Thu hút vốn đầu tư nước ngoài và bảo vệ môi trường của một số quốc gia Đông Nam Á – Kinh nghiệm cho Việt Nam

ThS. Lê Võ Đại Hải
Trường Đại học Tài chính – Marketing

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích mối quan hệ giữa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và bảo vệ môi trường thông qua các giải pháp về chính sách, công nghệ xanh và khung pháp lý nhằm bảo đảm phát triển bền vững tại một số quốc gia Đông Nam Á, như: Singapore, Thái Lan và Malaysia. Bằng cách xem xét chính sách, thực tiễn và tác động của dòng vốn FDI đến môi trường tại các nước này, bài viết rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc cân bằng giữa thu hút FDI và bảo vệ môi trường.

Từ khóa: Vốn đầu tư FDI; ô nhiễm môi trường; phát triển bền vững; bảo vệ môi trường; chính sách.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á. Các nước trong khu vực đang tích cực thu hút FDI nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, song song với những lợi ích kinh tế là các thách thức về môi trường, đòi hỏi mỗi quốc gia cần có chiến lược phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực.

Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với các vấn đề môi trường nghiêm trọng do dòng vốn FDI tập trung vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức và thiếu các biện pháp kiểm soát hiệu quả đã góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nước, không khí và đất. Việt Nam, với tốc độ thu hút FDI cao, cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá tác động của FDI đến môi trường tại các quốc gia Đông Nam Á. Một số nghiên cứu nhấn mạnh rằng FDI có thể góp phần cải thiện chất lượng môi trường nếu đi kèm với công nghệ tiên tiến và chính sách kiểm soát nghiêm ngặt (Smith và cộng sự, 2019). Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng các quốc gia đang phát triển, vì ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thường nới lỏng quy định về môi trường, dẫn đến tình trạng “hiệu ứng thiên đường ô nhiễm”, khi các công ty đa quốc gia chuyển hoạt động sản xuất gây ô nhiễm sang những quốc gia có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn (Lee & Kim, 2022).

Bài viết phân tích mối quan hệ giữa thu hút FDI và vấn đề môi trường tại ba quốc gia Đông Nam Á: Singapore, Thái Lan và Malaysia, qua đó rút ra những kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong việc tìm ra hướng đi phù hợp. Mục tiêu là vừa thu hút đầu tư, vừa bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và xây dựng hình ảnh quốc gia tích cực trong mắt các nhà đầu tư tiềm năng.

2. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài và bảo vệ môi trường tại một số quốc gia Đông Nam Á

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á. Thông qua FDI, các quốc gia có thể mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và nâng cao trình độ công nghệ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế, FDI cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Mức độ thu hút FDI và ảnh hưởng môi trường từ FDI tại các quốc gia Đông Nam Á có sự khác biệt, phụ thuộc vào định hướng chiến lược và chính sách phát triển của từng nước.

a. Singapore

Singapore là quốc gia đã thành công trong việc thu hút vốn FDI từ các quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới, đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường, thiên nhiên của đất nước thông qua việc triển khai các chiến lược và chính sách phát triển bền vững. 

Trong năm 2023, Singapore đã thu hút lượng vốn FDI đáng kể chứng tỏ sức hấp dẫn thị trường Singapore với các nhà đầu tư quốc tế. Theo báo cáo đầu tư thế giới của UNCTAD, dòng vốn FDI vào Singapore đạt mức kỷ lục là 159,6 tỷ USD, tăng 13,1% so với 141,1 tỷ USD năm 2022, đưa Singapore trở thành quốc gia nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trên thế giới, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc3. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết, tổng dòng vốn FDI ròng vào Singapore trong năm 2023 đạt 151 tỷ SGD, tăng 17,6 tỷ SGD so với năm 2022. Tính trong năm 2024, chỉ tính riêng quý 4, Singapore đã thu hút 60.759,5 triệu SGD vốn FDI. Điều này phản ánh sự vị thế cùng sức hấp dẫn của quốc gia này với các nhà đầu tư chiến lược. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại và các chính sách hỗ trợ đầu tư hiệu quả gắn với cam kết phát triển bền vững của Chính phủ Singapore.

