ThS. Nguyễn Bảo Vinh
Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata
(Quanlynhanuoc.vn) – Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong giáo dục đại học đã và đang nhận được sự quan tâm lớn từ chính phủ và các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nghiên cứu làm rõ cơ sở lý thuyết về chuyển đổi số trong giáo dục đại học và tổng hợp kinh nghiệm từ một số quốc gia, như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Anh Quốc, trên cơ sở đó rút ra một số bài học về chuyển đổi số trong giáo dục đại học hướng đến xây dựng một hệ thống giáo dục đại học linh hoạt, hiện đại và phù hợp với xu thế toàn cầu, tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế.
Từ khóa: Chuyển đổi số; giáo dục đại học; Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing) và Internet vạn vật (IoT) đã tạo ra những thay đổi căn bản về mọi lĩnh vực đời sống – xã hội. Theo Hermann, Pentek và Otto (2016), CMCN 4.0 có bốn đặc trưng chính là khả năng giao tiếp giữa các thiết bị, minh bạch thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và ra quyết định theo mô hình phân tán. Những đặc trưng này không chỉ giới hạn trong ngành công nghiệp sản xuất mà còn có tác động sâu rộng đến các lĩnh vực khác nhau, trong đó có giáo dục đại học. CMCN 4.0 đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, hướng đến một hệ thống giáo dục thông minh, linh hoạt và cá nhân hóa hơn. Theo báo cáo của UNESCO (2023), hơn 90% các trường đại học trên thế giới đã triển khai các chiến lược chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng cơ hội học tập cho người học. Xu hướng này không chỉ giúp các trường tối ưu hóa hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và quản trị mà còn góp phần xây dựng hệ sinh thái giáo dục mở, thúc đẩy học tập suốt đời và hội nhập toàn cầu.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong giáo dục đại học đã và đang nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ và các cơ sở đào tạo. Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” đã nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo trực tuyến ở một số ngành, nghề phù hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục đại học, quản lý hơn 470 cơ sở đào tạo, 25.000 chương trình đào tạo, 100.000 hồ sơ cán bộ và gần 3 triệu hồ sơ người học. Trong khuôn khổ Đề án 06, dữ liệu ngành giáo dục đã được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia như cơ sở dữ liệu dân cư (xác thực 98% hồ sơ giáo viên, học sinh), cơ sở dữ liệu bảo hiểm (đồng bộ thông tin việc làm của hơn 97.000 sinh viên mỗi năm) và cơ sở dữ liệu công chức, viên chức (gần 18.000 hồ sơ viên chức).
Tuy nhiên, trên thực tế quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức tồn tại khi hạ tầng kỹ thuật và an toàn thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều trường đại học còn thiếu hệ thống quản lý dữ liệu hiệu quả, dẫn đến khó khăn trong việc số hóa và khai thác dữ liệu. Bên cạnh đó, tài nguyên số và các khóa học trực tuyến còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng tăng của sinh viên. Việc phát triển và chia sẻ học liệu điện tử vẫn chưa được triển khai đồng bộ, khiến chất lượng đào tạo trực tuyến chưa đạt mức tối ưu, nhận thức và năng lực số của giảng viên, sinh viên chưa đồng đều, trong khi các chính sách hỗ trợ và cơ chế khuyến khích chuyển đổi số vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, việc kết nối dữ liệu giữa các trường đại học với hệ thống quản lý nhà nước còn chưa nhất quán, gây khó khăn trong việc triển khai các giải pháp số hóa trên phạm vi rộng.
Xuất phát từ những yêu cầu trên, nghiên cứu nhằm làm rõ cơ sở lý thuyết về chuyển đổi số trong giáo dục đại học, tập trung phân tích các mô hình chuyển đổi số thành công trên thế giới, qua đó đưa ra bài học kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam nhằm xây dựng một hệ sinh thái học tập số toàn diện, giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu.
