ThS. Võ Thị Kim Xuân – ThS. Trương Mộng Loan
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển làng nghề truyền thống là nội dung, biện pháp quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của địa phương. Bài viết làm rõ thực trạng quản lý làng nghề truyền thống ở tỉnh Đồng Tháp thời gian qua; từ đó, đề xuất một số biện pháp cơ bản để quản lý hiệu quả làng nghề truyền thống của tỉnh.
Từ khoá: Quản lý xã hội, làng nghề truyền thống, phát triển, tỉnh Đồng Tháp.
1. Đặt vấn đề
Làng nghề truyền thống là di sản văn hóa mà cha ông ta đã dày công xây dựng với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mang đặc trưng riêng của từng địa danh và bản sắc dân tộc. Ở từng giai đoạn lịch sử, Việt Nam có nhiều làng nghề truyền thống rất nổi tiếng với nhiều nét văn hóa và sản phẩm thủ công đặc sắc… Để phát triển làng nghề truyền thống bền vững, thịnh vượng và bảo tồn di sản truyền thống, Đảng bộ và Nhân nhân tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp thiết thực, hiệu quả để phát triển làng nghề truyền thống, vừa giữ gìn, vừa phát huy văn hóa, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại và nông dân văn minh.
2. Thực trạng phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh Đồng Tháp
Đồng Tháp là một trong 13 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nơi đầu nguồn sông Tiền chảy qua biên giới vào Việt Nam. Tỉnh Đồng Tháp có rất nhiều làng nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm được sản xuất trực tiếp tại các làng nghề đã trở thành thương phẩm trao đổi, góp phần cải thiện đời sống gia đình và tận dụng những lao động dư thừa lúc nông nhàn. Đa số các làng nghề đã trải qua lịch sử phát triển hàng trăm năm, song song với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa và nông nghiệp của tỉnh,như: dệt chiếu ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò có lịch sử trên 100 năm; trồng hoa kiểng Sa Đéc; dệt khăn choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự…
Số lượng làng nghề được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chính thức công nhận tính đến cuối năm 2017 là 43 làng (theo Quyết định số 37/2005/QĐ-UBND ngày 18/3/2005), trong đó quy định tiêu chí làng nghề truyền thống và Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 quy định về công nhận và quản lý làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Hoạt động làng nghề trên địa bàn tỉnh có thể chia thành các nhóm chính sau: làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ; làng nghề dệt chiếu, dệt choàng, đan lát lục bình, đan võng, đan lưới, đan bội; làng nghề hoa kiểng; các nhóm ngành khác, bao gồm các làng nghề chế tạo nông cụ thô sơ, như: cày bừa, cuốc xẻng, liềm hái, mộc gia dụng, đóng thuyền, làm quạt giấy, dây thừng, đan vó, đan lưới, làm lưỡi câu.
Các sản phẩm của nghề trên địa bàn tỉnh khá đa dạng, với khoảng 24 loại hình khác nhau gồm những nhóm sản phẩm chính, như: đan lát, chế biến lương thực, thực phẩm, nuôi trồng thủy sản, trồng hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ,… với khoảng 2% số hộ nông thôn tham gia, giải quyết việc làm ổn định cho trên 19.345 lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hình thành các cụm dân cư, đô thị hóa nông thôn.
Số cơ sở tham gia làng nghề toàn tỉnh là 7.738 cơ sở, chiếm 16,6% số hộ trên địa bàn có nghề. Giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn đạt 652.241 triệu đồng, ngành nghề chiếm tỷ trọng cao nhất là nhóm ươm trồng và kinh doanh sinh vật cảnh chiếm 95,37% tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn. Hiện nay, có 2.300 hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoa kiểng, thu nhập bình quân/năm của mỗi cơ sở là 150 – 200 triệu đồng/cơ sở1.
Số lao động tham gia hoạt động trong làng nghề, ngành nghề nông thôn ở tỉnh Đồng Tháp là 19.345 lao động. Đặc thù làng nghề, ngành nghề nông thôn sử dụng số lượng lớn lao động nữ, lao động gia đình và lao động ngoài độ tuổi, cụ thể: lao động gia đình 10.352 người (chiếm 53,51%), lao động nữ với 15.797 người (chiếm 81,66%), lao động ngoài độ tuổi 3.133 người (chiếm 16,2%)2.

