TS. Dương Quốc Chính
Học viện Hành chính và Quản trị công
Nhóm sinh viên1
Học viện Hành chính và Quản trị công
(Quanlynhanuoc.vn) – Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về năng lực số của sinh viên, song các nghiên cứu chuyên sâu dành cho sinh viên ngành Quản trị nhân lực vẫn còn hạn chế. Dựa trên việc phân tích các khung năng lực số hiện có, tiêu chuẩn năng lực số trong nước và quốc tế cũng như yêu cầu từ thực tiễn ngành nghề, nghiên cứu này đề xuất khung năng lực số gồm 6 nhóm năng lực cốt lõi cùng hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể nhằm hỗ trợ sinh viên xây dựng lộ trình phát triển bản thân và nâng cao khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động ngày càng số hóa.
Từ khóa: Khung năng lực số; chuyển đổi số; sinh viên ngành Quản trị nhân lực; Học viện Hành chính và Quản trị công.
1. Mở đầu
Trước làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng, đặt ra yêu cầu cao về năng lực công nghệ đối với người lao động. Năng lực số trở thành yếu tố cốt lõi giúp cá nhân thích nghi, cạnh tranh và phát triển bền vững trong môi trường hiện đại. Đặc biệt, với sinh viên ngành Quản trị nhân lực, những người sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong tương lai, việc trang bị năng lực số là yêu cầu cấp thiết.
Đối với ngành Quản trị nhân lực, việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản trị, như: tuyển dụng, đào tạo, đánh giá hiệu suất hay phát triển tổ chức ngày càng phổ biến. Do vậy, sinh viên ngành này cần được trang bị hệ thống năng lực số phù hợp để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại và góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất khung năng lực số dành riêng cho sinh viên ngành Quản trị nhân lực tại Học viện Hành chính và Quốc trị công. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích và đối chiếu các mô hình năng lực số trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu xác định các năng lực cốt lõi cần thiết, phù hợp với đặc thù đào tạo của ngành và xu hướng phát triển hiện nay.
Khung năng lực số đề xuất không chỉ giúp sinh viên nâng cao khả năng thích ứng, mà còn tạo nền tảng phát triển một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, linh hoạt, sáng tạo và chủ động dẫn dắt trong thời đại số.
2. Yêu cầu về năng lực số đối với sinh viên ngành Quản trị nhân lực
Theo UNESCO, năng lực số được hiểu là: “Khả năng truy cập, quản lý, hiểu, tích hợp, giao tiếp, đánh giá và tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ kỹ thuật số, phục vụ cho học tập, việc làm và khởi nghiệp”2. Cách tiếp cận này nhấn mạnh đến sự tổng hòa giữa hiểu biết công nghệ, tư duy thông tin và năng lực truyền thông trong môi trường số.
Tại Việt Nam, năng lực số được xác định: “là khả năng sử dụng công nghệ số để hoàn thành nhiệm vụ cụ thể hoặc để giải quyết vấn đề trong thực tiễn” 3. Từ đó, có thể hiểu năng lực số là sự kết hợp giữa hiểu biết công nghệ, khả năng xử lý thông tin và tư duy ứng dụng, giúp người học chủ động thích nghi và giải quyết hiệu quả các yêu cầu trong học tập, công việc và cuộc sống trong bối cảnh số hóa.
Trong chương trình đào tạo ngành Quản trị nhân lực tại Học viện Hành chính và Quản trị công, năng lực số bước đầu được tích hợp vào chuẩn đầu ra. Cụ thể, sinh viên cần: “Hiểu được kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin để vận dụng trong công tác (PLO1), có khả năng thực hiện nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin phục vụ lãnh đạo, quản lý (PLO8), và có năng lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc quản trị nhân lực (PLO11)”4. Tuy vậy, các tiêu chí đánh giá còn khái quát, khiến việc rèn luyện năng lực này chưa có định hướng rõ ràng.
Việc tiếp cận từ yêu cầu thực tiễn của các vị trí việc làm trong ngành Quản trị nhân lực cho thấy,năng lực số không còn là kỹ năng phụ trợ mà đã trở thành năng lực cốt lõi. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm nhiều vai trò, như: tổ chức bộ máy nhân sự, tuyển dụng và bố trí nhân lực, đào tạo và phát triển nhân lực, đánh giá công việc – thù lao lao động và quản lý quan hệ lao động. Mỗi vị trí đều đòi hỏi khả năng sử dụng công nghệ trong việc ra quyết định, phân tích dữ liệu, và tương tác trên nền tảng số.