2. Cơ sở lý thuyết về chuyển đổi số trong giáo dục đại học
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là một quá trình thay đổi có hệ thống, trong đó các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân áp dụng công nghệ số để tái cấu trúc toàn diện mô hình hoạt động, phương thức quản lý, sản xuất – kinh doanh và cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra giá trị mới (Henriette, Feki & Boughzala, 2015). Đây không đơn thuần là quá trình số hóa, tức chuyển đổi thông tin từ dạng vật lý sang dạng số, hay tin học hóa quy trình nghiệp vụ, mà là sự thay đổi toàn diện về mô hình kinh doanh, cách thức vận hành và tư duy chiến lược (Verina, & Titko, 2019).
Theo Westerman, Bonnet và McAfee (2014), chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh, cải thiện hiệu suất và mở rộng phạm vi hoạt động, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Trong khi đó, Vial (2019) định nghĩa chuyển đổi số là sự tái định hình một tổ chức thông qua việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các khía cạnh của hoạt động, từ quy trình nội bộ đến tương tác với khách hàng và các bên liên quan. Các công nghệ cốt lõi trong chuyển đổi số bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing) và chuỗi khối (Blockchain), trong đó việc kết hợp các công nghệ này giúp nâng cao khả năng ra quyết định, tối ưu hóa quy trình và cải thiện trải nghiệm người dùng (Schallmo & Williams, 2018).
Giáo dục đại học là một cấp bậc giáo dục sau trung học phổ thông nhằm cung cấp kiến thức chuyên sâu và kỹ năng cần thiết, là nền tảng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho nền kinh tế – xã hội. Theo Teichler (2003) giáo dục đại học không chỉ giới hạn ở việc truyền đạt tri thức mà còn đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và phát triển xã hội. Đồng quan điểm đó, Altbach, Reisberg và Rumbley (2009) cho rằng, giáo dục đại học là một hệ thống đào tạo chuyên sâu, trang bị cho người học tư duy phản biện, kỹ năng chuyên môn và khả năng thích ứng với thị trường lao động toàn cầu. Giáo dục đại học là cấp học cuối cùng trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm các chương trình đào tạo bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ tại các trường đại học, học viện, cao đẳng, cung cấp sâu các kiến thức chuyên ngành, kỹ năng nghiên cứu và năng lực đổi mới sáng tạo.
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học là sự kết hợp giữa công nghệ và chiến lược đào tạo. Đây không chỉ là xu hướng phát triển mà còn là yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo, tối ưu hóa quản lý và đáp ứng nhu cầu của người học trong kỷ nguyên số. Theo Maltese (2018) chuyển đổi số trong giáo dục đại học là việc áp dụng các công nghệ thông tin tiên tiến vào hoạt động học tập, giảng dạy của giảng viên và sinh viên nhằm xây dựng một môi trường học tập bền vững dựa trên nền tảng số, thúc đẩy sự tương tác, kết nối và cá nhân hóa trải nghiệm học tập. Nghiên cứu của Mehaffy (2012) chỉ ra rằng giáo dục đại học chịu tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố như thay đổi trong hành vi của người học, mô hình giảng dạy, dữ liệu và phân tích học tập, chi phí giáo dục, đo lường kết quả học tập cũng như các thách thức về khả năng cạnh tranh giữa các trường đại học.
Về bản chất, giá trị cốt lõi của giáo dục đại học không bị thay đổi, chuyển đổi số chỉ tập trung vào việc hiện đại hóa các hoạt động thông qua công nghệ và nền tảng số, giúp nâng cao vị thế cạnh tranh của các cơ sở giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa (Lê Việt Hà, 2022). Chuyển đổi số làm giảm bớt lối dạy học truyền thống thiên về thuyết giảng, thúc đẩy năng lực tự học, mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức. Khi được áp dụng và tiến hành phù hợp, chuyển đổi số mang lại vô số lợi ích trong lĩnh vực giáo dục đại học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tối ưu hóa hoạt động quản lý và tạo dựng môi trường học tập hiện đại.
