ThS. Nguyễn Văn Minh
Đại học Tây Nguyên
NCS của Học viện Hành chính và Quản trị công
(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng văn hóa công vụ trong cơ quan nhà nước góp phần tạo ra môi trường văn hóa để mỗi cán bộ, công chức, viên chức không ngừng học tập, rèn luyện, để tôn trọng, phục vụ, vì lợi ích của Nhân dân và xứng đáng là “công bộc” của dân. Trong việc nâng cao văn hóa công vụ tại các tỉnh Tây Nguyên, trước hết cần nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức cấp xã. Bài viết chỉ ra những hạn chế trong giao tiếp ứng xử và giải quyết công việc cho người dân của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số, theo đó, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường, rèn luyện nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ này ở các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới.
Từ khóa: Văn hóa, giao tiếp, ứng xử, cán bộ, công chức, dân tộc thiểu số, các tỉnh Tây Nguyên.
1. Đặt vấn đề
Ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảm đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ; nhằm phục vụ người dân và xã hội ngày càng tốt hơn. Dựa trên cơ sở chung là truyền thống văn hóa Việt Nam và những quy định về văn hóa công vụ, tính vùng miền sẽ có những đặc thù riêng tuỳ theo từng đối tượng, thành phần cán bộ, công chức và lĩnh vực công tác.
Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên, ngoài những đặc điểm về tâm lý, văn hóa – xã hội chung của người Việt Nam, còn mang một số đặc điểm riêng về tâm lý, văn hóa của các dân tộc thiểu số sinh sống ở Tây Nguyên. Do vậy, trong hoạt động nghề nghiệp, ngoài những yếu tố văn hóa công vụ theo quy định của nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên còn có một số đặc điểm riêng về văn hóa giao tiếp, ứng xử, lề lối, tác phong và chuẩn mực làm việc,… Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng này trong thực thi công vụ, để có những đánh giá mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội cũng như thách thức, từ đó làm cơ sở đưa ra được một số giải pháp nhằm nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ này góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng đội ngũ này trong thời gian tới.
2. Vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của quốc gia, bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đắk Nông, với khoảng 6 triệu dân sinh sống, trong đó có khoảng 2,2 triệu người dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 37% dân số) thuộc 53/54 dân tộc1. Một trong những trọng tâm ưu tiên của các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên là xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số. Tổng hợp từ 5 tỉnh Tây Nguyên cho thấy, tính trên số dân thì tỷ lệ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số còn thấp. Các dân tộc thiểu số chiếm trên 30% dân số của vùng nhưng số lượng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở cấp xã chỉ chiếm tỷ lệ 26%2.
Vai trò của cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng, trực tiếp góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng núi, vùng sâu, vùng xa; am hiểu đời sống cư dân bản địa. Bản thân họ sinh ra từ buôn làng, gắn bó mật thiết với đời sống đồng bào, có nhiều cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Trọng trách của mỗi cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số nếu phát huy được bản lĩnh, tri thức sẽ là nhịp cầu quan trọng để tuyên truyền, vận động, triển khai vào thực tiễn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân; có vai trò là người tổ chức, dẫn dắt đồng bào trong công cuộc phát triển địa phương. Ở các khu vực có đông dân tộc thiểu số thì sự tham gia của họ trong chính quyền là cần thiết để có cơ hội nói lên tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần làm cho đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trở nên toàn diện hơn, bao quát tất cả các đối tượng hưởng lợi, bị tác động một cách tốt hơn. Mặt khác, chính quyền cơ sở có đặc thù dựa nhiều vào tự quản cộng đồng, vì thế, ở những nơi có đặc thù về tộc người thì việc có đại diện của họ trong bộ máy chính quyền là rất quan trọng. Họ có trách nhiệm vừa đưa được đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa thuyết phục, vận động người dân tộc thiểu số thực hiện chính sách một cách hiệu quả hơn.
Do vậy, các tỉnh Tây Nguyên ngoài việc thu hút để tăng cường số lượng thì cần phải chú trọng khâu sử dụng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số, trong đó việc nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc cũng như tính chuyên nghiệp, uy tín và hình ảnh của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số.
