ThS. Bùi Ngọc Tuấn
Trường Đại học Thành Đông
(Quanlynhanuoc.vn) – Kinh tế tuần hoàn đang trở thành một hướng đi quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và chiến lược để khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng áp dụng mô hình này, đặc biệt trong các lĩnh vực như tái chế chất thải, nông nghiệp, dệt may và năng lượng tái tạo. Dựa trên cơ sở tổng quan các lý thuyết với các cách tiếp cận khác nhau về kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững và mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia trên thế giới giúp chỉ dẫn cơ sở lý luận và thực tiễn để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế hướng đến mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050 và mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững.
Từ khóa: Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, mục tiêu thiên niên kỷ, chiến lược phát triển.
1. Đặt vấn đề
Việc triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản, thách thức khi khung pháp lý và chính sách hỗ trợ còn chưa hoàn thiện, thiếu các quy định cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, các cơ chế ưu đãi chưa đủ mạnh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư vào công nghệ tái chế. Những khó khăn về vốn đầu tư ban đầu do chi phí chuyển đổi sang mô hình sản xuất tuần hoàn cao và sự lạc hậu, thiếu đồng bộ, dẫn đến hiệu suất thu hồi và tái chế tài nguyên còn thấp. Trước những yêu cầu cấp bách đó, nghiên cứu nhằm phân tích thực tiễn áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam dựa trên cơ sở tổng quan tổng quan các lý thuyết với các cách tiếp cận khác nhau về kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững và mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia trên thế giới, đây không chỉ là cơ sở để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế hướng đến mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050 mà còn mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững.
2. Cơ sở lý thuyết về kinh tế tuần hoàn
Khái niệm kinh tế tuần hoàn được nhắc đến lần đầu tiên bởi Boulding (1966). Trên cơ sở đó, Pearce và Turner (1990) cho rằng nền kinh tế tuyến tính truyền thống chỉ tập trung vào khai thác, sản xuất và thải bỏ nên không thể duy trì sự bền vững cần có một nền kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế bền vững hơn. Theo Ellen, M. F. (2012) kinh tế tuần hoàn là việc liên kết điểm cuối trở lại với điểm đầu của quá trình khai thác, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, đồng thời là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua thiết kế vật liệu, sản phẩm, quy trình sản xuất và các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó.
Preston (2012) tiếp tục mở rộng khái niệm về kinh tế tuần hoàn khi cho rằng, mô hình kinh tế này thúc đẩy sự thay đổi trong cách sử dụng tài nguyên, biến chất thải từ ngành này thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên mà còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Theo dự báo của Accenture Strategy, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra khoảng 4,5 nghìn tỷ USD lợi ích kinh tế toàn cầu từ năm 2015 đến 2030. Theo Günther Schulze (2016) chỉ tính riêng tại châu Âu nền kinh tế tuần hoàn đã mang lại 600 tỷ USD, tạo ra 580.000 việc làm mới và góp phần giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính.
Ghisellini và cộng sự (2016) cho rằng, kinh tế tuần hoàn có thể được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, bao gồm cấp vi mô, chuỗi cung ứng và cấp vĩ mô, tùy thuộc vào phạm vi nghiên cứu và ứng dụng. Ở cấp độ vi mô, Merli và cộng sự (2018) đã phân tích mối quan hệ giữa các lĩnh vực kinh tế khác nhau trong mô hình tuần hoàn, minh chứng qua các nghiên cứu thực nghiệm áp dụng nguyên tắc tuần hoàn trong một số ngành, như: luyện kim, nông nghiệp, năng lượng, xây dựng và hóa chất. Theo Barros và cộng sự (2021) phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp giảm tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tối ưu hóa nguồn tài nguyên, hạn chế lãng phí và nâng cao hình ảnh thương hiệu đối với khách hàng cũng như đối tác. Ở khía cạnh quản lý chu trình nguyên vật liệu, Iung và Levrat (2014) đã nghiên cứu quá trình vận động của tài nguyên từ giai đoạn đầu vào sản xuất cho đến khi sản phẩm trở thành chất thải, từ đó đưa ra những giải pháp tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu.
