TS. Khúc Đại Long
PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuận
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích thực trạng hành vi đầu tư xanh của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Nội, chỉ ra những nỗ lực ban đầu nhưng còn nhiều hạn chế, đặc biệt về hạ tầng, thủ tục hành chính và các tiêu chuẩn môi trường chưa đồng bộ. Từ thực trạng này, bài viết đề xuất các hàm ý chính sách vừa ràng buộc vừa hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong đầu tư thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Từ khóa: Hành vi đầu tư xanh; đầu tư trực tiếp nước ngoài; doanh nghiệp; phát triển bền vững; Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu đối mặt với các thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, việc phát triển bền vững thông qua đầu tư xanh đã trở thành một chiến lược quan trọng đối với các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, áp lực về môi trường đang gia tăng mạnh mẽ do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực lớn đối với tài nguyên và môi trường. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu về hành vi đầu tư xanh của các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội không chỉ giúp hiểu rõ hơn về thực trạng mà còn góp phần tạo ra cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp này tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
2. Tình hình đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội
Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội từ Chi cục Thống kê thành phố Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố Hà Nội năm 2024 tăng 6,52% so với năm 2023 (quý I tăng 5,41%; quý II tăng 6,80%; quý III tăng 6,71%; quý IV tăng 7,01%). Các lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ, đầu tư, xuất – nhập khẩu đều tăng trưởng mạnh, góp phần cải thiện năng suất lao động và chất lượng kinh tế. Về xã hội, thu nhập và mức sống người dân được nâng cao, đồng thời các chỉ số phát triển xã hội như giáo dục và bình đẳng thu nhập vượt trội so với cả nước1.
Vốn FDI là nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế quốc gia, thực tiễn đã chứng minh vai trò to lớn của vốn FDI đối với phát triển kinh tế – xã hội nước ta nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, thành phố luôn là địa phương đầu tàu trong thu hút vốn FDI. Hoạt động của doanh nghiệp FDI phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, năng cao năng suất lao động và huy động nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Số lượng dự án và vốn FDI trên địa bàn thành phố Hà Nội nhìn chung có xu hướng tăng qua các năm nhưng biến động tăng, giảm không ổn định trong giai đoạn 2010 – 2024. Cụ thể, năm 2022, số dự án FDI đạt 379 dự án, giảm 1,56% so với năm 2021 do tác động từ tình hình thế giới và khu vực phức tạp. Năm 2019 là năm thu hút nhiều dự án FDI nhất, với 932 dự án. Tổng vốn FDI đăng ký trong năm cũng có xu hướng biến động không ổn định, năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký là 238 tỷ USD, giảm 3,64%, trong đó năm 2018 là năm thu hút nhiều vốn đầu tư FDI nhất với 5.068,0 triệu USD. Năm 2023, Thành phố thu hút được 2.943 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 70,5% so với năm trước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2024, toàn Thành phố thu hút 2.162 triệu USD vốn FDI, tăng 30% so với năm 2023, là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Trong đó, đăng ký cấp mới 293 dự án với số vốn đạt 1.212 triệu USD; 205 dự án bổ sung tăng vốn với 297 triệu USD; 279 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 652 triệu USD2.
Bảng 1. Tình hình thu hút vốn FDI trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 – 2024
Năm | Tổng vốn đăng ký trong năm (Đơn vị: Triệu USD) | Số dự án trong năm |
2010 | 557,4 | 293 |
2011 | 1.106,3 | 257 |
2012 | 1.345,9 | 224 |
2013 | 1.074,6 | 261 |
2014 | 1.402,8 | 357 |
2015 | 845,0 | 304 |
2016 | 1.913,0 | 459 |
2017 | 1.486,0 | 556 |
2018 | 5.068,0 | 646 |
2019 | 1.607,0 | 932 |
2020 | 903,0 | 526 |
2021 | 247,0 | 385 |
2022 | 238,0 | 379 |
2023 | 2.943 | 408 |
2024 | 2.162 | 293 |
Về nước đầu tư, Hàn Quốc vẫn là quốc gia đứng đầu với 2.575 dự án và vốn đăng ký là 6.727 triệu USD. Tiếp đến là Nhật Bản, có 1.384 dự án với vốn đăng ký là 7.705 triệu USD; Trung Quốc có 679 dự án với số vốn đăng ký là 637 triệu USD; Singapore có 523 dự án với số vốn đăng ký là 9090 triệu USD; một số quốc gia khác, như: Hoa Kỳ, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Australia, Malaysia, Vương quốc Anh, Đức, Thái Lan và Quần đảo British Virgin. Như vậy, số lượng dự án của Hàn Quốc vào thành phố Hà Nội là cao nhất, gấp 1,86 lần so với Nhật Bản; số vốn đăng ký của Singapore là nhiều nhất, gấp 1,35 lần so với Hàn Quốc3.