Thực tế đã chứng minh vai trò không thể thiếu của năng lực số trong hoạt động nhân sự hiện đại. Nghiên cứu của HRM Asia (2022) nhấn mạnh rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang hỗ trợ hiệu quả trong các hoạt động tuyển dụng, đào tạo và quản lý hiệu suất, giúp các tổ chức ra quyết định dựa trên dữ liệu cụ thể, chính xác hơn5. Bên cạnh đó, báo cáo từ PwC (2022) cho thấy các doanh nghiệp áp dụng thành công chuyển đổi số có thể cải thiện tới 30% năng suất lao động và thiết lập môi trường làm việc linh hoạt, phù hợp với xu hướng làm việc từ xa6. Điều này, mở ra yêu cầu mới về khả năng thích ứng công nghệ cho các chuyên viên nhân sự.
Ngoài ra, việc ứng dụng các hệ thống quản trị nhân sự số hóa (HRIS) đang ngày càng phổ biến. Theo nghiên cứu của Nazir Khan và Ashraf (2024), “Các hệ thống này giúp tổ chức tối ưu hóa quy trình tuyển dụng và quản lý nhân sự, đồng thời cải thiện khả năng giữ chân nhân viên”7. Nghiên cứu của Qawasmeh và cộng sự (2024) cũng cho thấy, “Việc tích hợp hệ thống quản trị số hỗ trợ đáng kể trong lưu trữ, phân tích và dự báo dữ liệu nhân sự, từ đó giúp nhà quản trị theo dõi hiệu suất, dự đoán rủi ro rời bỏ và đưa ra các quyết sách hợp lý hơn”8.
Từ những yêu cầu thực tiễn nêu trên, có thể thấy, sinh viên ngành Quản trị nhân lực tại Học viện Hành chính và Quản trị công cần được trang bị đầy đủ năng lực số; không chỉ là kỹ năng công nghệ mà còn là khả năng khai thác, phân tích dữ liệu, vận hành hệ thống số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động nhân sự. Việc xây dựng một khung năng lực số rõ ràng, phù hợp với đặc thù ngành và gắn với yêu cầu việc làm là bước đi cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực cạnh tranh của sinh viên trong thị trường lao động số.
3. Các miền năng lực số cần thiết cho sinh viên ngành Quản trị nhân lực theo hướng đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm
3.1. Một số khung năng lực số tiêu biểu
Khung năng lực số cho người học là một hệ thống mô tả các kỹ năng, kiến thức cần thiết để người học có thể sử dụng công nghệ số hiệu quả trong học tập, công việc, cuộc sống. Khung năng lực này không chỉ giúp xác định các mức độ thành thạo về công nghệ số mà còn định hướng, khuyến khích phát triển các kỹ năng phù hợp với thời đại số hóa. Trên thế giới và tại Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu, đề xuất về khung năng lực số với cách tiếp cận đa dạng và đặc điểm riêng. Dưới đây là một số khung tiêu biểu được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại số hóa.
Một là, khung năng số theo Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT ngày 24/01/2025 quy định khung năng lực số cho người học.
Khung năng lực số cho người học bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu theo 8 bậc. Khái quát các miền năng lực như sau:
(1) Khai thác dữ liệu và thông tin. Tập trung vào khả năng tìm kiếm, lọc, đánh giá và quản lý dữ liệu, thông tin cũng như nội dung số, bao gồm các kỹ năng: xác định nguồn thông tin đáng tin cậy, tổ chức dữ liệu hiệu quả và sử dụng chúng để hỗ trợ ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề trong môi trường số.
(2) Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số. Nhấn mạnh khả năng sử dụng công nghệ số để tương tác, chia sẻ thông tin, làm việc nhóm và tham gia các cộng đồng trực tuyến; gồm các kỹ năng,như: giao tiếp hiệu quả qua các kênh số, tôn trọng đa dạng văn hóa, quản lý danh tính số và thúc đẩy hợp tác trong môi trường kỹ thuật số.
(3) Sáng tạo nội dung số. Tập trung vào khả năng tạo, chỉnh sửa và chia sẻ nội dung số; bao gồm các kỹ năng, như: phát triển nội dung mới, áp dụng bản quyền và giấy phép, lập trình cơ bản và tích hợp kiến thức từ nhiều nguồn để tạo ra sản phẩm số phù hợp và sáng tạo.