Kinh tế tuần hoàn ngày càng trở lên cấp thiết cho sự phát triển bền vững của mọi quốc gia trên thế giới. Nhận thấy tầm quan trọng đó, Liên Hợp quốc đã thông qua 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) như một phần cốt lõi của Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững nhằm hướng đến một tương lai thịnh vượng, công bằng và bền vững cho toàn nhân loại. Các mục tiêu này bao quát nhiều lĩnh vực quan trọng như xóa đói, giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hòa bình và công lý toàn cầu. SDGs không chỉ định hướng cho sự phát triển của từng quốc gia mà còn tạo ra một khuôn khổ hợp tác toàn cầu, đòi hỏi sự phối hợp giữa các chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và cộng đồng để bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa các khu vực trên thế giới. Việc triển khai các mục tiêu SDGs không chỉ phụ thuộc vào từng quốc gia riêng lẻ mà còn đòi hỏi sự gắn kết trong hệ thống quản trị toàn cầu, đặc biệt là trong việc xây dựng các chính sách đồng bộ giữa các quốc gia và khu vực.
Theo Breuer và cộng sự (2019), để đạt được các mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách cấp quốc gia, khu vực và quốc tế theo cả chiều dọc (từ cấp độ chính phủ đến các tổ chức địa phương) và chiều ngang (giữa các ngành, lĩnh vực và đối tác phát triển). Bên cạnh đó, quá trình thực hiện SDGs cũng đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ các bên liên quan, bao gồm cả khu vực công, khu vực tư nhân, tổ chức xã hội và cộng đồng nhằm bảo đảm tính toàn diện và hiệu quả trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và gia tăng bất bình đẳng, SDGs đóng vai trò như một kim chỉ nam cho các chiến lược phát triển bền vững của các quốc gia.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu thu thập thông tin dữ liệu thứ cấp thông qua tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo, chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Luật, chính sách của Chính phủ Việt Nam về kinh tế tuần hoàn, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất…. Báo cáo của các tổ chức quốc tế, các nghiên cứu khoa học và bài báo trên các tạp chí uy tín về kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu còn sử dụng phương pháp trường hợp điển hình để lựa chọn và phân tích kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia, như: Đan Mạch, Nhật Bản, Trung Quốc là những quốc gia có chiến lược và nỗ lực thực hiện kinh tế tuần hoàn trên quy mô lớn đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong áp dụng kinh tế tuần hoàn, từ đó rút ra những kinh nghiệm có thể vận dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.
4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
a. Thực tiễn kinh tế tuần hoàn tại một số quốc gia tiêu biểu
Đan Mạch là một trong những quốc gia điển hình về phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới xã hội phát triển bền vững, sản phẩm và nguyên vật liệu được tái quay vòng, tuần hoàn trong nền kinh tế, sử dụng các nguồn chất thải tối đa và phế thải được giảm thiểu. Chính sách kinh tế tuần hoàn của Đan Mạch đưa ra nhằm mục tiêu thực hiện quản lý chất thải theo chu trình khép kín và bảo đảm khả năng xử lý chất thải tương thích với môi trường. Năm 2018, Chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn của quốc gia này được đưa ra với 6 nhóm mục tiêu chính gồm:
(1) Tăng cường vai trò của doanh nghiệp với tư cách là động lực chính cho quá trình chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
(2) Hỗ trợ kinh tế tuần hoàn thông qua dữ liệu hóa và số hóa về quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng sản phẩm nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu lãng phí.
(3) Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua thay đổi thiết kế, cấu tạo sản phẩm nhằm nâng cao bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
(4) Hình thành thói quen tiêu dùng mới thông qua kinh tế tuần hoàn, tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về lợi ích của kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy hành vi tiêu dùng bền vững.
(5) Tạo lập thị trường cho rác thải công nghiệp, nguồn nguyên liệu thô, phát triển thị trường cho các nguyên liệu tái chế và chất thải công nghiệp, biến chúng thành nguồn tài nguyên có giá trị.
(6) Gia tăng giá trị của các nguồn nguyên liệu có nguồn gốc thực vật, nhằm giảm phụ thuộc vào tài nguyên không tái tạo. Đan Mạch đặt mục tiêu giảm 70% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990 và tiến tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Năm 2021, Đan Mạch ban hành kế hoạch hành động phát triển kinh tế tuần hoàn một phần của kế hoạch quốc giá về ngăn chặn và quản lý chất thải giai đoạn 2020 – 2032, với các mục tiêu, chỉ số, chính sách và sáng kiến trong toàn bộ chuỗi giá trị tuần hoàn từ khâu thiết kế và tiêu thụ đến quản lý chất thải giúp tài nguyên được tái chế thành các sản phẩm và vật liệu mới.