Việc ứng dụng công nghệ Big Data giúp phân tích hành vi người học, từ đó cung cấp các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ cá nhân hóa, giúp sinh viên tiếp cận thông tin phù hợp với nhu cầu học tập của mình. Đồng thời, các công nghệ như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) tạo điều kiện hình thành các phòng thí nghiệm ảo, mô hình mô phỏng, giúp tăng cường tính tương tác giữa giảng viên và sinh viên, cải thiện hiệu quả giáo dục. Chuyển đổi số cũng thúc đẩy quá trình giảng dạy và học tập diễn ra nhanh hơn, hỗ trợ nền giáo dục mở với khả năng tiếp cận thông tin đa chiều, đồng thời tạo thêm thời gian để giảng viên và sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu, thực hành hoặc phát triển kỹ năng chuyên môn.
Công nghệ Blockchain giúp bảo đảm dữ liệu học tập được cập nhật chính xác, minh bạch và đáng tin cậy hơn, từ đó hỗ trợ quá trình dạy học, thi cử, chấm điểm và công bố kết quả nhanh chóng, khách quan. Hệ thống dữ liệu số hóa giúp các trường đại học có thể tổng hợp thông tin một cách hiệu quả, hỗ trợ công tác quản lý sinh viên, giảng viên, đồng thời giúp sinh viên dễ dàng chủ động trong việc lập kế hoạch học tập và quản lý thời gian. Ngoài ra, chuyển đổi số còn tạo điều kiện để các trường đại học mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia vào các mạng lưới đào tạo và nghiên cứu toàn cầu, nâng cao vị thế và chất lượng giáo dục.
Ứng dụng công nghệ số giúp cắt giảm thủ tục hành chính, giảm bớt hồ sơ giấy tờ, tối ưu hóa chi phí vận hành, từ đó nâng cao hiệu suất hoạt động của các cơ sở đào tạo, cung cấp chương trình học theo hướng cá nhân hóa với quy mô lớn, các trường đại học có thể mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho nhiều đối tượng hơn mà vẫn bảo đảm chất lượng đào tạo. Như vậy, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là động lực quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với sự phát triển của thời đại số.
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm với không ít thách thức và rào cản. Việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, trang bị máy móc, phần mềm, cũng như bảo đảm đường truyền Internet ổn định đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi các cơ sở giáo dục thường có nguồn lực tài chính hạn chế. Bên cạnh đó, không phải tất cả giảng viên và sinh viên đều có đủ điều kiện để tiếp cận và sử dụng các công cụ số, dẫn đến chênh lệch trong cơ hội tiếp cận giáo dục, nếu không có chiến lược triển khai phù hợp, người học có thể sẽ gặp phải những bất lợi trong việc thích nghi với môi trường học tập mới. Nhiều giảng viên, đặc biệt là những giảng viên lớn tuổi vẫn quen với phương pháp giảng dạy truyền thống dẫn đến khó khăn trong việc ứng dụng các nền tảng số vào hoạt động giảng dạy, tâm lý e ngại với sự thay đổi do lo lắng về tính hiệu quả, tính bền vững của các công nghệ mới làm cản trở sự sẵn sàng để chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình giáo dục số.
Hơn nữa, quá trình đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho giảng viên, sinh viên và nhân viên quản lý đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chi phí. Khi các trường đại học chuyển sang môi trường số, lượng dữ liệu cá nhân, học tập và nghiên cứu của giảng viên, sinh viên ngày càng lớn, làm tăng nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp thông tin, các cơ sở giáo dục có thể đối mặt với rủi ro thất thoát dữ liệu và mất lòng tin từ người học. Để vượt qua những rào cản này, các trường đại học cần có chiến lược chuyển đổi số phù hợp, đồng bộ từ hạ tầng công nghệ, tài chính đến nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ giảng viên, sinh viên, đồng thời tăng cường bảo mật dữ liệu và xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả.
3. Kinh nghiệm về chuyển đổi số trong giáo dục đại học của các quốc gia trên thế giới
3.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục, đặc biệt là trong đào tạo thực hành. Các trường đại học tại Trung Quốc đã triển khai rộng rãi các phòng thí nghiệm trực tuyến (virtual labs), cho phép sinh viên thực hiện các thí nghiệm khoa học mà không cần đến phòng thí nghiệm vật lý. Nhờ công nghệ này, sinh viên có thể tiến hành các thí nghiệm hóa học, vật lý, sinh học hoặc kỹ thuật một cách an toàn, tiết kiệm chi phí và không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Bên cạnh đó, AI cũng được tích hợp mạnh mẽ vào quá trình học tập, đặc biệt trong việc cá nhân hóa lộ trình học tập cho sinh viên.
