Thực hiện dân chủ ở các nước Bắc Âu và kinh nghiệm cho Việt Nam 

TS. Lê Thanh Bình
Trường Đại học Thành Đô 

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết trên cơ sở phân tích kinh nghiệm thực hiện dân chủ của các nước Bắc Âu, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện dân chủ, như: Nhà nước cần có hình thức lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Nhân dân; xây dựng Nhà nước hiệu lực, hiệu quả; đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác; phát huy vai trò của công đoàn trong thực hiện các quyền dân chủ của Nhân dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng hệ thống chính trị dân chủ, xây dựng lòng tin xã hội.

Từ khóa: Thực hiện dân chủ; các nước Bắc Âu; kinh nghiệm; Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Các nước Bắc Âu hiện là nhóm nước có chỉ số phát triển con người cao nhất trên thế giới. Trong tổng số 189 nước được xếp hạng năm 2018: Na Uy xếp thứ nhất, Thụy Điển: 7, Đan Mạch: 11 và Phần Lan: 15. Nếu xét về chỉ số bất bình đẳng thì các nước Bắc Âu thuộc nhóm có chỉ số bất bình đẳng thấp nhất trên thế giới. Xét về chỉ số hạnh phúc, theo Báo cáo về chỉ số hạnh phúc năm 2019, các nước Bắc Âu nằm trong “tốp” các nước người dân hạnh phúc nhất: Phần Lan xếp thứ nhất, Đan Mạch: 2, Na Uy: 3 và Thụy Điển: 71.

Sự phát triển của các nước Bắc Âu thời gian qua đã đưa khu vực này trở thành nhóm quốc gia luôn duy trì các chỉ số kinh tế và xã hội cao, luôn dẫn đầu nhiều bảng xếp hạng và chỉ số đo lường của thế giới về sáng tạo, minh bạch hóa, dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. 

2. Thực trạng thực hiện dân chủ ở các nước Bắc Âu 

Mô hình phát triển Bắc Âu thường được nhắc đến với các tên gọi khác nhau, như: mô hình kinh tế thị trường hỗn hợp, mô hình nhà nước phúc lợi dân chủ xã hội… Với các nguyên tắc dân chủ, phổ quát, bình đẳng, khuyến khích sự công bằng giữa các giai cấp dựa trên các tiêu chuẩn cao. Mô hình Bắc Âu là sự kết hợp độc đáo giữa chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và chủ nghĩa xã hội, giữa hiệu quả kinh tế và tăng trưởng với thị trường lao động nhân bản, phân phối thu nhập công bằng…2. Hiện nay, mô hình này dựa trên hai trụ cột là an sinh xã hội và dịch vụ công (giáo dục, y tế, giao thông công cộng…) với ba mục tiêu chính, gồm: mức độ phổ quát cao (tất cả công dân đều được bảo đảm các lợi ích và dịch vụ an sinh xã hội cơ bản, bất kể thu nhập, giàu hay nghèo, có việc làm hay không có việc làm); mức độ bình đẳng cao (phân phối thu nhập tương đối công bằng thông qua việc đánh thuế cao, giáo dục miễn phí và cơ hội bình đẳng trong tiếp cận việc làm.

Một là, thực hiện các quyền dân chủ về chính trị, kinh tế.

Ở các nước Bắc Âu, người dân có khả năng tham gia vào chính trị ngày càng rộng rãi hơn. Nhân dân được thông tin tương đối đầy đủ các mặt hoạt động của Nhà nước, Chính phủ đang và sẽ làm gì. Những sáng kiến chính trị của người dân được Chính phủ lắng nghe, tôn trọng và có cơ chế cụ thể để trình bày, thẩm định và nếu khả thi thì sẽ được ghi nhận, có cơ chế để hiện thực hóa.

