(Quanlynhanuoc.vn) – Nhiều chính sách quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội có hiệu lực từ tháng 3/2025, như: quy định cơ cấu tổ chức nhiều bộ, ngành sau tinh gọn bộ máy; quy định mới về chế độ bảo hiểm xã hội đối với dân quân thường trực; khai thác khoáng sản…

1. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/3/2025
Theo đó, Điều 26 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 đã quy định hình thức hoạt động của Chính phủ như sau:
(1) Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một phiên; họp chuyên đề, họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Chính phủ.
(2) Trong trường hợp Chính phủ không họp, Thủ tướng Chính phủ quyết định gửi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ bằng văn bản.
(3) Chính phủ họp theo yêu cầu của Chủ tịch nước để bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
(4) Đổi mới hình thức hoạt động của Chính phủ gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả và xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
2. Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức mới của các bộ, ngành
Từ 01/3/2025, nhiều nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy có hiệu lực, như: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tư pháp; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Văn phòng Chính phủ; Bộ Ngoại giao; Thông tấn xã Việt Nam; Bộ Nội vụ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Bộ Công Thương.
Nghị định số 36/2025/NĐ-CP quy định Văn phòng Chính phủ có 18 đơn vị, giảm 2 so với trước. Các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ là các tổ chức hành chính do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.
Nghị định số 25/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ có 18 đơn vị hành chính và 4 đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, sau khi hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đã giảm 13 đầu mối so với ban đầu (hơn 37%), từ 35 xuống còn 22 đơn vị.
Nghị định số 28/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao. Theo đó, Bộ Ngoại giao gồm 25 đơn vị, giảm 3 đơn vị so với trước.
Theo quy định tại Nghị định số 39/2025/NĐ-CP, Bộ Tư pháp gồm 20 đơn vị, giảm 5 so với trước.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo được quy định trong Nghị định số 37/2025/NĐ-CP. Sau sắp xếp bộ máy, Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm từ 23 xuống còn 18 đơn vị.
Nghị định số 26/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo hướng cơ quan này có 20 đơn vị trực thuộc (trong đó có 18 đơn vị là tổ chức hành chính, 2 đơn vị là đơn vị sự nghiệp công lập). Như vậy, so với cơ cấu tổ chức cũ, bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm 6 đơn vị, trong đó giảm 2 đơn vị hành chính và 3 đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Nghị định số 40/2025/NĐ-CP của Chính phủ, cơ cấu tổ chức Bộ Công Thương còn 22 đầu mối, giảm 6 đơn vị so với trước.
Nghị định số 41/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Dân tộc và Tôn giáo. Theo đó, Bộ Dân tộc và Tôn giáo là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Công tác dân tộc; tín ngưỡng, tôn giáo và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật. Bộ Dân tộc và Tôn giáo gồm 13 đơn vị, trong đó có 9 đơn vị giúp việc, 3 đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định số 27/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam nêu rõ, Thông tấn xã Việt Nam có cơ cấu tổ chức gồm 22 đơn vị (giảm 6 đơn vị so với quy định tại Nghị định số 87/2022/NĐ-CP). Nghị định nêu rõ, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, thực hiện chức năng đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; phổ biến thông tin phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước.
Nghị định số 38/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo hướng Viện này còn 24 đơn vị, gồm 5 đơn vị chuyên môn giúp việc, 13 tổ chức khoa học và công nghệ công lập, 6 đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định số 32/2025/NĐ-CP quy định Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn 26 đơn vị (giảm 12 đầu mối so với trước), trong đó có 4 đơn vị chuyên môn; 19 tổ chức khoa học và công nghệ công lập; 3 đơn vị sự nghiệp công lập khác.
3. Miễn thị thực 3 nước nhập cảnh vào Việt Nam du lịch
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về việc miễn thị thực theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân các nước: Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc và Liên bang Thụy Sỹ.
Theo đó, miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc, Liên bang Thụy Sỹ với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh với mục đích du lịch theo chương trình của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức, không phân biệt loại hộ chiếu, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước nêu trên được thực hiện 01/3/2025 – hết 31/12/2025 theo khuôn khổ Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025.
4. Thay đổi khung khai thác sỏi, cát lòng sông
Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định trong lĩnh vực khoáng sản; trong đó có Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2025.
Theo quy định mới, giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông phải có nội dung về thời gian được phép hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trong ngày, từ 5 giờ đến 19 giờ; quy định về thời gian khai thác trong năm. (Theo quy định cũ tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP thì khung thời gian khai thác từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm).
Căn cứ vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thời tiết, thủy văn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thời gian khai thác cụ thể đối với từng giấy phép, hồ sơ đăng ký nhưng không vượt quá khung thời gian quy định nêu trên.
Nghị định số 10/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP về bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông. Trong đó, khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi phải nằm trong phạm vi cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
5. Không miễn lệ phí trước bạ ô tô điện
Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ. Theo đó, tại điểm c khoản 5 Điều 8 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định về mức thu lệ phí trước bạ đối với tô điện chạy pin:
– Trong vòng 3 năm kể từ ngày Nghị định số 10/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (từ 01/3/2022): nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%.
