TS. Phạm Văn Kiệm
Phùng Thị Như Quỳnh
Nguyễn Thị Thảo Nhi
Nguyễn Hà Anh
Trần Thị Bích Loan
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Thúc đẩy các chính sách tiêu dùng bền vững không chỉ là bài toán đặt ra cho Chính phủ hay bất kỳ doanh nghiệp nào mà còn xuất phát từ chính người tiêu dùng – người trực tiếp “hiện thực hóa” chính sách. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của một số yếu tố đến chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh. Bài viết sử dụng phương pháp định lượng với khảo sát có quy mô mẫu là 300, kết quả nghiên cứu cho thấy 4 yếu tố tác động chính sách tiêu dùng bền vững bao gồm: ảnh hưởng xã hội, truyền thông, hỗ trợ của Chính phủ, nhận thức con người. Từ kết quả nghiên cứu bài viết đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam để thúc đẩy các chính sách tiêu dùng bền vững trong thời gian tới.
Từ khoá: Tiêu dùng bền vững, chính sách, mặt hàng tiêu dùng nhanh, người tiêu dùng.
1. Đặt vấn đề
Một phần quan trọng của phát triển kinh tế toàn cầu là việc tạo điều kiện cho quá trình sản xuất và tiêu dùng trở nên tiên tiến và hiệu quả hơn. Do đó, việc tiêu thụ các sản phẩm tiện lợi và giá cả phải chăng hàng ngày đang gây ra áp lực đáng kể, có tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và xã hội (Makhutla, 2014)1. Điều này thúc đẩy nhu cầu cần phải giải quyết thách thức là làm thế nào để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng một cách bền vững, đồng thời bảo vệ môi trường và đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững và lâu dài với mục tiêu hưởng lợi cho toàn bộ nhân loại.
Tại Hội nghị Oslo năm 1994, tiêu dùng và sản xuất bền vững (SCP) được định nghĩa là việc sử dụng dịch vụ và sản phẩm để đáp ứng nhu cầu cơ bản và cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên và vật liệu độc hại, cũng như giảm lượng chất thải và ô nhiễm trong suốt vòng đời của sản phẩm hoặc dịch vụ, nhằm không gây ra nguy hại cho nhu cầu của các thế hệ tiếp theo (Ofstad, 1994)2. Ngay sau đó, nhiều quốc gia trên toàn cầu đã áp dụng chính sách về tiêu dùng bền vững, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng nhanh nhằm thể hiện quan điểm và định hướng của họ về vấn đề này.
Tại Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có tính “xanh” và “sạch” và họ sẵn lòng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu cam kết về môi trường. Bằng cách ưu tiên lựa chọn các sản phẩm bền vững, người tiêu dùng đang trực tiếp thúc đẩy các doanh nghiệp và nhãn hiệu áp dụng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững (Kamphuis, 2021)3. Điều này đặt ra câu hỏi về vai trò của người tiêu dùng trong việc thúc đẩy chính sách tiêu dùng bền vững. Thực tế, người tiêu dùng không chỉ là những cá nhân mua sắm hàng hóa và dịch vụ mà họ còn là những người có quyền lực lớn trong quá trình định hình thị trường và ảnh hưởng đến hành vi của doanh nghiệp (Hessami & Yousefi, 2013)4. Việc ủng hộ các sản phẩm và nhãn hiệu bền vững có thể tạo động lực cho doanh nghiệp áp dụng các biện pháp môi trường tích cực và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng bền vững. Đồng thời, áp lực từ phía người tiêu dùng có thể thúc đẩy các cơ quan chính phủ và tổ chức quốc tế thúc đẩy việc thi hành các quy định và chính sách về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong lĩnh vực tiêu dùng (Anh, 2023)5. Như vậy, vai trò của người tiêu dùng không chỉ là người tiêu thụ, mà còn là một lực lượng quan trọng trong việc thúc đẩy và ủng hộ các chính sách và biện pháp tiêu dùng bền vững, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường.
Dựa trên những lý do đã được đề cập, nhóm tác giả đề xuất nghiên cứu các yếu tố tác động đến chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh để các nhà nghiên cứu, các nhà xây dựng chính sách cũng như doanh nghiệp người tiêu dùng có thể hiểu sâu hơn về vấn đề này, từ đó đưa ra đề xuất, giải pháp nhằm thúc đẩy chính sách tiêu dùng bền vững tại Việt Nam với mục tiêu là giúp Chính phủ và doanh nghiệp cải thiện các chính sách tiêu dùng phục vụ người dân trong thời gian tới.
