốt trong chiến lược phát triển bền vững; đồng thời, là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xanh. Cụ thể, sản xuất xanh được định nghĩa là hệ thống sản xuất sử dụng các công nghệ để giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, đồng thời, cải thiện tính bền vững về mặt kinh tế và môi trường5. Ở cấp độ doanh nghiệp, khái niệm sản xuất xanh không chỉ là tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường mà nó còn được xem như một chiến lược để gia tăng giá trị cũng như tạo lợi thế cạnh tranh. Cách tiếp cận này không chỉ chú trọng vào việc giảm thiểu ô nhiễm mà còn tích hợp các yếu tố bền vững vào mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ thiết kế sản phẩm, quản lý quy trình cho đến phát triển công nghệ nhằm hướng tới mục tiêu đạt được lợi ích kinh tế ổn định trong dài hạn6. Vì vậy, sản xuất xanh có thể hiểu là một phương thức sản xuất nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và tài nguyên; đồng thời, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, phù hợp với các yêu cầu của phát triển bền vững.
Theo quan điểm của nhóm tác giả, khái niệm năng lực sản xuất xanh của doanh nghiệp có thể được xác lập như sau: “Năng lực sản xuất xanh được hiểu là khả năng của một doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy trình, công nghệ và chiến lược quản trị nhằm hướng tới sản xuất bền vững, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”. Điều này, không chỉ bao gồm việc sử dụng công nghệ tiên tiến để tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, chất thải mà còn đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo, quản trị hiệu quả và cải tiến liên tục nhằm xây dựng một hệ thống sản xuất cạnh tranh và thân thiện với môi trường trong dài hạn. Vì vậy, để có thể trở thành một doanh nghiệp xanh, các doanh nghiệp cần phải “xanh hóa” hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình7. Tuy nhiên, quá trình này không đơn giản chỉ liên quan đến việc doanh nghiệp chủ động cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất mà còn ràng buộc với các yếu tố ảnh hưởng đến từ môi trường bên ngoài, bao gồm: chính sách xanh (OECD, 2009; UNIDO, 2013; Porter và Van der Linde, 1995) và tiêu dùng xanh (Thogersen, 2011). Trong đó, chính sách xanh đóng vai trò tạo động lực và khung pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời, thúc đẩy nhận thức của người tiêu dùng; còn tiêu dùng xanh đóng vai trò tạo ra nhu cầu thị trường cho sản phẩm xanh, khuyến khích doanh nghiệp và Chính phủ tiếp tục đầu tư vào các sáng kiến xanh.
Bài viết nghiên cứu là các yếu tố thuộc môi trường nội tại ảnh hưởng đến năng lực sản xuất xanh của doanh nghiệp, bao gồm: (1) Chính sách xanh; (2) Tiêu dùng xanh; (3) Lãnh đạo và tư duy quản trị xanh; (4) Tài chính xanh; (5) Công nghệ xanh; (6) Quản lý chuỗi cung ứng xanh; (7) Nhân lực và văn hóa doanh nghiệp xanh, đây là các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực sản xuất xanh của doanh nghiệp.
3. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu đề xuất
Trên cơ sở hệ thống hóa các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực sản xuất xanh, nhóm nghiên cứu đề xuất các giả thuyết và mô hình nghiên cứu nhằm kiểm chứng mối quan hệ giữa các biến số đến năng lực sản xuất xanh của các doanh nghiệp, trong đó giả thuyết và cơ sở đề xuất giả thuyết như sau:
Giả thuyết H1: Chính sách xanh tác động tích cực đến năng lực sản xuất xanh của doanh nghiệp dệt may.
Chính sách, pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và thúc đẩy năng lực sản xuất xanh tại các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng. Các quy định của pháp luật về môi trường không chỉ tạo ra áp lực cưỡng chế để buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ mà còn khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang các hoạt động sản xuất bền vững. Các quy định này giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu của Chính phủ mà còn đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, từ đó, nâng cao uy tín và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu.