(4) An toàn. Tập trung bảo vệ dữ liệu, thiết bị, sức khỏe và môi trường số; bao gồm các kỹ năng,như: bảo mật thông tin cá nhân, quản lý rủi ro mạng, sử dụng công nghệ số an toàn, bảo đảm sức khỏe tâm lý và thể chất khi tương tác trong môi trường số và thúc đẩy trách nhiệm bảo vệ môi trường kỹ thuật số.
(5) Giải quyết vấn đề. Tập trung vào khả năng tư duy phản biện và sáng tạo để xác định, phân tích và giải quyết các vấn đề trong môi trường số; bao gồm các kỹ năng, như: khắc phục sự cố kỹ thuật, học hỏi công nghệ mới, điều chỉnh nhu cầu số để đạt mục tiêu và sử dụng công nghệ để đổi mới hoặc giải quyết các thách thức thực tiễn.
(6) Ứng dụng AI. Tập trung vào việc hiểu, sử dụng và đánh giá các công cụ, hệ thống AI một cách có đạo đức và trách nhiệm; gồm các kỹ năng, như: nhận biết cách AI hoạt động, áp dụng AI vào các nhiệm vụ thực tiễn, đánh giá tác động đạo đức và xã hội của Al và bảo đảm việc sử dụng AI một cách minh bạch, công bằng và có trách nhiệm.
Hai là, khung năng số của nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên quy định khung năng lực số cho sinh viên Đại học ngành Giáo dục Tiểu học (2024), gồm 7 miền năng lực thành tố với 15 chỉ số hành vi. Cụ thể:
(1) Khai thác thông tin, dữ liệu và phần mềm dạy học. Đó là khả năng tìm kiếm, truy cập và đánh giá thông tin hiệu quả thông qua môi trường số. Năng lực này giúp sinh viên sư phạm tiếp cận kiến thức, nội dung học tập và nghiên cứu bằng cách cài đặt, sử dụng và bảo trì các phần mềm thông dụng.
(2) Hợp tác và giao tiếp trong môi trường số. Đó là khả năng sử dụng các kênh giao tiếp trực tuyến (qua các ứng dụng tin nhắn, email, trang mạng xã hội…).
(3) Sáng tạo nội dung số và an toàn số. Năng lực này cho phép sinh viên sư phạm tạo ra các nội dung số hấp dẫn, sáng tạo (như: văn bản, video, hình ảnh…) bằng cách sử dụng các công cụ cơ bản và chia sẻ hiệu quả trên mạng. Tuy nhiên, hoạt động trên mạng luôn tiềm ẩn rủi ro mất an toàn. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn số là điều cần thiết để sinh viên bảo vệ bản thân và thiết bị khỏi các nguy cơ,như: bị hack tài khoản, mất thông tin cá nhân….
(4) Học tập nâng cao kỹ năng số. Sinh viên sư phạm cần chủ động tự học và cập nhật kiến thức, kỹ năng số hiệu quả. Điều này, giúp họ dễ dàng thích ứng với sự phát triển và thay đổi không ngừng của công nghệ, bắt kịp xu thế của thời đại.
(5) Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Năng lực số trong giáo dục là khả năng ứng dụng công nghệ chuyên môn vào lĩnh vực giáo dục, tối ưu hóa hiệu quả dạy học bằng công nghệ số, đồng thời cập nhật các xu hướng công nghệ mới trong ngành giáo dục. Mục tiêu của năng lực này là nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển và tiến bộ trong lĩnh vực giảng dạy và giáo dục.
Ba là, khung năng lực số của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội quy định khung năng lực số cho sinh viên Việt Nam (2021), gồm 7 nhóm năng lực với 26 tiêu chuẩn. Cụ thể các nhóm năng lực sau:
(1) Vận hành thiết bị và phần mềm: nhận biết, lựa chọn và sử dụng các thiết bị phần cứng và ứng dụng phần mềm để nhận diện, xử lý dữ liệu, thông tin số trong giải quyết vấn đề.
(2) Khai thác thông tin và dữ liệu: nhận diện được nhu cầu thông tin của cá nhân; triển khai các chiến lược tìm tin, định vị và truy cập được thông tin; đánh giá các nguồn tin và nội dung của chúng; lưu trữ, quản lý và tổ chức thông tin; sử dụng thông tin phù hợp với đạo đức và pháp luật.
(3) Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số: tương tác và giao tiếp thông qua công nghệ số và thực hành vai trò công dân số; quản lý định danh và uy tín số của bản thân trong môi trường số; sử dụng công cụ và công nghệ số để hợp tác, cùng thiết kế, tạo lập các nguồn tin và tri thức.