Về lĩnh vực hoạt động, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân4. Trong đó, chủ yếu vốn FDI đầu tư tập trung vào các ngành hoạt động kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng, hoạt động chuyên môn khoa học – công nghệ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác…
Về hình thức đầu tư, tính lũy kế đến hết năm 2022, các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài là 5.782 dự án, chiếm tỷ trọng cao nhất với 78,69%; dự án theo hình thức liên doanh có 1.494 dự án, chiếm tỷ trọng 20,33%; dự án hợp tác kinh doanh có 72 dự án, chiếm tỷ trọng 0,98%.
3. Thực trạng hành vi đầu tư xanh của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội
(1) Hành vi đầu tư xanh tìm kiếm lợi nhuận.
Hà Nội từ lâu đã thu hút đầu tư FDI nhờ vào hạ tầng giao thông hiện đại, các chính sách ưu đãi hấp dẫn và nguồn lao động phong phú. Đặc biệt, chính quyền thành phố tích cực thúc đẩy các dự án xanh với nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê đất và lãi suất vay nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực, như: năng lượng tái tạo, bất động sản xanh và các dự án hạ tầng bền vững. Sự phát triển hạ tầng giao thông như đường vành đai 4 và cao tốc Bắc – Nam cũng giúp các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bất động sản xanh tăng cường tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Xu hướng đầu tư vào bất động sản công nghiệp xanh ở Hà Nội đang ngày càng phổ biến, với nhiều khu công nghiệp lớn như Sài Đồng A, Nội Bài và Thăng Long thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Các khu công nghiệp này được trang bị nhiều tiện ích tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải và xây dựng nhà xưởng xanh, tạo nên môi trường làm việc thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vận hành và tăng lợi nhuận mà còn góp phần nâng cao chất lượng bất động sản công nghiệp tại Hà Nội, phù hợp với xu hướng phát triển xanh toàn cầu.
Hiện nay, các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế đã bắt đầu chú ý đến thị trường xanh tại Hà Nội, chẳng hạn như sự hợp tác giữa Tập đoàn N&G của Việt Nam với SEIN I&D của Hàn Quốc trong xây dựng Tổ hợp Techno Park Việt Nam – Hàn Quốc. Các dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nhà đầu tư mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô, đáp ứng xu hướng quốc tế về phát triển xanh. Chính quyền Hà Nội cam kết hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp FDI và định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, gắn với phát triển bền vững và mục tiêu trở thành thành phố “Xanh – Văn hiến – Thông minh – Hiện đại”.
Mặc dù vậy, việc đầu tư vào các lĩnh vực xanh tồn tại nhiều thách thức về hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính phức tạp và các tiêu chuẩn môi trường chưa đầy đủ. Điều này phần nào hạn chế quy mô và số lượng các dự án xanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực xử lý chất thải, giáo dục và công nghệ cao.
(2) Hành vi đầu tư xanh trách nhiệm xã hội.
Kể từ khi Việt Nam áp dụng chính sách đổi mới, dòng vốn FDI đã trở thành nguồn lực quan trọng, hỗ trợ phát triển bền vững, đặc biệt ở Hà Nội. Xu hướng thu hút FDI xanh đã phát triển tại Hà Nội với các dự án hướng đến thành phố thông minh, năng lượng tái tạo và xử lý rác thải. Đây là định hướng chiến lược nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội và tạo nền tảng cho các dự án FDI xanh trong tương lai. Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực xanh, đặc biệt là từ Hoa Kỳ cũng đã tăng lên, nhấn mạnh cam kết của Việt Nam với phát triển bền vững, nhất là qua cam kết tại COP26 và Thỏa thuận JETP.