2. Cơ sở lý luận
Mặt hàng tiêu dùng nhanh là những loại hàng hóa tiêu dùng được bán nhanh với giá tương đối thấp. Là những sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn, biên lợi nhuận khá nhỏ nhưng thường được bán với số lượng lớn, nhu cầu mua cao và lợi nhuận tích lũy trên các sản phẩm đó khá đáng kể. Một số sản phẩm tiêu dùng nhanh có thể kể đến, như: thực phẩm, đồ uống, thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân, đồ gia dụng… và các sản phẩm thiết yếu khác. Mặt hàng tiêu dùng nhanh thường là những sản phẩm giá rẻ, được tiêu thụ hằng ngày trong một khoảng thời gian ngắn và cần rất ít suy nghĩ khi mua hàng (Makhutla, 2014)6.
Theo (Anderson J. 2003), “Chính sách là một quá trình hành động có mục đích mà một cá nhân hoặc một nhóm theo đuổi một cách kiên định trong việc giải quyết vấn đề” hoặc “Chính sách là chuỗi những hoạt động mà chính quyền chọn làm hay không làm với tính toán và chủ đích rõ ràng, có tác động đến người dân”7. Tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh là việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng nhanh một cách có trách nhiệm nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, môi trường và xã hội; giúp bảo vệ môi trường, bảo đảm cho sức khỏe của con người và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh cam kết với tiêu dùng bền vững.
Hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy tiêu dùng bền vững, trong đó nổi bật là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Điều 73 của Luật Bảo vệ môi trường quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa, trong đó khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và hạn chế sản xuất nhựa sử dụng một lần. Đồng thời, Điều 7 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ phát triển công nghệ xanh và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Bên cạnh đó, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 của Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, khuyến khích sản xuất xanh và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Các chính sách này tạo nền tảng pháp lý quan trọng giúp định hướng doanh nghiệp và người tiêu dùng hướng tới lối sống bền vững, đồng thời góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo (Gottschalk & Leistner, 2013), thu nhập có ảnh hưởng đến việc tiêu dùng thực phẩm bền vững và đắt tiền, tùy theo mức thu nhập mà bản thân người tiêu dùng sẽ có những nhu cầu khác nhau, đòi hỏi phải có những chính sách tiêu dùng bền vững hợp lý8. Chất lượng sản phẩm tiêu dùng nhanh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và môi trường, là động cơ quan trọng để tiêu dùng thực phẩm bền vững, do đó việc đưa ra các chính sách tiêu dùng bền vững bảo đảm chất lượng của thực phẩm bền vững là điều vô cùng cần thiết. Xu hướng tiêu dùng thực phẩm bền vững của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố truyền thông khi cùng với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc đưa ra các chính sách kịp thời và linh hoạt để phù hợp với xu hướng tiêu dùng bền vững là điều cần thiết.
Và thực tế, để hình thành và phát triển các chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh thì nó phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố liên quan đến người tiêu dùng. Theo nghiên cứu của (Vazifehdoust, Taleghani, Esmaeilpour, & Nazari, 2013) đề xuất một mô hình tích hợp kết hợp Lý thuyết hành động hợp lý (TRA) và 2 loại biến số gồm cá nhân và tiếp thị, để điều tra các yếu tố quyết định thái độ và hành vi mua sản phẩm xanh. Kết quả cho thấy các yếu tố: sự quan tâm đến môi trường của người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm xanh, quảng cáo xanh và nhãn xanh ảnh hưởng đến hành vi mua sắm xanh của người tiêu dùng9. Nghiên cứu của (Khải & Anh, 2016) cho thấy tác động của 5 nhân tố đến ý định tiêu dùng xanh của người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó nhân tố tác động mạnh nhất là cảm nhận tính hiệu quả và lòng vị tha, tiếp đến là sự quan tâm đến các vấn đề môi trường và nhận thức các vấn đề môi trường, cuối cùng là ảnh hưởng xã hội. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy sự khác biệt về ý định tiêu dùng xanh giữa những nhóm người có trình độ học vấn và thu nhập khác nhau10.
