Phạm Sang Đông
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng
Nguyễn Thị Anh
Trường Đại học Thủy lợi
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích quá trình lãnh đạo phát triển du lịch của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường lãnh đạo nhằm nâng cao hiệu quả phát triển du lịch, như: đổi mới tư duy phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng mang tính bản sắc văn hóa, đầu tư vào hạ tầng và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế. Đồng thời, cần chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường để bảo đảm du lịch phát triển bền vững.
Từ khóa: Đảng bộ thành phố Đà Nẵng; phát triển du lịch; chất lượng; du khách.
1. Đặt vấn đề
Du lịch hiện nay là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đà Nẵng, với vị trí địa lý thuận lợi và cảnh quan thiên nhiên phong phú đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển du lịch. Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã tiến hành nhiều giải pháp, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách trong phát triển du lịch, đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, ngành Du lịch Đà Nẵng vẫn đối mặt với không ít thách thức từ việc thiếu chủ trương lãnh đạo sát thực cho đến những chính sách phát triển chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, nghiên cứu quá trình lãnh đạo phát triển du lịch của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng là cấp thiết, từ đó đưa ra một số giải pháp trong công tác lãnh đạo phát triển du lịch của Đảng bộ thành phố, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới.
2. Một số chủ trương, chính sách trong phát triển du lịch tại Đà Nẵng
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ cấp Trung ương đến địa phương. Đảng bộ Đà Nẵng phối hợp tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với thiết kế chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030. Nghị quyết nêu rõ: “Đà Nẵng là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với mục tiêu thu hút từ 6 – 8 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025”1. Tầm nhìn đến năm 2045: “Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghĩ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế”2.
Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng xác định đẩy nhanh và thực hiện thực chất, có hiệu quả tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với hoạt động sản nghí dưỡng: “Tăng cường hợp tác, liên kết các địa phương trong nước, đặc biệt là liên kết với 5 địa phương Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của vùng”3.
Khuyến khích phát triển các loại hình sản phẩm du lịch chất lượng cao, định hướng đa dạng hóa thị trường, cơ cấu nguồn khách quốc tế, bền vững, hài hòa với thiên nhiên và môi trường. Khuyến khích phát triển các loại hình sản phẩm du lịch chất lượng cao: “Khuyến khích cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (bao gồm loại hình tàu thủy lưu trú du lịch), thiết kế sáng tạo, độc đáo, khác biệt, thân thiện môi trường; ưu tiên dự án cơ sở lưu trú du lịch có thương hiệu quốc tế hạng sang và siêu sang”4.
Tập trung khai thác khách du lịch và phát triển mạnh các loại hình du lịch: “Phối hợp với tỉnh Quảng Nam triển khai mạnh mẽ các dự án, khôi phục và phát triển các dịch vụ du lịch đặc trưng, nghiên cứu xúc tiến các tuyến đường bay trực tiếp đến Mỹ, châu Âu, Australia, Ấn Độ. Tích cực tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực, từng bước đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế”5.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, cân đối quỹ đất và địa điểm phù hợp phát triển du lịch với các ngành kinh tế khác. Xây dựng khu du lịch quốc gia Sơn Trà gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, thúc đẩy phát triển lĩnh vực du lịch minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng phục vụ, tính hấp dẫn và sự hài lòng đến với du lịch Đà Nẵng nhằm gia tăng thời gian lưu trú, mức chi tiêu bình quân và tỷ lệ quay lại của du khách. Xây dựng và triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động du lịch: “xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch, hệ thống giám sát du lịch thông minh, sàn giao dịch du lịch điện tử, du lịch thực tế ảo, thanh toán trực tuyến…và trong hoạt động kinh doanh du lịch, quản trị và tổ chức phục vụ khách”6.
Như vậy, từ định hướng mang tầm chiến lược của trung ương đến các chính sách cụ thể của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng có thể thấy tính xuyên suốt, nhất quán và liên kết chặt chẽ trong tăng cường lãnh đạo phát triển du lịch. Theo đó, Đảng bộ Đà Nẵng thể hiện vai trò chủ động, sáng tạo trong triển khai, góp phần đưa du lịch trở thành động lực tăng trưởng kinh tế – xã hội trong thời kỳ mới.