Một số doanh nghiệp FDI tại Hà Nội đã chuyển đổi danh mục đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, như Keangnam-Vina, T.H.T và Booyoung Việt Nam, với các dự án bất động sản có khuôn viên cây xanh và sử dụng năng lượng tái tạo. Đáng chú ý, các dự án này không chỉ tiết kiệm điện, nước mà còn phản ánh cam kết của doanh nghiệp đối với phát triển bền vững. Panasonic Việt Nam là một điển hình về trách nhiệm xã hội với các dự án cộng đồng như đèn năng lượng mặt trời và chương trình trồng cây. Những hành động này đã tạo ảnh hưởng tích cực đến đời sống người dân, hỗ trợ phát triển bền vững cho Thủ đô Hà Nội. Tập đoàn Thiên Ý từ Trung Quốc đã đầu tư vào dự án điện rác trị giá hơn 7.000 tỷ đồng tại huyện Sóc Sơn cho thấy, sự cam kết mạnh mẽ của các doanh nghiệp FDI trong việc thúc đẩy phát triển xanh. Chính quyền thành phố Hà Nội cũng tạo mọi điều kiện để dự án đi vào hoạt động, giúp giảm thiểu ô nhiễm và đóng góp cho Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Những nỗ lực này giúp các doanh nghiệp FDI nâng cao danh tiếng, tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng và đối tác.
Tuy nhiên, số lượng dự án FDI xanh tại Hà Nội còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào các ngành phát thải cao như chế biến, chế tạo. Nguyên nhân là do thiếu chuẩn mực và tiêu chí xanh rõ ràng để sàng lọc các dự án và đo lường hiệu quả đầu tư xanh. Hà Nội cũng chưa có tiêu chí cụ thể để thúc đẩy FDI xanh dẫn đến khó khăn trong việc thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp FDI mặc dù đã nhận thức xu hướng xanh nhưng vẫn còn vướng mắc về nguồn lực và thủ tục hành chính khiến nhiều dự án xanh chỉ dừng lại ở mức cân nhắc mà chưa triển khai thực tế.
(3) Hành vi đầu tư xanh thiên lệch.
Hà Nội là điểm đến hấp dẫn cho nhiều quốc gia châu Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. Các quốc gia này lựa chọn đầu tư vào Hà Nội vì sự tương đồng văn hóa, địa lý gần gũi và lợi thế trong việc thẩm định thị trường. Mỗi quốc gia có chiến lược đầu tư riêng, Nhật Bản tập trung vào trung tâm thương mại và dược phẩm; Hàn Quốc đầu tư vào thực phẩm và tài chính; Singapore ưu tiên bất động sản, Thái Lan chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ và vật liệu hóa chất.
Hà Nội không chỉ duy trì mối quan hệ hợp tác truyền thống với các quốc gia châu Á mà còn thu hút dòng vốn FDI nhờ lợi thế địa lý và chất lượng nguồn nhân lực. Những doanh nghiệp, như: Samsung và LG đến từ Hàn Quốc đã đẩy mạnh các dự án công nghệ cao, trong khi Nhật Bản đóng góp nhiều dự án nổi bật trong lĩnh vực trung tâm thương mại và khu đô thị thông minh. Các doanh nghiệp này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển bền vững thông qua đầu tư xanh và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Mặc dù có nhiều lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài tại Hà Nội cũng gặp phải một số khó khăn về thủ tục hành chính và quy định pháp lý khiến thời gian triển khai dự án kéo dài. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang phải cạnh tranh thu hút vốn FDI với các thủ đô khác trong khu vực, đặc biệt là sau khi thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu được áp dụng, làm giảm ưu đãi thuế cho nhà đầu tư.
(4) Hành vi đầu tư xanh “bầy đàn”.
