TS. Phạm Thị Hồng Thắm
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Văn phòng là đơn vị phổ biến ở tất cả các cấp độ quản lý trong cả khu vực công cũng như ở ngoài khu vực tư. Vì vậy, nghiên cứu về văn phòng được coi là một nội dung nghiên cứu quan trọng. Trong đó, nghiên cứu về văn phòng hiện đại luôn là vấn đề được đặt ra ở mỗi thời điểm nhằm giúp cho hoạt động của loại hình đơn vị phổ biến này được hiệu quả hơn trong mỗi cơ quan, tổ chức.
Từ khóa: Văn phòng hiện đại; nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại; năng lực cá nhân; quản trị văn phòng hiện đại.
1. Đặt vấn đề
Từ thực tiễn đã cho thấy, có nhiều công trình, bài viết về văn phòng hiện đại, nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại. Do đó, cũng có nhiều quan niệm về khái niệm của hai thuật ngữ này. Việc hiểu đúng những thuật ngữ có ý nghĩa rất lớn đối với việc nhìn nhận các phương diện hoạt động của văn phòng và quản trị văn phòng. Với mong muốn góp thêm tiếng nói cho việc nghiên cứu về văn phòng hiện đại và lãnh đạo văn phòng trong bối cảnh hiện nay, bài viết phân tích, luận giải về khái niệm văn phòng hiện đại và lãnh đạo văn phòng hiện đại cũng như đưa ra một số đề xuất yêu cầu mới đối với nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại.
2. Văn phòng hiện đại và nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại – một số khái niệm liên quan
a. Văn phòng
Hiện, có rất nhiều định nghĩa về văn phòng (office). Theo Từ điển Tiếng Việt, văn phòng được hiểu là “bộ phận phụ trách công việc giấy tờ, hành chính trong một cơ quan”1.
Văn phòng còn được hiểu “là một bộ máy điều hành tổng hợp của cơ quan, đơn vị; là nơi thu thập, xử lý thông tin hỗ trợ hoạt động quản lý; là nơi chăm lo mọi lĩnh vực dịch vụ hậu cần bảo đảm các điều kiện vật chất cho hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị. Văn phòng có thể là phòng Hành chính – Quản trị, hoặc phòng Hành chính – Tổ chức – Quản trị, hay phòng Hành chính – Tổng hợp”2.
Hay: “Văn phòng là một bộ phận thuộc khối hành chính văn phòng có nhiệm vụ xây dựng, thực hiện các thủ tục hành chính, bao gồm: tiếp nhận và xử lý văn bản, giấy tờ; quản lý hồ sơ, tài liệu, cho một cơ quan, đơn vị, một tổ chức” hay “văn phòng lại được hiểu là một cơ quan, một tổ chức riêng biệt, có tính độc lập, như: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND)”3.
“Văn phòng được hiểu là một tổ chức thuộc cơ cấu của một cơ quan, tổ chức có chức năng tham mưu, tổng hợp cho lãnh đạo và bảo đảm hậu cần nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức đó”4.
Trong thực tế, văn phòng còn được tổ chức hoạt động tương đối độc lập, thay mặt cơ quan, đơn vị thực hiện những nhiệm vụ ở ngoài cơ quan, đơn vị chính. Trong một số trường hợp, văn phòng gần như một cơ quan hoàn chỉnh, như: các văn phòng đại diện của các tổ chức, doanh nghiệp tại các vùng, khu vực hay ở nước ngoài. “Trong các cơ quan tham gia quản lý ngành hay lĩnh vực, văn phòng là bộ máy tham mưu, tổng hợp quan trọng, phục vụ điều hành của lãnh đạo”5, như: văn phòng của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Văn phòng cũng được dùng để gọi các tổ chức độc lập được pháp luật thừa nhận với tên gọi, như: văn phòng luật sư, văn phòng tư vấn, văn phòng nghị sĩ, văn phòng kiến trúc sư…6.
