ThS. Nguyễn Thị Thu Vân
Trường Đại học Đông Á
TS. Bùi Văn Viễn
Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải
(Quanlynhanuoc.vn) – Trước áp lực từ biến đổi khí hậu và các cam kết quốc tế, Net Zero trở thành mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam. Đài Loan triển khai Net Zero dựa trên 5 trụ cột: xây dựng khung pháp lý khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo, định giá carbon, thúc đẩy công nghệ carbon thấp và hợp tác quốc tế. Các công cụ, như: thuế carbon, thị trường tín chỉ carbon và giá điện cố định (FiT) giúp điều tiết phát thải và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, chiến dịch “Go Green with Taiwan” thể hiện tham vọng trở thành trung tâm đổi mới công nghệ xanh. Với điều kiện tương đồng, Việt Nam có thể học hỏi từ Đài Loan (Trung Quốc) để thúc đẩy đầu tư xanh, triển khai cơ chế carbon hiệu quả và xây dựng lộ trình Net Zero phù hợp, hướng tới phát triển bền vững.
Từ khóa: Phát thải ròng bằng không; năng lượng tái tạo; thuế carbon; biến đổi khí hậu; Đài Loan; Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Biến đổi khí hậu là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững toàn cầu, thúc đẩy các quốc gia chuyển sang mô hình kinh tế phát thải thấp. Trong xu hướng đó, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050 đã trở thành cam kết chung nhằm thực hiện Hiệp định Paris. Tại châu Á, Đài Loan được xem là điển hình khi sớm triển khai lộ trình Net Zero với chính sách rõ ràng và hành động cụ thể. Năm 2022, Đài Loan công bố kế hoạch phát thải ròng bằng không đến năm 2050, tập trung vào 4 trụ cột: chuyển đổi năng lượng, công nghiệp, lối sống và xã hội. Các giải pháp, gồm:tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng, phát triển công nghệ carbon thấp, xây dựng thị trường carbon và hỗ trợ doanh nghiệp qua tài chính xanh và đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, Việt Nam cũng cam kết Net Zero tại COP26, thể hiện quyết tâm chính trị cao. Tuy nhiên, nước ta còn gặp nhiều thách thức về năng lượng, công nghệ, tài chính và thể chế. Việc học hỏi kinh nghiệm từ Đài Loan sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình Net Zero hiệu quả và phù hợp.
2. Cơ sở lý luận về phát thải ròng bằng không
a. Khái niệm và nội hàm về phát thải ròng bằng không
Phát thải ròng bằng không (Net Zero) được định nghĩa là trạng thái trong đó tổng lượng khí nhà kính (GHG) do con người phát thải vào khí quyển được cân bằng bởi lượng khí nhà kính được loại bỏ khỏi khí quyển thông qua các biện pháp hấp thụ tự nhiên (như rừng, đất) hoặc công nghệ loại bỏ carbon (như CCS, BECCS)1. Điều này không có nghĩa là không còn phát thải, mà là các phát thải còn lại được bù đắp hoàn toàn bởi các hoạt động loại bỏ khí nhà kính.
Net Zero cần được phân biệt với một số khái niệm liên quan, như: carbon neutrality (trung hòa carbon) và low-carbon economy (nền kinh tế carbon thấp). Theo đó, trung hòa carbon (carbon neutrality) thường áp dụng cho quy mô tổ chức, sản phẩm hoặc quốc gia trong một khoảng thời gian cụ thể, trong đó lượng phát thải carbon dioxide được cân bằng bằng các khoản bù trừ carbon (offsets). Trong khi đó, nền kinh tế carbon thấp (low-carbon economy) là khái niệm rộng hơn, chỉ mô hình phát triển kinh tế có mức phát thải thấp nhưng không nhất thiết đạt cân bằng ròng bằng không2. Như vậy, Net Zero mang tính bắt buộc hơn về mặt cân bằng và thường áp dụng ở cấp quốc gia trong dài hạn, đặc biệt là gắn liền với các cam kết khí hậu toàn cầu.
