Công giáo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

ThS. Nguyễn Trường Anh
Học viện An ninh nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Là một bộ phận quan trọng trong vườn hoa đa sắc màu tôn giáo của Việt Nam, với 5 thế kỷ hình thành, phát triển trong lòng dân tộc Việt Nam, Công giáo đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong lịch sử cũng như hiện tại. Đặc biệt, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, rất cần có sự phát huy tối đa các nguồn lực tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng từ những giá trị trong giáo lý, giáo luật đến những hành động cụ thể của chức sắc, tín đồ.

Từ khóa: Công giáo; dân tộc; kỷ nguyên vươn mình; Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh. 

Chính đặc điểm này đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng và có được sức mạnh của khối đại đoàn kết tôn giáo, dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam. Công giáo và đồng bào Công giáo là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, đã đồng hành cùng dân tộc trong suốt thời gian dựng nước và giữ nước. Chính vì vậy, cần phải phát huy tối đa các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và cùng các nguồn lực vật chất của Công giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong đồng bào Công giáo ở Việt Nam.

2. Thực hành những giá trị tốt đẹp của Công giáo phù hợp với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới

Theo quan điểm của Công giáo, toàn bộ những giá trị đạo đức tốt đẹp của người Công giáo được gói gọn điển hình trong Mười điều răn Thiên Chúa – một trong những nền tảng đạo đức Kitô giáo mà tín đồ phải tuân thủ. Những điều răn này được nêu ra từ ngay khi một tín hữu Công giáo thực hành bí tích đầu tiên – bí tích rửa tội và được nhắc đi, nhắc lại thường xuyên trong các buổi lễ nhà thờ cuối tuần, trong các dịp lễ phụng vụ của Hội thánh, của xứ, họ đạo… Chính vì vậy, những giá trị đó ăn sâu vào tiềm thức và trở thành một thứ cần thực hành tự giác trong mỗi tín hữu Kitô giáo. Những điều răn có tác dụng to lớn trong xây dựng nền tảng giá trị đạo đức cho con người, hình thành nhân cách, điều chỉnh lối sống, nâng cao phẩm giá của mỗi người. Với tư cách là một công dân, những điều răn đó phù hợp với pháp luật Việt Nam trong điều chỉnh các quan hệ xã hội từ các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình đến các quan hệ trong pháp luật hình sự. 

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được đặc trưng bởi tinh thần nỗ lực, tự lực, tự cường, vượt qua chính mình trong phát triển kinh tế – xã hội, đưa Việt Nam trở thành nước có nền kinh tế phát triển, chính trị, xã hội ổn định, phát triển hài hòa, có kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc nói chung cũng như các tôn giáo nói riêng. Với việc thực hành Huấn từ của Đức Giáo hoàng Benedict XVI Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt và quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào, tín đồ Công giáo trên cả nước đã tích cực hiện thực hóa những luân lý Công giáo về một đời sống đạo đức, phẩm giá và trách nhiệm, cụ thể là:

Thứ nhất, tích cực tham gia sản xuất, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhiều mô hình kinh doanh do tín hữu Công giáo thực hiện đã phát huy hiệu quả kinh tế cao nhờ chủ động áp dụng tiến bộ của khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, phát triển thêm nhiều ngành nghề mới, tạo công ăn việc làm cho người lao động lương – giáo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tiến tới giảm nghèo bền vững. Điển hình như, đồng bào Công giáo huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) đã thành lập được vùng nuôi heo với quy mô lớn, các trang trại đã tuân thủ việc chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, không sử dụng chất cấm, chất độc hại; nhiều dòng tu Công giáo đã nêu gương và cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng và an toàn. Đặc biệt, mặt hoạt động này có sự tham gia của nhiều linh mục, chức sắc và các cộng đoàn dòng tu trong việc động viên, hướng dẫn và nâng cao ý thức cho giáo dân trong vấn đề phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng1.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế cho bản thân, phong trào đoàn kết giúp nhau cùng phát triển kinh tế ngày càng được mở rộng và lan tỏa, như: hỗ trợ các gia đình nghèo phát triển sản xuất; đào tạo, dạy nghề giới thiệu việc làm cho người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động kể trên được các Hội dòng, giáo xứ quan tâm thực hiện, điển hình, như: Cộng đoàn Betania – Hội dòng mến Thánh giá Xuân Lộc đã tổ chức việc đào tạo và tạo việc làm cho các phụ nữ nghèo, khuyết tật; giáo xứ Nam Hà, giáo xứ Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), trực tiếp linh mục chính xứ đã chủ trì và chỉ đạo việc tổ chức chương trình Đại lý hỗ trợ các hộ nghèo chăn nuôi; đồng bào Công giáo các xã Nhân Nghĩa, Thừa Đức, Xuân Mỹ, Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) còn thành lập 10 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, như: may, thêu, chế biến nông sản để tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động2