Nhìn chung, Đồng Tháp là tỉnh có số lượng làng nghề lớn và đa dạng về ngành nghề, phân bố rộng khắp các huyện trên địa bàn tỉnh. Các làng nghề đã giúp giải quyết được một số lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý đối với làng nghề truyền thống tại tỉnh Đồng Tháp còn một số hạn chế, như: công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các làng nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều bất cập từ khâu xây dựng tới khâu tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra. Chính sách phát triển làng nghề tuy đã được quan tâm ban hành nhưng nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế, không khả thi. Thủ tục hành chính khuyến khích phát triển làng nghề còn sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý. Đối với chính sách về vốn cho sản xuất làng nghề, tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vấn đề vay vốn của các hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh tại các làng nghề vẫn còn gặp nhiều khó khan do nguồn vốn từ chính sách nhà nước còn hạn hẹp, thời gian vay ngắn, khó tiếp cận và thủ tục vay rườm rà…
3. Một số biện pháp tăng cường quản lý phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh Đồng Tháp
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các làng nghề truyền thống.
Các cấp ủy Đảng cần nâng cao chất lượng công tác giám sát đối với hoạt động quản lý các làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thông qua các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý các làng nghề. Công tác giám sát cần được thực hiện thường xuyên với các hình thức giám sát đa dạng, phù hợp thực tiễn. Đổi mới thể chế, chính sách, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, giải quyết thấu đáo các nhu cầu về mặt bằng, vốn, tìm kiếm thị trường, tang cường ứng dụng công nghệ, chú trọng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, tôn vinh nghệ nhân, khắc phục ô nhiễm môi trường, hướng dẫn, giúp đỡ phát triển các làng nghề là trách nhiệm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã và các ban, ngành có liên quan.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các địa phương trong xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các chương trình, đề án phát triển làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên theo dõi, quan tâm giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, đồng thời kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các hộ làm nghề, làng nghề và các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp nhằm uốn nắn kịp thời những mặt yếu kém, lệch lạc và có hình thức xử lý thích đáng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của làng nghề truyền thống là một trong những biện pháp cơ bản nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban, ngành và các tầng lớp nhân dân đối với việc phát triển làng nghề. Đây cũng là cách thức nhằm nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ này trong công tác quản lý đối với các làng nghề. Nội dung này cần được thực hiện bài bản, tập trung vào các khâu trọng yếu trong quản lý các hoạt động làng nghề, như: xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện chính sách, thanh kiểm tra…., tránh tổ chức thực hiện một cách sơ sài, qua loa, hình thức.
Đối với các hộ dân, cơ sở, doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh, bên cạnh sử dụng phương pháp tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cần áp dụng những phương pháp tuyên truyền gần gũi, sát thực hơn như lồng ghép tuyên truyền thông qua tổ chức các cuộc thi, hội chợ triển lãm sản phẩm làng nghề, tham quan học tập kinh nghiệm, giới thiệu và nhân rộng các mô hình bảo tồn và phát triển làng nghề đạt kết quả cao.
Ba là, từng bước hoàn thiện công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề truyền thống.
Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các làng nghề phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh vì làng nghề là một bộ phận kinh tế – văn hóa – xã hội quan trọng góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch để xác định được các tiềm năng, nguồn lực của nền kinh tế và khả năng khai thác các nguồn lực đó một cách có hiệu quả ở địa phương. Quy hoạch phát triển làng nghề phải được đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch giao thông, vùng nguyên liệu, quy hoạch thương mại, dịch vụ…
Chính quyền tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan chuyên môn cần phải điều tra, rà soát lại, nắm vững số lượng, đặc điểm từng ngành nghề, làng nghề và nhu cầu của từng loại nghề. Đồng thời, điều tra, khảo sát về số lượng, chất lượng, phân bố làng nghề để định hướng, thiết kế quy hoạch, kế hoạch phù hợp ngành nghề, đặc điểm từng vùng. Trong quy hoạch, cần phải chọn những ngành nghề nào có thế mạnh của địa phương để ưu tiên phát triển, như: “Làng hoa kiểng Sa Đéc” được định hướng trở thành “Thành phố hoa của khu vực Nam Bộ”.
