Tổng quan tài liệu về ứng dụng công nghiệp 4.0 trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ qua phương pháp phân tích trắc lượng thư mục

Trương Thị Hồng
NCS Trường Đại học Tài chính – Marketing

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu sử dụng phương pháp tiếp cận trắc lượng thư mục, phân tích 144 ấn phẩm được xuất bản từ năm 2010 – 2024 của cơ sở dữ liệu Scopus nhằm đánh giá tổng quan các nghiên cứu về ứng dụng công nghiệp 4.0 trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần mềm VOSviewer được sử dụng để phân tích, xử lý dữ liệu. Kết quả phân tích được tổng hợp qua các bảng số liệu, trực quan hình ảnh, xu hướng nghiên cứu về chủ đề. Nghiên cứu chỉ sử dụng nguồn dữ liệu Scopus nên kết quả phân tích có thể chưa bao quát được toàn bộ các nghiên cứu đã xuất bản, các nghiên cứu tiếp theo có thể bổ sung thêm dữ liệu từ các nguồn khác để tăng tính khách quan của kết quả nghiên cứu.

Từ khóa: Ứng dụng công nghiệp 4.0; phân tích trắc lượng thư mục; VOSviewer; doanh nghiệp vừa và nhỏ.

1. Đặt vấn đề

Công nghiệp 4.0 là thuật ngữ được giới thiệu tại Đức năm 2011, đề cập đến quá trình chuyển đổi số trong hệ thống sản xuất, bao gồm tập hợp các khái niệm và công nghệ tiên tiến nhằm tái cấu trúc tổ chức và tối ưu hóa chuỗi giá trị (Ayoobkhan, 2019). Các sản phẩm công nghệ của công nghiệp 4.0 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các đề xuất có giá trị vượt trội, tập trung vào chất lượng, tính linh hoạt, tốc độ và độ tin cậy (Szász, Demeter, Rácz, & Losonci, 2021). Việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ của công nghiệp 4.0 trong doanh nghiệp không chỉ tạo ra cơ hội cải thiện hoạt động mà còn thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới. Các doanh nghiệp ở mọi quy mô đều phải thích ứng với những tiến bộ này để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng thay đổi. Hiện nay, các doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ tiên tiến nhằm mở rộng khả năng cạnh tranh, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) lại gặp khó khăn trong việc áp dụng mô hình mới.

Việc chuyển đổi sang các công nghệ mới của công nghiệp 4.0 đòi hỏi doanh nghiệp vừa và nhỏphải có chiến lược và mô hình tổ chức phù hợp (Szász và cộng sự, 2021), nếu triển khai hiệu quả thì công nghiệp 4.0 có thể giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc xây dựng các hệ sinh thái sản xuất linh hoạt, thông minh, tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường và có trách nhiệm xã hội. Do vậy, cần làm rõ quá trình triển khai công nghiệp 4.0 ở doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như những thách thức sẽ gặp phải để tổ chức doanh nghiệp vừa và nhỏ có hướng tiếp cận phù hợp. 

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp trắc lượng thư mục là phương pháp phân tích định lượng, đánh giá nghiên cứu dựa trên các thông tin tài liệu tham khảo, tác giả, tạp chí, từ khóa nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự phát triển của một chủ đề nghiên cứu (De Bellis, 2009). Phương pháp này giúp xác định các xu hướng xuất bản, đo lường tác động của các công trình nghiên cứu và khám phá mối quan hệ giữa các tác giả, chủ đề hoặc tổ chức nghiên cứu. Trắc lượng thư mục bao gồm hai phân nhánh chính: trắc lượng thư mục quan hệ: nghiên cứu mối quan hệ giữa các yếu tố, như: tác giả, tài liệu, từ khóa, thông qua các kỹ thuật phân tích trích dẫn, phân tích đồng xuất hiện từ khóa hoặc phân tích mạng lưới cộng tác; trắc lượng thư mục đánh giá: đánh giá ảnh hưởng hoặc chất lượng của các công trình nghiên cứu, tác giả, tạp chí hoặc tổ chức dựa trên các chỉ số, như: số trích dẫn, chỉ số h-index hoặc hệ số ảnh hưởng.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục để đánh giá, phân tích tài liệu khoa học từ cơ sở dữ liệu Scopus trong giai đoạn từ 2010 – 2024. Các tiêu chí sàng lọc và kết quả tìm kiếm được thể hiện qua Bảng 1.