2. Thực trạng lãnh đạo phát triển du lịch của thành phố Đà Nẵng
(1) Kết quả lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng.
Trong thời gian qua, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã thể hiện vai trò lãnh đạo chiến lược trong việc phát triển du lịch, đưa ngành Du lịch thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế địa phương. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, các chính sách và chủ trương được triển khai đã giúp ngành Du lịch của thành phố không chỉ phục hồi sau đại dịch Covid-19 mà còn đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, khẳng định vị thế của Đà Nẵng trên bản đồ du lịch quốc tế.
Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã luôn xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng bộ, du lịch được coi là một lĩnh vực chiến lược không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn nâng cao hình ảnh và thương hiệu của Đà Nẵng. Chủ trương này được cụ thể hóa qua Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó Đà Nẵng được xác định là trung tâm du lịch quốc tế của khu vực miền Trung và cả nước: “Trong thời gian qua, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị; kịp thời ban hành 12 chương trình, kế hoạch chuyên đề cụ thể hóa Nghị quyết với 525 nhiệm vụ, đến nay đã hoàn thành 113 nhiệm vụ (tỷ lệ 21,5%), đang triển khai 390 nhiệm vụ (tỷ lệ 74,3%)”7. Đây là cơ sở vững chắc trong nhận thức cho công tác lãnh đạo phát triển du lịch của Đảng bộ thành phố.
Trong chỉ đạo thực hiện, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã chủ động lãnh đạo và triển khai các giải pháp phát triển du lịch gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và bảo tồn các di sản thiên nhiên. Năm 2020, “Ủy ban nhân dân thành phố có Quyết định số 3613/QĐ-UBND về việc ban hành đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng” do Sở Du lịch Đà Nẵng là đơn vị chủ trì. Năm 2021, thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 4194/QĐ-UBND ngày 24/12/2021 phê duyệt đề án “Tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hằng năm, gắn với thiết lập chuỗi sự kiện, văn hóa lễ hội về đêm của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 – 2026” với tổng kinh phí 128 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 34,6 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 93,4 tỷ đồng”8. Những chỉ đạo của Đảng bộ đã đạt được hiệu quả trong thực tế: “9 tháng đầu năm 2023, số lượt khách do cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng phục vụ ước đạt hơn 5,8 triệu lượt, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ 2022, đạt 138% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 1,6 triệu lượt, khách nội địa ước đạt hơn 4,2 triệu lượt. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành 9 tháng năm 2023 của Đà Nẵng ước đạt hơn 21.000 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ 2022. Dự kiến cả năm 2023, du khách đến Đà Nẵng đạt hơn 7,1 triệu lượt”9.
Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo: “tăng cường công tác phối hợp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Phải thực hiện các giải pháp hỗ trợ triển khai những dự án lớn, đặc thù, khác biệt và trở thành động lực cho sự phát triển”10, theo đó, Đà Nẵng đã triển khai các chiến lược mở lại các chuyến bay quốc tế và đẩy mạnh việc thu hút khách du lịch từ các thị trường tiềm năng, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Các chính sách này không chỉ thúc đẩy lượng khách quốc tế mà còn góp phần vào việc tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu du lịch của thành phố.
Từ công tác lãnh đạo của Đảng bộ thành phố về phát triển du lịch, sở du lịch đã triển khai kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch trong điều kiện bình thường mới với thông điệp: “Enjoy Da Nang – Tận hưởng Đà Nẵng”, thu hút du khách đến và có những trải nghiệm ấn tượng tại Đà Nẵng. Đồng thời, triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành Du lịch giai đoạn 2022 – 2025, Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng”11. Đặc biệt, Sở Du lịch đã phối hợp các sở, ngành liên quan đến môi trường tổ chức lễ ra quân vệ sinh môi trường chào đón khách du lịch năm 2022 chương trình ngày môi trường với chủ đề “Biển Đà Nẵng – Nói không với rác thải nhựa”, chương trình “Clean up Sơn Trà – Vì một Sơn Trà xanh”12.
