Một số thách thức của hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam

ThS. Tống Thế Sơn
Trường Đại Thương mại
ThS. Nguyễn Anh Tùng
Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế. Tại Việt Nam, thương mại điện tử đã và đang từng bước phát triển nhưng cũng gặp nhiều thách thức. Trên cơ sở tổng hợp các tài liệu, báo cáo và trong phạm vi khuôn khổ bài viết, nhóm tác giả tập trung phân tích và đánh giá một số thách thức, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại điện tử, góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Từ khóa: Thương mại điện tử, thách thức, Việt Nam, giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử đã góp phần thay đổi cách thức kinh doanh truyền thống và mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế. Tại Việt Nam, thương mại điện tử đã và đang tăng trưởng vượt bậc, nhờ đó, sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin cũng như hành vi tiêu dùng của người dân cũng có sự thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn, như: vấn đề môi trường pháp lý, khả năng bảo mật thông tin và niềm tin của người tiêu dùng đối với các giao dịch trực tuyến… là những rào cản cần được quan tâm và giải quyết. Vì vậy, cần có những giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ để tận dụng tối đa cơ hội cũng như khắc phục những thách thức đó. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng để tạo ra một hệ sinh thái thương mại điện tử phát triển bền vững.

2. Vai trò của thị trường thương mại điện tử

Thị trường thương mại điện tử là nơi mua và bán hàng hóa, dịch vụ có sử dụng internet để thực hiện các việc mua bán, chuyển tiền, dữ liệu thông qua các giao dịch. Ngoài ra, thương mại điện tử cũng được hiểu là hoạt động kinh doanh bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến, bao gồm bán hàng hóa trực tuyến, du lịch trực tuyến, dịch vụ gọi xe và đồ ăn công nghệ, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến. Vì vậy, thị trường thương mại điện tử đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra môi trường kinh doanh mới cho các chủ thể tham gia trao đổi và mua bán các loại hàng hóa, dịch vụ. Tại đây, người mua hàng cũng có thể dễ dàng biết đến các thông tin về hàng hóa dịch vụ mà mình cần kể cả khi ở nhà hay bất cứ đâu. Người bán có thể dễ dàng cung cấp thông tin, số lượng các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh thông qua một vài thao tác. Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng giảm được nhiều loại chi phí, đặc biệt là các chi phí về mặt bằng – loại chi phí mà các mô hình kinh doanh truyền thống phải bỏ ra một nguồn kinh phí duy trì lớn và đều đặn.

Hiện nay có các hình thức thương mại điện tử, như: doanh nghiệp tới doanh nghiệp – B2B (các doanh nghiệp có khách hàng cùng là doanh nghiệp và tổ chức); doanh nghiệp tới người tiêu dùng – B2C (các doanh nghiệp cung cấp trực tiếp hàng hóa và dịch vụ tới tận tay người tiêu dùng); người tiêu dùng đến doanh nghiệp – C2B (các trang web mà người tiêu dùng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mà họ cần); người tiêu dùng đến người tiêu dùng – C2C (các doanh nghiệp tạo thuận lợi cho việc bán sản phẩm giữa những người tiêu dùng); Chính phủ đến người tiêu dùng – G2C; người tiêu dùng đến Chính phủ – C2G; doanh nghiệp đến nhà tuyển dụng – B2E).

Thứ hai, tăng cường kết nối và tiếp cận thị trường. Với sự phát triển của internet và công nghệ số, các doanh nghiệp có thể kết nối trực tiếp với khách hàng trên phạm vi toàn cầu mà không bị giới hạn bởi yếu tố địa lý. Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại điện tử, như: Lazada, Shopee hay Tiki không chỉ cung cấp không gian bán hàng trực tuyến mà còn hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tối ưu hóa quy trình vận hành và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối với khách hàng trong và ngoài nước mà không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Điều này mở ra cơ hội toàn cầu hóa và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thứ ba, đổi mới cách thức mua sắm và tiêu dùng. Với sự tiện lợi và đa dạng của thương mại điện tử đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, giúp họ tiếp cận sản phẩm, dịch vụ một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Thứ tư, tăng hiệu quả kinh doanh. Các doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí vận hành thông qua việc số hóa quy trình kinh doanh; đồng thời, tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng và phân tích dữ liệu khách hàng một cách chính xác và nhanh chóng.

