Bảo đảm quyền con người trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở Việt Nam

Nguyễn Mạnh Tuân
NCS của Trường Đại học Luật,
Đại học Quốc gia Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, tuy nhiên, trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cũng có thể gây nên các tác động tiêu cực đến xã hội v quyền con người. Vì vậy, bảo đảm quyền con người trong hoạt động kinh doanh đã trở thành một chuẩn mực quốc tế quan trọng. Việc nghiên cứu và áp dụng các quy định này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ luật pháp mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội, tạo dựng uy tín và niềm tin từ cộng đồng. Đặc biệt, việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các chủ thể khác có thể góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh bền vững, minh bạch và nhân văn.

Từ khóa: Hoạt động kinh doanh, quyền con người, doanh nghiệp, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc bảo đảm quyền con người trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ là một trách nhiệm pháp lý mà còn là một yêu cầu đạo đức và chiến lược kinh doanh bền vững. Ở Việt Nam, khi nền kinh tế không ngừng phát triển và hội nhập, việc nghiên cứu và áp dụng các quy định nhằm bảo vệ quyền con người trong kinh doanh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là yếu tố giúp nâng cao uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc bảo đảm quyền con người trong hoạt động kinh doanh, như: vấn đề việc làm, tiền lương, thời gian làm việc và nghỉ ngơi, nhà ở cho người lao động, môi trường làm việc, các hoạt động xã hội và việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động thông qua các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, các tổ chức chính trị xã hội khác vẫn còn hạn chế. Vì vậy, cần có sự nỗ lực đồng bộ từ doanh nghiệp, các cơ quan quản lý và cộng đồng xã hội sớm có hướng khắc phục và hoàn thiện.

2. Khái niệm quyền con người và hoạt động kinh doanh

a. Khái niệm quyền con người

Quyền con người được hiểu đơn giản là những quyền tự nhiên, từ nhân phẩm vốn có của con người, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa trên cơ sở giới tính, ngôn ngữ, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội được cộng đồng quốc tế, quốc gia công nhận tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm dưới nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh xã hội, văn hóa tín ngưỡng – tôn giáo; mục tiêu và định hướng của mỗi thể chế chính trị, mỗi nhà nước, quan điểm của từng giai cấp cầm quyền; hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi cá nhân và của từng ngành khoa học, như: triết học, chính trị học, luật học, xã hội học. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) Liên hiệp quốc đã đưa ra định nghĩa về quyền con người: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý mang tính phổ quát có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm và tự do cơ bản của con người”1.

Ở Việt Nam, khái niệm quyền con người cũng được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau nhưng xét chung nhất thì quyền con người được hiểu là: “Những nhu cầu, lợi ích tự nhiên vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế”2.Quyền con người là phẩm giá, nhu cầu, lợi ích và năng lực vốn có ở con người được pháp luật công nhận nhằm thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ (bảo đảm) thực hiện và thúc đẩy quyền sống, tự do, hạnh phúc của con người và dân tộc Việt Nam. Dù được định nghĩa ở cấp độ nào thì quyền con người đều được cộng đồng quốc tế thừa nhận và xác định hai giá trị cơ bản là giá trị pháp luật giá trị đạo đức.

Vì vậy, có thể hiểu quyền con người là quyền của tất cả mọi người, là những đòi hỏi xuất phát từ nhân phẩm được chế định trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Những quyền này, bao gồm các quyền dân sự và chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội.

b. Khái niệm hoạt động kinh doanh

Kinh doanh là một hoạt động xã hội được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Từ góc độ pháp luật, kinh doanh là việc các chủ thể là cá nhân hoặc tổ chức thực hiện một cách thường xuyên, liên tục một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lời3. Khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 định nghĩa: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận”.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 định nghĩa: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.

Vì vậy, hoạt động kinh doanh là hoạt động cơ bản và chủ yếu của các chủ thể kinh doanh với mục tiêu là lợi nhuận, để thực hiện được các hoạt động này chủ thể kinh doanh phải tiến hành đầu tư vốn, tài sản, các nguồn lực sẵn có để tiến hành các hoạt động kinh doanh. Song, để kinh doanh thì nhà đầu tư phải thành lập doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy định của Nhà nước về thành lập, tổ chức và hoạt động, bên cạnh đó yếu tố môi trường kinh doanh cũng là điều kiện quan trọng góp phần làm lên sự thành công cho doanh nghiệp nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Như vậy, khái niệm hoạt động kinh doanh trong pháp luật Việt Nam có nội dung tương đồng với khái niệm hoạt động thương mại trong pháp luật thương mại và trong Hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

3. Chính sách về bảo đảm quyền con ở Việt Nam hiện nay

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) và các văn kiện Đại hội XI, XII, XIII của Đảng luôn nhấn mạnh, phải quan tâm hơn nữa đến việc chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết.