Quyền dân chủ về chính trị được bảo đảm thực hiện tốt thông qua đối thoại xã hội với hình thức đàm phán, tham vấn hoặc đơn giản là trao đổi thông tin giữa đại diện của chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động về các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế, xã hội. Ở Bắc Âu, Chính phủ luôn khuyến khích người dân tham gia vào việc xây dựng chính sách công. Người dân được thể hiện quan điểm và ý kiến phản biện một số chính sách công nếu cho là không phù hợp. Chính phủ lắng nghe, tôn trọng những ý kiến khác nhau từ người dân và xem đó là một sự bảo đảm cho ổn định xã hội. Với việc Chính phủ lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người dân và ghi nhận những ý kiến phù hợp xây dựng chính sách, pháp luật giúp ý thức thực thi pháp luật việc tuân thủ pháp luật đã trở thành ý thức của người dân được nâng cao3

Thông qua phân phối phúc lợi xã hội đầy đủ, Nhà nước bảo đảm người dân có quyền tự do tham gia vào các hoạt động kinh tế và thụ hưởng thành quả của nền kinh tế thị trường xã hội. So với các nước theo mô hình kinh tế thị trường tự do với mặt trái là có sự phân hóa giàu nghèo, tiêu cực diễn ra với quy mô lớn, tốc độ nhanh và sâu sắc thì mô hình Bắc Âu có sự phân hóa giàu nghèo thấp hơn nhiều.

Các chính sách kinh tế của Chính phủ các nước Bắc Âu đều hướng đến thúc đẩy thương mại và doanh nghiệp tự do, bảo vệ tối đa các quyền tự do về kinh tế của người dân. Chỉ số tự do kinh tế của quỹ Heritage Foundation, đo lường mức độ tư bản chủ nghĩa của các quốc gia bằng cách nghiên cứu các quy định, chính sách thuế trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, xếp Đan Mạch và Iceland là các quốc gia có mức độ tư bản thứ 10 và 11 trên thế giới, Phần Lan đứng ở vị trí thứ 17, Thụy Điển ở vị trí thứ 21 và Na Uy ở vị trí 28, trong khi đó, Hoa Kỳ được xếp thứ 20. Các quyền sở hữu, tự do kinh doanh, tự do tiền tệ và tự do thương mại được bảo vệ và bảo đảm thực hiện ở các quốc gia Bắc Âu4. Các chính sách kinh tế và chính trị được hoạch định trên cơ sở quan tâm đến những nhu cầu cá nhân và hài hòa với lợi ích cộng đồng, góp phần khắc phục được những khuyết tật cố hữu của kinh tế thị trường tự do, như: cạnh tranh khốc liệt dẫn đến phân tầng, phân cực xã hội sâu sắc, vì lợi nhuận cá nhân đôi khi hy sinh lợi ích xã hội…5.

Hai là, các nước Bắc Âu đều chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh và hiệu quả.       

Quyền lực nhà nước được phân chia và kiểm soát khá cân bằng hệ thống luật pháp được hoàn thiện đầy đủ và chặt chẽ, bộ máy hành chính gọn nhẹ, thủ tục hành chính công khai, minh bạch và được số hóa mức cao. Các đảng phái chính trị đều cam kết mạnh mẽ mục tiêu duy trì và nâng cao phúc lợi xã hội cũng như bảo đảm dân chủ và bình đẳng, mặc dù có lập trường khác nhau về các chính sách, biện pháp cụ thể.    

Các chính phủ ở Bắc Âu quản trị minh bạch cùng với khả năng điều hành nền kinh tế với trình độ “trị quốc tốt nhất thế giới”. Nắm giữ trong tay một nguồn lực khổng lồ của xã hội (Nhà nước Thụy Điển quản lý hơn 60% tài sản của xã hội, nhà nước của các nước Bắc Âu khác thấp hơn một chút nhưng về tỷ lệ vẫn luôn cao hơn khi so với Hoa Kỳ là 25%, Anh là 31%), các nước Bắc Âu  luôn đạt thứ hạng cao trong các xếp hạng chỉ số về Chính phủ minh bạch, lòng tin của xã hội và có mức tín nhiệm với các thể chế chính trị hiện hành. Những khảo sát của Tổ chức minh bạch quốc tế trong thời gian gần đây đều đánh giá cao các nước Bắc Âu về thành tích trong các chỉ số về minh bạch, hạn chế tham nhũng và hạn chế lạm quyền6.

Lực lượng dân chủ xã hội cầm quyền của các nước Bắc Âu đã xây dựng được mô hình nhà nước liêm chính, thân thiện và trong sạch với sự giám sát chặt chẽ của pháp luật. Một nhà nước thượng tôn pháp luật, pháp luật chi phối các quan hệ cơ bản trong xã hội trở thành nguyên tắc chính trị quan trọng ở các nước Bắc Âu. Những quy định chặt chẽ của nhà nước đối với các quyền, lợi ích và trách nhiệm của công chức; sự tự giác rèn luyện đạo đức công vụ và sức mạnh của công luận là những nhân tố hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ liêm chính7.