(4) An toàn và an sinh số: bảo vệ các thiết bị, nội dung, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số. Bảo vệ sức khỏe và tinh thần. Nhận thức về tác động của công nghệ số đối với hạnh phúc xã hội và hòa nhập xã hội. Nhận thức về ảnh hưởng của công nghệ số và việc sử dụng chúng đối với môi trường.
(5) Sáng tạo nội dung số: tạo lập và biên tập nội dung số. Chuyển đổi, kết hợp thông tin và nội dung số vào vốn tri thức sẵn có. Hiểu rõ về hệ thống giấy phép và bản quyền liên quan đến quá trình sáng tạo nội dung số.
(6) Học tập và phát triển kỹ năng số: nhận diện được các cơ hội và thách thức trong môi trường học tập trực tuyến. Hiểu được nhu cầu và sở thích cá nhân với tư cách là người học tập trong môi trường số. Học tập và nghiên cứu một cách hiệu quả trong môi trường giàu công nghệ, cả chính thức và không chính thức. Ý thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời đối với sự phát triển cá nhân. Thúc đẩy truy cập mở và chia sẻ thông tin.
(7) Sử dụng năng lực số cho nghề nghiệp: vận hành các công nghệ số trong các bối cảnh nghề nghiệp đặc thù. Hiểu, phân tích và đánh giá dữ liệu, thông tin và nội dung số đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp. Thực hành đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong môi trường số.
Bốn là, khung năng lực số của UNESCO quy định Khung năng lực số cho công dân toàn cầu (2018), gồm 7 miền năng lực với 25 năng lực thành phần.
(1) Vận hành thiết bị số: nhận dạng và sử dụng các công cụ phần cứng và công nghệ nhận diện dữ liệu, thông tin và nội dung số để vận hành các công cụ và công nghệ.
(2) Xử lý thông tin và dữ liệu: làm rõ được nhu cầu thông tin, định vị và truy cập được dữ liệu, thông tin và nội dung số; đánh giá các nguồn tin và nội dung của chúng; lưu trữ, quản lý và tổ chức dữ liệu, thông tin và nội dung số.
(3) Giao tiếp và hợp tác: tương tác, giao tiếp và hợp tác thông qua công nghệ số, đồng thời nhận thức được sự đa dạng về văn hóa và thế hệ; tương tác xã hội thông qua các dịch vụ số công cộng cũng như cá nhân và thực hành vai trò công dân; tự quản lý định danh và uy tín số của bản thân.
(4) Tạo lập sản phẩm số: tạo lập và biên tập nội dung số. Nâng cấp và kết hợp thông tin và nội dung số vào vốn tri thức sẵn có, đồng thời hiểu rõ về các giấy phép và bản quyền được áp dụng; biết cách đưa ra các lệnh dễ hiểu cho một hệ thống máy tính.
(5) An toàn kỹ thuật số: bảo vệ các thiết bị, nội dung, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số; bảo vệ sức khỏe và tinh thần; nhận thức về tác động của công nghệ số đối với hạnh phúc xã hội và hòa nhập xã hội; nhận thức về ảnh hưởng của công nghệ số và việc sử dụng chúng đối với môi trường.
(6) Giải quyết vấn đề: nhận diện nhu cầu và vấn đề, giải quyết vấn đề trong môi trường số; sử dụng công cụ số để đổi mới quy trình và sản phẩm; cập nhật quá trình phát triển của công nghệ số.
(7) Năng lực định hướng nghề nghiệp: vận hành các công nghệ số đặc thù; hiểu, phân tích và đánh giá dữ liệu, thông tin và nội dung số đặc thù cho một lĩnh vực cụ thể.
Năm là, khung năng lực số của Hội đồng Thủ thư Đại học Úc (CAUL – Council of Australian University Librarians) quy định Khung năng lực số cho người học (2015), gồm 6 miền năng lực. Cụ thể:
(1) Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông: khả năng lựa chọn và vận hành công cụ, phần mềm số phù hợp để làm việc hiệu quả trong môi trường số, đồng thời thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ.
(2) Học tập và phát triển kỹ năng số: khả năng tự học, sử dụng tài nguyên số để lập kế hoạch, tổ chức và quản lý quá trình học tập suốt đời trong môi trường số hóa.
(3) Sáng tạo số, giải quyết vấn đề và đổi mới: khả năng ứng dụng công nghệ để sáng tạo nội dung, phân tích dữ liệu và phát triển các ý tưởng, giải pháp đổi mới trong bối cảnh số.
