Thực tiễn xây dựng chính quyền số tại tỉnh Bắc Kạn hiện nay

TS. Trần Thị Huyền Trang
Học viện Chính sách và phát triển
ThS. Nguyễn Hải Yến
Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn

(Quanlynhanuoc) – Sự xuất hiện của chính phủ số đã tạo nền tảng phát triển hạ tầng số phục vụ các hoạt động cần thiết trong cơ quan nhà nước và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh Bắc Kạn cũng đã nỗ lực trong xây dựng chương trình, kế hoạch trong phát triển chính quyền số với mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách hành chính phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Đối với một tỉnh miền núi với trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số, việc xây dựng chính quyền số gặp không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi tỉnh Bắc Kạn cần phải có những giải pháp thiết thực nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Từ khóa: Chuyển đổi số, chính phủ số, chính quyền số, thách thức, tỉnh Bắc Kạn.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, thâm nhập sâu và phát huy vai trò trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thì thực tiễn xây dựng chính quyền địa phương tại các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Bắc Kạn cũng không nằm ngoài xu hướng tất yếu đó. Đây là tiền đề, đồng thời là mục tiêu, nhiệm vụ để các cơ quan nhà nước, trong đó có chính quyền tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực tiễn quản lý và điều hành, cung cấp thủ tục hành chính, hướng đến một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo môi trường, hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.  

2. Xây dựng chính quyền số tại tỉnh Bắc Kạn

Tại Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được đề cập nhiều vào năm 2018, đặc biệt từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, “chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”1. Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Trong đó, nhiệm vụ phát triển chính phủ số là nhiệm vụ đầu tiên, giúp chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, minh bạch hơn, hạn chế tham nhũng, kiến tạo sự phát triển cho xã hội.

Về khái niệm, “chính phủ số là chính phủ có hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội. Hay nói một cách khác, đây là quá trình chuyển đổi số của chính phủ”2.

Nếu như chính phủ điện tử là “bốn không”: không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt; thì chính phủ số là chính phủ điện tử thêm “bốn Có”: toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội.

Nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong chuyển đổi số nhằm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số được xác định trong Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, trình độ dân trí ở các vùng dân tộc còn chưa theo kịp yêu cầu đặt ra, có đến 80% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở mức cao so với bình quân cả nước3. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số vừa đặt ra nhiều thách thức đồng thời cũng là cơ hội để tỉnh có những bước phát triển đột phá, vươn lên. Từ cơ sở đó, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 676-QĐ/UBND ngày 26/4/2022 về việc phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 25/4/2023 triển khai thực hiện Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Đối với tỉnh Bắc Kạn, chuyển đổi từ chính quyền điện tử sang chính quyền số là sự chuyển đổi có tính căn bản: từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số; khái niệm hệ thống công nghệ thông tin được thay bằng hệ thống nền tảng; từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận theo hướng dữ liệu; từ công nghệ Web thành công nghệ 4.0, như: di động (Mobile), điện toán đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT); từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; từ cải cách thủ tục hành chính thành thay đổi mô hình quản trị; từ đo lường số lượng dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ công số. Thách thức của chính quyền điện tử chính là liên thông, tích hợp thì thách thức của chính quyền số lại là quản lý sự thay đổi. Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, “Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển bền vững; chính quyền số được hình thành, trong đó các hoạt động của chính quyền có thể thực hiện 100% trên không gian số”4.

3. Một số kết quả

Thứ nhất, về hạ tầng, nền tảng kỹ thuật phục vụ xây dựng chính quyền số, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai các nhiệm vụ/dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh: 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN); 100% cán bộ, công chức tại cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được trang bị máy tính làm việc5. Hệ thống wifi công cộng tiếp tục được duy trì ổn định, phục vụ người dân, doanh nghiệp tại 28 điểm phát sóng trên địa bàn tỉnh6.

Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Bắc Kạn được thiết kế theo kiến trúc phân lớp bảo mật và sử dụng các công nghệ hiện đại, như: VLAN, máy chủ ảo (VPS), cân bằng tải các kết nối internet… Hệ thống máy chủ VPS của Trung tâm dữ liệu gồm 5 máy chủ vật lý chạy song hành được quản lý tập trung, đang đáp ứng tốt cho hoạt động của các hệ thống dịch vụ và có thể tạo thêm các máy chủ ảo hóa để triển khai các hệ thống dịch vụ7. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đáp ứng yêu cầu sử dụng hiện nay của các hệ thống dịch vụ và ứng dụng của tỉnh, như: phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; phần mềm một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; hệ thống thư điện tử công vụ; cổng thông tin điện tử tỉnh; phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng lao động; hệ thống lưu trữ điện tử… Ngoài ra, phòng máy chủ của Sở Tài nguyên và Môi trường được duy trì hoạt động với 16 máy chủ vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường và hệ thống tiếp nhận, xử lý số liệu quan trắc tự động, liên tục đo lượng nước, khí thải trên địa bàn tỉnh, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống kho tư liệu tài nguyên môi trường8. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được mở rộng và bảo đảm kết nối đến 108 xã, phường, thị trấn.9

Tỉnh đã xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, gồm: số hóa tài liệu (xây dựng, triển khai phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ, đồng thời tích hợp với phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc để thực hiện việc kết nối và chuyển các hồ sơ văn bản phải lưu trữ theo quy định sang hệ thống quản lý hồ sơ lưu trữ điện tử); cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng; cơ sở dữ liệu đất đai; cơ sở dữ liệu môi trường; kho cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường; cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục; cơ sở dữ liệu về giá; cơ sở dữ liệu hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử người dân; cơ sở dữ liệu công chứng; cơ sở dữ liệu quy hoạch xây dựng.