3. Một số thách thức của thương mại điện tử ở Việt Nam

Hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử đang trở nên phổ biến và phát triển mạnh mẽ phục vụ nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa và dịch vụ cho hàng tỷ người dùng trên toàn cầu thông qua phương tiện điện tử và internet. Năm 2024, quy mô thị trường đạt trên 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước1, điều này cho thấy, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các phương thức mua sắm trực tuyến.

Tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kỹ thuật số tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới2, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Trong đó, sàn giao dịch thương mại điện tử (Marketplace) chiếm vị trí nổi bật, các nền tảng thương mại điện tử, như: Shopee, Lazada, Tiki và Sendo tiếp tục dẫn đầu, chiếm lĩnh phần lớn thị phần nhờ khả năng cung cấp sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và dịch vụ vận chuyển nhanh chóng. TikTok, Shop nổi lên kết hợp giữa yếu tố mạng xã hội và mua sắm trực tuyến thu hút được hàng triệu người dùng nhờ trải nghiệm mua sắm qua livestream, tạo ra một làn sóng mới trong cách tiêu dùng. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng các nền tảng, như: Amazon và Alibaba để tiếp cận thị trường quốc tế nâng cao doanh thu xuất khẩu mở ra cơ hội quảng bá thương hiệu Việt trên toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước và sự chung tay hợp tác từ các doanh nghiệp, cụ thể:

Một là, về quy mô phát triển thương mại điện tử Việt Nam giữa các địa phương chưa đồng đều.

Hiện nay, chỉ số thương mại điện tử năm 2024 chủ yếu với 2 thành phố lớn, dẫn đầu là TP. Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội lần lượt là 87 và 84 điểm, xếp ở vị trí thứ 3 là tỉnh Bình Dương với 51 điểm, Đà Nẵng: 47 điểm, Hải Phòng: 36 điểm2. Điều này phản ánh khoảng cách rất lớn về thương mại điện tử giữa TP. Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội so với các tỉnh, thành phố còn lại.

Các sàn giao dịch thương mại điện tử hiện đang phát triển ở các thành phố lớn, như: TP. Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội, còn các địa phương khác phát triển chậm hơn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, bởi: (1) Hạ tầng bưu chính chưa đủ đáp ứng phát triển thương mại điện tử; (2) Người dân tại các khu vực nông thôn chưa có đủ nhận thức và kỹ năng số đáp ứng phát triển thương mại điện tử; (3) Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh ở vùng sâu và xa còn thấp. Ngoài ra, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại điện tử của các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.

Hai là, thương mại điện tử Việt Nam đang bị chi phối bởi các sàn giao dịch của nước ngoài.

Thị trường thương mại điện tử hiện nay đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài, ví dụ, sàn Tiki vốn là một sàn bản địa của Việt Nam nhưng đến năm 2021 đã chuyển 90,5% cổ phần cho pháp nhân Tiki Global của Singapore, như vậy, Tiki đã trở thành doanh nghiệp Singapore4. Tương tự như sàn Sendo xuất phát điểm là doanh nghiệp Việt Nam nhưng đến cuối năm 2020 vốn ngoại tại sàn này đã lên đến hơn 65%5. Có thể thấy, các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu đang hoạt động ở Việt Nam là của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp qua biên giới, như: Facebook, Google, Tiktok, Agoda hoặc là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp hoặc do doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và vận hành nhưng dần được vốn hóa nước ngoài với tỷ lệ cao, như: Tiki, Sendo… Ngoài ra, sự chi phối của sàn giao dịch thương mại điện tử nước ngoài còn được thể hiện ở sở thích của người tiêu dùng. Khoảng 51% người Việt Nam coi Shopee là nền tảng mua sắm yêu thích, vị trí thứ 2 là Lazada (18%), tiếp theo là Facebook (8%), Tiki (7%)6.

Theo báo cáo của YouNet ECI, năm 2024, người Việt đã chi khoảng 13,82 tỷ USD để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử lớn, như: Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki. Trong đó, Shopee dẫn đầu với 9,3 tỷ USD (chiếm 66,7% thị phần), TikTok Shop với 3,8 tỷ USD (26,9% thị phần)7.