Trên cơ sở phân tích các nghiên cứu, nhóm tác giả rút ra được 6 yếu tố thúc đẩy chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh như sau:
Yếu tố nhận thức của con người: con người càng hiểu biết và nhận thức rõ các vấn đề về môi trường sẽ càng nhìn nhận rõ những hệ quả môi trường trong tương lai gây ra bởi các hành vi tiêu dùng của bản thân, từ đó có những sự hiểu biết cũng như sự thay đổi trong ý định tiêu dùng của mình. Các nghiên cứu quốc tế cũng đã chứng minh, khách hàng quan tâm nhiều hơn đến những thay đổi của môi trường so với trước đây và đã thay đổi hành vi của họ (Papadopoulos, Karagouni, Trigkas, & Platogianni, 2010)11. Nhìn chung, bằng chứng từ các lĩnh vực khác nhau cho thấy, hành vi mua hàng của người dân bị ảnh hưởng bởi các mối quan tâm về môi trường. Sự nhận thức tích cực về tác động của mua sắm nhanh đối với môi trường là một bước quan trọng tạo ra sự thú hút lớn hơn từ Chính phủ và doanh nghiệp về chính sách tiêu dùng bền vững. Với sự nhận thức cao từ phía người tiêu dùng, chính sách này có thể được phát triển và thực hiện một cách hiệu quả hơn. Dựa vào những lập luận trên, nhóm tác giả có giả thuyết sau:
H1: Nhận thức của con người tác động cùng chiều đến chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh.
Yếu tố chất lượng của sản phẩm: các thuộc tính của sản phẩm như: sự tiện lợi, tính sẵn có và chất lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Không những thế, mức độ cảm nhận về chất lượng là sự đánh giá tổng thể về các mặt hàng của sản phẩm và là khía cạnh quan trọng trong việc lựa chọn sản phẩm. Chất lượng của sản phẩm tiêu dùng nhanh không chỉ là vấn đề trải nghiệm của người dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, môi trường và kinh tế. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, yếu tố sức khỏe luôn được mọi người quan tâm và đặt lên hàng đầu. Sức khỏe dường như là động cơ quan trọng nhất để mua thực phẩm hữu cơ. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về một sản phẩm được khách hàng chấp nhận, chất lượng và giá thành của sản phẩm, hiệu suất của sản phẩm và thậm chí cả các vấn đề về môi trường cần được xem xét. Chính vì vậy, những chính sách cụ thể và quy định rõ ràng sẽ tạo ra một hệ sinh thái mua sắm an toàn và bền vững, đồng thời đáp ứng đúng mức độ mối quan tâm của người tiêu dùng trong thời đại ngày nay. Dựa vào nhận định và lập luận trên, nhóm tác giả có đề xuất giả thuyết sau:
H2: Yếu tố chất lượng của mặt hàng tiêu dùng nhanh đến sức khỏe, môi trường, kinh tế tác động cùng chiều đến chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh.
Yếu tố truyền thông: phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành một phần quen thuộc của cuộc sống con người, nó như là một nền tảng giao tiếp điện tử để những người sử dụng có thể chia sẻ những kiến thức, ý tưởng, kinh nghiệm, trải nghiệm… mà họ muốn truyền tải cho người đọc và người xem. Trong nhiều nghiên cứu trước đó có nêu, các doanh nghiệp quan tâm đến các phương pháp tiếp thị bền vững cho người dân nói chung có thể được hưởng lợi từ việc đánh giá xu hướng và xu hướng mua hàng bền vững của người tiêu dùng (Ajibade & Boateng, 2021)12. Tác giả (Vazifehdoust, Taleghani, Esmaeilpour, & Nazari, 2013) cũng đã từng nói đến vấn đề này trong nghiên cứu của mình: các thuộc tính sản phẩm phải được phối hợp với các thuộc tính môi trường để quảng bá thành công. Từ đó, với độ phủ rộng rãi của các phương tiện truyền thông sẽ tác động đến nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm tiêu dùng nhanh đảm bảo cho sức khỏe và bảo vệ môi trường cũng như các chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng này. Dựa vào nhận định và lập luận trên, ta có đề xuất giả thuyết sau:
H3: Yếu tố truyền thông tác động tích cực đến chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh.