Ngoài việc phát triển những ngành nghề trọng điểm, giải quyết nhiều lao động, cần chú trọng đầu tư những ngành nghề phát triển công nghệ cao, sử dụng dây chuyền máy móc hiện đại để tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nâng cao vai trò của cộng đồng trong vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề vì cộng đồng làng nghề là những người trực tiếp tham gia vào sản xuất, cũng là tác nhân cơ bản nhất gây ô nhiễm môi trường, nhưng cũng là những người phải gánh chịu trực tiếp hậu quả của việc ô nhiễm. Do đó, cộng đồng có vai trò quan trọng và quyết định đối với vấn đề nâng cao năng lực sản xuất, bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững và tạo dựng hình ảnh đẹp cho các làng nghề trong tỉnh.
Bốn là, hoàn thiện, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống.
Tỉnh cần ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế phục vụ tăng trưởng hiệu quả, như: hệ thống giao thông, điện nước, thông tin liên lạc, hạ tầng thương mại… ở khu vực có các làng nghề, nhất là các làng nghề mũi nhọn có sản lượng lớn, tốc độ phát triển nhanh và các làng nghề gắn liền với các sản phẩm du lịch – văn hoá gắn liền với các lễ hội truyền thống, di tích lịch sử văn hoá, như: làng hoa kiểng Sa Đéc, làng dệt choàng Long Khánh… đồng thời, cũng khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng dưới nhiều hình thức, như: BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), BT (xây dựng – chuyển giao), BTO (xây dựng – chuyển giao – kinh doanh)…
Chính sách khuyến khích đầu tư cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế nói chung và ở các làng nghề nói riêng theo hướng đẩy mạnh tốc độ cải thiện môi trường đầu tư, coi việc cải thiện môi trường đầu tư ở các làng nghề là công cụ chủ chốt của chính sách khuyến khích đầu tư; đồng thời, chú ý tới định hướng chất lượng của môi trường đầu tư ở các làng nghề phải hơn hẳn so với các khu vực nông thôn khác. Đổi mới chính sách huy động và sử dụng vốn, tạo môi trường thuận lợi cho tất cả các cá nhân, tập thể làng nghề đều có thể tiếp cận các nguồn vốn thông qua các chính sách về tín dụng.
Hoàn thiện chính sách về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho làng nghề. Hoàn thiện chính sách thương mại, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề, chú trọng tăng thêm kinh phí xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề, thường xuyên tổ chức cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề tham gia các hội chợ, triển lãm sản phẩm làng nghề, thực hiện các chính sách hỗ trợ điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường; xây dựng hệ thống thông tin nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề mang nét đặc trưng Đồng Tháp; xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ đối với làng nghề, doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh làng nghề.
4. Kết luận
Làng nghề ở Đồng Tháp có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, vì thế tăng cường quản lý nhằm phát triển các làng nghề là vấn đề cần được quan tâm. Thực hiện tốt một số biện pháp góp phần giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống tại các địa phương, đánh thức, khơi dậy các giá trị văn hoá, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, trở thành điểm tựa, sức mạnh nội sinh bên trong cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai, cùng với cả nước đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chú thích:
1, 2. UBND tỉnh Đồng Tháp (2018). Báo cáo số 29/BC-UBND ngày 27/3/2018 về kết quả thực hiện công tác bảo tồn làng nghề, làng nghề truyền thống năm 2017 và kế hoạch năm 2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững. https://www.tapchicongsan.org.vn/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/28470/bao-ton-va-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-mot-cach-ben-vung.aspx.
2. Hà Nội, phát triển làng nghề truyền thống, góp phần phát triển công nghiệp văn hoá. https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/828865/ha-noi-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong%2C-gop-phan-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa.aspx.
3. Hoàn thiện một số chính sách để phát triển làng nghề truyền thống tỉnh Nam Định. https://lsvn.vn/hoan-thien-mot-so-chinh-sach-de-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-tinh-nam-dinh-1686150149-a131337.html.