Trong phong trào đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào Công giáo đã gương mẫu, tích cực với nhiều việc làm thiết thực, như: hiến đất, tự nguyện bàn giao mặt bằng làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình phúc lợi; gắn camera an ninh và lắp đèn thắp sáng đường làng, ngõ hẻm… Giáo dân các giáo xứ Hưng Bình, Bình Minh, Dốc Mơ, Bạch Lâm, Ninh Phát (thuộc giáo hạt Gia Kiệm, giáo phận Xuân Lộc) đóng góp kinh phí để làm 89.818 m2 đường bê tông, xây 3 cây cầu với diện tích 140 m2; các giáo xứ Thanh Hóa, Lai Ổn, Đông Vinh (thuộc giáo hạt Hòa Thanh, giáo phận Xuân Lộc) hoàn thành 3.902 m2 nhựa nóng, 3.783 m2 đường bê tông, xây dựng 1.071 m2 cống thoát nước3

Thứ hai, các hoạt động bác ái, từ thiện xã hội, giúp đỡ người yếu thế trong xã hội. Đồng bào Công giáo tích cực tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua các đợt khám, chữa bệnh lưu động hoặc tại các phòng khám, chữa bệnh từ thiện do các linh mục, nữ tu và đồng bào giáo dân thực hiện ở nhiều địa phương trên cả nước hoặc thông qua sự điều phối, giúp đỡ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ ở địa phương, nhiều linh mục đã mời gọi các y, bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trung ương về khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào có đạo hay không có đạo. Đồng bào Công giáo tích cực tham gia ủng hộ các quỹ để thực hiện các hoạt động từ thiện, bác ái, giúp đỡ người yếu thế, người có công trong xã hội. Theo thống kê của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, thành phố trong 5 năm (2017 – 2022), đồng bào Công giáo ủng hộ các Quỹ Vì biển đảo Việt Nam, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Xây nhà đại đoàn kết… với số tiền quy đổi tổng cộng hơn 2.013 tỷ đồng. Các linh mục, nữ tu không quản ngại vất vả, khó khăn, thậm chí là tính mạng của mình để trực tiếp tại các viện, các trung tâm chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS4.

Thứ ba, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu. Đồng bào Công giáo Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng nhiều hoạt động thiết thực. Các vị linh mục, ban hành giáo và các tín hữu Công giáo tại các giáo xứ, giáo họ cùng với cộng đồng dân cư ra quân dọn dẹp vệ sinh khu phố, thôn, ấp, bản làng; giữ gìn cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp. Ngoài ra, với nhận thức phát triển bền vững, ứng phó với những biến đổi khí hậu, bảo vệ, giữ gìn môi trường sống, người Công giáo đã tích cực tham gia với nhiều hoạt động cụ thể, như: mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; tiết kiệm nước, sử dụng bóng đèn và các thiết bị ít tiêu hao năng lượng, tắt đèn khi không sử dụng, không xả rác thải ra nơi công cộng, không sử dụng hóa chất độc hại trong canh tác, trồng trọt, sản xuất; tham gia trồng, chăm sóc cây, hoa dọc các tuyến đường thôn, xã mang lại cảnh quan sạch, đẹp góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, khu dân cư nông thôn kiểu mẫu và xây dựng đô thị văn minh. 

