Nguyễn Thị Phương Thảo và Nguyễn Đức Cường
Trường Đại học Đà Lạt
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số thì nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã trở thành hai trụ cột quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của các trường đại học. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển giao công nghệ, các trường đại học đang xây dựng kế hoạch và lộ trình để đẩy mạnh hoạt động này một cách bài bản. Hướng tới việc tạo ra những sản phẩm nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, các trường đã không ngừng nâng cao năng lực giảng viên, mở rộng hợp tác doanh nghiệp và xây dựng các trung tâm nghiên cứu hiện đại.
Từ khóa: Khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, trường đại học, chuyển đổi số, trung tâm nghiên cứu hiện đại.
1. Mô hình đại học khoa học, công nghệ ứng dụng và chuyển giao công nghệ
Các trường đại học khoa học và công nghệ ứng dụng là các tổ chức giáo dục đại học phổ biến rộng rãi ở châu Âu, Ốtxtrâylia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Đại học ứng dụng là một thuật ngữ chỉ một loại hình đại học có sứ mạng, mục tiêu cụ thể. Ở châu Âu là Fachhochschule (Đức, Áo, Thụy Sĩ), Hogeschool (Hà Lan); ở Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc)… có tên gọi trực diện là đại học khoa học và công nghệ. Loại hình này có các năng lực cạnh tranh, như: chú trọng đào tạo, phát triển năng lực thực hành nghề nghiệp; những kỹ năng tác nghiệp cụ thể cho người học; luôn gắn đào tạo với thực tế sản xuất; nghiên cứu khoa học và công nghệ tập trung theo hướng chuyển giao các kết quả nghiên cứu ứng dụng đã đạt được vào thực tiễn cuộc sống. Đại học khoa học và công nghệ ứng dụng rất mạnh các kết quả nghiên cứu.
Những nghiên cứu được định hướng vào các phát kiến ứng dụng khoa học và công nghệ, tập trung phát triển các kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các lý thuyết thành các giải pháp, ứng dụng để giải quyết các đầu bài do doanh nghiệp đặt hàng. Do đó, phần lớn các đại học loại hình này không được xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng có các chỉ số tập trung nhiều vào kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế, như: bảng xếp hạng của THE, ARWU vì giảng viên dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động nghiên cứu chuyển giao và nghiên cứu theo dự án/đặt hàng của doanh nghiệp và cũng chính là nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu của trường.
Xét trên phương diện năng lực cạnh tranh và độ tập trung cho nhiệm vụ chuyên biệt và đặc thù thì nhóm trường này là nhóm cần được quan tâm mạnh để cho ra các sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng cao và có đủ điều kiện để kết nối một cách gần gũi hơn với các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế trong việc khai thác nguồn lợi khoa học.

Thông qua khảo sát được thực hiện bởi Hiệp hội các tổ chức giáo dục đại học châu Âu, Đại học Khoa học và công nghệ ứng dụng châu Âu có những đặc điểm dễ nhận diện sau: (1)Tập trung đào tạo kỹ năng nghề nghiệp (professional education), nghiên cứu thì tập trung vào khía cạnh ứng dụng của khoa học và công nghệ nên đa số các đại học khoa học và kỹ thuật ứng dụng ít khi đào tạo và cấp bằng tiến sĩ; (2)Tập trung vào nâng cao kỹ năng liên quan đến công việc và năng lực làm việc hiệu quả với quan điểm là đào tạo chuyên gia; (3) Có chính sách, chiến lược hợp tác mạnh mẽ với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng; chương trình giáo dục được phát triển thông qua việc phối hợp với các bên liên quan, đặc biệt từ công việc thực tế và có tính đến các nhu cầu tương lai về việc làm đến ngành nghề đào tạo; (4) Chuẩn đầu ra phản ánh kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết liên quan đến yêu cầu về một nghề nghiệp cụ thể; (5) Nội dung học tập tích hợp hiệu quả giữa lý thuyết và thực hành, hướng đến giải quyết các vấn đề phức tạp, các tình huống nảy sinh trong thực tế của doanh nghiệp.

