ThS. Văn Công Vũ
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng
PGS. TS. Trần Hoa Phượng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Dịch vụ logistics tại các cảng biển giữ vai trò then chốt trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của khu vực miền Trung. Bài viết dựa trên nguồn dữ liệu thứ cấp để phân tích các đặc điểm và yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi số đối với hoạt động logistics tại các cảng biển trong khu vực này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bối cảnh chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến dịch vụ logistics tại các cảng biển ở miền Trung, đồng thời, đặt ra các yêu cầu mới về công nghệ, tối ưu hóa nguồn lực, thay đổi quy trình làm việc, tư duy số của doanh nghiệp. Dựa trên việc phân tích và đánh giá kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics tại các cảng biển miền Trung trong bối cảnh chuyển đổi số.
Từ khóa: Chuyển đổi số; dịch vụ logistics; cảng biển miền Trung; phát triển kinh tế xã hội.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào công nghệ số, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành logistics. Các cảng biển, với vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng cần thích ứng nhanh chóng để nâng cao hiệu quả vận hành, giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh. Miền Trung Việt Nam sở hữu hệ thống cảng biển có vị trí chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tuyến vận tải Bắc – Nam, hỗ trợ giao thương với khu vực Tây Nguyên và các quốc gia láng giềng, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar.
Sở hữu số lượng cảng biển nhiều nhất của nước ta hiện nay, đồng thời với lợi thế về kinh tế biển, miền Trung được kỳ vọng là khu vực đi đầu trong khai thác dịch vụ logistics tại các cảng biển. Tuy nhiên, dịch vụ logistics tại các cảng biển trong khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế, như hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, năng lực ứng dụng công nghệ số còn thấp và mức độ liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt, trước làn sóng chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, việc xác định các đặc điểm, yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi số đối với dịch vụ logistics tại các cảng biển ở miền Trung, từ đó, hình thành định hướng phát triển ngành trong kỷ nguyên mới là vấn đề cần thiết.
2. Đặc điểm, yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi số đối với dịch vụ logistics tại các cảng biển miền Trung
a. Dịch vụ logistics tại các cảng biển ở miền Trung
Hệ thống cảng biển ở miền Trung được phân thành ba nhóm chính: cảng biển Bắc Trung Bộ, cảng biển Trung Trung Bộ và cảng biển Nam Trung Bộ. Trong đó, một số cảng có quy mô đáng kể, như: cảng Đà Nẵng, cảng Nghi Sơn, cảng Chân Mây, cảng Quy Nhơn, cảng Dung Quất, cảng Nha Trang,…
Hiện nay, hoạt động logistics tại các cảng biển trong khu vực này đang có sự phát triển mạnh mẽ. “Dịch vụ logistics cảng biển là loại hình dịch vụ quản lý luồng hàng hóa từ nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất đến khi thành phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng, thông qua quá trình phân phối, lưu thông hàng hóa tại cảng biển. Quá trình này nhằm đạt được sự tối ưu hóa trong sản xuất và lưu thông, đáp ứng yêu cầu và đảm bảo lợi ích cho khách hàng. Dịch vụ logistics tại cảng biển là loại hình dịch vụ có tính đặc thù, khác biệt so với dịch vụ logistics tại các khu vực khác như cảng hàng không, cảng sông… Trong đó, nổi bật là các khía cạnh liên quan trực tiếp đến cảng biển, như: độ sâu, mức thủy triều của biển, mức độ phá hoại do độ ẩm cao, sự ăn mòn của muối…”1 .
Có thể hiểu, dịch vụ logistics cảng biển là tập hợp các hoạt động liên quan đến quản lý, vận chuyển, lưu trữ và phân phối hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển. Đây là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo đảm hàng hóa được luân chuyển một cách hiệu quả giữa các phương thức vận tải, như: đường biển, đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Các dịch vụ logistics cảng biển bao gồm:
(1) Dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, bao gồm: bốc dỡ, vận chuyển nội cảng và sắp xếp hàng hóa trong kho bãi hoặc lên/xuống phương tiện vận tải).
(2) Dịch vụ kho bãi và lưu trữ: cung cấp không gian lưu trữ tạm thời cho hàng hóa, bao gồm: kho ngoại quan, kho lạnh, bãi container.
(3) Dịch vụ thủ tục hải quan: hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa, kiểm tra và chứng nhận theo quy định pháp luật.