Vào tháng 02/2021, Singapore đã giới thiệu Kế hoạch Xanh 2030, đây là chiến lược quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của Singapore. Kế hoạch này đặt ra các mục tiêu cụ thể, như: trồng thêm 1 triệu cây xanh; tăng gấp 4 lần việc triển khai năng lượng mặt trời vào năm 2025; giảm 30% lượng rác thải đưa vào bãi chôn lấp vào năm 2030; bảo đảm ít nhất 20% trường học đạt mức trung hòa carbon vào năm 2030; tất cả xe ô tô mới đăng ký từ năm 2030 sẽ sử dụng năng lượng sạch hơn4.

Chính phủ Singapore đã thực hiện các chính sách nhằm thu hút vốn FDI trong khi vẫn bảo đảm môi trường phát triển bền vững, như: 

(1) Ưu tiên công nghệ sạch: Chính phủ khuyến khích các khoản đầu tư vào công nghệ sạch và các ngành công nghiệp xanh như năng lượng tái tạo và công nghệ môi trường.

(2) Đề ra tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt: Singapore áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao và yêu cầu các doanh nghiệp FDI tuân thủ, bảo đảm các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không được gây hại cho môi trường5.

(3) Đưa ra chính sách thuế carbon: Singapore đã giới thiệu cơ chế định giá carbon vào năm 2019 và áp dụng thuế carbon đối với các doanh nghiệp phát thải lớn6.

Nhờ các chính sách trên mà Singapore đã đạt được những kết quả đáng kể trong song hành giữa thu hút doanh nghiệp vốn FDI và bảo vệ môi trường. Tính đến năm 2022, 55% các tòa nhà ở Singapore đã đạt tiêu chuẩn xanh và tiến đến mục tiêu vào năm 2030 là 80%7. Singapore đã thành trung tâm cho các dịch vụ carbon và tài chính khí hậu, thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư chiến lược quan tâm đến mục tiêu phát triển bền vững. Những nỗ lực này cho thấy Singapore đã thành công trong việc cân bằng giữa bảo vệ môi trường và thu hút FDI, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế đất nước bền vững.

b. Thái Lan

Thái Lan là một trong những quốc gia có môi trường kinh doanh hấp dẫn nhất khu vực đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô, điện tử và du lịch. Năm 2022, tổng vốn FDI vào Thái Lan đạt khoảng 25,2 tỷ USD, với phần lớn đầu tư đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu. Năm 2024, Thái Lan đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường. Theo báo cáo của Hội đồng Đầu tư Thái Lan tổng giá trị đơn đăng ký đầu tư trong năm 2024 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, với tổng cộng 1,14 nghìn tỷ baht (tương đương 32,8 tỷ USD), tăng 35% so với năm trước8. Sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây. Singapore là nguồn FDI lớn nhất, chiếm 43% tổng số đơn đăng ký, với 305 dự án trị giá 357,5 tỷ baht, tập trung vào dịch vụ kỹ thuật số và sản xuất điện tử. Trung Quốc đứng thứ hai với 810 dự án trị giá 174,6 tỷ baht, chủ yếu trong sản xuất bảng mạch in, ô tô và sản phẩm kim loại9.

Để thu hút FDI mà không gây ô nhiễm môi trường, Thái Lan đã triển khai các chính sách nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường như sau: 

(1) Xây dựng mục tiêu khí hậu: Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu đath trung hòa carbon vào năm 2050 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2065. Chính phủ Thái Lan cũng cam kết phát triển năng lượng sạch nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Thái Lan chú trọng kế hoạch dài hạn để phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm đến năng lượng tái tạo. 