Vì vậy, hàng loạt các thông tin về hành vi, sở thích, thói quen, mức sống của người Việt có thể được nắm bắt bởi nước ngoài, điều này gây ra thách thức rất lớn về an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Không chỉ vậy, việc các sàn này ưu tiên các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài là điều khó tránh khỏi. Điều này cũng chính là nguy cơ dẫn đến hệ quả là sản phẩm, hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh với nước ngoài ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa trong nước.

Thứ ba, người tiêu dùng còn gặp nhiều trở ngại khi mua hàng trực tuyến.

Khi mua hàng trực tuyến, trở ngại đáng quan tâm nhất, đó là chất lượng hàng hóa chưa thực sự tốt so với quảng cáo dẫn đến dịch vụ chăm sóc khách hàng kém. Mặt khác, các doanh nghiệp khi có dữ liệu thông tin về người dùng có thể sẽ bán dữ liệu đó cho các doanh nghiệp khác, vì vậy, sẽ gây phiền phức cho người tiêu dùng khi nhận được các cuộc gọi hay sự giới thiệu từ bộ phận bán hàng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng Việt vẫn quen với loại hình mua hàng tại các cửa hàng truyền thống nên tỷ lệ người tiêu dùng chưa tham gia mua sắm trực tuyến với lý do mua hàng tại cửa hàng thuận tiện hơn chiếm 56%8.

4. Một số giải pháp

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách thương mại điện tử và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch và phù hợp với đặc thù của thương mại điện tử, bao gồm các quy định về giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý thuế, giải quyết tranh chấp trực tuyến và quyền lợi của người tiêu dùng. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật cần được cập nhật liên tục theo kịp tốc độ phát triển nhanh của thương mại điện tử; đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ giữa các quy định trong nước với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của ngành thương mại điện tử, do đó, các trường đại học và các doanh nghiệp cần có sự liên kết và phối hợp nhịp nhàng để có thể gắn công tác đào tạo với thực tiễn, từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Thương mại điện tử.

Thứ hai, giảm thiểu sự chênh lệch trong phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương.

Cần đầu tư, phát triển hạ tầng số tại các địa phương, như: đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống logistics, hạ tầng viễn thông và công nghệ thanh toán số tại các tỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, nâng cao kỹ năng số cho người dân nông thôn cũng như các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cũng cần được coi trọng.

Chính quyền địa phương, cần phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với các đơn vị đi đầu trong hoạt động thương mại điện tử để triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận thị trường trực tuyến. Chủ động xây dựng các chương trình, đề án nhằm nhằm thu hút các doanh nghiệp thương mại điện tử đầu tư, mở rộng thị trường hoạt động hướng đến các địa phương và một số vùng trọng điểm.

Thứ ba, giảm sự phụ thuộc vào các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài.

Việc các nền tảng nước ngoài chiếm lĩnh thị trường đặt ra thách thức về quyền kiểm soát dữ liệu và khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp nội địa. Vì vậy, Nhà nước cần chủ động kêu gọi, hỗ trợ và phân bổ nguồn vốn đầu tư một cách chiến lược đối với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước, nhằm thúc đẩy sự phát triển các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử nội địa. Việc này không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường số mà còn giúp hạn chế sự phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài, bảo đảm chủ quyền dữ liệu và an ninh thông tin. Đồng thời, cần có các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, qua đó, nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái công nghệ số trong nước.

Cần tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, triển khai các chương trình đào tạo, cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chẳng hạn, tại tỉnh Lạng Sơn, các cơ quan quản lý đã phối hợp với Postmart và Vỏ Sò để triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng số và hỗ trợ đăng ký tham gia thương mại điện tử cho các hộ kinh doanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại địa phương một cách bền vững.

Thứ tư, hạn chế tối đa những trở ngại mà người tiêu dùng gặp phải.

Cần thúc đẩy nâng cao kỹ năng số của người tiêu dùng thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, doanh nghiệp cần phải tối ưu hóa giao diện nền tảng bán hàng, bảo đảm tính trực quan, thân thiện và dễ sử dụng cho mọi nhóm đối tượng, bao gồm cả những người ít tiếp xúc với công nghệ.