Tầm quan trọng của Net Zero ngày càng rõ rệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, để hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu dưới mức 1.5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thế giới cần đạt Net Zero CO₂ vào khoảng giữa thế kỷ XXI3. Nếu không đạt được mục tiêu này, hậu quả sẽ là gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: hạn hán, bão lũ, nước biển dâng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và phát triển kinh tế – xã hội.
Net Zero cũng là trụ cột trong việc thực hiện các cam kết của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hiệp định này yêu cầu các quốc gia cùng hành động để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C và nỗ lực hạn chế dưới 1.5°C. Để đạt được điều đó, các quốc gia phát triển cần đạt Net Zero sớm nhất vào năm 2040, còn các nước đang phát triển như Việt Nam hướng tới năm 20504.
b. Các nguyên tắc và trụ cột trong chiến lược Net Zero
Một là, chuyển đổi năng lượng. Một trong những ưu tiên hàng đầu là giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, như: than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên; đồng thời, tăng nhanh tỷ trọng năng lượng tái tạo, như: điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ và sinh khối. Việc chuyển đổi năng lượng không chỉ giảm phát thải mà còn giúp cải thiện an ninh năng lượng và tạo động lực cho tăng trưởng xanh5.
Hai là, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, giao thông, xây dựng và tiêu dùng sinh hoạt có vai trò quan trọng trong việc cắt giảm nhu cầu năng lượng và giảm phát thải gián tiếp. Nâng cao hiệu suất thiết bị, cải tiến quy trình công nghiệp, cũng như thay đổi hành vi tiêu dùng là những chiến lược thiết thực để tối ưu hóa hiệu quả năng lượng6.
Ba là, ứng dụng công nghệ carbon thấp. Việc áp dụng và phát triển các công nghệ, như: thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), hydrogen xanh, điện khí hóa ngành giao thông và công nghiệp nặng là cần thiết để xử lý những phát thải khó giảm. Những công nghệ này đóng vai trò then chốt trong việc khử carbon các lĩnh vực khó thay thế bằng năng lượng tái tạo7.
Bốn là, cơ chế tài chính và thị trường carbon. Việc thiết lập hệ thống định giá carbon thông qua thuế carbon hoặc hệ thống giao dịch phát thải (ETS) là công cụ hiệu quả để khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức chuyển sang mô hình phát triển ít phát thải. Đồng thời, việc mở rộng tài chính xanh, trái phiếu khí hậu và ưu đãi tín dụng cho các dự án phát thải thấp cũng là trụ cột quan trọng trong chiến lược Net Zero8.
Năm là, sự tham gia của khu vực tư nhân, cộng đồng và yếu tố công bằng. Quá trình chuyển đổi Net Zero cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, các chính sách cần bảo đảm yếu tố công bằng, không làm gia tăng bất bình đẳng, nhất là đối với nhóm dễ bị tổn thương và các khu vực kinh tế phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
3. Kinh nghiệm về net zero của Đài Loan (Trung Quốc)
a. Chiến lược và chính sách của Đài Loan hướng tới mục tiêu Net Zero
Là một trong 20 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới, Đài Loan nhận thức rõ những thách thức từ các quy định carbon quốc tế ngày càng nghiêm ngặt. Trong bối cảnh xu hướng toàn cầu chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải thấp, Đài Loan đã chủ động triển khai chiến lược Net Zeronhằm đáp ứng các cam kết khí hậu quốc tế, đồng thời bảo vệ lợi thế cạnh tranh trong thương mại toàn cầu. Chính sách này không chỉ thể hiện trách nhiệm của Đài Loan đối với biến đổi khí hậu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và nâng cao vị thế xuất khẩu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
b. Xây dựng khung pháp lý toàn diện
Đài Loan đã từng bước xây dựng hệ thống pháp lý vững chắc nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu Net Zero đến năm 2050.