Trong công tác lãnh đạo phát triển du lịch, vai trò của người dân là rất quan trọng, đề cập đến vai trò đó trong phát triển du lịch của thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đặc biệt đề cao đến vai trò của những tiểu thương, người buôn bán nhỏ và các tầng lớp nhân dân, khẳng định: “Nhân tố quyết định cho sự phát bền vững của du lịch, đưa hình ảnh điểm đến Đà Nẵng đi khắp thế giới chính là cộng đồng, là người dân. Điều đó lãnh đạo thành phố đã được kiểm chứng sau mỗi chuyến đi công tác, ngoại giao, đi xúc tiến, quảng bá”13. Theo đó, mỗi người dân là một đại sứ với ứng xử thân thiện, nghĩa tình sẽ tạo nên giá trị cốt lõi về chất lượng du lịch, về hình ảnh điểm đến Đà Nẵng.
(2) Tồn tại và hạn chế trong công tác lãnh đạo phát triển du lịch
Một trong những hạn chế lớn nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo là sự thiếu đa dạng trong các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc biệt là du lịch đêm và các dịch vụ giải trí cao cấp. Dù Đà Nẵng đã triển khai một số khu vui chơi, giải trí đêm, như: Sun World Danang Wonders nhưng các sản phẩm này vẫn chưa đủ tính cạnh tranh và độc đáo so với các điểm đến khác trong khu vực, như: Nha Trang, Phú Quốc hay Quảng Ninh. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thu hút du khách quốc tế trong các mùa du lịch thấp điểm, đồng thời làm giảm hiệu quả của ngành Du lịch trong việc duy trì lượng khách lưu trú dài ngày: “Mặc dù ngành Du lịch Đà Nẵng tăng trưởng mạnh, là điểm sáng nhất trong lĩnh vực kinh tế của thành phố Đà Nẵng trong 9 tháng qua, nhưng lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm mạnh. Thống kê mới nhất của ngành du lịch Đà Nẵng cho thấy, lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh, 9 tháng qua, địa phương này chỉ đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế”14.
Những hạn chế trên chủ yếu là do: “Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền về vai trò, vị trí và tầm quan trọng trong xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng chưa sâu sắc; việc tổ chức thực hiện nghị quyết có việc thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ, hiệu quả; cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với mục tiêu đặt ra; không gian phát triển hạn chế”15.
Cùng với đó, chất lượng dịch vụ du lịch, như: vấn đề về vệ sinh, chất lượng dịch vụ và thái độ của nhân viên vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của ngành Du lịch thành phố. Trong đó, tình trạng xe dù lừa đón khách và thu tiền với giá cao ở nhà ga sân bay Đà Nẵng khá phổ biến. Đã có không ít vụ tài xế lừa “chặt chém” du khách. Hiện tình trạng này vẫn phổ biến tại sân bay Đà Nẵng16. Đây là một yếu tố quan trọng mà Đảng bộ Đà Nẵng cần chỉ đạo các sở, ban, ngành khắc phục trong thời gian tới để bảo đảm ngành Du lịch của thành phố có thể cạnh tranh với các điểm đến du lịch quốc tế.
3. Một số giải pháp
Thứ nhất, đổi mới tư duy về phát triển du lịch.
Đảng bộ thành phố Đà Nẵng cần chỉ đạo đổi mới tư duy về phát triển du lịch, hướng tới sự chuyên nghiệp, hiện đại và sáng tạo trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch. Trong đó, trọng tâm là tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế và nội địa. Đặc biệt, việc chú trọng phát triển du lịch chất lượng cao và bền vững đang được ưu tiên hàng đầu nhằm bảo đảm sự phát triển lâu dài của ngành Du lịch, tránh tình trạng phát triển du lịch theo kiểu “nóng vội”, thiếu tính bền vững.
Thứ hai, phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng và bản sắc văn hóa.
Các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của Đà Nẵng, như: du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch nông thôn đang được chú trọng đầu tư và phát triển. Việc phát triển các sản phẩm này không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo ra sự mới mẻ, hấp dẫn cho du khách, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và giá trị của ngành Du lịch. Đồng thời, Đà Nẵng cũng đẩy mạnh các sản phẩm du lịch MICE (hội nghị, hội thảo) và các hoạt động du lịch kết hợp thể thao, góp phần mở rộng đối tượng khách du lịch và gia tăng thời gian lưu trú của du khách tại thành phố. Đây là bước đi quan trọng trong việc xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch đa dạng và hấp dẫn.
