Thiếu tá Nguyễn Phi Hùng
Đại úy Chúc Kim Vương
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp trong tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào, hoạt động xây dựng đời sống văn hóa; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các hoạt động, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, thực chất, bảo đảm việc phát triển toàn diện con người, tạo dựng nền tảng tinh thần xã hội vững chắc để phát triển địa phương.
Từ khóa: Thanh Hóa; xây dựng đời sống văn hóa; văn hóa ở cơ sở; nền tảng tinh thần.
1. Đặt vấn đề
Phát huy truyền thống văn hiến và các giá trị mạch nguồn văn hóa tốt đẹp của quê hương Thanh Hóa, những năm qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa và con người đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, một số mô hình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả quan trọng.
2. Kết quả đạt được từ một số mô hình xây dựng đời sống văn hóa
Một là, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” được thực hiện thông qua các phong trào do các tổ chức, đoàn thể phát động, như: “Nuôi con khỏe dạy con ngoan”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình hiếu học”, “Gia đình nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo”… Thực hiện các phong trào này, các thành viên trong gia đình luôn nêu cao đạo đức lối sống, tôn trọng kỷ cương, tình nghĩa, giao tiếp lịch sự, ứng xử lễ phép, thực hiện tốt hương ước, quy ước xây dựng làng văn hóa; ý thức trách nhiệm của các hộ gia đình tham gia và thực hiện các tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa” được nâng lên rõ nét, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, đời sống kinh tế – xã hội.
Công tác bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm được triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định; tỷ lệ gia đình văn hóa không ngừng được tăng lên. Năm 2023,toàn tỉnh có: 824.839/971.235 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 85%1.
Hai là, phong trào xây dựng làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa. Từ mô hình Làng Văn hóa Đông Cao (xã Trung Chính, huyện Nông Cống), phong trào xây dựng làng văn hóa đã nhanh chóng phát triển, nhân rộng ra nhiều các địa phương khác trong tỉnh và đã trở thành phong trào quần chúng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, được đông đảo Nhân dân đồng thuận, hưởng ứng. Các làng: Ngọc Liên (xã Nga Liên, huyện Nga Sơn); làng Duy Tinh (xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc); làng Tran Hạ (xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc); Đội 5 (Nông trường Hà Trung)… lần lượt tổ chức khai trương xây dựng làng văn hóa. Tại các làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đều xây dựng và thực hiện tốt các quy ước, hương ước bảo đảm phát huy quy chế dân chủ theo tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, bảo đảm sự kế thừa, chọn lọc thuần phong mỹ tục tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục lạc hậu…
Công tác bình xét, công nhận danh hiệu: “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” hằng năm được triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định. Tỷ lệ làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa ngày càng tăng qua các giai đoạn. Năm 2022, có 3.938/4.357 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xét công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 90,4% 2.
Ba là, thực hiện Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng đi vào chiều sâu và mang tính thiết thực, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề Nhân dân quan tâm, phù hợp với điều kiện thực tế và thế mạnh riêng có của mỗi địa phương. Các hoạt động thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc màu da cam, hộ nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi… được duy trì thường xuyên. Thực hiện tốt mọi chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng; vận động thực hiện hỗ trợ các chương trình khám, chữa bệnh, phẫu thuật miễn phí cho trẻ em khuyết tật, cấp xe lăn và trợ cấp đột xuất, cấp học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của các vùng, miền, các dân tộc luôn được giữ gìn và phát huy.
Phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới là bước phát triển mới của phong trào xây dựng làng văn hóa. Phong trào xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị tạo nên không khí thi đua sôi nổi và chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ và Nhân dân ở khu vực thành thị. Qua phong trào, người dân ngày càng ý thức và tự giác trong việc thực hiện trách nhiệm, đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước ở địa phương; tích cực tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Sự phát triển của phong trào đã mang lại ý nghĩa thiết thực, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân về nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường văn hóa đô thị trong sạch, lành mạnh3.