3. Nhận thức và phương diện về văn hóa giao tiếp, ứng xử cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số
Văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số là một bộ phận hợp thành của văn hóa giao tiếp nói chung; vừa chịu sự chi phối, quy định bởi truyền thống văn hóa giao tiếp của dân tộc, vừa mang những dấu ấn đặc thù riêng trong thực thi công vụ. Văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số gồm các thành phần chính đó là: chuẩn mực giá trị giao tiếp (các quy định); hành vi giao tiếp và truyền thống văn hóa của dân tộc.
Trước hết, chuẩn mực giá trị về giao tiếp của cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số được quy định bởi Hiến pháp, Luật Cán bộ, công chức; các nghị định, thông tư và các văn bản quy định của pháp luật khác. Việc quy định cụ thể, chi tiết về chuẩn mực giá trị giao tiếp trong thực thi công vụ được triển khai thống nhất, đồng bộ và bắt buộc.
Thứ hai, là hành vi tuân thủ chuẩn mực giao tiếp, đó là sự tuân thủ các chuẩn mực giao tiếp quy định trong các văn bản pháp luật, đó là hành vi phải làm gì, được làm gì và không được làm gì,… mà yêu cầu mỗi cán bộ, công chức phải thực hiện. Như vậy, chấp hành nghiêm các quy định về văn hóa công vụ là hành vi giao tiếp có văn hóa. Việc chấp hành các quy định về văn hóa công vụ là một yêu cầu mang tính kỷ luật, nhưng cần được cá nhân cán bộ, công chức ý thức đầy đủ và thực hiện một cách tự giác. Ngoài ra, giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số còn ứng xử sao cho phù hợp với truyền thống, tâm lý, văn hóa của dân tộc mình. Từ phân tích trên có thể hiểu: Văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số trước hết nằm trong hệ thống chuẩn mực giao tiếp, ứng xử chung của văn hóa nước ta, bao gồm các giá trị thể hiện trong mối quan hệ giao tiếp của cán bộ, công chức với các chủ thể khác nhau trong thực thi công vụ, đời sống hàng ngày và những hành vi giao tiếp, ứng xử đó phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Thông qua hoạt động giao tiếp, cán bộ, công chức cấp xã phát triển các yếu tố cấu thành của văn hóa giao tiếp, như: tri thức về giao tiếp; kỹ năng giao tiếp; các phẩm chất nhân cách trong giao tiếp,… Từ đó hình thành các chuẩn mực giao tiếp của mỗi cá nhân. Văn hóa giao tiếp, ứng xử thể hiện sự thống nhất giữa yếu tố tâm lý bên trong với yếu tố bên ngoài (cụ thể là các hành vi của mỗi cá nhân), theo đó, có các đặc điểm giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số (tính pháp lý, tính truyền thống đan xen tính hiện đại; tính thống nhất, tính mở; tính tự giác; tính xã hội, lịch sử; tính tâm lý, xã hội).
Với những đặc điểm về các yếu tố này cho thấy, vai trò giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số đã góp phần hình thành phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số cùng với các biện pháp giáo dục; từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong thực thi công vụ.
Văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số được biểu hiện qua hai phương diện giao tiếp chủ yếu sau:
Một là, giao tiếp, ứng xử trong nội bộ cơ quan: được thể hiện qua hai kênh giao tiếp cơ bản: Giao tiếp giữa cấp trên và cấp dưới; giao tiếp giữa các đồng nghiệp với nhau. Mức độ tiếp xúc giữa cấp trên và cấp dưới để giao tiếp trao đổi công việc, theo hướng hằng ngày và hằng tuần thường xuyên gặp gỡ trao đổi công việc. Thực tế cũng cho thấy, nhu cầu hoạt động giao tiếp giữa cấp trên và cấp dưới là thường xuyên, liên tục. Vấn đề dân chủ đã làm cho cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số biết lắng nghe nhiều hơn, ban hành các quyết định đúng đắn hơn. Tuy nhiên, vẫn còn có những bất cập tồn tại trong quan hệ giữa cấp dưới với cấp trên, giữa các đồng nghiệp với nhau, đó là không phát huy được sáng kiến của mọi người trong công việc; xu hướng ngại giao tiếp, ngại tiếp xúc và trốn tránh giao tiếp với lãnh đạo, quản lý vẫn đang còn tồn tại.