Các mô hình có mục tiêu là mô tả các hoạt động liên quan đến quản lý chuyển giao công nghệ, xác định rõ các yếu tố và vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự thành công hoặc hiệu quả của chuyển giao công nghệ. Mặt khác, các mô hình định lượng các thông số quan trọng và sau đó phân tích. Các mô hình này cũng cố gắng giảm thiểu sự không tương thích về mục tiêu giữa người chuyển giao và doanh nghiệp nhận chuyển giao trong quá trình chuyển giao công nghệ. Bradley, Hayter và cộng sự, (2013) cũng đã đưa ra mô hình chuyển giao công nghệ bao gồm cả chuyển giao công nghệ chính thức và phi chính thức (Bradley, 2013).
Lợi thế cạnh tranh của một quốc gia sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng tạo ra những công nghệ có tính đổi mới hơn và việc sử dụng hiệu quả các công nghệ mới này. Tuy nhiên, chuyển giao công nghệ là một quá trình phức tạp, khó khăn bao gồm các vấn đề pháp lý, kỹ thuật phức tạp, tính toán tài chính và tiếp thị (Sazali Abd Wahab, 2011).

Thông qua kinh nghiệm của các nước có thể thấy, mỗi quốc gia có một mô hình chuyển giao khác nhau, do đó, các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu thông qua các loại hình khác nhau. Việc xây dựng mô hình cần phải dựa trên việc nghiên cứu các yếu tố tác động đến quá trình chuyển giao. Tuy nhiên, có một số con đường chuyển giao công nghệ chính khi xây dựng mô hình, như: Chuyển giao chính thức: là việc chuyển giao trực tiếp thông qua cơ quan nghiên cứu hay các trung tâm ứng dụng. Chuyển giao phi chính thức: thông qua cá nhân hay thông qua việc hình thành các công ty spin-off/spin-out. Ngoài ra, còn có thể tính đến một số mô hình mới xuất hiện như mô hình đổi mới mở hay thông qua việc hợp tác nghiên cứu đã được nhắc đến ở trên.
2. Vai trò thúc đẩy nhiệm vụ chuyển giao công nghệ trong các trường đại học
Chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tri thức từ các trường với nhu cầu đang rất cần thiết của các doanh nghiệp. Đây là quá trình mang tính chiến lược, không chỉ giúp đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn mà còn tạo ra những giá trị mới có tính bền vững, thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo liên tục trong nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và cũng là một trong 3 trụ cột phát triển giáo dục đại học (đào tạo – nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng).
Với các trường đại học, chuyển giao công nghệ là cơ hội để khẳng định vị thế nghiên cứu, minh chứng tính ứng dụng và hiệu quả của những công trình khoa học, quá trình này mang thêm nguồn thu để tái đầu tư vào hạ tầng nghiên cứu (Laboratory). Những sáng kiến và giải pháp công nghệ từ các phòng thí nghiệm được hiện thực hóa trong sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Quá trình này cũng giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận sâu hơn với những thách thức từ thực tế, từ đó định hướng cho các nghiên cứu sau này trở nên thiết thực và phù hợp hơn với nhu cầu xã hội.
Hiện nay, các tập đoàn kinh tế đa ngành ở Việt Nam đều sở hữu trực tiếp các trường đại học thông qua hình thái đầu tư vào các công ty con có sở hữu các trường đại học. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nhận định rõ được tiềm năng khai thác kết hợp một cách rõ ràng giữa hoạt động giáo dục đại học và hoạt động ứng dụng khoa học. Đây không chỉ là một sự hợp tác đơn thuần mà còn góp phần tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nơi các ý tưởng mới liên tục được hình thành và phát triển.
Hoạt động chuyển giao công nghệ cũng thực chất là tiền đề để xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa trường và doanh nghiệp. Các dự án nghiên cứu chung, các chương trình trao đổi chuyên gia hoặc các hoạt động tọa đàm chuyên môn đều là những ví dụ cụ thể cho sự gắn kết chặt chẽ này. Có thể thấy, việc hợp tác với các trường đại học thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ mang lại lợi ích rõ rệt. Các doanh nghiệp không chỉ tiếp nhận được những công nghệ tiên tiến mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ áp dụng những giải pháp khoa học hiện đại. Đồng thời, thông qua quá trình này, các doanh nghiệp có thể hợp tác với các chuyên gia hàng đầu, tận dụng tri thức và kinh nghiệm để phát triển những sản phẩm hoặc dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Về phía các trường đại học, giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu, tạo cơ hội cho giảng viên và sinh viên tiếp cận với các công nghệ tiên tiến và phương pháp nghiên cứu hiện đại trên mô thức hợp tác chiến lược với doanh nghiệp, như:
(1) Đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành: thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, kết hợp các lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ thông tin, y – dược học, kinh tế và nhân văn. Điều này tạo ra những giải pháp toàn diện và hiệu quả hơn cho các thách thức hiện nay.