Các hệ thống AI có khả năng phân tích dữ liệu học tập của từng sinh viên, từ đó đưa ra các đề xuất phù hợp về khóa học, tài liệu học tập và phương pháp học hiệu quả nhất. Chẳng hạn, nền tảng Squirrel AI, một hệ thống gia sư trực tuyến ứng dụng AI, giúp xác định điểm mạnh và điểm yếu của từng sinh viên, sau đó điều chỉnh nội dung giảng dạy theo nhu cầu cá nhân, giúp họ tiếp cận kiến thức theo tốc độ riêng của mình. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả học tập mà còn giảm thiểu sự chênh lệch về trình độ giữa các sinh viên.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã triển khai hệ thống lớp học thông minh, nơi giảng viên có thể sử dụng bảng tương tác, phân tích dữ liệu lớp học theo thời gian thực, từ đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp. Nhờ các công nghệ này, sinh viên không chỉ tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả hơn mà còn có cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến ngay trong quá trình học tập.
3.2. Kinh nghiệm của New Zealand
New Zealand là một trong những quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số trong giáo dục, được tổ chức Economist Intelligence Unit xếp hạng cao nhất thế giới về mức độ chuẩn bị cho tương lai. Điều này thể hiện rõ qua các khoản đầu tư mạnh mẽ của chính phủ vào hạ tầng công nghệ và đào tạo chuyên môn, với tổng số vốn lên đến 700 triệu USD trong dự án gần nhất. Một trong những nền tảng quan trọng giúp New Zealand dẫn đầu trong chuyển đổi số giáo dục chính là hệ thống kết nối Internet tốc độ cao.
Theo thống kê, gần 98% các trường đại học tại New Zealand đã được trang bị hạ tầng Internet chất lượng cao, tạo điều kiện cho việc triển khai các mô hình học tập trực tuyến, giáo dục kết hợp (blended learning) và ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Trong môi trường đại học, công nghệ không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn trở thành một phần quan trọng trong phương pháp giảng dạy hiện đại. Các giảng viên sử dụng các nền tảng số như hệ thống quản lý học tập (LMS – Learning Management System) để phân phối tài liệu, theo dõi tiến trình học tập của sinh viên và tổ chức các hoạt động giảng dạy tương tác.
Các công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) cũng được ứng dụng để tạo ra những trải nghiệm học tập sinh động, đặc biệt trong các môn học yêu cầu tính thực hành cao như y khoa, kỹ thuật hay thiết kế. Ngoài ra, công nghệ số còn đóng vai trò cầu nối hiệu quả giữa nhà trường và gia đình. Hệ thống quản lý thông tin sinh viên (Student Information System – SIS) giúp phụ huynh và giảng viên có thể dễ dàng theo dõi kết quả học tập, đánh giá năng lực và tiến độ học tập của sinh viên. Các công cụ này giúp nâng cao sự phối hợp giữa các bên liên quan, tạo nên một môi trường học tập toàn diện và hỗ trợ tốt hơn cho người học.
3.3. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ
Là một trong những quốc gia tiên phong trong việc tích hợp công nghệ vào giáo dục, đặc biệt là trong giảng dạy các môn khoa học xã hội như Lịch sử. Mặc dù chỉ có lịch sử hơn 300 năm nhưng quốc gia này đã xây dựng một hệ thống giảng dạy môn Lịch sử vô cùng hấp dẫn thông qua việc số hóa tài liệu, ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật đồ họa hiện đại để tạo ra các phương pháp học tập trực quan và sinh động.