Hai là, giao tiếp, ứng xử với Nhân dân: các loại hình cung ứng dịch vụ hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp là khá thường xuyên, liên tục, nhất là những công việc liên quan đến thủ tục, giấy tờ… Điều đó cũng thể hiện mức độ giao tiếp của cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số với người dân (nhất là người dân tộc thiểu số) và xã hội liên quan đến các dịch vụ công là rất phổ biến.
Dựa trên những thông tin thực tế, tác giả đã sử dụng phương pháp SWOT phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số tại địa bàn nghiên cứu:
(1) Điểm mạnh (Strengths): đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên đa số là những người năng động và nhiệt tình trong công việc nên có thể đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đa số cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số số tại chỗ, những người am hiểu về văn hóa, đặc điểm và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương. Chịu thương chịu khó, tôn vinh trưởng thôn, già làng; thích tự quản; thích cộng đồng; thích nghệ thuật hơn làm kinh tế,… sự bao dung, thật thà, cần mẫn, biết sống chấp nhận, trọng người già, trọng đức, giản dị,…
(2) Điểm yếu (Weaknesses): cấp uỷ, chính quyền cấp xã còn chưa sâu sát trong kiểm tra, đánh giá việc thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số; chưa có bộ tiêu chuẩn, chuẩn mực riêng về văn hóa giao tiếp, ứng xử để thực hiện, kiểm tra, đánh giá đối với cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số chưa cao, mặc dù đã qua đào tạo, bồi dưỡng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới; còn một bộ phận cán bộ và Nhân dân người dân tộc thiểu số xuất hiện tính tự ti dân tộc, tính “tự trị”, nhẹ dạ cả tin, dễ bị lôi kéo, kích động thù hằn,… Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên.
(3) Cơ hội (Opportunities): công tác phát triển nguồn cán bộ, công chức cấp xã tại các tỉnh Tây Nguyên đã được nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, nhất là ưu tiên nhiều chương trình đề án phát triển, quy định các chế độ trợ cấp cho sinh viên người dân tộc thiểu số học tại các trường đại học, cao đẳng. Điều này đã góp phần tạo ra sự chuyển biến về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thúc đẩy quá trình phát triển nguồn lực cán bộ, công chức cấp xã thêm nhanh chóng. Theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án văn hóa công vụ, việc thực hiện nâng cao môi trường văn hóa trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đã góp phần nâng cao chất lượng con người để ngang tầm vị trí công việc cũng như tiếp cận gần hơn với môi trường, xu hướng phát triển các vùng miền khác của nước ta.
(4) Thách thức (Threats): những ảnh hưởng tích cực từ truyền thống văn hóa, một số luật tục cổ hủ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số, nhất là về tác phong, lề lối công tác và ý thức vươn lên. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng trông chờ, tự ti, ỷ lại vào chính sách ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số.
4. Một số giải pháp
Một là, thay đổi nhận thức về văn hóa giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên.
Cần nâng cao nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình đối với nhân dân và xã hội. Từ đó, cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số tự rèn luyện, nêu cao tinh thần, trách nhiệm và cống hiến cho địa phương, xã hội. Xây dựng và nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân bằng những việc làm thiết thực hàng ngày khi tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp trong môi trường công sở, môi trường sinh sống,… Đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số luôn phải có tinh thần học tập, trao dồi các kỹ năng giao tiếp, ứng xử mà mình còn thiếu, còn yếu để vận dụng một cách nhuần nhuyễn trong xử lý công việc nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong thực thi nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Hai là, xây dựng các tiêu chí thực hiện, kiểm tra, đánh giá văn hóa giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ cụ thể.
