TS. Nguyễn Thị Hà
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia và cải cách hành chính nhà nước với mục tiêu văn bản ban hành bảo đảm chất lượng, thực thi một cách có hiệu quả trong thực tế. Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành văn bản phải thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động khác nhau từ việc xác định vấn đề đến việc lấy ý kiến, thẩm định đến việc triển khai thực hiện… và một yếu tố cấu thành chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật mà chúng ta cần phải quan tâm, đó là ngôn ngữ sử dụng trong văn bản. Bài viết đề cập đến hai nhóm yếu tố chính có tác động đến việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: các yếu tố bên trong và các yếu tố bên ngoài.
Từ khóa: Văn bản quy phạm pháp luật; yếu tố tác động; sử dụng ngôn ngữ trong văn bản.
1. Đặt vấn đề
Văn bản quy phạm pháp luật là công cụ quan trọng không thể thiếu của mỗi một quốc gia, nó thể hiện ý chí, mệnh lệnh và tính quyền lực của Nhà nước, là công cụ điều hành và quản lý xã hội. Những năm qua, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành văn bản rất quan tâm đến việc thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động khác nhau, như: xác định vấn đề, việc lấy ý kiến, thẩm định và triển khai thực hiện…, trong đó cần phải chú trọng đến yếu tố cấu thành chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật, đó là ngôn ngữ sử dụng trong văn bản. Vì việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản chưa chính xác, chưa phù hợp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đối tượng trong xã hội, thậm chí làm mất lòng tin của người dân và tổ chức đối với các cơ quan nhà nước nói chung và đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói riêng.
2. Về ngôn ngữ văn bản quy phạm pháp luật
2.1. Văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là những văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có chứa quy tắc xử sự chung nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và được Nhà nước bảo đảm thực hiện tại Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo luật định, luật quy định cả về thẩm quyền nội dung và thẩm quyền hình thức; quy trình xây dựng và ban hành văn bản từ bước xác định vấn đề, soạn thảo văn bản đến việc thẩm định văn bản. Đối tượng áp dụng của văn bản rộng toàn quốc, từng địa phương hoặc từng lĩnh vực; mang tính bắt buộc thi hành. Với tính đặc thù này, yêu cầu việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo chất lượng cả về mặt hình thức và nội dung. Nếu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ban hành kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đối tượng trong xã hội, thậm chí làm mất lòng tin của người dân và tổ chức đối với các cơ quan nhà nước nói chung và đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói riêng.
Có nhiều yếu tố cấu thành chất lượng của một văn bản quy phạm pháp luật, nhưng một trong những yếu tố “chất liệu” quan trọng để thể hiện nội dung văn bản có chất lượng, từ đó thực thi văn bản quy phạm pháp luật một cách có hiệu quả, thống nhất trong thực tế đó chính là ngôn ngữ trong văn bản.
2.2. Ngôn ngữ văn bản quy phạm pháp luật
Với yêu cầu và tính đặc thù của văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu ngôn ngữ sử dụng trong văn bản phải chính xác, rõ ràng, đơn nghĩa, dễ hiểu để mọi đối tượng trong xã hội có thể hiểu thống nhất và triển khai áp dụng trong thực tế có hiệu quả. Chính vì vậy, trong thời gian qua, việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định trong các văn bản pháp luật. Cụ thể, tại khoản1 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt. Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu.
Tại Điều 18 Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH 14 ngày 14/03/2017 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về sử dụng ngôn ngữ trong văn bản QPPL bao gồm: (1) Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt; cách diễn đạt phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu; (2) Từ ngữ nước ngoài chỉ được sử dụng khi không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế và phải được phiên âm sang tiếng Việt hoặc có thể sử dụng trực tiếp nếu là từ ngữ thông dụng, phổ biến; (3)Trong văn bản có từ ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì từ ngữ đó phải được giải thích; (4) Từ ngữ viết tắt chỉ được sử dụng trong trường hợp thật cần thiết và phải giải thích nội dung của từ ngữ đó tại lần sử dụng đầu tiên trong văn bản. Đối với văn bản sử dụng nhiều từ viết tắt, có thể quy định riêng một điều giải thích toàn bộ các từ viết tắt trong văn bản; (5) Từ ngữ được sử dụng trong văn bản phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu; trường hợp từ ngữ được sử dụng có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích rõ nghĩa được sử dụng trong văn bản; (6) Từ ngữ chỉ nội dung giống nhau phải được sử dụng thống nhất trong toàn bộ văn bản; (7) Chữ viết hoa trong văn bản được sử dụng đúng quy tắc chính tả tiếng Việt.