Để thực thi Nhà nước pháp quyền vững mạnh và hiệu quả, các nước Bắc Âu đã xây dựng được hệ thống pháp luật dân sự thống nhất với chế định Ombudsman (người thực thi dân chủ) – thanh tra viên, nghị sĩ kiểm soát hành chính tư pháp, nhân viên kiểm tra những việc làm của cơ quan nhà nước vi phạm đến quyền lợi của cá nhân. Các ombudsman (người thực thi dân chủ) do Nghị viện bổ nhiệm được coi là đại diện của cơ quan quyền lực tối cao của đất nước, làm việc độc lập với cơ quan mà chức danh này phải giám sát. Với chế định này, sự bảo đảm quyền hưởng liên quan tới các phúc lợi theo quy định của nhà nước được bảo đảm tuân thủ rất tốt8.

Ở Thuỵ Điển, chức danh Ombudsman (người thực thi dân chủ) tư pháp được Hiến pháp lập ra từ năm 1809 nhưng đến sau Chiến tranh Thế giới II, chế định Ombudsman mới được tiếp nhận ở các nước Bắc Âu khác. 

Ở Na Uy, do những phát triển trong lĩnh vực hành chính công, Ombudsman đầu tiên được bổ nhiệm bằng một nghị quyết của Nghị viện ngày 21/4/1952. Tháng 6/1962, dự luật cá nhân do Chủ tịch Ủy ban thường trực của Nghị viện về tư pháp cho khu vực hành chính công được thông qua.

Trong những năm 70 thế kỷ XX, một số cơ quan mới, như: Ban Thanh tra Dữ liệu, Ủy ban Ngân hàng, Bảo hiểm và Chứng khoán cũng có chức năng giống “Ombudsman” nhưng tập trung vào hoạt động hành pháp, mang vai trò hành chính nhiều hơn. Điều đặc biệt là tên gọi “Ombudsman” có nguồn gốc Bắc Âu được giữ nguyên trong tiếng Anh và các ngôn ngữ khác khi chế định Ombudsman mở rộng sang các nước này. Hiện nay, trên thế giới có hơn 58 nước có chế độ Ombudsman (người thực thi dân chủ)8.

Ba là, phát huy vai trò của công đoàn trong bảo đảm thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân.

Các quyền dân chủ của Nhân dân được bảo đảm thực hiện trên thực tiễn do ở các nước Bắc Âu đã chú trọng phát huy vai trò của công đoàn đại diện cho đông đảo người lao động thuộc các lĩnh vực khác nhau trong quá trình ra quyết định liên quan tới các chính sách kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Tỷ lệ tham gia công đoàn ở Bắc Âu thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Năm 2016, tỷ lệ tham gia công đoàn ở Na Uy là 52%, Phần Lan: 65%, Thụy Điển: 66% và Đan Mạch: 67%, trong khi so với Mỹ chỉ có khoảng 10% tham gia công đoàn và ở hầu hết các nước châu Âu khác, tỷ lệ trung bình là 20 – 30%. Điểm quan trọng là phần lớn người lao động đều là đối tượng bao phủ của thỏa ước tập thể, lên tới 80 – 90%9.

Bốn là, xây dựng nền chính trị dân chủ.

Các nước Bắc Âu đã coi lòng tin xã hội là một thứ vốn trong kinh doanh, là chất keo gắn kết cả xã hội vào một khối mà nhân lõi của nó là nền chính trị của dân, do dân, vì dân góp phần tạo nên những thành quả của phát triển xã hội trong tiến bộ, dân chủ, công bằng và văn minh.

Lòng tin xã hội – sự tin tưởng vào độ trung thực, sự tử tế của người khác là tiền đề cho quan hệ giữa người với người, là điều kiện cơ bản để duy trì đời sống cộng đồng. Ở các nước Bắc Âu, “lòng tin” giữa các công dân với nhau đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, độ ổn định, hiệu quả và dân chủ của chính phủ, hội nhập xã hội, mức độ hài lòng và hạnh phúc, sự lạc quan, sức khỏe… tỷ lệ thuận với phồn vinh và an sinh10. Lòng tin xã hội không những thể hiện giữa các công dân với nhau mà còn được thể hiện ở lòng tin của công dân với Chính phủ. Theo đánh giá trong bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc hằng năm, chỉ số niềm tin của công dân đối với Chính phủ ở các nước Bắc Âu luôn xếp ở thứ hạng cao.