Đây là nội dung quan trọng trong việc nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử của đội ngũ này, vì chỉ khi nào xây dựng và áp dụng được chỉ tiêu thực hiện, đánh giá cụ thể thì khi đó mới có cơ sở để đánh giá chính xác văn hóa giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số. Các tiêu chí thực hiện, kiểm tra, đánh giá càn được xác định dựa trên các văn bản pháp lý, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả và cụ thể vừa phải bảo đảm tính đặc thù cụ thể, tính địa phương, vùng và bám sát từng nội dung công tác.
Ba là, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử.
Cần chú trọng rèn luyện một số kỹ năng giao tiếp cơ bản, như: kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng lắng nghe,… Đồng thời, rèn luyện kỹ năng xử lý một số tình huống giao tiếp trong thực thi công vụ có những tình huống phát sinh ngoài ý muốn, cụ thể như: giao tiếp với cấp trên bị phê bình, nhắc nhở; giao tiếp với đồng nghiệp nảy sinh mâu thuẫn; giao tiếp với nhân dân, doanh nghiệp;…. Do vậy, người cán bộ, công chức cấp xã ở các tỉnh Tây Nguyên cần có kinh nghiệm và kỹ năng xử lý tình huống giao tiếp để tránh các sai sót trong giao tiếp, ứng xử.
Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử.
Thu hút nhiều chủ thể khác nhau tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số, đặc biệt, cần phát huy vai trò giám sát của cấp uỷ và chính quyền cấp xã; quần chúng nhân dân tại địa bàn công tác. Có như vậy, kết quả kiểm tra, đánh giá mới đảm bảo tính khách quan, chính xác, trở thành căn cứ để quản lý, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức này, đồng thời là cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, xây dựng ban hành và triển khai thực hiện các văn bản và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả văn hóa giao tiếp, ứng xử.
Năm là, nâng cao vai trò của các cá nhân, tổ chức và kịp thời khen thưởng, động viên người làm việc tốt, xử lý nghiêm sai phạm.
Trong đó, cần nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở: đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, ưu tiên dành sự quan tâm, tạo điều kiện nhất định trong quá trình thực thi công vụ, phát huy vai trò theo dõi, kiểm tra, giám sát đôi với việc thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số.
Đồng thời, chú trọng nâng cao vai trò của Nhân dân tại địa phương: trong việc nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, Nhân dân là chủ thể có vai trò đặc biệt quan trọng là phạm vi chủ thể giao tiếp cơ bản và rộng nhất và quá trính diễn ra thường xuyên, liên tục, hàng ngày, mọi lúc, mọi nơi,… Do vậy, quần chúng nhân dân cần phối hợp cùng cán bộ, công chức trong giải quyết công việc; mặt khác có thể động viên, hỗ trợ; kiểm tra, giám sát;… đối với việc thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật. Tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, tạo được sự lan tỏa trong xã hội trên tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp loại bỏ cái xấu. Động viên kịp thời, khen thưởng xứng đáng. Song phải đi đôi với siết chặt kỷ cương, tăng cường kỷ luật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm việc thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín và dư luận xã hội quan tâm.
Chú thích:
1. Tây Nguyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. https://nhandan.vn/tay-nguyen-cham-lo-xay-dung-doi-ngu-can-bo-nguoi-dan-toc-thieu-so.
2. Tác giả tổng hợp số liệu báo cáo của 5 tỉnh Tây Nguyên, thực hiện năm 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Văn Đồng (1990). Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp. H. NXB Sự Thật.
2. Phạm Song Hà, Lê Đức Hùng, Phạm Quang Bắc (đồng chủ biên) và nhiều tác giả (2021). Văn hóa ứng xử của bán bộ cấp cơ sở. H. NXB Công an nhân dân.
3. Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ.
4. Giao tiếp ứng xử của cán bộ, công chức làm việc trong môi trường đa văn hóa. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/09/08/giao-tiep-ung-xu-cua-can-bo-cong-chuc-lam-viec-trong-moi-truong-da-van-hoa/.
5. Quản lý và phát triển bền vững cộng đồng buôn làng Tây Nguyên. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/12/12/quan-ly-va-phat-trien-ben-vung-cong-dong-buon-lang-tay-nguyen.