Tại Điều 63 Nghị định số 34/ 2016/ NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định: (1) Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt, chính xác, phổ thông; (2) Không dùng từ ngữ địa phương, từ ngữ cổ và từ ngữ thông tục. Từ ngữ nước ngoài chỉ được sử dụng khi không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế. Từ ngữ nước ngoài có thể sử dụng trực tiếp nếu là từ ngữ thông dụng, phổ biến hoặc phải phiên âm sang tiếng Việt; (3) Văn bản phải sử dụng ngôn ngữ viết, cách diễn đạt phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu. Trong văn bản có thuật ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì thuật ngữ đó phải được giải thích; (4) Từ ngữ viết tắt chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết và phải giải thích nội dung của từ ngữ đó tại lần xuất hiện đầu tiên trong văn bản.Đối với văn bản sử dụng nhiều từ viết tắt, cần quy định riêng một điều giải thích toàn bộ các từ viết tắt trong văn bản; (5) Từ ngữ được sử dụng trong văn bản phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu; trường hợp dùng từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích theo nghĩa được sử dụng trong văn bản. Không sử dụng từ nghi vấn, các biện pháp tu từ trong văn bản; (6) Từ ngữ phải được sử dụng thống nhất trong văn bản.
Mặc dù vậy, trong thực tế nhiều văn bản quy phạm pháp luật sử dụng ngôn ngữ trong văn bản chưa phù hợp, còn có hiện tượng sử dụng câu mơ hồ, mơ hồ về ngữ pháp và mơ hồ, mờ nghĩa về từ vựng1. Hơn thế nữa, hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định tiêu chí rà soát ngôn ngữ trong văn bản. Theo Báo cáo số 128/BC-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về cải cách hành chính, từ năm 2011 đến ngày 31/5/2020, đã kiểm tra 61.447 văn bản quy phạm pháp luậtcủa các bộ, ngành và 819.646 văn bản quy phạm pháp luật của các tỉnh. Thông qua kiểm tra, đã phát hiện tại các bộ, ngành: số văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền là 1.669 văn bản quy phạm pháp luật, chiếm 1,67% so với tổng số văn bản được kiểm tra; số văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật là 374 văn bản, chiếm 0,61%. Trong khi đó, đã phát hiện tại các tỉnh: số văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền là 7.841 văn bản quy phạm pháp luật, chiếm 0,96%/tổng số văn bản được kiểm tra; số văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật là 15.583 văn bản, chiếm 1,90%. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền tại các bộ, ngành đã được xử lý là 4.054 văn bản và tại các tỉnh đã được xử lý là 40.169 văn bản.
Theo báo cáo Tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 của Bộ Tư pháp ngày 25/4/20242, việc kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật từ năm 2016 -2023, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã tiếp nhận, phân loại đối với 171.567 văn bản quy phạm pháp luật, (các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp nhận, phân loại 62.018 văn bản; các địa phương đã tiếp nhận, phân loại 109.549 văn bản). Kết quả cả nước đã phát hiện có 4.294 văn bản có nội dung, thẩm quyền chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Như vậy, so với giai đoạn 2011 – 2020 số lượng văn bản chưa phù hợp về nội dung, thẩm quyền trong 7 năm (2016 – 2023) có giảm, tuy nhiên, đây là con số thống kê của một số bộ, ngành và một 10/63 tỉnh, thành phố, còn nếu tính cho 63 tỉnh, thànhphố thì con số này có thể vẫn còn cao. Do vậy, việc nghiên cứu, nhận diện các yếu tố tác động đến việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, có thể giúp cho quá trình xây dựng và ban hành trong thời gian tới khắc phục được những hạn chế, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
3. Những yếu tố tác động đến việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật
Để văn bản quy phạm pháp luật ban hành có chất lượng, văn bản đó phải bảo đảm (1) Tính chính xác, cắt nghĩa tính chính xác (chính xác về thẩm quyền, chính xác về nội dung, chính xác thể thứ (cách trình bày đến thẩm quyền ký văn bản), chính xác về ngôn ngữ); (2) Bảo đảm tính thực tiễn (văn bản phải phù hợp với thực tiễn khách quan). Vì vậy, có rất nhiều yếu tố tác động đến việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có hai nhóm yếu tố chính sau:
Thứ nhất, nhóm các yếu tố bên trong:
(1) Về việc thành lập Tổ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có yếu tố về sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, sau khi đề xuất vấn đề đã được phê duyệt, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo phải thành lập tổ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, vì đây được xem là yếu tố tổ chức (bộ phận) soạn thảo văn bản nên việc lựa chọn, bố trí nhân sự vào tổ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp sẽ nảy sinh những tác động tiêu cực đến việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật. Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng và ban hành văn bản cần bố trí nhân sự phù hợp, tránh trường hợp ghi tên để sử dụng các mục tiêu khác mà không ưu tiên hàng đầu cho chất lượng văn bản. Điều này, các nhà lãnh đạo được uỷ quyền thực hiện cần cân nhắc, bố trí nhân sự phù hợp.