(2) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mang tính thực tế: đầu tư có định hướng vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm: giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên. Các chương trình đào tạo nâng cao, các khóa học chuyên sâu và các hoạt động nghiên cứu thực tiễn sẽ được đẩy mạnh để nâng cao năng lực và kỹ năng của đội ngũ nhân lực.
(3) Thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: hỗ trợ, khuyến khích, tạo nhiều sân chơi bổ ích các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng sinh viên và giảng viên. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, các cuộc thi sáng tạo và các dự án hợp tác với doanh nghiệp sẽ được triển khai mạnh mẽ để tạo điều kiện cho các ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa.
(4) Nhận diện nhu cầu thực tế: quá trình chuyển giao công nghệ cũng tạo cơ hội cho trường đại học thiết lập các liên kết vững chắc với doanh nghiệp. Giúp các trường đại học hiểu sâu hơn về nhu cầu và thị trường thực tế, từ đó định hướng nghiên cứu phù hợp. Với nhà nghiên cứu và sinh viên, hoạt động chuyển giao công nghệ sẽ khuyến khích sáng tạo và nghiên cứu ứng dụng; thúc đẩy tạo ra những giải pháp hữu ích và ứng dụng thực tiễn; nhìn nhận ngay từ đầu những tiềm năng ứng dụng của nghiên cứu, đồng thời, khuyến khích tư duy sáng tạo và tính ứng dụng của tri thức… Điều này cũng giúp phát triển kỹ năng chuyên môn và giao tiếp, tăng cường khả năng thích nghi và làm việc trong môi trường thực tế sau này.
3. Giải pháp thúc đẩy công tác chuyển giao công nghệ đối với các trường đại học khoa học và công nghệ ứng dụng
Thứ nhất, tạo cơ chế tự chủ trong chuyển giao công nghệ.
Trong cơ chế tự chủ gồm cả tự chủ tài chính cho các hoạt động được tạo ra từ sản phẩm và những công trình khoa học hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học, cũng như tìm tòi các công nghệ mới. Những hoạt động này được tạo ra bởi những nhà khoa học, các sinh viên đang trực tiếp làm việc tại các trường. Điều này thúc đẩy nhà trường tự chủ với động lực được tự do nghiên cứu và triển khai chuyển giao để góp phần cho tự chủ về tài chính trong các trường thông qua quy chế và chính sách đặc thù mang tính cụ thể hóa cao, ví dụ như quy chế chuyển giao công nghệ.
Thứ hai, tăng cường hợp tác quốc tế và doanh nghiệp.
Để đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết của công tác chuyển giao công nghệ thì việc bắt tay hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp được xem là chìa khóa trong việc nâng cao nhiệm vụ này. Đây cũng là vấn đề được các trường đại học chú trọng. Theo đó, doanh nghiệp và nhà trường cùng phối hợp để xây dựng, khắc phục những tồn tại của doanh nghiệp (đề bài/gợi ý khoa học), cập nhật các xu hướng mới hoặc đưa ra các phát hiện trong quá trình nghiên cứu cho từng nhiệm vụ.
Trong các mối quan hệ này tồn tại hai vấn đề cần đặc biệt phải làm rõ: quan hệ về việc ứng dụng các ý tưởng, các công trình nghiên cứu và quan hệ tài chính. Dưới góc độ tài chính, trường đại học là nơi cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, đầu tư vào hạ tầng nghiên cứu hiện đại, cùng sự phối hợp đồng bộ từ các doanh nghiệp. Phạm vi này đòi hỏi các trường đại học và doanh nghiệp cùng nhau xây dựng một môi trường hợp tác minh bạch, chuyên nghiệp để công tác chuyển giao đạt được tỷ lệ thành công cao. Không những thế, trường đại học cần thiết lập các cơ chế và chương trình hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để tận dụng triệt để tiềm năng thương mại hóa các công nghệ. Việc tạo ra các liên kết vững chắc với doanh nghiệp giúp trường đại học hiểu sâu hơn về nhu cầu và thị trường, từ đó định hướng nghiên cứu và đào tạo phù hợp.