(4) Hợp tác truyền thông và hội nhập: khả năng giao tiếp, cộng tác và làm việc nhóm hiệu quả trên nền tảng số, vượt qua rào cản không gian, ngôn ngữ và văn hóa.
(5) Thông tin, truyền thông và dữ liệu: khả năng tìm kiếm, đánh giá, sử dụng và xử lý dữ liệu, truyền thông số một cách chính xác, có đạo đức và trách nhiệm.
(6) Danh tính số và sức khỏe số: khả năng xây dựng hình ảnh cá nhân tích cực, bảo đảm an toàn, cân bằng cảm xúc, sức khỏe và hành vi có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật trong môi trường số.
3.2. Các miền năng lực số cần thiết cho sinh viên ngành Quản trị nhân lực theo tham chiếu các khung năng lực số tiêu biểu
Trên cơ sở chuẩn đầu ra chương trình đào tạo sinh viên ngành Quản trị nhân lực của Học viện Hành chính và Quản trị công, yêu cầu năng lực số của các vị trí việc làm lĩnh vực quản trị nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số và tham chiếu đến các khung năng lực số tiêu biểu nêu trên, nhóm nghiên cứu đã xác định 6 miền năng lực số cần thiết đối với sinh viên ngành Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính và Quản trị công theo mô tả ở bảng dưới đây:
Bảng 1. Bảng mô tả sự cần thiết đối với năng lực số của sinh viên ngành Quản trị nhân lực
TT | Các miền năng lực số | Các khung năng lực số tham chiếu | Mô tả sự cần thiết đối với năng lực số của sinh viên ngành Quản trị nhân lực | |
Tên khung năng lực số | Tên gọi miền năng lực số tương ứng | |||
1 | Khai thác thông tin và dữ liệu | Khung năng lực số theo Thông tư số 02/2025-TT/BGDĐT | Khai thác dữ liệu và thông tin | Năng lực khai thác thông tin và dữ liệu giúp sinh viên Quản trị nhân lực học hiệu quả hơn, ra quyết định chính xác dựa trên số liệu thực tế, đồng thời hỗ trợ đánh giá, dự báo và đề xuất giải pháp trong báo cáo, góp phần xây dựng chiến lược quản lý nhân sự cho tổ chức. |
Khung năng lực số cho sinh viên Sư phạm Tiểu học | Khai thác thông tin, dữ liệu và phần mềm dạy học | |||
Khung năng lực số trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn | Năng lực thông tin và dữ liệu | |||
Khung năng lực số UNESCO | Xử lý thông tin và dữ liệu | |||
Khung năng lực số CAUL | Thông tin, truyền thông và dữ liệu | |||
2 | Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số | Khung năng lực số Thông tư số 02/2025-TT/BGDĐT | Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số | Năng lực giao tiếp và hợp tác trong môi trường số giúp sinh viên Quản trị nhân lực trao đổi, chia sẻ hiệu quả trên nền tảng số, đồng thời rèn luyện kỹ năng mềm và xây dựng mạng lưới quan hệ, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong thời đại số. |
Khung năng lực số cho sinh viên sư phạm tiểu học | Hợp tác và giao tiếp trong môi trường số | |||
Khung năng lực số trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn | Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số | |||
Khung năng lực số UNESCO | Giao tiếp và hợp tác | |||
Khung năng lực số CAUL | Hợp tác truyền thông và hội nhập | |||
3 | Phát triển năng lực nghề nghiệp số | Khung năng lực số Thông tư số 02/2025-TT/BGDĐT | Giải quyết vấn đề | Phát triển năng lực số giúp sinh viên Quản trị nhân lực ứng dụng công nghệ hiệu quả trong tuyển dụng, đào tạo, quản lý và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ quản lý từ xa, ra quyết định chiến lược và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nghề nghiệp. |
Khung năng lực số cho sinh viên Sư phạm Tiểu học | Học tập nâng cao kĩ năng số | |||
Khung năng lực số trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn | Năng lực số liên quan đến nghề nghiệp | |||
Khung năng lực số UNESCO | Năng lực định hướng nghề nghiệp | |||
Khung năng lực số CAUL | Học tập và phát triển kỹ năng số | |||