Bảng 1. Kết quả phân tích và sàng lọc dữ liệu từ Scopus giai đoạn 2010 – 2024

Tiêu chí đánh giá, sàng lọc tài liệuSố lượng nghiên cứu
Từ khóa và cú pháp tìm kiếm từ nguồn dữ liệu Scopus: (“Ứng dụng công nghiệp 4.0*”; “triển khai công nghiệp 4.0*”; “áp dụng công nghiệp 4.0*”; “áp dụng dữ liệu lớn”; “áp dụng đám mây”;  “áp dụng phân tích dữ liệu lớn”; “áp dụng Cloud ERP”; “áp dụng blockchain”; “áp dụng điện toán đám mây”; “áp dụng trí tuệ nhân tạo”) và (“SMEs” hay doanh nghiệp vừa và nhỏ”)9.183
Ngôn ngữ tiếng Anh9.121
Thuộc các lĩnh vực: kinh doanh, quản lý và kế toán; kinh tế; kinh tế lượng và tài chính.4.463
Loại tài liệu: bài báo/bài đánh giá/kỷ yếu4.051
Sàng lọc theo chủ đề, tóm tắt và từ khóa có liên quan đến ứng dụng công nghiệp 4.0144
Nguồn: Tổng hợp của tác giả, 2024.

Kết quả tổng cộng có 9.183 tài liệu được xác định từ cơ sở dữ liệu Scopus dựa trên loại tài liệu và loại nguồn. Có 4.051 tài liệu nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính, được xuất bản bằng tiếng Anh và các dữ liệu truy xuất là các bài báo, bài đánh giá, kỷ yếu hội nghị được đăng trên các tạp chí. Nghiên cứu giới hạn tìm kiếm đối với tất cả các đóng góp có chứa từ khóa truy vấn trong tiêu đề, tóm tắt, từ khóa và truy vấn được 144 tài liệu có liên quan, các tài liệu này được sử dụng đưa vào phần mềm VOSviewer 1.6.20 để phân tích bản đồ trực quan hóa mạng.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Số lượng nghiên cứu hằng năm

Phân tích về sự phân bố bài báo nghiên cứu theo năm xuất bản của Biểu đồ 1 và Bảng 2 cho thấy, xu hướng nghiên cứu về chủ đề ứng dụng công nghiệp 4.0 ngày càng tăng trong giai đoạn từ 2010 – 2024, số lượng nghiên cứu bắt đầu tăng mạnh sau năm 2020. Từ năm 2020 đến nay, số lượng nghiên cứu là 109 bài, chiếm 76% sản lượng nghiên cứu trong toàn bộ giai đoạn từ 2010 – 2024, gấp khoảng 28 lần so với số lượng nghiên cứu trong giai đoạn từ 2010 – 2014 và gấp khoảng 4 lần so với số lượng nghiên cứu trong giai đoạn 2015 – 2019. Từ số liệu trên, chứng tỏ giới nghiên cứu khoa học ngày càng quan tâm đến chủ đề về ứng dụng công nghiệp 4.0 và sự phát triển nhanh chóng của chủ đề này.

Sự tăng trưởng liên tục của các ấn phẩm có thể được quan sát bắt đầu từ năm 2020, số lượng nghiên cứu cao nhất là vào năm 2023 với 34 ấn phẩm. Giai đoạn 2020 – 2023 là thời gian diễn ra dịch Covid-19, ảnh hưởng của giãn cách xã hội đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng cũng như quy trình hiệu quả làm việc trong tổ chức, do vậy, việc ứng dụng các sản phẩm của công nghiệp 4.0 trong doanh nghiệp đã được quan tâm nhiều hơn.

Bảng 2. Số lượng sản phẩm khoa học về chủ đề ứng dụng công nghiệp 4.0 giai đoạn 2010 – 2024

Giai đoạn 
2020 – 2024
Số bài báoGiai đoạn 
2015 – 2019
Số bài báoGiai đoạn 
2010 – 2014
Số bài báo
2024322019920141
2023342018520132
2022192017820121
2021102016520110
2020142015320101
 109 30 5
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ nguồn dữ liệu Scopus, 2024.