Yếu tố thu nhập: thu nhập ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thực phẩm bền vững, nhưng điều này có thể khác nhau tùy theo loại thực phẩm bền vững bởi vì giá thành của các sản phẩm tiêu dùng nhanh bền vững sẽ cao hơn các sản phẩm thông thường, do vậy người tiêu dùng có thu nhập trung bình hoặc thấp sẽ chần chừ khi ra quyết định mua các sản phẩm đó. Một nghiên cứu đã cho thấy, giá cả là một khía cạnh quan trọng trong việc tiêu thụ thực phẩm bền vững đắt tiền (Gottschalk & Leistner, 2013)13. Điều này có thể nói lên vấn đề là các nhóm thu nhập thấp thường thiếu nguồn lực để mua thực phẩm bền vững đắt tiền. Qua đó cho thấy, thu nhập không chỉ là một yếu tố thúc đẩy hành vi tiêu dùng các sản phẩm tiêu dùng nhanh bền vững mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và ảnh hưởng đến các chính sách của Chính phủ và các chiến lược sản xuất của doanh nghiệp. Dựa vào nhận định và lập luận trên, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết sau:
H4: Yếu tố thu nhập tác động cùng chiều đến chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh.
Yếu tố ảnh hưởng của xã hội: ảnh hưởng của xã hội tác động rất nhiều đến người tiêu dùng và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thay đổi nhận thức của người dân về tiêu dùng bền vững. Người tiêu dùng có xu hướng thu thập và chia sẻ thông tin về các sản phẩm xanh để biết người khác nghĩ gì, sau đó họ sử dụng nhận xét và ý kiến của người khác để đánh giá sản phẩm và xây dựng sở thích và thị hiếu của riêng họ. Từ đó, với sự lan rộng của làn sóng tiêu dùng bền vững, sự quan tâm của người tiêu dùng đối với chính sách tiêu dùng bền vững của các sản phẩm nhanh chóng trở thành một yếu tố quyết định thúc đẩy chính sách. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết sau:
H5: Ảnh hưởng của xã hội tác động tích cực đến chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh.
Yếu tố hỗ trợ của Chính phủ: trong một số nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã coi vai trò của Chính phủ là một trong những tiêu chí hữu hiệu trong hành vi mua sắm xanh, nếu chính sách mua sắm của Chính phủ tập trung vào hoạt động môi trường thì áp lực môi trường sẽ giảm đáng kể (Hessami & Yousefi, 2013)14. Sự chỉ đạo của các bộ, ngành và sự tích cực của các doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng bền vững, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi ni lông sinh thái. Từ những hỗ trợ của Chính phủ, người dân sẽ càng quan tâm và thích mua những sản phẩm tiêu dùng nhanh bền vững. Qua đó, nó sẽ thúc đẩy Chính phủ ngày càng hoàn thiện hệ thống chính sách, hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết sau:
H6: Hỗ trợ của chính phủ tác động tích cực đến chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh.
Nghiên cứu khảo sát những cá nhân quan tâm tới chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh. Nghiên cứu được kiểm định dựa trên bộ dữ liệu có kích thước 300 phần tử mẫu. Với số mẫu như vậy cũng đáp ứng được yêu cầu tối thiểu là 50 quan sát theo (Hair et al., 2009)15. Mẫu được thu thập thông qua cuộc khảo sát theo phương pháp lấy mẫu thuận tiện. Phương pháp tiếp cận phỏng vấn là phỏng vấn hoặc gửi qua email. Nội dung thang đo được kế thừa từ các nghiên cứu trước. Để bảo đảm giá trị và nội dung của thang đo, một phỏng vấn sơ bộ thông qua thảo luận các chuyên gia có chuyên môn và kiến thức liên quan đến các vấn đề nghiên cứu, tiếp đến là đánh giá tính hợp lý của mô hình nghiên cứu. Từ đó, thang đo được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với bối cảnh nghiên cứu.
Sau đó, sẽ tiến hành phân tích định lượng theo các bước như thống kê mô tả, đánh giá độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích hồi quy bội và kiểm định sự khác biệt thông qua phần mềm SPSS 20.0. Từ đó, xác định các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh.