(2) Giảm phát thải carbon trong công nghiệp: Thái Lan đã triển khai các dự án, như: hợp tác giữa ngành xi măng, cơ quan chính phủ và chuyên gia tại tỉnh Saraburi, nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Dự án này là mô hình cho các khu vực có lượng carbon thấp quy mô lớn, có thể được áp dụng rộng rãi. Thái Lan đã áp dụng một số biện pháp, như: xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ tiêu chuẩn môi trường quốc tế và khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh. 

(3) Xây dựng Luật Biến đổi khí hậu: Thái Lan đang Dự thảo Luật Biến đổi khí hậu, luật được xây dựng nhằm thực hiện các mục tiêu trung hòa lượng carbon và giảm khí thải nhà kính. Dự luật cũng đề xuất tăng cường hỗ trợ tài chính bao gồm các khoản vay ưu đãi từ các quỹ và ngân hàng môi trường để hỗ trợ đầu tư vào công nghệ xanh10.

(4) Ban hành quy định cấm nhập khẩu rác thải nhựa: từ ngày 01/01/2025, Thái Lan chính thức cấm nhập khẩu rác thải nhựa để sử dụng làm các nguyên liệu trong các nhà máy công nghiệp nhằm giảm ô nhiễm độc hại tới môi trường và sức khỏe con người. Đây là một bước tiến quan trọng trong bảo vệ môi trường của Chính phủ Thái Lan và là yêu cầu quan trọng cho các doanh nghiệp FDI khi muốn đầu tư vào Thái Lan.

c. Malaysia

Malaysia là một trong những quốc gia Đông Nam Á có chính sách thu hút FDI khá thận trọng và chú trọng vào phát triển bền vững. Với tổng vốn FDI đạt 17,1 tỷ USD vào năm 2022. Năm 2024, Malaysia đạt mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục, đồng thời triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường nhằm thu hút đầu tư bền vững. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia, tổng vốn đầu tư được phê duyệt trong năm 2024 đạt 378,5 tỷ ringgit (tương đương 85,8 tỷ USD), tăng 14,9% so với năm trước đó. Trong đó, đầu tư trong nước chiếm 208,1 tỷ ringgit, trong khi đầu tư nước ngoài đạt 170,4 tỷ ringgit. Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với 32,8 tỷ ringgit, tiếp theo là Đức (32,2 tỷ ringgit), Trung Quốc (28,2 tỷ ringgit) và Singapore (27,3 tỷ ringgit). Lĩnh vực dịch vụ thu hút phần lớn đầu tư, chiếm 66,8% tổng số, tương đương 252,7 tỷ ringgit11.

Đáng chú ý, Malaysia đã thu hút nhiều khoản đầu tư lớn vào các trung tâm dữ liệu từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu, như: Google, Microsoft, ByteDance với kinh phí đầu tư khoảng 16 tỷ USD12. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này đặt ra thách thức về tiêu thụ năng lượng và nước khiến Chính phủ Malaysia xem xét áp dụng mức phí cao hơn cho các dự án nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và giảm tác động lên môi trường.

Malaysia tiếp tục đối mặt với các thách thức về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa. Nước này đã xác định ô nhiễm nhựa là vấn đề cần quan tâm khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2025. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bền vững Malaysia nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo vệ và bảo tồn các tài sản thiên nhiên nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm và suy thoái. 

Để thu hút FDI mà không gây ô nhiễm môi trường, Malaysia đã thực hiện các chiến lược:

(1) Phát triển du lịch bền vững: Malaysia đã chuyển đổi ngành du lịch sang mô hình bền vững và linh hoạt hơn, tập trung vào việc bảo vệ và bảo tồn các tài sản thiên nhiên, bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm và suy thoái. 

(2) Mở rộng cơ hội đầu tư trong các ngành công nghiệp cao cấp: Malaysia đã mở cửa cho đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực như sản xuất điện tử, ô tô, hóa chất, dược phẩm và các dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, du lịch. 