Năm 2009, Đài Loan ban hành Đạo luật Phát triển Năng lượng tái tạo, nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, đa dạng hóa nguồn cung, cải thiện cơ cấu năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Luật này đặt nền móng cho việc phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, đồng thời cải thiện chất lượng môi trường và góp phần vào tăng trưởng bền vững9.
Tiếp đó, năm 2015, Đạo luật Quản lý và giảm thiểu khí nhà kính được thông qua với mục tiêu thiết lập chiến lược quản lý phát thải dài hạn, thúc đẩy công bằng môi trường và chuyển đổi công bằng trong ứng phó biến đổi khí hậu, sau đó được đổi tên thành Luật Ứng phó với biến đổi khí hậu vào tháng 01/202310. Luật mới nhấn mạnh đến việc định giá carbon, kiểm soát lượng phát thải, điều chỉnh hàm lượng carbon trong sản phẩm, đồng thời tạo hành lang pháp lý quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh và thực hiện mục tiêu Net Zero.
Năm 2022, Đài Loan công bố Lộ trình phát thải ròng bằng không đến năm 2050, với 4 chiến lược trọng tâm là: chuyển đổi năng lượng, công nghiệp, lối sống và xã hội, cùng 2 nền tảng hỗ trợ là đổi mới công nghệ và hoàn thiện luật khí hậu.
c. Phát triển năng lượng tái tạo
Từ năm 2016, Đài Loan chính thức đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng thông qua việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó tập trung vào điện gió ngoài khơi và điện mặt trời. Trước đó, vào năm 2015, năng lượng tái tạo chỉ chiếm chưa đến 9% tổng công suất lắp đặt điện quốc gia. Tuy nhiên, nhờ chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ này đã tăng lên 14% vào năm 2019. Đặc biệt, lĩnh vực điện gió đạt được những bước tiến đáng kể. Năm 2018, Đài Loan sản xuất khoảng 1,7 TWh điện từ gió, chiếm gần một phần ba tổng sản lượng điện đến từ các nguồn tái tạo11. Song song đó, điện mặt trời cũng có vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng mới, với công suất lắp đặt đạt 6.500 MW vào năm 2020, đóng góp đáng kể vào mục tiêu giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch12.
Bảng 1: Phát triển năng lượng tái tạo của Đài Loan
Nguồn năng lượng | Công suất lắp đặt (MW) | Sản xuất năng lượng (100 triệu kWh) | ||||
2019 | 2020 | 2025 | 2019 | 2020 | 2025 | |
Năng lượng mặt trời | 4.150 | 6.500 | 20.000 | 40 | 81 | 215 |
Năng lượng gió trên bờ | 717 | 814 | 1.200 | 17 | 19 | 28 |
Năng lượng gió ngoài khơi | 128 | 520 | 5.667 | 2 | 19 | 204 |
Năng lượng địa nhiệt | 0,3 | 150 | 200 | 0 | 10 | 13 |
Năng lượng sinh khối | 709 | 768 | 813 | 38 | 38 | 43 |
Năng lượng thuỷ điện | 2.093 | 2.100 | 2.150 | 55 | 64 | 66 |
Pin nhiên liệu | 0,3 | 22,5 | 60 | 0 | 2 | 5 |
Tổng | 7.796 | 10.875 | 30.090 | 152 | 233 | 615 |
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hiệu quả, Chính phủ Đài Loan (Trung Quốc) đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo. Đạo luật Kinh doanh Điện (sửa đổi năm 2017) cho phép các nhà sản xuất điện tái tạo bán điện trực tiếp cho người dùng cuối. Đạo luật Phát triển năng lượng tái tạo năm 2019 quy định mức giá mua điện cố định kéo dài 20 năm đối với điện gió ngoài khơi, tạo môi trường đầu tư ổn định.