3.2. Số lượng nghiên cứu theo khu vực quốc gia

Qua kết quả phân tích Hình 1 và Bảng 3, nghiên cứu về ứng dụng công nghiệp 4.0 đã được thực hiện ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Các nhà nghiên cứu từ 57 quốc gia khác nhau đã góp phần vào việc xuất bản các tài liệu được truy xuất từ năm 2010 – 2024. Các quốc gia có số lượng nghiên cứu nhiều nhất là Ấn Độ (31 bài báo); Malaysia (25 bài báo); Trung Quốc (17 bài báo).

Số lượng nghiên cứu về chủ đề ứng dụng công nghiệp 4.0 nhiều nhất trong giai đoạn 2010 – 2024 cho thấy, các nghiên cứu chủ yếu được công bố ở các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển. Trong đó có Việt Nam, với số lượng nghiên cứu đã công bố là 3 bài báo, có số lượng trích dẫn là 99.

Bảng 3. Các quốc gia có số lượng nghiên cứu về chủ đề ứng dụng công nghiệp 4.0 giai đoạn 2010 – 2024

Khu vựcSố bài báo (n≥3)Số trích dẫn (Citations)Tổng độ mạnh liên kết (Total link strength)
Ấn Độ315588
Malaysia251.33215
Trung Quốc171.06215
Australia125569
United kingdom117007
Italy102265
Saudi arabia94608
Pakistan71216
United states5343
Thái Lan4450
Việt Nam3991
Indonesia3391
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ dữ liệu Scopus, 2024.

3.3. Mạng lưới đồng tác giả

Kết quả phân tích trực quan mạng lưới đồng tác giả, có 439 tác giả thực hiện về chủ đề nghiên cứu này, các tác giả có năng suất tối thiểu 4 tài liệu và tổng số trích dẫn tối thiểu là 1 hiển thị bằng kỹ thuật VOSviewer được trình bày qua Hình 2. Bản đồ gồm 4 vòng tròn, mỗi vòng tròn được kết nối với nhau cho thấy, các tác giả có sự liên kết hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu.

Tác giả có năng suất cao nhất so với số lượng công trình đã công bố cao nhất là Priyadarshinee, Pragati (5 công bố, 195 trích dẫn) và tác giả Raut, Rakesh D (5 công bố, 218 trích dẫn).

Bảng 4. Top 10 các tác giả có số lượng bài nghiên cứu nhiều nhất

STTTác giảSố bài báo
(n≥2)
Số lượng trích dẫnTổng độ mạnh liên kết
1Priyadarshinee, Pragati519510
2Raut, Rakesh D.521810
3Jha, Manoj Kumar41609
4Gardas, Bhaskar B.41925
5Maroufkhani, Parisa34191
6Leong, Lai-Ying25164
7Ooi, Keng-Boon25164
8Tan, Garry Wei-Han25164
9Warren, Matthew21106
10Yeoh, William21106
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ dữ liệu Scopus, 2024.

3.4. Các tạp chí công bố phổ biến

Bảng 5 liệt kê 10 tạp chí hàng đầu về chủ đề ứng dụng công nghiệp 4.0 trong các SMEs. Các nghiên cứu có liên quan đến chủ đề được xuất bản chủ yếu trên các tạp chí International Journal of Business Information Systems: 6 bài, Journal of Open Innovation: Technology, Market, and Complexity: 3 bài, International Journal of Business Information Systems: 3 bài và nhiều tạp chí khác.

Bảng 5. Top 10 tạp chí có số lượng nghiên cứu công bố nhiều nhất

STTTạp chíSố bài báo
(n≥3)
Số lượng trích dẫnTổng độ mạnh liên kết
1International Journal of Business Information Systems6152394
2Journal of Open Innovation: Technology, Market, and Complexity47726
3Australasian Journal of Information Systems3142220
4Benchmarking3104308
5Cogent Business and Management32441
6Industrial Management and Data Systems3387193
7Journal of High Technology Management Research3148331
8Journal of Science and Technology Policy Management3194293
9Serbian Journal of Management373
10Springer Proceedings in Business and Economics305
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ dữ liệu Scopus, 2024.