Trong hệ thống các cơ quan nhà nước ở Việt Nam hiện nay, văn phòng còn là các cơ quan độc lập có chức năng tham mưu tổng hợp, giúp việc, tổ chức phục vụ cho sự quản lý chung hoặc cho sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo, như: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng của Chủ tịch nước.
Như vậy, tiếp cận theo hướng gắn với cơ cấu trong hệ thống các cơ quan, tổ chức, văn phòng được hiểu là một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của một cơ quan, thực hiện chức năng tham mưu, tổng hợp và hậu cần, bảo đảm cho hoạt động của cơ quan đó được thông suốt và đồng bộ. Và văn phòng còn là một tổ chức độc lập được pháp luật thừa nhận hoặc là một cơ quan độc lập có chức năng tham mưu tổng hợp, giúp việc, tổ chức phục vụ cho sự quản lý chung hoặc cho sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo.
Tiếp cận theo hướng gắn với chức năng, nhiệm vụ, văn phòng được hiểu là cơ quan, tổ chức, bộ phận thực hiện chức năng tham mưu, tổng hợp, tổ chức phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhà lãnh đạo hay cho ngành, lĩnh vực.
b. Văn phòng hiện đại
Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, hiện đại được định nghĩa: “(1) thuộc về thời đại ngày nay; (2) có áp dụng những phát minh, những thành tựu mới nhất của khoa học, kỹ thuật; đối lập với cổ điển”7. Cũng cần thấy được sự giống và khác nhau của các khái niệm: hiện đại và hiện nay hay hiện giờ. Trong tiếng Việt, hiện nay được hiểu là “thời gian hiện tại”; hiện giờ được hiểu là “thời gian hiện đang nói”8. Bên cạnh đó, cần nhận diện được cụm từ hiện đại hóa để từ đó nhận diện rõ sự khác nhau giữa văn phòng hiện đại với hiện đại hóa văn phòng.
Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, hiện đại hóa được định nghĩa: “(1) làm cho mang tính chất của thời đại mới; (2) làm cho trở thành có đầy đủ mọi trang bị, thiết bị của nền công nghiệp hiện đại”9.
Như vậy, văn phòng hiện đại được hiểu là cơ quan, tổ chức, bộ phận có áp dụng những phát minh, những thành tựu mới nhất của khoa học, kĩ thuật thuộc thời đại ngày nay để thực hiện chức năng tham mưu, tổng hợp, tổ chức phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhà lãnh đạo hay cho ngành, lĩnh vực.
Văn phòng hiện đại không chỉ hiểu đơn giản là những nơi làm việc có thiết kế về kiến trúc hay trang thiết bị hiện đại để phát huy công năng và thẩm mỹ mà còn là tổng thể từ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, đội ngũ, cơ chế vận hành lẫn cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của thời đại ngày nay và thuộc về thời đại ngày nay.
c. Nhà lãnh đạo văn phòng
Trong tiếng Việt, lãnh đạo trước hết là một động từ, có nghĩa là “đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện”; với danh nghĩa là một danh từ, lãnh đạo có nghĩa là “người hoặc cơ quan đề ra và tổ chức, thực hiện chủ trương, đường lối”10. Chính vì vậy, nhà lãnh đạo là một cụm danh từ, được hiểu là người đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối đó. Trong các cơ quan, tổ chức, ở mỗi cấp độ, người lãnh đạo sẽ là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu. Trong mỗi cơ quan, tổ chức, đội ngũ lãnh đạo ở mỗi cấp độ sẽ gồm có một người đứng đầu (người trưởng) và có thể nhiều hơn một cấp phó giúp cho trưởng thực hiện sự lãnh đạo.
Do đó, nhà lãnh đạo văn phòng sẽ được hiểu là người đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối đó trong việc duy trì, phát triển và tổ chức các hoạt động của văn phòng. Đó chính là người đứng đầu của mỗi văn phòng hoặc cấp phó của văn phòng.