Tiếp tục duy trì hiệu quả các hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc với 13.800 tài khoản người dùng. Tỷ lệ văn bản trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt tỷ lệ 90,9% (trừ các văn bản mật)10. Hệ thống thư công vụ với 8.606 tài khoản được duy trì sử dụng. Năm 2023, hệ thống được tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thông tin, mức độ sử dụng đạt gần 85%11. Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh đã số hóa 100% danh mục thuộc chế độ báo cáo và biểu mẫu báo cáo theo quy định12, đồng thời kết nối, đồng bộ dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.

Ứng dụng chữ ký số chuyên dùng tiếp tục được duy trì sử dụng. Bên cạnh việc sử dụng thiết bị ký số USB token, hiện nay, tỉnh đã cấp 287 sim ký số di động, thường xuyên sử dụng trong ký văn bản điện tử. Tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chứng thư số chuyên dùng cho 502 giáo viên tại tất cả các trường học trên địa bàn 8 xã, phường thí điểm chuyển đổi số. Đến hết năm 2023, tổng số thiết bị ký số chuyên dùng được cấp trên địa bàn tỉnh là 6.820 thuê bao13.

Thứ hai, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử để hình thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định và đã chuyển đổi sang công nghệ IPv6. Đồng thời, tỉnh duy trì, hoàn thiện và thúc đẩy việc kết nối hệ thống một cửa điện tử đến các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các bộ, ngành trung ương để kết nối đồng bộ, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống có 136 đơn vị sử dụng, đạt tỷ lệ 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã có thủ tục hành chính. Đến hết năm 2023, hệ thống tiếp nhận và xử lý 145.377 hồ sơ. Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh như sau: tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 80,5%; tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến trên tổng số hồ sơ phát sinh của các dịch vụ công trực tuyến đạt 85,1%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia đạt 5,68%14.

Thứ ba, 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố có trang/cổng thông tin điện tử hoạt động ổn định15. Ngoài ra, nhiều trang tin chuyên ngành, như: trang thông tin về cải cách hành chính, chuyển đổi số, du lịch, chữ ký số chuyên dùng, phổ biến giáo dục pháp luật… cũng được quan tâm triển khai. Việc cung cấp thông tin trên các trang, cổng thông tin điện tử ngày càng kịp thời và đầy đủ hơn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ minh bạch hóa thông tin, công khai hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Hiện nay, 100% cổng/trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố là thành phần của cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn, đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Trong năm 2023, cổng thông tin điện tử tỉnh đã đăng tải 6.000 tin bài, tăng 5% so với năm 202216.

Thứ tư, các hệ thống thông tin chuyên ngành đang được các đơn vị duy trì sử dụng và thực hiện việc cập nhật bổ sung dữ liệu, điển hình như: hệ thống quản lý chất lượng giáo dục tỉnh Bắc Kạn được triển khai tại 283/283 cơ sở giáo dục của tỉnh (các cơ sở dữ liệu được lấy tự động từ hệ thống phần mềm quản lý trường học đã giúp cho các cơ sở giáo dục thực hiện đánh giá chất lượng giáo dục hoàn toàn trực tuyến, qua đó đã giảm bớt 70% thời gian cũng như chi phí thực hiện so với hình thức thủ công trước đây); phần mềm hệ thống thông tin tiền lương (việc triển khai phần mềm này từ năm 2022 đã góp phần giúp các đơn vị cơ sở, cũng như cơ quan quản lý cấp trên nắm bắt các thông tin, dự toán được biến động về tiền lương, phụ cấp của công chức, viên chức và người lao động, đồng thời giúp cơ quan quản lý phân tích tiền lương theo từng hạng mục lương, theo từng đơn vị dự toán, theo từng địa bàn huyện, ngành, tổng hợp nguồn kinh phí cải cách tiền lương kịp thời theo chế độ quản lý của cơ quan cấp trên, từ đó nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính – ngân sách của tỉnh; hệ thống thông tin đất đai (công tác quản lý đất đai được xử lý trực tiếp trên phần mềm, như: truy vấn, khai thác dữ liệu đất đai; quản lý quy trình cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai; dịch vụ đăng ký đất đai, thống kê, kiểm kê đất đai; các bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ về quy hoạch sử dụng đất, bản đồ giá đất…)17.