Các quy định về phát triển bền vững và xanh hóa ngành sản xuất, bao gồm các chính sách bảo vệ môi trường, quản lý chất thải, tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguyên liệu xanh. Nghiên cứu của (Delmas & Toffel, 2008) đã chỉ ra rằng, các yêu cầu và quy định môi trường thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến sản xuất khi tuân thủ quy định về môi trường có thể sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Việc tuân thủ và thích ứng với các quy định môi trường buộc doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ xanh và cải tiến quy trình sản xuất, từ đó, nâng cao năng lực sản xuất xanh.
Giả thuyết H2: Tiêu dùng xanh.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, áp lực từ thị trường và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm xanh thúc đẩy doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả sản xuất xanh. Nghiên cứu của (Zhu & Geng, 2013 và Lee & Klassen, 2008) cho thấy, khi thị trường đòi hỏi các sản phẩm thân thiện với môi trường thì doanh nghiệp buộc phải cải tiến quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn đó. Tiêu dùng xanh đóng vai trò thúc đẩy sản xuất xanh thông qua nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, hay nói cách khác, nhu cầu của khách hàng về sản phẩm xanh là động lực chính khiến doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường năng lực sản xuất xanh. Ngoài ra, cần tập trung vào mối liên hệ giữa giá trị tiêu dùng xanh và phản ứng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường, các giá trị tiêu dùng xanh có thể tác động mạnh mẽ đến quá trình ra quyết định mua hàng; đồng thời, góp phần thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững.
Giả thuyết H3: Lãnh đạo và tư duy quản trị xanh.
Lãnh đạo xanh dựa trên các lý thuyết, như lãnh đạo chuyển đổi, lý thuyết các bên liên quan và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy nhận thức môi trường trong tổ chức. Có nhiều nghiên cứu điển hình, như: (Robertson, J. L., & Barling, J., 2013), (Jabbour, C. J. C., và cộng sự, 2016) đã chứng minh rằng, tầm quan trọng của tư duy lãnh đạo và phong cách quản trị trong việc định hướng chiến lược xanh, thúc đẩy văn hóa đổi mới và tạo điều kiện cho các sáng kiến bảo vệ môi trường. Việc thiết lập các mục tiêu bền vững và xây dựng văn hóa trách nhiệm bảo vệ môi trường không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp lý mà còn tạo dựng một hình ảnh tích cực trong mắt khách hàng và cộng đồng. Vì vậy, lãnh đạo xanh không chỉ là một chiến lược tuân thủ pháp lý mà còn là một cách để doanh nghiệp phát triển bền vững và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường toàn cầu.
Giả thuyết H4: Tài chính xanh.
Nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất xanh của doanh nghiệp, việc có đủ nguồn vốn không chỉ giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và cải tiến quy trình sản xuất mà còn giúp họ vượt qua các rào cản tài chính khi thực hiện các sáng kiến xanh.
Nghiên cứu của (Liu và Ma, 2019) đã chỉ ra rằng, hạn chế về tài chính có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đổi mới xanh trong các doanh nghiệp sản xuất. Tương tự, nghiên cứu của (Wang và Zhao, 2012) cũng cho thấy, sự hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như các khoản trợ cấp của Chính phủ và các hình thức tín dụng ưu đãi có tác động tích cực đến việc thúc đẩy đổi mới công nghệ xanh. Những hỗ trợ này giúp doanh nghiệp giảm bớt hạn chế về vốn, tạo điều kiện để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) xanh cũng như triển khai các giải pháp công nghệ thân thiện với môi trường.
Việc bảo đảm nguồn lực tài chính hỗ trợ các hoạt động đổi mới là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường mà còn nâng cao uy tín và vị thế của họ trên thị trường toàn cầu.
Giả thuyết H5: Công nghệ xanh.