4 | Vận hành thiết bị và phần mềm | Khung năng lực số Thông tư số 02/2025-TT/BGDĐT | Giải quyết vấn đề | Vận hành thiết bị và phần mềm giúp sinh viên Quản trị nhân lực ứng dụng công nghệ hiệu quả trong tuyển dụng, chấm công, tính lương và quản lý phúc lợi, đồng thời phân tích dữ liệu chính xác, tối ưu quy trình, giảm sai sót và nâng cao bảo mật thông tin. |
Khung năng lực số cho sinh viên Sư phạm Tiểu học | Khai thác thông tin, dữ liệu và phần mềm dạy học | |||
Khung năng lực số trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn | Vận hành thiết bị và phần mềm | |||
Khung năng lực số UNESCO | Vận hành thiết bị số | |||
Khung năng lực số CAUL | Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông | |||
5 | Sử dụng trí tuệ nhân tạo | Khung năng lực số Thông tư số 02/2025-TT/BGDĐT | Ứng dụng trí tuệ nhân tạo | Sử dụng AI là lợi thế lớn cho sinh viên Quản trị Nhân lực, giúp tự động hóa các nhiệm vụ như tạo mô tả công việc, sàng lọc ứng viên, phân tích dữ liệu và thiết kế đào tạo. AIcòn hỗ trợ dự báo xu hướng lao động, tối ưu quản lý nhân sự và nâng cao hiệu quả làm việc. |
6 | An toàn không gian số | Khung năng lực số Thông tư số 02/2025-TT/BGDĐT | An toàn | Năng lực này giúp sinh viên Quản trị nhân lực sử dụng thiết bị số an toàn, bảo vệ dữ liệu nhân sự, ứng phó với rủi ro công nghệ và nhận thức được ảnh hưởng của công nghệ số đến sức khỏe, môi trường làm việc và xã hội. |
Khung năng lực số cho sinh viên Sư phạm Tiểu học | Sáng tạo nội dung số và an toàn số | |||
Khung năng lực số trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn | An ninh và an toàn trên không gian mạng | |||
Khung năng lực số UNESCO | An toàn kỹ thuật số | |||
Khung năng lực số CAUL | Danh tính số và sức khỏe số |
3.3. Đề xuất bản mô tả khung năng lực số cho sinh viên ngành Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính và Quản trị công
Trên cơ sở tham chiếu các khung năng lực số tiêu biểu và việc xác định các miền năng lực số cần thiết cho sinh viên ngành Quản trị nhân lực. Nhóm nghiên cứu đề xuất khung năng lực số dành cho sinh viên Quản trị nhân lực tại Học viện Hành chính và Quản trị công gồm 6 nhóm năng lực với 16 tiêu chí. Cụ thể:
Bảng 2. Khung năng lực số cho sinh viên Quản trị nhân lực Học viện Hành chính và Quản trị công
STT | Các miền năng lực số | Năng lực số thành phần | Mô tả năng lực số |
1 | Khai thác thông tin và dữ liệu | 1.1. Duyệt, tìm kiếm và lọc dữ liệu, thông tin và nội dung số | – Xác định nhu cầu thông tin và lựa chọn từ khóa phù hợp để phục vụ các hoạt động quản trị nhân lực.- Khai thác hiệu quả công cụ số để tra cứu dữ liệu nhân sự, chính sách, pháp lý. |
1.2. Đánh giá dữ liệu, thông tin và nội dung số | – Đánh giá độ tin cậy, tính xác thực và mức độ cập nhật của các nguồn thông tin liên quan đến nhân lực và tổ chức.- Tổng hợp và xử lý thông tin từ nhiều nguồn để xây dựng báo cáo hoặc đề xuất phương án nhân sự phù hợp. | ||
1.3. Quản lý và lưu trữ dữ liệu, thông tin và nội dung số | – Sử dụng phần mềm và nền tảng phù hợp để lưu trữ, quản lý dữ liệu nhân sự an toàn, logic và dễ truy xuất.- Lưu trữ an toàn trên thiết bị vật lý và nền tảng đám mây, bảo đảm truy cập linh hoạt, tránh mất dữ liệu. | ||
1.4. Sử dụng và chia sẻ thông tin số | – Khai thác hiệu quả thông tin số phục vụ học tập và giải quyết vấn đề trong công việc quản trị nhân lực.- Trích dẫn, sử dụng và chia sẻ thông tin đúng pháp luật, chuẩn mực đạo đức. | ||
2 | Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số | 2.1. Tương tác thông qua công nghệ số | – Giao tiếp, phối hợp hiệu quả trên nền tảng số trong các hoạt động nhân sự, như: tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và phát triển nhân lực.- Lựa chọn phương thức giao tiếp số phù hợp với từng đối tượng và bối cảnh công việc. |
2.2. Hợp tác thông qua công nghệ số | – Lập kế hoạch, phân công, giám sát tiến độ và chia sẻ dữ liệu nhân sự hiệu quả qua công cụ số, bảo đảm làm việc nhóm linh hoạt và chuyên nghiệp.- Tuân thủ chuẩn mực chuyên nghiệp, văn hóa tổ chức và đạo đức nghề nghiệp trong môi trường số. | ||