3.5. Phân tích trực quan mạng lưới từ khóa

Phân tích mạng lưới từ khóa trong các nghiên cứu có thể sử dụng để xác định hướng phát triển của lĩnh vực nghiên cứu đó. Kết quả VOSviewer thống kê có 446 từ khóa tác giả. Các từ khóa với số lần xuất hiện là 5 gồm: SMEs, điện toán đám mây, công nghiệp 4.0, big data, ứng dụng công nghệ, khung lý thuyết TOE là những từ khóa được xuất hiện nhiều nhất trong các nghiên cứu (Hình 3 và Bảng 6). Các vòng tròn trong một cụm màu gợi ý một chủ đề tương tự giữa các nghiên cứu. Mỗi hình tròn đại diện cho một lĩnh vực nghiên cứu liên quan.

Như vậy, nghiên cứu về ứng dụng công nghiệp 4.0 trong doanh nghiệp vừa và nhỏ có rất nhiều từ khóa và các chủ đề nhỏ, qua kết quả phân tích trực quan mạng lưới từ khóa, hình thành các nhóm nghiên cứu chính: (1) Nhóm nghiên cứu về việc ứng dụng điện toán đám mây trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ: 15 bài báo; (2) Nhóm nghiên cứu về các yếu tố rào cản, thách thức và cơ hội trong việc triển khai một số sản phẩm của công nghiệp 4.0 (blockchain, big data…): 52 bài báo; (3) Nhóm nghiên cứu đánh giá tổng quan các mô hình trưởng thành, sẵn sàng cho việc ứng dụng công nghiệp 4.0 của SMEs: 15 bài báo; (4) Nhóm nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ của công nghiệp 4.0 và tác động đến hiệu quả kinh doanh: 62 bài báo.

Bảng 6. Số lần xuất hiện của các từ khóa

Từ khóa cụm 1Số lần xuất hiệnTừ khóa cụm 2Số lần xuất hiện
Adoption15Barriers6
Cloud computing42Blockchain11
Cloud erp7Commerce5
Computation theory5Developing countries6
Enterprise resource planning6Digital transformation8
Malaysia5Structural equation modelling5
SMEs104Surveys7
TOE framework13  
Từ khóa cụm 3Số lần xuất hiệnTừ khóa cụm 4Số lần xuất hiện
Decision making13Top management support5
Digitalization5Big data17
Industry 4.039Cloud computing adoption7
Maturity model6Technology adoption19
Systematic literature review6Firm performance5
Sustainability5  
Nguồn: Tổng hợp, phân tích của tác giả, 2024.

Số lượng trích dẫn của một tài liệu được trích xuất từ cơ sở dữ liệu của Scopus cho biết mức độ tác động của tài liệu đó trong phạm vi chủ đề nghiên cứu (Agbo, Oyelere, Suhonen, & Tukiainen, 2021). Các công trình nghiên cứu nổi bật được trích dẫn nhiều nhất trong giai đoạn 2010 – 2024 được trình bày qua Bảng 7. Tài liệu có số lượng trích dẫn nhiều nhất là “Cloud computing adoption by SMEs in the north east of England: A multi-perspective framework” của Alshamaila, Papagiannidis, và Li (2013) đạt 600 trích dẫn.

Bảng 7. Top 10 nghiên cứu về chủ đề ứng dụng công nghiệp 4.0 có số lượng
trích dẫn nhiều nhất từ 2010 – 2024