Thứ ba, quản lý khai thác tài sản trí tuệ.
Các trường cần tổ chức đầu tư và tăng cường quản lý quyền sở hữu trí tuệ một cách bài bản. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ giúp trường đại học bảo đảm công nghệ ứng dụng mới được bảo vệ và không bị sao chép hay sử dụng mà không được phép. Trên phương diện cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định số 76/2018/NĐ-CP hướng đến việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ.
Thứ tư, thành lập Trung tâm Chuyển giao công nghệ (TTO) hoặc doanh nghiệp spin-off (university spin-off company hoặc technology spin-off company) trực thuộc trường.
Về nhiệm vụ, TTO được coi là giải pháp hiệu quả để thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường.

Nhất định phải thành lập một hệ thống TTO “đồng hành” với nhà nghiên cứu từ “A đến Z” trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu: từ khâu tiếp nhận sáng chế – đánh giá tiềm năng – nộp đơn bảo hộ – tìm kiếm đối tác – soạn thảo hợp đồng. Phần lớn hoạt động chuyển giao công nghệ ở các viện, trường trên thế giới đều được thực hiện thông qua TTO và đây cũng là nơi đúc kết thành hệ thống cẩm nang chung cho công tác thương mại hóa các sản phẩm chuyển giao. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc cần xây dựng chính sách và quyền lợi rõ ràng để TTO hoạt động trên cơ chế tự chủ về trách nhiệm và tài chính.
Thứ năm, áp dụng chính sách lưu động nguồn lực.
Các trường cần có chính sách hợp tác lưu động trên tinh thần quan sát và đánh giá thực tế thông qua hoạt động đưa các nhà nghiên cứu xuống làm việc trực tiếp doanh nghiệp để tìm hiểu về quy trình công nghệ hiện tại, trải nghiệm quy trình sản xuất thực tế. Điều này không thúc đẩy bằng ý chí cá nhân các nhà nghiên cứu mà phải thông qua cơ chế – chính sách của các trường và được sự thống nhất chủ trương của doanh nghiệp.
4. Kết luận
Thực tế cho thấy, các mô hình tổ chức chuyển giao công nghệ tại các trường đại học khoa học và công nghệ ứng dụng còn hạn chế cả về số lượng và tuổi đời. Theo thực tế, các trường đại học có thể sử dụng linh hoạt các mô hình: các trung tâm ứng dụng, văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO), hay thông qua việc hình thành các công ty spin-off. Tuy nhiên, vẫn còn các hình thức chuyển giao công nghệ khác cần được nghiên cứu xây dựng, như việc hợp tác nghiên cứu, chuyển giao phi chính thức của các nhà khoa học, hay các con đường chuyển giao mới như thông qua đổi mới mở của doanh nghiệp hay việc hợp tác nghiên cứu. Việc tổ chức nghiên cứu sâu hơn sẽ tạo ra các thông tin có giá trị giúp thúc đẩy hoạt động này mang lại lợi ích cao nhất cho các bên từ trường đến doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Bradley, R (2013). Models and Methods of University Technology Transfer. Foundations and Trends® in Entrepreneurship, 9 (6):571 – 650.
2. Lan, N. T (2017). Tìm hiểu mô hình giáo dục đại học ở một số nước trên thế giới. Tạp chí Lý luận Chính trị, tr. 104 – 108.
3. Lê Minh Hải, C. V (2022). Nghiên cứu mô hình chuyển giao công nghệ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp: Một số gợi ý đề xuất. JSTPM tập 11, Số 3, 47-59.
4. Nguyễn Thu Hương, c. s. (2022). Xây dựng mô hình tổ chức Chuyển giao công nghệ trong trường đại học tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp mô hình trung tâm chuyển giao công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, tr. 42-55.
5. Nguyên, P. (2018, 9 17). Chuyên gia gợi ý kinh nghiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu ra thị trường. https://vnexpress.net/chuyen-gia-goi-y-kinh-nghiem-chuyen-giao-ket-qua-nghien-cuu-ra-thi-truong-3810407.html
6. Sazali Abd Wahab, R. C. (2011). A Review on the Technology Transfer Models, Knowledge-Based and Organizational Learning Models on Technology Transfer. European Journal of Social Sciences 10 (4).