(4) Dịch vụ vận tải kết nối: tổ chức vận chuyển hàng hóa từ cảng biển đến các điểm đích thông qua các phương tiện, như: xe tải, tàu hỏa, tàu nội địa…
(5) Dịch vụ đóng gói và phân phối: xử lý đóng gói, dán nhãn, chia nhỏ lô hàng và giao hàng đến các địa điểm cụ thể theo yêu cầu khách hàng.
(6) Dịch vụ công nghệ và quản lý chuỗi cung ứng. Ứng dụng công nghệ số, như: hệ thống quản lý vận tải (TMS), quản lý kho hàng (WMS), theo dõi hành trình hàng hóa để nâng cao hiệu quả quản lý.
Dịch vụ logistics cảng biển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, khi các công nghệ mới, như: AI, blockchain và IoT được áp dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động.
b. Chuyển đổi số trong dịch vụ logistics tại cảng biển
Khái niệm “chuyển đổi số” bắt đầu được đề cập vào khoảng năm 2015 và dần trở nên phổ biến trên toàn cầu sau năm 2017. Tại Việt Nam, quá trình nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số được triển khai từ năm 2018, từng bước thâm nhập vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Đến ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia” mở ra nhiều cơ hội phát triển và thúc đẩy sự thích ứng với xu hướng số hóa. Chương trình xác định dịch vụ logistics là một trong “8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số”, đặc biệt nhấn mạnh vào việc hiện đại hóa “hạ tầng logistics cảng biển, cảng nội địa…”2 để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Có nhiều quan niệm về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông (2021) định nghĩa: “Chuyển đổi sốlà quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số”3.
Chuyển đổi số trong dịch vụ logistics tại cảng biển là quá trình ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động logistics nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng khả năng cạnh tranh của cảng biển. Điều này, bao gồm việc sử dụng các công nghệ hiện đại, như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, điện toán đám mây, tự động hóa và hệ thống quản lý thông minh để cải thiện quy trình vận hành cảng biển và dịch vụ logistics liên quan. Chuyển đổi số trong logistics cảng biển không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là động lực quan trọng giúp cảng biển Việt Nam hội nhập và cạnh tranh trong nền kinh tế số toàn cầu.
c. Đặc điểm, yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi số đối với dịch vụ logistics tại các cảng biển ở miền Trung
Thứ nhất, dịch vụ logistics tại các cảng biển có đặc thù là cung cấp các giải pháp tác động đến hàng hóa của nhiều bên khác nhau trong khu vực cảng, do đó, nhu cầu giám sát tình trạng hàng hóa theo thời gian thực luôn đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi việc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, bao gồm cả phần cứng và phần mềm chuyên dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vấn đề này. Điều này, không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn tạo điều kiện tăng trưởng doanh thu, đặc biệt trong việc minh bạch hóa thông tin, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chứng từ hiệu quả hơn. Hiện nay, có nhiều giải pháp công nghệ xuất hiện, là kết quả của quá trình phát triển của bối cảnh chuyển đổi số, một số nhà nghiên cứu đã chỉ rõ đặc điểm của một số công nghệ mới (xem bảng 1).