3 | Phát triển năng lực nghề nghiệp số | 3.1. Phát triển năng lực quản trị nhân lực số | – Hiểu và vận dụng hiệu quả nguyên tắc, xu hướng và công cụ số trong công tác quản trị nhân lực.- Thực hiện thành thạo các quy trình nhân sự số như tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, quản lý hồ sơ.- Phân tích dữ liệu nhân sự để hỗ trợ ra quyết định và nâng cao hiệu quả quản trị.- Tổ chức, điều phối hoạt động nhân sự và xử lý linh hoạt các vấn đề trong môi trường số. |
3.2. Phát triển năng lực quản lý dữ liệu nhân sự số | – Hiểu rõ về quản lý dữ liệu nhân sự số, cùng các nguyên tắc đạo đức và quy định pháp lý về bảo mật, quyền riêng tư.- Quản lý hiệu quả dữ liệu nhân sự số: từ lưu trữ, truy xuất đến vận hành hệ thống thông tin nhân sự trực tuyến.- Xử lý rủi ro và đảm bảo an toàn, minh bạch trong quản lý dữ liệu nhân sự số, bảo đảm tính minh bạch và tuân thủ pháp luật. | ||
4 | Vận hành thiết bị và phần mềm số | 4.1. Vận hành thiết bị số | – Sử dụng thành thạo thiết bị văn phòng và phần mềm chuyên dụng phục vụ công việc hành chính – nhân sự.- Thực hiện tốt các thao tác trên hệ điều hành phổ biến, xử lý sự cố cơ bản và bảo trì thiết bị đúng cách- Bảo trì, sử dụng thiết bị đúng cách và bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin nhân sự. |
4.2. Sử dụng phần mềm | – Khai thác hiệu quả các công cụ trực tuyến và phần mềm phân tích dữ liệu để tổng hợp, báo cáo và hỗ trợ ra quyết định nhân sự. | ||
5 | Sử dụng AI | 5.1. Hiểu biết cơ bản về AI | – Nhận biết và phân biệt các loại công nghệ AI phổ biến và cách ứng dụng trong lĩnh vực quản trị nhân lực.- Hiểu vai trò, lợi ích, hạn chế và nguyên tắc đạo đức khi sử dụng AI trong tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và ra quyết định nhân sự. |
5.2. Sử dụng AI trong công việc quản trị nhân lực | – Hiểu vai trò, lợi ích, hạn chế và nguyên tắc đạo đức khi sử dụng AI trong tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và ra quyết định nhân sự.- Ứng dụng các công cụ AI trong phân tích dữ liệu để dự báo xu hướng, đánh giá nhu cầu và đề xuất chiến lược nhân sự.- Sử dụng các giải pháp AI như phân tích đơn xin việc, phỏng vấn tự động, trợ lý ảo… nhằm nâng cao hiệu quả tuyển dụng và phát triển nhân lực. | ||
5.3. Sử dụng AI có đạo đức và trách nhiệm | – Hiểu rõ và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức khi sử dụng AI trong lĩnh vực nhân sự, bao gồm tôn trọng quyền riêng tư, bảo đảm công bằng, minh bạch và không phân biệt đối xử.- Sử dụng AI có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật về dữ liệu cá nhân, lao động và công nghệ.- Nhận diện, phòng tránh rủi ro đạo đức trong tuyển dụng, đánh giá, đào tạo và ra quyết định nhân sự. | ||
6 | An toàn không gian số | 6.1. Bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất | – Hiểu rõ tác động của công nghệ số đến sức khỏe tinh thần và thể chất, xây dựng thói quen sử dụng công nghệ hợp lý.- Sử dụng thiết bị và ứng dụng số an toàn, bảo vệ sức khỏe và quyền riêng tư.- Nhận diện, ứng phó kịp thời với rủi ro trên không gian số để bảo đảm an toàn cá nhân và tổ chức.- Sử dụng công nghệ có trách nhiệm, góp phần bảo vệ môi trường sống an toàn và bền vững. |
6.2. Bảo vệ thiết bị và dữ liệu cá nhân | – Sử dụng thiết bị số đúng cách, bảo đảm hiệu suất và an toàn trong công việc nhân sự.- Áp dụng các biện pháp bảo vệ thiết bị và dữ liệu, như: mật khẩu mạnh, sao lưu, diệt virus, mã hóa thông tin.- Nhận diện và ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa số nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động quản trị nhân lực. | ||