Thứ ba, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng du lịch.
Cải tạo, chỉnh trang cơ sở hạ tầng du lịch góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đảng bộ thành phố Đà Nẵng cần chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch. Các dự án lớn, như: mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng, xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, nâng cấp các cơ sở lưu trú và cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt, các tuyến đường bộ, đường sắt và cảng biển được nâng cấp, tạo ra kết nối thuận tiện cho du khách khi đến Đà Nẵng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch cảng biển và du lịch đường sông. Mặt khác, việc cải thiện hệ thống giao thông nội đô, đặc biệt là các tuyến xe buýt và hệ thống tàu điện nhẹ, cũng được chú trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách di chuyển và tham quan các điểm đến trong thành phố.
Thứ tư, xúc tiến quảng bá du lịch và phát triển nguồn nhân lực.
Đảng bộ thành phố cần chú trọng đến công tác xúc tiến và quảng bá du lịch. Thành phố không chỉ đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá truyền thống mà còn tăng cường sử dụng các nền tảng số và mạng xã hội để quảng bá hình ảnh điểm đến đến với du khách toàn cầu. Các sự kiện quốc tế, như: Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng (DIFF), các hội nghị quốc tế và các cuộc thi thể thao quốc tế cần được tận dụng tối đa để quảng bá du lịch Đà Nẵng.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Du lịch, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng được đặc biệt chú trọng. Các chương trình đào tạo chuyên sâu, gắn với thực tiễn và nhu cầu của thị trường lao động du lịch cần được triển khai, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ trong ngành Du lịch, đặc biệt là khả năng giao tiếp ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cho lao động ngành Du lịch. Ngoài ra, chính sách về phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Chính phủ cũng tiếp tục triển khai các chính sách bảo vệ tài nguyên du lịch, giảm thiểu tác động của du lịch đến thiên nhiên và các khu di sản. Điều này giúp ngành Du lịch phát triển một cách bền vững và thân thiện với môi trường.
4. Kết luận
Ngành Du lịch của Đà Nẵng đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Tuy nhiên, để duy trì sự phát triển bền vững, Đảng bộ thành phố cần tiếp tục đổi mới tư duy và triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường tính cạnh tranh và sự hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Việc phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, và chú trọng đến chất lượng dịch vụ sẽ tạo nền tảng vững chắc để Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của khu vực và quốc gia. Bên cạnh đó, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại, sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh thị trường du lịch toàn cầu cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để thành công, việc phát triển du lịch Đà Nẵng cần gắn liền với chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa, tạo ra một môi trường du lịch chất lượng, an toàn và hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Chú thích:
1. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2, 4, 6. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2022). Báo cáo số 179/BC-UBND ngày 17/6/2022 của UBND thành phố về Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3, 5. Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (2020). Văn kiện đại hội đại biểu lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 – 2025), tr. 66, 67.
7. Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng.https://baochinhphu.vn/so-ket-5-nam-thuc-hien-nghi-quyet-43-cua-bo-chinh-tri-ve-xay-dung-va-phat-trien-tp-da-nang-102240313193030608.htm
8. Đà Nẵng nỗ lực làm mới sản phẩm du lịch đêm. https://vietnamtourism.gov.vn/post/57089
9, 10, 13. Là điểm sáng phục hồi du lịch, Đà Nẵng đang gặp khó khăn trong cạnh tranh điểm đến.https://cadn.com.vn/la-diem-sang-phuc-hoi-nhung-du-lich-da-nang-dang-gap-kho-trong-canh-tranh-diem-den-post284856.html
11, 12. Đà Nẵng: Tiếp tục triển khai các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch. https://vietnamtourism.gov.vn/post/46833
14. Giải pháp nào để hút khách quốc tế đến Đà Nẵng. https://nhandan.vn/giai-phap-nao-de-hut-khach-quoc-te-den-da-nang-post777429.html
15. Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
16. Phục hồi nhanh chóng vẫn còn nhiều thách thức cho du lịch Đà Nẵng. https://laodong.vn/du-lich/cau-chuyen-du-lich/phuc-hoi-nhanh-chong-van-con-nhieu-thach-thuc-cho-du-lich-da-nang-1154064.html