Ngoài ra, nước này cũng mở rộng cơ hội đầu tư trong khai thác năng lượng, chế biến thực phẩm và xuất khẩu nông sản, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế mà không gây hại đến môi trường. Malaysia đã tập trung vào thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao và công nghiệp xanh. Một trong những thành công lớn của Malaysia trong việc quản lý tác động môi trường của FDI là sự phát triển của các khu công nghiệp công nghệ cao như Khu Công nghệ Malaysia (Malaysia Tech Park). Chính phủ Malaysia cũng đã ban hành Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 2018, yêu cầu các công ty nước ngoài phải thực hiện đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai dự án đầu tư. Những nỗ lực này thể hiện cam kết của Malaysia trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững và kinh tế xanh.

3. Thực trạng thu hút vốn FDI và tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam 

Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút FDI mạnh nhất Đông Nam Á những năm gần đây, với tổng vốn FDI năm 2022 đạt 27,72 tỷ USD. Năm 2024, Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 3.692,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm trước. Trong đó, khu vực có vốn FDI chiếm tỷ trọng đáng kể, cho thấy vai trò quan trọng của FDI trong nền kinh tế Việt Nam. Tính đến tháng 6/2024, Việt Nam có 40.544 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 484,77 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt khoảng 60% tổng vốn đăng ký13.

Tuy nhiên, dù có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nhưng một số dự án FDI tại Việt Nam gây ra hậu quả môi trường nghiêm trọng. Nhiều nhà máy sản xuất sử dụng công nghệ cũ, phát thải lượng lớn bụi mịn PM2.5, khí thải CO2 và SO2. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, khoảng 60.000 người Việt Nam tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí14. Đặc biệt, Hà Nội được ghi nhận là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với mức PM2.5 đạt 266 microgam/m³ vào đầu năm 202515. Các khu công nghiệp lớn tại Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai có mức phát thải cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống quanh khu công nghiệp. 

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước và rác thải công nghiệp tại Việt Nam đang ở mức báo động. Một số doanh nghiệp FDI xả thải trực tiếp ra sông, hồ mà không qua xử lý đầy đủ (vụ xả thải của Formusa Hà Tĩnh năm 2016 là ví dụ điển hình đã gây ô nhiễm nghiêm trọng một vùng biển của miền Trung). Tại Việt Nam, rác thải công nghiệp từ các khu công nghiệp trên cả nước thải ra môi trường hơn 4,2 triệu tấn chất thải rắn và 550.000 tấn chất thải nguy hại16, trong khi đó, tỷ lệ thu gom rác thải công nghiệp ở Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 31%, điều này cho thấy công tác quản lý và xử lý rác thải còn nhiều hạn chế, bất cập. 

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam từ các khu công nghiệp ngày càng nghiêm trọng do các khu công nghiệp phần lớn thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc có những không vận hành hiệu quả, dẫn đến việc xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí; việc xử lý rác thải bằng các công nghệ tiên tiến, như: plasma, xử lý sinh học và tái chế còn hạn chế do chi phí đầu tư cao và thiếu đội ngũ vận hành có chuyên môn kỹ thuật. Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời gian qua và “bài toán” lợi nhuận đi kèm với cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp FDI là rất khó. Điều này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần có các chính sách thu hút đầu tư đi kèm với yêu cầu sử dụng công nghệ sạch, giảm phát thải và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đất nước một cách bền vững.

4. Kinh nghiệm cho Việt Nam

Quá trình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam, song cũng đặt ra không ít thách thức về môi trường. Các quốc gia Đông Nam Á, như: Singapore, Thái Lan và Malaysia đã có những quan trọng trong việc cân bằng giữa thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường. Việc nghiên cứu, phân tích những từ các quốc gia này sẽ giúp Việt Nam có định hướng phát triển bền vững, tránh được những hệ lụy tiêu cực mà nhiều nước đã phải đối mặt.