Kết quả thu được người tham gia khảo sát phần lớn là người đi làm và sinh viên nên thu nhập hằng tháng tập trung vào khoảng từ dưới 4 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng. Trong tổng số 300 người tiêu dùng, có đến 123 người có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng, chiếm 41% và số người có thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/tháng không có phân biệt quá nhiều với 118 người chiếm 39,33%. Đối với mức thu nhập trên 10 triệu đồng chiếm phần trăm ít nhất với 19,67%. Đa số đã biết đến chính sách tiêu dùng bền vững đối với thực phẩm và đồ uống bền vững chiếm tỷ lệ đến 72,33%. Trong khi đó, tỷ lệ người chưa biết chỉ chiếm 27,67%.
4. Kết quả nghiên cứu
Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha của các thang đo đều > 0,6. Các hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát trong thang đo đều lớn hơn 0,3. Vì vậy, tất cả các biến quan sát đều được chấp nhận và được sử dụng trong phân tích EFA tiếp theo.
Bảng 1: Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha
Nhân tố | Viết tắt | Số biến | Cronbach’s Alpha |
Nhận thức | NT | 4 | 0,762 |
Chất lượng của sản phẩm | CL | 5 | 0,849 |
Truyền thông | TT | 5 | 0,835 |
Thu nhập | TN | 4 | 0,736 |
Ảnh hưởng của xã hội | XH | 5 | 0,849 |
Hỗ trợ của Chính phủ | CP | 4 | 0,778 |
Thúc đẩy chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh (tác động chính sách) | TĐCS | 4 | 0,902 |
Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA: sau khi kiểm định hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha, các thang đo được đánh giá tiếp bằng phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA. Kết quả Cronbach’s Alpha cho thấy, có 27 biến quan sát của 6 nhân tố đo lường thúc đẩy chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh đạt yêu cầu về độ tin cậy. Vì vậy, 27 biến quan sát này sẽ được tiếp tục sử dụng để đánh giá trong phân tích EFA.
Phân tích EFA cho biến độc lập được thực hiện 2 lần. Ở lần chạy thứ nhất, biến TT5 tại thang đo “truyền thông” và TN4 tại thang đó “thu nhập” đều không đạt yêu cầu nên sẽ bị loại lần lượt và tiến hành kiểm định EFA lần thứ 2 cho 25 biến quan sát còn lại.
Bảng 2: Kết quả kiểm định KMO và Bartlett’s các biến độc lập lần thứ hai
Hệ số KMO | .846 | |
Kiểm định Bartlett của thang đo | Giá trị Chi bình phương | 2898.932 |
df | 300 | |
Sig. | < .001 | |
Tổng phương sai trích | 63.089% |
Ở lần thứ 2, kết quả kiểm định tại bảng với Sig = <0,001 < 0,05 cho thấy, 25 biến quan sát có mối tương quan với nhau. Hệ số KMO cao (0,846 > 0,5) chỉ ra các biến quan sát có điều kiện đủ để phân tích nhân tố. Tổng phương sai trích là 63,089% cho thấy mức độ phù hợp của mô hình EFA đạt yêu cầu.
Bảng 3: Kết quả phân tích nhân tố khám phá
Hệ số nhân số tải | ||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | |
XH4 | .802 | |||||
XH2 | .780 | |||||
XH3 | .754 | |||||
XH5 | .751 | |||||
XH1 | .736 | |||||
CL5 | .804 | |||||
CL4 | .802 | |||||
CL3 | .782 | |||||
CL1 | .744 | |||||
CL2 | .687 | |||||
TT4 | .800 | |||||
TT1 | .780 | |||||
TT3 | .774 | |||||
TT2 | .711 | |||||
CP1 | .876 | |||||
CP4 | .821 | |||||
CP2 | .709 | |||||
CP3 | .573 | |||||
NT3 | .754 | |||||
NT4 | .729 | |||||
NT2 | .723 | |||||
NT1 | .706 | |||||
TN1 | .771 | |||||
TN3 | .754 | |||||
TN2 | .741 |
Tại các mức giá trị Eigenvalues lớn hơn 1, được 6 nhân tố mang thông tin tóm tắt nhất, các hệ số tải nhân tố của các biến này đều lớn hơn 0,5 (phù hợp). Các nhóm nhân tố được đặt tên: ảnh hưởng của xã hội (XH1,2,3,4,5), chất lượng sản phẩm (CL1,2,3,4,5), yếu tố truyền thông (TT1,2,3,4), hỗ trợ của Chính phủ (TT1,2,3,4), nhận thức con người (NT1,2,3,4), thu nhập (TN1,2,3,4).