Tuy nhiên, trên thực tế, ở hầu hết các quyết định bổ nhiệm người đứng đứng đầu của mỗi văn phòng hoặc cấp phó của văn phòng, cấp có thẩm quyền sẽ dùng cụm thuật ngữ “về việc bổ nhiệm chức vụ quản lý” trong các quyết định cụ thể. Bởi lẽ, nếu dùng thuật ngữ lãnh đạo để gọi người đứng đầu của mỗi văn phòng hoặc cấp phó của văn phòng thì thực tế người đó phải luôn gắn với việc “đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện”. Trong khi đó, chức năng chính của các loại hình văn phòng vẫn là thực hiện chức năng tham mưu, tổng hợp và hậu cần, bảo đảm cho hoạt động của cơ quan, tổ chức được thông suốt và đồng bộ.
Ở Việt Nam hiện nay, đối với việc xây dựng các ngành học, các tài liệu, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng người ta thường dùng cụm thuật ngữ “quản trị văn phòng”, “nhà quản trị văn phòng” một cách phổ biến. Cần làm rõ những cụm thuật ngữ này trong mối quan hệ với cụm thuật ngữ “lãnh đạo văn phòng”. Cụ thể:
Trong tiếng Việt, quản trị là một động từ, được hiểu là “quản lý và điều hành công việc thường ngày” (ví dụ: ban quản trị, phòng quản trị, hội đồng quản trị)11.
Trong đó, quản lý được các từ điển Tiếng Việt hiện hành định nghĩa là: “(1) trông coi và giữ gìn theo những yêu cầu nhất định, (2) tổ chức và điều khiển các hoạt động theo những yêu cầu nhất định”12.
Thuật ngữ quản trị có những nét nghĩa tương đồng với quản lý. Vì vậy, trong thực tế, quản trị nhiều khi được hiểu đồng nghĩa với quản lý, nhà quản trị được hiểu đồng nghĩa với nhà quản lý. Nhà quản trị và nhà quản lý đều cần một sự tổ chức, điều hành, kiểm soát công việc một cách bài bản, chặt chẽ theo quy trình được định sẵn.
Tuy nhiên, các từ đồng nghĩa trong tiếng Việt là những từ có nghĩa giống nhau nhưng sẽ vẫn có những sắc thái hay cách sử dụng khác nhau. Vì vậy, trong mối quan hệ với quản lý, quản trị vẫn có những sắc thái nghĩa khác với quản lý. Quản trị cần được hiểu là một quá trình quản lý và điều hành công việc thường ngày một cách chủ động của cá nhân, tổ chức nhằm duy trì sự ổn định và phát triển. Bởi lẽ, nếu hiểu theo lối chiết tự thì trong quản trị, tiếng quản được hiểu là “trông coi, điều khiển”, còn tiếng trị được hiểu với các nét nghĩa là “(1) làm cho mất khả năng gây hại bằng cách diệt trừ hoặc cải tạo, (2) trừng phạt, đưa vào khuôn khổ, (3) cai trị13.
Vì vậy, nhà quản trị sẽ đòi hỏi những sự hoạch định, sáng tạo, chủ động nhiều hơn để có thể quản lý và điều hành công việc thường ngày một cách hiệu quả. Trong khi nhà quản lý luôn tổ chức và điều khiển các hoạt động theo những yêu cầu nhất định. Nhà quản trị lúc này được hiểu cùng nghĩa với nhà lãnh đạo (leader). Nhưng rõ ràng, lãnh đạo là hoạt động có tính sáng tạo cao, người lãnh đạo đòi hỏi có những tố chất có thể đảm đương được sứ mệnh “tìm đường, vạch đường, chỉ đường” cho sự phát triển của cá nhân, tổ chức (tầm nhìn) và biết truyền cảm hứng, sự tự tin; thuyết phục, gây ảnh hưởng tới các cá nhân trong cơ quan, tổ chức bằng chính sức mạnh mềm và nghệ thuật lãnh đạo của bản thân. Vì vậy, quản trị vẫn nên hiểu đồng nghĩa nhiều hơn với quản lý (manage).