Đổi mới xanh là việc đầu tư vào công nghệ hiện đại và các giải pháp tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Theo (Rennings, 2000) và (Porter & van der Linde, 1995) đã khẳng định, áp dụng công nghệ xanh sẽ làm tăng năng lực sản xuất và giảm lượng chất thải phát sinh.
Ở một nghiên cứu khác, (Caniato, F. và cộng sự, 2012) tập trung phân tích chuỗi cung ứng trong ngành thời trang và dệt may cho thấy, việc áp dụng công nghệ xanh giúp giảm thiểu tác động môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Đồng thời, áp dụng công nghệ nhuộm sinh học và công nghệ tái chế nước giúp giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường, hỗ trợ tích cực tới năng lực sản xuất xanh của doanh nghiệp. Vì vậy, có thể thấy, yếu tố công nghệ xanh là một trong những yếu tố then chốt quyết định đến năng lực sản xuất xanh của doanh nghiệp.
Giả thuyết H6: Quản lý chuỗi cung ứng xanh.
Đây là sự kết hợp yếu tố môi trường vào quản trị chuỗi cung ứng, bao gồm: thiết kế sản phẩm, tìm kiếm và lựa chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm cuối cùng cho người tiêu dùng và quản lý sản phẩm sau khi sử dụng nó. Nghiên cứu của (Govindan và cộng sự, 2015) đã chỉ ra rằng, quản lý chuỗi cung ứng xanh là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả bền vững trong sản xuất. Do đó, ngành sản xuất phụ thuộc cơ bản vào nguyên liệu và nguồn cung, việc lựa chọn nguyên liệu đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi xanh. Vì vậy, khi doanh nghiệp tích hợp các quy trình sản xuất và phân phối theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, toàn bộ hệ thống sẽ hoạt động hiệu quả, góp phần tăng cường năng lực sản xuất xanh.
Giả thuyết H7: Quản trị nhân lực và văn hóa doanh nghiệp xanh.
Nguồn nhân lực được coi là yếu tố cốt lõi trong sự phát triển và thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt là trong việc triển khai các chiến lược sản xuất xanh. Đội ngũ nhân viên không chỉ là những người thực hiện các công việc hằng ngày mà còn là những nguồn lực đổi mới, sáng tạo góp phần vào việc cải tiến quy trình sản xuất sản phẩm, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất. Các nghiên cứu về quản trị nhân lực xanh cho thấy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng đến bảo vệ môi trường là những yếu tố thiết yếu để cải thiện hiệu suất môi trường. Đầu tư vào quản trị nhân lực xanh không chỉ cải thiện hiệu quả doanh nghiệp mà còn tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hành sản xuất xanh.

Dựa vào mô hình các giả thuyết nghiên cứu cùng với quá trình tổng quan các công trình nghiên cứu trước đó, nhóm tác giả đã tổng hợp và hiệu chỉnh các biến quan sát sẽ sử dụng trong mô hình nghiên cứu, như sau:


Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp và hiệu chỉnh, 2024.
Để kiểm định thang đo nghiên cứu, các phương pháp kiểm định cơ bản có thể được sử dụng, đó là: kiểm định EFA, CFA, hệ số Cronbach’s Alpha và Bartlett’s Test. Các mối quan hệ giữa biến độc lập và biến phụ thuộc sẽ được kiểm định thông qua mô hình hồi quy đa biến dựa trên dữ liệu khảo sát từ các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam.
4. Kết luận
Với 7 biến độc lập, 1 biến phụ thuộc và 7 giả thuyết, mô hình nghiên cứu được đề xuất nhằm giúp làm rõ vai trò của các yếu tố nội tại và bên ngoài ảnh hướng đến năng lực sản xuất xanh của các doanh nghiệp dệt may. Việc xây dựng và kiểm định mô hình sẽ cung cấp cơ sở lý luận cũng như bằng chứng thực nghiệm cho các nhà quản trị và hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất xanh và bền vững cho các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam trong thời gian tới.