Bảng 1. Đặc điểm cơ bản, tác động của một số công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số đến dịch vụ logistics
Công nghệ | Đặc điểm | Tác động đến dịch vụ logistics |
Blockchain (Orji,Kusi-Sarpong,Huang vàVazquez-Brust,20204; Zhang vàLiu, 2023)5 | – Có sự phân quyền- Bảo đảm an ninh mạng- Thiết lập các kế hoạch và hợp đồng kinh doanh thông minh- Chia sẻ thông tin liên tục, không ngắt quãng theo thời gian thực.Minh bạch vàchuẩn hóa thông tin | Cung cấp hệ thống quản lý dữ liệuChia sẻ thông tin liên tục, không ngắt quãng theo thời gian thựcChống giả mạoMinh bạch, đáng tin cậy. |
IoT (Kumar, Tyagi và Sachdeva6, 2023) | Thu thập dữ liệu theo thời gian thựcKết nối và trao đổi thông tin nhanh và chuẩn. | IoT tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát dữ liệu theo thời gian thựcNâng cao hiệu quảTự động hóa quy trình ra quyết định. |
AI (Chien, Dauzère-Pérès, Huh, Jang và Morrison7, 2020; Tsolakis, Zissis, Papaefthimiou, và Korfiatis8, 2022) | Hỗ trợ học tập nghiên cứu và ra quyết định. | Tự động hóaPhân tích và tối ưu hóa dự báo tình hình. |
Robotics (Atzeni, Vignali, Tebaldi, và Bottani9, 2021; Liu, Hua, Cheng, Choi và Dong10, 2023) | Tự động hóa và thực hiện các nhiệm vụ mang tính vật lý. | Cho phép thực hiện các hoạt động lặp đi lặp lại một cách hiệu quả.Tăng độ chính xác của thao tác thực hiện. |
Cloud Computing (Zhang và Liu11, 2023) | Cung cấp khả năng mở rộng và lưu trữ dữ liệu không giới hạn. | Cho phép cộng tác liền mạch, tích hợp dữ liệu.Khả năng truy cập dữ liệu tối ưu. |
Thứ hai, trong bối cảnh chuyển đổi số, người điều hành cần xây dựng các kế hoạch tối ưu hóa nguồn lực thay vì triển khai một cách rời rạc khi thiếu sự hỗ trợ của công nghệ. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về nhu cầu và khả năng đáp ứng, từ đó đưa ra quyết định chính xác hơn. Nhờ vào dữ liệu thời gian thực và các hệ thống phân tích thông minh, quá trình phân bổ nguồn lực trở nên hiệu quả, giảm lãng phí và tăng năng suất. Điều này, không chỉ nâng cao hiệu quả vận hành mà còn giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường.
Thứ ba, trong xu hướng phát triển dịch vụ thời kỳ mới, các bộ phận trong tổ chức, các phòng ban trong doanh nghiệp có các công việc, mục tiêu liên quan chồng chéo và cơ sở dữ liệu ngày càng gia tăng, đòi hỏi các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại các cảng biển phải nắm bắt và chuẩn bị nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số trong nội bộ doanh nghiệp. Chuyển đổi số giúp tăng cường tính minh bạch trong hệ thống, đồng thời nâng cao hiệu quả làm việc của mọi thành viên trong tổ chức.
Thứ tư, trong tương lai, việc giảm thiểu phát thải carbon bằng cách tối ưu hóa lộ trình vận chuyển và quản lý hiệu quả quá trình giao hàng sẽ trở thành xu hướng tất yếu. Các ứng dụng AI đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích dữ liệu, dự đoán nhu cầu và đề xuất tuyến đường tối ưu, giúp giảm quãng đường di chuyển không cần thiết. Nhờ đó, doanh nghiệp không chỉ cắt giảm chi phí vận hành mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc áp dụng AI trong logistics sẽ là bước tiến quan trọng để hướng tới một nền kinh tế xanh và thân thiện với môi trường. Điều này, được thực hiện thành công nhờ vào công tác chuyển đổi số.
3. Giải pháp phát triển dịch vụ logistics tại các cảng biển miền Trung
Trước đặc điểm, yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi số, để dịch vụ logistics tại các cảng biển ở miền Trung phát triển, thích ứng và đón đầu sự thay đổi của thời đại, cần triển khai một số giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới kỹ thuật, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong dịch vụ logistics tại các cảng biển. Chính phủ và địa phương cần xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp logistics đầu tư vào công nghệ sốthông qua các ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp số hóa. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và đánh giá việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành logistics nhằm bảo đảm tính hiệu quả và phù hợp với xu hướng phát triển chung.
Hai là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý và vận hành cảng biển. Các cảng cần triển khai hệ thống quản lý cảng điện tử (E-Port) nhằm số hóa các quy trình như kiểm soát hàng hóa, thủ tục hải quan, thanh toán điện tử và điều phối phương tiện. Bên cạnh đó, việc tích hợp AI và Big Data sẽ giúp tối ưu hóa việc dự báo nhu cầu vận tải, điều tiết lưu lượng hàng hóa và nâng cao khả năng ra quyết định của doanh nghiệp logistics. Blockchain cũng có thể được áp dụng để tăng cường tính minh bạch và bảo mật trong giao dịch, giúp theo dõi hàng hóa một cách chính xác và làm giảm gian lận trong quá trình vận chuyển.
Ba là, tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng logistics thông minh tại các cảng biển miền Trung. Hạ tầng đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển logistics cảng biển. Miền Trung cần đầu tư vào các trung tâm logistics hiện đại tại các cụm cảng trọng điểm, như: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Dung Quất nhằm tạo sự kết nối chặt chẽ giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, việc xây dựng cảng biển thông minh (Smart Port) với các thiết bị cảm biến IoT, hệ thống tự động hóa bốc xếp hàng hóa và phần mềm quản lý kho bãi thông minh sẽ giúp nâng cao năng suất và giảm thiểu sai sót trong quá trình lưu thông hàng hóa.