Một là, cải thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách môi trường.

Kinh nghiệm từ các quốc gia Đông Nam Á cho thấy, những chính sách môi trường không nghiêm ngặt hoặc thực thi lỏng lẻo có thể khiến các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật để tối đa hóa lợi nhuận mà không quan tâm đến vấn đề môi trường. Việt Nam cần yêu cầu các khu công nghiệp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (EIA) nghiêm túc trước khi được cấp phép hoạt động, đưa ra chính sách thuế carbon để áp thuế cho các doanh nghiệp FDI. Việt Nam có thể cải tiến quy trình đánh giá EIA để bảo đảm tính chính xác, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp FDI công khai dữ liệu môi trường để tăng cường giám sát từ cộng đồng. Cần yêu cầu các doanh nghiệp FDI lập kế hoạch quản lý môi trường trước khi triển khai dự án đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực thi các cam kết về môi trường của doanh nghiệp.

Hai là, thúc đẩy FDI xanh và chuyển giao công nghệ sạch.

Cần khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường và sử dụng năng lượng tái tạo. Đề cao các mô hình sản xuất bền vững, giảm khí thải carbon. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng bằng cách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch. Bên cạnh đó, đưa ra những ràng buộc chặt chẽ hơn như yêu cầu doanh nghiệp FDI cam kết đạt chứng nhận ISO 14001 về quản lý môi trường.         Ba là, tăng cường giám sát và chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm.

Công tác giám sát môi trường đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm các doanh nghiệp FDI tuân thủ quy định. Nếu không có hệ thống giám sát chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp có thể tìm cách né tránh hoặc lách luật để giảm chi phí tuân thủ môi trường. Chính phủ Việt Nam cần xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm về ô nhiễm, giúp kiểm soát chặt chẽ hơn tác động từ hoạt động sản xuất công nghiệp, đầu tư vào hạ tầng quan trắc hiện đại và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác giám sát môi trường nhằm bảo đảm các doanh nghiệp FDI tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường.

Bốn là, tăng cường vai trò của cộng đồng và tổ chức xã hội.

Nhiều vụ xả thải trái phép của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã bị phát hiện nhờ phản ánh của người dân địa phương qua các kênh đường dây nóng, mạng xã hội, báo chí hoặc gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng. Vai trò của cộng đồng trong giám sát và thúc đẩy các doanh nghiệp FDI tuân thủ quy định bảo vệ môi trường tại địa phương là rất to lớn.

Cần tạo điều kiện cho người dân tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng trong giám sát môi trường bằng cách để người dân tham gia chương trình quan trắc môi trường cộng đồng và cung cấp thông tin thực tế cho các cơ quan quản lý. Phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội trong giám sát việc thực thi các cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích người dân phản ánh các vấn đề liên quan đến ô nhiễm. Ngoài ra, cộng đồng người dân có thể lựa chọn sản phẩm xanh, dịch vụ xanh từ những doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và tẩy chay, lên án những doanh nghiệp vi phạm cam kết môi trường để buộc doanh nghiệp phải thay đổi hình thái đầu tư nếu muốn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam.

Năm là, tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng.

Tăng cường đối thoại giữa chính quyền, ngươi dân và doanh nghiệp để giải quyết tranh chấp môi trường. Hoạt động này để tăng cường đối thoại giữa các bên liên quan, giúp doanh nghiệp FDI hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với môi trường và cộng đồng địa phương.

5. Kết luận

Những kinh nghiệm từ các quốc gia Đông Nam Á cho thấy, việc thu hút FDI không thể chỉ tập trung vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà cần đồng thời cân nhắc đến các tác động môi trường. Đây là quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.