6.3. Bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư | – Hiểu và quản lý danh tính số cá nhân an toàn, kiểm soát thông tin và dấu chân số khi tham gia các hoạt động học tập và nghiệp vụ nhân sự.- Nhận diện rủi ro bảo mật dữ liệu nhân sự và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, như: mật khẩu mạnh, xác thực đa yếu tố, quản lý tài khoản hiệu quả.- Tuân thủ pháp luật và đạo đức về quyền riêng tư khi tiếp cận, xử lý và chia sẻ dữ liệu cá nhân trong môi trường làm việc số. |
4. Kết luận
Công cuộc chuyển đổi số đang dần định hình lại ngành Quản trị nhân lực, đòi hỏi sinh viên phải trang bị các kỹ năng mới để thích nghi và phát triển trong môi trường làm việc hiện đại. Nhận thức được điều này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng khung năng lực số dành cho sinh viên Quản trị nhân lực tại Học viện Hành chính và Quản trị công, bao gồm 6 nhóm năng lực và 16 tiêu chí đánh giá. Mỗi tiêu chí trong khung năng lực được xây dựng không chỉ giúp sinh viên định hình lộ trình phát triển cá nhân một cách chiến lược mà còn là nền tảng giúp họ linh hoạt ứng dụng công nghệ vào công tác nhân sự. Việc triển khai hiệu quả khung năng lực sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh cho sinh viên và góp phần kiến tạo giá trị bền vững cho tổ chức, nhà trường và xã hội trong kỷ nguyên số.
Chú thích:
1. Nhóm sinh viên khóa 22, Khoa Quản trị nhân lực – Học viện Hành chính và Quản trị công: Vũ Thị Hoa Linh, Trần Thị Xuân Thịnh, Nguyễn Thị Kim Chi, Nguyễn Khánh Huyền, Nguyễn Thị Thanh Loan.
2. UNESCO (2018). A Global framework of reference on digital literacy skills for indicator 4.4.2. UNESCO Institute for Statistics, Information Paper No. 51.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2025). Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT ngày 24/01/2025 quy định khung năng lực số cho người học.
4. Bộ Nội vụ – Học viện Hành chính Quốc gia (2023). Chương trình đào tạo trình độ đại học hình thức chính quy, ngành Quản trị nhân lực.
5. Charles Chau (2022). Digital transformation to impact Vietnam’s employment structure. HRM Asia. Available at https://hrmasia.com/digital-transformation-to-impact-vietnams-employment-structure.
6. PwC (2022). Vietnam Digital Readiness Report. PwC Vietnam. https://www.pwc.com/vn/en/publications/vietnam-publications/digital-readiness.html.
7. Khan, N. & Ashraf, J. (2024). The transformative role of human resource information systems (HRIS) in talent management post-pandemic: A comprehensive review. International Journal of Multidisciplinary Research and Growth Evaluation. 5(1), 245-250.
8. Qawasmeh, E. Qawasmeh, F. & Daoud, M. K. (2024). Digital Transformation in HRM: Leveraging AI and Big Data for Employee Engagement and Retention. Journal of Ecohumanism, 3(3), 2044 – 2051.
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Văn Hùng (2021). Năng lực số 2021- Khung năng lực số dành cho sinh viên. Khoa Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Trịnh Thị Phương Thảo, An Biên Thùy, Nguyễn Thị Lan Ngọc (2024). Đề xuất khung năng lực số cho sinh viên sư phạm tại Việt Nam. Tạp chí Giáo dục. 24 (22). 1- 6.
3. Khan, N., & Ashraf, J. (2024). The transformative role of human resource information systems (HRIS) in talent management post-pandemic: A comprehensive review. International Journal of Multidisciplinary Research and Growth Evaluation. 5(1), 245-250.
4. Law, N. et al, (2018). A Global Framework of Reference on Digital Literacy Skills for Indicator 4.4. 2.
5. Qawasmeh, E. Qawasmeh, F. & Daoud, M. K. (2024). Digital Transformation in HRM: Leveraging AI and Big Data for Employee Engagement and Retention. Journal of Ecohumanism, 3 (3), 2044 – 2051.
6. UNESCO (2018). A Global framework of reference on digital literacy skills for indicator 4.4.2. UNESCO Institute for Statistics, Information Paper No. 51.
7. Vietnam Digital Readiness Report. PwC Vietnam.chttps://www.pwc.com/vn/en/publications/vietnam-publications/digital-readiness.html.