Kết quả phân tích tương quan: kết quả cho thấy, giữa biến phụ thuộc với mỗi biến độc lập có giá trị Sig <0,05. Như vậy, giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc “Thúc đẩy chính sách tiêu dùng bền vững” có mối tương quan tuyến tính với nhau, sự tương quan có ý nghĩa về mặt thống kê. Xét mối tương quan giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc thì mối tương quan giữa CP và TĐCS là mạnh nhất với r = 0,617, giữa CL và TĐCS là yếu nhất với r = 0,272.
Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính
Bảng 4: Mức độ giải thích của mô hình
Mô hình | R | R2 | R2 hiệu chỉnh | Sai số ước lượng | Hệ số Durbun- Watson |
1 | ,803ª | ,644 | ,639 | ,38187 | 1,640 |
a. Biến độc lập: (Hằng số), NT, CP, XH, TT | |||||
b. Biến phụ thuộc: TĐCS |
Phân tích hồi quy được chạy 2 lần. Ở lần chạy thứ nhất, biến CL, TN có Sig > 0,05, nghĩa là hai biến không có ý nghĩa thống kê nên nhóm tiến hành loại bỏ hai biến này và chạy lại khảo sát. Lần chạy thứ 2, giá trị R2 hiệu chỉnh = 0,639 mang hàm ý 4 biến độc lập đưa vào chạy hồi quy ảnh hưởng 63,9% tới sự thay đổi của biến độc lập. Nói cách khác, tác động chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh được giải thích bởi 4 biến độc lập trong mô hình (nhận thức, hỗ trợ của Chính phủ, ảnh hưởng xã hội, truyền thông) là 63,9%, các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên giải thích 36,1% còn lại.
Bảng 5: Kết quả của mô hình hồi quy
Mô hình | Giá trị chưa chuẩn hoá | Giá trị đã chuẩn hoá | t | Sig. | Kiểm định đa cộng tuyến | |||
B | Phương sai | Beta | Dung sai | VIF | ||||
1 | (Hằng số) | -0,30 | ,168 | -,182 | ,856 | |||
XH | ,265 | ,033 | ,303 | 7,908 | ,001 | ,821 | 1,218 | |
TT | ,252 | ,032 | ,313 | 7,885 | ,001 | ,766 | 1,306 | |
CP | ,363 | ,032 | ,422 | 11,305 | ,001 | ,866 | 1,154 | |
NT | ,01 | ,033 | ,113 | 3,082 | ,002 | ,896 | 1,116 | |
Biến phụ thuộc: TĐCS |
Hệ số phóng đại phương sai VIF của các biến độc lập lần lượt đều <2 nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Vì vậy, cả 4 biến độc lập XH, TT, CP, NT đều thúc đẩy các chính sách tiêu dùng bền vững. Do đó, các biến độc lập đều có ý nghĩa giải thích cho biến phụ thuộc TĐCS. Bốn hệ số hồi quy chuẩn hóa (beta) đều lớn hơn 0 nên cả 4 nhân tố đưa vào phân tích hồi quy tác động cùng chiều tới biến phụ thuộc TĐCS.
Phương trình hồi quy chuẩn hóa được viết như sau:
TĐCS = -0,030 + 0,363 × CP + 0,265 × XH + 0,252 × TT + 0,101 × NT
Dựa vào độ lớn của hệ số hồi quy chuẩn hóa Beta, thứ tự mức độ tác động từ mạnh nhất đến yếu nhất của các biến độc lập tới biến phụ thuộc TĐCS là: CP (0,422) > TT (0,313) > XH (303) > NT (0,113).
Kết quả chỉ ra có 4 yếu tố thúc đẩy đến chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh, trong đó có 2 yếu tố: nhận thức của người tiêu dùng và ảnh hưởng hưởng xã hội tương đồng với kết quả nghiên cứu của (Khải & Anh, 2016) nghiên cứu đối với người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh16. Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhóm tác giả phát hiện ra 2 yếu tố mới: hỗ trợ của Chính phủ và yếu tố truyền thông có sự thúc đẩy lớn đến các chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh.