Ngoài ra, kế hoạch hành động cũng tập trung vào ba lĩnh vực có tác động đáng kể đến môi trường và khí hậu: sinh khối, xây dựng và nhựa. Kế hoạch xác định 5 mục tiêu trọng tâm: (1) Giảm chất thải và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn; (2) Tái chế nhiều hơn và tốt hơn; (3) Sử dụng sinh khối hiệu quả hơn; (4) Môi trường xây dựng bền vững và (5) Nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt Đan Mạch có tỷ lệ tái chế rác thải cao, đặc biệt trong lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp. Theo Cục Thống kê Đan Mạch, hơn 69% chất thải tại quốc gia này được tái chế hoặc chuyển hóa thành năng lượng, trong đó 46% được tái chế trực tiếp; 23% được xử lý bằng phương pháp đốt phát điện (waste-to-energy); chỉ khoảng 3% chất thải được chôn lấp, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của châu Âu (23%). Hệ thống xử lý rác Amager Bakke tại Copenhagen là một điển hình, nơi chất thải được đốt để tạo ra điện và cung cấp nhiệt sưởi ấm cho hơn 150.000 hộ gia đình mỗi năm.
Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia tiên phong trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn nhằm đối phó với sự gia tăng chất thải và hạn chế tài nguyên. Quá trình này bắt đầu từ năm 1991 với việc ban hành Luật Sử dụng Tài nguyên Hiệu quả, đánh dấu bước ngoặt trong quản lý chất thải và tái chế. Năm 2000, Nhật Bản ban hành Luật Cơ bản về Thiết lập xã hội tuần hoàn vật chất, đặt nền móng cho việc xây dựng một xã hội dựa trên tái chế. Luật này xác định các mục tiêu dài hạn về tái chế và giảm thiểu sử dụng tài nguyên. Nhờ đó, tỷ lệ tái chế của Nhật Bản đạt mức cao hàng đầu thế giới. Năm 2007, chỉ 5% chất thải của Nhật Bản được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, so với 48% tại Vương quốc Anh vào năm 2008. Đến năm 2010, nước này tái chế tới 98% kim loại. Luật Tái chế thiết bị điện gia dụng bảo đảm hơn 50% các sản phẩm điện và điện tử được tái chế, so với mức 30-40% ở châu Âu. Trong số các thiết bị này, khoảng 74-89% vật liệu được thu hồi. Nhật Bản áp dụng nguyên tắc 3R (Giảm thiểu – Reduce, Tái sử dụng – Reuse, Tái chế – Recycle) nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Các doanh nghiệp được yêu cầu thực hiện hoạt động tái chế và tái sử dụng nguyên vật liệu trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Việc liên kết các quy trình sản xuất và chia sẻ tài nguyên giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái giúp gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm bớt lượng chất thải và thực hiện tái chế tối đa nguyên vật liệu sử dụng trong sản xuất. Là đất nước thiết lập hệ thống thu gom các thiết bị cũ để tái chế rất toàn diện và dễ sử dụng. Các thiết bị cũ được nhà bán lẻ thu nhận lại tại cửa hàng hoặc khi cung cấp thiết bị mới. Đối với các thiết bị công nghệ thông tin cũ, chính quyền địa phương có thể yêu cầu thu gom ngay tại nhà hoặc người dân có thể đưa đến bất kỳ bưu điện nào để trả lại cho nhà sản xuất. Hệ thống này đã thay đổi nhận thức của người dân về kinh tế tuần hoàn, khiến việc triển khai mô hình kinh tế này dễ dàng hơn trên thực tiễn. Nhờ các chính sách và biện pháp trên, Nhật Bản đã đạt được những kết quả ấn tượng trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Tỷ lệ tái chế cao, lượng chất thải chôn lấp giảm đáng kể, và việc sử dụng hiệu quả tài nguyên đã giúp Nhật Bản giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào và các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng cao, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên.