Xu hướng đầu tư xanh đang trở nên tất yếu khi các quốc gia tiếp nhận đầu tư ưu tiên những dự án cam kết bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội cũng tích cực thúc đẩy hành vi đầu tư xanh bằng việc ban hành nhiều chính sách và yêu cầu mới nhằm bảo vệ môi trường. Những dự án đầu tư xanh không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giúp Hà Nội tiếp cận công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh việc ban hành các văn bản pháp luật, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho dự án xanh, chính quyền Hà Nội còn đưa ra các hỗ trợ về đất đai, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp FDI có hành vi đầu tư xanh. Những chính sách này không chỉ khuyến khích đầu tư mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nước ngoài chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường. Thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI tại Hà Nội đã đạt thành tựu đáng kể và tạo được uy tín nhờ các hoạt động đầu tư xanh.
Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực môi trường còn khiêm tốn. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này chỉ chiếm 0,76% tổng vốn đăng ký. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là hệ thống pháp lý và năng lực quản lý của một số cơ quan chưa đủ mạnh, thiếu hướng dẫn cụ thể để thu hút và giám sát các dự án FDI hiệu quả. Sự nhận thức chưa đồng đều này đã hạn chế phần nào tiềm năng của đầu tư xanh tại Hà Nội.
4. Một số hàm ý giải pháp
4.1. Đối với thành phố Hà Nội
Để duy trì và mở rộng thu hút đầu tư các dự án FDI chất lượng, chính quyền Hà Nội cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hạ tầng hiện đại và phát triển các khu công nghiệp xanh. Thành phố cần lập quy hoạch phát triển dài hạn, hướng đến việc xây dựng Hà Nội thành một thị trường mở, hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài với sự hỗ trợ của chính quyền, sự minh bạch và các chính sách thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đầu tư xanh đối với phát triển bền vững. Chính quyền cần tập trung vào việc xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp và tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi các mô hình đầu tư xanh thành công từ các quốc gia phát triển.
4.2. Đối với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài
Một là, thay đổi tư duy và nâng cao năng lực, trình độ nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực là trung tâm và động lực của sự phát triển doanh nghiệp, do đó, để thúc đẩy hành vi xanh trong các doanh nghiệp FDI cần bắt đầu bằng việc thay đổi nhận thức và tư duy của lãnh đạo về tầm quan trọng của chuyển đổi xanh. Khi lãnh đạo hiểu rõ xu thế tất yếu của nền kinh tế xanh và những lợi ích mà sản xuất và đầu tư xanh mang lại, họ có thể truyền đạt và thay đổi hành vi của người lao động theo hướng này. Các doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp, như: nâng cao nhận thức pháp luật và chính sách về môi trường; tăng cường đào tạo kỹ năng, kiến thức về bảo vệ môi trường; khuyến khích sáng kiến xanh, khen thưởng kịp thời để thúc đẩy hành vi xanh, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.
Hai là, xây dựng và thực thi chiến lược phát triển bền vững. Để thúc đẩy hành vi xanh trong doanh nghiệp, chiến lược phát triển bền vững cần được xây dựng với lộ trình rõ ràng, cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và bảo vệ môi trường, phù hợp với tình hình kinh doanh và nguồn lực doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tái cấu trúc mô hình và nhân sự, điều chỉnh theo nhu cầu chuyển đổi xanh, đồng thời thành lập bộ phận phát triển bền vững để giám sát và báo cáo tiến độ. Đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, cùng cam kết chuyển giao công nghệ từ công ty mẹ cũng là yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, doanh nghiệp phải tính đến rủi ro từ môi trường kinh doanh và biến đổi khí hậu, xây dựng phương án ứng phó linh hoạt để phát triển bền vững trong dài hạn.
Ba là, nâng cao năng lực quản trị. Lãnh đạo doanh nghiệp FDI cần nâng cao năng lực quản trị để thúc đẩy hành vi xanh, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Một số giải pháp quan trọng là tăng cường đào tạo cho lãnh đạo từ công ty mẹ hoặc các tổ chức tư vấn, cải thiện hiểu biết và tôn trọng sự khác biệt trong các doanh nghiệp liên doanh, cũng như duy trì mối quan hệ hợp tác với các bên liên quan thông qua kỹ năng giao tiếp và đối ngoại. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thân thiện, chia sẻ sẽ giúp tạo ra môi trường thuận lợi, từ đó hỗ trợ hành vi xanh và phát triển bền vững.