(2) Về năng lực của cán bộ, công chức tham gia vào quá trình soạn thảo và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một trong những yếu tố có tác động lớn đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật nói chung và với việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật nói riêng. Trên thực tế, năng lực của cán bộ, công chức các cơ quan có thẩm quyền soạn thảo và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật năng lực sử dụng ngôn ngữ còn hạn chế, đặc biệt, không có công chức hoặc thành viên thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ của bộ phận soạn thảo, cán bộ pháp chế, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập còn chưa thực sự hiệu quả, hình thức, còn phó thác cho cơ quan chủ trì soạn thảo.
Bộ, ngành, địa phương chưa có chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là chính sách đãi ngộ và sử dụng hiệu quả cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật sau khi đã được đào tạo, bồi dưỡng. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương thiếu ổn định, chưa thật sự chuyên nghiệp; thiếu về số lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Năng lực của cán bộ, công chức tại các cơ quan nhà nước có liên quan đến chất lượng, thái độ, trình độ của người lao động bao gồm lao động gián tiếp và lao động trực tiếp. Thực tế đã chỉ ra rằng, để đáp ứng các mục tiêu nâng cao năng suất, hiệu quả công việc nói chung, nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, cán bộ, công chức soạn thảo và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật cần phải có kiến thức chuyên môn tốt, có kỹ năng thành thạo, có kỷ luật, có tinh thần sáng tạo. Đồng thời, cần có thể lực tốt để bảo đảm làm việc trong môi trường lao động với cường độ cao.
Ngoài năng lực chuyên môn, cán bộ, công chức tham gia soạn thảo và thẩm định văn bản cần phải có trách nhiệm công vụ. Theo đó, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của tổ chức, trong đó có cả hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
(3) Vai trò của các cấp lãnh đạo đối với quá trình soạn thảo và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có tác động nhất định đến chất lượng của văn bản, một mặt, sự chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát trong quá trình xây dựng và thẩm định văn bản sát sao sẽ phát hiện những bất cập, từ đó có thể điều chỉnh kịp thời. Mặt khác, sự quan tâm động viên, khích lệ tinh thần, có cơ chế khen và phê bình đúng mực sẽ có tác động tích cực đến hiệu quả công việc. Hơn thế nữa, việc quan tâm đến nguồn nhân lực của các cấp lãnh đạo là một lợi thế phát triển, bởi nhân lực các cơ quan nhà nước được coi là một tài sản cố định của các cơ quan đang sở hữu. Chính vì vậy, để khai thác tối ưu tài sản và sinh lợi, các cơ quan nhà nước, đặc biệt các cấp lãnh đạo cần quản lý nguồn nhân lực một cách hiệu quả.
Thứ hai, nhóm yếu tố bên ngoài:
(1) Về hệ thống pháp luật quy định đến việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật. Trên thực tế, việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt. Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu”; tại Điều 18 Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH 14 ngày 14/3/2017 quy định về sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là sửa đổi khoản 6 và bổ sung khoản 7 Điều 6: “Từ ngữ chỉ nội dung giống nhau phát được sử dụng thống nhất trong văn bản. Chữ viết hoa trong văn bản được sử dụng đúng quy tắc chính tả tiếng Việt”. Tuy nhiên, các quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa có giải thích cụ thể thế nào là đơn nghĩa, loại câu nào không được sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật; nhóm từ nào không được sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật. Hơn thế nữa, trong các tiêu chí kiểm tra, đánh giá về văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chí về ngôn ngữ văn bản quy phạm pháp luật chưa được các cơ quan xây dựng và đưa vào tiêu chí đánh giá.
(2) Về sự phát triển của kinh tế – xã hội có tác động nhất định đến việc sử dụng văn bản quy phạm pháp luật. Sự phát triển của kinh tế – xã hội đã xuất hiện nhiều từ mới trên nhiều lĩnh vực, như: kinh tế tri thức; kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, văn hoá số, dữ liệu số, dữ liệu mở, thương mại điện tử, kiểm tra sau thông quan, dịch vụ công toàn trình, dịch vụ công trực tuyến,… Vì vậy, yêu cầu cán bộ, công chức phải cập nhật, bổ sung để sử dụng vào trong văn bản sao cho phù hợp, tuy nhiên, trong giai đoạn này, chúng ta vẫn chưa có những công trình nghiên cứu giải thích nghĩa từ vựng để sử dụng đưa vào trong văn bản đạt được chính xác.