Bốn là, phong trào xây dựng“Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” đã mang lại kết quả thiết thực. Người dân không bị phiền hà khi đến các cơ quan nhà nước giải quyết các thủ tục hành chính; tác phong làm việc của cán bộ, công chức và người lao động đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng gần dân, tôn trọng dân. Biểu hiện rõ nhất của phong trào là xây dựng môi trường làm việc xanh – sạch – đẹp. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Xây dựng, thực hiện quy chế làm việc, quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế văn hóa công sở… tạo khí thế thi đua sôi nổi trong lao động, sản xuất. Hằng năm, phấn đấu có 100% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa trên tổng số đơn vị đăng ký, trong đó có 20% đơn vị đạt kiểu mẫu4.
Năm là, phong trào: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Nhu cầu luyệntập thể thao trong các tầng lớp nhân dân ngày càng cao. Mọi người có ý thức tự chăm lo rèn luyện sức khỏe bằng cách chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện, như: đi bộ, chạy, đạp xe, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, bóng bàn, quần vợt… Hiện nay, toàn tỉnh có: 42,6% dân số tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; 29,8% hộ gia đình thể thao; 3.370 câu lạc bộ thể dục, thể thao; 555 sân bóng đá (60m x 90m); 149 nhà tập luyện; 213 bể bơi; 4.289 sân bóng chuyền; 4.644 sân cầu lông; 2.381 bàn bóng bàn; 132 sân quần vợt; 125 sân bóng rổ; 4.046 sân chơi, bãi tập5… thu hút đông đảo người dân tham gia.
Sáu là, phong trào học tập, lao động sáng tạo thực sự là mũi nhọn đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, đạo đức lối sống. Nhân dân vùng nông thôn tích cực sản xuất, thi đua làm kinh tế giỏi, vươn lên làm giàu chính đáng, tăng thu nhập nâng cao đời sống. Những mô hình hay, cách làm hiệu quả ở các ngành, địa phương tiếp tục được phát huy, như: sáng kiến ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăn nuôi trồng trọt của ngành Nông nghiệp; sáng kiến trong công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế…
Đặc biệt, phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt” của ngành Giáo dục và Đào tạo đã mang lại kết quả cao trong học tập. Trong 10 năm gần đây, tỷ lệ học sinh Thanh Hóa đỗ đại học đạt từ 70% trở lên, nằm trong tốp đầu của cả nước về số lượng học sinh đạt điểm tuyệt đối 30/30 điểm và tốp 5 của cả nước có số lượng học sinh thủ khoa và học sinh đạt từ 27 điểm trở lên. Bên cạnh đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh triển khai gần 1.000 đề tài, dự án khoa học và công nghệ, trong đó có 17 dự án của các tổ chức quốc tế6 đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, tính năng động, sáng tạo, ý chí vượt khó, hăng say trong lao động sản xuất và công tác của cán bộ, công chức, viên chức, lao động, học sinh, sinh viên; khuyến khích cá nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phương pháp làm việc đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bảy là, phong trào “xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến”mang đậm tính nhân văn và xã hội sâu sắc. Phong trào đã được triển khai rộng khắp ở tất cả các khu dân cư, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu, như các phong trào: Xây dựng người cán bộ công chức “Trung thành, tận tụy, gương mẫu” (Liên đoàn Lao động tỉnh); “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh); “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” (Sở Y tế); “Xây dựng hình ảnh đẹp của thanh niên Thanh Hóa”, “Xây dựng nét đẹp tuổi trẻ học đường Xứ Thanh” (Tỉnh đoàn); xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Dạy tốt, học tốt” (Sở Giáo dục và Đào tạo); “Cựu Chiến binh gương mẫu” (Hội Cựu Chiến binh); “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (Hội Nông dân); “Thi đua quyết thắng” (Tỉnh đội); “Xây dựng tính nhân văn” (Công an tỉnh)… đã được nhiều cơ quan, đơn vị phát động, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả7.
Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn Tỉnh còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo; trong phát huy giá trị văn hóa, con người xứ Thanh; một số nội dung, tiêu chí về xây dựng văn hóa cơ sở chưa đạt như kỳ vọng; công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng và yêu cầu của tỉnh8.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: (1) Một số cấp ủy đảng chậm đổi mới, chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò của xây dựng đời sống văn hóa. (2) Công tác tuyên truyền giáo dục chưa phong phú, đa dạng về nội dung và hình thức. (3) Cán bộ, đảng viên có nơi chưa gương mẫu, tình trạng nói nhiều mà không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn còn diễn ra. (4) Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện và cơ sở hoạt động không đều, chưa đạt hiệu quả cao. (5) Lực lượng cán bộ làm công tác chuyên môn còn mỏng, trình độ năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra9.
3. Đề xuất giải pháp thời gian tới
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào ở các cấp. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập đặt ra trong quá trình triển khai, thực hiện phong trào. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo các cấp nhằm bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất gắn với việc phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức thành viên Ban Chỉ đạo các cấp.
Thứ hai, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo phong trào ở các cấp, như: kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ; kinh phí khen thưởng các cá nhân, gia đình, cộng đồng, tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện phong trào theo quy định hiện hành. Khuyến khích các địa phương, các ngành, đoàn thể căn cứ vào khả năng ngân sách và các nguồn xã hội hóa hỗ trợ trang thiết bị hoạt động văn hóa, thể thao cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, các thôn, làng, bản, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa văn hóa. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở xã hội hóa về lĩnh vực văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí ở nông thôn theo quy định của pháp luật. Phát động rộng rãi các mô hình tổ chức, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phù hợp với điều kiện sinh hoạt và nhu cầu người dân ở các vùng, miền, địa bàn dân cư.
Thứ tư, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về vai trò của văn hóa, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa gắn với phát động và tổ chức tốt phong trào thi đua, tạo động lực, thúc đẩy thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Khuyến khích mọi cá nhân, gia đình, cộng đồng, tập thể thực hiện phong trào.
Thứ năm, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức và kỹ năng tổ chức triển khai thực hiện hong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho Ban Chỉ đạo phong trào ở các cấp. Tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phát triển phong trào. Kịp thời bổ sung, sửa đổi về nội dung, giải pháp thực hiện phong trào phù hợp với thực tiễn ở các vùng, miền. Cùng với đó, xây dựng, phổ biến và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; giữ vững và phát huy các danh hiệu văn hóa; có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo thực hiện phong trào ở các cấp.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung phong trào tại các địa phương trong tỉnh. Tiếp tục duy trì sự phát triển bền vững của phong trào góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 17/NQ-TU ngày 04/7/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.
4. Kết luận
Bước sang thời kỳ mới – thời kỳ vươn mình của dân tộc với những kết quả và kinh nghiệm của quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa có điều kiện đẩy mạnh hơn nữa xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng và phát triển toàn diện con người, tạo dựng nền tảng tinh thần xã hội vững chắc để phát triển địa phương nhanh, bền vững, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chú thích:
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (2023). Công văn số 6684/CV–SVHTTDL ngày 27/12/2023 về việc báo cáo kết quả số liệu hoạt động Văn hóa cơ sở năm 2023.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (2022). Báo cáo số 3356/BC-SVHTTDL ngày 29/7/2022 về kết quả thực hiện Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Bản văn hóaá” trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (2019). Báo cáo số 4084/ BC-SVHTTDL ngày 21/11/2019 về việc tổng kết 30 năm phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 1989 – 2019.
4. Xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. https://baothanhhoa.vn/xay-dung-co-quan-don-vi-dat-chuan-van-hoa-173002.htm
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (2023). Công văn số 367/CV-SVHTTDL ngày 01/02/2023 về việc báo cáo kết quả số liệu hoạt động Văn hoá cơ sở năm 2022.
6, 7, 9. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2020). Báo cáo số 3653/BC-BCĐ ngày 23/10/2020 về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 – 2020; mục tiêu, nhiệmvụ và giải pháp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
8. Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh Hóa (2024). Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 04/7/2024 về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Phú Trọng (2024). Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 về việc phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2022). Kế hoạch số 295/KH-UBND ngày 29/12/2022 về triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2026.
4. Phát huy vai trò của chính quyền cấp xã trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/12/19/phat-huy-vai-tro-cua-chinh-quyen-cap-xa-trong-xay-dung-nong-thon-moi-tren-dia-ban-tinh-thanh-hoa/