3. Những kinh nghiệm của các nước Bắc Âu đối với việc thực hiện dân chủ ở Việt Nam 

Thứ nhất, việc Nhà nước phát huy các hình thức lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Nhân dân mang lại, hiệu quả trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển kinh tế – xã hội.

Từ kinh nghiệm của các nước Bắc Âu rất chú trọng bảo đảm thực hiện các quyền dân chủ về chính trị và kinh tế của người dân. Trong đó, các chính phủ đều khuyến khích người dân tham gia vào việc xây dựng chính sách công, lắng nghe, tôn trọng những ý kiến khác nhau từ người dân. Luật pháp quy định các hình thức cụ thể để Nhân dân thể hiện chính kiến của mình. Chính phủ khuyến khích hình thức đối thoại xã hội – đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ với người dân. Các chính sách kinh tế – xã hội được xây dựng trên cơ sở hài hòa lợi ích của cá nhân và xã hội.

Ở Việt Nam, các quyền dân chủ về chính trị được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết, trả lời 2007/2.007 kiến nghị của cử tri. Kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 có số lượng lớn, nội dung phong phú trên nhiều lĩnh vực. Nhiều kiến nghị cụ thể của cử tri đã được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành. Một số bộ, ngành, ngay sau khi tiếp nhận kiến nghị của cử tri, đã nhanh chóng nghiên cứu, giải quyết và trả lời đầy đủ, kịp thời11.

Qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được 2.458 kiến nghị có nội dung thuộc tất cả các lĩnh vực của xã hội. Các kiến nghị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và toàn bộ các kiến nghị đã được trả lời (đạt 100%)12. Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội (khóa XIV), qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.102 kiến nghị. Các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các lĩnh vực được người dân quan tâm vẫn là lao động việc làm, tài nguyên – môi trường, giao thông vận tải, nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục và đấu tranh phòng, chống tội phạm… Đã có 2.066/2.102 kiến nghị được giải quyết và trả lời cử tri đạt 98,3%. Việc giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành ngày càng khoa học, chất lượng, trách nhiệm cao. Hầu hết các văn bản trả lời cử tri đã được các bộ, ngành trả lời cặn kẽ, chi tiết, thấu đáo, có chỉ dẫn rõ văn bản, điều khoản áp dụng nên được đa số các đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao13.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các quyền dân chủ về chính trị, kinh tế của người dân, Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước Bắc Âu về việc quy định và thực hiện hình thức đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ với người dân về các chính sách phát triển kinh tế – xã hội (hiện nay, ở nước ta chủ yếu người dân tham gia vào việc xây dựng chính sách công thông qua các hình thức gửi ý kiến bằng văn bản đến Quốc hội hoặc thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội). Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải thực hiện tốt hơn nữa việc bảo đảm hài hòa lợi ích của cá nhân và cộng đồng, khắc phục triệt để hiện tượng lợi ích nhóm trong xây dựng các chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Đây là nội dung Chính phủ các nước Bắc Âu rất chú trọng thực hiện và là nguyên nhân pháp luật ở các nước Bắc Âu được nhân dân tự giác thực hiện. Bởi trong pháp luật đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của người dân.

Thứ hai, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý hiệu lực, hiệu quả; đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác. 

Để thực hiện các quyền dân chủ của người dân trên thực tiễn cuộc sống, các nước Bắc Âu rất chú trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền quản lý hiệu lực, hiệu quả, minh bạch và trong sạch. Nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước Bắc Âu trong bảo đảm các quyền dân chủ của người dân, Nhà nước Việt Nam cần phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý với nền công vụ tiên tiến, hiện đại.Đặc biệt, cần xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Các quyền dân chủ của người dân khó có thể được bảo đảm nếu thực tiễn các nhà nước không thực sự vì dân, với các tệ nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nhận thức rõ điều này nên các nhà nước Bắc Âu đều rất chú trọng và có các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong bộ máy nhà nước. Trong đó, chế định Ombudsman (người thực thi dân chủ) – thanh tra viên, nghị sĩ kiểm soát hành chính tư pháp, nhân viên kiểm tra những việc làm của cơ quan nhà nước vi phạm đến quyền lợi của cá nhân. Các ombudsman làm việc độc lập với các cơ quan bị giám sát. 