STTTác giảTên đề tài nghiên cứuSố trích dẫn
1Alshamaila và cộng sự (2013)Cloud computing adoption by SMEs in the north east of England: A multi-perspective framework600
2Wong, Leong, Hew, Tan, và Ooi (2020)Time to seize the digital evolution: Adoption of blockchain in operations and supply chain management among Malaysian SMEs487
3Clohessy và Acton (2019)Investigating the influence of organizational factors on blockchain adoption: An innovation theory perspective273
4Maroufkhani, Tseng, Iranmanesh, Ismail, và Khalid (2020)Big data analytics adoption: Determinants and performances among small to medium-sized enterprises249
5Stentoft, Adsbøll Wickstrøm, Philipsen, và Haug (2021)Drivers and barriers for Industry 4.0 readiness and practice: empirical evidence from small and medium-sized manufacturers246
6Khayer, Talukder, Bao, và Hossain (2020)Cloud computing adoption and its impact on SMEs’ performance for cloud supported operations: A dual-stage analytical approach192
7Trigueros-Preciado, Pérez-González, và Solana-González (2013)Cloud computing in industrial SMEs: Identification of the barriers to its adoption and effects of its application107
8Ricci, Battaglia, và Neirotti (2021)External knowledge search, opportunity recognition and industry 4.0 adoption in SMEs93
9Maroufkhani, Wan Ismail, và Ghobakhloo (2020)Big data analytics adoption model for small and medium enterprises85
10Senarathna, Wilkin, Warren, Yeoh, và Salzman (2018)Factors that influence adoption of cloud computing: An empirical study of Australian SMEs84
Nguồn: Tổng hợp, phân tích của tác giả, 2024.

3. Kết luận

Kết quả nghiên cứu từ 144 bài báo thu thập được từ nguồn dữ liệu Scopus trong giai đoạn từ năm 2010 – 2024, bằng phương pháp phân tích trắc lượng thư mục đã cho thấy tổng quan về sự phát triển của nghiên cứu ứng dụng công nghiệp 4.0 trong doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới. Bảng xếp hạng các tạp chí trong ngành đã phản ánh sự tập trung của các nghiên cứu quan trọng về chủ đề này. Phân tích đồng từ khóa và mạng lưới từ khóa cho thấy, nghiên cứu về chủ đề ứng dụng công nghiệp 4.0 ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được phát triển mạnh mẽ, đa dạng và các xu hướng nghiên cứu mới nổi bật phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc triển khai công nghiệp 4.0 ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Các chủ đề nghiên cứu được quan tâm, như: phân tích động lực và rào cản triển khai công nghiệp 4.0 ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đánh giá các yếu tố tác động đến việc triển khai ứng dụng công nghiệp 4.0 ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ; công nghiệp 4.0 và sự phát triển bền vững; đánh giá các mô hình trưởng thành, sẵn sàng ứng dụng công nghiệp 4.0. Những sản phẩm công nghệ công nghiệp 4.0 được quan tâm nghiên cứu nhiều nhất trong bối cảnh tổ chức doanh nghiệp vừa và nhỏ là: điện toán đám mây (cloud computing); phân tích dữ liệu lớn (big data analytics); công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Những rào cản mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt khi triển khai ứng dụng công nghiệp 4.0, bao gồm: rào cản về mặt kỹ thuật, do hạn chế về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; rào cản về mặt tổ chức: thiếu nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực thiếu kiến thức chuyên môn; rào cản công nghệ: sự phức tạp của các sản phẩm công nghệ mới, thiếu kỹ năng và kiến thức trong việc sử dụng các công nghệ tiên tiến; rào cản pháp lý: thiếu sự phối hợp giữa nhà quản lý và các phòng ban, vấn đề lo ngại về bảo mật dữ liệu thông tin, sự hỗ trợ từ chính phủ Elhusseiny và Crispim (2022); Stentoft và cộng sự (2021); Ghobakhloo, Iranmanesh, Vilkas, Grybauskas, và Amran (2022).

Các mô hình lý thuyết hành vị hoạch định (TPB), lý thuyết chấp nhận công nghệ (TAM), lý thuyết thống nhất về chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT), lý thuyết khuyếch tán đổi mới (DOI), khung lý thuyết bối cảnh công nghệ – tổ chức – môi trường (TOE) được sử dụng chủ yếu trong các nghiên cứu về yếu tố tác động đến quyết định ứng dụng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, hai lý thuyết TOE và DOI được sử dụng nhiều nhất trong hướng nghiên cứu này. Có thể lý giải rằng, khung lý thuyết TOE đánh giá khái quát đầy đủ các bối cảnh công nghệ, tổ chức, môi trường tác động đến doanh nghiệp nên khiến nó vượt trội hơn hẵn so với các mô hình lý thuyết khác, còn DOI thể hiện các yếu tố đặc trưng cho công nghệ tác động đến quyết định đổi mới công nghệ của tổ chức. Các mô hình trưởng thành, mô hình sẵn sàng ứng dụng công nghiệp 4.0 đã được nghiên cứu nhiều trong những năm gần đây nhằm đánh giá tình trạng của các doanh nghiệp có khả năng áp dụng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, qua đánh giá, phân tích tổng quan các tài liệu cho thấy, các nghiên cứu thực nghiệm về việc ứngdụng công nghệ của công nghiệp 4.0 trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn rất ít và hạn chế(Shqair & Altarazi, 2022), thiếu mô hình đo lường hiệu quả, các nghiên cứu tương lai có thể xem xét khoảng trống nghiên cứu này.