Kiểm định sự khác biệt: các giá trị Sig. đều lớn hơn 0,05 nên trong nhóm người tiêu dùng khác nhau về giới tính, đối tượng, thu nhập hằng tháng, tần suất sử dụng sản phẩm tiêu dùng bền vững, hiểu biết về chính sách không có sự khác biệt trong việc thúc đẩy các chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh.
Bảng 6: Tổng kết kết quả kiểm định sự khác biệt
Giá trị Sig. | Giới tính | Thu nhập hàng tháng | Tần suất sử dụng | Hiểu biết về chính sách | Đối tượng |
0,425 | 0,721 | 0,195 | 0,494 | 0,518 |
5. Một số giải pháp
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra 4 yếu tố có ảnh hưởng tích cực tới các chính sách tiêu dùng bền vững đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh: nhận thức con người, truyền thông, ảnh hưởng xã hội, hỗ trợ của Chính phủ. Trên cơ sở này, nhóm tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy chính sách thúc đẩy tiêu dùng bền vững với mặt hàng tiêu dùng nhanh:
Thứ nhất, giải pháp về nhân lực.
Các biện pháp nhằm thúc đẩy chính sách tiêu dùng bền vững đòi hỏi sự tham gia tích cực của người tiêu dùng, người là những nhân tố trực tiếp thực hiện các chính sách này. Nhận thức của họ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và thúc đẩy các chính sách này. Chính vì vậy, Chính phủ có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia khác và áp dụng những chính sách tiêu dùng bền vững phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước. Hợp tác tích cực từ phía doanh nghiệp là điều cần thiết để thúc đẩy các chính sách này. Họ có thể tham gia vào các chương trình và hỗ trợ thực hiện chính sách của Chính phủ, cũng như học hỏi từ các chương trình nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và tăng cường tái chế. Thông qua việc này, người tiêu dùng sẽ tăng cường việc lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ bền vững, do đã nhận biết được lợi ích của chúng đối với sức khỏe và môi trường.
Ngoài ra, sự hiểu biết về tầm quan trọng của các chính sách tiêu dùng bền vững đối với kinh tế – xã hội và môi trường cũng cần được nâng cao. Người tiêu dùng cần tự chủ động nâng cao nhận thức, tìm hiểu về các ảnh hưởng mà chính sách này có đối với sức khỏe và môi trường, từ đó có thể lựa chọn các sản phẩm phù hợp. Hơn nữa, việc tuyên truyền về các chính sách tiêu dùng bền vững cho cộng đồng là cần thiết. Bằng cách này, một xã hội có nhận thức cao về môi trường và trách nhiệm đối với sức khỏe của bản thân sẽ được tạo ra.
Thứ hai, giải pháp về truyền thông.
Các giải pháp về truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chính sách tiêu dùng bền vững. Chính phủ có thể tìm kiếm hợp tác với các quốc gia có những chính sách tiêu dùng bền vững tiên tiến để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ nhau thông qua các diễn đàn quốc tế và các cơ chế hợp tác đa phương. Những nỗ lực này có thể giúp chia sẻ thông tin và thiết lập các chuẩn mực chung về tiêu dùng bền vững. Cũng từ phía doanh nghiệp, việc đẩy mạnh chiến dịch quảng bá và truyền thông về các sản phẩm bền vững là cần thiết. Doanh nghiệp cần phải sử dụng các phương tiện truyền thông để giới thiệu về các sản phẩm của mình đến người tiêu dùng. Đồng thời, cần phải nắm bắt tâm lý tiêu dùng và tạo lòng tin cho khách hàng thông qua các chính sách sản xuất và phân phối sản phẩm xanh, chất lượng cao, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe.
Người tiêu dùng cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chính sách tiêu dùng bền vững. Họ có thể tìm hiểu và tham gia vào các chiến dịch và phong trào xã hội liên quan đến tuyên truyền các chính sách tiêu dùng bền vững của Chính phủ và cấp địa phương. Bằng cách chia sẻ thông điệp và hỗ trợ những nỗ lực nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng về vấn đề này, người tiêu dùng có thể đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững trong xã hội.
Thứ ba, giải pháp tác động đến tư duy xã hội.