Bốn là, tăng cường tiềm lực tài chính và nguồn lực doanh nghiệp FDI. Để thúc đẩy quá trình xanh hóa, doanh nghiệp FDI cần tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động để tích lũy vốn và nguồn lực, đồng thời tận dụng các chính sách hỗ trợ và ưu đãi từ Chính phủ. Việc hợp tác với doanh nghiệp trong nước để xây dựng chuỗi cung ứng nội địa cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận. Doanh nghiệp cần tận dụng các nguồn lực từ công ty mẹ như công nghệ, mạng lưới phân phối và thị trường để cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng trưởng xuất khẩu. Chuyển đổi xanh cần thực hiện theo từng giai đoạn với kế hoạch tài chính rõ ràng để bảo đảm dòng tiền ổn định và tránh rủi ro tài chính. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ chiến lược với các bên liên quan và tận dụng các cơ hội tài chính xanh sẽ hỗ trợ quá trình xanh hóa doanh nghiệp.
5. Kết luận
Từ thực trạng hành vi đầu tư xanh của các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội co thấy, mặc dù có sự gia tăng đáng kể trong việc áp dụng các chiến lược đầu tư xanh nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức về mặt nhận thức và nguồn lực. Các doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp có liên quan đến công nghệ cao và sản xuất xanh, tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường vẫn chưa đồng bộ, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí đầu tư, sự hỗ trợ từ chính quyền và các rào cản kỹ thuật. Điều này khẳng định tính cần thiết của các biện pháp hỗ trợ từ chính quyền thành phố Hà Nội nhằm khuyến khích các doanh nghiệp FDI tham gia mạnh mẽ hơn vào hoạt động đầu tư xanh. Những giải pháp như xây dựng cơ chế khuyến khích tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý là những yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí và rủi ro trong quá trình chuyển đổi sang các chiến lược sản xuất và đầu tư thân thiện với môi trường.
Chú thích:
1, 2. Chi cục Thống kê thành phố Hà Nội. Tổng hợp dữ liệu từ các báo cáo tình kinh tế – xã hội giai đoạn 2010 – 2025. https://cucthongkehanoi.gso.gov.vn/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi.
3. Cổng thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. https://sokehoachvadautu.hanoi.gov.vn/vi-VN/News/Detail/27765.
4. Chi cục Thống kê thành phố Hà Nội (tháng 1/2025). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024. https://cucthongkehanoi.gso.gov.vn/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi/125.
Tài liệu tham khảo:
1. Đinh Thị Thu Hương (2023). Thu hút vốn FDI xanh và hàm ý đối với Việt Nam. Tạp chí nghiên cứu Tài chính Kế toán, kỳ 1 tháng 4 (số 237).
2. Nguyễn Thị Ngọc Loan (2019). Thu hút FDI xanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Tạp chí Tài chính, tháng 2/2019.
3. Báo cáo tình hình thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam 2022. https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2022/Bao-cao-tinh-hinh-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-nam-20-130022.aspx
4. Áp dụng các mô hình hành vi đầu tư xanh cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/09/05/ap-dung-cac-mo-hinh-hanh-vi-dau-tu-xanh-cho-cac-doanh-nghiep-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-tai-viet-nam
5. World Investment Report 2022: International tax reforms and sustainable investment, United Nations Conference on Trade and Development. https://unctad.org/publication/world-investment-report-2022.
6. Để phát huy hiệu quả nguồn lực FDI tại Hà Nội theo hướng bền vững, Tạp chí Cộng sản, 06/11/2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/1004002/de-phat-huy-hieu-qua-nguon-luc-fdi-tai-ha-noi-theo-huong-ben-vung
7. Hà Nội phấn đấu năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. https://hanoimoi.vn/ha-noi-phan-dau-nam-2025-dat-muc-tieu-tang-truong-8-tro-len-694157.html