Cục Năng lượng thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan cũng triển khai 2 chương trình trọng điểm: “Triệu mái nhà điện mặt trời” và “Nghìn tuabin gió”. Chương trình “Triệu mái nhà” hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện mặt trời dân dụng thông qua hợp đồng mua điện 20 năm với mức giá ưu đãi do chính phủ quy định. Trong khi đó, chương trình “Nghìn tuabin gió” tập trung mở rộng phát triển điện gió từ bờ ra biển, bao gồm cả vùng biển sâu, nhằm xây dựng chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển điện gió nội địa.
d. Thúc đẩy công nghệ và đổi mới
Đài Loan là một trong những quốc gia tiên phong tại châu Á trong phát triển và xuất khẩu công nghệ xanh nhờ đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Các sản phẩm tiêu biểu, gồm: thiết bị ICT, pin năng lượng mặt trời, đèn LED, xe đạp điện và thiết bị tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, Đài Loan có tỷ lệ tái chế phế liệu cao với các sản phẩm, như: vải, kính, thủy tinh tái chế. Vai trò kết nối thị trường xanh quốc tế được thúc đẩy bởi các tổ chức, như: TAITRA và Văn phòng Dự án Thương mại xanh (GPTO).
Trên cơ sở pháp lý như Đạo luật Phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, như: chi phí đầu tư, khấu trừ thuế lợi nhuận và cung cấp vốn vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo. Điều này, khuyến khích khu vực tư nhân phát triển các sản phẩm, như: đèn đường, đèn LED và máy bơm năng lượng mặt trời. Đáng chú ý, hệ thống lưới điện vi mô tích hợp pin lưu trữ do Đài Loan phát triển đã được triển khai tại Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Trong lĩnh vực môi trường, doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã xuất khẩu thành công công nghệ xanh sang nhiều nước Đông Nam Á. Nổi bật là, Công ty Active Technology với hệ thống lọc bụi tĩnh điện dùng trong ngành pha lê, xi măng và luyện kim; Công ty Ever Clear Environmental với công nghệ xử lý nước thải FBR-Fenton, ứng dụng hiệu quả trong các ngành: dệt nhuộm, da giày và hóa chất13.
e. Chính sách tài chính và định giá carbon
Bên cạnh các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp giảm phát thải, Đài Loan đang triển khai nhiều công cụ định giá carbon nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
(1) Thuế carbon: Trước bối cảnh EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ năm 2026, Bộ Môi trường Đài Loan đã công bố 3 dự thảo quy định liên quan đến phí carbon vào tháng 4/2024. Các quy định này nhằm xây dựng khung pháp lý cho hệ thống thu phí carbon trong nước, khuyến khích doanh nghiệp cắt giảm phát thải thay vì tạo ra nguồn thu tài khóa14.
(2) Sàn giao dịch tín chỉ carbon (TCX). Ra mắt tháng 2/2023, TCX tạo nền tảng cho các doanh nghiệp mua bán hạn ngạch phát thải, từ đó linh hoạt trong thực hiện mục tiêu giảm carbon và hỗ trợ phát triển công nghệ carbon thấp.
(3) Cơ chế CBAM nội địa. Đài Loan dự kiến công bố dự thảo CBAM riêng vào cuối năm 2025 nhằm áp dụng điều chỉnh thuế với hàng nhập khẩu dựa trên lượng phát thải, bảo đảm cạnh tranh công bằng với sản phẩm trong nước.