Thứ năm, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được duy trì kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó việc xác thực thông tin về nơi cư trú được thực hiện trên môi trường điện tử giúp người dân, doanh nghiệp không phải xuất trình bản giấy những thành phần hồ sơ liên quan đến xác định nơi cư trú như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú… Từ năm 2021 – 2023, kết quả đánh giá chỉ số xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số nằm trong bộ Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Bắc Kạn liên tục tăng bậc, cụ thể: năm 2021, đạt 13,04/13,5 điểm, xếp vị trí 51/63 tỉnh, thành phố; năm 2022, đạt 9,7523/13,5 điểm, xếp vị trí 49/63 tỉnh, thành phố (tăng 02 bậc so với năm 2021); năm 2023, đạt 11,12/13,5 điểm, xếp vị trí 39/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc so với năm 2022)18.

Thứ sáu, về mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động của chính quyền số, hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang ứng dụng AI trong một số hệ thống như: hệ thống truyền thanh thông tin; hệ thống đo mưa tự dộng; hệ thống giám sát hành trình thông minh; hệ thống giải pháp phòng chống mã độc tập trung – BKAV-Endpoint AI…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền số tại tỉnh Bắc Kạn còn có một số hạn chế, thách thức sau: (1) Tại một số cơ quan, đơn vị, hoạt động chuyển đổi số trong chính quyền chưa được quan tâm chỉ đạo thực hiện; tỷ lệ hồ sơ phát sinh qua dịch vụ công trực tuyến còn thấp (tỷ lệ thanh toán trực tuyến trung bình của cả nước đạt 39,16%, tỉnh Bắc Kạn đạt 14,36%)19. (2) Việc kết nối, chia sẻ và đưa vào khai thác sử dụng các dịch vụ chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin có phạm vi từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa khai thác sử dụng một cách đồng bộ, hiệu quả. (3) Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh còn xảy ra lỗi trong quá trình sử dụng, đặc biệt là vấn đề đồng bộ dữ liệu từ hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống giám sát EMC của Bộ Thông tin và Truyền thông. (4) Việc xác định sự cần thiết, quy mô, khối lượng của các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số còn khó khăn. (5) Trình độ dân trí ở các xã vùng sâu, vùng xa không đồng đều, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn thấp dẫn đến tâm lý e ngại, chưa quen với việc nộp hồ sơ qua mạng; …

4. Một số giải pháp

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh về chuyển đổi số. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai hoạt động chuyển đổi số; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và giao về cho các sở, ban, ngành cụ thể trong nhiệm vụ.

Hai là, tổ chức các chuyên đề, tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, các khóa đào tạo để nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến xã, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, cần có hoạt động đánh giá hiệu quả của các khóa học này trong thực tiễn thông qua hệ thống thông tin phản hồi của đối tượng người học, cần kết hợp thêm với hoạt động của các thiết chế xã hội cơ sở.

Ba là, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Bố trí cán bộ hướng dẫn người dân thao tác nộp hồ sơ trực tuyến để việc tiến hành thủ tục của người dân được thuận tiện, dần loại bỏ tâm lý e ngại ban đầu, hình thành thói quen mới. Đặc biệt, cần có công chức được cử để phụ trách các nhóm đối tượng đặc thù là người dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn không thể sử dụng được ngôn ngữ phổ thông, người cao tuổi, người chưa từng tiếp xúc với công nghệ thông tin… Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý thông qua việc theo dõi, đánh giá dữ liệu từ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã triển khai.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện chức năng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, công khai theo thời gian thực các số liệu liên quan đến cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tập trung hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đáp ứng yêu cầu của người sử dụng và khắc phục triệt để tình trạng lỗi, nhất là trong việc kết nối, đồng bộ dữ liệu với cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống giám sát EMC; hoàn thành kết nối đến các dịch vụ đã được cung cấp trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị.

5. Kết luận

Chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra buộc chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân phải thay đổi. Đối với chính quyền, chuyển đổi số sẽ giúp chính quyền ngày càng cải thiện chất lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức, cải thiện dịch vụ công để phục vụ nhu cầu của người dân hiệu quả hơn. Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, tỉnh Bắc Kạn xác định cần phải cụ thể hóa quá trình chuyển đổi số của tỉnh cho phù hợp và nhất quán với định hướng phát triển kinh tế số, xã hội số. Trên cơ sở đó, xây dựng các giải pháp chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực quản lý nhà nước hướng tới quá trình chuyển đổi số phục vụ công nghiệp hóa và tái cơ cấu nền kinh tế.

Chú thích:
1, 2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Cẩm nang chuyển đổi số. H. NXB Thông tin và truyền thông, tr. 2, 2.
3. Tổng cục Thống kê (2023). Niên giám thống kê. H. NXB Thống kê, tr. 1026.
4, 5, 6. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn (2022). Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 26/4/2022 về việc phê duyệt đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.
7, 8, 9, 19. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn (2024). Báo cáo số 234/BC-UBND ngày 01/4/2024 về kết quả chuyển đổi số quý I năm 2024.
10, 11, 12, 13, 15, 16, 17. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn (2023). Báo cáo số 914/BC-UBND ngày 10/12/2023 về kết quả chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2023.
14. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn (2023). Kế hoạch số 883/KH-UBND ngày 20/12/2023 về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2024.
18. Bộ Nội vụ (2023). Báo cáo Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX – năm 2021, năm 2022.