Là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, Trung Quốc đã bắt đầu chú trọng đến phát triển kinh tế tuần hoàn từ những năm 1990, khi nhận ra rằng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và mở rộng công nghiệp dẫn đến suy thoái môi trường và khan hiếm tài nguyên. Đến nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên chính thức áp dụng các chính sách kinh tế tuần hoàn ở cấp quốc gia, với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Chính phủ Trung Quốc đã triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn theo ba cấp độ là Cấp độ vi mô áp dụng tại các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh, tập trung vào việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng tài nguyên tái tạo và giảm thiểu chất thải. Cấp độ trung gian triển khai tại các khu vực cộng sinh công nghiệp, nơi các doanh nghiệp hợp tác để chuyển đổi chất thải của một doanh nghiệp thành nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác, tạo thành một hệ sinh thái công nghiệp tuần hoàn. Cấp độ vĩ mô áp dụng trên phạm vi tỉnh, thành phố và huyện, với việc lập kế hoạch và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn, bao gồm quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy công nghệ xanh. Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn đã mang lại những thay đổi đáng kể cho Trung Quốc. Nền kinh tế chia sẻ nói riêng đã đạt được những bước tiến lớn trong những năm gần đây, chiếm hơn 10% GDP vào năm 2020. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tuần hoàn được dự báo sẽ giúp Trung Quốc tiết kiệm 5,1 nghìn tỷ USD (chiếm 14% GDP) vào năm 2030 và 11,2 nghìn tỷ USD vào năm 2040.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, như: hệ thống thông tin bất đối xứng cho doanh nghiệp, thiếu thông tin cân bằng và minh bạch cản trở việc tích hợp hiệu quả các hoạt động kinh tế tuần hoàn; thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng việc gắn kết các doanh nghiệp có mối liên hệ trong chuỗi cung ứng để hợp tác chuyển sản phẩm đầu ra thành vật liệu đầu vào còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những thách thức này, Trung Quốc đã thành lập các tổ chức và cơ chế giám sát việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, với sự tham gia của Ủy ban Xây dựng và Phát triển kinh tế Trung Quốc cùng Tổng cục Môi trường Trung Quốc. Việc giám sát này bao gồm ba khâu vòng tuần hoàn nhỏ được thực hiện ở quy mô nhà máy và khu công nghiệp, vòng tuần hoàn vừa áp dụng ở quy mô khu vực hoặc thành phố, vòng tuần hoàn lớn thực hiện trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Những nỗ lực này cho thấy cam kết của Trung Quốc trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
b. Thực tiễn phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững và mô hình kinh doanh tuần hoàn ở Việt Nam
(1) Các chính sách và chủ chương phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang từng bước áp dụng kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và hướng tới phát triển bền vững. Điều này được thể hiện rõ qua việc ban hành các chính sách quan trọng. Trong nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường”, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021 – 2030) cũng nhấn mạnh “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu tư của quá trình sản xuất”.
Để triển khai các mục tiêu của chiến lược, trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025) đã đưa ra nhiệm vụ về “xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”, đồng thời trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đề cập đến kinh tế tuần hoàn như là một giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, cụ thể luật quy định “lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội”.
Ngoài ra, Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, đề án nêu rõ “Phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa trên cách tiếp cận mở, hướng nhiều hơn đến tạo dựng không gian và thuận lợi cho phát huy hiệu quả kinh tế, trên cơ sở tăng cường hợp tác kinh tế, bảo đảm huy động và sử dụng hiệu quả tri thức nhân loại, các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, các nguồn lực cần thiết từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế” với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đồng thời phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ban hành các chiến lược, chương trình liên quan tới phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn/kinh doanh tuần hoàn như chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững; Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đưa ra mục tiêu là “chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu giảm 5 – 8% tiêu hao nguyên vật liệu các các ngành sản xuất, như: dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu, bia, nước giải khát, giấy và chế biến thủy hải sản, xây dựng thành công 20 – 30 mô hình về sản xuất bền vững và phổ biến, nhân rộng mô hình; 85 – 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường; 70 – 100% khu, cụm công nghiệp được phổ biến, nâng cao về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững.
Như vậy, hệ thống chính sách của Việt Nam đã được hình thành và hoàn thiện với cách tiếp cận dựa vào thị trường, tôn trọng các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường ngày càng được nhất quán và đồng bộ. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam đã đưa ra chiến lược và thể chế hóa quy định về kinh tế tuần hoàn, lấy tư duy chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cơ sở để xây dựng các chính sách và quy định để bảo vệ môi trường theo các cam kết của Việt Nam tại các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu. Điều này tạo cơ sở quan trọng để xây dựng các quy định của pháp luật và chính sách đối với kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững nói chung và mô hình kinh doanh tuần hoàn nói riêng
(2) Thực tiễn phát triển kinh tế tuần hoàn đã và đang áp dụng vào một số lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có mức độ phát thải rác thải nhựa cao, đứng thứ 4 thế giới với khoảng 3,9 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó chỉ có khoảng 27% được tái chế. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến như cam kết giảm thiểu nhựa sử dụng một lần và thúc đẩy mô hình tái chế nhựa. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 50% rác thải nhựa đại dương và 100% sản phẩm nhựa dùng một lần tại các siêu thị và trung tâm thương mại.