(4) Cơ chế giá cố định (FiT): Được áp dụng cho điện sản xuất từ nguồn tái tạo, FiT giúp ổn định giá mua điện trong dài hạn, giảm rủi ro cho nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển năng lượng sạch.
g. Hợp tác quốc tế
Đài Loan đã triển khai chiến lược ngoại giao khí hậu đa phương nhằm mở rộng hiện diện quốc tế và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh thông qua hợp tác với nhiều đối tác. Dù không phải thành viên UNFCCC, Đài Loan vẫn tích cực xây dựng quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), hướng tới sự tương thích với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Các sự kiện, như: Energy Taiwan Expo và Diễn đàn Phát triển bền vững Đài Loan đã trở thành nền tảng chia sẻ kiến thức về công nghệ năng lượng, quản lý lưới điện và chính sách khí hậu. Đài Loan cũng đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực quốc tế thông qua học bổng và chương trình trao đổi học thuật, tập trung vào năng lượng tái tạo, quản lý năng lượng và công nghệ lưu trữ carbon.
Năm 2024, chiến dịch “Go Green with Taiwan” được phát động, thể hiện tham vọng định vị Đài Loan là trung tâm đổi mới công nghệ xanh toàn cầu. Song song đó, Đài Loan xây dựng chiến lược thay đổi lối sống người dân trong tiêu dùng, giao thông và năng lượng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng carbon thấp và kinh tế tuần hoàn.
4. Hàm ý chính sách cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm của Đài Loan (Trung Quốc) và trên cơ sở tương đồng về đặc điểm phát triển, có thể rút ra các hàm ý chính sách cho Việt Nam:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về Net Zero.
Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý toàn diện để hiện thực hóa cam kết Net Zero, bảo đảm tính ràng buộc và hiệu lực trong triển khai. Việc ban hành Luật Biến đổi khí hậu là cần thiết, trong đó quy định rõ trách nhiệm giảm phát thải theo từng ngành, đặc biệt là các lĩnh vực có mức phát thải cao như năng lượng, công nghiệp và giao thông. Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV) khí nhà kính để làm nền tảng cho các chính sách định giá carbon. Việc nâng cao năng lực giám sát và chế tài cũng giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả thực thi.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo.
Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và điện mặt trời. Việt Nam nên tham khảo mô hình chính sách của Đài Loan, trong đó điều chỉnh mức giá mua điện (FiT) theo hướng hấp dẫn hơn, đồng thời khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào lưới điện để cải thiện hiệu suất và khả năng tích hợp nguồn điện sạch.
Thứ ba, thiết lập chính sách thuế carbon.
Kinh nghiệm từ Đài Loan cho thấy, việc áp dụng thuế carbon không chỉ giúp định hướng hành vi phát thải mà còn tạo nguồn thu để hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới công nghệ xanh. Việt Nam có thể tham khảo cách xây dựng, giám sát và điều chỉnh phí carbon của Đài Loan để từng bước phát triển thị trường carbon trong nước.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế.
Việt Nam cần chủ động mở rộng hợp tác với các quốc gia phát triển và tổ chức tài chính quốc tế nhằm thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, giao thông xanh và công nghệ lưu trữ carbon. Tham gia các hiệp định khí hậu song phương, đa phương và tận dụng nguồn vốn từ các quỹ khí hậu toàn cầu là hướng đi hiệu quả. Đồng thời, phát triển chuỗi cung ứng xanh và liên kết với doanh nghiệp FDI sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
5. Kết luận
Kinh nghiệm của Đài Loan (Trung Quốc) trong quá trình thực hiện mục tiêu Net Zero cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng khung pháp lý đồng bộ, thúc đẩy đổi mới công nghệ xanh, phát triển năng lượng tái tạo, định giá carbon linh hoạt và mở rộng hợp tác quốc tế. Những chính sách này không chỉ giúp Đài Loan thích ứng với yêu cầu toàn cầu về giảm phát thải mà còn duy trì năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng xuất khẩu.
Với cam kết Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần học hỏi từ mô hình của Đài Loan (Trung Quốc) để xây dựng chiến lược phù hợp với bối cảnh trong nước. Việc tiếp thu kinh nghiệm quốc tế một cách linh hoạt và có chọn lọc sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp, hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn.