Một trong những điểm nổi bật của phương pháp giảng dạy Lịch sử tại Mỹ là hệ thống học liệu số hóa phong phú. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa, các trường học thường sử dụng tài liệu số, phim tài liệu, hình ảnh tư liệu, bản đồ tương tác và công nghệ thực tế ảo (VR) để tái hiện các sự kiện lịch sử quan trọng. Điều này không chỉ giúp học sinh tiếp cận kiến thức theo cách trực quan hơn mà còn tạo ra sự hứng thú trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, giáo viên thường sử dụng các nền tảng trực tuyến, như: Google Classroom, Edmodo hay các trang web chuyên về giáo dục lịch sử, như: Smithsonian Learning Lab, Digital Public Library of America – DPLA để cung cấp tài liệu mở, giúp học sinh có thể nghiên cứu và khám phá kiến thức theo cách chủ động hơn.
Nhiều trường còn tích hợp các trò chơi mô phỏng lịch sử (historical simulation games) như “Mission US” – một trò chơi giúp học sinh nhập vai vào các nhân vật trong lịch sử để trải nghiệm những sự kiện quan trọng trong quá khứ. Ngoài ra, trong nhiều tiết học, học sinh có thể dành một đến hai buổi để xem các bộ phim tài liệu hoặc phim điện ảnh về lịch sử, thay vì chỉ đọc sách giáo khoa truyền thống. Những bộ phim này không chỉ giúp minh họa một cách sinh động về các sự kiện lịch sử mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn về bối cảnh, nhân vật và tác động của những sự kiện đó. Việc kết hợp giữa học liệu số, phim tài liệu và các công nghệ hỗ trợ giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả hơn, đồng thời rèn luyện khả năng tư duy phản biện và phân tích lịch sử. Những sáng kiến này cho thấy Hoa Kỳ không chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức lịch sử mà còn chú trọng đến cách thức tiếp cận, giúp học sinh cảm thấy hứng thú và chủ động hơn trong quá trình học tập.
Cụ thể, Đại học Harvard đã tiên phong trong việc ứng dụng AI và Big Data nhằm cá nhân hóa lộ trình học tập của sinh viên, đồng thời phát triển hệ sinh thái giáo dục số kết hợp thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), triển khai các hệ thống AI có khả năng phân tích dữ liệu học tập của từng sinh viên, từ đó điều chỉnh nội dung, tốc độ và phương pháp giảng dạy phù hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi cá nhân. Việc cá nhân hóa này giúp sinh viên tiến bộ nhanh hơn và đạt kết quả học tập cao hơn. Harvard đã phát hành gần 1 triệu cuốn sách thuộc phạm vi công cộng để huấn luyện các mô hình AI, góp phần thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng AI trong giáo dục. Ngoài ra, Trường đã hợp tác với Microsoft và OpenAI để phát triển tập dữ liệu huấn luyện AI, nhằm nâng cao hiệu quả và độ chính xác của các ứng dụng AI trong giáo dục.
3.4. Kinh nghiệm của Singapore – Đại học Quốc gia Singapore (NUS)
Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã tiên phong trong việc tích hợp các hệ thống quản lý học tập (LMS) với dữ liệu sinh viên nhằm tối ưu hóa nội dung giảng dạy và cá nhân hóa quá trình học tập. Việc này không chỉ nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.
NUS đã triển khai hệ thống LMS tiên tiến, cho phép thu thập và phân tích dữ liệu học tập của sinh viên, bao gồm theo dõi mức độ tham gia của sinh viên trong các hoạt động học tập trực tuyến và trực tiếp, ghi nhận điểm số và tiến độ học tập của từng cá nhân, đánh giá mức độ tương tác của sinh viên với các tài liệu và nguồn học liệu. Dựa trên dữ liệu này, hệ thống sử dụng các thuật toán phân tích để xác định điểm mạnh và điểm yếu giúp cá nhân hóa lịch trình học tập để sinh viên nhận biết những lĩnh vực cần cải thiện, đề xuất tài liệu và khóa học phù hợp với nhu cầu cá nhân, giúp giảng viên và sinh viên theo dõi tiến độ và điều chỉnh kế hoạch học tập kịp thời. Đặc biệt, hệ thống cung cấp phản hồi ngay lập tức về tiến độ và hiệu suất học tập, giúp sinh viên điều chỉnh kịp thời, cung cấp các tài nguyên và hỗ trợ dựa trên nhu cầu cụ thể của từng sinh viên.