Trong ngành công nghiệp, các khu công nghiệp sinh thái đang được thúc đẩy như một phần của mô hình kinh tế tuần hoàn. Đến nay, Việt Nam có 6 khu công nghiệp được lựa chọn để chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, bao gồm: KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Amata (Đồng Nai) và KCN Deep C (Hải Phòng). Những khu công nghiệp này áp dụng mô hình cộng sinh công nghiệp, trong đó chất thải của một doanh nghiệp có thể trở thành nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác, góp phần giảm thiểu rác thải và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Bên cạnh các chính sách, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, như: Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB) và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) để xây dựng khung pháp lý và triển khai các dự án thử nghiệm về kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn đang từng bước được áp dụng vào nhiều lĩnh vực quan trọng tại Việt Nam nhằm hướng đến phát triển bền vững.
Thứ nhất, nông – lâm nghiệp là lĩnh vực áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn có thể thực hiện ở quy mô toàn quốc trong các hợp tác xã, hộ gia đình. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, các phụ phẩm thải ra được thông qua các quá trình biến đổi vật lý, hóa học và sinh học để tạo ra các chế phẩm phục vụ nông nghiệp, gia tăng giá trị kinh tế cho người sản xuất (Toop và cộng sự, 2017), nếu áp dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp tuần hoàn không những có thể chế tạo các phụ phẩm thành các chế phẩm phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà còn tạo ra năng lượng (điện năng, biodiesel, nhiệt lượng) để phục vụ cơ giới hóa, tự động hóa và những sản phẩm nông – lâm nghiệp khác.
Thứ hai, rác thải đô thị, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn với mô hình tái sản xuất và chuỗi khép kín là một giải pháp hiệu quả đã áp dụng ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, việc thu gom xử lý rác thải tại các đô thị lớn vẫn thực hiện chôn lấp, rác thải chưa được xử lý để giảm tải cho các bãi chôn lấp. Mô hình chuỗi cung ứng khép kín gồm thu gom lại sản phẩm đã qua sử dụng để tái chế hoặc sản xuất sản phẩm mới theo cách tuần hoàn nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng các loại rác đã qua tái chế và tiết kiệm nguồn nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Chuỗi cung ứng khép kín bao gồm các hoạt động thu gom, phân loại, chọn lọc, tân trang, tái sử dụng và tái sản xuất các loại rác thải ngoài môi trường.
Thứ ba, công nghiệp sinh thái và hiện tại Việt Nam có 391 khu công nghiệp được thành lập, đóng góp hơn 50% kim ngạch xuất nhập khẩu và tạo việc làm cho 4 triệu lao động. Với các thách thức về quản lý môi trường và đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững cũng như quy định của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam cũng đang bắt đầu hình thành các khu công nghiệp sinh thái theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 25/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, như trường hợp của khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, Thủy Nguyên, Hải Phòng và của Công ty Cổ phần Sinec. Mô hình khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu các tác động tới môi trường bằng việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên và giảm thiểu các chất thải, thích hợp cho phát triển công nghiệp xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế (Phạm Hồng Điệp, 2022). Như vậy, bằng các hoạt động hợp tác chặt chẽ với nhau, như trao đổi các sản phẩm phụ để tránh việc chúng trở thành rác thải, khu công nghiệp sinh thái cộng sinh sẽ đạt được hiệu quả tổng thể lớn hơn so với hoạt động của từng doanh nghiệp, đồng thời hạn chế tối đa việc lãng phí tài nguyên cũng như giảm thiểu rác thải và phát thải khí nhà kính
Thứ tư, dịch vụ, du lịch. Các hoạt động sản xuất hữu cơ tự nhiên theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, giải trí và dịch vụ khác làm tạo thêm giá trị gia tăng và lợi ích cho nông dân, Chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 về chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, đến năm 2020, trên cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng với hơn 5.000 homestay hoạt động sức chứa gần 100 nghìn khách. Các làng sinh thái hữu cơ là mô hình vừa bảo tồn được giá trị văn hóa làng xã, vừa phát triển nông nghiệp sạch, đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch để góp phần cải thiện cuộc sống người dân.