Hiến pháp năm 2013 dành trọn Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” với 36 điều hiến định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân; cùng với các luật, bộ luật được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Điều này không chỉ xác lập cơ sở pháp lý về các quyền con người của chủ thể (cá nhân, công dân, các nhóm yếu thế trong xã hội), mà còn đặt nghĩa vụ, trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và các tổ chức xã hội phải nâng cao tinh thần trách nhiệm xã hội, trách nhiệm pháp lý tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người đã được Hiến pháp quy định. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”, “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Đó là cơ sở để đất nước ta đạt được các thành tựu cụ thể về dân chủ, nhân quyền mà thế giới đã công nhận.

 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới, xác định mục tiêu tổng quát là thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và mục tiêu cụ thể đến năm 2030, hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đây là những định hướng, quan điểm, tầm nhìn quan trọng cho việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân trong giai đoạn mới.

Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện thể chế pháp luật về quyền con người đã từng bước nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế về quyền con người vào Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 là một cột mốc quan trọng đánh dấu nỗ lực hiến định các chuẩn mực về quyền con người của Việt Nam. Với 120 điều, trong đó đã dành 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Trên cơ sở các nguyên tắc hiến định, hàng loạt các bộ luật chuyên ngành đã được ban hành tạo cơ sở pháp lý toàn diện bảo đảm quyền con người về dân sự, chính trị; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong xã hội4.

Ngày 06/01/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, trong đó nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đến năm 2025. Tại khoản 5 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp phải “bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động, không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật…”.

Các quyền cơ bản về lao động cũng đã được pháp luật quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015. Từ đó, quyền lợi cho người lao động trong doanh nghiệp ngày càng liên tục tăng, như: tăng lương định kỳ, thưởng doanh thu, thưởng hiệu suất làm việc, và các khoản thưởng dịp lễ, Tết; mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; khám sức khỏe định kỳ, hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; nghỉ phép, nghỉ thai sản, nghỉ lễ Tết…

Tính đến tháng 11/2024, toàn quốc có 19,365 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 11,39% so với năm 2023, trong đó bảo hiểm xã hội bắt buộc là 17,281 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện là 2,084 triệu người, tăng 45,8%. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 15,560 triệu người, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 20235. Bên cạnh đó, lương tối thiểu tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình với mục tiêu bằng với mức sống tối thiểu, góp phần giảm khó khăn, cải thiện đời sống của người lao động. Đồng thời, xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm, nghề nghiệp và các vấn đề có liên quan, như: việc làm thỏa đáng, mức lương tối thiểu, giờ làm việc, sức khoẻ và an toàn nghề nghiệp, thực thi pháp luật lao động, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối thoại lao động…

Ngoài ra, bảo vệ môi trường và đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng cũng là một phần không thể thiếu trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới có thể phát triển một cách bền vững và đạt được sự tin tưởng từ cộng đồng. Đồng thời, thực hành kinh doanh có trách nhiệm góp phần: (1) Nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và cả quốc gia; (2) Giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; (3) Tạo lập sự nhất quán, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp6.

Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ góp phần trực tiếp trong việc thực hiện nhiều điều ước và cam kết quốc tế của Việt Nam, trong đó có những điều ước quốc tế về quyền con người của Liên hiệp quốc, nhiều điều ước quốc tế về lao động của ILO…

4. Một số khuyến nghị thực hiện nghĩa vụ tôn trọng quyền con người trong hoạt động kinh doanh

Để thực hiện nghĩa vụ bảo vệ quyền con người trong kinh doanh, doanh nghiệp cần phải kiểm soát các hoạt động kinh doanh để không gây ra hoặc góp phần gây ra vi phạm quyền con người (nếu có vi phạm xảy ra, doanh nghiệp cần chủ động đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả). Đồng thời, cần phải thực hiện đúng và đầy đủ các nguyên tắc của UNGP, gồm:

(1) Doanh nghiệp tôn trọng quyền con người, tránh các vi phạm và giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực về nhân quyền; (2) Doanh nghiệp có trách nhiệm tôn trọng mọi quyền con người như quyền phổ quát; (3) Doanh nghiệp ngăn ngừa các ảnh hưởng tiêu cực về quyền con người và giải quyết các tác động khi xảy ra các vi phạm; (4) Trách nhiệm của doanh nghiệp không phân biệt cơ sở hoạt động, quy mô ngành và phạm vi trong hoạt động của mình hay của các đối tác kinh doanh bao gồm các đơn vị trong chuỗi cung ứng; (5) Thực hiện trách nhiệm tôn trọng quyền con người, các doanh nghiệp cần có các chính sách và quy trình phù hợp với quy mô và hoàn cảnh hoạt động7.

Để thực hiện nghĩa vụ tôn trọng quyền con người trong khuôn khổ hoạt động kinh doanh thì mỗi doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp đa quốc gia hay doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp phải có cam kết tôn trọng quyền con người, các doanh nghiệp cần có các chính sách và quy trình phù hợp với quy mô và hoàn cảnh hoạt động của doanh nghiệp.

Cần phát triển và công bố các chính sách liên quan đến quyền con người, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, như: Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên hiệp quốc về kinh doanh và quyền con người.

Thứ hai, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin rõ ràng và rộng rãi về quá trình doanh nghiệp, rà soát bảo đảm quyền con người và kết quả đạt được trong tất cả các bước của quá trình rà soát.

Thứ ba, xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý khiếu nại hiệu quả tại ngay tại doanh nghiệp khi phát sinh vi phạm, tranh chấp về quyền con người. Trong trường hợp có xảy ra vi phạm quyền con người, doanh nghiệp cần thực hiện đền bù hoặc hợp tác với các cơ quan để có biện pháp khắc phục phù hợp.

Thứ tư, chủ động, tích cực quan tâm chăm lo cả về vật chất, tinh thần cho người lao động, thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong ngước và pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền con người trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở Việt Nam.

Những khuyến nghị trên sẽ giúp doanh nghiệp cân bằng giữa lợi ích kinh doanh và trách nhiệm xã hội, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển cộng đồng.

5. Kết luận

Bảo đảm quyền con người trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam không chỉ là một yêu cầu cấp thiết để tuân thủ các chuẩn mực quốc tế mà còn là yếu tố then chốt để xây dựng một nền kinh tế bền vững và nhân văn. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm giúp doanh nghiệp không chỉ phát triển dài hạn mà còn góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng một xã hội công bằng, minh bạch và thân thiện. Sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng là nền tảng để thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn quyền con người trong kinh doanh, xây dựng được niềm tin trong thương hiệu góp phần đưa Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế; đồng thời, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là con đường tất yếu để phát triển một môi trường kinh doanh hiện đại và có trách nhiệm trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chú thích:
1. United Nations, Human Rights: Questions and Answers, New York and Geneva, 2006, tr. 1.
2. Nguyễn Đăng Dung – Vũ Công Giao – Lã Khánh Tùng (2011).  Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người. H. NXB Đại học Quốc gia, tr. 42.
3. Nguyễn Hợp Toàn – Dương Nguyệt Nga (2015). Giáo trình Pháp luật kinh tế. H. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, tr. 31.
4. Việt Nam tăng cường thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong giai đoạn phát triển mới. https://nhandan.vn/viet-nam-tang-cuong-thuc-day-va-bao-ve-quyen-con-nguoi-trong-giai-doan-phat-trien-moi-post786821.html
5. Phát triển và thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là động lực phát triển bền vững của đất nước. https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?itemid=82363
6. Tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. https://danchuphapluat.vn/ton-trong-bao-dam-va-bao-ve-quyen-con-nguoi-quyen-cong-dan-trong-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam
7. United Nations Guiding Principles on Business and Human Rights – UNGP, 2011.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2023). Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Quốc hội (2013).Hiến pháp năm 2013.
4. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp năm 2020.
5. Quốc hội (2005). Luật Thương mại năm 2005.
6. OECD, Responsible Business Conduct and the sustainable development goals. https://mneguidelines.oecd.org/RBC-and-the-sustainable-development-goals.pdf.
7. Nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh và quyền con người.https://www.undp.org/sites/g/files/zskgke326/files/migration/vn/UNGPs_Nguyen-tac-huong-dan-Kinh-doanh-va-Quyen-Con-nguoi_VIE_2021-01-12.pdf.