3.5. Kinh nghiệm của Anh – Đại học Open University (OU)
Đại học Open University là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới trong việc cung cấp chương trình đào tạo hoàn toàn trực tuyến. Trường đã áp dụng các công nghệ số tiên tiến để tạo ra một hệ sinh thái học tập linh hoạt, cho phép sinh viên từ khắp nơi trên thế giới tiếp cận bài giảng, tham gia thảo luận và làm bài kiểm tra mà không bị ràng buộc về mặt địa lý hay thời gian. Khác với các trường đại học truyền thống, Open University áp dụng mô hình giảng dạy hoàn toàn từ xa, trong đó sinh viên có thể học tập một cách chủ động mà không cần đến lớp học vật lý.
Quy mô đào tạo của OU có hơn 200.000 sinh viên theo học mỗi năm, trong đó khoảng 15.000 sinh viên quốc tế đến từ hơn 100 quốc gia. Trường cung cấp hơn 200 chương trình đào tạo thuộc nhiều lĩnh vực như kinh doanh, khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế và nhân văn. Sinh viên có thể học toàn thời gian hoặc bán thời gian, tùy theo điều kiện cá nhân.
OU đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ nhằm tối ưu hóa trải nghiệm học tập trực tuyến. Trường sử dụng nền tảng Moodle, một hệ thống quản lý học tập mã nguồn mở, để cung cấp nội dung bài giảng, tổ chức các kỳ thi trực tuyến và hỗ trợ giao tiếp giữa sinh viên và giảng viên. LMS tích hợp các công cụ AI và phân tích dữ liệu lớn để theo dõi tiến độ học tập và đề xuất tài nguyên phù hợp cho từng sinh viên. Ứng dụng thực tế ảo và công nghệ đa phương tiện trong một số khóa học trong lĩnh vực y khoa, kỹ thuật và khoa học máy tính sử dụng công nghệ để mô phỏng các tình huống thực tế, xây dựng các phòng thí nghiệm ảo, thực hiện các thí nghiệm hoặc khám phá mô hình 3D ngay trên nền tảng trực tuyến.
Hệ thống e-library của OU có hơn 75.000 đầu sách điện tử, cùng với hàng nghìn bài báo nghiên cứu được cập nhật thường xuyên. OU thiết kế chương trình học tập nhằm tối đa hóa sự chủ động của sinh viên, giúp họ có thể học theo nhịp độ cá nhân, có thể xem bài giảng trực tuyến, tải tài liệu học tập hoặc tham gia các lớp học trực tiếp qua video call. Các khóa học đều có diễn đàn trao đổi, nơi sinh viên có thể đặt câu hỏi, thảo luận nhóm hoặc nhận hỗ trợ từ giảng viên. Mỗi sinh viên có một cố vấn học tập riêng, giúp định hướng lộ trình học và cung cấp hỗ trợ khi cần thiết.
Theo báo cáo của OU, 85% sinh viên cảm thấy họ có thể học hiệu quả hơn nhờ mô hình trực tuyến, 92% sinh viên cho biết họ hài lòng với chất lượng giảng dạy và hỗ trợ từ giảng viên và hơn 70% sinh viên tốt nghiệp từ OU tìm được việc làm trong vòng 6 tháng sau khi hoàn thành chương trình học. Học phí tại OU thấp hơn khoảng 30 – 40% so với các trường đại học truyền thống ở Anh giúp sinh viên tiết kiệm chi phí sinh hoạt và đi lại do có thể học từ bất cứ đâu.
3.6. Kinh nghiệm Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) được áp dụng mạnh mẽ trong giáo dục, đặc biệt là trong đào tạo kỹ thuật và y khoa. Các trường đại học tại Hàn Quốc đã triển khai các mô hình mô phỏng thực tế để giúp sinh viên thực hành trước khi bước vào môi trường làm việc thực tế. Trong lĩnh vực kỹ thuật, nhiều trường đại học Hàn Quốc đã sử dụng công nghệ VR/AR để xây dựng các phòng thực hành ảo, nơi sinh viên có thể tương tác với các mô hình máy móc, thiết bị công nghiệp trong môi trường mô phỏng mà không gặp rủi ro như trong thực tế.