Tài liệu tham khảo:
1. Agbo, F. J., Oyelere, S. S., Suhonen, J., & Tukiainen, M. (2021). Scientific production and thematic breakthroughs in smart learning environments: a bibliometric analysis. Smart Learning Environments, 8, 1-25.
2. Alshamaila, Y., Papagiannidis, S., & Li, F. (2013). Cloud computing adoption by SMEs in the north east of England: A multi – perspective framework. Journal of enterprise information management, 26(3), 250 – 275. doi: 10.1108/17410391311325225
3. Ayoobkhan, A. L. M. (2019). A research on cloud computing adoption practices in the context of online business SMEs in Sri Lanka. 
4. Clohessy, T., & Acton, T. (2019). Investigating the influence of organizational factors on blockchain adoption: An innovation theory perspective. Industrial Management & Data Systems, 119(7), 1457 – 1491. doi: 10.1108/IMDS-08-2018-0365
5. De Bellis, N. (2009). Bibliometrics and citation analysis: from the science citation index to cybermetrics: scarecrow press.
6. Elhusseiny, H. M., & Crispim, J. (2022). SMEs, Barriers and Opportunities on adopting Industry 4.0: A Review. Procedia Computer Science, 196, 864-871. 
7. Ghobakhloo, M., Iranmanesh, M., Vilkas, M., Grybauskas, A., & Amran, A. (2022). Drivers and barriers of Industry 4.0 technology adoption among manufacturing SMEs: a systematic review and transformation roadmap. Journal of Manufacturing Technology Management, 33(6), 1029-1058. doi: 10.1108/JMTM-12-2021-0505
8. Khayer, A., Talukder, M. S., Bao, Y., & Hossain, M. N. (2020). Cloud computing adoption and its impact on SMEs’ performance for cloud supported operations: A dual-stage analytical approach.Technology in Society, 60, 101225. doi: 10.1016/j.techsoc.2019.101225
9. Maroufkhani, P., Tseng, M.-L., Iranmanesh, M., Ismail, W. K. W., & Khalid, H. (2020). Big data analytics adoption: Determinants and performances among small to medium-sized enterprises.International Journal of Information Management, 54, 102190. doi: 10.1016/j.ijinfomgt.2020.102190
10. Maroufkhani, P., Wan Ismail, W. K., & Ghobakhloo, M. (2020). Big data analytics adoption model for small and medium enterprises. Journal of Science and Technology Policy Management, 11(4), 483-513. 
11. Ricci, R., Battaglia, D., & Neirotti, P. (2021). External knowledge search, opportunity recognition and industry 4.0 adoption in SMEs. International journal of production economics, 240, 108234.
12. Stentoft, J., Adsbøll Wickstrøm, K., Philipsen, K., & Haug, A. (2021). Drivers and barriers for Industry 4.0 readiness and practice: empirical evidence from small and medium-sized manufacturers. Production Planning & Control, 32(10), 811-828. 
13. Szász, L., Demeter, K., Rácz, B.-G., & Losonci, D. (2021). Industry 4.0: a review and analysis of contingency and performance effects. Journal of Manufacturing Technology Management, 32(3), 667-694. 
14. Trigueros-Preciado, S., Pérez-González, D., & Solana-González, P. (2013). Cloud computing in industrial SMEs: Identification of the barriers to its adoption and effects of its application. Electronic Markets, 23, 105-114. 
15. Wong, L.-W., Leong, L.-Y., Hew, J.-J., Tan, G. W.-H., & Ooi, K.-B. (2020). Time to seize the digital evolution: Adoption of blockchain in operations and supply chain management among Malaysian SMEs.International Journal of Information Management, 52, 101997.