Chú thích:
1. Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC) (2022). Climate Change 2022: Mitigation of Climate Change. Working Group III Contribution to the Sixth Assessment Report. https://www.ipcc.ch/report/ar6/wg3, truy cập ngày 24/2/2025.
2. Fankhauser, S., Smith, S. M., Allen, M., Axelsson, K., Hale, T., Hepburn, C., Kendall, J. M., Khosla, R., Lezaun, J., Mitchell-Larson, E., Obersteiner, M., Rajamani, L., Rickaby, R., Seddon, N., & Wetzer, T. (2022). The meaning of net zero and how to get it right. Nature Climate Change, 12 (1), 15- 21. https://doi.org/10.1038/s41558-021-01245-w
3. IPCC. (2018). Global warming of 1.5°C: An IPCC Special Report. https://www.ipcc.ch/sr15, truy cập ngày 24/2/2025.
4. United Nations Framework Convention on Climate Change (UNFCCC). (2016). The Paris Agreement. https://unfccc.int/sites/default/files/resource/parisagreement_publication.pdf.
5. International Energy Agency (IEA) (2021). Net Zero by 2050: A Roadmap for the Global Energy Sector. https://www.iea.org/reports, truy cập ngày 24/2/2025.
6. United Nations Environment Programme (UNEP). (2022). Energy Efficiency: The Untapped Opportunity. https://www.unep.org/topics, truy cập ngày 24/2/2025.
7. Davis, S. J., Lewis, N. S., Shaner, M., Aggarwal, S., Arent, D., Azevedo, I. L., Benson, S. M., Bradley, T., Brouwer, J., Chiang, Y.-M., Clack, C. T. M., Cohen, A., Doig, S., Edmonds, J., Fennell, P., Field, C. B., Hannegan, B., Hodge, B.-M., Hoffert, M. I., … Caldeira, K. (2018). Net-zero emissions energy systems. Science, 360 (6396). https://doi.org/10.1126/science.aas9793.
8. World Bank. (2022). State and Trends of Carbon Pricing 2022. https://hdl.handle.net, truy cập ngày 24/2/2025.
9. Laws and Regulations Database of The Republic of China. (2023). Renewable Energy Development Act. https://faolex.fao.org/docs/pdf, truy cập ngày 24/2/2025.
10. Laws and Regulations Database of The Republic of China. (2023). Climate Change Response Act. https://law.moj.gov.tw, truy cập ngày 24/2/2025.
11. Mordor Intelligence (2024). Phân tích quy mô và thị phần thị trường năng lượng gió Đài Loan – Dự báo và xu hướng tăng trưởng (2024 – 2029). https://www.mordorintelligence.com/vi, truy cập ngày 24/2/2025.
12. Kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo ở Đài Loan (Trung Quốc). https://congthuong.vn/kinh-nghiem-phat-trien-nang-luong-tai-tao-o-dai-loan-trung-quoc-372545.html
13. Đài Loan đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và kinh nghiệm đối với Việt Nam. https://tapchimoitruong.vn/nhin-ra-the-gioi-65/dai-loan-day-manh-phat-trien-cong-nghiep-xanh-nang-luong-tai-tao-va-kinh-nghiem-doi-voi-viet-nam-21879
14. Taiwan’s Ministry of Environment (2024). Taiwan’s Ministry of Environment releases 3 drafts of the carbon fee regulations. https://www.moenv.gov.tw, truy cập ngày 24/2/2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Phát triển nông nghiệp sạch ở Đài Loan: Kinh nghiệm và một số kiến nghị chính sách cho Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/06/15/phat-trien-nong-nghiep-sach-o-dai-loan-kinh-nghiem-va-mot-so-kien-nghi-chinh-sach-cho-viet-nam.
2. Việt Nam với mục tiêu phát triển kinh tế xanh – Một số vấn đề đặt ra. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/03/25/viet-nam-voi-muc-tieu-phat-trien-kinh-te-xanh-mot-so-van-de-dat-ra.