Ví dụ, Đại học KAIST đã phát triển hệ thống mô phỏng kỹ thuật số, cho phép sinh viên ngành cơ khí và điện tử thực hành lắp ráp và vận hành các thiết bị trước khi tiếp xúc với phiên bản thực tế tại nhà máy. Trong lĩnh vực y khoa, các hệ thống mô phỏng phẫu thuật bằng VR được triển khai rộng rãi để đào tạo sinh viên y khoa. Thay vì chỉ học lý thuyết hoặc thực hành trên mô hình vật lý, sinh viên có thể trải nghiệm các ca phẫu thuật mô phỏng trong môi trường thực tế ảo, giúp họ rèn luyện kỹ năng trước khi tham gia vào các ca phẫu thuật thực tế. Một số bệnh viện tại Hàn Quốc còn ứng dụng công nghệ này trong đào tạo liên tục cho bác sĩ, giúp họ nâng cao tay nghề mà không cần phải thực hiện trên bệnh nhân thật.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh việc sử dụng nền tảng học tập số như K-MOOC (Korea Massive Open Online Courses), giúp sinh viên có thể tiếp cận các khóa học trực tuyến chất lượng cao, đồng thời tạo điều kiện cho việc học tập từ xa và học tập suốt đời.
Đại học Korea University là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu tại Hàn Quốc tiên phong trong chuyển đổi số, đặc biệt trong quản lý sinh viên và hỗ trợ học tập. Trường đã triển khai hệ thống nhận diện khuôn mặt để kiểm tra danh tính sinh viên trong lớp học, kỳ thi và các khu vực quan trọng như thư viện, phòng thí nghiệm. Hệ thống này giúp giảm thời gian điểm danh đến 90%, đồng thời hạn chế gian lận danh tính trong thi cử, góp phần nâng cao tính minh bạch trong giáo dục. Bên cạnh đó, Đại học Hàn Quốc còn áp dụng chatbot AI vào hỗ trợ sinh viên trong đăng ký môn học, tra cứu thông tin và tư vấn học tập. Chatbot có thể phản hồi dưới 5 phút với độ chính xác lên đến 95%, giúp sinh viên tiếp cận thông tin nhanh chóng mà không cần liên hệ trực tiếp với bộ phận hành chính. Nhờ vào chuyển đổi số, Đại học Hàn Quốc không chỉ tối ưu hóa hoạt động quản lý mà còn tạo ra một môi trường học tập hiện đại, nơi công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc cá nhân hóa lộ trình học tập và nâng cao trải nghiệm của sinh viên.
4. Một số kinh nghiệm để Việt Nam về chuyển đổi số trong giáo dục đại học
Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Việc chuyển đổi số trong giáo dục đại học không chỉ đơn thuần là số hóa nội dung giảng dạy, mà đòi hỏi một sự thay đổi sâu rộng từ chính sách, cơ sở hạ tầng, mô hình đào tạo cho đến năng lực số của giảng viên và sinh viên.
Một là, xây dựng chiến lược chuyển đổi số đồng bộ và dài hạn trong các trường Đại học. Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện chương trình chuyển đổi số trong giáo dục, không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ mà còn tạo ra một hệ sinh thái giáo dục số toàn diện, thúc đẩy đổi mới mô hình đào tạo và phương thức quản lý. Mỗi trường đại học cần có kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế, tránh tình trạng triển khai manh mún, thiếu tính kết nối và đồng bộ.