Đây là giả pháp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững, từ đó tạo ra sự quan tâm lớn hơn từ công chúng đối với các chính sách tiêu dùng bền vững. Doanh nghiệp có thể tổ chức các sự kiện, hội chợ để giới thiệu và tuyên truyền về việc sử dụng các sản phẩm thực phẩm và đồ uống bền vững… Đồng thời, họ cũng có thể khuyến khích mọi người quan tâm đến các chính sách hơn thông qua các hoạt động này, nhằm mục đích tạo ra một xu hướng tiêu dùng bền vững. Người tiêu dùng có thể thực hiện các hành động nhỏ như tìm hiểu về các chính sách tiêu dùng bền vững của quốc gia và các quốc gia phát triển trên thế giới. Từ đó, họ có thể khuyến khích và chia sẻ thông điệp này để lan tỏa tác động tích cực trong cộng đồng, góp phần vào việc tạo ra một môi trường tiêu dùng bền vững và xây dựng các chính sách tiêu dùng có mức độ ảnh hưởng lớn đối với mọi người.
6. Kết luận
Bài viết đã phân tích các yếu tố và mức độ ảnh hưởng của chính sách tiêu dùng bền vững, tuy nhiên vẫn tồn tại những hạn chế. Đầu tiên, phạm vi đối tượng nghiên cứu được hạn chế ở mức thu nhập thấp, do đó không thể tổng quát hóa kết quả cho các đối tượng khác. Hơn nữa, khả năng tiếp cận còn hạn chế, dẫn đến việc hầu hết đối tượng khảo sát là sinh viên và người trẻ, làm giảm tính đại diện của nghiên cứu. Thứ hai, bài viết chỉ tập trung vào 6 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến chính sách tiêu dùng, trong khi có thể còn nhiều yếu tố khác mà tác động đến quyết định này. Với những hạn chế này, nhóm tác giả đề xuất mở rộng phạm vi và đối tượng nghiên cứu để tăng tính đại diện cho tổng thể. Hơn nữa, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về các yếu tố khác có thể ảnh hưởng, nhằm cải thiện mô hình nghiên cứu trong tương lai.
Chú thích:
1, 6. Makhutla, E. N. (2014). The impact of fast-moving consumer goods on green consumerism. KwaZulu-Natal: University of Zululand.
2. Ofstad, S. (1994). Sustainable Consumption. Olso: Ministry of Environment.
3. Kamphuis, C. (2021). The Effect of Income on Sustainable Food Choices, Social and Behavioral Sciences. Utrecht : Utrecht University.
4, 14. Hessami, H. Z., & Yousefi, P. (2013). Investigation of major factors influencing green purchasing behavior: Interactive approach. European Online Journal of Natural and Social Sciences, 584 – 596.
5. Sản xuất, tiêu dùng bền vững: Cần thêm chính sách ưu tiên. https://thanglong.chinhphu.vn/san-xuat-tieu-dung-ben-vung-can-them-chinh-sach-uu-tien-103231218122348875.htm
7. Anderson, J. (2003). Public policymaking: An introduction. Boston: Houghton Mifflin Company.
8. Gottschalk, I., & Leistner, T. (2013). Consumer Reactions to the Availability of Organic Food in Discount Supermarkets. International Journal of Consumer Studies.
9. Vazifehdoust, H., Taleghani, M., Esmaeilpour, F., & Nazari, K. (2013). Purchasing green to become greener: Factors influence consumers’ green purchasing behavior. Management Science Letters, 2.489 – 2.500.
10, 16. Khải, N. T., & Anh, N. T. (2016). Nghiên cứu ý định tiêu dùng xanh của người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 42 – 53.
11. Papadopoulos, I., Karagouni, R., Trigkas, M., & Platogianni, E. (2010). Green marketing: The case of Greece in certified and sustainably managed timber products. EuroMed Journal of Business.
12. Ajibade, I., & Boateng, G. O. (2021). Predicting why people engage in pro-sustainable behaviors in Portland Oregon: The role of environmental self-identity, personal norm, and socio-demographics. Journal of Environmental Management.
13. Gottschalk, I., & Leistner, T. (2013). Consumer Reactions to the Availability of Organic Food in Discount Supermarkets. International Journal of Consumer Studies.
15. Hair et al. (2009). Multivariate Data Analysis. Prentical-Hall International 7th Inc. 2009.