Bốn là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao. Chuyển đổi số đòi hỏi đội ngũ nhân sự logistics phải có trình độ cao, am hiểu công nghệ và có khả năng vận hành các hệ thống quản lý hiện đại. Do đó, cần đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu về logistics số, ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng và kỹ năng khai thác dữ liệu lớn. Các doanh nghiệp logistics tại các cảng biển miền Trung cần chú trọng đào tạo và thu hút nhân lực công nghệ thông tin, đồng thời xây dựng một đội ngũ chuyên gia công nghệ có năng lực và đáng tin cậy. Đội ngũ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận hành. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn và bảo mật thông tin để giảm thiểu rủi ro trong quá trình số hóa. Các doanh nghiệp có thể hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để xây dựng các chương trình đào tạo chuyên biệt về logistics trong bối cảnh chuyển đổi số.
Năm là, khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các doanh nghiệp logistics tại các cảng biển, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế do yêu cầu cao về tài chính và năng lực quản lý vốn. Việc đánh giá thực trạng này giúp xác định những khó khăn cụ thể, từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất và thuế có thể tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp logistics mở rộng đầu tư, nâng cấp hạ tầng và ứng dụng công nghệ số. Nhờ đó, dịch vụ logistics tại các cảng biển miền Trung có thể phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Chính quyền địa phương và các hiệp hội ngành logistics cũng cần đóng vai trò trung gian, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp để tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có.
4. Kết luận
Trong bối cảnh chuyển đổi số, dịch vụ logistics tại các cảng biển ở miền Trung đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức trong việc nâng cao hiệu quả vận hành và năng lực cạnh tranh. Việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý và khai thác cảng biển không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình vận chuyển, giảm chi phí mà còn tăng cường tính minh bạch và khả năng truy xuất thông tin. Để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số, các doanh nghiệp logistics cần tập trung đầu tư vào hạ tầng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực số và xây dựng hệ thống quản lý thông minh. Việc phát triển dịch vụ logistics tại các cảng biển miền Trung trong bối cảnh chuyển đổi số đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa công nghệ, hạ tầng, nhân lực và chính sách quản lý.
Chú thích:
1. Trần Hoa Phượng, Văn Công Vũ (2022). Đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ logistics cảng biển ở thành phố Đà Nẵng: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Kinh doanh và Công nghệ, tr. 112 – 121.
2. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Cẩm nang chuyển đổi số. H. NXB Thông tin và Truyền thông.
4. Orji, I. J., Kusi-Sarpong, S., Huang, S., & Vazquez-Brust, D. (2020). Evaluating the factors that influence blockchain adoption in the freight logistics industry. Transportation Research Part E: Logistics and Transportation Review, 141, Article 102025.
5, 11. Zhang, Y., & Liu, N. (2023). Blockchain adoption in serial logistics service chain: Value and challenge. International Journal of Production Research, 61(13), 4374 -4401.
6. Kumar, N., Tyagi, M., & Sachdeva, A. (2023). A sustainable framework development and assessment for enhancing the environmental performance of cold supply chain. Management of Environmental Quality: An International Journal, 34(4), 1077-1110.
7. Chien, C.-F., Dauzère-Pérès, S., Huh, W. T., Jang, Y. J., & Morrison, J. R. (2020). Artificial intelligence in manufacturing and logistics systems: Algorithms, applications, and case studies. International Journal of Production Research, 58 (9), 2730 – 2731.
8. Tsolakis, N., Zissis, D., Papaefthimiou, S., & Korfiatis, N. (2022). Towards AI driven environmental sustainability: An application of automated logistics in container port terminals. International Journal of Production Research, 60 (14), 4508 – 4528.
9 Atzeni, G., Vignali, G., Tebaldi, L., & Bottani, E. (2021). A bibliometric analysis on collaborative robots in Logistics 4.0 environments. Procedia Computer Science, (180): 686 – 695.
10. Liu, S., Hua, G., Cheng, T. C. E., Choi, T.-M., & Dong, J.-X. (2023). Pricing strategies for logistics robot sharing platforms. International Journal of Production Research, 61(2): 410 – 426.