Ở Việt Nam, thuật ngữ “quản trị văn phòng” thường được dịch sang tiếng Anh là “office management”. Quản trị văn phòng được hiểu là toàn bộ hoạt động quản lý và điều hành công việc thường ngày của văn phòng. Đó chính là toàn bộ các hoạt động quản lý và điều hành công việc trong thực hiện chức năng tham mưu, tổng hợp, tổ chức phục vụ cho lãnh đạo, quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhà lãnh đạo hay cho ngành, lĩnh vực.
Nhà quản trị văn phòng được hiểu là người quản lý và điều hành công việc thường ngày của văn phòng. Đó chính là người quản lý và điều hành toàn bộ các công việc trong thực hiện chức năng tham mưu, tổng hợp, tổ chức phục vụ cho lãnh đạo, quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhà lãnh đạo hay cho ngành, lĩnh vực. Nhà quản trị văn phòng cũng có nhiều cấp độ, đó có thể là những nhà lãnh đạo văn phòng làm việc thông qua người khác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của văn phòng (ví dụ như người đứng đầu Văn phòng Chính phủ – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ). Hoặc có thể là những nhà quản lý trực tiếp tự mình hoặc một phần tự mình thực hiện công việc của văn phòng, ví dụ như người đứng đầu và cấp phó trong văn phòng của các bộ, văn phòng của UBND (chánh văn phòng, phó chánh văn phòng), người đứng đầu và cấp phó trong phòng hành chính (trưởng phòng hành chính, phó trưởng phòng hành chính), người đứng đầu trong văn phòng luật sư (luật sư), người đứng đầu văn phòng tư vấn (trưởng văn phòng tư vấn), người đứng đầu văn phòng đại diện (trưởng văn phòng đại diện).
Qua những phân tích trên, nên định nghĩa ngắn gọn về nhà quản trị để bảo đảm đúng nội hàm của cụm thuật ngữ. Nhà quản trị là người quản lý và điều hành công việc thường ngày của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương hay quốc gia. Nhà quản trị rất cần có những tố chất, kỹ năng của một nhà lãnh đạo và những phẩm chất, kỹ năng của một nhà quản lý. Và ngược lại, nếu một nhà lãnh đạo hay một nhà quản lý có được những tố chất của một nhà quản trị (trông coi, theo dõi, điều khiển, hoạch định, tổ chức, kiểm soát, phối hợp, dự báo,…) sẽ giúp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương hay quốc gia đó ổn định và phát triển một cách bền vững. Nhà quản trị có ở tất cả các cấp độ. Nhà quản trị cấp cao, nhà quản trị cấp trung và nhà quản trị ở cấp cơ sở. Những nhà quản trị ở cấp cơ sở sẽ trực tiếp thực hiện quá trình kế hoạch hóa, tổ chức, phối hợp và kiểm soát công việc. Những nhà quản trị cấp trung sẽ một phần tự thực hiện các hoạt động quản trị, một phần điều khiển người khác thực hiện các hoạt động kế hoạch hóa, tổ chức, phối hợp và kiểm soát công việc. Những nhà quản trị cấp cao sẽ thực hiện công việc thông qua người khác.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc dùng thuật ngữ “nhà quản trị văn phòng” sẽ gây khó khăn cho việc dịch chính xác những cụm từ này sang tiếng Anh hay một số các ngôn ngữ thông dụng khác. Bên cạnh đó, trong các văn bản quản lý nhà nước hiện hành, các chức vụ lãnh đạo, quản lý đã được tường minh hóa trong tên gọi của từng vị trí việc làm. Điều này, có liên quan đến các yêu cầu về năng lực cá nhân, chế độ, chính sách của cán bộ, công chức, viên chức. Chính vì vậy, để chuẩn hóa việc dùng các thuật ngữ hành chính, nên thận trọng sử dụng thuật ngữ “nhà quản trị văn phòng” và nên thay thế bằng các thuật ngữ “nhà lãnh đạo văn phòng”, hoặc “nhà quản lý văn phòng” cho các tình huống sử dụng phù hợp.
d. Nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại
Nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại cũng sẽ được hiểu dựa trên những nội dung đã phân tích ở trên như sau: xuất phát từ các nét nghĩa của thuật ngữ hiện đại trong tiếng Việt: “(1) thuộc về thời đại ngày nay; (2) có áp dụng những phát minh, những thành tựu mới nhất của khoa học, kỹ thuật; đối lập với cổ điển”14, cũng như việc coi “văn phòng hiện đại là cơ quan, tổ chức, bộ phận có áp dụng những phát minh, những thành tựu mới nhất của khoa học, kĩ thuật thuộc thời đại ngày nay để thực hiện chức năng tham mưu, tổng hợp, tổ chức phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhà lãnh đạo hay cho ngành, lĩnh vực”, nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại cần được tiếp cận theo 2 hướng:
Một là, nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại được hiểu là nhà lãnh đạo văn phòng thuộc thời đại ngày nay (in modern times). Đó là những nhà lãnh đạo của thời hiện đại. Những giá trị của nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại là sự tổng hòa của cả những giá trị kế thừa của truyền thống, của “ngày hôm qua” và những giá trị hiện đại chỉ có ở thời đại ngày nay.
Hai là, nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại được hiểu là nhà lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, bộ phận có áp dụng những phát minh, những thành tựu mới nhất của khoa học, kĩ thuật thuộc thời đại ngày nay để thực hiện chức năng tham mưu, tổng hợp, tổ chức phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhà lãnh đạo hay cho ngành, lĩnh vực (modern office).
3. Một số đề xuất đối với nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại
Thứ nhất, nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại cần phải khẳng định về một yêu cầu luôn luôn được đặt ra đối với lãnh đạo văn phòng hiện đại đó là yêu cầu về sự hiện đại hóa văn phòng, hiện đại hóa công tác văn phòng.
Với cách hiểu hiện đại là việc “có áp dụng những phát minh, những thành tựu mới nhất của khoa học, kĩ thuật; đối lập với cổ điển”15, hiện đại hóa được hiểu là một quá trình ứng dụng, sử dụng và trang bị những thành tựu mới nhất của khoa học, kĩ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quá trình sản xuất và quản lý mọi mặt của đời sống xã hội.
Hiện đại hóa văn phòng là quá trình chuyển đổi văn phòng truyền thống sang văn phòng hiện đại hơn với việc áp dụng thành tựu khoa học – công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức được thuận lợi, dễ dàng đạt được hiệu quả mong muốn.
Hiện đại hóa công tác văn phòng là việc hiện đại hóa các mặt hoạt động của văn phòng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của văn phòng.
Thứ hai, nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại cần nhận diện được những yêu cầu về tính thời đại của văn phòng hiện đại.