Để bảo đảm phát triển bền vững, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cải cách và hoàn thiện khung pháp lý về môi trường là nền tảng để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của doanh nghiệp FDI. Song song đó, cần thúc đẩy dòng vốn FDI xanh, ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, có chiến lược phát triển dài hạn và bền vững. Đồng thời, việc nâng cao năng lực giám sát và kiểm tra môi trường ở các cấp địa phương cũng là yếu tố then chốt nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Bên cạnh vai trò điều phối của Nhà nước, sự phối hợp của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các tổ chức quốc tế cũng rất cần thiết. Việc khuyến khích người dân tham gia giám sát môi trường, minh bạch thông tin và tổ chức đối thoại công khai sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình và xây dựng lòng tin xã hội.

Từ đó, có thể thấy rằng sự phát triển của Việt Nam không nên chỉ dựa vào việc thu hút số lượng lớn vốn FDI mà cần chú trọng vào chất lượng các dự án, đặc biệt là yếu tố bền vững về môi trường và xã hội. Chỉ khi cân bằng được giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, Việt Nam mới có thể tận dụng tối đa lợi ích từ đầu tư nước ngoài mà không làm tổn hại đến hệ sinh thái và đời sống người dân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Chú thích:
1. Smith J, et al. (2019). Technology transfer and environmental performance of foreign firms in developing countries. Environ Manage J. 2019;22(3):201–20.
2. Lee S, Kim J. (2022). Pollution haven hypothesis: Multinational corporations and environmental standards in emerging markets. Glob Econ J. 2022;8(2):50–75.
3. Foreign direct investment (FDI) in Singapore. https://www.lloydsbanktrade.com/en/market-potential/singapore/investment
4. What is the singapore green plan 2030? https://www.greenplan.gov.sg/
5. EU-Singapore free trade agreement, investment protection agreement and digital trade agreement.https://policy.trade.ec.europa.eu/eu-trade-relationships-country-and-region/countries-and-regions/singapore/eu-singapore-agreements_en
6. Peilin Wang (2024). Insights from Singapore’s green economy for the high-quality development of Shanghai’s green economy. SCIRP – An Academy Publisher, Vol.15 No12, December 2024, DOI: 10.4236/me.2024.1512063
7. Policies & action. https://climateactiontracker.org/countries/singapore/policies-action/
8, 9. Thailand expecting at least $29 billion in investment applications this year.https://www.reuters.com/markets/asia/thailands-investment-applications-up-35-10-year-high-2024-2025-01-13/
10. Dự luật về biến đổi khí hậu (Thái Lan).https://en.wikipedia.org/wiki/Climate_Change_Bill_(Thailand)
11. Malaysia sees record $86 billion of approved investments in 2024.https://www.reuters.com/world/asia-pacific/malaysia-sees-record-86-billion-approved-investments-2024-2025-02-25/#:~:text=Malaysia%20sees%20record%20%2486%20billion%20of%20approved%20investments%20in%202024,-By%20Reuters&text=KUALA%20LUMPUR%2C%20Feb%2025%20(Reuters,trade%20minister%20said%20on%20Tuesday.
12. Tech groups to pay premium for energy for Malaysia data centres, says minister.https://www.ft.com/content/14d77d11-847e-4950-ab67-67a02e5324db
13. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024.
14. Hơn 60.000 người tử vong mỗi năm ở Việt Nam liên quan tới ô nhiễm không khí. https://vtv.vn/tieu-dung/60000-ca-tu-vong-moi-nam-tai-viet-nam-lien-quan-den-o-nhiem-khong-khi-20190926111724481.htm
15. Hanoi declared world’s most polluted city, authorities seek action.https://tuoitrenews.vn/news/society/20250105/hanoi-declared-world-s-most-polluted-city-authorities-seek-action/83741.html
16. Các khu công nghiệp phát sinh 550.000 tấn chất thải nguy hại mỗi năm. https://thanhnien.vn/cac-khu-cong-nghiep-phat-sinh-550000-tan-chat-thai-nguy-hai-moi-nam-185240328193710947.htm