Ở Việt Nam hiện nay, để bảo đảm thực hiện, bảo vệ các quyền dân chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, Nhà nước đã xây dựng và thực thi các thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước (kiểm tra, thanh tra, giám sát), góp phần hạn chế tối đa những việc làm của cơ quan nhà nước vi phạm đến quyền lợi của cá nhân. Tuy nhiên, cần phải nâng cao tính độc lập của các thiết chế kiểm soát để bảo đảm hiệu quả trên thực tế của hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước.

Các nước Bắc Âu cũng là những nước có chỉ số tham nhũng, lãng phí thấp và được đánh giá là các Nhà nước minh bạch, trong sạch. Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Việt Nam cần phải tiếp tục nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, tiến tới xây dựng Nhà nước thực sự vì dân.

Thứ ba, phát huy vai trò của công đoàn trong thực hiện các quyền dân chủ của Nhân dân.

Ở các nước Bắc Âu, công đoàn đã thực sự phát huy được vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ cho quyền lợi của người lao động. Các tổ chức công đoàn ở Việt Nam để thực sự trở thành chỗ dựa cho người lao động trong thực hiện các quyền dân chủ về kinh tế, lao động, rất cần được trao thêm quyền và bảo đảm tính độc lập trong hoạt động.

Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng nền chính trị dân chủ, xây dựng lòng tin xã hội.

Ở các nước Bắc Âu, lòng tin xã hội đã trở thành chất keo gắn kết các thành viên xã hội, là yếu tố góp phần tạo nên những thành công trong phát triển kinh tế – xã hội và chỉ số hài lòng, hạnh phúc, sức khỏe. Bên cạnh những biện pháp lan tỏa, tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, truyền thống văn hóa dân tộc, lòng tin xã hội chỉ được tạo dựng khi các thành viên trong xã hội nhận thức đầy đủ về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải thượng tôn pháp luật, chuyên nghiệp, hiện đại và thực sự vì dân.

Học tập có hiệu quả, phù hợp những kinh nghiệm của các nước Bắc Âu đối với việc thực hiện dân chủ là cơ sở để xây dựng, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, hướng đến xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân. 

Chú thích:
1, 3, 8, 9. Hệ thống phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu và một số gợi ý đối với Việt Nam. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/816503/he-thong-phuc-loi-xa-hoi-o-cac-nuoc-bac-au-va-mot-so-goi-y-doi-voi-viet-nam.aspx
2. Mô hình phát triển một số nước Tây Bắc Âu (phần 1). http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan—thuc-tien/mo-hinh-phat-trien-cua-mot-so-nuoc-tay-bac-au-phan-1.html
4. Tại sao các nước Bắc Âu không còn là thiên đường “xã hội chủ nghĩa”. https://nghiencuuquocte.org/2021/10/28/tai-sao-cac-nuoc-bac-au-khong-con-la-thien-duong-xa-hoi-chu-nghia/
5. Mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Bắc Âu hiện nay và những gợi mở, tham chiếu cho Việt Nam. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/2791-mo-hinh-chu-nghia-xa-hoi-dan-chu-o-bac-au-hien-nay-va-nhung-goi-mo-tham-chieu-cho-viet-nam.html
6. Các nước Bắc Âu có lẽ trị quốc tốt nhất thế giới (bản dịch của Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra).http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/2791-mo-hinh-chu-nghia-xa-hoi-dan-chu-o-bac-au-hien-nay-va-nhung-goi-mo-tham-chieu-cho-viet-nam.html
7. Mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Bắc Âu hiện nay và những gợi mở, tham chiếu cho Việt Nam. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/2791-mo-hinh-chu-nghia-xa-hoi-dan-chu-o-bac-au-hien-nay-va-nhung-goi-mo-tham-chieu-cho-viet-nam.html
10. Lòng tin xã hội – những giá trị Phần Lan, từ sách “Lửa trời, đuôi cáo – 100 câu truyện Phần Lan”. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/2791-mo-hinh-chu-nghia-xa-hoi-dan-chu-o-bac-au-hien-nay-va-nhung-goi-mo-tham-chieu-cho-viet-nam.html
11. Quốc hội khóa XIII (2013). Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm. Hà Nội.
12. Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3. https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIV/Pages/kyhopthutu/van-kien-tai-lieu.aspx?CategoryId=309
13. 983 kiến nghị của cử tri được giải quyết và trả lời. https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/98-3-kien-nghi-cua-cu-tri-duoc-giai-quyet-va-tra-loi-458802