(1) Những giá trị hữu hình, những giá trị vật chất, những giá trị thể hiện, như: văn phòng xanh, sạch, đẹp; văn phòng tiện nghi, tiện ích, thoải mái, tạo sự thư giãn; văn phòng giúp tăng cường sức khỏe, niềm yêu thích nhờ ánh sáng tự nhiên, trang trí thẩm mỹ, màu sắc đẹp, tạo ấn tượng; hình ảnh đội ngũ ăn mặc lịch sự, lễ tân, giao tiếp chuẩn mực, phong cách tác phong làm việc chuyên nghiệp; máy móc, trang thiết bị, phương tiện hiện đại;…
(2) Những giá trị vô hình, những giá tinh thần, những giá trị cốt lõi ngầm định, như: giá trị phục vụ; sự linh hoạt bởi kết hợp cả làm việc trực tiếp, gián tiếp (qua trung gian, online, từ xa), thời gian, không gian làm việc linh hoạt; giá trị bền vững (thân thiện môi trường; quy trình khép kín, tuần hoàn); tính sáng tạo; sự tiến bộ; tính nhân văn; tính chuyên nghiệp; tính năng động; tính hiệu quả; quy trình, cách thức vận hành công việc hiệu quả, tiến bộ, áp dụng các phần mềm quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ – thông tin, trí tuệ nhân tạo, kết nối mạng, dữ liệu số;…
Thứ ba, nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại cần phải khẳng định về một yêu cầu luôn luôn được đặt ra đó là yêu cầu về sự hiện đại hóa chính bản thân nhà lãnh đạo. Nhà lãnh đạo cần chủ động thay đổi hình ảnh bản thân, có được năng lực cá nhân (kiến thức, kỹ năng, ý thức) đáp ứng yêu cầu đối với một nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại ở mỗi thời điểm của cơ quan, tổ chức. Những năng lực cá nhân của nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại trong bối cảnh hiện nay cần phải kể đến, như: năng lực hoạch định sự phát triển bền vững; năng lực số; năng lực thích ứng; năng lực hội nhập; năng lực giải quyết các vấn đề khẩn cấp;…
Ở mỗi một thời điểm, nhà lãnh đạo văn phòng cần biết lựa chọn các mô hình văn phòng hiện đại, phù hợp với xu hướng, phù hợp với sự xây dựng các giá trị hiện đại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, khách hàng, đối tác. Ví như hiện nay, các nhà lãnh đạo văn phòng thường quan tâm tới một số mô hình văn phòng hiện đại, như: văn phòng không giấy tờ; văn phòng điện tử; văn phòng số; văn phòng xanh; văn phòng thông minh;…
Ở mỗi một thời điểm, trong từng bối cảnh, từng phương diện, từng tình huống, nhà lãnh đạo văn phòng cần biết lựa chọn, áp dụng những phương pháp, phong cách quản lý, điều hành phù hợp. Ví như hiện nay, các nhà lãnh đạo văn phòng thường quan tâm tới một số phương pháp quản lý hiện đại để dẫn dắt sự phát triển cho văn phòng, như: phương pháp quản lý linh hoạt (agile management); phương pháp quản lý tinh gọn (lean management); phương pháp quản lý hiệu quả (performance management);…
4. Kết luận
Sẽ là sự nghiên cứu chưa thấu đáo nếu chúng ta bỏ qua việc thống nhất quan điểm về việc nhìn nhận những thuật ngữ quan trọng, như các cụm thuật ngữ văn phòng hiện đại, nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại khi nói về công tác văn phòng trong bối cảnh hiện nay. Thực tế đặt ra cho các nhà lãnh đạo văn phòng hiện đại chính là việc luôn ý thức về yêu cầu của sự hiện đại hóa văn phòng, hiện đại hóa công tác văn phòng và sự hiện đại hóa đối với chính bản thân nhà lãnh đạo văn phòng. Đồng thời, nhà lãnh đạo văn phòng luôn phải nhận diện được các xu hướng phát triển của văn phòng hiện đại để có thể lựa chọn mô hình văn phòng phù hợp ở mỗi thời điểm để thực hiện hiệu quả nhất chức năng, nhiệm vụ của văn phòng.
Chú thích:
1, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15. Trung tâm Từ điển học (2008). Từ điển tiếng Việt. NXB. Đà Nẵng, tr.1361, 545, 545, 545, 673, 992, 991, 1281, 545, 545.
2, 3, 4, 5, 6. Học viện Hành chính Quốc gia (2017). Giáo trình Hành chính văn phòng (Chủ biên: PGS.TS. Triệu Văn Cường, PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu). Hà Nội, tr 13, 14, 13, 14, 14.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Chính phủ (2021). Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
3. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
4. Văn Tất Thu (2021). Quản trị văn phòng. H. NXB Bách khoa.