Việc phát triển kinh tế tuần hoàn cũng như mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn đã và đang được triển khai thực hiện ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau như mô hình kết hợp VAC (vườn – ao – chuồng) trong nông nghiệp hay hoạt động tái chế chất thải, nước thải trong các doanh nghiệp,… Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn nói chung và kinh doanh theo hướng tuần hoàn nói riêng tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu và được các doanh nghiệp triển khai trong thời gian gần đây, đặc biệt xét trên các tiêu chí đánh giá mang tính tổng thể.
Theo kết quả khảo sát của CIEM năm 2022, các doanh nghiệp đã từng áp dụng biện pháp đổi mới mô hình kinh doanh và/hoặc áp dụng một trong các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn cho thấy sự hiểu biết vượt trội so với các doanh nghiệp chưa từng áp dụng, với 28% – 38,5% so với 9,4%-22% biết rõ hoặc rất rõ về các mô hình kinh doanh tuần hoàn phổ biến, tỷ lệ các doanh nghiệp chưa biết đến các mô hình kinh doanh tuần hoàn được đề cập là 8 – 15% trên tổng số các doanh nghiệp khảo sát, trong đó tỷ lệ ở nhóm chưa áp dụng bất cứ hình thức đổi mới mô hình kinh doanh hoặc áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn từ 10 – 24%, tùy theo từng mô hình trong đó mô hình tái chế chỉ dưới 10% chưa biết tới.
Hiện tại, ở Việt Nam đã có một số doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn như Tập đoàn Tân Hiệp Phát (Bình Dương), Coca – Cola Việt Nam, FrieslandCampina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory Pepsico Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation1 đã bắt tay thành lập liên minh bao bì tại Việt Nam (PRO Vietnam) với cam kết tái chế toàn bộ bao bì tại Việt Nam vào năm 2030. PRO Vietnam hoạt động dựa trên 4 trụ chính gồm: (1) Nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác; (2) Làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có; (3) Hỗ trợ các chương trình tái chế của các nhà máy xử lý và sản xuất nguyên liệu tái chế; (4) Hợp tác với Chính phủ trong lĩnh vực tái chế thông qua quan hệ đối tác công tư. Sự tham gia của các doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.
5. Kết luận
Kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển bền vững của Việt Nam. Những nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc ban hành các chính sách, chiến lược và khung pháp lý đã tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng cũng đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa các mục tiêu về giảm thiểu chất thải, tối ưu hóa tài nguyên và phát triển mô hình sản xuất bền vững. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp Việt Nam đạt được các cam kết về phát triển bền vững mà còn tạo ra những cơ hội lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2022). Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
2. Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 thông qua ngày 17/11/2020.
3. Thủ tướng Chính phủ (2009). Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/9/2009 phê duyệt chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020.
4. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 phê duyệt chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011–2020.
5. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
6. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn 2050.
7. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
8. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021–2025.
9. Barros, V., Matos, P. V., Sarmento, J. M., & Vieira, P. R (2022). M&A activity as a driver for better ESG performance. Journal of Cleaner Production, 175, 121–338.
10. Boulding, K (1966). The economics of the coming spaceship Earth. In H. Jarrett (Ed.), Environmental quality in a growing economy (pp. 3–14). Resources for the Future/Johns Hopkins University Press.
11. Breuer, A., Janetschek, H., & Malerba, D (2019). Translating Sustainable Development Goal (SDG) interdependencies into policy advice. Sustainability, 11(2092).
12. Ellen MacArthur Foundation (2012). Towards the circular economy: Economic and business rationale for an accelerated transition.
13. Ghisellini, P., Cialani, C., & Ulgiati, S (2016). A review on circular economy: The expected transition to a balanced interplay of environmental and economic systems. Journal of Cleaner Production, 114, 1–22.
14. Günther, S (2016). Growth within: A circular economy vision for a competitive Europe. Ellen MacArthur Foundation and the McKinsey Center for Business and Environment.
15. Iung, B., & Levrat, E (2014). Advanced maintenance services for promoting sustainability. Procedia CIRP, 22, 15–22.
16. Merli, R., Preziosi, M., & Acampora, A (2018). How do scholars approach the circular economy? A systematic literature review. Journal of Cleaner Production, 178, 703–722.
17. Pearce, D., & Turner, R. K (1990). Economics of natural resources and the environment. Johns Hopkins University Press.
18. Preston, J (2012). Disaster education. Race, equity and pedagogy. Chapter 1: What is disaster education? Sense Publishers.