Chú thích:
1. Phát triển kinh tế xanh: Cơ hội và thách thức đối với ngành Dệt may Việt Nam.https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/982203/phat-trien-kinh-te-xanh–co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-nganh-det-may-viet-nam.aspx
2. Sanchez, R., Heene, A., & Thomas, H. (1996). Introduction: Towards the theory and practice of competence-based competition. In: R. Sanchez, A. Heene & H. Thomas (Eds), Dynamics of competence-based competition. Theory and practice in the new strategic management (pp. 1 – 35). Oxford: Elsevier Science
3. Mai Thanh Lan (2012). Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ tư vấn quản lý của các doanh nghiệp tư vấn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Thương mại, Hà Nội.
4. Grant, R.M (2010). Comtemporary Strategy Analysis, 7th ed, John Wiley& Sons Ltd
5. OECD (2009). Eco-Innovation in Industry: Enabling Green Growth, OECD Publishing.
6. Azzone, G., & Noci, G. (1998). Identifying effective PMSs for the deployment of “green” manufacturing strategies, International Journal of Operations & Production Management, 18(4), 308-335.
7. David A. Dornfeld (2012). Green Manufacturing: Fundamentals and Applications, Springer Science & Business Media, 04 – 25.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
2. Chính sách công nghiệp xanh – kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/09/04/chinh-sach-cong-nghiep-xanh-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-cho-viet-nam/
3. “Xanh hóa” ngành Dệt may – động lực và giải pháp cần có ở Việt Nam. https://dangcongsan.vn/phat-trien-kinh-te-xanh-ly-luan-va-thuc-tien/xanh-hoa-nganh-det-may-dong-luc-va-giai-phap-can-co-o-viet-nam-671710.html
4. Caniato, F., Caridi, M., Crippa, L., & Moretto, A. (2012). Environmental Sustainability in Fashion Supply Chains: An Exploratory Case Based Research. International Journal of Production Economics, 135 (2), 659 – 670.
5. Delmas, M. A., & Toffel, M. W. (2008). Organizational responses to environmental demands: Opening the black box. Strategic Management Journal, 29 (10), 1.027 – 1.055.
6. Jabbour, C. J. C., de Sousa Jabbour, A. B. L., Foropon, C., & Filho, M. G. (2016). When titans meet – Can industry 4.0 revolutionize the environmentally sustainable manufacturing wave?Technological Forecasting and Social Change, 102, 262 – 272.
7. Lee, S. Y., & Klassen, R. D. (2008). Drivers and enablers that foster environmental management capabilities in small‐and medium‐sized suppliers in supply chains. Production and Operations Management, 17 (6), 573 – 586.
8. Liu, X., & Ma, L. (2019). Financial constraints and green innovation: Evidence from manufacturing firms. Journal of Cleaner Production, 234, 1.322 – 1.331.
9. Porter, M. E., & van der Linde, C. (1995). Toward a new conception of the environment-competitiveness relationship. Journal of Economic Perspectives, 9 (4), 97 – 118.
10. Rennings, K. (2000). Redefining innovation – eco-innovation research and the contribution from ecological economics. Ecological Economics, 32 (2), 319 – 332.
11. Robertson, J. L., & Barling, J. (2013). Greening organizations through leaders’ influence on employee pro-environmental behaviors. Journal of Organizational Behavior, 34 (2), 176 -194.
12. Thogersen, J. (2011). Green shopping: For selfish reasons or the common good? American Behavioral Scientist, 55 (8), 1.052 – 1.076.
13. UNIDO (2013). Greening of Industry for Sustainable Development. United Nations Industrial Development Organization.
14. Zhu, Q., & Geng, Y. (2013). Drivers and barriers of extended supply chain practices for energy saving and emission reduction among Chinese manufacturers. Journal of Cleaner Production, 40, 6 -12.