(3) Về sự tham gia của người dân và các tổ chức vào quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, của người dân và các tổ chức vào quá trình xây dựng và ban hành văn bản một cách thực chất sẽ giúp cho văn bản ban hành có chất lượng, phù hợp với thực tế hơn. Nhưng trong thực tế, hoạt động này chưa thực sự hiệu quả, có thể người dân không quan tâm hoặc do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoạt động lấy ý kiến chỉ mang tính hình thức, chưa làm thực chất, vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành văn bản chưa thu hút được sự tham gia của người dân đống góp ý kiến cho văn bản quy phạm pháp luật.
(4) Ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình xây dựng và thẩm định văn bản có tác động đến chất lượng văn bản, tác động đến việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật.
Công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại được coi là một yếu tố ảnh hưởng lớn tới hiệu quả công việc nói chung và chất lượng văn bản quy phạm pháp luật nói riêng. Đối với các lĩnh vực khác nhau, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin được đầu tư một cách khác biệt và sau khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ và tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành, các lĩnh vực ngày càng trở nên cấp thiết. Công nghệ thúc đẩy các cấp các ngành phải ứng dụng để tăng năng suất lao động và giúp giảm thời gian giải quyết công việc, đẩy nhanh tiến dộ giải quyết công việc trong hoạt động của các tổ chức, tăng cường chất lượng cũng như hướng tới các giải pháp đột phá, đổi mới sáng tạo. Quan trọng hơn, công nghệ ngày càng tạo ra ảnh hưởng lớn tới hầu hết các ngành, các lĩnh vực. Chính vì thế, phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật cần vận dụng áp dụng công nghệ thông tin để phat huy hiệu quả và nâng cao chât lượng ban hành văn bản.
Việc áp dụng công nghệ thông tin, khoa học – công nghệ hiện đại vào hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, công chức và của người dân, tổ chức tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn thấp, dẫn đến, việc xây dựng và ban hành văn bản chậm tiến độ và hạn chế về nội dung, trong đó có việc sử dụng các đơn vị ngôn ngữ trong văn bản.
Hiện nay, với nỗ lực của chính phủ và của các cấp, các ngành vào việc ứng dụng khoa học – công nghệ thông tin vào quá trình thực hiện quản lý điều hành hoạt động của tổ chức, vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính và quá trình cung ứng dịch vụ công,… Thiết nghĩ, việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cần phải ứng dụng khoa học – công nghệ, song đòi hỏi cán bộ, công chức và người dân phải có một trình độ chuyên môn tương ứng để có khả năng sử dụng các phương tiện hiện đại vào quá trình tổ chức xây dựng, lấy ý kiến đóng góp và thẩm định văn bản. Việc nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức và người dân có ý nghĩa lớn đối với nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
(5) Về hội nhập quốc tế và thực thi các FTAs.
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và mạnh mẽ của Việt Nam vừa mang lại cơ hội và thách thức mới. Cơ hội trước hết phải kể đến khả năng mở rộng thị trường, các FTAs cũng mang lại nhiều cơ hội hợp tác về vốn, công nghệ, mô hình và phương thức quản lý mới, hiện đại cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cũng mang lại nhiều thách thức cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam như xu hướng gia tăng các rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu đặt ra yêu cầu ngày càng khắt khe đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, sẽ có những tác động đến quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một mặt, chúng ta không lường trước những biến động, mặt khác, đòi hỏi nội dung của văn bản, ngôn ngữ sử dụng trong văn bản phải phù hợp với yêu cầu mới.
4. Kết luận
Để nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cần phải thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động nhưng cũng cần dựa trên việc phân tích nhận diện các yếu tố tác động đến việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản, một trong những nguồn lực, chất liệu tạo nên chất lượng văn bản, đồng thời là yếu tố giúp cho văn bản đi vào đời sống xã hội, cũng là một đóng góp quan trọng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có những giải pháp cụ thể để cải thiện những vấn đề nêu trên.
Chú thích:
1. Nguyễn Thị Nhật Linh, Phạm Tuấn Ly (2020). Câu mơ hồ trong văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam: Nghiên cứu từ chương 1 trong Luật Doanh nghiệp. Tạp chí Công Thương số 25 (10/2020).
2. Bộ Tư pháp. Báo cáo Tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2021). Báo cáo số 128/BC-CP ngày 19/4/2021 về kết quả cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030.
2. Chính phủ (2020). Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
3. Nguyễn Thị Hà (2012). Nghiên cứu chức năng ngôn ngữ văn bản quản lý nhà nước. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật.
4. Quốc hội (2015, 2020). Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020).
5. Đổi mới quá trình hoạch định và thực thi chính sách công ở Việt Nam hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/06/06/doi-moi-qua-trinh-hoach-dinh-va-thuc-thi-chinh-sach-cong-o-viet-nam-hien-nay/