Thứ tư, tham gia tích cực phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng bào Công giáo trên cả nước nói chung đã tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự ở thôn xóm, khu dân cư; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng, chống tham nhũng góp phần xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh. Thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, nhiều tỉnh, thành phố có 100% thanh niên Công giáo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đã sẵn sàng và chấp hành lệnh nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, đồng bào tín đồ Công giáo cũng tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi việc phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm cuộc sống bình yên cho mình và cộng đồng. Cộng đoàn giáo dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cùng nhau xây dựng và thực hiện tốt các nội quy, quy ước, hương ước tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân với xã hội. Nhiều khu dân cư Công giáo luôn bảo đảm an toàn về trật tự công cộng, phòng, chống tệ nạn xã hội…; đồng bào Công giáo trên toàn quốc luôn nêu cao ý thức, tinh thần cảnh giác trước các âm mưu lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

3. Một số giải pháp 

Một là, Hội đồng Giám mục Việt Nam cần đóng vai trò quan trọng và tích cực trong nâng cao nhận thức của tín đồ về tính tất yếu của sự chuyển mình của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Giáo lý của Công giáo trong xây dựng con người, kiến tạo một xã hội, một môi trường sống của con người có những nét tương đồng và điểm chung nhất định với mục tiêu xây dựng đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Việc hướng dẫn tín đồ nhận thức và thực hiện đúng những tôn chỉ “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” của Công giáo, chính là những hành động thiết thực góp phần vào thực hiện thành công những mục tiêu mà cả dân tộc thực hiện trong thời gian tới. Công giáo và đồng bào Công giáo là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, vì vậy, việc đồng lòng, nhất trí, thống nhất trong cả nhận thức và hành động của các tầng lớp xã hội sẽ tạo nên một sức mạnh đoàn kết to lớn để thực hiện một bước chuyển mình ngoạn mục của đất nước Việt Nam.

Hai là, chức sắc, chức việc Công giáo cần tiên phong, gương mẫu đi đầu trong vận động tín đồ ra sức lao động sản xuất, học tập nâng cao trình độ, đặc biệt là ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật hiện đại, ứng dụng và thực hiện chuyển đổi số trong học tập và lao động; trực tiếp thực hiện và áp dụng những tiến bộ của chuyển đổi số trong các nhiệm vụ của giáo hội, sử dụng chuyển đổi số như một cách thức để nâng cao hiệu quả của các nhiệm vụ trong giáo hội. Từ đó, tuyên truyền để tín đồ thấy được mặt tích cực, khuyến khích ứng dụng, sử dụng chuyển đổi số như một phương tiện tất yếu trong thời đại hiện nay.

Ba là, các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở cần kịp thời cung cấp những thông tin chính thống, bám sát những định hướng, mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, cung cấp đến chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo. Trên cơ sở đó, giúp Giáo hội Công giáo Việt Nam hiểu rõ hơn về những mục tiêu tốt đẹp, tất cả vì một tương lai của Việt Nam, ra khỏi bẫy tụt hậu kém phát triển. Từ đó, xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào Công giáo cùng đồng bào cả nước, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

4. Kết luận

Là một bộ phận không thể tách rời trong dân tộc Việt Nam, cộng đồng tín hữu Công giáo đang và sẽ là lực lượng đông đảo, đóng góp sức người, sức của và trí tuệ, trở thành một nguồn lực nội sinh to lớn để Việt Nam phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… đưa Việt Nam tiến xa hơn, bền vững hơn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Chú thích:
1, 3. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (2024). Kỷ yếu Tọa đàm khoa học “Phát huy vai trò xứ họ đạo tiên tiến và nhân rộng xứ họ đạo tiên tiến trong đồng bào Công giáo. TP. Hồ Chí Minh, tr. 45, 45.
2, 4. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (2024). Kỷ yếu Đại hội Đại biểu toàn quốc người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 . H. NXB Tôn giáo, tr. 27, 28.