Hai là, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ và hệ thống quản lý học tập (LMS). Việt Nam cần đẩy mạnh việc triển khai LMS tại các trường đại học, kết hợp với dữ liệu lớn (Big Data) để tối ưu hóa chương trình đào tạo, hỗ trợ sinh viên tiếp cận học liệu dễ dàng hơn, giúp cá nhân hóa trải nghiệm, nâng cao hiệu quả học tập, giảng dạy. Đồng thời, cần bảo đảm hạ tầng Internet tốc độ cao, đặc biệt tại các địa phương, để thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, giúp mọi sinh viên đều có cơ hội tiếp cận giáo dục trực tuyến.
Ba là, tích hợp công nghệ số vào giảng dạy và thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) vào giảng dạy, đặc biệt trong các ngành y khoa, kỹ thuật, kiến trúc không chỉ giúp sinh viên có môi trường học tập sinh động mà còn nâng cao tính thực hành, cho phép người học trải nghiệm nhiều tình huống mô phỏng trước khi áp dụng vào thực tế.
Bốn là, nâng cao năng lực số cho giảng viên và sinh viên, bảo đảm bắt kịp sự phát triển của công nghệ. Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện của công nghệ, mà còn là sự thay đổi tư duy và phương pháp giảng dạy. Việt Nam cần có lộ trình bồi dưỡng kỹ năng số cho giảng viên, tạo sự chủ động trong khai thác các công cụ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến, sử dụng AI để phân tích và cá nhân hóa nội dung học tập. Đối với sinh viên, cần khuyến khích họ làm quen với các nền tảng học tập số, trang bị kỹ năng sử dụng công cụ phân tích dữ liệu, AI, từ đó nâng cao khả năng tự học và thích ứng với môi trường lao động số trong tương lai.
Năm là, xây dựng hệ thống dữ liệu giáo dục đại học thống nhất và bảo đảm an toàn thông tin. Bài học từ Đại học Hàn Quốc cho thấy, việc ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong kiểm tra danh tính sinh viên, sử dụng chatbot AI để hỗ trợ học tập giúp tối ưu hóa quản lý giáo dục. Tuy nhiên, việc thu thập và quản lý dữ liệu số cũng đặt ra những thách thức lớn về bảo mật và quyền riêng tư. Việt Nam cần phát triển hệ thống dữ liệu giáo dục đồng bộ, kết nối giữa các trường đại học với Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm tính minh bạch và bảo vệ dữ liệu cá nhân của sinh viên.
Sáu là, thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và tổ chức công nghệ để tận dụng nguồn lực và chuyên môn. Việt Nam cần có chính sách khuyến khích các trường đại học tích cực liên kết với doanh nghiệp công nghệ trong nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số, từ đó giúp sinh viên tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Tài liệu tham khảo:
1. Altbach, P. G., Reisberg, L., Rumbley, L. E. (2009). Trends in global higher education: Tracking an academic revolution. UNESCO 2009 World Conference on Higher Education, Paris, 5-8 July 2009.
2. Hermann, M., Pentek, T., Otto, B. (2016). Design principles for Industrie 4.0 scenarios. Proceedings of the 49th Hawaii International Conference on System Sciences (HICSS), Koloa, 5-8 January 2016, 3928-3937.
3. Henriette, E., Feki, M., Boughzala, I. (2015). The shape of digital transformation: A systematic literature review. MCIS 2015 Proceedings, (10).
4. Lê Việt Hà (2022). Phân tích nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số tại các trường đại học Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế Chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, 50-63.
5. Maltese, L. (2018), Digital transformation challenges for universities: Ensuring information consistency across digital services. Cataloging and Classification Quarterly, 56(7), 592-606.
6. Mehaffy, G. L. (2012). Introduction: Reflecting on the Red Balloon Project. Teacher-Scholar. The Journal of the State Comprehensive University, 4(1).
7. Schallmo, D., Williams, C. A. (2018). Digital transformation of business models. Digital Transformation Now, 9-13.
8. Teichler, U. (2003). German higher education in the European context. International Higher Education, (30), 22-23.
9. Verina, N., Titko, J. (2019). Digital transformation: Conceptual framework. Proceedings of the 6th International Scientific Conference Contemporary Issues in Business, Management and Economics Engineering, 721-724.
10. Vial, G. (2019). Understanding digital transformation: A review and a research agenda. The Journal of Strategic Information Systems, 28, 118-144.