– Trong vòng 2 năm tiếp theo: nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Như vậy, bắt đầu từ ngày 01/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước, mà phải đóng mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
6. Tăng phụ cấp cho dân quân tự vệ, chỉ huy quân sự xã
Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2025/NĐ-CP ngày 04/02/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ; có hiệu lực thi hành từ ngày 23/3/2025.
Nghị định số 16/2025/NĐ-CP sửa đổi khoản 1 Điều 7 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định về mức phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ. Theo quy định mới, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức được hưởng phụ cấp là 561.600 đồng (quy định cũ là 357.600 đồng).
Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động được hưởng phụ cấp là 514.800 đồng (quy định cũ là 327.800 đồng)…
7. Người dân được cấp, đổi lại giấy phép lái xe trực tiếp tại công an xã, phường
Từ đầu tháng 3, người dân được đổi giấy phép lái xe theo 02 cách trực tiếp và trực tuyến.
Trong đó, hồ sơ cần chuẩn bị gồm: Đơn đề nghị đổi hoặc cấp lại giấy phép lái xe; Giấy khám sức khỏe trừ người có giấy phép lái xe hạng A1, A, B1; Giấy phép lái xe; Bản sao hoặc bản sao điện tử được chứng thực của Căn cước công dân, hộ chiếu còn hạn sử dụng nếu là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Thời gian giải quyết là 5 ngày kể từ ngày được tiếp nhận hồ sơ. Thông tin giấy phép lái xe sẽ được cập nhật trên VNeID và trang tra cứu thông tin của cục Cảnh sát giao thông sau 3 ngày tiếp nhận.
Nếu người dân thực hiện đổi, cấp giấy phép lái xe online thì thực hiện ở cổng dịch vụ công quốc gia và sẽ mất phí 115.000 đồng/lần cấp.
8. 35 bệnh hiểm nghèo được cá nhân kêu gọi đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân
Từ ngày 01/3/2025, sẽ có tới 35 bệnh hiểm nghèo được cá nhân kêu gọi đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân tại Thông tư số 50/2024/TT-BYT. Cụ thể:
– Viêm màng não và viêm não màng não do Listeria mức độ nặng
– Nhiễm khuẩn huyết mức độ nặng, phải sử dụng kỹ thuật như lọc máu, tim phổi nhân tạo
– Bệnh bại liệt cấp có di chứng, không có khả năng phục hồi
– Bệnh HIV dẫn đến bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng/ gây u ác tính/ dẫn đến các bệnh xác định khác/ bệnh lý khác trong đó, HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự chăm sóc bản thân
– U ác tính giai đoạn cuối
– Thiếu máu tan máu mắc phải có biến chứng
– Các thể suy tủy xương khác có biến chứng
– Ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn không đáp ứng với điều trị thông thường…
9. Về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Có hiệu lực từ 27/3/2025, Nghị định số 20/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết quy định về trường hợp vay ngân hàng trực tiếp không còn là giao dịch liên kết.
Cụ thể, các bên liên kết được quy định cụ thể là một doanh nghiệp bảo lãnh/cho một doanh nghiệp khác vay dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện tổng dư nợ các khoản vốn vay hoặc bảo lãnh ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp đi vay và chiếm 50% tổng dư nợ tất cả khoản nợ trung, dài hạn của doanh nghiệp đi vay trừ 02 trường hợp:
– Bên bảo lãnh/cho vay là tổ chức kinh tế hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng không tham gia trực tiếp, gián tiếp điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp được bảo lãnh.
– Bên bảo lãnh/cho vay là tổ chức kinh tế hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đi vay/được bảo lãnh không trực tiếp, gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư của một bên khác.
10. Mẫu báo cáo thẩm định được sử dụng trong hoạt động đấu thầu
Từ ngày 01/3/2025, Thông tư số 23/2024/TT-BKHĐT quy định chi tiết mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu sẽ có hiệu lực.
Theo đó, các mẫu báo cáo thẩm định được sử dụng trong hoạt động đấu thầu gồm:
– Mẫu hồ sơ yêu cầu áp dụng với quy trình chỉ định thầu thông thường:
+ Mẫu số 1A: dùng lập hồ sơ yêu cầu gói thầu xây lắp;
+ Mẫu số 1B: dùng lập hồ sơ yêu cầu gói thầu mua sắm hàng hóa;
+ Mẫu số 1C: dùng lập hồ sơ yêu cầu gói thầu dịch vụ phi tư vấn;
+ Mẫu số 1D: dùng lập hồ sơ yêu cầu gói thầu dịch vụ tư vấn.
– Mẫu báo cáo thẩm định được sử dụng cho đấu thầu qua mạng và đấu thầu không qua mạng, bao gồm:
+ Mẫu số 3A: dùng lập báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu;
+ Mẫu số 3B: dùng lập báo cáo thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, gói thầu áp dụng hình thức chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường;
+ Mẫu số 3C: dùng lập báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.
PV (Tổng hợp)