Tiếp tục nâng cao hệ thống tổng hợp dữ liệu hàng hóa, cung cấp chức năng đánh giá sản phẩm và triển khai các giải pháp quảng bá hiệu quả giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin đáng tin cậy, từ đó, nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Đồng thời, xây dựng các cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, yêu cầu công khai chính sách bảo hành, đổi trả và hoàn tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại điện tử cần cải thiện chất lượng hình ảnh, thông tin sản phẩm cũng như tối ưu quy trình giao dịch và chăm sóc khách hàng, nhằm nâng cao sự hài lòng của người mua. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa; đồng thời, đề ra giải pháp hạn chế tình trạng lừa đảo, “bom hàng”, bảo vệ quyền lợi của cả người tiêu dùng và nhà bán hàng góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thương mại điện tử Việt Nam.

Thứ năm, đẩy mạnh truyền thông về sàn thương mại điện tử.

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, cập nhật, đăng tải thông tinh cảnh báo hành vi lừa đảo, gian lận thương mại, lợi dụng thương mại điện tử để cảnh báo người tiêu dùng; triển khai các hoạt động, sự kiện thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, kinh tế số. Đồng thời, tận dụng nền tảng phổ biến, như: Facebook, TikTok, Instagram để tiếp cận người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả, các bài đăng có thể bao gồm video ngắn cảnh báo về các hình thức lừa đảo phổ biến.

Xây dựng chương trình định hướng, tư vấn về thương mại điện tử cho sinh viên trên toàn quốc; tuần lễ mua sắm trực tuyến quốc gia; hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương…

Chú thích:
1. Thương mại điện tử Việt Nam năm 2024: Những bước tiến và thách thức. https://moit.gov.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-nam-2024-nhung-buoc-tien-va-thach-thuc.html.
2. Tỷ trọng thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. https://vneconomy.vn/ty-trong-thuong-mai-dien-tu-chiem-2-3-gia-tri-cua-nen-kinh-te-so-viet-nam.htm.
3. Hà Nội đứng thứ 2 về chỉ số thương mại điện tử. https://hanoimoi.vn/ha-noi-dung-thu-2-ve-chi-so-thuong-mai-dien-tu-664575.html
4, 5. Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường bán lẻ thương mại điện tử phát triển nhanh nhất. https://mst.gov.vn/viet-nam-nam-trong-nhom-cac-thi-truong-ban-le-tmdt-phat-trien-nhanh-nhat-197153831.htm.
6. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử. https://www.phaplyvatruyenthong.vn/tin-tuc/p5-c25-n1604-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-trong-thuong-mai-dien-tu.html.
7. Shopee, TikTok shop bỏ xa đối thủ trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. https://baodautu.vn/shopee-tiktok-shop-bo-xa-doi-thu-tren-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-viet-nam.
8. Xu hướng hành vi mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam. https://tapchicongthuong.vn/xu-huong-hanh-vi-mua-hang-truc-tuyen-cua-nguoi-tieu-dung-viet-nam-104014.htm.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công thương (2021). Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2020.
2. Phạm Thị Hoài Phương (2022). Tranh chấp và giải quyết tranh chấp phát sinh từ giao dịch điện tử theo pháp luật Việt Nam. Luận văn thạc sĩ, Đại học Quốc Gia Hà Nội.
3. Tống Thế Sơn (2020). Điều kiện phát triển kinh tế số: Nghiên cứu trường hợp Việt Nam. Luận văn thạc sĩ, Đại học Quốc Gia Hà Nội.
4. Một số giải pháp phát triển thị trường thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/12/17/mot-so-giai-phap-phat-trien-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-ben-vung-tai-viet-nam.
5. Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam: Thực trạng và kiến nghị. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-o-viet-nam-thuc-trang-va-kien-nghi-72700.htm.
6. Phát triển khu vực kinh tế phi chính thức thông qua thương mại điện tử ở Việt Nam. https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu–trao-doi/trao-doi-binh-luan/phat-trien-khu-vuc-kinh-te-phi-chinh-thuc-thong-qua-thuong-mai-dien-tu-o-viet-nam-116717.html, ngày 06/5/2022.
7. Quản lý thuế đối với thương mại điện tử tại Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/11/12/quan-ly-thue-doi-voi-thuong-mai-dien-tu-tai-viet-nam.
8. Thúc đẩy phát triển thị trường thương mại điện tử. https://consosukien.vn/thuc-day-phat-trien-thi-truong-thuong-mai-dien-tu.htm.